Dạy Con Làm Giàu – Tập 13

CHƯƠNG 3



IQ tài chính #1: Kiếm nhiều tiền hơn

Sau bốn năm ở Học viện Thương mại Hàng hải tại Kingston, New York, tôi ra trường năm 1969 và làm công việc đầu tiên là đi theo tàu chở dầu của Standard Oil of California. Tôi làm phó thuyền trưởng thứ ba đi tuyến California, Hawaii, Alaska và Tahiti. Đó là một công việc tuyệt vời trong một công ty cũng tuyệt vời. Tôi chỉ phải làm việc bảy tháng, sau đó nghỉ năm tháng đi du lịch và lương thì cũng khá hậu hĩnh, xấp xỉ khoảng 47.000 đôla một năm, tương đương 140.000 đôla hiện nay.

Lương 47.000 đôla được xem là nhiều cho một người mới ra trường vào những năm 1969. So với hiện nay, nó cũng còn cao. Tuy nhiên, khi so với một số người bạn trong lớp, lương của tôi thuộc dạng thấp. Một số người mới vào nghề, làm phó thuyền trưởng thứ ba, mà đã nhận từ 70.000 đến 150.000 đôla một năm. Nó tương đương với lương khởi điểm từ 250.000 đến 500.000 đôla một năm hiện nay. Không quá tệ cho một người hai mươi hai tuổi mới ra trường.

Lý do mà lương của tôi thấp hơn là bởi vì Standard Oil là một công ty vận tải biển không có công đoàn. Còn những người bạn cùng lớp của tôi được lương cao hơn là bởi vì lương đó đã có công đoàn bảo vệ.

Chỉ sau bốn tháng làm phó thuyền trưởng thứ ba, tôi bỏ công việc lương cao ở Standard Oil và gia nhập Marine Corps. Tôi thấy mình phải có nghĩa vụ phục vụ đất nước. Vào lúc đó, nhiều người bạn của tôi làm mọi cách để tránh quân dịch. Một người bỏ trốn qua Canada, nhiều người học lên cao học. Một số khác đột nhiên mắc những căn bệnh lạ để được xếp vào nhóm 4-F, nhóm không đủ sức khỏe để đi lính.

Tôi được miễn quân dịch bởi vì tôi làm trong nhóm ngành phi quân sự thiết yếu. Do dầu cần thiết cho chiến tranh mà tôi lại làm cho một công ty dầu, hội đồng tuyển quân không thể đụng đến tôi. Tôi không phải trốn tránh cuộc chiến như những đứa bạn của mình. Nhiều đứa ngạc nhiên khi tôi tình nguyện đi chiến đấu. Tôi không bị bắt buộc, nhưng tôi muốn vậy.

Phần quyết định khó nhất là lương của tôi sẽ bị giảm. Làm thiếu úy ở Marine Corps tôi được trả 2.400 đôla một năm. Ở Standard Oil, tôi kiếm số đó chỉ trong vòng hai tuần. Quan trọng hơn nữa, khi tính đến việc tôi đang làm chỉ có bảy tháng trong năm, năm tháng còn lại được nghỉ, tôi sẽ phải hy sinh rất nhiều. Bảy tháng đó, mỗi tháng tôi kiếm được gần 7.000 đôla và nghỉ phép năm tháng không lương mà không sợ mất việc. Không phải một thương vụ tồi. Ngày nay nhiều người cũng sẽ chọn như vậy.

Standard Oil đã rất thông cảm khi tôi báo rằng tôi sẽ nghỉ việc để phục vụ cho đất nước này. Họ nói rằng tôi vẫn có thể đi làm lại nếu tôi còn sống sót trở về. Khoảng thời gian trong quân ngũ sẽ vẫn được tính vào thâm niên công tác của tôi tại công ty.

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác kinh khủng khi bước ra từ văn phòng làm việc ở San Francisco trên phố Market. Tôi không thôi tự hỏi bản thân: “Mày đang làm cái gì vậy? Mày có bị dở hơi không? Mày không cần phải đi lính. Mày không cần phải chiến đấu. Mày được miễn quân dịch cơ mà. Sau bốn năm học, cuối cùng mày cũng đang kiếm được rất nhiều tiền cơ mà.” Với suy nghĩ từ chỗ đang kiếm được 4.000 đôla một tháng giờ chỉ còn 200 đôla luẩn quẩn trong đầu, tôi chực như muốn quay lại xin làm tiếp.

Nhìn tòa nhà Standard Oil lần cuối, tôi lái xe tới quảng trường Ghirardelli để phung phí như một quý ông giàu có trong một quán bar yêu thích, The Buena Vista. Từ giờ, là một lính thủy quân lục chiến và chỉ kiếm được 200 đôla một tháng, tôi nghĩ đây là cơ hội cuối cùng để mình tận hưởng cảm giác của sự giàu có. Tôi có rất nhiều tiền mặt trong túi. Tôi muốn tận hưởng nó.

Điều đầu tiên tôi làm là mua một suất nước cho cả quán bar. Hôm đó trở thành một bữa tiệc. Chẳng lâu sau, tôi gặp một phụ nữ trẻ, xinh đẹp, bị cuốn hút bởi những đồng tiền tuôn ra từ túi của tôi. Chúng tôi rời quán bar. Chúng tôi ăn tối và uống rượu. Chúng tôi cười và la hét.
Trong đầu tôi chỉ nghĩ đến ăn, uống và vui vẻ, bởi vì có thể ngày mai tôi sẽ chết.

Cuối buổi tối, quý bà trẻ tuổi đáng yêu ấy bắt tay tôi, hôn lên má và biến mất nhanh trên một chiếc taxi. Tôi muốn hơn thế nữa nhưng cô ấy chỉ muốn tiền của tôi. Sáng hôm sau, tôi bắt đầu lái xe từ San Francisco đến Pensacola, nơi mà khóa huấn luyện bay của tôi sẽ bắt đầu và đến tháng 10 năm 1969, tôi phải báo cáo kết quả cho trường dạy bay. Hai tuần sau, tôi chết lặng khi thấy phiếu lĩnh lương 200 đôla một tháng, sau khi bị trừ thuế, trông như thế nào.

Năm năm sau, tôi được giải ngũ trong danh dự. Thử thách đầu tiên và cấp bách của tôi là IQ tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn. Tôi hai mươi bảy tuổi và từng làm qua hai công việc, một là thuyền viên, cái thứ hai là phi công.

Có đôi lúc, tôi nghĩ đến việc quay trở lại Standard Oil và xin đi làm lại. Tôi thích Standard Oil và tôi thích San Francisco. Tôi cũng thích tiền lương ở đó. Có thể tôi sẽ bắt đầu lại với mức lương 60.000 đôla một năm bởi vì Standard Oil tính thời gian làm việc của tôi ở Marine Corps vào thâm niên công tác.

Lựa chọn thứ hai của tôi là làm phi công cho các hãng hàng không. Nhiều người bạn của tôi được mời làm với mức lương khởi điểm cũng tương đối khá, khoảng 32.000 đôla một năm. Mặc dù lương không tốt bằng ở Standard Oil, việc làm một phi công cuốn hút tôi. Hơn thế nữa, lương của bất kỳ hãng hàng không nào cũng sẽ tốt hơn mức lương 985 đôla một tháng mà Marine Corps trả cho tôi để làm phi công sau năm năm phục vụ.

Tuy nhiên, thay vì quay trở lại Standard Oil hay đi bay cho các hãng hàng không, tôi làm việc cho Xerox Corporation ở trung tâm Honolulu. Lương khởi điểm của tôi là 720 đôla một tháng. Một lần nữa, lương của tôi bị giảm đi. Gia đình và bạn bè nghĩ rằng cuộc chiến đã làm tôi bị điên.

Bạn có thể thắc mắc là tại sao tôi chấp nhận mức lương 720 đôla một tháng ở một thành phố đắt đỏ như Honolulu. Câu trả lời nằm trong chủ đề của cuốn sách này: nâng cao chỉ số IQ tài chính. Tôi làm cho Xerox không phải vì lương mà là để nâng cao sự thông minh tài chính của mình – đặc biệt là IQ tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn. Tôi đã quyết định rằng cách tốt nhất để tôi kiếm tiền là trở thành doanh nhân, chứ không phải là phi công hay là thuyền viên. Tôi biết là nếu muốn trở thành doanh nhân, tôi phải có những kỹ năng bán hàng. Chỉ có điều, tôi cực kỳ nhút nhát và khiếp sợ khi bị từ chối.

Vấn đề của tôi là tính nhút nhát và thiếu kỹ năng bán hàng. Xerox sẽ cung cấp khóa huấn luyện bán hàng chuyên nghiệp. Họ đang cần nhân viên bán hàng. Tôi đang tìm kiếm công việc bán hàng. Vì vậy đây là một thương vụ tuyệt vời. Chúng tôi đều giải quyết được những vấn đề của mình. Ngay sau khi được tuyển dụng, công ty cử tôi bay đến căn cứ huấn luyện ở Leesburg, Virginia. Khóa huấn luyện bán hàng của tôi chính thức bắt đầu.

Bốn năm làm việc cho Xerox, từ năm 1974 đến năm 1978, là một quãng thời gian khó khăn. Hai năm đầu, tôi suýt bị đuổi vài lần vì không thể bán được hàng. Không những không bán được hàng và có nguy cơ mất việc, tôi còn không làm ra được đồng nào. Nhưng tôi có mục tiêu trở thành người bán hàng xuất sắc nhất ở chi nhánh Honolulu và tôi đã đối diện khó khăn với lòng quyết tâm..

Sau hai năm, khóa huấn luyện bán hàng và những kinh nghiệm thực tiễn đã bắt đầu có ích và tôi cuối cùng cũng trở thành nhân viên bán hàng số một ở chi nhánh Honolulu. Tôi đã giải quyết được căn bệnh nhút nhát, sợ bị từ chối và học được cách bán hàng. Tuyệt vời hơn nữa là, tôi kiếm được nhiều tiền hơn so với việc làm một thuyền viên hay một phi công. Nếu tôi chịu yên phận với một công việc nào đó sau chiến tranh, tôi sẽ chẳng bao giờ vượt qua được tính nhút nhát và sợ bị từ chối và tôi cũng sẽ chẳng bao giờ gặt hái được thành quả từ việc đối diện khó khăn và chinh phục nó. Tôi học được một bài học giá trị từ kinh nghiệm làm việc ở Xerox: giải quyết được khó khăn là con đường dẫn đến sự giàu có.

Khi đã đạt được mục tiêu trở thành nhân viên bán hàng số một, tôi xin nghỉ việc để đối đầu với thách thức tiếp theo – lập doanh nghiệp. Ai đã từng mở công ty đều biết thách thức đầu tiên, một lần nữa, là IQ tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn. Bởi vì bây giờ tôi hoàn toàn không còn nhận lương nữa, tôi phải nhanh chóng giải bài toán IQ tài chính #1.
TRƯỚC KHI BẠN NGHỈ VIỆC

Trong cuốn sách trước, Dạy con làm giàu tập 10 – Trước khi bạn nghỉ việc, tôi có viết về quá trình thành lập doanh nghiệp đầu tiên của mình, công ty đầu tiên cho ra đời ví nylon kiểu Velcro dành cho người lướt sóng. Tôi có nói đến tám thành tố tạo nên một doanh nghiệp và lý do tại sao không có nó, nhiều doanh nghiệp thất bại và làm ăn không có lãi. Tôi tin đó là một cuốn sách hay cho những ai muốn trở thành doanh nhân và bắt đầu thành lập doanh nghiệp riêng của mình. Bạn cần phải đọc cuốn sách đó trước khi nghỉ việc.

Trong cuốn sách đó, tôi nói về việc tại sao công việc kinh doanh lại cực kỳ thành công đến như vậy chỉ trong vòng một năm, làm cho tôi trở thành triệu phú để rồi sau đó đột ngột thất bại. Tôi kể về cảm giác mất mát, chán nản và muốn được trốn chạy sau khi công ty sụp đổ. Tôi ngập sâu trong nợ nần và đối diện với rắc rối tài chính lớn nhất trong cuộc đời cho đến thời điểm đó.

Tuy nhiên, người cha giàu khuyến khích tôi đối mặt với vấn đề và gây dựng lại công việc kinh doanh còn hơn là trốn chạy và tuyên bố phá sản. Ông ấy nhắc tôi rằng giải quyết mớ hỗn độn đó sẽ làm tăng sự thông minh tài chính của tôi. Đó là một trong số những lời khuyên tốt nhất dành cho tôi từ trước đến giờ. Mặc dù đau đớn nhưng quá trình đối mặt với vấn đề và gây dựng lại công việc kinh doanh là sự giáo dục tốt nhất mà tôi có thể có. Nó mất một vài năm nhưng quá trình đó đã giúp tôi nâng cao chỉ số IQ tài chính từ #1 cho đến #5 và khiến tôi trở thành một doanh nhân thông minh hơn về tài chính.

Gây dựng lại đống đổ nát chính là trường dạy kinh doanh của tôi. Điều đầu tiên phải làm là tôi kết hợp lại tám thành tố của một doanh nghiệp – tam giác C-Đ. Thứ hai là tôi phải định hình, lại công việc kinh doanh bằng cách tìm ra một phân khúc thị trường. Bạn thấy đó, cho đến năm 1981, năm mà tôi gây dựng lại công việc kinh doanh, thị trường không bị tràn ngập bởi những nhà sản xuất ví khác. Giờ đây, ví nylon từ những quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan và Indonesia tràn ngập thị trường thế giới. Giá bán lẻ mà tôi định giá là 10 đôla giảm xuống còn 1 đôla trên đường phố Waikiki và khắp thế giới. Ví nylon đã trở thành một thứ hàng hóa và như bạn cũng biết, thị trường của hàng hóa là dành cho những nhà sản xuất với giá bán thấp nhất. Để cạnh tranh, tôi cần một phân khúc thị trường. Tôi cần có một thương hiệu. Cơ hội xuất hiện cùng với trào lưu nhạc rock and roll.

Như từng đề cập trong cuốn sách Dạy con làm giàn tập 10 – Trước khi bạn nghỉ việc, việc kinh doanh rock and roll đến với tôi một cách tình cờ và tôi đã cứu sống doanh nghiệp của mình bằng cách mua quyền sử dụng tên các ban nhạc rock. Chẳng bao lâu sau đó, tôi sản xuất những chiếc ví có in tên của Van Halen, Judas Priest, Duran Duran, Iron Maiden, Boy Geogre và còn những người khác nữa. Bởi vì được cấp quyền hợp pháp, giá bán lẻ những chiếc ví của tôi tăng lên 10 đôla trở lại. Tuy giờ đây phải trả tiền bản quyền nhưng việc sản phẩm có tên những ban nhạc rock and roll một cách hợp pháp đã mở cánh cửa cho việc tiếp cận các nhà bán lẻ trên toàn nước Mỹ và khắp thế giới. Công việc kinh doanh của tôi phất lên và tiền lại chảy vào.

Như tôi từng nói, cách để nâng cao sự thông minh tài chính là giải quyết những vấn đề trước mắt bạn. Năm 1981, tôi giải quyết được vấn đề gây dựng lại sự nghiệp. Sau đó, vấn đề kế tiếp lại xuất hiện: đánh bại những đối thủ cạnh tranh giá rẻ và những kẻ bắt chước sản phẩm của tôi để kiếm tiền trong khi tôi lại mất tiền.

Đó là vấn đề vi phạm bản quyền. Chính những người sao chép sản phẩm đầu tiên của tôi, ví nylon, bây giờ lại ăn cắp ý tưởng về phân khúc thị trường của tôi. Họ sản xuất những sản phẩm được cấp bản quyền giống tôi, bán giá thấp hơn và chỉ không trả tiền bản quyền cho các ban nhạc mà thôi.

Sau một vài tháng đấu tranh với tình trạng sản xuất lậu, tôi nhận ra rằng người duy nhất làm giàu sau chuyện này là luật sư, những người được trả phí để cãi cho tôi tại tòa nhưng không giành được chiến thắng. Những kẻ sản xuất lậu còn thông minh và nhanh nhạy hơn các vị luật sư. Họ chỉ biết nói là họ cần nhiều tiền hơn để đấu tranh cho tôi. Chẳng lâu sau tôi nhận ra rằng mình đang trả tiền cho một loại ăn trộm khác mà những người này (luật sư) trông như là đứng về phía tôi. Tôi học được một bài học giá trị khác trong kinh doanh, và tiền bạc, điều này sẽ được nói đến trong chương sau – chỉ số IQ tài chính #2: bảo vệ tiền của bạn.

Có một câu nói rằng, “Nếu bạn không đánh bại được họ, hãy tham gia cùng họ.” Tôi sa thải luật sư và bay tới Hàn Quốc, Đài Loan và Indonesia để tham gia vào lực lượng sản xuất hàng lậu. Thay vì đấu tranh tại tòa khiến tôi tốn kém nhiều tiền hơn số làm được, tôi cấp phép cho đối thủ sản xuất ví cho tôi. Chi phí sản xuất giảm, chi phí luật sư cũng giảm mà tôi có được nhà máy sản xuất tốt hơn. Bây giờ tôi có thể tập trung vô việc mình làm tốt nhất – bán hàng. Công việc kinh doanh phát đạt trở lại. Chẳng lâu sau, sản phẩm của chúng tôi được bán trong những cửa hàng bách hóa và ở những buổi biểu diễn nhạc rock. Năm 1982, một kênh truyền hình mới phát sóng, MTV. Công việc kinh doanh của tôi phát triển vượt bậc và một lần nữa, tiền lại chảy vào.

Tháng 1 năm 1984, tôi bán cổ phần trong công ty sản xuất ví nylon rock and roll đó cho hai đối tác kinh doanh. Tôi và Kim rời Hawaii chuyển đến California để bắt đầu việc kinh doanh giáo dục. Tôi không có khái niệm gì về sự khác biệt giữa kinh doanh một sản phẩm bình thường và kinh doanh giáo dục. Tiền tiết kiệm của chúng tôi cạn dần và nhanh chóng, vấn đề không đủ tiền trở thành một rắc rối chính. Năm một – ngàn -chín -trăm-tám-mươi-lăm là một năm tồi tệ nhất trong đời chúng tôi. Tôi đã từng túng quẫn trước đây nhưng Kim thì chưa. Việc cô ta vẫn còn ở lại với tôi là minh chứng cho cá tính của cô ấy, chứ không phải ngoại hình bảnh trai của tôi. Tuy nhiên chúng tôi đã cùng nhau xây dựng một công ty chuyên dạy về kinh doanh với văn phòng ở Mỹ, Úc, New Zealand, Singapore và Canada. Năm 1994, tôi và Kim bán công ty đó và nghỉ hưu với thu nhập thụ động từ những khoản đầu tư bất động sản đủ để nuôi sống chúng tôi trong quãng thời gian còn lại.

Nhưng… chúng tôi cảm thấy nhàm chán. Sau một thời gian nghỉ hưu ngắn ngủi, tôi và Kim tạo ra trò chơi CASHFLOW vào năm 1996 và cuốn sách Dạy con làm giàu tập 1 được phát hành dưới hình thức tự xuất bản vào năm 1997. Giữa năm 2000, Oprah Winfrey mời tôi xuất hiện một giờ trên chương trình của bà và chuyện xảy ra sau đó thì bạn cũng đã biết. Ngày nay, công ty The Rich Dad là một công ty quốc tế. Phần nhiều thành công như vậy là nhờ những bài học từ thành công và thất bại của những việc kinh doanh trước đây của tôi. Nếu tôi không học hỏi từ việc giải quyết những rắc rối của mình, tôi sẽ không thể đạt được như ngày hôm nay. Nếu như vứt rắc rối vào xọt rác và để cho hoàn cảnh đưa đẩy, bạn sẽ không có cơ hội đọc được cuốn sách này hôm nay.

TẤT CẢ MỤC TIÊU ĐỀU CẦN CÓ MỘT QUÁ TRÌNH

Như chúng ta biết, tất cả mục tiêu đều cần có một quá trình đòi hỏi sự phấn đấu. Ví dụ, muốn trở thành một bác sĩ thì cần phải trải qua một quá trình giáo dục và rèn luyện gian khổ. Nhiều người mơ ước làm bác sĩ, nhưng quá trình làm họ chùng bước. Trong những trang vừa qua, bạn đã được đọc về quá trình của tôi và để tôi nói cho bạn nghe, nó thực sự là một sự phấn đấu!

Lý do mà người ta thiếu IQ tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn là bởi vì họ muốn có nhiều tiền nhưng không muốn quá trình. Nhiều người không nhận biết được rằng chính quá trình làm cho họ giàu có chứ không phải tiền bạc. Lý do mà nhiều người trúng số hoặc hưởng thừa kế từ tài sản của gia đình nhanh chóng rơi vào cảnh túng quẫn là bởi vì họ có được tiền mà không phải trải qua một quá trình. Nhiều người khác không làm giàu được bởi vì họ thích hưởng lương ổn định hơn là quá trình học hỏi để trở nên thông minh hơn về tài chính và giàu có hơn. Họ bị nỗi sợ hãi của người nghèo giữ chân. Chính nỗi sợ hãi này ngăn cản họ đón nhận lấy cơ hội và giải quyết những khó khăn bắt buộc của việc làm giàu.
TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU KHÁC NHAU

Tất cả chúng ta đều khác nhau, có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Chúng ta có những quá trình, những thách thức và khó khăn khác nhau. Một số người bán hàng giỏi bẩm sinh. Còn tôi thì không. Khó khăn hàng đầu của tôi là không sao khắc phục được nỗi sợ phải bán hàng và bị từ chối. Một số người thì lại sinh ra là để làm doanh nhân. Còn tôi thì không. Tôi phải học cách để trở thành doanh nhân.

Tôi viết điều này bởi vì tôi không có ý nói là bạn phải học cách bán hàng hay là bạn cần phải học cách trở thành doanh nhân. Đó là quá trình của tôi. Nó có thể không phải dành cho bạn. Việc cần làm đầu tiên để nâng cao IQ tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn là phải quyết đinh xem cách tốt nhất để cho bạn kiếm tiền là gì. Nếu như đó là trở thành bác sĩ y khoa thì hãy chuẩn bị để vô trường y. Nếu như đó là trở thành một vận động viên chơi gôn chuyên nghiệp thì hãy tập làm quen với gậy bây giờ. Nói cách khác, hãy chọn cho mình mục tiêu rồi sau đó hãy chọn quá trình. Luôn nhớ rằng quá trình còn quan trọng hơn là mục tiêu!
TRÍ TUỆ CẢM XÚC
Đã đến lúc cần phải chỉ cho bạn thấy là thông minh tài chính cũng còn là thông minh cảm xúc. Warren Buffett, nhà đầu tư giàu có nhất thế giới, đã nói rằng, “Nếu bạn không kiểm soát được cảm xúc của mình thì bạn không thể kiểm soát tiền bạc được.” Điều này đúng cho quá trình của bạn. Một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình của tôi là không được bỏ cuộc khi chán chường, không được mất bình tĩnh khi thất vọng và phải tiếp tục học hỏi khi muốn bỏ chạy.

Lý do khác mà nhiều người bỏ cuộc giữa chừng là bởi vì họ không thể tiếp tục mà không đạt được những thành quả tức thì. Lý do chính mà tôi đề cập đến mức lương thấp mà tôi nhận được trong giai đoạn đầu đời là để minh chứng cho tầm quan trọng của việc tạm thời quên đi sự thỏa mãn. Nhiều người hy sinh cuộc sống giàu có trong tương lai đổi lấy vài đồng hôm nay. Tôi không kiếm được nhiều tiền trong những năm 20 -30 tuổi nhưng ngày nay thì tôi kiếm được hàng triệu.

Kiểm soát được sự thay đổi của cảm xúc, tạm thời quên đi sự thỏa mãn ngắn hạn là những việc làm cần thiết để phát triển trí thông minh tài chính của tôi. Nói cách khác, thông minh cảm xúc là cần thiết cho thông minh tài chính. Sự thật là, khi nói đến tiền bạc, tôi cho rằng thông minh cảm xúc là cái quan trọng nhất. Nó còn quan trọng hơn sự thông minh học thuật hoặc nghề nghiệp. Ví dụ, nhiều người không theo đuổi ước mơ của mình bởi vì họ sợ. Nếu có chăng nữa thì khi gặp thất bại, họ bỏ cuộc và sau đó đổ lỗi cho những cái khác mà đáng ra họ mới là người chịu trách nhiệm cho những thất bại của mình.
NHỮNG KẺ BỎ CUỘC KHÔNG BAO GIỜ CHIẾN THẮNG
Cách đây một vài năm, có một chàng trai trẻ làm việc cho tôi. Anh ấy rất thông minh, quyến rũ, có bằng MBA và kiếm được nhiều tiền. Những lúc rảnh rỗi, anh ta và vợ thử nhiều công việc kinh doanh. Họ thử kinh doanh bất động sản nhưng thất bại. Họ mua nhượng quyền kinh doanh nhưng cũng thất bại. Sau đó họ mua lại một trung tâm chăm sóc y tế và gần như mất sạch khi bệnh nhân qua đời ngoài ý muốn. Hiện giờ, cả hai đã đi làm trở lại với tiền lương cao nhưng vẫn không thôi cảm thấy như thế là chưa đủ.

Lý do tôi đề cập đến cặp vợ chồng trẻ này là vì họ đã không chịu rút kinh nghiệm. Khi mọi thứ trở nên khó khăn, họ đầu hàng. Việc họ dám thử sức với những cuộc phiêu lưu mới là đáng khen nhưng họ dừng chân khi những khó khăn trông có vẻ quá nghiêm trọng. Họ không chịu chấp nhận thất bại và học hỏi từ những sai lầm. Họ không nhận ra rằng chính quá trình chứ không phải tiền bạc làm cho họ giàu có.

Một trong những bài học khó khăn nhất từ người cha giàu của tôi là phải kiên trì cho đến khi chiến thắng mới thôi. Khi gặp rắc rối ở Xerox vì không bán được hàng, tôi đã muốn nghỉ. Bởi vì tôi không bán được hàng, tôi không kiếm được tiền. Thực tế là chi phí để sống ở Honolulu cao hơn số tôi kiếm được. Người cha giàu nói, “Con có thể từ bỏ khi con đã chiến thắng nhưng đừng bao giờ từ bỏ khi con thất bại.” Mãi cho đến năm 1978, sau khi đã trở thành nhân viên bán hàng số một ở Xerox, tôi mới nghỉ việc. Quá trình đó đã làm cho tôi giàu có hơn, cả về mặt tài chính lẫn tinh thần. Bằng cách khắc phục nỗi sợ không bán được hàng, tôi đã có thể khắc phục được vấn đề không kiếm được tiền của tôi.

Khi còn làm việc ở Xerox, trong những lúc rảnh rỗi tôi tiến hành công việc kinh doanh ví nylon. Năm 1978, tôi bắt đầu dành toàn thời gian cho việc kinh doanh dó. Nó phất lên nhưng rồi cũng thất bại. Một lần nữa, tôi muốn từ bỏ, nhưng cũng một lần nữa, người cha giàu nhắc nhở tôi rằng hành trình còn quan trọng hơn đích đến. Trong lúc ngập sâu trong nợ nần, không có tiền, đã nhiều lần ông ấy khuyên tôi rằng nếu giải quyết được vấn đề hiện tại thì tôi sẽ chẳng bao giờ thiếu tiền nữa. Tôi sẽ học được cách thành lập doanh nghiệp và tôi sẽ thông minh về tài chính thêm tí nữa. Nhưng trước hết tôi cần phải giải quyết vấn đề trước mắt trước.
QUÁ NHIỀU TIỀN

Ở đầu cuốn sách này, tôi có nói rằng có hai loại rắc rối tài chính. Một cái là không có đủ tiền, còn cái còn lại là có quá nhiều tiền. Năm 1974, khi rời khỏi Marine Corps, tôi đã phải quyết định là mình muốn rắc rối nào. Nếu tôi muốn gặp rắc rối với việc không có đủ tiền, tôi sẽ làm việc cho Standard Oil hoặc các hãng hàng không. Còn nếu muốn gặp rắc rối với việc có quá nhiều tiền, tôi sẽ làm cho Xerox, ngay cả khi nó trả lương thấp nhất. Như bạn cũng biết, tôi chọn rắc rối với việc có quá nhiều tiền.

Tôi cần được đào tạo, không chỉ là tiền bạc. Tôi chọn Xerox bởi vì tôi biết là tôi có thể làm thuyền viên hoặc phi công. Nhưng tôi không biết liệu mình có thể trở thành một doanh nhân. Tôi biết rằng mình có thể thất bại. Nhưng tôi cũng biết là mình sẽ học được nhiều nhất nếu tôi dám chấp nhận thất bại. Nếu tôi để cảm giác sợ thất bại và trở nên nghèo chiến thắng, tôi sẽ chẳng bao giờ bắt đầu được cái gì.

Một trong những lý do mà người ta không nâng cao được IQ tài chính #1 là bởi vì họ cứ trói mình với những cái đã biết. Thay vì đón nhận những thách thức mới để học hỏi, họ chọn giải pháp an toàn. Nói vậy không có nghĩa là bạn nên làm những điều ngốc nghếch và rủi ro. Có nhiều thứ chúng ta có thể làm nhưng chúng ta chọn cách không làm. Ví dụ, tôi đã có thể quyết định leo lên đỉnh Everest. Hay là tôi đã có thể đăng ký khóa đào tạo phi công của NASA. Hay là tôi cũng đã có thể chọn con đường chính trị và ra tranh cử để vào văn phòng công. Cái tôi muốn nói là tôi lựa chọn thử thách tiếp theo một cách cẩn trọng chứ không phải theo may rủi. Tôi chất vấn bản thân, “Cuộc đời tôi sẽ như thế nào nếu tôi chọn con đường này và thành công?” Đó cũng chính là câu hỏi mà tôi muốn bạn tự hỏi mình.

Helen Keller, nhân vật chính của cuốn phim hay The Miracle Worker, có nói, “Cuộc đời là một chuyến phiêu lưu đầy khó khăn… hoặc không là gì cả.” Tôi đồng ý! Theo tôi, một cách để nâng cao chỉ số thông minh tài chính #1 của bạn là hãy nhìn cuộc đời như là một chuyến phiêu lưu để học hỏi. Đối với nhiều người, cuộc sống cần phải an toàn, phải hành động cho đúng và phải chọn công việc an toàn trong suốt cuộc đời. Cuộc sống của bạn không nhất thiết phải rủi ro hay là nguy hiểm. Tuy nhiên, cuộc sống là một quá trình học hỏi, mà muốn học hỏi thì phải mạo hiểm.

Đó là lý do tại sao tôi không quay trở lại với nghề đi biển hay là lái máy bay mặc dù tôi yêu thích những nghề nghiệp này. Đã đến lúc tôi phải chọn con đường mới. Sự thông minh không phải là học thuộc câu trả lời và tránh sai lầm – cái mà hệ thống trường học của chúng ta định nghĩa là thông minh. Thông minh thực sự là học cách giải quyết vấn đề để có thể giải quyết những vấn đề lớn hơn. Thông minh thực sự là niềm vui được học hỏi chứ không phải nỗi sợ thất bại.
KIẾM NHIỀU TIỀN HƠN
Đặt báo cáo tài chính và Kim tứ đồ chung lại với nhau, bạn sẽ thấy rõ hơn những lựa chọn của mình cho IQ tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn.

Theo sơ đồ, những người trong nhóm L và T làm việc vì tiền. Họ làm việc để lĩnh lương ổn định hàng tháng, làm việc để nhận hoa hồng hay là làm việc theo giờ. Những người nhóm C và Đ lại làm việc để có tài sản, cái sẽ tạo ra dòng lưu kim hay là lãi vốn.

Một trong những lý do mà tôi kiếm được nhiều tiền hơn những người bạn cùng lớp đi tàu hoặc lái máy bay là bởi vì họ làm việc để lĩnh lương. Trái lại, tôi muốn xây dựng tài sản với vai trò là doanh nhân và tích lũy tài sản với vai trò là nhà đầu tư. Nói cách khác, những ngưới nhóm L và T tập trung vào cột thu nhập của bản báo cáo tài chính còn những người nhóm C và Đ thì tập trung vào cột tài sản.

Một trong những khó khăn lớn nhất phải vượt qua đối với một người nhóm L hoặc T là một người nhóm C hoặc Đ không làm việc vì tiền. Một người nhóm C hoặc Đ dường như làm việc không công, đây là một cách nghĩ khó khăn cho nhiều người. Những người nhóm L và T cần phải được trả lương, không những thế họ còn cần phải được trả lương trước khi làm việc. Làm không công, có thể là nhiều năm, không phải là tính chất nghề nghiệp hoặc bản chất của họ. Những người nhóm L vàT có thể sẵn sàng làm từ thiện hay làm việc không công cho những mục tiêu cao cả nhưng khi nói đến thu nhập cá nhân, họ làm việc vì lương. Nói chung là, họ không làm việc để xây dựng hoặc tích lũy tài sản.

Nói theo kế toán, một người nhóm L hoặc T làm việc vì thu nhập nhận được còn một người nhóm C hoặc Đ làm việc vì thu nhập thụ động hoặc thu nhập danh mục đầu tư. Trong chương kế tiếp chỉ số IQ tài chính #2: bảo vệ tiền của bạn, bạn sẽ thấy là tại sao loại thu nhập một người nhận được dẫn đến sự khác biệt về tài chính lớn đến như vậy. Thu nhập nhận được là loại thu nhập khó bảo vệ được bạn trước những kẻ thù tài chính nhất. Vì vậy làm việc vì thu nhập nhận được là điều kém thông minh nhất nên làm.

Nhiều người tự làm chủ không có doanh nghiệp riêng. Họ chỉ có một công việc. Nếu những người tự làm chủ này không còn làm việc nữa, thu nhập của họ cũng sẽ chấm dứt hoặc giảm đi. Một công việc, theo định nghĩa, không phải là một tài sản. Tài sản đem tiền vô túi của bạn dù bạn có làm việc hay không. Nếu như bạn muốn hiểu thêm về sự khác nhau giữa những người nhóm L, T, C và Đ, tôi khuyến khích bạn nên đọc cuốn sách thứ hai của tôi trong loạt sách Dạy con làm giàu Tập 2 – Sử dụng đồng vốn – Để được thoải mái về tiền bạc.

TẠI SAO NGƯỜI GIÀU NGÀY CÀNG GIÀU HƠN?

Nhìn vào sơ đồ, chúng ta thấy dễ hiểu là tại sao người giàu ngày càng trở nên giàu hơn.

Một trong những lý do người nghèo và tầng lớp trung lưu gặp khó khăn là bởi vì họ làm việc vì tiền và thu nhập ổn định. Làm vì tiền có nghĩa là bạn sẽ phải làm cực hơn, nhiều thời gian hơn và đảm nhận nhiều việc hơn để kiếm được nhiều tiền hơn. Vấn đề ở chỗ là tất cả chúng ta đều có thời gian và sức lực hữu hạn.

Một trong những lý do mà người giàu ngày càng giàu hơn đó là mỗi năm họ mua thêm nhiều tài sản. Bổ sung thêm tài sản không nhất thiết cần phải làm việc cực hơn hoặc nhiều thời gian hơn. Sự thật là, chỉ số IQ tài chính càng cao thì ta càng ít phải làm việc mà vẫn mua được nhiều tài sản tốt hơn. Bạn thấy đó, tài sản làm việc cho người giàu bằng cách tạo ra thu nhập thụ động.

Mỗi năm, tôi và Kim đặt mục tiêu là chúng tôi muốn có thêm bao nhiêu tài sản mới. Chúng tôi không đặt ra mục tiêu là kiếm thêm được nhiều tiền. Khi Kim mới bắt đầu đầu tư vào bất động sản vào năm 1989, cô ấy đặt ra mục tiêu là sẽ có hai mươi bất động sản nhà ở trong vòng mười năm. Vào lúc đó, nó là một nhiệm vụ chính. Cô ấy bắt đầu với căn nhà một phòng tắm, hai phòng ngủ ở Portland, Oregon. Mười tám tháng sau chứ chưa tới mười năm, cô ấy đã vượt qua mục tiêu có hai mươi bất động sản. Sau khi đạt được mục tiêu, cô ấy bán những căn nhà đó, thu được lãi vốn hơn một triệu đôla và đầu tư nâng cấp những căn nhà lớn và tốt hơn ở Phoenix, Arizona mà không phải đóng thuế.

Năm 2007, mục tiêu của cô ấy là thêm 500 căn hộ cho thuê vào danh mục đầu tư của mình. Cô ấy đã có sẵn hơn 1.000 căn hộ đem lại thu nhập thụ động, loại thu nhập ít bị đánh thuế nhất, mỗi tháng. Cô ấy kiếm được nhiều tiền hơn nhiều quý ông và cô ấy làm được tất cả những điều này với vai trò là một doanh nhân trong nhóm Đ.

Mục tiêu của tôi là tăng dòng lưu kim từ những tài sản doanh nghiệp và hàng hóa. Tôi đầu tư nhiều vào những công ty dầu mỏ, vàng và bạc. Là người kinh doanh giáo dục, mỗi khi viết sách, tôi nhận được thu nhập trong vòng nhiều năm dưới hình thức tiền bản quyền từ khoảng năm mươi nhà xuất bản ở khắp nơi trên thế giới. Tôi cũng đang xây dựng một hệ thống phân phối nhượng quyền cho công việc kinh doanh của mình. Tôi học được từ việc kinh doanh rock and roll trước đây rằng tốt hơn là nên làm người nhượng quyền hơn là người được nhượng quyền. Mặc dù tôi thích bất động sản, tôi thích làm doanh nhân trong nhóm C nhiều hơn.

Tôi không viết cuốn sách này để khoác lác. Thực tình tôi rất ngại tiết lộ tài sản của mình và cách mà tôi có nó. Bạn sẽ thấy trong chương kế tiếp về những kẻ thù tài chính, để cho người khác biết mình giàu là việc làm nguy hiểm.

Lý do chính mà tôi dám tiết lộ điều chúng tôi đã làm và kiếm được là bởi vì tôi và Kim có tâm huyết với giáo dục tài chính và nâng cao IQ tài chính, vấn đề chính của giáo dục tài chính là hầu hết những người kinh doanh hoặc chia sẻ giáo dục tài chính là những người nhóm L và T. Họ là những người làm thuê hoặc tự làm chủ. Đa số không thực sự giàu. Nhiều người là nhà báo viết về tiền bạc nhưng bản thân không có nhiều tiền. Hoặc họ là những người bán hàng như nhân viên môi giới chứng khoán và bất động sản. Nhiều chuyên gia tài chính có những gì mà những người nhóm L và T khác có. Họ cũng có những kế hoạch hưu trí bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ. Nhiều người cũng trông chờ vào thị trường chứng khoán để tồn tại và sẽ sống dở chết dở nếu như thị trường sụp đổ trên diện rộng trong lúc họ về hưu. Nhiều người sẽ chật vật nếu như sức mua của đồng đôla tiếp tục giảm và lạm phát tăng. Nói tóm lại, nhiều chuyên gia tài chính đưa ra những lời khuyên mà không biết được rằng liệu kế hoạch hưu trí của họ có tác dụng không. Nếu có, nhiều người đã nghỉ hưu rồi.

Kim và tôi biết rằng kế hoạch hưu trí của chúng tôi sẽ có tác dụng. Chúng tôi biết điều đó bởi nhờ vào thu nhập thụ động nhận được hàng tháng từ tài sản của chúng tôi. Chúng tôi không đầu tư vào gửi tiết kiệm, trái phiếu, chứng chỉ quỹ cho tương lai. Nếu có mất hết, điều luôn có thể xảy ra, thì tài sản thật sẽ là IQ tài chính của chúng tôi. Chúng tôi có thể gây dựng lại bởi vì chúng tôi quan tâm nhiều đến việc học hỏi hơn là thu nhập. Chúng tôi học cách tự quản lý tiền của chính mình chứ không đưa tiền cho một người nhóm L hoặc T. Như người cha giàu của tôi từng nói, “Nếu chỉ đầu tư hay tự làm chủ không thôi không có nghĩa con đã trở thành một nhà đầu tư hay chủ doanh nghiệp.”

TÓM TẮT

Bí quyết để kiếm được nhiều tiền hơn nằm trong sơ đồ sau:

Để trở nên giàu có, bạn phải thừa nhận rằng rắc rối không bao giờ biến mất. Mỗi khi bạn giải quyết được một rắc rối, rắc rối khác lại xuất hiện. Quan trọng bạn phải nhận ra rằng quá trình giải quyết những rắc rối đó làm cho bạn trở nên giàu có. Và một khi bạn không những giải quyết được vấn đề của mình, mà còn giúp người khác giải quyết vấn đề của họ thì giới hạn là cái không tồn tại.

Người ta trả tiền cho bạn để giải quyết những rắc rối của họ. Ví dụ, tôi sẽ trả tiền cho bác sĩ để có sức khỏe. Tôi trả tiền cho quản gia để cho ngôi nhà được ngăn nắp, sạch sẽ. Tôi mua hàng ở siêu thị gần nhà bởi vì nếu không ăn, tôi sẽ đói mà chết. Tôi trả tiền cho nhà hàng gần nhà để có thức ăn và một buổi tối tuyệt vời. Tôi đóng thuế để công viên chức điều hành tốt chính phủ. Tôi bỏ tiền vào thùng quyên góp ở nhà thờ để ủng hộ sự hướng dẫn và giáo dục tinh thần.

Kim kiếm được nhiều tiền bởi vì cô ấy đã giải quyết được một rắc rối lớn, nhà ở chất lượng với giá cả phải chăng. Càng giải quyết được rắc rối đó, cô ấy càng kiếm được nhiều tiền. Còn tôi làm cật lực để giải quyết nhu cầu được giáo dục tài chính.

Nói đơn giản, có hàng tỷ cách để kiếm tiền bởi vì có hàng tỷ, nếu không muốn nói là vô tận, rắc rối cần được giải quyết. Cái quan trọng là bạn muốn giải quyết rắc rối nào? Càng giải quyết được nhiều rắc rối, bạn càng trở nên giàu có.

Nhiều người muốn được trả công mà không làm cái gì và không sẵn sàng giải quyết bất kỳ rắc rối nào. Hoặc họ muốn được trả nhiều hơn cái giá mà rắc rối họ giải quyết đáng nhận được. Lý do mà tôi không làm cho một công ty tàu biển có công đoàn là bởi vì tôi là một nhà tư bản chứ không phải một người làm công. Thực tế thì một trong những lý do mà không có nhiều tàu Mỹ hiện nay là bởi vì vận hành một con tàu thương mại quá tốn kém. Và đó cũng là một lý do tại sao đa số các tàu chở hàng và tàu chở khách ở các cảng của Mỹ không thuê người Mỹ. Chi phí vận hành một con tàu Mỹ cao lý giải cho việc tại sao nhiều sinh viên tốt nghiệp trường cũ của tôi, Kings Point, không kiếm được việc ngày nay. Đây là hậu quả của việc muốn được trả lương cao hơn nhưng làm ít hơn.

Người cha nghèo của tôi là một người của công đoàn. Nói chính xác, ông ta đứng đầu hiệp hội giáo viên của Hawaii. Tôi hiểu ý ông rằng giáo viên sẽ có nhiều sức mạnh hơn nếu tập hợp thành một nhóm. Không có công đoàn, giáo viên sẽ được trả lương thấp hơn và nhận được ít ích lợi hơn. Không có hiệp hội giáo viên, nền giáo dục ngày nay sẽ còn tệ hơn nữa.

Người cha giàu của tôi là một nhà tư bản. Chủ nghĩa tư bản cho rằng nên sản xuất ra sản phẩm tốt hơn với giá thành thấp hơn. Nếu bạn không cung cấp những sản phẩm tốt hơn với giá thành thấp hơn cho nhiều người hơn, thị trường sẽ phản ứng lại với bạn. Nói cách khác, một nhà tư bản được trả công vì đã giải quyết được vấn đề chứ không phải tạo ra vấn đề, trừ khi bạn tạo ra trò chơi ô chữ.

Nhiều người cho rằng các nhà tư bản tham lam. Thực tế thì cũng có nhiều người như vậy. Tuy nhiên cũng còn có những nhà tư bản làm được rất nhiều điều tốt đẹp như cung cấp chăm sóc y tế, thực phẩm, vận tải, năng lượng và truyền thông cho thế giới. Là một nhà tư bản mong muốn làm hết sức để thế giới trở nên tốt đẹp hơn, rắc rối của tôi là những người muốn được trả lương mà không phải làm việc hoặc lương cao hơn nhưng làm ít hơn. Theo tôi thì những người muốn được trả lương cao hơn nhưng làm ít hơn, hoặc không làm gì cả, cũng là những kẻ tham lam.

Những người muốn được trả nhiều hơn nhưng làm ít hơn sẽ gặp khó khăn hơn khi thế giới thay đổi. Ví dụ, chính do công đoàn đòi hỏi lương, lợi ích nhiều hơn và làm ít hơn nên công việc bị chuyển ra nước ngoài. Hiện nay ở Mỹ, nhân công sản xuất xe hơi tham gia công đoàn được trả 75 đôla một giờ, bao gồm cả lợi ích. Trong khi đó ở Trung Quốc, cũng nhân công như vậy chỉ nhận được 75 cent một giờ. Trong lúc tôi viết cuốn sách này, Chrysler vừa mới ký một hợp đồng với Chery Motors của Trung Quốc để sản xuất xe hơi ở đó. Giá: chưa tới 2.500 đôla một chiếc xe. Số này chỉ bằng chi phí bảo hiểm y tế trong giá thành của một chiếc xe sản xuất tại Mỹ.

Một nhà tư bản thực thụ là người nhận ra được vấn đề và tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ để giải quyết vấn đề đó. Bạn có thể tính giá cao hơn nếu sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có giá trị cảm nhận cao hơn, nhưng phải bảo đảm là bạn tạo ra được giá trị gia tăng. Ví dụ, tôi định giá cao hơn cho những cuốn sách và trò chơi của mình bởi vì đối với một số người, họ cảm thấy chúng có nhiều giá trị giáo dục hơn. Đối với nhiều người khác, chúng không đáng cái giá đó. Nhiều người không đánh giá cao thương hiệu sản phẩm giáo dục tài chính của tôi bởi vì chúng không giải quyết được những vấn đề của họ. Nhiều người không cho rằng quy luật tiền tệ đã thay đổi từ năm 1971 và 1974 và vẫn muốn tin rằng họ có thể tiếp tục làm việc chăm chỉ, tiết kiệm, đầu tư vào quỹ hỗ tương và hy vọng là được trả lương cao hơn để làm việc ít hơn. Vì họ và tương lai tài chính của gia đình họ, tôi hy vọng rằng những niềm tin và hành động đó sẽ giải quyết được rắc rối tài chính của họ.

Còn bạn, tôi hy vọng là bạn không tin vào điều đó. Tôi có linh cảm là bạn sẽ không, bởi vì bạn đang đọc cuốn sách này chứng tỏ rằng bạn chủ động trong việc nâng cao sự thông minh tài chính của mình. Bắt đầu từ bây giờ, hãy suy nghĩ những rắc rối nào bạn muốn và lao vào giải quyết nó, sau đó tiền sẽ chảy vào. Một khi bạn đã kiếm được tiền, bạn cần phải dùng hết sự thông minh tài chính của mình để bảo vệ nó. Đó là cái sẽ được nói đến trong chương tiếp theo, chỉ số IQ tài chính #2: Bảo vệ tiền của bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.