Dạy Con Làm Giàu – Tập 12

CHƯƠNG 6



Chỉ mới bỏ tiền ra đầu tư không có nghĩa là trở thành nhà đầu tư

Trong tất cả những sai lầm của cải cách lương hưu, người cha giàu cho rằng cái sai lầm lớn nhất là nó buộc những người không phải là nhà đầu tư phải bỏ tiền đầu tư. Theo người cha giàu, nếu giả thiết rằng một thay đổi luật pháp sẽ thình lình biến người ta thành những chuyên gia đầu tư chỉ qua một đêm là một sai lầm lịch sử. Ông nói, “Với một người đã được lập trình từ lúc mới sinh để trở thành một nhân viên đi làm kiếm tiền thì làm sao trong phút chốc có thể biến người đó thành một nhà đầu tư biết chấp nhận rủi ro được? Một người tìm kiếm sự an toàn sẽ rất khó trở thành một nhà đầu tư chấp nhận rủi ro.” Theo người cha giàu, giả thiết này là một điều sai lầm lớn nhất trong hết thảy và cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ thị trường chứng khoán nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

Nếu đã từng đọc cuốn Dạy con lầm giàu – Tập 2, hẳn bạn sẽ rất quen với biểu đồ sau:

Với những người chưa quen với Kim Tứ Đồ hoặc chưa hề đọc cuốn sách đó, tôi sẽ giải thích ngắn gọn về biểu đồ trên như sau:

L: tượng trưng cho người lao dộng

T: tượng trưng cho những chủ doanh nghiệp tư nhân nhỏ

C: tượng trưng cho những chủ doanh nghiệp lớn Đ: tượng trưng cho các nhà đầu tư

Có bốn cách để bạn kiếm tiền, hay có bốn nhóm người. Mỗi nhóm người có một cách nghĩ khác nhau về tiền và sự an toàn tài chính.

Người cha giàu nói, “Sai lầm lớn nhất của ERISA là họ cho rằng những người nhóm bên trái kim tứ đồ có thể dễ dàng chuyển thành người nhóm bên phải. Con người ở mỗi nhóm đều khác nhau, rất, rất khác nhau. Giả thiết rằng một người trong nhóm L có thể trở thành một nhà đầu tư trong nhóm Đ chỉ bởi vì luật pháp cho phép thay đổi… là một giả thiết ngớ ngẩn. Chỉ bằng một nét bút, người ta có thể thay đổi luật pháp, nhưng người ta không thể làm như thế để thay đổi con người.”

Nói đơn giản, luật ERISA và những tu chỉnh luật ERISA có những quy định bắt buộc như sau:

Họ đòi hỏi hàng triệu người lao động phải biến thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp… và như chúng ta thấy, đó là một sự thay đổi rất lớn nhưng họ lại không phát triển một hệ thống giáo dục để hỗ trợ điều đó.

Hệ thông trường học của chúng ta đào tạo chủ yếu những người cho các nhóm L hoặc T, đó là lý do tại sao phần lớn mọi người đều thuộc nhóm L hoặc nhóm T. Cha ruột tôi, một quan chức giáo dục, lúc nào cũng nói, “Hãy đi học, hãy đạt điểm tốt, như vậy con mới có thể tìm được một công việc bảo đảm an toàn.” Nói cách khác, cha đang khuyên tôi nên tìm một nơi ẩn náu an toàn trong nhóm L. Mẹ tôi, biết rằng tôi muốn trở nên giàu có, thường nói, “Mẹ biết con muốn trở nên giàu có, vì vậy con hãy đi học trường y và làm bác sĩ.” Mẹ đang khuyên tôi tìm một nơi ẩn náu trong nhóm T, tức tự trở thành một nhân viên của chính mình. Tôi trả lời mẹ, “Có một vấn đề mẹ ạ, con làm sao đủ thông minh để làm bác sĩ, mẹ biết trình độ của con mà.” Một điểm ở đây là, nhóm T thường tượng trưng cho nhóm thông minh vì đó là nơi tập trung các bác sĩ, luật sư, kế toán, kỹ sư, v.v…, mặc dù bất cứ cấp độ chuyên nghiệp hay thông minh nào cũng có thể thuộc về bất kỳ một nhóm nào trong bốn nhóm. Nhóm T cũng có thể tượng trưng cho các chuyên gia, những người với một nghề nghiệp hoặc kỹ năng đặc biệt, và nó cũng tượng trưng cho hàng triệu chủ doanh nghiệp độc lập nhỏ.

Người cha giàu đào tạo cho tôi và con trai ông trở thành những người hoạt động trong nhóm C và Đ. Với những bạn đã đọc các cuốn sách trước đây của tôi, xin được nhắc lại rằng người cha giàu đã giao cho tôi và con trai ông làm hầu hết những việc có thể trong công việc kinh doanh của ông. Ông đã dạy chúng tôi cần bao nhiêu loại công việc để điều hành kinh doanh. Ông cũng chơi cờ tỷ phú với chúng tôi hàng giờ, dạy chúng tôi suy nghĩ như những nhà đầu tư. Một trong những lý do tại sao tôi từng có một việc làm bình thường chỉ trong vòng bốn năm đơn giản là vì người cha giàu dã dạy chúng tôi phải hoạt động ở bên phải kim tứ đồ chứ không phải bên trái.

Khi tôi còn là một cậu bé, người cha giàu từng bảo tôi “Người ta tham gia những nhóm khác nhau vì người ta khác nhau. Người vào nhóm L muốn sự an toàn. Đó là lý do tại sao hầu hết những người trong nhóm L, bất kể là một chủ tịch công ty hay một người tạp vụ, thường sẽ nói như nhau, ‘Tôi có một công việc bảo đảm an toàn, lương tháng ổn định và phúc lợi tốt.” Tính an toàn và bảo đảm có tầm quan trọng cao nhất với những người trong nhóm L. Thế giới của nhóm Đ, nhóm của những nhà đầu tư, không phải là nơi được xem như thế giới của an toàn và bảo đảm. Nó có thể như vậy nhưng sẽ không bao giờ là như vậy nếu không có sự đào tạo thích hợp.”

Tôi muốn nhắc lại, có một sự khác nhau rất lớn giữa hai từ bảo đảm và tự do. Giải thích về sự khác nhau này, người cha giàu chỉ ra rằng những người trong nhóm L và T thường muốn có sự bảo đảm, đối với một nhân viên, dó là sự bảo đảm đến từ một việc làm, còn đối với một người nhóm T thì đó là sự bảo đảm khi bạn tự làm cho chính bạn, không phụ thuộc vào người khác. Những người bên phía C và Đ muốn tự do, vì vậy nên họ tập trung vào các tài sản mục tiêu của họ. Tôi nghĩ có thể bạn đang phản đối nếu bạn là người thuộc nhóm T, nhóm người nhìn chung là những người muốn làm việc cho chính mình. Nhưng trước khi phản đối, xin xét lại là hầu hết những người trong nhóm T đang tự do làm việc cho riêng họ, nhưng vấn đề là họ vẫn phải làm việc, bất kể thích hay không. Một người đích thực trong nhóm C hoặc Đ tự do không phải làm gì cả nhưng vẫn có tiền, và đó là sự khác nhau giữa các loại tự do.

Một ngày nọ, tôi tham dự một hội nghị đầu tư và nói chuyện với một chàng trai trẻ, tự nhận mình là một nhà đầu tư. Tôi hỏi anh ta lĩnh vực anh ta đã đầu tư là gì. Anh ta trả lời, “Tôi có một kế hoạch 401(k) ở công ty với danh mục đầu tư được đa dạng hóa và dĩ nhiên là cả đầu tư trái phiếu nữa.”

Tôi gật đầu và tự nhủ, “Phố Wall đã làm tốt việc giáo dục tài chính cho vị khách hàng trung thành này đấy chứ.” Không muốn làm anh vỡ mộng, tôi hỏi, “Thu nhập từ các hoạt động đầu tư của anh mỗi tháng được bao nhiêu?”

“Thu nhập?” anh đáp. “Tôi không có thu nhập từ đó. Hàng tháng tôi chuyển một phần thu nhập của tôi vào các công ty quỹ hỗ tương thông qua trừ lương trực tiếp.”

“Và anh nghĩ đến bao giờ anh mới nhận được một khoản thu nhập nào đó từ những hoạt động đầu tư này?” tôi hỏi.

“Ồ, năm nay tôi hai mươi bảy tuổi. Tôi định để tiền của tôi lớn dần lên mà không phải chịu thuế cho đến khi tôi về hưu, hy vọng là vào khoảng sáu mươi. Rồi tôi sẽ chuyển danh mục đầu tư vào một tài khoản tự quản lý và không phải tiếp tục đầu tư nữa. Ông xem, tôi đang đầu tư cho dài hạn.”

“Chúc mừng,” tôi bắt tay anh ta. “Chúc anh may mắn.”

Vấn đề ở đây là, chàng thanh niên này có thể đang đầu tư, nhưng tôi sẽ không gọi anh ta là một nhà đầu tư… ít nhất không xuất phát từ định nghĩa mà người cha giàu đã dùng khi đề cập đến Kim tứ đồ. Theo người cha giàu, các nhà đầu tư là những người thu tiền từ các khoản đầu tư của họ. Khi bạn bắt đầu thu tiền mới có thể nói là bạn đang đầu tư… nhưng cũng chưa hẳn bạn là một nhà đầu tư. Để chứng tỏ cho người cha giàu thấy tôi là một nhà đầu tư, tôi phải cho ông thấy rằng dòng lưu kim của tôi đang chảy vào… và đã ngừng chảy ra. Gần đây, hàng triệu người đầu tư vào các kế hoạch DC nhận ra rằng những đồng tiền họ bỏ ra đầu tư đã chảy ra khỏi túi họ rồi lại đang chảy ra khỏi các kế hoạch hưu trí DC của họ… đó là lý do tại sao ngày nay có quá nhiều nhà đầu tư gục ngã. Có thể họ đã đầu tư nhưng họ chưa trở thành những nhà đầu tư thực thụ.

Trong hoạt động đầu tư, nhiều người rất giỏi việc làm cho đồng tiền chảy ra… nhưng rất ít người giỏi việc làm cho đồng tiền chảy vào… dù chính điều đó mới biến bạn thành một nhà đầu tư giỏi. Trong hoạt động đầu tư, hầu hết mọi người đều làm. cho tiền chảy ra và gần như không có gì chảy ngược về lại. Sau khi luật ERISA được thông qua, hàng triệu người bắt đầu đầu tư nhưng không ai biết liệu họ có trở thành những nhà đầu tư hay không. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời câu hỏi có bao nhiêu sự chuyển đổi từ nhóm L, T hoặc C sang nhóm Đ khi những ngày làm việc của họ đã qua đi.

Trong bộ phim Jerry Maguire có một dòng thoại kinh điển, “Cho tôi thấy tiền.” Các bạn tôi là những nhà đầu tư sừng sỏ cho rằng hàng chữ đó rất thiêng liêng, bởi vì họ biết bỏ tiền vào đầu tư không có nghĩa là khoản đầu tư đổ sẽ mang lại tiền. Trong giới bạn bè tôi, một vụ đầu tư sẽ chưa hẳn là đầu tư cho đến khi số tiền đầu tư đó mang lợi nhuận trở về. Ngay bây giờ, đối với hàng triệu người, với những kế hoạch hưu trí DC, tiền đang chảy ra và hàng triệu người đang tự hỏi không biết nó có quay về hay không. Nhiều người gọi điện cho các nhà môi giới của mình và yêu cầu họ, “Cho tôi thấy tiền.”

Một buổi tối, vợ chồng tôi đi dự tiệc, bà chủ tiệc hỏi vợ tôi rằng cô ấy đang làm gì để sống. Kim trả lời đơn giản, “Tôi đầu tư bất động sản.” Đôi mắt bà chủ tiệc sáng lên và nói, “Tôi cũng vậy. Tôi và chồng tôi đã bắt đầu với một căn nhà nhỏ, đến khi giá lên thì bán đi. Chúng tôi đã làm như vậy ba lần và giờ hãy xem ngôi nhà của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục đầu tư vào bất động sản và ngày nay chúng tôi đã có một ngôi nhà khang trang.”

Tôi biết trong lòng mình, người bạn của chúng tôi nghĩ rằng bà ấy là một nhà đầu tư thực thụ… và về mặt kỹ thuật là như vậy. Nhưng trong giới bạn bè chúng tôi, bà ấy sẽ không được gọi là một nhà đầu tư bất động sản, mà sẽ được gọi là một người sở hữu nhà may mắn. Mặc dù bà có một ngôi nhà khang trang, nhưng vẫn có sự khác nhau rất lớn giữa một nhà đầu tư bất động sản đang sở hữu một ngôi nhà làm hao tổn 5.000$ một tháng so với một nhà đầu tư bất động sản đang được hưởng một khoản thu nhập ròng 5.000$ một tháng. Theo định nghĩa về nhóm đầu tư của chúng tôi, một nhà đầu tư bất động sản có được những khoản, thu nhập hàng tháng từ tiền cho thuê nhà, tài sản thương mại, nhà kho, cao ốc văn phòng, v.v… Nói cách khác, bất chấp chúng tôi có làm việc hay, không, chúng tôi vẫn có thể “cho họ thấy tiền”… đồng tiền đang đi vào.

SAI LẦM LỚN NHẤT TRONG HẾT THẢY

Thế thì tại sao người cha giàu cảm thấy những người trong nhóm L bị buộc phải vào nhóm Đ là một sai lầm lớn nhất trong hết thảy? Một lần nữa, câu trả lời là vì họ có những tính cách hoàn toàn khác nhau. Một người ở nhóm L hoặc T làm việc vì tiền còn người ở nhóm C và Đ làm việc để xây dựng hoặc tìm kiếm tài sản. Điều này có vẻ như chỉ là một khác biệt nhỏ trên lý thuyết, nhưng sau khi một người về hưu, sự khác biệt này mới thật đáng kể. Với một nhà đầu tư chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm, việc học cách nhìn thấy đồng tiền từ các khoản đầu tư dựa trên cơ sở hàng tháng không phải là việc dễ… vậy mà ERISA lại yêu cầu mọi người phải làm điều đó. Khi một người lao vào một kế hoạch hưu trí DC, họ bị đẩy ra khỏi công việc, nơi ẩn náu an toàn của họ. Đối với nhiều người, đây là lần dầu tiên trong đời họ phải đối mặt với thế giới thực… một thế giới thực mà người cha giàu từng phải đối mặt ở tuổi 13, tôi đối mặt ở tuổi 32, cha tôi đối mặt ở tuổi 53, còn người nhân viên Enron trên trang bìa tờ USA Today thì ở tuổi 58.

GẶP GỠ THẾ GIỚI THỰC

Những ngày xưa tốt đẹp, khi một nhân viên nghỉ hưu, ông ta có thể có một bữa tiệc nghỉ hưu, một chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng, và một kế hoạch hưu trí DB để sinh sống suốt những ngày còn lại trong đời. Nói cách khác, họ có thể về hưu và ngồi đợi những tờ ngân phiếu được gởi đến nhà. Đó là tất cả những gì họ phải làm.

Cũng những ngày xưa tốt đẹp, nếu người nghỉ hưu từng làm việc cho một công ty lớn hay một công ty có đoàn thể mạnh, họ còn có thể được hưởng chính sách COLA, một dạng điều chỉnh vật giá. Khi lạm phát tăng, họ được thêm những khoản trợ cấp xác định. Một số người còn được chăm sóc y tế trong suốt thời gian nghỉ hưu. Miễn là còn sống, họ có thể đi bác sĩ và công ty sẽ thanh toán tiền khám chữa bệnh cho họ. Nói cách khác, các kế hoạch nghỉ hưu DB trở nên quá tốn kém vì ngày càng có nhiều người nghỉ hưu và họ ngày càng sống lâu hơn do y học ngày càng tiến bộ. Những nghĩa vụ pháp lý nặng nề này là một trong những lý do thực tế vì sao luật ERISA được lập ra. Những nhân viên có kế hoạch DB và chăm sóc y tế trở nên quá tốn kém trong một thế giới đang gia tăng cạnh tranh toàn cầu.

Trong thế giới ngày nay, khi một người về hưu, có thể vẫn có một bữa tiệc nghỉ hưu và một chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng, nhưng một khi về hưu, rất có khả năng họ chỉ biết ngồi nhìn lại chính mình. Một số có thể sống với kế hoạch nghỉ hưu của công ty, một số người khác có thể lựa chọn IRA, một tài khoản hưu trí cá nhân, và nhiều người khác sẽ quyết định bán đi những tài sản tài chính của mình để lấy tiền gởi vào ngân hàng.

Sau đây là ba lý do thật sự cho thấy tại sao người cha giàu nhìn thấy sự sụp đổ thị trường chứng khoán trầm trọng nhất trong lịch sử đang đến. Đó là:

1. Sẽ có một thị trường hạ giá gây ra bởi những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số bán cổ phiếu để thu tiền. Người cha giàu nói, “Những người ở nhóm L và T làm việc cả đời để kiếm tiền chứ không phải kiếm những tài sản tài chính. Phần lớn những người nhóm L và T không tin vào thị trường chứng khoán. Một khi họ rời công ty, tất cả nỗi sợ hãi và bất an từ trước đến giờ – những nỗi sợ hãi và bất an khiến họ suốt đời trở thành những người nhóm L hoặc T – nay sẽ chỉ gia tăng thêm mà thôi.

Một khi đã rời công ty, họ sẽ bám víu vào những gì họ biết và tín, đó là tiền mặt… chứ không phải cổ phiếu hay các quỹ hỗ tương đầu tư.”

Theo tạp chí Business Week, năm 1990, trong các kế hoạch 401 (k) và những kế hoạch tương tự có 712 tỷ dollar và chỉ có 45% số này là dưới dạng cổ phiếu. Đến cuối năm 2000, con số này tăng lên 2,5 ngàn tỷ dollar, với 72% là cổ phiếu và các vốn cổ đông tương tự. Nói cách khác, vì tiền đến từ các quỹ hưu trí nên một cuộc bùng nổ thị trường đang hình thành. Trong tình hình thị trường tăng giá, những người được gọi là nhà đầu tư trở nên tự tin hơn và bắt đầu đem tiền mặt đi mua cổ phiếu, đơn giản vì họ được lời từ cổ phiếu cao hơn tiết kiệm gởi ngân hàng. Khi thị trường bùng nổ, nhiều người tự nhận là nhà đầu tư, những người “dự tiệc trễ”, bắt đầu dốc hết tiền tiết kiệm của họ để dưa vào thị trường, trước hết là vào các quỹ hỗ tương, làm tăng lớp tài sản này lên đến 4 ngàn tỷ dollar. Cùng thời gian này, các báo cáo cho thấy tỷ lệ tiết kiệm gia đình của Mỹ rơi xuống dưới 1%. Một cơn nghiện phát sinh và những người chưa hề có mặt trong thị trường bao giờ thì bây giờ bắt đầu xuất hiện.

Nhiều người đang đầu tư vào những kế hoạch hưu trí DC nhận thấy các kế hoạch này gia tăng giá trị. Đột nhiên họ tin rằng bây giờ họ đã là nhà đầu tư thực thụ và bắt đầu đem tiền tiết kiệm của mình đưa hết vào thị trường. Phần lớn những người này đến từ những nhóm L và T. Những người trong số người để dành thình lình bắt đầu đầu tư. Nhưng họ không phải là những nhà đầu tư.

Người cha giàu tin rằng cuộc sụp đổ thị trường chứng khoán nghiêm trọng nhất lịch sử sẽ xảy ra khi hàng triệu người bắt đầu bán đi những tài sản tài chính mà họ không hiểu và không tin. Người cha giàu nói, “Những người trong nhóm L yêu thích sự bảo đảm. Nếu họ cảm thấy sự bảo đảm của họ bị đe dọa, họ sẽ không giữ lại những tài sản tài chính của mình nữa. Nếu họ cảm thấy không được bảo đảm, sẽ không có bất kỳ một sự rút tiền có hệ thống nào như trong những lời kêu gọi cải cách lương hưu… Thay vì thế, sẽ có một cơn hoảng loạn những cổ phiếu rao bán hạ giá… một cơn hoảng loạn gây ra bởi những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số muốn chuyển đổi những tài sản tài chính của họ trở lại thành tiền mặt… tiền mặt dành cho các tài khoản tiết kiệm của họ… rất nhanh.”

Lúc đầu tôi không hiểu người cha giàu đang nói đến điều gì. Bây giờ khi đã già dặn hơn tôi mới biết rõ hơn về sự khác nhau tinh tế đó. Ngày nay, tôi nhận thức rất rõ về sự khác nhau đó mỗi khi tôi nghe có người nói, “Tôi đang dành dụm chuẩn bị về hưu” hoặc ‘Tôi đang để dành cho việc học của con tôi.” ít khi nào tôi nghe người ta nói “Tôi đang đầu tư để chuẩn bị về hưu” hoặc “Tôi đang đầu tư cho việc học của con tôi.” Vì người cha giàu , đã nói, “Những người dành dụm và những nhà đầu tư không thể là một. Người dành dụm cảm thấy an toàn với tiền mặt, không phải với các quỹ hỗ tương. Khi nào những chao đảo nhẹ biến thành một cú hích mạnh thì họ sẽ bán, và khi hàng triệu người trong số họ bắt đầu bán đổ bán tháo thì thị trường sẽ sụp đổ. Sẽ không có bất kỳ một sự rút tiền có hệ thống nào cả.”

Nước Nhật đang chao đảo bên bờ thảm họa tài chính và ngân hàng trong vài năm nay. Cùng lúc, các ngân hàng Nhật lại bùng nổ tiền vì phần lớn những người Nhật là những người lao động dành dụm. Thực tế, Nhật có tỷ lệ tiền gởi tiết kiệm cao nhất thế giới. Bởi vì các ngân hàng quá “xua đuổi” tiền nên lãi suất được trả cho các khoản tiết kiệm gần như là 0%. Dù ngay cả khi các ngân hàng Nhật không trả lãi cho các khoản tiết kiệm, tiền vẫn được gởi vào ngân hàng. Tại sao? Lý do là vì những người lao động dành dụm thà gởi tiền không lãi còn hơn phải chịu rủi ro. Tôi đoán trong vài năm sắp tới, các ngân hàng Mỹ cũng sẽ bắt đầu “xua đuổi” tiền. Nếu ngân hàng đầy tiền, thật khó cho họ khi phải trả 10% lãi suất cho những người gởi số tiền đó. Như tôi đã viết các ngân hàng Mỹ đang trả 2% lãi suất cho tiền gởi tiết kiệm. Hai phần trăm không phải là một khoản đền đáp tốt cho việc đầu tư của bạn.

Như vậy lý do chính của sự sụp đổ sắp đến là vì phần lớn người ta ngày nay bỗng nhiên không cảm thấy bảo đảm đối với các quỹ hỗ tương và cổ phiếu. Khi bắt đầu về hưu, hàng triệu người thuộc thế hệ bùng nổ dân số sẽ chuyển cổ phiếu và các quỹ hỗ tương thành tiền mặt dể đem gởi ngân hàng và quay trở lại với những gì họ đã bỏ ra cả đời để tìm kiếm – tiền mặt. Như người cha giàu đã nói, “Con có thể thay đổi luật pháp nhưng không thể thay đổi con người”.

2. Vật giá và chi phí y tế tăng cao. Như đã nói trên, các kế hoạch hưu trí DB có sự điều chỉnh vật giá. Với kế hoạch hưu trí DC, sau khi về hưu, lúc vật giá và chi phí y tế tăng, những người nghỉ hưu sẽ phải bán đi các tài sản tài chính của họ để chi trả cho những phí tổn cho cuộc sống. Một lần nữa điều này đã thổi bay lý thuyết rút tiền có hệ thống ra cửa sổ. Những sự khác nhau mong manh giữa kế hoạch DB và DC cũng sẽ góp phần vào sự sụp đổ thị trường sắp tới. Để sống người ta phải có tiền mặt chứ không phải có các quỹ hỗ tương. Vì thế các quỹ hỗ tương phải được bán đi để lấy tiền mặt.

3. Số lượng những người thiếu khôn ngoan sẽ gia tăng. Trích từ câu nói của Warren Buffett, “Con người đầy tham lam nhưng dễ lo sợ và có những hành động điên rồ, đó là điều có thể dự báo được. Song hậu quả của chúng thì không thể lường trước hết được.”

Hầu hết chúng ta biết rằng bất cứ thị trường nào cũng vận hành dựa trên tính tham lam và nỗi lo sợ. Lý do khiến thị trường đi lên trong những năm 1990 là vì sự tham lam, và lý do khiến thị trường đi xuống là vì nỗi lo sợ. Trong tương lai gần, một lý do nữa để người ta chuyển tài khoản hưu trí của họ thành tiền mặt là vì sự điên rồ.

Tôi sẽ cho bạn một ví dụ về tính điên rồ trong đầu tư. Trong những năm 1990, tôi gặp nhiều người nhân viên giàu có nghĩ rằng họ giàu có bởi vì họ là những nhà đầu tư… nhưng trên thực tế, họ chỉ là những nhân viên may mắn. Có lần tôi gặp một nhân viên của Intel. Năm 1997, khi thị trường đang tăng trưởng, giá trị cổ phiếu của ông lên đến gần 35 triệu dollar. Ông nghĩ rằng chắc chắn mình là một nhà đầu tư giỏi chứ không phải là một nhân viên may mắn. Theo định nghĩa, một nhà đầu tư chính thức là một người có hơn 1 triệu dollar giá trị ròng hay một công việc lương cao. Bây giờ, làm thế nào đánh giá một người có phải là một nhà đầu tư chính thức hay không đã vượt quá khả năng của tôi, nhưng đó là quy luật. Tôi có một cách đánh giá tốt hơn về một người có phải là nhà đầu tư chính thức hay không, nhưng ủy ban Giao địch Chứng khoán (SEC) không hỏi ý kiến tôi.

Sau đó, nhà đầu tư – nhân viên Intel này với hàng triệu dollar trở nên mù quáng và bắt đầu đầu tư vào bất cứ cái gì chuyển động được. Ông mua các công ty tư nhân, mua quyền cộng tác với các công ty, hoặc thậm chí mua đứt các công ty và cho con cái mình quản lý chúng. Ông mua những thứ xa xỉ như máy bay riêng, thuyền buồm, và hai ngôi nhà lớn. Rồi ông gặp một cô gái trẻ tuổi hơn cả con gái mình và ly dị vợ, thế là người vợ nhận được cả một khối tiền. Người cha giàu thường nói, “Một người điên rồ và tiền của anh ta là một bữa tiệc lớn.” Kết thúc bữa tiệc dó, anh bạn của chúng ta phá sản và tìm đến tôi xin việc. Ông cần một việc làm vì cô vợ thứ hai đã lấy hết số tiền còn lại của ông sau khi ly dị lần thứ hai. Ông chỉ là một trong hàng chục người tương tự mà tôi đã từng gặp trong những năm 1990 phát đạt. Họ là những nhân viên may mắn và tự cho mình là những nhà đầu tư – nhưng rồi họ nhận ra mình chỉ là những kẻ ném tiền qua cửa sổ. Không có gì sai lầm với điều đó trừ khi bạn chắc chắn mình còn đủ tiền để tiếp tục ném qua cửa sổ một lần nữa.

Ví dụ về sự điên rồ trong đầu tư này có thể tìm thấy ở các ngôi sao thể thao, ngôi sao điện ảnh, ngôi sao nhạc rock, những người trúng số, những người thình lình được thừa kế một số tiền kếch xù, và bất kỳ ai đã điên rồ khi tin rằng đầu tư tiền và trở thành nhà đầu tư là như nhau. Trong một vài năm nữa, vì một số người may mắn hơn sẽ bắt đầu về hưu với một số tiền lớn trong các kế hoạch hưu trí DC nên bạn sẽ bắt đầu đọc thấy trên báo chí những người điên rồ đang bị lừa mất hết tiền hưu. Nhiều người sẽ bị lừa bởi vì họ không phân biệt được việc đầu tư tiền khác với việc trở thành một nhà đầu tư như thế nào.

Tóm lại, sai lầm lớn nhất hết thảy, theo người cha giàu, là dù dã đầu tư, người ta vẫn chưa thể trở thành một nhà đầu tư. Ông nói, “Điểm nhỏ bé và dường như tầm thường này có khả năng kéo thị trường chứng khoán rơi xuống.” Vì vậy, lời tiên tri của người cha giàu là đến một lúc nào dó trong tương lai gần, hàng triệu người sẽ từ từ thức tỉnh và nhận ra họ đã bị luật pháp buộc phải mua những gì mà họ thực sự không muốn (một kế hoạch DC), và không thể bán trừ phi họ chịu trả một số tiền phạt thuế khổng lồ do rút trước hạn. Trên hết, nhiều người được khuyến khích đầu tư vào những sản phẩm họ không thực sự định giá được, không hiểu được và họ nghĩ là họ đã trả quá cao cho những sản phẩm này. Ông nói, “Về điểm này, những người dành dụm sẽ bắt đầu chuyển đổi các vụ đầu tư của họ trở lại thành những gì mà vì nó họ đã làm việc suốt đời – tiền mặt… không phải cổ phiếu, trái phiếu, hay các quỹ hỗ tương. Sự sụp đổ thị trường sẽ xảy ra bởi vì người ta được luật pháp khuyến khích đầu tư nhưng họ không bao giờ được học để trở thành những nhà đầu tư. Hãy nhớ, những nhà đầu tư muốn có tài sản còn những, người dành dụm muốn có tiền mặt. Đó là lý do tại sao bạn nghe nhiều người nói, “An toàn như tiền nằm trong ngân hàng.”

Có lần người cha giàu giải thích với tôi rằng định nghĩa của ông về cơn nghiện trong thị trường tài chính, sự chuyển đổi phi lý từ tiền mặt thành các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ hỗ tương… Trải qua hàng thế kỷ, người ta từng có nhiều cơn nghiện. Một trong những vụ nổi tiếng hoặc khét tiếng là cơn nghiện hoa tu-lip ở Hà Lan từ năm 1634 đến 1637. Cơn nghiện hoa tu-lip xảy ra do những người Hà Lan yêu điên cuồng loài hoa được nhập khẩu từ Trung Quốc này. Chẳng mấy chốc, họ tạo ra nhiều giống mới và không lâu sau một cơn nghiện nổi lên. Có những bông hoa tu-lip đắt gấp trăm lần trọng lượng của nó tính bằng vàng. Đột ngột cơn nghiện qua đi và sự hoảng loạn bắt đầu, sự hoảng loạn khi người ta tìm cách chuyển những bông hoa này trở lại thành tiền. Ngày nay, cơn nghiện hoa tu-lip nghe buồn cười cũng giống như cơn nghiện dot.com vài năm nay.

Định nghĩa về sự hoảng loạn tài chính của người cha giàu là sự chuyển đổi phi lý từ tài sản tài chính trở thành tiền mặt. Nói cách khác, bỗng nhiên người ta thức tỉnh và nhận ra rằng những gì họ đã mua không đáng giá so với số tiền đã trả và họ muốn lấy tiền lại. Người ta thường gọi đó là “nỗi hối tiếc của người mua”. Khi hàng triệu người đầu tư vào quỹ hỗ tương và các tài sản tài chính khác trải nghiệm nỗi hối tiếc của người mua và đòi trả lại tiền thì một cuộc hoảng loạn sẽ xảy ra và cuộc hoảng loạn đó dẫn đến một sự sụp đổ… sự sụp để lớn nhất trong lịch sử thế giới. Như người cha giàu đã nói, “Chỉ mới bỏ tiền ra đầu tư không có nghĩa là trở thành nhà đầu tư.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.