Dạy Con Làm Giàu – Tập 10

CHƯƠNG 3



Tại sao làm việc không công?

SỰ KHÁC NHAU GIỮA NGHỀ NGHIỆP VÀ CÔNG VIỆC

“Con có thấy sự khác nhau giữa nghề nghiệp và công việc không?” Ngày nọ người cha giàu hỏi.

Tôi hơi bối rối và hỏi lại, “Không phải hai thứ là một sao cha? Không phải nghề nghiệp giống như công việc sao?”

Người cha giàu lắc đầu nói, “Nếu con muốn thành công trong đời, con cần biết sự khác nhau đó.”

“Có gì là quan trọng?” Mike hỏi và cả hai đứa nhún vai, chờ bài học của cha vì biết nó sẽ đến cho dù chúng tôi có muốn nghe hay không.

“Cha ruột của con thường nói gì về chuyện tìm việc làm?”

Nghĩ một chút, tôi trả lời, “Cha con vẫn nói là đi học và học cho giỏi vào để tìm được việc làm tốt.”

“Thế cha con có nói ‘Làm bài tập đi để có việc làm tốt không?”

“Vâng, có” tôi trả lời. “Cha con có nói những điều như thế.”

“Vậy cái khác nhau giữa nghề nghiệp và công việc là gì?” người cha giàu hỏi lại.

“Con không biết” tôi trả lời. “Với con thì cái nào cũng là công việc thôi.”

“A, con hiểu cha muốn nói gì rồi,” Mike thốt lên. “Nghề nghiệp là việc con làm được trả lương. Còn công việc thì con không được trả lương, ví dụ bài tập về nhà. Công việc là những gì con làm để chuẩn bị cho nghề nghiệp của mình.”

Người cha giàu gật đầu, “Đúng vậy. Đó là sự khác nhau giữa công việc và nghề nghiệp. Con ăn lương từ nghề của mình nhưng con chẳng được trả lương cho việc của mình.” Nhìn tôi, ông hỏi, “Thế con có được trả tiền để dọn cỏ hay mẹ con có được trả tiền để làm việc nhà không?”

“Dạ không,” tôi trả lời. “Trong nhà con không có chuyện đó. Con còn chẳng được cho tiền tiêu vặt nữa là.”

“Vậy con có được trả tiền làm bài tập không?” người cha giàu hỏi. “Cha con có cho tiền để con đọc sách không?”

“Dạ không,” tôi trả lời giọng nghi ngờ. “Ý cha là bài tập về nhà cũng là bước chuẩn bị cho nghề nghiệp của con?”

“Đúng vậy đấy,” người cha giàu mỉm cười. “Về chuyện tiền bạc, càng làm nhiều bài tập, con càng kiếm được nhiều tiền trong nghề nghiệp. Những ai không làm bài tập sẽ kiếm được ít tiền hơn, cho dù là làm công hay làm chủ.”

Nghĩ ngợi một lúc, cuối cùng tôi nói, “Vậy có thực là nếu con không làm bài tập về nhà khi đi học, con sẽ không có nghề lương cao?”

“Phải, ý cha là thế,” người cha giàu nói. “ít nhất, nếu con không làm bài tập thì con sẽ không thể trở thành bác sĩ, kế toán, hay luật sư. Nếu con đi làm công, con sẽ gặp khó khăn trên đường thăng tiến và ít lương bổng nếu con không có các kỹ năng được đào tạo đàng hoàng hay bằng cấp đại học.”

“Và nếu muốn trở thành chủ doanh nghiệp, chúng con cần làm nhiều loại bài tập khác nữa?”

Người cha giàu gật đầu nói, “Và nhiều chủ doanh nghiệp thôi việc mà không làm bài tập. Vì thế mà rất nhiều doanh nghiệp nhỏ thất bại hoặc rất vất vả chuyện tài chính.”

“Vì thế mà cha đang ép chúng con làm bài tập để trở thành chủ doanh nghiệp.”

“Chính xác,” người cha giàu nói. “Và vì thế mà cha không trả tiền cho các con. Làm việc không lương cho cha tức là các con đang làm bài tập. Nhiều chủ doanh nghiệp không hiểu chuyện làm việc không lương. Họ cho rằng cái gì họ làm cũng phải được trả tiền chứ. Vì thế mà họ thất bại. Họ tiếp tục suy nghĩ theo cách của người làm công. Họ muốn được hưởng lương đều đặn.”
NHIỀU VIỆC NHƯNG LẠI KHÔNG NGHỀ

“Trong những khu vực nghèo của thành phố, có rất nhiều công việc làm… nhưng lại có ít nghề nghiệp,” người cha giàu nói tiếp.

Tôi nghĩ một lúc nhưng cuối cùng lặp lại những gì ông nói, “Có nhiều việc làm nhưng lại không có nghề?” Tôi thấy sao mà đánh đố quá và cần phải nghĩ thêm những gì ông nói.

“Tại sao lại như vậy?” Mike hỏi.

“Một lý do là chúng ta được đào tạo ở trường để có nghề nghiệp. Nếu không có nghề, anh sẽ thất nghiệp dù có nhiều chỗ làm đến mấy. Khi nhà máy đóng cửa hay chuyển ra nước ngoài, hậu quả thường là rất nhiều nhân viên mất việc.”

Người cha giàu tiếp tục giải thích, “Người làm công không thấy nghề thì sẽ không làm gì cả. Ngược lại, chủ doanh nghiệp thấy rất nhiều cơ hội. Họ biết nghề nghiệp sẽ đến nếu làm xong việc.”

“Và họ cần đào tạo lại. Họ cần làm bài tập” tôi thêm vào. “Đó là việc cần làm cho xong.”

“Đó chỉ là một phần việc,” người cha giàu nói. “Nào… điều cha muốn nói là có quá nhiều người nhầm lẫn giữa công việc và nghề nghiệp. Quá nhiều người mong đợi được đào tạo nghề miễn phí. Ngay cả khi đã có nghề, vẫn có rất nhiều nhân viên mong muốn ông chủ vừa đào tạo thêm cho họ vừa trả lương.”

“Họ muốn công ty trả tiền cho việc đào tạo của họ?” tôi hỏi. Còn là một đứa trẻ và chưa từng làm việc trong một công ty lớn, ý nghĩ đòi được trả lương trong khi đào tạo nghe thật xa lạ với tôi.

“Nhiều người còn mong muốn Chính phủ phải đào tạo miễn phí cho họ nữa kìa,” người cha giàu nói thêm.

“Và vì thế mà cha gọi họ là người nghèo,” Mike nói. “Không chỉ là chuyện tiền bạc, đó là thái độ nghèo đối với giá trị của giáo dục, đào tạo, và chuẩn bị cho chính mình những kỹ năng mà người ta rồi sẽ phải trả tiền cho nó.”

Người cha giàu đồng ý, “Cha đã thấy những nhân viên dự các khóa đào tạo mà mắt cứ liếc đồng hồ. Đến giờ tan lớp, họ đứng bật dậy ra khỏi lớp dù giáo viên vẫn chưa dứt bài. Hay cha thấy có nhân viên ra đứng ngoài, hút thuốc tán gẫu; hay đi uống ở bar và xem thể thao trên ti vi; rồi cợt nhả với các nhân viên khác thay vì dự các khóa học mà người chủ đã trả tiền cho anh ta học. Vì thế mà có rất nhiều người cả đời không giàu lên được. Có quá nhiều người chẳng học được gì dù là miễn phí hay được trả tiền cho học. Và điều này có cả ở nhân viên lẫn chủ doanh nghiệp.”

Vì xuất phát từ gia đình công chức giáo dục, tin vào giáo dục miễn phí nên tôi hỏi, “Cha có thể giải thích thêm cho con mối quan hệ giữa công việc và nghề nghiệp không?”
BÁC SĨ LÀM VIỆC KHÔNG CÔNG

“Dĩ nhiên” người cha giàu nói. “Bác sĩ y khoa tốn rất nhiều tiền và thời gian để học làm bác sĩ trước khi họ có thu nhập. Đó là lý do vì sao họ kiếm nhiều tiền hơn những người khác.”

“Bác sĩ làm bài tập trước khi họ được trả lương,” Mike nói thêm.

VẬN ĐỘNG VIÊN CHUYÊN NGHIỆP LÀM VIỆC KHÔNG CÔNG

“Đúng như thế,” người cha giàu nói. “Và cũng xét các vận động viên xuất sắc kiếm được nhiều tiền. Cha chưa thấy vận động viên xuất sắc nào được trả tiền khi luyện tập thể thao. Hầu hết các vận động viên chuyên nghiệp đều bắt đầu từ sớm, luyện tập nhiều hơn và vất vả hơn các vận động viên bình thường. Họ luyện tập nhiều năm, nhiều người phải trả tiền học, mất rất nhiều thời gian trước khi bắt đầu kiếm được tiền. Họ phải làm bài tập trước khi có nghề nghiệp chuyên môn.”

“Vì thế mà cha không trả tiền cho chúng con” tôi nói nhẹ nhàng. “Chúng con làm không công cho cha.”

Người cha giàu mỉm cười, “Đến cả the Beatles còn phải làm không công trước khi trở nên nổi tiếng thế giới và giàu có nữa là. Giống như bác sĩ hay các nhà chuyên môn, họ cũng phải trả một cái giá. Họ làm bài tập. Họ không đòi hỏi có hợp đồng thu được đảm bảo, không lương tháng, và không bảo hiểm y tế trước khi họ bắt đầu luyện tập.”

“Con đã mua nhiều đĩa nhạc của nhóm” Mike nói. “Con đã giúp họ giàu có.”

“Họ tự làm giàu cho mình đấy chứ” người cha giàu cười nói. “Làm bài tập còn ứng dụng trong nhiều thứ chứ không chỉ là tiền. Điều đó cũng đúng với sức khỏe nữa. Nhiều người bệnh tật chỉ vì họ không vận động.”
“Vì không luyện tập nên họ có sức khỏe kém” tôi nói.

“Các con có để ý từ nghèo không?” người cha giàu hỏi. “Nghèo tiền bạc và nghèo sức khỏe. Những người lười biếng và thiếu kỷ luật thường là những người nghèo

cả tiền bạc lẫn sức khỏe.”

“Vì thế mà chúng con cần làm bài tập nếu chúng con muốn trở thành chủ doanh nghiệp” tôi kết luận.

“Do đó mà các con làm việc không công cho cha trong những năm này. Các con đang làm bài tập để trở thành ông chủ. Nếu Cha huấn luyện các con làm nhân viên, cha sẽ trả lương theo giờ cho các con.”

“Và vì thế mà cha ruột của con, một giáo viên công chức, đã rất tức tối khi cha bắt con làm không công cho cha,” tôi nói thêm.

Người cha giàu bật cười và gật đầu, “Cha ruột con nghĩ theo cách của người làm công. Vì thế mà ông nghĩ cha nên trả lương cho con. Ông ấy không hiểu làm việc không công. Ông ấy không hiểu rằng con đang học những bài học vô giá. Đó không phải là cách giáo dục mà ông trân trọng. Kiểu giáo dục một nhân viên cần khác với kiểu giáo dục một chủ doanh nghiệp.”

“Vì thế mà cha ruột con nghĩ cha đang gạt chúng con,” tôi tiếp lời.

“Cha biết” người cha giàu mỉm cười. “Nghe này, nhiều năm nữa, con sẽ rất giàu có nhờ những gì cha đang dạy con. Những gì con học được giá trị hơn lương tháng nhiều.”
TRƯỚC KHI BẠN THÔI VIỆC

Trước khi thôi việc, bạn cần tìm hiểu có bao nhiêu công việc khác nhau hình thành nên một doanh nghiệp.

Người cha giàu nói, “Một người cực kỳ thành công khi đi làm công – ví dụ như ngành bán hàng – chưa chắc cũng thành công tương tự khi mở công ty.” Lý do theo ông là bán hàng chỉ là một trong rất nhiều những nghề cần trong một công ty. Một quan điểm nữa của ông: một công ty khó khăn là công ty có một hay một số ” nghề không được thực hiện hoặc thực hiện không tốt. “Chủ doanh nghiệp có thể làm việc vất vả mỗi lúc một nghề. Vì thế mà nhiều chủ công ty tư nhân phải chật vật và đôi khi kiệt sức vì làm việc quá nhiều. Họ làm việc cực nhọc nhưng không thể làm được hết các nghề mà một công ty đòi hỏi.”
NHỮNG CÔNG VIỆC CƠ BẢN TRONG MỘT CÔNG TY

Trong cuốn Dạy con làm giàu (tập 3), Tam giác C-Đ đã được giới thiệu. G và Đ là viết tắt từ Chủ doanh nghiệp và nhà Đầu tư trong Kim tứ đồ.

Đây là Tam giác C-Đ mà người cha giàu đã chỉ cho tôi.

Ngưởi cha giàu nói với tôi, “Nếu con sắp là chủ doanh nghiệp hay nhà đầu tư, hiểu rõ Tam giác C -Đ là điều bắt buộc cho thành công của con.” Lúc còn là một cậu bé, tôi không hoàn toàn tin hay đề cao sự đánh giá của người cha giàu về tầm quan trọng của tam giác này. Nhưng ngày nay thì tôi tâm phục.
MỘT SẢN PHẨM MỚI TUYỆT VỜI

Có rất nhiều người vẫn nói, “Tôi có ý tưởng cho một sản phẩm mới rất tuyệt.” Như bạn thấy trong Tam giác C-Đ, sản phẩm chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
NGHỀ NGHIỆP

Bạn có thể nghĩ đến các khía cạnh khác nhau của công ty giống như bảng mô tả công việc. Để thành công, công ty cần những người có kỹ năng để hoàn thành từng chức năng này. Bắt đầu với sản phẩm, bạn sẽ thấy một danh sách các nghề cần có để đưa sản phẩm ra thị trường. Nói một cách đơn giản, những yếu tố sản phẩm, luật, hệ thống, giao tiếp và trao đổi thông tin (hay gọi tắt là truyền thông), và lưu lượng tiền mặt gắn với những nghề chuyên môn cần có cho công ty hoạt động thành công. Nếu một hay một số những yếu tố này không được thực hiện hoặc thực hiện kém, công ty sẽ gặp khó khăn và thường là thất bại.

Khi việc kinh doanh kem của ngưởi cha nghèo bắt đầu thất bại, nguyên nhân không phải là sản phẩm kem không đạt; thực ra là kem rất ngon. Theo ý tôi, lý do kinh doanh thất bại là vì cha tôi không phải là một người làm tiếp thị hay bán hàng giỏi. Ông là một người giao tiếp giỏi nếu nói về khoản diễn thuyết, nhưng ông thất bại khi làm công việc được gọi là giao tiếp và trao đổi thông tin.

Đào sâu thêm bài học kinh doanh kem của người cha nghèo, cha tôi đã không nhận ra rằng bán hàng và tiếp thị không chỉ đơn giản là đăng quảng cáo hay bán thêm được một cúp kem nữa cho khách hàng. Vấn đề nảy sinh khi ông nghĩ rằng nhãn hiệu kem là tất cả những gì ông cần để thành công. Vấn đề bắt đầu khi ông thuê một vị trí rẻ tiền ở một siêu thị xa lắc. Tiệm kem nằm trong góc khuất của môt siêu thị hạng thường. Có nghĩa là chẳng có mấy người hay xe qua lại trước tiệm. Không ai biết có tiệm kem ở đó. Ông nghĩ nhãn hiệu kem đủ mạnh để kéo khách đến. Như tôi đã nói ở chương một, việc kinh doanh bắt đầu thất bại từ trước khi nó ra dời.
ÔNG ĐÃ GẦN ĐẾN ĐÍCH

Theo thứ tự, ông đã làm rất tốt trong việc chọn sản phẩm. Phần pháp lý cho nhượng quyền cũng tốt. Hệ thống làm kem thì tuyệt hảo. Chủ nhượng quyền đòi hỏi phần kế toán rõ ràng là một yêu cầu của kinh doanh nên phần lưu lượng tiền mặt cũng đã được giải quyết. Vấn đề chỉ là không có đủ tiền để đếm thôi. Như vậy, người cha nghèo đã giải quyết tốt bốn trong năm yếu tố của tam giác C-Đ. Ông đã gần đến đích.

Điều cha ruột tôi làm không tốt chính là truyền thông. Ông không hiểu hết sự phức tạp của bán hàng và tiếp thị. Khi không bán được hàng, kinh doanh bắt đầu sụp đổ. Thay vì giảm thua lỗ và lập tức mua một vị trí tốt hơn, cha tôi lại làm giống như nhiều người vẫn làm khi doanh thu giảm và tiền bạc trở nên khó khăn. Ông giảm người làm. Ông cắt giảm quảng cáo. Ông hà tiện thay vì tăng chi tiêu.

Khi chi tiền, ông lại chi cho các khoản kiện tụng, đổ lỗi cho chủ nhượng quyền về khó khăn của mình. Chẳng có gì phí phạm, cho bằng theo đuổi một vụ kiện. Thế nhưng đó là cách thông thường khi người ta đổ lỗi thay vì học hỏi. Thay vì nhìn lại những hành động của mình và chịu trách nhiệm cho chính những sai phạm, cha

ruột tôi lại khăng khăng mình đúng. Cuối cùng ông phá sản. Có một bài thơ mô tả những người sẵn sàng chết để được đúng. Nó như thế này:
Nằm đây thân xác Justin Grey

Anh chết, bảo vệ rằng mình ngay

Anh đúng… lý lẽ đứng về anh

Nhưng chết rồi, đúng sai có còn nghĩa gì.

Cứ mỗi lần thấy người ta đứng chờ ở ngã tư, hy vọng tất cả xe hơi đều dừng lại để họ băng qua con đường đông đúc, tôi lại nghĩ đến bài thơ này. Khi tôi gặp những người lúc nào cũng cần mình đúng; những người thường đổ lỗi cho người khác khi có trục trặc; những người thích tranh cãi hơn lắng nghe; những người biết mọi câu trả lời; và những người nghĩ họ là cái rốn của vũ trụ, tôi lại nghĩ đến bài thơ này. Tôi cũng vẫn thầm đọc bài thơ này cho chính mình bất cứ khi nào tôi trở thành chàng Justin Grey nọ.
TAM GIÁC CỦA THÀNH CÔNG TÀI CHÍNH

Tam giác C-Đ không chỉ áp dụng cho nhóm C và Đ trong Kim tứ đồ. Nhìn vào Kim tứ đồ dưới dây, bạn sẽ thấy có một Tam giác C-Đ dưới mỗi nhóm.

Ví dụ nếu một nhân viên là tiếp tân thì sản phẩm của người đó sẽ là trả lời điện thoại tốt. Đó là sản phẩm của nghề tiếp tân. Theo tôi nghĩ, tiếp tân là một trong những nghề quan trọng nhất trong công ty. Nếu tiếp tân làm tốt thì việc công ty cũng trôi chảy hơn. Nếu tiếp tân có sản phẩm kém, ví dụ như trả lời điện thoại thô lỗ thì giá trị của người đó đối với công ty đi xuống. Tiếp tân đó cần được hướng dẫn,

đào tạo lại, hoặc cho nghỉ việc. Tôi chắc là chúng ta ai cũng từng một lần gặp tiếp tân thô lỗ rồi.

Tiếp tân cũng có quyền pháp lý. Nếu công ty vi phạm những quyền đó, tiếp tân có thể thưa kiện. Tiếp tân là một phần không thể thiếu của cả hệ thống kinh doanh. Ở nhà, tiếp tân có thể là lãnh đạo một hệ thống gọi là nhà cửa và gia đình. Nếu cuộc sống gia đình hạnh phúc, người tiếp tân đó sẽ dễ làm việc công ty tốt hơn. Nếu hệ thống ở nhà bị trục trặc, ví dụ không có máy sưởi, không nước, mái dột, người nào đó trong gia đình gặp khó khăn, hệ thống trục trặc ở nhà đó có thể ảnh hưởng đến hệ thống của công việc.

Vì người tiếp tân là một mắt xích tương tác trong hệ thông truyền thống của công ty, nếu người đó có kỹ năng giao tiếp và trao đổi thông tin kém, hẳn nhiên, cả hệ thống kinh doanh sẽ chịu ảnh hưởng. Việc tái đào tạo hoặc thay thế là cần thiết. Nếu tiếp tân có cách giao tiếp và trao đổi thông tin đầy tình thương trong gia đình, điều đó sẽ phản ánh trong cuộc sống của tiếp tân. Nếu giao tiếp và trao đổi thông tin ở nhà là những lời lẽ không tốt đẹp thì nó có thể ảnh hưởng nhiều đến phong cách làm việc của nhân viên tiếp tân đó.

Quản lý lưu lượng tiền mặt ở nhà rất quan trọng. Nếu vị tiếp tân nọ tiêu xài quá trớn thì không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình mà còn có thể ảnh hưởng cả thái độ trong công việc. Lý do số một cho các cuộc cãi cọ trong hôn nhân là chuyện tiền bạc. Nhiều cuộc hôn nhân có kết cuộc đáng buồn chỉ vì những vấn đề về lưu lượng tiền mặt trong gia đình.

BÀI TẬP CỦA MỘT CHỦ DOANH NGHIỆP

Trước khi thôi việc, chủ doanh nghiệp nên làm bài tập trước, có nghĩa là đảm bảo nắm vững năm yếu tố trong Kim tứ đồ của việc kinh doanh.
1. Sản phẩm
2. Luật

3. Quản lý các hệ thống

4. Giao tiếp và trao đổi thông tín (Truyền thông)

5. Lưu lượng tiền mặt

Nếu chủ doanh nghiệp nắm không vững một trong số năm yếu tố này thì công ty có nguy cơ thất bại, khó khăn về tài chính., hoặc không thể phát triển được. Đó là lý do mà bài học trong chương một có tên: Một công ty thành công được hình thành từ trước khi nó ra đời.
TÔI CÓ Ý TƯỞNG CHO SẢN PHẨM MỚI

Cứ khi nào có người nói, “Tôi có ý tưởng cho sản phẩm mới,” bản danh sách năm yếu tố này lại có thể được sử dụng, mang lại chút thực tiễn trên chặng đường đưa sản phẩm ra thị trường. Trong hầu hết các trường hợp, những ông chủ tương lai bỏ dở ý tưởng vì họ không sẵn sàng làm bài tập. Họ lập tức nhận ra rằng vì sao sản phẩm mới chỉ là đỉnh của tảng băng trôi hay cụ thể hơn ở đây là phần đỉnh của Tam giác C -Đ.
VÌ SAO HỌ BỎ CUỘC

Một lý do khiến rất nhiều chủ doanh nghiệp tương lai bỏ cuộc là họ bắt đầu nhận ra rằng mình chỉ mới được đào tạo một trong năm yếu tố của Tam giác C-Đ. Ví dụ, một người sáng tạo chỉ được đào tạo đầy đủ về thiết kế sản phẩm. Một luật sư lại chỉ được đào tạo cho phần luật của công ty. Một kỹ sư chỉ được học về sản phẩm hay quản lý các hệ thống chứ không phải các yếu tố khác. Một người có bằng cấp bán hàng và tiếp thị chỉ giỏi về truyền thông. Và một nhân viên kế toán có thể chỉ chuyên về lưu lượng tiền mặt.

Khi chủ doanh nghiệp tương lai nhìn vào năm yếu tố, thường họ nhận ra mình còn phải làm nhiều bài tập nữa trước khi sản phẩm mới hấp dẫn của họ trở thành cỗ máy in tiền.

NHỮNG NGƯỜI CHUYÊN MÔN LÀM TƯ

Những người làm chuyên môn có học vấn cao hay có mức độ thành công cao hơn vì họ thường được đào tạo nhiều hơn một nghề. Ví dụ, xét công ty của một luật sư theo Tam giác C-Đ:

1. Sản phẩm: Luật sư là sản phẩm. Bạn thuê luật sư cho các dịch vụ mà họ đã được đào tạo để thực hiện.
2. Luật: Luật sư được cấp phép. Nhìn chung các hợp đồng xác định quyền và nghĩa vụ của từng thành viên trong công ty luật. Ngoài ra, hầu hết luật sư đều làm hợp đồng để xác định mối quan hệ của họ với khách hàng.

3. Hệ thống: Luật sư được đào tạo để lập các hệ thống kinh doanh thực hiện dịch vụ, tính tiền và thu tiền. Ví dụ, để cung cấp nghiên cứu pháp lý được hiệu quả về chi phí, các luật sư ít kinh nghiệm và phí rẻ sẽ làm các bước đầu để tìm ra các trường hợp phù hợp, sau đó chuyển chúng cho các luật sư kinh nghiệm hơn phân tích. Việc tính chi phí, báo giá và thu tiền được thực hiện bằng các phần mềm có sẵn.

4. Giao tiếp và trao đổi thông tin: Luật sư hiểu rằng để thành công, họ cần duy trì danh tiếng và mối quan hệ tốt với khách hàng. Hầu hết các công ty luật tiếp thị truyền miệng dù một số đã bắt đầu đăng quảng cáo. Hầu như ai cũng hiểu luật sư làm gì, có nghĩa là họ ít cần giải thích hay truyền thông gì hơn.
5. Lưu lượng tiền mặt: Người ta biết phải trả tiền cho dịch vụ của luật sư. Tuy nhiên, không có nghĩa là luật sư bỏ qua vân đề lưu lượng tiền mặt. Rất thường lệ, hóa đơn dịch vụ gửi vào cuối tháng, dù công việc đã bắt đầu từ trước đó và khách hàng chậm trễ thanh toán phí cho luật sư. Từ khi chuyển hóa đơn dịch vụ cho đến khi thanh toán xong mất 90 hay 120 ngày là bất thường. Luật sư cần có lương nên hóa đơn cần phải thanh toán đúng hạn.

Cái này thực ra cũng là đơn giản hóa tối đa. Tuy nhiên, nó giải thích tại sao những người như luật sư, kế toán, bác sĩ, nha sĩ, thợ hàn, tài xế xe tải, xe taxi và giữ trẻ có thể bắt đầu kinh doanh dễ hơn. Có một thị trường cần dịch vụ của họ và sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ đó.

Với những nghề như giáo viên hay nhân viên xã hội, con đường trở thành chủ làm tư có thu nhập cao có thể khó khăn hơn. Điều đó vẫn có thể nhưng một thực tại buồn là người ta thường thuê và trả tiền cho các dịch vụ của một luật sư hơn là cho một giáo viên.

Một lý do tại sao những người học cao như người cha nghèo của tôi, một giáo viên, khi làm chủ doanh nghiệp thì đau khổ thế là vì việc đào tạo nghề nghiệp không chuẩn bị cho họ những nghề khác nhau trong Tam giác C- Đ. Nhiều người như lính cứu hỏa, y tá, thủ thư, hay thư ký được đào tạo để thực hiện những dịch vụ quan trọng nhưng lại không phải là các dịch vụ cần có cho một công ty. Trước khi họ thôi việc, tôi chân thành khuyên họ nên làm bài tập đã.
BẠN KHÔNG CẦN PHẢI LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN MỚI CHIẾN THẮNG ĐƯỢC

Nhiều người vẫn nghĩ Thomas Edison là người đầu tiên phát minh ra bóng đèn điện và là sản phẩm đầu tiên giúp ông thành lập General Motor. Thực sự ông không phải là người đầu tiên. Ghi nhận cho biết ông là người thứ hai mươi ba trong danh sách những người phát minh ra bóng đèn điện. Vậy tại sao lịch sử lại xác nhận ông là người phát minh và tại sao công ty của ông lại trở thành công ty lớn nhất thế giới? Câu trả lời xuất hiện trong Tam giác C- Đ và cuộc đời ông.

1. Edison sinh năm 1847.

2. Từ mười hai đến mười lăm tuổi, ông làm việc ở ga xe lửa, bán bánh kẹo và in tờ báo riêng.
3. Từ mười lăm đến hai mươi hai, ông làm cho công ty điện báo.

4. Năm 1869, hai mươi hai tuổi, ông nhận bằng sắng chế đầu tiên.

5. Năm 1876, ông xây phòng thí nghiệm riêng đầu tiên ở New Jersey.

6. Năm 1878, ông phát minh ra máy hát đĩa thiếc.

7. Năm 1879, ông phát minh ra đèn điện.

8. Năm 1882, ông lắp đặt xong hệ thống điện hoàn chỉnh cho New York.

THU HÚT VỐN: TRUYỀN THÔNG
Bạn có để ý là thay vì đi học, từ mười hai đến mười lăm tuổi, Edison đã đi bán hàng không. Ông đi dọc theo các toa tàu bán kẹo và tờ báo do chính mình in. Ông đã làm việc gắn với truyền thông.

Khi tôi rời hải quân năm 1974, người cha giàu nói, “Con phải tìm một việc làm bán hàng. Bán hàng là kỹ năng căn bản của tất cả các chủ doanh nghiệp.” Năm 1974, tôi đến làm việc cho tập đoàn Xerox và đau khổ suốt hai năm vì tôi rất nhát và ghét bị từ chối. Nhưng từ 1977- 78, tôi đã nằm trong số năm người bán hàng giỏi nhất công ty.

Bây giờ, tôi gặp nhiều ngưởi muốn làm chủ có ý tưởng tuyệt vời cho một sản phẩm hay dịch vụ mới, vấn đề của hầu hết những người đó là họ không thể bán, có nghĩa là họ không thu được tiền. Không có khả năng thu được tiền có lẽ là lý do số một vì sao phần đông những người muốn làm chủ bỏ cuộc và quay lại với công việc.
NẾU KHÔNG BÁN ĐƯỢC, BẠN KHÔNG THỂ LÀM CHỦ DOANH NGHIỆP ĐƯỢC:
LƯU LƯỢNG TIỀN MẶT

Nếu không bán được, bạn không thể làm chủ. Nếu không bán được, bạn không lấy tiền được. Nếu ý nghĩ bán hàng làm bạn khiếp sợ, hãy tìm một chân bán hàng trong cửa hàng và khởi đầu từ đó. Hay tìm một chỗ làm trong công ty như Xerox, bạn phải đi đến các công ty khác và gõ cửa bán hàng. Khi lòng can đảm tăng lên, có thể bạn muốn thử làm cho một công ty bán hàng trực tuyến hay tiếp thị đa cấp, họ sẵn sàng đào tạo bạn.

Một chủ doanh nghiệp thu hút vốn từ:
1. bạn bè và gia đình

2. ngân hàng và các tổ chức hỗ trợ chủ doanh nghiệp

3. khách hàng

4. nhà cung cấp

5. người đầu tư

6. thị trường cổ phiếu

Michael Lechter đã viết cuốn Tiền người khác (Other People’s Money, Wamer Books) . Cuốn sách quan trọng cho tất cả các chủ doanh nghiệp, nó bàn cặn kẽ những cách “gọi” vốn đầu tư cần thiết cho công ty của bạn.

Những cuốn sách tôi từng đọc về Edison, cho biết khả năng bán hàng đã khiến nguồn vốn liên tục đổ vào các dự án của ông. Ông đi trước thời đại trong việc hiểu và vận dụng khái niệm tự tiếp thị. Khả năng tự tiếp thị là một trong những lý do ông được tiếng là người đầu tiên phát minh ra bóng đèn điện cho dù thực ra ông là người thứ hai mươi ba.
NGƯỜI SỞ HỮU CÔNG TY

Thông thường người huy động tiền hay bỏ tiền vào mở công ty sẽ chiếm đa số cổ phần của công ty. Vì thế hãy học cách bán hàng và không ngừng học hỏi. Với tôi, học bán hàng giống như học lái xe đua. Đó cũng là nỗi lo sợ mà tôi từng phải vượt qua.

Tôi thật buồn khi thấy nỗi sợ trong mắt của những người muốn làm chủ mà lại sợ bán hàng.
BẢO ĐẢM BẢN QUYỀN: PHÁP LÝ

Năm 1869, Thomas Edison nhận bằng phát minh đầu tiên lúc hai mươi hai tuổi. Ông đã làm cái việc gọi là bảo vệ tài sản của mình một cách hợp pháp. Trong phần sau cuốn sách này, tôi sẽ đi sâu phân tích tại sao bước này lại rất quan trọng cho bất cứ chủ doanh nghiệp nào.
CÔNG VIỆC TRONG CÔNG TY ĐIỆN TÍN: HỆ THỐNG

Khi làm việc trong công ty điện tín, Thomas Edison đã học để hiểu được sức mạnh của hệ thống. Vì thế mà khi phát minh ra bóng đèn điện, ông cũng đã thiết kế hệ thống điện dành cho bóng đèn. Nếu chưa từng làm việc cho công ty điện tín, có lẽ ông đã không thấy được tầm quan trọng của hệ thống này.

Một từ khác cho hệ thống là mạng. Những người giàu nhất thế giới kiểm soát các mạng, chẳng hạn mạng truyền hình, mạng sóng phát thanh, mạng nhiên liệu, mạng truyền tiêu, và mạng kinh doanh phân phối.

Một điểm khác giữa chủ kinh doanh nhỏ và kinh doanh lớn là sự thông hiểu tầm quan trọng của hệ thống hay mạng. Cứ xét Công ty Người cha giàu, thành công của chúng tôi chủ yếu là nhờ vào các hệ thống mạng. Ví dụ Wamer Books phân phối sách của chúng tôi qua hệ thống bán sách của họ. Chương trình TV phát nhờ sóng các mạng truyền hình toàn cầu. Các buổi dạy đầu tư của chúng tôi liên doanh với các mạng phát thanh lớn.
ĐƠN GIẢN HÓA

Như bạn thấy ví dụ đơn giản này chứng tỏ tầm quan trọng đảm bảo tất cả năm yếu tố trong Tam giác C-Đ cần được thực hiện. Một lần nữa, tôi nhắc lại nếu một trong năm yếu tố không được thực hiện, cả công ty sẽ rất bấp bênh. Nếu chủ doanh nghiệp lập kế hoạch kinh doanh và quên đi một trong năm yếu tố, tình hình sẽ rất khó khăn và thậm chí thất bại. Chuyện kinh doanh thành bại rõ từ trước khi bắt đầu kinh doanh. Vì thế mà làm bài tập là việc quan trọng, cho dù có là làm không công đi nữa.
TRƯỚC KHI BẠN THÔI VIỆC

Phần tiếp theo cuốn sách, chúng tôi sẽ khai thác sâu hơn Tam giác C- Đ. Trước khi nghỉ việc, nhất thiết bạn phải hiểu kỹ từng yếu tố trong Tam giác C- Đ. Điều này không có nghĩa bạn phải là chuyên gia ở từng lĩnh vực mà có nghĩa nếu bạn là chủ doanh nghiệp bạn không phải nắm vững một yếu tố mà cả năm. Vì thế trước khi nghỉ việc, hãy dành thời gian học cho từng yếu tố trên.

Bài học 3: Hiểu sự khác biệt giữa nghề nghiệp và công việc.

Người cha giàu nói, “Làm việc để học, không làm vì tiền.” Qua lời khuyên đó, ông nói với Robert phải làm bài tập, học những kỹ năng giúp anh xây dựng được Tam giác C-Đ mạnh trong kinh doanh. Ông khuyến khích Robert học cách bán hàng.

Những kỹ năng của bạn là gì? Hãy nhìn vào năm yếu tố trong Tam giác C-Đ và đánh giá bạn mạnh nhất và yếu nhất ở lĩnh vực nào.
• Sản phẩm
• Pháp lý

• Hệ thống

• Truyền thông

• Lưu lượng tiền mặt

Nếu bạn thấy mình thiếu hoàn toàn một kỹ năng nào đó trong số những kỹ năng này thì sao? Một nhà đầu tư kinh nghiệm sẽ nhận ra một trong các yếu tố bị thiếu và có thể không đầu tư, cho dù bạn có làm tốt nghề bán hàng đến đâu đi nữa. Phải chăng điều đó có nghĩa bạn sẽ không thoát cảnh thất bại? Dĩ nhiên không. Bạn đưa người có kỹ năng bạn thiếu vào nhóm. Người đó có thể là một cổ đông (đồng sở hữu) của công ty, một người làm công, hay một nhà tư vấn. Không ai giỏi tất cả mọi thứ. Khi lên kế hoạch kinh doanh, bạn tạo ra một ê-kíp thực hiện cả năm yếu tố, đảm bảo có một Tam giác C-Đ mạnh. Vì thế mà “Ê- kíp” là một phần khung của Tam giác C-Đ.

Ở Công ty Người cha giàu, mối quan hệ hợp tác của chúng tôi rất tuyệt vì chúng tôi mang đến những kỹ năng khác nhau. Robert, Kim, và tôi là những chủ doanh

nghiệp mạnh mẽ có kỹ năng của cả năm lĩnh vực. Nhưng chính sự kết hợp các điểm mạnh đã đẩy việc kinh doanh vượt bậc.

Sản phẩm – Trò chơi CASHFLOW là sản phẩm cùng với Dạy con làm giàu (tập 1) được viết như một cuốn “brochure” cho trò chơi. Robert và Kim đã tạo ra trò chơi này còn Robert và tôi đã viết Dạy con làm giàu (tập 1). Và khi hai sản phẩm này vẫn còn là sản phẩm chủ lực thì chúng tôi lại tiếp tục đưa ra những sản phẩm và dịch vụ đa chiều hỗ trợ cho chúng. Bộ sách Dạy con làm giàu được viết để chia sẻ với các bạn lời khuyên mà chúng tôi đã nhận từ những người tư vấn với hy vọng bạn có thể thấy hữu ích trong quá trình xây dựng ê-kíp của mình.

Pháp lý – Không có thành viên sáng lập nào của Công ty Người cha giàu là luật sư, vì thế chúng tôi dựa vào các nhà tư vấn để làm tròn phần này. Michael Lechter là một phần không thể thiếu của nhóm chúng tôi và bảo vệ quyền lợi của chúng tôi đối với sản phẩm bằng bằng phát minh, quyền sở hữu, đăng ký bản quyền, và những hợp đồng chặt chẽ với nhà cung cấp và các đối tác. Ngoài ra, Michael giúp chúng tôi phát triển liên doanh và các chiến lược xin giấy phép quốc tế mà đến giờ chúng tôi vẫn sử dụng. Chúng tôi phát triển nhờ vận dụng hợp tác chiến lược và giấy phép để sử dụng tiền và nguồn lực của người khác.

Dành thời gian và vốn để mở công ty và bảo vệ tài sản ngay từ ban đầu rất quan trọng. Như bài học của Robert trong lần mở công ty làm ví, bạn có thể không có cơ hội thứ hai. Tằn tiện ở những bước quan trọng ban đầu sẽ làm bạn tốn kém không ít về sau.

Hệ thống – Tôi có kinh nghiệm về thiết kế và xây dựng các hệ thông cần để hỗ trợ công ty. Nhiều năm kinh nghiệm trong xuất bản sách và trò chơi, tôi biết cách tạo ra những hệ thống sản xuất, đặt hàng, kho vận, bán hàng, phục vụ khách hàng, và kế toán để công ty hoạt động trơn tru và định vị cho công ty phát triển. Chúng tôi cũng tìm những nhà kế hoạch chiến lược đã có sẵn hệ thống trong một số thị trường để hỗ trợ và chúng tôi không cần tạo lại những gì sẵn có. Nếu một hệ thống không hoạt động đúng, nó có thể khiến cho cả công ty sụp đổ.

Truyền thông – Robert là người giao tiếp và trao đổi thông tin tài ba. Anh có thể biến những đề tài phức tạp như kế toán và tài chính thành những chuyện rất dễ hiểu. Anh có thể nói với một đám đông hai mươi lăm ngàn người mà mỗi người vẫn có cảm giác như anh chỉ nói với riêng mình. Robert và Kim đã có nhiều năm kinh nghiệm xây dựng và thuyết giảng tại các hội thảo về đầu tư. Kim kiểm tra các mối quan hệ cộng đồng, đảm bảo chúng tôi luôn được công chúng lưu tâm càng nhiều càng tốt. Tôi chăm sóc phần truyền thông với các đối tác và đồng minh

chiến lược. Tất cả chúng tôi là những nhân viên bán hàng cực giỏi.

Để đọc thêm về bán hàng, các bạn xem cuốn Salesdogs (Wamer Books) – tạm dịch Người bán hàng tận tụy – trong bộ Dạy con làm giàu, tác giả Blar Singer. Blar giới thiệu qua các mẫu người bán hàng và mỗi mẫu người làm thế nào trở nên hiệu quả trong bán hàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của nhãn hiệu và sự nhận biết nhãn hiệu. Nhãn hiệu là biểu tượng để giao tiếp với khách hàng rằng các sản phẩm và dịch vụ người cha giàu là của chúng tôi. Nhãn hiệu ràng buộc danh tiếng và trách nhiệm của công ty với sản phẩm và dịch vụ của nó đối với khách hàng.

Chúng tôi dựa vào các nhà tư vấn để phát triển và bảo vệ nhãn hiệu. Ngày nay thương hiệu Người cha giàu và giá trị thương mại được nhận biết qua các sản phẩm và dịch vụ người cha giàu khắp cả thế giới. Điều đó không phải tự nhiên mà có.

Giữ quan hệ giao tiếp với khách hàng rất quan trọng. Qua trang web www.richdad.com chúng tôi cung cấp thông tin miễn phí cho cả những khách hàng thường xuyên lẫn không thường xuyên và thông tin về câu lạc bộ CASHFLOW, các chương trình khuyến mãi đặc biệt và các sự kiện sắp đến.

Lưu lượng tiền mặt – Là một kế toán từ trường lớp và một chủ doanh nghiệp từ trong máu, tôi là người nắm chuyện tài chính của công ty. Cả ba chúng tôi cùng chung tư tưởng là không tiêu tiền cho đến khi nào biết rõ doanh thu mới từ đâu để trả cho đồng tiền đi ra đó. Chính nhờ tư tưởng chung này mà quan hệ cộng tác của chúng tôi rất vững chắc. Cả ba không cần tiền và không lĩnh lương của công ty suốt nhiều năm đầu cho đến khi nguồn tiền đã đủ mạnh. Phần lưu lượng tiền mặt trong Tam giác C- Đ cực kỳ quan trọng vì nguồn tiền trong kinh doanh giống như nhu cầu khí oxy của cơ thể đối với máu vậy. Thiếu lưu lượng tiền mặt là một trong những lý do thường gặp nhất khiến các công ty thất bại.
TÔI XÂY DỰNG Ê-KÍP NHƯ THẾ NÀO?

Đây là một trong những câu hỏi tôi thường gặp nhất. Cách tốt nhất để xây dựng ê-kíp của bạn là bắt đầu nhìn vào năm yếu tố trong Tam giác C – Đ. Bạn không cần chia quyền sở hữu công ty với tất cả các thành viên trong ê-kíp nhưng bạn cần có đầy đủ các kỹ năng trong Tam giác C- Đ.

TÔI TRẢ TIỀN CHO HỌ NHƯ THẾ NÀO?

Trong giai đoạn đầu kinh doanh, bạn có thể cần sáng tạo trong cách đưa ê-kíp lại với nhau. Bạn có thể đồng ý trả cho một nhà tư vấn nhiều hơn anh ta muốn nếu anh ta đồng ý hoãn nhận thù lao cho đến khi công ty đã có doanh thu. Bạn có thể thu hút thêm tài năng của một ban tư vấn thay vì thuê người vào trong công ty luôn. Nhưng đôi khi, bạn cũng phải cắn răng kiếm tiền mà trả cho các tư vấn và bảo vệ pháp lý cần thiết.

Khi tìm đối tác hay các đối tác chiến lược, thương thảo tiền bạc là chuyện quan trọng. Cố gắng tìm các đối tác không thuộc dạng “khát tiền.” Khát tiền đã đưa nhiều mối quan hệ làm ăn đẹp đến một kết cục đắng chát.
CHỦ DOANH NGHIỆP VÀ Ê-KÍP

Người cha giàu nói, “Kinh doanh và đầu tư là những môn thể thao đồng đội.” Có được một ê- kíp giỏi, một mục tiêu kinh doanh, và những con người đáp ứng đủ năm yếu tố trong Tam giác C- Đ thì quả là hạnh phúc. Khi tất cả các vị trí đều có được người thích hợp, công ty của bạn sẽ có cơ hội thành công rất lớn.

Ở trường chúng ta được dạy thành những người chơi đơn. Nhưng trong thế giới kinh doanh, có được ê-kíp tốt và hợp tác cùng phát triển kinh doanh mới là tất cả.

(Để có thêm kiến thức về xây dựng một ê-kíp mạnh, hãy đọc thêm cuốn The ABC’s of building a business team that wins của Blair Singer, Wamer Books.)
SỬ DỤNG TIỀN VÀ LỰC CỦA NGƯỜI KHÁC ĐỂ XÂY
DỰNG KINH DOANH CỦA BẠN

Như tôi đã nói ở phần trên, chủ doanh nghiệp là tay tổ trong việc sử dụng tiền và nguồn lực của người khác để xây dựng doanh nghiệp của mình. Có nhiều hình thức và nhiều nguồn khác nhau của Tiền người khác (TNK). Khái niệm TNK không chỉ đề cập những cơ chế truyền thống hút vốn cho kinh doanh – vay nợ, bán cổ phiếu có lãi cho nhà đầu tư. Nó còn bao hàm cả những hình thức khác như đóng góp bằng hiện vật (không phải tiền) và hợp tác liên doanh. Bằng cách lựa chọn loại hình TNK và lên kế hoạch các đợt gây vốn một cách chiến lược, bạn có thể xây dựng kinh doanh của mình mà vẫn giảm thiểu những mất mát về quyền kiểm soát.

QUẢN LÝ MỚI

Công ty Người cha giàu phát triển và nhu cầu đưa thêm vào người quản lý cũng phát sinh. Dù Robert, Kim, và tôi vẫn chịu trách nhiệm quản lý với tư cách là chủ, chúng tôi nhận ra nhu cầu cần thêm người quản lý và lãnh đạo để coi sóc từng cấp của Tam giác C -Đ. Khi công ty của bạn phát triển thì nhu cầu có ê-kíp và người tư vấn đúng sẽ càng tăng. Việc nhận thức được lúc nào bạn đứng sang một bên vì sự phát triển tương lai của công ty là điều quan trọng.
BẮT ĐẦU

Quay lại với việc đánh giá những kỹ năng của bạn trong mối quan hệ với Tam giác C-Đ. Bạn có một ê-kíp có những kỹ năng đáp ứng các yếu tố trong Tam giác C-
Đ. Nếu không, hãy tìm phần ê-kíp còn thiếu. Như thế, bạn đã thêm một bước gần hơn đến việc xây dựng công ty thành công.

Thành công phản ánh thất bại của bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.