Dạy Con Làm Giàu – Tập 12

CHƯƠNG 7



Mọi người đều cần phải trở thành nhà đầu tư

“Họ không nhận ra đầu tư có tầm quan trọng như thế nào sao?” tôi hỏi người cha giàu. Chúng tôi vừa kết thúc một cuộc họp với nhóm quản lý nòng cốt và những nhân viên hàng đầu của ông, khoảng 125 người.

“Chúng ta sẽ thấy,” ông đáp. “Cha đã làm hết sức để thuyết phục họ nhưng có thể là cha chỉ thúc đẩy họ nhiều hơn mà thôi. Kế hoạch 401(k) mà chúng ta đang làm là một lợi ích nhưng nhiều nhân viên không muốn góp phần vào kế hoạch đó. Một số người chỉ đóng góp một ít. Ngay cả một số người trong nhóm quản lý cũng không đóng góp nữa. Cha không biết khi về hưu họ định sống bằng cái gì đây.”

Đó là năm 1988. Người cha giàu gọi điện hỏi tôi có muốn dự cuộc họp đó không. Năm 1987, thị trường chứng khoán sụp đổ vào tháng 10 khiến nhiều người sợ hãi và ngưng không đóng góp vào kế hoạch hưu trí DC của mình nữa.

“Cha đã mời đại diện công ty quản lý quỹ đến giải thích cho các nhân viên một lần nữa về kế hoạch 401(k) của họ vận hành như thế nào. Nhưng nghĩa vụ tài chính pháp lý không cho phép nhà tư vấn này đưa ra những lời khuyên cụ thể về đầu tư. Bà ấy chỉ giới thiệu thông tin chứ không khuyên người ta nên mua cái gì. Vì thế bà ấy giải thích kế hoạch mà không đi sâu vào chi tiết. Điều đó làm cho các nhân viên cảm thấy quá rủi ro vì họ không có ý tưởng sẽ đầu tư vào đâu. Tại sao luật pháp lại không cho những người quản lý kế hoạch đưa ra những lời khuyên cho nhân viên cụ thể hơn một chút?”

“Con không biết chuyện đó,” tôi nói. “Những năm gần đây con không hiểu tại sao các nhà tư vấn chỉ trình bày kế hoạch mà không có nhiều lời khuyên. Hôm nay con mới biết đó là do nghĩa vụ tài chính pháp lý.”

“Ít ra bà ấy cũng bảo họ rằng họ là nhân viên hào phóng vì họ sẵn sàng đóng góp đồng tiền của mình. Nhiều nhân viên không cộng tác với bất kỳ một quỹ nào và chỉ vài người chịu đưa ra 50 xu trong mỗi đồng họ được hưởng. Dù cha muốn làm một người hào phóng nhưng vẫn chi có một số ít nhân viên đóng góp trên một cơ sở chuẩn mực” người cha giàu nói.

“Dù họ không nhận được nhiều lời khuyên đầu tư nhưng không lẽ không một nhân viên nào nhận ra rằng mỗi đồng đóng góp của họ cũng giống như một đồng miễn thuế sao?” tôi hỏi. “Tất cả những gì họ phải làm là đưa vào thị trường một đồng và biết chắc là đồng đó được miễn thuế.”

“Họ nghe từng chữ ấy chứ,” người cha giàu nói. “Mấy năm nay cha vẫn nói hoài một chuyện nhưng hình như không có gì thay đổi. Thậm chí cha nói rằng một người đóng góp vào kế hoạch là đang kiếm được nhiều tiền hơn những người không đóng góp. Vẫn không thay đổi được gì. Rồi sau khi thị trường sụp đổ, vài người trong số họ trước đây từng đóng góp giờ lại bỏ ngang. Đó là lý do tại sao cha mời đại diện công ty quỹ đến giải thích cho họ. Cha hy vọng làm được một điều tốt.”

Chúng tôi trở về văn phòng của ông. Một lần nữa tôi lại hỏi, “Họ không nhận ra đầu tư quan trọng như thế nào sao cha?”

“Cha tin là họ nhận ra,” người cha giàu đáp.

“Vậy tại sao họ không đầu tư?” tôi hỏi.

Với câu hỏi này, người cha giàu ngồi xuống bàn làm việc và viết lên giấy những chữ sau:

GIÀU

TRUNG LƯU

NGHÈO

Nhìn tôi, ông nói, “Mỗi người trong chúng ta đầu tư theo cách này hay cách khác. Chúng ta đầu tự vào những lĩnh vực khác nhau theo những cách hoàn toàn khác nhau.” Rồi ông viết tiếp kế bên mỗi nhóm:

GIÀU: Giáo dục tài chính tốt

Xây dựng doanh nghiệp

Đầu tư bất động sản lớn

Các quỹ vốn cổ đông

Các quỹ bảo hộ

Người quản lý tiền cá nhân

Những công ty riêng

Những công ty hữu hạn

TRUNG LƯU: Giáo dục tốt

Công việc lương cao

Nghề nghiệp chuyên môn

Nhà cửa

Tiền tiết kiệm dành dụm

Kế hoạch hưu trí

Quỹ hỗ tương

Đầu tư bất động sản nhỏ

NGHÈO: Gia đình đông con

Các chương trình hỗ trợ của chính phủ

“Đây là những vụ đầu tư khác nhau mà các nhóm khác nhau đầu tư vào,” người cha giàu nói. “Người nghèo thường có gia đình lớn, tin rằng con cái sẽ chăm sóc họ lúc về già. Họ cũng hy vọng ở các chương trình của chính phủ như an sinh, xã hội, trợ cấp xã hội, chăm sóc y tế….”

“Người nghèo đầu tư vào con cái?” tôi nghi ngờ hỏi.

Người cha giàu gật đầu, “Đó là thông tin từ những bảng tổng hợp khái quát nhưng con sẽ thấy đôi chút sự thật trong đó. Họ không thể nói ra nhưng họ trông mong sẽ được con cái hỗ trợ khi họ không còn làm việc nữa.”

“Còn người trung lưu đầu tư vào giáo dục tốt để họ có thể tìm được công việc có lương cao,” tôi nói theo những gì người cha giàu ghi ở trên. “Đối với họ đó là đầu tư ư?”

“Đúng,” người cha giàu mỉm cười. “Không đúng như vậy đối với gia đình con sao? Việc con có bằng đại học, và khả năng làm một nghề như bác sĩ, ,luật sư, hoặc một chức danh như phó chủ tịch hoặc tổng quản lý có thể không quan trọng đối với cha mẹ con sao?”

Tôi đồng ý, “Việc học rất quan trọng trong gia đình con. Mẹ con thật sự muốn con trở thánh một bác sĩ và cha con luôn nghĩ con nên theo trường luật.”

Người cha giàu chặc lưỡi, “Và ông bà không đòi con mua một căn nhà và có một kế hoạch hưu trí hả? Thực tế, con đã từng bảo cha là cha con muốn con ở lại bên Quân đoàn Thủy quân vì họ có một kế hoạch hưu trí tốt với nhiều phúc lợi mà.”

Một lần nữa tôi gật đầu, “Nhưng người nghèo không muốn như vậy sao, ít ra là trong công việc của họ?”

“Họ có thể mơ một công việc có lương cao. Nhưng mơ là mơ và thực là thực. Nếu để ý con sẽ thấy phần lớn những nhân viên lương thấp của cha cứ đổi việc này sang việc khác đơn giản vì đổi việc làm là rất dễ dàng, miễn con đừng đòi lương cao. Vì vậy nên họ mơ tìm được một việc làm có lương thật cao nhưng trong thực tế, nếu không có một nền giáo dục tốt hoặc vài kỹ năng kỹ thuật thì không thể bàn đến một công việc lương cao được.”

“Vì thế nên họ sử dụng hầu hết số tiền dành dụm của mình vào quần áo và ăn uống cho con cái. Đó là cách đầu tư của họ.”

Người cha giàu gật đầu, gõ cây viết chì lên phần đầu tư của người nghèo. “Bây giờ các nhà quản lý được giáo dục đại học của cha thì khác,” ông nói, nhấc cây viết chì chỉ đến phần đầu tư của người trung lưu. “Là nhân viên, họ có khuynh hướng ở lại lâu hơn vì biết rằng nếu họ rời khỏi một nơi, họ phải bắt đầu lại tất cả, thường là từ nấc thang dưới cùng. Đó là lý do tại sao họ thích chức danh và thâm niên. Cũng phải mất thời gian lâu hơn để tìm ra việc nếu con muốn lương cao hơn. Vì thế họ đầu tư nhiều thời gian hơn vào nền giáo dục tốt, lương cao, bảo đảm nghề nghiệp, thăng tiến và chức vụ. Đó là những gì quan trọng đối với giới trung lưu. Như cha đã nói, người ta đầu tư nhưng bằng những cách khác nhau. Người ta chỉ dầu tư thời gian và tiền bạc vào những gì họ nghĩ là quan trọng”

“Nếu vậy thì người giàu xây dựng doanh nghiệp và đầu tư vào các mảng lớn của bất động sản,” tôi nói. “Hoặc họ đầu tư vào quỹ vốn cổ đông, quỹ bảo hộ, trong khi giới trung lưu có quỹ hỗ tương.”

Người cha giàu tiếp tục, “Hoặc người giàu đầu tư vào các nghiệp đoàn, cộng tác, hoặc họ có những nhà quản lý quỹ cá nhân làm việc đó cho họ. Họ đầu tư vào những lĩnh vực đầu tư chỉ dành cho người giàu.”

“Nhưng không phải giáo dục đại học đều quan trọng với mọi người sao?” tôi hỏi.

“Đúng vậy,” người cha giàu đáp. “Thực tế, nếu con nhìn vào hết thảy ba nhóm và các việc đầu tư của họ, cả ba loại đầu tư đều quan trọng, ngay cả với người giàu.”

“Ý cha là người giàu cũng cần gia đình đông con?” tôi hỏi.

“Không cần đông, nhưng gia đình quan trọng với tất cả chúng ta, bất chấp nhóm nào. Và nếu vậy thì sự hỗ trợ của chính phủ cũng quan trọng đối với người giàu. Nếu chính phủ không hỗ trợ người nghèo với các chương trình trợ cấp xã hội, sẽ có người ăn xin trên đường phố và trộm cướp sẽ xông vào nhà người giàu. Vì thế người giàu đầu tư vào hỗ trợ của chính phủ thông qua việc đóng thuế hoặc các công tác từ thiện.”

Người cha giàu tiếp tục giải thích rằng nêu muốn giàu có, tôi cần phải đầu tư vào cả ba nhóm. Nói cách khác, nếu muốn giàu có, tôi phải đầu tư nhiều hơn những người thuộc hai nhóm kia. Ông nói, “Nếu con muốn trở nên giàu có, cha khuyên con là phải đầu tư vào cả những gì người trung lưu và người nghèo đầu tư. Đừng bao giờ… cha nhắc lại… đừng bao giờ cố bỏ qua bất cứ lĩnh vực nào trong số hai vụ đầu tư đầu tiên của người nghèo. Nếu con muốn trở nên giàu có, con phải đầu tư nhiều hơn… chứ không được ít hơn hai nhóm đầu.”

Ông tiếp tục chỉ cho tôi thấy tầm quan trọng của gia đình, nhà cửa, và kế hoạch hưu trí. Ông nói, “Nhiều người cố làm giàu mà không có những trụ cột chống đỡ này và điều đó thật rủi ro. Đó là lý do tại sao thậm chí cha còn có kế hoạch hưu trí 401 (k), dù cha không hề cần đến. Nó chỉ ở đó để hỗ trợ. Ngoài ra, nó còn là một lợi thế thuế vụ đối với cha.” Chỉ vào chữ “gia đình”, ông nói, “Gia đình rất quan trọng, đó là lý do tại sao cha đầu tư nhiều thời giờ và tiền bạc vào gia đình mình. Cha cần gia đình hỗ trợ về mặt tình cảm cũng như con cần Kim hỗ trợ. Cha từng gặp nhiều người bỏ mặc gia đình. Họ hy sinh thời giờ với gia đình để đổi lấy thời giờ ở nơi làm việc. Hoặc thậm chí tệ hơn, người ta còn không chung thủy với gia đình. Cha và con đã từng gặp những người không chung thủy với chồng hoặc vợ họ khi nghĩ rằng yêu đương một chút không sao, nhưng có đấy. Một gia đình vững mạnh rất quan trọng với cha, và cha tín là đối với con cũng vậy.”

Việc bàn đến gia đình khiến tôi thức tỉnh. Trước khi người cha giàu kết thúc bàn luận về gia đình, tôi nói thêm, “Vì cha giàu nên cha có nhiều thời gian với gia đình hơn. Còn cha con thường phải đi công tác dài ngày. Ông ấy nói mình phải đi nếu muốn tăng lương và thăng chức để có thể bày biện thức ăn lên bàn và mua một ngôi nhà lớn hơn.”

“Cha biết” người cha giàu nói. “Nhiều người bỏ gia đình để lấy lương tầng, thăng chức, và cố ra vẻ giàu có bằng cách mua một ngôi nhà lớn. Như cha đã nói, người ta đầu tư vào cái gì người ta cho là quan trọng. Nhưng trong suy nghĩ của cha, đó không phải là đầu tư, đó là tự sát về tài chính và gia đình. Có bao nhiêu người làm cha mẹ ngày nay không có thời giờ cho con cái? Con sẽ ở đâu hôm nay nếu cha không bỏ ra nhiều thời gian như vậy để dạy con kinh doanh và đầu tư? Cha con không có thời gian. Ông ấy quá bận rộn vì phải làm việc chăm chỉ để thanh toán khoản tiền dùng để mua ngôi nhà lớn đó.”

Người cha giàu lại bắt đầu chìm sâu vào lý do tại sao ông luôn nói về một kế hoạch. Trong những cuốn sách trước đây, tôi đã viết về việc ông nói rằng có nhiều kế hoạch đầu tư an toàn, thoải mái, và giàu có. Ông là người rất chặt chẽ trong việc phát triển một kế hoạch và theo đuổi nó. Ông có một kế hoạch là phải giàu vì ông muốn có nhiều thời giờ rảnh cho con cái. Kế hoạch của người cha nghèo của tôi lại là tiếp tục ở lại trường có thể được thăng chức và lãnh lương cao hơn. Dù ông đã cố hết sức để ở nhà với con cái, nhưng thực tế là ông thường ở ngoài đường hơn, trong khi người cha giàu lại ở nhà, để cho các nhân viên điều hành việc kinh doanh và đầu tư của ông. Bây giờ tôi đã nhận ra cả ba cấp độ đầu tư quan trọng như thế nào. Một ý tưởng chợt đến với tôi là tôi có nhiều người bạn chỉ muốn giàu, mà không hề đầu tư vào hai nhóm kia. Vì thế tôi hỏi, “Nhưng với những người đầu tư vào lĩnh vực của người giàu mà không đầu tư vào hai cấp đầu tiên, việc gì xảy ra cho họ?”

“Một số làm như vậy” người cha giàu đáp. “Nhưng rất ít thôi. Cha gặp rất nhiều người đầu tư vào những khoản đầu tư của người giàu trước khi đầu tư vào hai bước đầu. Cha gặp những người đầu tư vào những kế hoạch kinh doanh ít người biết đến với những câu chuyện bịa đặt cao ngất là sẽ kiếm được hàng tỷ dollar, nhưng phần lớn những người đó đều bị mất tiền, bị đánh bại bởi những tên bịp bợm, bọn lừa đảo, và những người mơ tưởng hão huyền của thế giới kinh doanh. Hầu hết những người muốn thắng lớn mà không được trang bị một nền tảng vững chắc đều có kết cục là trở thành những người mất trắng.”

Gật đầu và tự cười một mình, tôi nói, “Con từng gặp nhiều người trong số những người đó. Thực ra, con đã từng là một trong những người đó khi con mới bắt đầu bước ra đời”

Người cha giàu cười lớn nói, “Cha biết. Chắc chắn con có vài câu chuyện ít ai biết về việc con đã phất lên như thế nào…. và rắc rối ở chỗ con có may mắn nhưng lại không có kỹ năng duy trì sự may mắn này. Đó là khi con và ba chú hề cộng sự của con bị vỡ nợ. Con có kinh doanh ở mức độ người giàu trong đầu tư, nhưng những chàng trai trẻ này lại quên mất tầm quan trọng của hai cấp độ đầu… cấp trung lưu và cấp nghèo. Đó là lý do tại sao khi việc kinh doanh của con phất lên, thay vì con và các cộng sự phải giàu lên thì các con lại trở thành những chú hề và mất hết tất cả.”

“Vì vậy nên bây giờ con mới có đủ ba cấp độ,” tôi nói. “Hy vọng con có đủ kỹ năng và chín chắn để phát triển cả ba cấp độ này.”

“Cha cũng hy vọng như vậy,” người cha giàu nói. “Nhưng đừng lo. Đầu tư vào cả ba cấp độ là một công việc toàn thời gian và con sẽ có những thách thức trong tương lai, và các nhân viên của cha cũng sẽ có những thách thức khác của họ trong tương lai.”

“Vì thế, bài học hôm nay là với tư cách những cá nhân, chúng ta có khuynh hướng chỉ đầu tư vào những gì chúng ta cho là quan trọng” tôi nói. “Nhiều người trong số những nhân viên cửa cha biết rằng đầu tư là quan trọng, nhưng họ vẫn chưa thật sự xem trọng điều đó. Họ có những thứ khác được ưu tiên cao hơn mà họ cần đầu tư thời gian và tiền bạc của mình.”

“Chính xác,” người cha giàu nói. “Hãy nhìn sự khác nhau giữa cha con và cha. Cha con nói ngôi nhà là đầu tư lớn nhất của ông ấy. Đối với ông ấy, ngôi nhà quan trọng hơn nhiều so với danh mục đầu tư chứng khoán hay bất động sản công nghiệp là thứ mà cha đầu tư vào. Đó là lý do tại sao bằng cấp đại học và chức vụ của ông quan trọng hơn là đi học cách đầu tư. Cha đầu tư thời gian, tiền bạc vào những gì cha cho là quan trọng, còn ông ấy đầu tư thời gian, tiền bạc vào những gì ông ấy cho là quan trọng, vấn đề là, bây giờ ông ấy đã mất việc làm và mất đi phần lớn những gì dành dụm được, đến giờ ông ấy phát hiện ra rằng trong thế giới thực, những gì mà ông từng cho là vô cùng quan trọng thật ra lại là những thứ không hề quan trọng gì cả. Ông đã phát hiện ra rằng ngôi nhà lớn của ông không phải là tài sản thực, các bằng cấp đại học và kinh nghiệm làm việc của ông không giúp ông trong thế giới kinh doanh thực hoặc trong thị trường đầu tư. Thế giới thực rất khác với thế giới của ngành giáo dục hoặc chính phủ. Những gì ông đã đầu tư sẽ không thành công trong thế giới thực.”

ĐỂ DÀNH TIỀN

KHÔNG CẦN NHIỀU THÔNG MINH TÀI CHÍNH

Trong những cuốn sách gần đây, tôi viết về ba kiểu giáo dục khác nhau. Đó là:

1. Giáo dục học đường

2. Giáo dục nghề nghiệp

3. Giáo dục tài chính

Người cha nghèo của tôi được giáo dục tốt trong hai cấp độ đầu. Người cha giàu lại dược giáo dục rất tôi trong kiểu thứ ba, giáo dục tài chính. Khi luật ERISA được thông qua, người cha giàu nhanh chóng nhận ra rằng luật pháp đã thất bại trong việc tạo ra yếu tố cần thiết cho giáo dục tài chính toàn cầu. Năm 1988, ông nhận ra luật pháp đã giới hạn các loại lời khuyên mà một nhà tư vấn tài chính có thể đưa ra. Kết quả là hầu hết mọi người sẽ chỉ làm những gì mà trước giờ họ vẫn làm. Họ sẽ không thể chuyển từ nhóm L hoặc T sang nhóm Đ khi họ nghỉ hưu được.

Người cha giàu chỉ vào những so sánh mà ông viết trên tờ giấy ở trên. Chỉ vào chữ “dành dụm”, ông nói, “Cần thông minh tài chính đến mức nào để dành dụm tiền?”

“Con không biết” tôi đáp. “Thật sự con chưa bao giờ nghĩ về điều đó.”

“Theo ý cha, không cần một chút thông minh nào cả. Cha có thể dạy cho một con khỉ để dành tiền,” ông chắc lưỡi. “Và quá nhiều người nghĩ rằng họ thật thông minh khi để dành tiền. Tất cả những gì người ta phải làm là đi đến máy rút tiền, và nếu con thật sự kém cỏi thì cái máy đó vẫn có thể khiến các biên lai tiền gửi của con chất chồng lên. Việc đó có khó gì đâu? Để dành tiền có thể là khôn ngoan nhưng nó không đòi hỏi người ta phải có sự thông minh tài chính.”

“Cha có thể dạy cho một con khỉ để dành tiền?”

“Chắc chắn là cha có thể,” người cha giàu mỉm cười. “Cha vừa làm rõ một điều là hầu hết mọi người đều rất ít thông minh tài chính. Nếu hầu hết mọi người gặp khó khăn trong việc dể dành tiền, thì liệu họ có bao nhiêu cơ hội để thực hiện nhũng khoản đầu tư rắc rối hơn? Hãy nhìn cha con. Ông là một người được giáo dục tốt nhưng ông không thể đơn giản kiếm tiền từ một cây kem. Ông là một người dành dụm chứ không phải là một nhà đầu tư, càng không phải là nhà kinh doanh. Ông không xây dựng nổi một doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực mạo hiểm đó.”

“Ông ấy cảm thấy mình bị lừa, nhưng thực tế là ông không thể đọc một bản báo cáo tài chính nào cả,” tôi nói. “Con đã đề nghị cha con nhờ cha xem xét các số liệu kinh doanh nhưng sự tự hào của ông ấy không cho phép ông ấy làm như vậy. Ông ấy nói rằng cha không có một tấm bằng đại học nào nên ông ấy không bao giờ xin cha lời khuyên cả.”

Người cha giàu lắc đầu. Tiếp tục chỉ vào phần đầu tư mà người giàu đầu tư vào, ông nói, “Phải cần có giáo dục tài chính để đầu tư vào những lĩnh vực này… nền giáo dục tài chính mà cha con đã không có dù ông ấy đã học đại học.”

GIÀU: Giáo dục tài chính tốt

Xây dựng doanh nghiệp

Đầu tư bất động sản lớn

Các quỹ vốn cổ đông

Các quỹ bảo hộ

Người quản lý tiền cá nhân

Những công ty riêng

Những công ty hữu hạn

Rồi chỉ vào cột của người trung lưu, ông nói, “Không cần nhiều giáo dục tài chính để đầu tư vào bất cứ loại nào mà nhóm này đầu tư. Như đã nói, cha có thể dạy một con khỉ để dành tiền, và sáu đó cha sẽ dạy nó mua quỹ hỗ tương. Thật ra, mỗi năm người ta đều có một cuộc thi, trong đó, một con khỉ phóng phi tiêu vào danh sách các cổ phiếu. Người ta muốn xem con khỉ có thể đánh bại được những tay nhà nghề trong việc lựa chọn cổ phiếu hay không… và thường là con khỉ thắng.”

TRUNG LƯU: Giáo dục tốt

Công việc lương cao

Nghề nghiệp chuyên môn

Nhà cửa

Tiền tiết kiệm dành dụm

Kế hoạch hưu trí

Quỹ hỗ tương

Đầu tư bất động sản nhỏ

“Vậy lý do khiến người trung lưu không giàu được là vì họ thiếu nền giáo dục tài chính?” tôi hỏi.

“Đúng là một số có giàu lên,” người cha giàu nói. “Nhưng nếu không có một nền giáo dục tài chính hoàn chỉnh, họ phải tốn nhiều thời gian làm việc chăm chỉ để kiếm tiền và cũng cần nhiều tiền để trở nên giàu có. Ngoài ra, chỉ số IQ tài chính càng thấp thì việc họ đặt tiền vào đâu càng có nhiều rủi ro. Đó là lý do tại sao người trung lưu tập trung vào việc để dành tiền trong khi người giàu tập trung vào việc đầu tư tiền. Đó là lý do tại sao người trung lưu thường đặt quá nhiều tiền vào ngôi nhà của họ thay vì đầu tư bất động sản. Sự khác nhau là giáo dục tài chính. Nếu họ có một nền giáo dục tài chính tốt hơn, họ có thể hiểu tại sao làm chủ một ngôi nhà và để dành tiền là rất rủi ro, và tại sao đầu tư vào bất động sản là thông minh hơn.”

“Vì vậy sau khi con gây dựng lại việc kinh doanh của mình, con có thể bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực của người giàu,” tôi nói, tay chỉ vào hàng thứ nhất trong những lĩnh vực mà người giàu đầu tư vào.

“Con có thể làm những gì con muốn. Hôm nay cha chỉ muốn con thấy rằng người ta chỉ đầu tư vào những gì họ cho là quan trọng. Nhiều người trong số các nhân viên của cha không nghĩ rằng kế hoạch hưu trí của họ là quan trọng. Họ có nhiều việc khác để làm với đồng tiền của họ… những thứ mà họ cho là quan trọng hơn,” người cha giàu nói. “Nếu con muốn đầu tư vào những lĩnh vực đầu tư của người giàu, cha khuyên con nên tiếp tục đầu tư vào giáo dục tài chính của con. Nếu con có chỉ số IQ tài chính cao, những gì có vẻ rủi ro với phần lớn mọi người thì lại an toàn đối với con. Và những gì xem ra là an toàn đối với người nghèo và trung lưu dường như lại là rủi ro đối với con. Tất cả là vấn đề con nghĩ gì là quan trọng và kết cục là con sẽ đầu tư vào đâu. Cha để quyết định đó cho con.”

Một cuộc sụp đổ thị trường lớn chỉ khiến những người có giáo dục tài chính giới hạn sợ hãi hơn mà thôi. Một cuộc sụp đổ thị trường lớn chính là thời điểm tốt nhất để những người có giáo dục tài chính vững vàng làm giàu. Như người cha giàu thường nói, “Nếu con có nền giáo dục tài chính vững vàng, con sẽ không lo đến việc thị trường lên hay xuống. Con chỉ vui vẻ khi thấy chúng lên hay xuống mà thôi.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.