Dạy Con Làm Giàu – Tập 13

CHƯƠNG 4



IQ tài chính #2: Bảo vệ tiền của bạn

Bảo vệ tiền của bạn khỏi những kẻ thù tài chính là việc làm quan trọng. Như hầu hết chúng ta đều biết, thế giới này đầy rẫy những cá nhân và tổ chức luôn đợi chờ cơ hội để “giúp” chúng ta. Nhiều người và tổ chức trong số này rất thông minh và đầy quyền lực. Nếu họ thông minh hơn hay có nhiều quyền lực hơn, họ sẽ lấy được tiền của bạn. Đây là lý do tại sao IQ tài chính #2 quan trọng đến như vậy.
IQ TÀI CHÍNH #2 ĐƯỢC ĐO LƯỜNG NHƯ THẾ NÀO?

IQ tài chính #1 thường được tính bằng số đôla gộp. Còn IQ tài chính #2 được tính bằng đơn vị phần trăm. Sau đây là ví dụ về ba tỷ lệ phần trăm khác nhau:

1. Ở Mỹ, một người có thu nhập 100.000 đôla từ lương có thể trả đến 50% tổng cộng các loại thuế như thuế liên bang, thuế tiểu bang và thuế FICA[1]. Thu nhập sau thuế của người này là 50.000 đôla.

2. Một người khác kiếm được thu nhập 100.000 đôla từ việc đầu tư và trả thuế 15%. Thu nhập sau thuế của người này là 85.000 đôla.
3. Người thứ ba cũng kiếm được 100.000 đôla nhưng trả 0% thuế. Thu nhập sau thuế của người này là 100.000 đôla.
Trong ví dụ trên, người trả thuế suất thấp nhất là người có IQ tài chính #2:

Bảo vệ tiền của bạn cao nhất bởi vì ít tiền bị mất hơn cho những kẻ thù tài chính.

Trong những chương sau, tôi sẽ nói rõ thêm cách làm sao để kiếm được nhiều tiền mà không phải trả thuế một cách hợp pháp. Nhưng ngay bây giờ, hãy ghi nhớ điều đơn giản sau: IQ tài chính #2 đo lường phần trăm thu nhập một cá nhân giữ lại được so với phần trăm thu nhập bị mất đi.
THỎ, CHIM VÀ SÂU BỌ

Những bài học của người cha giàu dành cho con trai ông và tôi về tầm quan trọng của việc bảo vệ tiền khỏi những kẻ thù tài chính bắt đầu từ rất sớm, trước cả khi chúng tôi kiếm được tiền. Bởi vì chúng tôi vẫn còn nhỏ, người cha giàu lấy ví dụ đơn giản về người nông dân để làm rõ quan điểm của ông. Ông nói, “Nông dân cần phải bảo vệ mùa màng trước những con thỏ, chim và sâu bọ. Đốỉ với họ, chúng là những kẻ cắp.”

Gán hình ảnh con thỏ với kẻ cắp là một cách làm hiệu quả đối với những đứa trẻ ở tuổi tôi. Thỏ thì rất đáng yêu, chúng vô hại. Những con chim cũng vậy. Thực ra thì tôi có nuôi một con vẹt và việc xem chúng như kẻ cắp là một điều khó khăn. Tuy nhiên, đối với sâu bọ thì tôi cũng hiểu được tại sao chúng lại bị gọi như vậy. Chúng đã ăn rất nhiều rau trong vườn của nhà tôi.
“NHỮNG NGƯỜI ỦNG HỘ CHÚNG TA”

Người cha giàu không phải đang cố làm chúng tôi sợ. Đơn giản, ông ta chỉ muốn con mình và tôi hiểu được thực tế của cuộc sống. Lý do mà ông sử dụng những con vật dễ thương như thỏ và chim là để muốn nói rằng kẻ cắp nhiều nhất tài sản cá nhân của chúng ta không chỉ là những tên trộm cướp hoặc tội phạm. Ông muốn chúng tôi nhớ rằng một số kẻ thù tài chính “vĩ đại” nhất là những người và tổ chức mà chúng ta hằng yêu mến, tin tưởng và nể trọng – những người mà chúng ta vẫn nghĩ rằng họ đứng về phía chúng ta và luôn ủng hộ chúng ta. Người cha giàu nói, “Lý do mà nhiều người ủng hộ chúng ta là bởi vì ở vị thế đó, họ có thể móc túi chúng ta dễ dàng hơn. Một trong những lý do mà nhiều người gặp rắc rối tài chính là bởi vì trong túi họ có quá nhiều bàn tay.”

Tiếp tục với chủ đề B “Thỏ, chim và sâu bọ” (Bunnies, B irds and B ugs) trong cách đặt tên cho kẻ thù của người nông dân, danh sách của người cha giàu về những kẻ thù tài chính trong thế giới thực bao gồm: Công chức (Bureaucrats), Ngân hàng (B ankers), Người môi giới (Brokers), Doanh nghiệp (Businesses), Vợ/Chồng (Brides/ Beaus), Anh em chồng/vợ (Brothers- in-law) và Luật sư (Barristers).
KẺ THÙ TÀI CHÍNH #1: CÔNG VIÊN CHỨC
Tất cả chúng ta đều biết rằng thuế là chi phí đơn lớn nhất. Nhiệm vụ của cơ quan thuế là thu tiền của chúng ta và giao cho quan chức Chính phủ để chi tiêu.

Không may thay, vấn đề của hầu hết chính trị gia và công chức là họ rất giỏi chi tiền. Hầu hết những người đầy tớ của nhân dân không biết cách kiếm tiền, đó là lý do tại sao họ chọn con đường công viên chức. Nếu biết cách kiếm tiền thì có thể họ đã trở thành một doanh nhân thay vì công viên chức. Vì không biết cách kiếm tiền nhưng lại thích chi tiêu, họ dành nhiều thời gian nghĩ ra nhiều cách thông minh hơn để lấy tiền của chúng ta bằng con đường thuế má.

Ví dụ như quan chức Mỹ đã đặt ra một luật thuế thông minh với cái tên gọi AMT, viết tắt cho cụm từ Luật thuế tối thiểu [2]. AMT ra đời năm 1970. Đây là một khoản thuế trả thêm đánh vào những người thu nhập cao, xấp xỉ 60.000 đôla hoặc hơn một năm. Đây là một cách thông minh để đánh thuế hai lần cho cùng một khoản thu nhập. Vấn đề ở chỗ 60.000 đôla là một khoản tiền lớn vào thời điểm năm 1970. Hiện nay thì số đó không còn được gọi thu nhập cao nữa rồi. Nhiều người giàu không phải trả thuế này… chỉ có những người làm công thu nhập cao mà thôi.

Bạn biết đấy, chúng ta đã đóng thuế cho những khoản như tiền lương, đầu tư, nhà cửa, xe hơi, xăng dầu, du lịch, quần áo, thực phẩm, bia rượu, thuốc lá, công ty, giáo dục, sự cấp phép, cái chết và còn nhiều nhiều nữa. Chúng ta đóng nhiều loại thuế khác nhau, thậm chí có những khoản thuế mà chúng ta không hề hay biết. Chúng ta phải đóng thuế bởi vì điều đó có ích cho xã hội, thực tế thì một số loại thuế đúng là như vậy. Thế nhưng, những vấn đề của xã hội chỉ trầm trọng hơn bởi vì các công viên chức không biết cách giải quyết vấn đề (và vì thế không biết được cách kiếm ra tiền), họ đơn thuần chỉ biết vung tiền vào những rắc rối. Khi mà nhiều tiền hơn cũng không giải quyết được vấn đề, họ lại nghĩ ra những loại thuế mới với những cái tên mỹ miều. Bởi vì những rắc rối chỉ trở nên tồi tệ hơn, thuế suất chúng ta phải đóng càng ngày càng tăng. Giống như việc lãi suất kép làm chúng ta giàu hơn, thuế “kép” làm chúng ta nghèo hơn. Đây là một lý do tại sao IQ tài chính #2 lại quan trọng đến như vậy. Bạn không thể giàu được nếu như tất cả tiền bạn kiếm được bị những kẻ thù tài chính lấy đi.
THUẾ LÀ CẦN THIẾT
Trước khi tiếp tục, tôi cần phải nói là tôi không chủ trương chống lại chính phủ hoặc việc đóng thuế. Người cha giàu nói rằng, “Thuế là một chi phí sống trong một xã hội văn minh.” Ông chỉ cho con trai mình và tôi thấy rằng thuế chi trả cho trường học và giáo viên, cảnh sát và lính cứu hỏa, hệ thống tòa án, quân đội, đường xá, sân bay, an ninh lương thực và hoạt động nói chung của chính phủ. Người cha giàu thất vọng về thuế là ở chỗ các công viên chức hiếm khi giải quyết được những vấn đề họ đối mặt, điều đó có nghĩa là thuế sẽ liên tục tăng. Thay vì giải quyết vấn đề, họ triệu tập một ủy ban để “nghiên cứu” vấn đề, đồng nghĩa với việc họ chẳng làm được gì. Nhận thấy rằng chúng ta chỉ có trả ngày càng nhiều thuế hơn, triết lý của người cha giàu là, “Nếu như nhiệm vụ của công viên chức là móc túi chúng ta càng nhiều càng tốt – một cách hợp pháp – thì nhiệm vụ của chúng ta là phải hạn chế họ lấy càng ít càng tốt – cũng một cách hợp pháp.”

Không may là, thường thì những người kiếm được ít nhất lại là người trả thuế suất cao nhất. Trong một sự kiện gần dây, Warren Buffett có phát biểu về hệ thống thuế của Mỹ như sau: “400 người chúng ta (ở đây) chịu thuế suất thấp hơn những nhân viên lễ tân hay nhân viên lau dọn. Nếu bạn nằm trong số 1% may mắn nhất của nhân loại bạn nên có trách nhiệm với phần 99% còn lại của nhân loại.”
ĐẢNG CHÍNH TRỊ NÀO THÌ TỐT HƠN?
Bạn cũng biết, tôi không phải là một người theo Đảng Cộng hòa hay Dân chủ, bảo thủ hay tự do, xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa. Khi được hỏi, tôi chỉ trả lời rằng tôi là tất cả những cái nói trên. Ví dụ, là một nhà tư bản, tôi muốn kiếm được nhiều tiền và đóng thuế càng ít càng tốt. Là một người theo chủ nghĩa xã hội, tôi đóng góp tiền (được khấu trừ thuế) cho các quỹ từ thiện và những mục đích cao đẹp và tôi muốn những khoản thuế tôi đóng được sử dụng vì một xã hội tốt đẹp hơn và chăm sóc cho những người thực sự không thể tự lo cho bản thân mình.

Nhiều người cho rằng Đảng Cộng hòa thì tốt hơn Đảng Dân chủ khi nói đến tiền bạc. Nhưng thực tế không ủng hộ cho quan điểm của họ. Đảng Cộng hòa nói rằng, “Đảng Dân chủ đánh thuế và chi tiêu.” Ngược lại, Đảng Cộng hòa đi vay tiền và chỉ tiêu. Bất kể là đảng nào, kết quả cuối cùng cũng là làm tăng nợ dài hạn của quốc gia, khoản nợ này sẽ được gánh bởi thế hệ tương lai dưới hình thức đóng thuế cao hơn. Đây là biểu hiện của IQ tài chính thấp.

Những Tổng thống của Đảng Dân chủ, Roosevelt và Johnson, đã ghi tên mình bằng việc cho ra đời chương trình An sinh xã hội và Chăm sóc y tế, hai chương trình tốn kém và có khả năng gây ra thảm họa nhất trong lịch sử thế giới.

Nước Mỹ là quốc gia chủ nợ lớn nhất của thế giới dưới thời của Tổng thống Dwight D.Eisenhower thuộc Đảng Cộng hòa. Chúng ta từng là một quốc gia giàu có. Tuy nhiên, khi Richard Nixon của Đảng Cộng hòa lên làm Tổng thống, những quy luật của tiền tệ đã thay đổi và tài sản của nước Mỹ bắt đầu thay đổi. Trên cương vị Tổng thống, Nixon từ bỏ chế độ bản vị vàng vào năm 1971. Việc làm này đã biến đồng đôla từ tiền trở thành một phương tiện thanh toán.

Nixon cho phép chính phủ Mỹ in đủ lượng tiền để giải quyết những rắc rối tài chính của quốc gia. Việc làm này giống như việc một người cứ ký séc mà không có tí tiền ở ngân hàng. Ngày nay nếu chúng ta làm việc tương tự như chính phủ thì chúng ta sẽ bị bỏ tù. Một trong những lý do cho khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh đó là nhiều người vẫn còn áp dụng những quy luật tiền tệ cũ, dưới thời chủ nghĩa tư bản cũ. Sau năm 1971, những quy luật tiền tệ mới đã thống trị. Người giàu càng giàu thêm còn người nghèo và tầng lớp trung lưu làm việc cực khổ để đủ chi tiêu.

Năm 1980, Tổng thống Reagan của Đảng Cộng hòa giới thiệu với chúng ta học thuyết kinh tế trọng cung, còn được gọi là “học thuyết kinh tế diệu kỳ”[3]. Học thuyết kinh tế mới này, được xúc tiến bởi Reagan nhà diễn giả vĩ đại – một diễn viên chứ không phải là một nhà kinh tế học, ảo tưởng rằng chúng ta có thể giảm thuế mà vẫn tiếp tục trả được chi phí của chính phủ bằng cách vay thêm tiền. Nó cũng giống như việc giảm thu nhập và dùng thẻ tín dụng để thanh toán các hóa đơn.

Khi Thomas Gale Moore, lúc đó là thành viên trong Ban cố vấn Kinh tế của Tổng thống Reagan, nhận ra rằng nước Mỹ đang đứng ở ranh giới chủ nợ/con nợ vào giữa thập niên 1980, ông ấy khuyên đừng quá lo lắng, “Chúng ta có thể thanh toán nợ cho bất kỳ ai bằng cách khởi động máy in tiền.” Có thể nói tôi điên nhưng việc làm này lẽ thường được gọi là in tiền giả.

Do những thay đổi của tiền tệ năm 1971 và chính sách kinh tế trọng cung của Reagan, nợ quốc gia của Mỹ tăng vọt. Cuối nhiệm kỳ của Reagan, số nợ liên bang là 2,6 ngàn tỷ đôla.

Phó Tổng thống dưới thời Reagan, George Bush cha, mặc dù nhận ra rằng nợ quốc gia tăng vọt là do thất thu từ chính sách giảm thuế của Reagan vẫn ra tranh cử Tổng thống và hứa rằng, “Hãy nghe cho rõ, không có thuế mới!” Sau khi đắc cử, ông ta tăng thuế và sau đó không được tái đắc cử.

Sau đó, Tổng thông Clinton, thuộc Đảng Dân chủ, bước vào Nhà trắng. Sau khi gặp chút ít rắc rối với cái khóa kéo, ông ta ra đi với tuyên bố rằng mình đã cân bằng được ngân sách mà không làm tăng thêm nợ quốc gia. Dĩ nhiên, giống như việc ông ta nói dối về chuyện tình dục của mình, ông ta cũng nói dối về việc cân bằng được ngân sách. Ông ta “cân bằng” được bằng cách tính những khoản đóng thuế An sinh xã hội và Chăm sóc y tế như là một khoản thu nhập. Thay vì chúng phải được gửi vào những quỹ An sinh xã hội, ông ta đã tiêu xài. Điều đó cũng giống việc ông ta rút tiền từ quỹ tiết kiệm cho con gái học đại học để mua chiếc váy mới cho Monica.

Tuy nhiên, Clinton có nói một sự thật trong suốt nhiệm kỳ. Ông ta đã thừa nhận rằng quỹ An sinh xã hội là không hề tồn tại. Trong thời gian ông ta làm Tổng thống, chương trình Chăm sóc sức khỏe đã bắt đầu thiếu tiền, nghĩa là tiền chi ra nhiều hơn tiền thu vào. Sớm muộn, chương trình An sinh xã hội cũng sẽ gặp tình trạng khó khăn tương tự, khi mà 78 triệu người dân thuộc thế hệ bùng nổ dân số bắt đầu nghỉ hưu vào năm 2008.

Đến lượt Tổng thống Bush con bước vào Nhà trắng. Thành công trong việc hàn gắn thế giới sau vụ 11 tháng 9, ông ta sử dụng sức mạnh của mình để tài trợ cho cuộc chiến tranh tại Iraq mà không vì lý do chính đáng nào. Hiện nay, ông ta là một trong những tổng thống không được lòng dân nhất trong lịch sử. Không chỉ cuộc chiến là một thảm họa mà để ngăn chặn một thảm họa khác về kinh tế, Ngân hàng Dự trữ Liên bang đã cắt giảm lãi suất và in tiền thêm dưới quyền của ông ta.

Chỉ trong vòng năm năm cầm quyền, Tổng thống Bush con đã vay nhiều tiền hơn số nợ tất cả các đời tổng thống trong lịch sử nước Mỹ cộng lại. Cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp hiện nay là hậu quả từ những chính sách kinh tế của ông ta.

Tất cả những điều trên chỉ để nói rằng việc đảng nào lên cầm quyền là không quan trọng. Nếu là Đảng Dân chủ, có thể sẽ là đánh thuế và chi tiêu. Nếu là Đảng Cộng hòa, có thể họ sẽ vay và chi tiêu. Kết quả cuối cùng vẫn không thay đổi: nợ nhiều hơn, rắc rối tài chính lớn hơn và thuế cao hơn. Tất cả đều được giải quyết bằng cách lấy càng nhiều tiền của bạn càng tốt.
HÃY LỰA CHỌN LOẠI THU NHẬP
CHO THÔNG MINH
Từ những chương trước, bạn đã biết là có ba loại thu nhập khác nhau: thu nhập kiếm được, thu nhập danh mục đầu tư và thu nhập thụ động. Bạn cần phải phân biệt được chúng để bảo vệ tiền của mình, trước những viên chức nhà nước. Thu nhập kiếm được không bảo vệ bạn được nhiều về mặt thuế.

Ở Mỹ, một người thu nhập thấp có thể chịu một mức thuế suất cao. Theo ước tính, những người làm công đóng 15% thuế cho An sinh xã hội, ngoài ra còn có thuế liên bang, thuế tiểu bang, thuế địa phương. Tôi vẫn còn nghe có người nói là thuế An sinh xã hội không phải là 15%. Họ nghĩ đúng hơn là họ trả 7,4% còn nhà tuyển dụng trả 7,4% còn lại. Điều đó có thể đúng nhưng tôi cho rằng nó là 15% tổng cộng bởi vì đó là tiền của tôi. Nếu nhà tuyển dụng không phải đóng cho Chính phủ, họ đã phải trả cho tôi.

Lôgíc tương tự trong trường hợp nhân viên vẫn còn nghĩ rằng nhà tuyển dụng đóng góp cùng họ vô quỹ hưu trí 401(k). Tiền mà nhà tuyển dụng gửi các ngân hàng đầu tư giữ hộ cho bạn thực ra cũng là tiền của bạn.

Cá nhân mà nói, tôi không thích việc Chính phủ quản lý sự an toàn tương lai tài chính của mình. Họ không làm tốt công việc của mình cho lắm. Tôi thà là tự mình quản lý tiền của mình. Họ không có nhiều sự thông minh tài chính. Họ sử dụng hết số tiền mà họ thu được. Chính quyền biết rằng đa số mọi người không được đào tạo nhiều về tài chính. Vậy tại sao họ không nên làm giàu bản thân và bạn bè của họ bằng tiền của bạn cơ chứ?
KẺ THÙ TÀI CHÍNH #2: NGÂN HÀNG

Ngân hàng ra đời là để bảo vệ tiền của bạn khỏi trộm cướp. Nhưng nếu bạn phát hiện ra ngân hàng cũng là một kẻ trộm thì sao? Ngân hàng không cần phải bỏ tay vô túi của bạn để lấy tiền. Bạn tự tay móc túi mình và đem gửi cho ngân hàng. Nhưng nếu bạn phát hiện ra rằng chính người mà bạn tin tưởng ký thác lại bòn rút tiền của bạn nhiều hơn bạn nghĩ – một cách hợp pháp – thì sao?

Trong lúc còn là viên chưởng lý của thành phố, Thống đốc New York Eliot Spitzer có tiến hành điều tra một số ngân hàng đầu tư và các quỹ hỗ tương lớn và phát hiện họ có thực hiện nhiều hoạt động trái pháp luật. Chính người mà công chúng tin tưởng ủy thác tiền lại đang lấy cắp “chỉ nhiều hơn một tí so với số mà họ đáng lẽ nên lấy”. Những công ty này bị phạt rất ít so với số tiền mà họ đã lấy cắp. Mặc dù những khoản phạt không đáng kể gây nhiều lo ngại, cái đáng lo ngại hơn là các ngân hàng này ngày nay vẫn còn hoạt động kinh doanh.

Vấn đề ở chỗ là điều tra của Eliot Spitzer chỉ giới hạn ở một số ngân hàng đầu tư của New York. Việc ngân hàng lấy cắp tiền từ những khách hàng thiếu hiểu biết là một vấn nạn toàn cầu. Khi càng nhiều doanh nghiệp thôi không chăm sóc cho nhân viên trọn đời, ngày càng nhiều nhân viên bị bắt buộc phải tự gửi tiết kiệm cho khi về hưu. Họ không có đủ tiền để sử dụng những dịch vụ tài chính chuyên nghiệp như các doanh nghiệp được. Điều này dẫn đến số tiền dễ bị đánh cắp tăng nhanh vượt bậc, tạo điều kiện cho ngân hàng và những người bán dịch vụ tài chính cho nhân viên làm giàu nhiều hơn. Ngày nay, các quỹ hưu trí của nhân viên là chất xúc tác cho sự bùng nổ kinh tế toàn cầu. Chúng là một nguồn tiền khổng lồ, chưa từng có trong lịch sử thế giới, được quản lý bởi ngân hàng chứ không phải bởi bạn.
CUỘC ĐIỀU TRA BẮT ĐẦU

Năm 2007, Quốc hội Mỹ mở một cuộc điều tra về kế hoạch hưu trí 401(k) và các quỹ hỗ tương xúc tiến bởi những ngân hàng mà chúng ta vẫn tin tưởng. Sau đây là đoạn trích từ bài viết đăng trên Wall Street Journal phát hành ngày 14 tháng 3 năm 2007 (Eleanor Laise, “Bạn mất gì cho kế hoạch 401(k)?”):

Quỹ 401(k) không bị quy định phải nói rõ là những người tham gia vào nó bị tính phí bao nhiêu. Và phí có thể là rất nhiều, bao gồm phí thuê kiểm toán độc lập, phí theo dõi và duy trì tài khoản, phí cho dịch vụ tư vấn, cũng như chi phí đường dây điện thoại trợ giúp thông tin và dĩ nhiên là chi phí cơ bản để quản lý quỹ…

Bất bình ngày càng tăng về những chi phí của quỹ 401(k) buộc các nhà làm luật liên bang… trong tuần trước phải thăm dò xem liệu công bố những khoản chi phí này có làm cho các nhân viên hoang mang rằng phải chăng họ đã có một thương vụ tồi.

Vấn đề là ngay cả nhà tuyển dụng cũng không hiểu rõ về những khoản phí này. Thực tế thì các nhà tuyển dụng cũng không biết gì về một số khoản chi phí bởi vì chúng bị che giấu đi. Vậy thì làm sao bạn có thể biết hoặc hiểu về những khoản phí này? Bài báo tiếp tục viết:

Hiện nay một số nhà tuyển dụng thuê tư vấn bên ngoài chỉ để hiểu rõ về những khoản phí.

Một số những lo ngại là phí cao, tính phức tạp và xung đột lợi ích tiềm tàng liên quan đến cái gọi là thỏa ước chia sẻ lợi nhuận. Những thỏa ước này cho phép các công ty quản lý quỹ chi trả cho các nhà cung cấp dịch vụ kế hoạch 401(k) một số tiền gọi là chi phí duy trì tài khoản. Những chi phí này được tính vào chi phí của quỹ và làm gia tăng chi phí cho những người tham gia quỹ.

Sau khi đọc đoạn trích trên, rõ ràng là các nhà cung cấp dịch vụ quỹ hưu trí, ở đây là ngân hàng, rất dễ dàng làm giàu từ số tiền của bạn. Như đã đề cập ở trên, ngân hàng ra đời là để bảo vệ tiền của bạn. Và bây giờ đây họ lại đi lấy cắp nó. Bi kịch là ở chỗ chúng ta đã quá dễ dãi với họ. Chúng ta không cần phải đi đến ngân hàng nữa (bạn sẽ bị tính phí nếu làm điều đó!). Thay vào đó, tiền đã được trừ khỏi phiếu lương trước khi nó đến tay bạn. Ngân hàng không cần phải lấy tiền từ túi của bạn bởi vì chúng không hề vô túi của bạn cơ mà.
NHỮNG ĐỒNG TIỀN BỊ XÉN BỚT
Dưới thời Đế quốc La Mã, nhiều vị vua đã “biến hóa” đồng tiền. Một số cạo bớt vàng và bạc từ cạnh của đồng tiền. Đó là lý do tại sao ngày nay cạnh của các đồng tiền thường có những đường rãnh. Các đường rãnh này dùng để ngăn chặn những tay đục khoét đồng tiền. Khi mà không thể cạo xén đồng tiền được nữa, các vị vua ra lệnh cho bộ phận ngân khố tiến hành trộn vàng, bạc với những kim loại cơ bản rẻ tiền hơn.

Chính phủ Mỹ cũng làm điều tương tự vào những năm 1960. Ngay lập tức, những đồng tiền bạc biến mất còn những đồng tiền giả thì xuất hiện. Sau đó vào năm 1971, đồng đôla Mỹ trở thành đồng tiền khôi hài bởi vì nó không còn được đảm bảo bằng hệ bản vị vàng.

Theo nhiều cách khác nhau, ngân hàng là kẻ thù tài chính lớn nhất trong tất cả. Mỗi ngày qua, do việc phát hành thêm nhiều đồng tiến khôi hài hơn, họ làm giảm tài sản của người gửi tiền. Lấy ví dụ, quy định của ngân hàng cho phép họ nhận tiền tiết kiệm của bạn và trả một số lãi suất tiền gửi khiêm tốn. Sau đó, với mỗi đôla mà bạn gửi, họ được quyền cho vay ít nhất là hai mươi đôla và tính lãi suất cho vay cao hơn trên số tiền này. Ví dụ, bạn gửi vô ngân hàng một đôla, họ trả cho bạn 5% lãi cho một đôla trong vòng một năm. Ngay sau đó, ngân hàng được phép cho vay hai mươi đôla và tính lãi 20% nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng. Ngân hàng trả lãi 5% cho mỗi đôla của bạn và cho vay được tới 20 đôla với lãi suất 20%. Đó là cách mà ngân hàng trở nên giàu có. Nếu bạn và tôi mà làm như vậy, chúng ta sẽ phải ngồi tù. Như vậy được coi là cho vay nặng lãi.

Nó cũng gây ra lạm phát. Bởi vì ngân hàng đang chơi trò chơi tiền bạc, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Ngày nay, người gửi tiền tiết kiệm là người thua cuộc và ngân hàng là những người chiến thắng.

Theo những quy luật tiền tệ mới thì bạn cần phải biết cách vay những đơn vị thanh toán để mua tài sản, bởi vì chúng ta không còn tiết kiệm tiền nữa. Nói cách khác, những người đi vay thông minh là những người chiến thắng trong chủ nghĩa tư bản mới, chứ không phải những người tiết kiệm tiền trong tài khoản ngân hàng.
KẺ THÙ TÀI CHÍNH #3: NHÂN VIÊN MÔI GIỚI
“Nhân viên môi giới” là tên gọi khác cho “người bán hàng”. Trong thế giới tiền bạc, có những người môi giới cho chứng khoán, cổ phiếu, bất động sản, vay trả góp, bảo hiểm… Vấn đề hiện nay là nhiều người nghe lời khuyên tài chính từ những người bán hàng chứ không phải những người giàu. Nếu bạn có gặp được một tay môi giới giàu có, hãy hỏi họ xem họ giàu từ khả năng bán hàng hay khả năng tài chính.

Buffett từng nói rằng, “Phố Wall là nơi mà người ta lái Rolls-Royce đến để nghe lời khuyên từ những người đi tàu điện ngầm.” cha giàu lại nói rằng, “Lý do mà họ được gọi là nhân viên môi giới (broker) là bởi vì họ còn túng quẫn (broke) hơn con.”
NHÂN VIÊN MÔI GIỚI GIỎI –
NHÂN VIÊN MÔI GIỚI TỒI

Một trong những vấn đề của việc không có nhiều tiền là nhân viên môi giới giỏi, những người biết họ đang làm gì, thường không có thời gian dành cho bạn. Họ quá bận rộn với những khách hàng giàu sụ.

Khi tôi và Kim có rất ít tiền, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là tìm ra được một nhân viên môi giới sẵn sàng hướng dẫn chúng tôi. Bởi vì không có nhiều tiền, hầu hết các nhân viên môi giới không có nhiều thời gian cho chúng tôi. Chúng tôi cũng gặp nhiều người chỉ muốn bán cho xong việc mà không chịu hướng dẫn gì cả. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không ngừng tìm kiếm. Chúng tôi muốn tìm một nhân viên môi giới mới vào nghề đang cần xây dựng cơ sở khách hàng, thông minh và luôn chịu trau dồi nghề nghiệp và cũng phải là một nhà đầu tư. Gần như là tình cờ, thông qua bạn của một người bạn, chúng tôi gặp Tom. Ban đầu, chúng tôi giao cho Tom 25.000 đôla. Mười lăm năm sau, danh mục đầu tư chứng khoán của chúng tôi đã lên tới hàng triệu đôla và vẫn còn tăng.

Sau khi cưới vào năm 1986, tôi và Kim bắt đầu đầu tư vào bất động sản. Chúng tôi quyết định bắt đầu bằng một số tiền rất ít. Chúng tôi gặp phải nhiều tay môi giới bất động sản tồi, đi bán bất động sản nhưng không có đầu tư vào bất động sản. Nếu họ có đầu tư thì đó là đầu tư vào quỹ hỗ tương. Cuối cùng thì chúng tôi cũng gặp John. Bắt đầu với 5.000 đôla, anh ấy đã giúp chúng tôi phát triển danh mục đầu tư bất động sản lên đến gần 250.000 đôla. Mặc dù không phải là nhiều nhưng điều đó đạt được chỉ trong vòng 3 năm, trong một giai đoạn rất tồi tệ của thị trường bất động sản ở Portland, Oregon. Hiện nay, đầu tư bất động sản của chúng tôi đã lên đến hàng chục triệu đôla và vẫn còn tiếp tục tăng.
NHỮNG BÀI HỌC CÓ ĐƯỢC

Như bạn đã biết, có những nhân viên môi giới giỏi và cả những tay môi giới tồi. Nói cho đơn giản, nhân viên môi giới giỏi làm cho bạn giàu có hơn còn những tay môi giới tồi chỉ giỏi bào chữa. Sau đây là danh sách tóm tắt những điều giúp bạn tìm và giữ được một nhân viên môi giới tốt:

1. Cả tôi và Kim đều theo học những lớp dạy về đầu tư chứng khoán và bất động sản. Được trang bị nhiều kiến thức hơn giúp chúng tôi có thể phân biệt được đâu là một nhân viên môi giới có đào tạo còn đâu là một nhân viên bán hàng.

2. Chúng tôi tìm kiếm những người môi giới luôn chịu trau dồi kiến thức nghề nghiệp. Cả Tom và John đều dành nhiều thời gian hơn so với yêu cầu đào tạo nghề nghiệp tối thiểu trong lĩnh vực của mình. Tom thường rủ tôi đi tham quan các công ty mà anh ta đang phân tích. Còn John là một nhân viên môi giới thực sự có đầu tư vào bất động sản.

3. Chúng tôi muốn biết là liệu họ có đầu tư vào những gì họ đang bán hay không. Nói chung là bạn đầu tư để làm gì khi mà nhân viên môi giới không đủ tự tin để đầu tư vào chứng khoán đó.

4. Chúng tôi muốn tạo nên một mối quan hệ chứ không phải một giao dịch. Nhiều nhân viên môi giới chỉ đơn thuần bán hàng. Tom và John đều có thời gian đi ăn trưa với chúng tôi ngay cả khi chúng tôi có rất ít tiền. Cả hai đều là những người bạn của chúng tôi.
CHÌA KHÓA ĐỂ THÀNH CÔNG

Chìa khóa để thành công là giáo dục. Kim, John, Tom và tôi luôn học hỏi về đầu tư. Chúng tôi quan tâm đến cùng một vấn đề. Tất cả chúng tôi đều muốn hiểu rõ thêm về vấn dề. Chúng ta đầu tư vào những cái mà mình quan tâm. Tom không biết nhiều về bất động sản cho nên chúng tôi không trao đổi nhiều về nó với anh ta. John không quan tâm lắm đến thị trường chứng khoán cho nên chúng tôi cũng không thảo luận với anh ta về nó.

Một trong những lý do mà tài sản của chúng tôi tăng là bởi vì kiến thức của chúng tôi tăng. Tôi thường gọi cho John và hỏi anh ta những câu đại loại như: “Anh có thể giải thích cho tôi sự khác nhau giữa hệ số vốn hóa tài sản (cap rate) và hệ số hoàn vốn nội tại (IRR)?” Anh ta sẽ dành thời gian để giảng cho tôi nghe chứ không chỉ là bán được hàng là xong. Đối với Tom, tôi sẽ gọi để hỏi những câu như, “Anh có thể giải thích cho tôi sự khác nhau giữa trái phiếu kỳ hạn dài và trái phiếu kỳ hạn ngắn?” Tom rất vui vẻ đóng vai thầy giáo.

Một trong những lý do công ty The Rich Dad có những buổi hội thảo nhiều ngày về chứng khoán và bất động sản là bởi vì giáo dục tài chính là cần thiết. Giảng viên những khóa học của chúng tôi cũng là nhà đầu tư và thực sự làm những điều mình nói. Công ty The Rich Dad đánh giá cao giáo dục tài chính bởi vì nó là chất kết dính để Kim và tôi duy trì mối quan hệ tốt đẹp với những nhân viên môi giới của mình, Tom và John. Chính sự đầu tư cho giáo dục tài chính lâu dài đã cho phép bốn chúng tôi cùng trở nên giàu có.

Ngày nay, tôi nhận điện thoại của nhân viên môi giới chứng khoán và bất động sản liên tục. Tất cả họ đều nói là mình có những giao dịch rất ngon lành. Đa số họ chỉ quan tâm đến hoa hồng, họ chỉ muốn kiếm ăn… chứ đâu có mang miếng ăn đến cho tôi. Nhân viên môi giới tốt là người đem miếng ăn đến cho cả hai.

Xin nhắc lại là IQ tài chính #2 được tính bằng phần trăm. Thu nhập của nhân viên môi giới cũng thường tính bằng phần trăm. Ví dụ, nếu tôi mua một bất động sản trị giá 1 triệu đôla, nhân viên môi giới sẽ nhận 6 phần trăm trên giá bán, hay là 60.000 đôla. Nếu bất động sản đó đem lại cho tôi lợi nhuận tiền/tiền 10 phần trăm mỗi năm thì chi phí cho nhân viên môi giới là xứng đáng, bởi vì tôi chỉ trả hoa hồng đó một lần duy nhất.

Ngược lại, nếu tôi mua và bán ngay (đầu tư sang tay đối với bất động sản và giao dịch trong ngày đối với chứng khoán), tôi trả hoa hồng cho cả giao dịch mua lẫn bán. Cái này thường được gọi là phí “khứ hồi”. Đối với bất động sản, phí khứ hồi cho một nhà đầu tư sang tay có thể lên tới 12 phần trăm lợi nhuận, ngoài ra còn làm tăng thuế phải đóng. Làm vậy là không thông minh.
NHÀ BUÔN VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Những người cứ “vào và ra” như thế được gọi là nhà buôn chứ không phải nhà đầu tư. Không chỉ nhà buôn phải trả hoa hồng cao hơn cho môi giới, họ còn phải trả thuế suất cao hơn (thuế lãi vốn ngắn hạn) cho việc mua và bán. Điều này có nghĩa là nhân viên sở thuế không xem những người mua rồi bán để thu lãi vốn là nhà đầu tư. Họ được xem là nhà buôn chuyên nghiệp và thậm chí còn có thể bị đánh thêm thuế tự doanh lên thu nhập đó. Nhân viên môi giới và sở thuế thắng còn nhà buôn thì thua trong những giao dịch như thế. Những nhà đầu tư thông minh biết cách tối thiểu chi phí giao dịch và thuế bằng cách đầu tư thông minh và sử dụng môi giới tốt.
“RỈA” TÀI KHOẢN

Cách đây nhiều năm, tài khoản của mẹ người bạn của tôi bị “rỉa” bởi một tay môi giới chứng khoán trông rất thân thiện. “Rỉa” tài khoản ở đây nghĩa là nhân viên môi giới thực hiện mua và bán nhiều chứng khoán cho khách hàng. Rút cuộc, họ lấy được tiền hoa hồng còn danh mục đầu tư của khách hàng thì bị “xói mòn”.
Vì vậy, trước khi giao tiền cho nhân viên môi giới, hãy lựa chọn cho cẩn thận. Tối thiểu, hãy hỏi họ là bạn có thể gọi điện và nói chuyện với một số khách hàng của họ. Hãy nhớ, nhân viên môi giới giỏi như Tom và John có thể giúp bạn làm giàu còn những nhân viên môi giới tồi thì chỉ có làm cho bạn nghèo đi.

KẺ THÙ TÀI CHÍNH #4: DOANH NGHIỆP

Tất cả các doanh nghiệp đều phải bán một cái gì đó. Nếu họ không bán hàng, họ sẽ ngưng hoạt động. Tôi thường hỏi rằng: “Sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp này làm cho tôi trở nên giàu có hơn hay nghèo đi?” Trong nhiều trường hợp, chúng không làm cho bạn giàu hơn, nó chỉ làm cho các doanh nghiệp bán chúng giàu hơn.

Nhiều doanh nghiệp nghĩ ra mọi cách để làm bạn nghèo đi. Ví dụ, nhiều cửa hàng bách hóa lớn phát hành thẻ tín dụng riêng của họ – loại thẻ tín dụng tệ nhất mà chúng ta có thể sở hữu. Lý do mà họ muốn bạn dùng những thẻ tín dụng đó là bởi vì họ nhận hoa hồng từ phía ngân hàng. Những doanh nghiệp phát hành thẻ đó là người môi giới cho ngân hàng. Để ý rằng mẫu hình, môi giới – ngân hàng lặp lại một lần nữa.
DÙNG THẺ TÍN DỤNG ĐỀ MUA
NHỮNG SẢN PHẨM TỒI
Một trong những lý do mà nhiều người gặp khó khăn tài chính là bởi vì họ mua những sản phẩm làm cho họ trở nên nghèo đi và còn tệ hơn nữa chi trả cho những sản phẩm đó trong thời gian dài bằng những thẻ tín dụng tính lãi suất cao. Ví dụ, nếu tôi mua một đôi giày bằng thẻ tín dụng và mất nhiều năm để thanh toán, tôi vẫn sẽ nghèo đi trong những năm tiếp theo do tiếp tục trả tiền cho một sản phẩm chỉ làm tôi nghèo đi, chứ không phải giàu có hơn. Người nghèo thường mua những sản phẩm làm cho họ nghèo đi, mất nhiều năm để thanh toán cho chúng và chịu lãi suất tín dụng cao.

Nếu bạn muốn giàu có, hãy là khách hàng của những doanh nghiệp có khả năng làm cho bạn trở nên giàu có. Chẳng hạn, tôi là một độc giả lâu năm của một số tờ báo về đầu tư và tài chính. Tôi cũng là khách hàng của những doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm giáo dục và các cuộc hội thảo. Nói cách khác, tôi là khách hàng thân thuộc của một số công ty đối thủ của tôi. Tôi muốn tiêu tiền cho những sản phẩm hoặc dịch vụ làm cho tôi trở nên giàu có hơn.
KẺ THÙ TÀI CHÍNH #5: VỢ HOẶC CHỒNG
Chúng ta đều biết rằng có một số người, cả nam lẫn nữ, cưới nhau vì tiền bạc. Dù muốn dù không, tiền bạc cũng đóng vai trò quan trọng trong bất cứ cuộc hôn nhân nào. Có một lời thoại từ bộ phim The Great Gatsby nói rằng, “Những cô gái giàu có thì không bao giờ cưới những anh chàng không có tiền.” Câu nói có thể hay trong phim nhưng trên thực tế thì có những anh chàng hay cô nàng không tiền vẫn cưới được những người giàu có, vì tiền của họ.
KẺ THÙ CỦA TÌNH YÊU
Người cha giàu gọi những người cưới vì tiền là kẻ thù của tình yêu. Bạn có càng nhiều tiền, họ càng yêu bạn. Trong vụ ly dị rùm beng đang chờ xét xử, Paul McCartney có thể phải chia 50 phần trăm gia tài ước tính một tỉ đôla Mỹ. Đó là một số tiền rất lớn. Điều này chứng tỏ rằng McCartney tuy là một thiên tài âm nhạc, kiếm được rất nhiều tiền, nhưng do có IQ tài chính #2 thấp đã gây mất mát cho ông ấy một số tiền lớn, điều có thể tránh được nếu chịu lên kế hoạch tiền hôn nhân. Anh bạn Donald Trump của tôi nói rằng, “Nên làm hợp đồng hôn nhân trước khi cưới.” Hợp đồng hôn nhân là một dấu hiệu cho thấy IQ tài chính #2 cao. Mất 50 phần trăm gia tài kiếm được cả đời chỉ cho một vài năm hôn nhân là biểu hiện của IQ tài chính #2 thấp.

Người cha giàu thường nói rằng, “Tình yêu kết hợp với tiền bạc làm cho con người ta mất trí.” Khi tôi và Kim kết hôn, không ai trong chúng tôi có nhiều tiền, cho nên tôi biết rằng chúng tôi không cưới nhau vì tiền. Mặc dù không có tiền nhưng chúng tôi cũng có một kế hoạch dự phòng cho trường hợp mọi thứ không được như ý muốn. Đó là lý do tại sao tôi và Kim đều mướn luật sư riêng cho mình. Cô ấy có đầu tư và tôi cũng vậy. Nếu lỡ chia tay, chúng tôi không phải chia tài sản. Chúng đã được chia sẵn. Tôi hạnh phúc khi nói rằng cuộc hôn nhân từ năm 1986 của chúng tôi ngày càng trở nên tốt đẹp và chúng tôi giàu lên mỗi năm.
TÍNH ĐƯỜNG RÚT LUI TRƯỚC KHI TlẾN TỚI

Suy nghĩ rằng hôn nhân sẽ hạnh phúc mãi mãi là không thực tế. Hạnh phúc mãi mãi đủ có trong những câu chuyện thần tiên. Mọi thứ đều thay đổi. Tôi hiểu rằng sẽ chẳng thoải mái gì khi đề cập đến hợp đồng hôn nhân trước khi cưới người yêu trong mộng của mình. Nhưng đó là điều thông minh nên làm, đặc biệt trong thời buổi hiện nay tỉ lệ ly dị là 50 phần trăm. Khi thành lập công ty với một đối tác kinh doanh mới, tôi biết là khó mà nói đến giao ước mua- bán hay một điều khoản giải thể doanh nghiệp khi mọi chuyện mới chỉ bắt đầu. Thế nhưng tính đến chuyện rút lui trước khi bạn ký hợp đồng là một việc làm thông minh.

Kế hoạch rút lui tiếp theo là cái mà nhiều người không thích nghĩ đến nhưng như thế mới là thông minh trước khi bạn “rút lui vĩnh viễn”.

KẺ THÙ TÀI CHÍNH #6: ANH EM CHỒNG/VỢ
Chết là sự ra đi vĩnh viễn. Đó cũng là lúc kẻ thù tài chính xuất hiện – tôi thường gọi họ là những con kền kền. Nếu bạn giàu nhưng không thông minh sẽ gây nhiều mất mát cho những người bạn thương yêu. Họ hàng, bè bạn và cả chính phủ cũng xuất hiện tại lễ tang nếu bạn giàu. Cháu của con của anh em chồng/vợ của bạn, người mà bạn chưa hề gặp, đột nhiên trở thành người trong gia đình và đến khóc tại lễ tang của bạn. Nếu như IQ tài chính cao, bạn vẫn có thể kiểm soát phần trăm số tiền của bạn mà những người họ hàng đang đau khổ này nhận được ngay cả khi bạn đã qua đời. Những người có chỉ số IQ tài chính cao sẽ có di chúc, giấy ủy thác và những phương tiện pháp luật khác để bảo vệ cho tài sản và những ước nguyện cuối đời của mình. Hãy nhìn Leona Helmsley. Bà ta vẫn có thể để thừa kế 12 triệu đôla cho con chó của mình trong khi người cháu ruột thì chết cứng. Mặc dù đó không phải là cái tôi khuyến khích nhưng nó chứng minh rằng IQ tài chính cao cho phép bạn quyết định tiền của bạn sẽ đi về đâu, ngay cả khi đã nằm dưới mồ.

Trước khi đọc tiếp, hãy liên hệ với một chuyên gia để lên kế hoạch cho sự ra đi của bạn. Nếu như bạn giàu có hoặc sẽ giàu có, đó là việc thông minh cần phải làm. Hãy làm điều đó trước khi chết, nhưng nhớ là loại phần của con chó ra đấy.
KẺ THÙ TÀI CHÍNH #7: LUẬT SƯ

Có thể bạn còn nhớ người đã kiện McDonald’s vì cà phê của họ quá nóng. Đó là một ví dụ về việc kẻ thù tài chính dùng hệ thống pháp luật để lấy tiền của bạn. Hàng triệu người chỉ đợi có cơ hội là kiện bạn ra tòa. Đó là lý do tại sao kẻ thù tài chính #7 lại là luật sư. Có những luật sư chỉ lo làm mỗi một việc là kiện bạn ra tòa và lấy tiền của bạn.

Biết là mình luôn bị những kẻ thù này rình rập, có ba điều mà một người thông minh tài chính bắt buộc phải làm, đó là:

1. Đừng bao giờ đứng tên cho những tài sản có giá trị. Người cha nghèo thường tự hào nói rằng, “Căn nhà này đứng tên tôi.” Những người thông minh thường không đứng tên cho nhà của họ.

2. Mua ngay lập tức bảo hiểm trách nhiệm cá nhân. Hãy nhớ rằng, bạn không thể mua bảo hiểm khi bạn cần dùng đến chúng. Bạn phải mua trước đó.

3. Giữ những tài sản có giá trị dưới tư cách pháp nhân. Ở Mỹ, những loại hình pháp nhân tốt là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn.
NHỮNG QUY LUẬT ĐÃ THAY ĐỔI

Ngày nay, tôi vẫn còn nghe mọi người nói rằng, “Làm việc chăm chỉ, tiết kiệm, thoát nợ, đầu tư dài hạn vào quỹ hỗ tương.” Đó là một lời khuyên lỗi thời và là một lời khuyên tệ hại từ những kẻ thiếu hiểu biết về tài chính. Nó tựa như việc chơi trò chơi tiền bạc theo những quy luật cũ.

Hiện nay ở Mỹ, những người làm thuê làm việc cật lực để kiếm được nhiều hơn lại trả thuế nhiều hơn rất nhiều. Họ tiết kiệm nhưng lại mất tiền bởi vì đồng đôla không còn là tiền nữa mà trở thành, một đơn vị thanh toán có giá trị giảm dần. Thay vì học cách dùng nợ làm đòn bẩy để giàu có hơn, họ làm việc cật lực để thoát nợ. Hàng triệu người lao động Mỹ bỏ tiền vào quỹ hưu trí 401(k) đầu tư toàn chứng chỉ quỹ. Do thiếu giáo dục tài chính từ trường học, túi tiền của những người này bị rỉa sạch bởi những đàn cá piranha[4].
NHÌN LẠI LỊCH SỬ

Khi nhìn lại lịch sử, bạn sẽ dễ thấy rằng những quy luật của tiền bạc đã thay đổi ở Mỹ và trên toàn thế giới.

Bạn đã biết được rằng tại sao gửi tiết kiệm chỉ dành cho những tay mơ về tài chính. Thay đổi đó diễn ra vào năm 1971.

Năm 1943, chính phủ Mỹ do cần tiền cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã thông qua một đạo luật cho phép Chính phủ lấy tiền từ lương của người làm thuê trước khi họ nhận được nó. Hay nói cách khác, Chính phủ còn được trả lương trước cả những người làm thuê. Hiện nay ở Mỹ, nếu có việc làm, bạn không thể tránh được thuế. Bạn không cần đến một kế toán viên công chứng bởi vì anh ta cũng chẳng giúp ích gì nhiều để bảo vệ tiền của bạn. Nhưng nếu bạn sở hữu một doanh nghiệp hoặc là một nhà đầu tư, có nhiều lỗ hổng trong luật pháp mà bạn có thể tận dụng. Tôi sẽ nói về chúng trong một chương sau.

Như bạn biết, năm 1974, người làm thuê buộc phải trở thành nhà đầu tư để tiết kiệm cho khi về hưu. Điều này dẫn đến sự ra đời của quỹ 401(k). Với 401(k), Chính phủ cũng đã xóa kẽ hở pháp luật dành cho người làm thuê. Hãy để tôi giải thích.

Khi một người làm công ăn lương, thu nhập của họ bị đánh thuế theo dạng thu nhập kiếm được, loại thu nhập bị đánh thuế cao nhất. Khi họ rút tiền từ kế hoạch 401(k), số tiền đó, như bạn cũng có thể đoán, cũng được xem là thu nhập kiếm được. Hãy đoán tiếp xem lãi từ tiền gửi bị đánh thuế theo dạng gì? Một lần nữa: thu nhập kiếm được.

Điều đó có nghĩa là những ai làm việc chăm chỉ, tiết kiệm, thoát nợ và đầu tư vô quỹ hưu trí 401(k) đang nhận được loại thu nhập bị đánh thuế cao nhất – thu nhập kiếm được. Làm vậy là không thông minh. Những ai theo quy luật như thế đang bị móc nhẵn túi bởi những kẻ thù có vẻ như luôn ủng hộ họ, và chứng tỏ thông minh tài chính thấp khi để cho họ lấy đi một phần lớn thu nhập.

Một người thông minh tài chính không muốn nhận lương cao. Một người được đào tạo về tài chính sẽ muốn nhận tiền bản quyền, cổ tức hơn bởi vì thuế đánh thấp hơn trên những loại thu nhập này. Một nhà đầu tư hiểu biết ít nhất cũng biết nên đầu tư cho thu nhập thụ động hoặc thu nhập danh mục.

Bạn cần phải lưu ý là luật thuế khác nhau cho mọi người. Hãy đảm bảo là bạn đã nghe tư vấn của luật sư và kế toán thuế được phép hành nghề trước khi ra quyết định đầu tư.

Năm 1913, Ngân hàng Dự trữ Liên Bang Mỹ được thành lập. Ngày này có lẽ là ngày quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, khi mà những quy luật của tiền tệ toàn cầu bắt đầu có sự thay đổi. Đây là ngày mà những người làm công ăn lương nên ghi nhớ như là ngày bắt đầu của cuộc tấn công lên tài sản cá nhân của họ.

Trước hết, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ không phải là một cơ quan chính phủ. Đó chỉ là chuyện tưởng. Nó cũng không mang quốc tịch Mỹ. Nó là ngân hàng của những người giàu nhất trên thế giới.

Khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ được thành lập, những người giàu nhất trên thế giới nắm kiểm soát hệ thống tiền tệ của quốc gia giàu nhất thế giới… và sau đó thay đổi những quy luật của tiền tệ.

Hiện nay, tôi nghe những người Mỹ lên tiếng yêu cầu chính phủ bảo vệ việc làm và lợi ích Mỹ. Thỉnh thoảng tôi nghe họ nói, “Hãy mua hàng Mỹ,” hoặc “ủng hộ các doanh nghiệp Mỹ.” Ồ, đã quá trễ để làm điều đó. Đó chỉ là tiếng kêu yếu ớt của những người cùng đường. Năm 1913, những người giàu nhất thế giới đã kiểm soát nguồn cung tiền của thế giới bằng cách kiểm soát nền kinh tế lớn nhất thế giới, nước Mỹ. Họ đã thay đổi quy luật mà không nói với ai.

Ngày nay, trên giấy tờ, nước Mỹ đã phá sản với ngân khố chỉ toàn giấy nợ, còn gọi là trái phiếu hoặc tín phiếu kho bạc, những giấy nợ mà con cháu của những thế hệ sau phải gánh trả. Việc lấy cắp này diễn ra khi mà hàng tỷ người đi làm cho những công ty của người giàu, gửi tiền trong ngân hàng của những người giàu, và đầu tư vào tài sản của những người giàu (như là cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ) thông qua ngân hàng đầu tư cũng của người giàu. Hệ thống này được chủ đích thiết lập để lấy và kiểm soát càng nhiều tiền của bạn càng tốt – một cách hợp pháp.

Cách đây nhiều năm, vào đầu những năm 1980, tôi có đọc muốn cuốn sách tuyệt vời có tựa đề Grunch of Giants. “GRUNCH” là viết tắt của cụm từ Gross Universal Cash Heist (tạm dịch: Hệ thống cắp tiền). Cuốn sách được viết bởi Tiến sĩ R. Buckminster Fuller, một trong những thiên tài vĩ đại nhất của thời đại chúng ta. Tôi có dịp may được học chung với Tiến sĩ Fuller ba lần trước khi ông chết vào năm 1983. Ông ấy có tác động to lớn lên cuộc đời tôi, cũng như những ai đã từng đọc tác phẩm hoặc học chung với ông ấy. Đại học Harvard xem ông ta là một cựu sinh viên ưu tú, còn Hiệp hội Kiến trúc Hoa Kỳ ghi nhận ông là một trong những kiến trúc sư vĩ đại nhất của thời đại chúng ta.

Nếu bạn tìm được cuốn sách của Tiến sĩ Fuller, Grunch of Giants, tôi tin là bạn sẽ hiểu rõ hơn làm cách nào mà trò chơi tiền bạc đã bị đánh cắp và được che đậy bởi hệ thống giáo dục của chúng ta. Tôi tin là sau khi đọc cuốn sách, bạn sẽ cảm thấy lo ngại, đặc biệt là khi liên hệ với những gì đang xảy ra với dầu mỏ, chiến tranh, ngân hàng, nền kinh tế và giáo dục hiện nay.

Trong cuốn sách, Tiến sĩ Fuller nói rằng Chính phủ móc túi chúng ta bằng thuế má và chuyển số tiền đó cho những người bạn đang kiểm soát các công ty đa quốc gia. Nói cách khác, những quan chức được bầu lên, nghị sĩ và thượng nghị sĩ, không đại diện cho người dân, họ đại diện cho những doanh nghiệp lớn. Ngạc nhiên?

Năm 2003, Tổng thống Geogre W. Bush và các thành viên quốc hội thuộc Đảng Cộng hòa đã ép buộc, đúng theo nghĩa đen, phải thông qua dự luật Trợ cấp Được phẩm kê toa. Đây là một trong những dự luật tốn kém nhất được Quốc hội thông qua trong vòng hai mươi năm qua. Chi phí cho những người đóng thuế Mỹ là hơn 500 tỷ đôla. Chẳng bao lâu sau khi dự luật được thông qua, một số nghị sĩ và nhân viên được các công ty được thuê, một số nhận được lương nhiều triệu đôla. Đây là ví dụ cụ thể của GRUNCH.

Những cuốn sách khác mà bạn có thể muốn đọc cùng chủ đề là:

The Dollar Crisis của Richard Duncan
The Battle for the Soul of Capitalism của John Bogle Empire of Debt của Bill Bonner và Addison Wiggin.

Tôi nghĩ cái hay khi đọc bốn cuốn sách này là ở chỗ các tác giả làm ở những lĩnh vực chuyên môn khác nên có cách nhìn khác hơn. Họ không phải là một nhóm người bất mãn nhất chỉ trích hệ thống. Ví dụ, Tiến sĩ Fuller là một nhà tiên tri. Richard Duncan là một nhân viên ngân hàng quốc tế. John Bogle là sáng lập viên của Vanguard Group. Còn Bill Bonner và Addison Wiggin là chuyên viên tư vấn đầu tư quốc tế. Bốn cuốn sách từ bốn tác giả có chuyên môn khác nhau, tất cả đều chung một ý kiến: người ta đang đùa giỡn với tiền bạc và lấy cắp nó một cách hợp pháp.
NHỮNG QUY LUẬT MỚI
Bản thân tôi không muốn cố thay đổi hệ thống. Triết lý của tôi là thay đổi bản thân còn dễ dàng hơn là thay đổi hệ thống. Nói cách khác tôi không phải là người thích đi ngược gió. Vì vậy, tôi không có thiên hướng chính trị. Tôi không nghĩ là chính trị hay chính trị gia đủ sức chống lại những người vận hành thế giới tiền bạc. Nó có vẻ như hầu hết các chính trị gia, để được trúng cử, đều là công cụ cho những người kiểm soát tiền bạc của thế giới. Hầu hết chuyên viên tư vấn tài chính cũng là nhân viên của những nhân vật quyền lực này.

Đơn giản, tôi chỉ muốn biết luật chơi và tuân theo quy luật đó. Nói vậy không có nghĩa tôi cho rằng những quy luật đó hợp lý hay công bằng. Chúng không. Chúng là thế và thay đổi liên tục. Nhưng mặc dù không công bằng, hệ thống tiền tệ thế giới mới này đã làm được nhiều điều tốt đẹp. Nó mang lại nhiều sự sung túc và sản phẩm mới cho thế giới, nâng cao tiêu chuẩn sống khắp mọi nơi. Chất lượng cuộc sống của hàng tỷ người được cải thiện. Tiền bạc đã làm được rất nhiều điều.

Không may là những thay đổi này khiến nhiều quốc gia, môi trường và nhiều người phải trả giá. Sự thiếu hiểu biết tài chính của bạn sẽ tạo điều kiện làm giàu cho nhiều người. Nhiều người làm giàu bằng tài sản của người khác. Đó là lý do tại sao IQ tài chính #2: bảo vệ tiền của bạn là sự thông minh tài chính rất quan trọng.

Hồn nhiên sẽ bình yên, và đó là cái mà các kẻ thù tài chính khai thác – sự thiếu hiểu biết của bạn làm cho họ giàu có một cách vui vẻ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.