Dạy Con Làm Giàu – Tập 13

CHƯƠNG 9



Phát triển tài năng tài chính của bạn

Tôi không nhận ra mình không thông minh cho đến khi đi học. Trong suốt mười bảy năm, từ mẫu giáo cho đến đại học, trường học là một cực hình. Tôi luôn được đánh giá là học sinh trung bình. Dù cho học lớp nào đi nữa, luôn có những đứa bạn thông minh, tài năng và học nhanh hơn tôi. Đi học trông có vẻ dễ dàng đối với những đứa trẻ thông minh. Đối với tôi, nó rất khó khăn. Tôi nhận được điểm A duy nhất trong xưởng mộc của trường bởi vì tôi có khiếu với đôi bàn tay. Tôi đóng một cái tàu cho bài tập trên lớp trong khi những người bạn cùng lớp làm món salad dành cho mẹ.

Tôi cũng không biết là mình nghèo cho đến khi đi học. Khi tôi chín tuổi, gia đình chuyển đến vùng bên kia của thành phố và tôi theo học ngôi trường dành cho con em những gia đình giàu có. Thú vị là, có hai ngôi trường tiểu học nằm đối diện nhau trên cùng một con đường. Bên này đường là trường Union School. Phía bên kia là trường Riverside School. Cả hai đều là trường công, một dành cho giới thượng lưu, cái còn lại dành cho tầng lớp lao động.

Nguyên thủy, trường Union School được thành lập cho con em công nhân thuộc Liên đoàn trồng mía đường, vì thế trường có tên như vậy. Riverside là trường dành cho con em chủ và nhân viên quản lý các đồn điền mía đường. Tôi được học trường Riverside School là do gia đình tôi may mắn sống phía đường cạnh bờ sông.

Dù chỉ mới chín tuổi, tôi nhận thấy những người bạn cùng lớp tại trường Riverside School có tiêu chuẩn sống cao hơn gia đình tôi. Những người bạn giàu sống trong một cộng đồng biệt lập kết nối với bên ngoài bằng một cây cầu bắc qua sông. Mỗi lần vượt cầu sang chơi với bạn, tôi biết là mình đang bước vào một thế giới khác.

Ở phía đó của cây cầu, bạn bè tôi sống trong những căn nhà kiểu trang trại to và đẹp. Phía cây cầu nơi tôi ở, nhà cửa kém hoành tráng hơn nhiều. Nhà chúng tôi ở là nhà xây cho công nhân đồn điền mía. Bố mẹ bạn bè tôi sở hữu những căn nhà họ đang sống. Bố mẹ tôi thì ở thuê. Một số người bạn thậm chí còn có hơn một căn nhà, nhiều người có nhà ở biển. Khi gia đình tôi đi biển, chúng tôi tới những bãi biển công cộng. Trong lúc bạn bè vui chơi ở những câu lạc bộ du thuyền hoặc những khu thể thao giải trí biệt lập, tôi làm việc ở đó.

Mặc dù giàu có, bạn bè tôi và gia đình họ không phải là những người thích khoe khoang. Họ là những người thân thiện và hòa đồng. Tôi có nhiều thời gian cùng với bạn bè ở những căn nhà gần biển, trên du thuyền và máy bay của gia đình họ. Họ không phô trương sự giàu có mà họ chia sẻ nó. Đối với họ, giàu có là một việc tự nhiên, không có gì đặc biệt. Đó là một phong cách và tiêu chuẩn sống. Đối với họ, cách sống đó không có gì quá to tát. Chính tôi là người cảm thấy nó như thế mà thôi, thỉnh thoảng cảm giác không thoải mái, lạc lỏng và thấy rõ mức sống của họ làm chia cách chúng tôi. Đến mười hai tuổi, bạn bè tôi theo học trường tư còn tôi tiếp tục học trường công với những đứa trẻ ở Union School.

Tôi cũng không biết mình là một kẻ khác người cho đến khi đi học. Ở trường, các cô gái tôi thích không ai muốn hẹn hò với tôi. Tôi không bản trai. Những cô gái dễ thương chỉ quan tâm đến những chàng trai quậy phá lớn tuổi hơn, thuộc một băng nhóm nào đó và có xe riêng. Mặc dù tôi là một ngôi sao: trong đội bóng và biết lướt sóng, tôi không bảnh trai, không quậy phá, và không có xe riêng. Tôi nhút nhát, béo và đi lại bằng xe chở hàng màu be của gia đình. Hoàn toàn không bảnh tí nào.

Năm 1974, khi chuẩn bị nghỉ Marine Corps ở tuổi hai mươi bảy, tôi biết là mình muốn giàu có, lái những chiếc xe tốc độ và hẹn hò với những cô gái đẹp. Mặc dù tôi đã trưởng thành, không còn mập kiểu trẻ con nữa, cao lớn và mạnh mẽ hơn nhưng trong suy nghĩ của mình, tôi vẫn là một chàng béo nhút nhát và không có nhiều tiền. Tôi biết mình muốn gì. Tôi chỉ không biết làm sao để đạt được điều đó mà thôi.

Tôi biết là mình muốn trở thành một doanh nhân và đầu tư vào bất động sản, nhưng tôi không có tiền và không có kỹ năng gì. Càng nghĩ về điều đó và so sánh cái tôi có hiện tại với cái mà tôi muốn đạt được, tôi càng nhận ra rằng thầy cô mình nói đúng. Tôi chỉ ở mức trung bình. Tôi không có tài năng gì đặc biệt. Tôi không thông minh. Nếu muốn giàu, tôi cần phải tìm ra một cách để ít nhất là sống trên khả năng ở mọi mặt.
ĐỪNG SỐNG DƯỚI KHẢ NĂNG
Các chuyên gia tài chính khuyên mọi người nên sống dưới khả năng và đa dạng hóa. Nhiều người cho đó là một lời khuyên thông minh, vấn đề khi theo lời khuyên này là cuối cùng bạn chỉ đạt được mức trung bình bởi vì đó cũng chỉ là một lời khuyên trung bình.

Ở trung học, học sinh bắt đầu tập trung vô những điểm mạnh học thuật của mình và học những môn giúp họ kiếm được công việc lương cao sau này. Trẻ luôn bị buộc phải thông minh, học hành chăm chỉ và đạt điểm cao. Sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều người học lên cao học, thu hẹp sự lựa chọn nghề nghiệp của mình vào những lĩnh vực như luật sư, bác sĩ, kế toán, quản trị kinh doanh. Nhiều bác sĩ, sau nhiều năm miệt mài ở trường y, lại phải học thêm để trở thành chuyên gia như là bác sĩ nội hay ngoại khoa. Sinh viên trường nghệ thuật sẽ trở thành những nghệ sĩ chuyên về đất sét, sơn dầu, màu nước, đồ họa ứng dụng hay âm nhạc. Những tài năng thể thao tập luyện để trở thành vận động viên bóng đá, tennis, bóng rổ hoặc gôn chuyên nghiệp. Thực ra, nếu tham gia những sự kiện thể thao, bạn sẽ thấy nhiều bậc cha mẹ gào thét, yêu cầu cho con họ được ra sân và muốn đội của chúng thắng. Không ai muốn chơi cho một đội trung bình.

Nhiều người trong chúng ta biết rằng để thành công trong trường và trong sự nghiệp, chúng ta cần phải làm hết sức để trở nên xuất sắc nhất. Chúng ta cần phải học và tập trung. Chúng ta cần phải chuyên môn hóa. Tuy nhiên, khi nói đến tiền bạc, chúng ta lại được khuyên nên đa dạng hóa thay vì tập trung và sống dưới khả năng thay vì sống với tiêu chuẩn cao hơn.

Sau khi nghỉ làm ở Marine Corps, tôi không muốn kiếm một công việc bình thường và sống dưới khả năng. Đối với tôi, sống dưới khả năng là cách sống của những người dưới trung bình. Tôi không muốn lái một chiếc xe bình thường hay là sống trong một khu phố bình thường. Tôi cũng biết rằng đa dạng hóa làm cho lợi nhuận đầu tư đạt dưới mức trung bình. Tôi biết rằng mình cần phải tập trung nếu muốn tiêu chuẩn sống tốt hơn… giống như những người bạn cùng lớp sống bên kia cây cầu.

Nghĩ về cuộc sống mà tôi chuẩn bị trở lại sau bốn năm ở quân đội và năm năm phục vụ trong binh, chủng lính thủy đánh bộ, tôi nhận thấy rằng đa số mọi người làm việc chăm chỉ để trên mức trung bình về mặt nghề nghiệp nhưng lại dưới mức trung bình về mặt tài chính.

Tôi đã quyết định rằng cách tốt nhất để tôi có thể chiến thắng những sinh viên loại A, những đứa trẻ giàu có, những thầy giáo đánh giá tôi trung bình, những cô gái không thèm quân tâm đến tôi là phải trở nên giàu có. Tôi không bực mình với họ. Tôi chỉ quá chán với sự bình bình. Tôi nhận rằng tôi có thể giàu có hơn nhiều người bởi vì, khi nói đến tiền bạc, đa số mọi người theo đuổi những lời khuyên và chiến lược tài chính tầm thường.

TẠI SAO CÁC CHUYÊN GIA KHUYÊN NÊN ĐA DẠNG HÓA?
Như Warren Buffett nói, “Đa dạng hóa là lớp bảo vệ cho sự thiếu hiểu biết. (Nó) không có có nghĩa gì đối với những ai biết mình đang làm gì.” Buffett cũng nói như sau về các chuyên gia quản lý tài chính, “Những chuyên gia trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như nha sĩ, làm được rất nhiều cho một người thường. Nhưng nói chung, chúng ta chẳng nhận được gì cho số tiền của mình từ những chuyên gia quản lý tài chính.”

Tôi tin rằng khi nhiều người khuyên nên đa dạng hóa, họ muốn che đậy sự thiếu hiểu biết của mình. Tôi nghĩ Buffett cho đó là một lời khuyên tài chính tầm thường từ những chuyên gia tài chính tầm thường cho những nhà đầu tư cũng tầm thường.

Warren Buffett có một chiến lược tài chính rất khác. Ông ta không đa dạng hóa. Ông ta tập trung. Ông ta tìm kiếm những công ty tốt với cái giá tốt. Ông ta không mua thật nhiều công ty rồi cầu nguyện cho một trong số đó sẽ làm ăn tốt. Ông ta không muốn nhận được lợi nhuận bình quân hay đầu cơ vào thị trường chứng khoán. Ông ta muốn kiểm soát công ty chứ không muốn điều hành nó. Khi Warren nói về đầu tư, câu cửa miệng của ông ta là giá trị nội tại, chứ không phải đa dạng hóa.

Lý do mà các chuyên gia tài chính khuyên nên đa dạng hóa là bởi vì họ không kiếm được những công ty tốt. Họ không có sự kiểm soát và đa số không biết cách điều hành một doanh nghiệp. Họ chỉ là một nhân viên bình thường chứ không phải doanh nhân như Warren.
THÔNG MINH NHƯNG THẤT BẠI

Ngày 24 tháng 8 năm 2007, sau khi thị trường sụp đổ, tờ Wall Street Journal cho đăng một câu chuyện nói về lý do tại sao những quỹ đầu tư định lượng, được cho là được quản lý bởi những người thông minh nhất ở phố Wall đều mất tiền (Justin Lahart, “Tại sao chiến lược của quỹ định lượng thất bại”). Nói cách khác, những sinh viên loại A lại nhận điểm F. Bài báo nói như sau:

Ngay cả khi họ không dùng chung mô hình thống kê, họ đều có chung cách tiếp cận thị trường. Họ được dạy những phương pháp thống kê giống nhau, nghiên cứu những tài liệu học thuật giống nhau và sử dụng những dữ liệu quá khứ cũng giống nhau. Do đó, họ dễ dàng đi đến quyết định đầu tư giống nhau.

Nói cách khác, Wall Street thuê những thiên tài về học thuật, những sinh viên loại A, những người tốt nghiệp từ các trường dạy kinh doanh tốt nhất trên thế giới và những người này sẽ sử dụng mô hình máy tính phức tạp để đầu tư hàng tỉ đôla. Tất cả họ đều hành động giống nhau. Khi mô hình nói “mua”, tất cả họ mua cùng loại cổ phiếu và làm cho thị trường bùng nổ. Còn khi mô hình nói “bán”, họ bán ra đồng loạt dẫn đến sự sụp đổ của thị trường. Như thế không phải là thông minh tài chính.
KHÔNG ĐA DẠNG HÓA… NHƯNG LẠI NGHĨ MÌNH ĐANG ĐA DẠNG HÓA
Tôi có hai người bạn học cùng lớp rất thông minh tiếp tục học lên lấy bằng tiến sĩ tại trường Đại học Stanford. Cả hai đều kiếm được việc làm lương cao, một người làm cho ngân hàng còn người kia làm cho công ty dầu khí. Khi thị trường chứng khoán sụp đổ do hậu quả của sự kiện 11/9, họ mất rất nhiều tiền mặc dù cả hai đều đa dạng hóa. Nhiều năm sau, tôi có dịp nói chuyện riêng với họ. Khi được hỏi về chiến lược đầu tư, cả hai đều nói rằng, “Tôi có một danh mục đầu tư được đa dạng hóa gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ.”

Mặc dù không nói ra nhưng tôi muốn họ biết được rằng họ thực sự không đa dạng hóa. Họ đầu tư hoàn toàn vào tài sản giấy, chủ yếu là vào thị trường chứng khoán. Họ không có đầu tư vào những bất động sản tốt, những doanh nghiệp tư nhân hay hàng hóa như là dầu mỏ. Khi thị trường sụt giảm, danh mục đầu tư của họ cũng giảm giá trị. Họ không có đa dạng hóa nhưng lại nghĩ là mình đang đa dạng hóa. Họ có chỉ số IQ học thuật cao hơn trung bình nhưng chỉ số IQ tài chính lại thấp hơn mức trung bình.
PHÁT HIỆN TÀI NĂNG TÀI CHÍNH TRONG BẠN
Tôi thành lập và cấu trúc lại rất nhiều doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ năm 1974 đến năm 1984. Tôi đã quyết tâm là mình sẽ trở thành, một doanh nhân. Cũng giống như một đứa trẻ cần phải té ngã và đứng lên nhiều lần trước khi biết đi, tôi đã thành công và thất bại rất nhiều trước khi trở thành một doanh nhân. Tôi làm điều này bởi vì tôi muốn là người trong cuộc chứ không phải là người đứng ngoài nhìn vào.

Từ năm 1984 đến năm 1994, tôi kinh doanh giáo dục bởi vì tôi muốn biết người ta học như thế nào. Mặc dù không thích trường học nhưng tôi rất muốn học hỏi. Ngoài ra tôi cũng muốn biết là tại sao tôi luôn cảm thấy mình kém cõi trong lớp. Trong 10 năm đó, tôi và Kim thành lập một công ty dạy về kinh doanh và đầu tư có văn phòng ở Úc, Canada, New Zealand, Singapore và Mỹ.

Trong khoảng thời gian đó, tôi xử lý mọi việc theo một cách khác, gần như là trái ngược với cách thức truyền thông mà trường học vẫn dạy chúng ta. Thay vì tạo ra một môi trường trong đó chỉ một hoặc hai sinh viên là thông minh, tôi tạo ra một môi trường ở đó mọi người đều có thể cảm thấy mình thông minh và muốn học hỏi. Thay vì cạnh tranh, mọi người trong lớp phải phối hợp làm việc. Thay vì sinh viên nghe tôi giảng, tôi tạo ra những trò chơi để dạy nhiều chủ đề cụ thể. Thay vì cảm thấy nhàm chán, những sinh viên đã lớn tuổi này chủ động tham gia và thử thách bản thân.

Từ kinh nghiệm là giáo viên dạy kinh doanh, tôi phát triển một trò chơi giáo dục có tên là CASHFLOW, trò chơi đầu tiên dạy cả kế toán và đầu tư cùng một lúc. Như các bạn cũng biết, kế toán có thể là một môn học chán nhất trên trái đất còn đầu tư là môn kinh hoàng nhất. Bằng cách kết hợp hai môn học trong một trò chơi, việc học sẽ trở nên thú vị và nhiều thử thách hơn. Bạn có thể chơi hàng ngàn lần nhưng mỗi lần vẫn khám phá được một điều gì dó mới mẻ về kế toán, đầu tư và cả trò chơi nữa. Trò chơi chính thức ra mắt năm 1996.

Khi nghiên cứu nhiều hơn về bộ não con người và cách thức chúng ta tiếp thu kiến thức, tôi nhận ra một số điều đáng lo ngại về hệ thống giáo dục. Hệ thống hiện tại thực ra đang làm tổn hại đến não trẻ. Nói cách khác, ngay cả một sinh viên loại A cũng có thể bị hạn chế khả năng bởi hệ thống giáo dục. Càng nghiên cứu và thử nghiệm nhiều phương pháp dạy học khác nhau ở trong lớp của mình, tôi càng nhận ra rõ hơn câu trả lời cho điều mình đang tìm kiếm, và tôi hiểu ra tại sao tôi luôn bị đánh giá là học sinh kém hoặc giỏi lắm là học sinh trung bình.
ĐA THÔNG MINH

Trong lúc nghiên cứu, tôi phát hiện được cuốn sách Khung trí tuệ: Thuyết đa thông minh (Frames of Mind: Theory of Multiple Intelligences) của Howard Gardner. Cuốn sách của ông ấy mở ra tn thức mới và củng cố những điều đã biết. Ông ấy đưa ra bảy loại thông minh như sau:
1. Ngôn ngữ

2. Tính toán

3. Âm nhạc

4. Thể lực

5. Thị giác

6. Tương tác

7. Nội tâm

Cuốn sách của ông củng cố thêm những điều tôi nghĩ. Đơn giản là tôi không có những loại thông minh được công nhận bởi hệ thống giáo dục, chủ yếu là về ngôn ngữ và tính toán. Đây là lý do tại sao tôi rớt môn văn hai lần ở trung học. Tôi không thể viết, đánh vần hoặc chấm câu. Tôi không giỏi về ngôn ngữ và tính toán.

Năm đầu tiên ở Học viện Thương mại Hải quân, văn lại trở thành, môn yêu thích nhất bởi vì tôi có một người thầy rất tuyệt vời. Nếu không nhờ ông ấy, tôi đã không thể viết sách ngày nay. Giáo viên dạy văn của tôi có kỹ năng tương tác rất tốt, đó là lý do tại sao ông ấy có thể thông cảm được với tôi. Tôi kính trọng ông ấy. Thay vì lên giọng kẻ cả, ông ấy truyền cho tôi cảm hứng. Chúng tôi có thể nói chuyện với nhau như những người bạn chứ không phải như thầy với trò. Ở trong lớp của ông ấy, tôi muốn mình thông minh và muốn học hỏi. Tôi đã nhận được điểm B thay cho điểm F môn văn.
TÔI CẦN SỰ AN TOÀN
Sau này, khi tham gia quân đội, chính thông minh nội tâm giúp tôi giữ được mạng sống. Thông minh nội tâm là khả năng bạn có thể kiểm soát được cảm xúc của mình và làm cho xong công việc, thậm chí công việc đó có đe dọa đến tính mạng. Nhiều người không thành công về tài chính bởi vì thông minh nội tâm của họ kém. Những người có thông minh nội tâm hạn chế thường nói rằng, “Tôi cần sự an toàn nghề nghiệp” hoặc là “Làm thế rất rủi ro.” Đây là những ví dụ cho thấy cảm xúc kiểm soát hành động, chứ không phải là thông minh nội tâm.

Khi nghiên cứu kỹ hơn về Gardner và thuyết đa thông minh của ông, tôi nhận ra rằng những sinh viên loại A là những người có thông minh ngôn ngữ và tính toán cao. Đọc, viết và làm toán dễ dàng đối với họ nhưng rất khó đối với tôi. Tôi đọc và viết chậm và tôi chỉ thích làm toán khi tôi phải đo đạc hoặc tính toán cái gì đó chẳng hạn như là chiếc thuyền và tiền bạc. Những loại thông minh thế mạnh của tôi là thị giác, thể lực và nội tâm, đó là lý do tại sao tôi hay vẽ nguệch ngoạc trong giờ học, đóng thuyền và không hề cảm thấy lo sợ hay cảm thấy được động viên khi thầy cô nói rằng chúng tôi sẽ không kiếm được công việc tốt nếu không đạt được điểm tốt.

Đến đây thì có lẽ bạn cảm thấy muốn tự chất vấn rằng: trong 7 loại thông minh đó, bạn khá nhất ở loại nào? Bạn có thể liệt kê chúng theo thứ tự, từ cao xuống thấp. Tôi khuyên khích bạn nên đọc cuốn sách của Tiến sĩ Gardner.
BA PHẦN CỦA NÃO BỘ
Albert Einstein đã nói rằng, “Sự tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức.”

Là một giáo viên dạy kinh doanh, tôi nghiên cứu rất nhiều về những phần khác nhau của bộ não. Nói ngắn gọn và đơn giản là não chúng ta có ba phần, như trong hình vẽ trang 268.

1. Não trái: Nói chung, phần não này dùng cho việc đọc hiểu, viết, nói và suy luận lôgíc. Những đứa trẻ học giỏi ở trường là do có não trái phát triển. Theo như cuốn sách của Gardner về 7 loại thông minh, não trái gắn liền với những năng lực sau: ngôn ngữ, tính toán, tương tác. Nhà văn, nhà khoa học, luật sư, kế toán viên và nhà giáo là nghề nghiệp dành cho những người này.

2. Não phải: Phần này của bộ não thường liên quan đến hình ảnh, nghệ thuật và những sự việc không theo quy luật nhưng cần sự sáng tạo và tưởng tượng. Theo Gardner thì năng lực âm nhạc và năng lực thị giác gắn liền với não phải. Nhà thiết kế, kỹ sư và nhạc sĩ là nghề nghiệp dành cho những người có năng lực đặc biệt trên.

3. Vùng tiềm thức: Đây là phần hoạt động mạnh nhất của bộ não bởi vì nó chứa phần não từ thời cổ xưa, thường được gọi là não nguyên thủy. Nó được gọi như vậy là bởi vì nó gần giống với não của động vật. Nó không suy nghĩ mà chỉ phản ứng lại, đấu tranh, đầu hàng hoặc không làm gì cả. Như trong nghiên cứu của Gardner, thông minh nội tâm liên quan nhiều nhất đến vùng tiềm thức. Theo ý kiến của tôi, chính thông minh nội tâm là cái quyết định cuối cùng đến thành công hay thất bại trong cuộc sống, tình yêu, sức khỏe và tiền bạc của chúng ta. Lý do là bởi vì vùng tiềm thức là bộ phận hoạt động mạnh nhất của bộ não, đặc biệt là trong những tình huống nhiều áp lực.

Vùng tiềm thức cũng ảnh hưởng đến chuyển động của cơ thể thông qua tài năng về thể lực. Ví dụ, trong môn gôn, áp lực có thể khiến người chơi gôn ngưng thở và hụt mất một cú đánh dễ. Một cách tiềm thức, người ta có thể đầu hàng và không hành động vì sợ phạm sai lầm, hoặc là vẫn trung thành với một công việc vì cần sự an toàn hơn là sự yêu thích công việc.

Những người có thông minh nội tâm cao có khả năng kiểm soát được hành động đấu tranh, đầu hàng hoặc không làm gì cả của vùng tiềm thức. Thay vì đầu hàng, họ có thể quyết định tốt nhất là không làm gì cả. Sau khi đã bình tĩnh, họ có thể quyết định đấu tranh. Mấu chốt ở đây là họ có sự thông minh để lựa chọn phản ứng phù hợp cho vùng tiềm thức. Nếu giận dữ, họ vẫn có thể nói năng điềm tĩnh. Nếu sợ hãi, họ vẫn có thể kiểm soát được sự sợ hãi.

Vùng tiềm thức của chúng ta phản ứng khác nhau trước sự sợ hãi. Khi gặp sợ hãi, chúng ta có thể nói rằng, “Tôi không làm điều đó được. Lỡ thất bại thì sao.” Hãy so sánh với một người mà vùng tiềm thức của họ chọn cách đấu tranh, có thể họ sẽ nói rằng, “Tôi sẽ cho họ thấy. Tôi sẽ làm điều đó chỉ để chứng minh tôi có thể làm được.”

Học cách chọn trạng thái cho vùng tiềm thức trước khi bạn suy nghĩ và quyết định rất quan trọng. Hãy chọn trạng thái cho vùng tiềm thức của bạn trước khi sử dụng não trái và não phải.

Những nghề nghiệp đòi hỏi nhiều khả năng kiểm soát áp lực thích hợp nhất cho những người có thông minh nội tâm cao. Ví dụ như nhân viên cảnh sát, bác sĩ và y tá phòng cấp cứu, lính cứu hỏa, quân nhân. Tôi cho rằng doanh nhân cũng cần có thông minh nội tâm cao.
PHẦN NÃO NÀO KIỂM SOÁT TIỀN CỦA BẠN?

Lý do mà tôi quan tâm đến bộ não và cách thức hoạt động của nó là bởi vì tôi thắc mắc tại sao có quá nhiều người nói một đằng nhưng làm một nẻo. Ví dụ như khi hỏi một người rằng, “Bạn có muốn giàu có không?” Đa số mọi người sẽ trả lời từ suy luận của não trái, “Vâng, tôi rất muốn.” Không có vấn đề gì với não trái của họ cả. Vấn đề ở chỗ là vùng tiềm thức lại nói rằng, “Bạn không thể. Bạn sẽ chẳng bao giờ giàu đâu,” hoặc “Làm sao mà làm giàu được khi bạn không có đồng nào.”

Trong hầu hết các trường hợp, chính sự lo sợ thất bại của vùng tiềm thức ngăn cản chúng ta hành động. Cũng chính sự lo sợ thất bại này là cái giáo viên dùng để tạo động lực cho học sinh. Tôi còn nhớ thầy cô nói với mình, “Nếu không đạt điểm tốt, em sẽ không kiếm được việc làm tốt.” Về sau, khi những sinh viên loại A kiếm được công việc tốt muốn thay đổi nghề nghiệp, sự sợ hãi lại cầm chân họ.

Ví dụ, tôi có người bạn là luật sư, một sinh viên loại A của trường Harvard, muốn thay đổi nghề nghiệp nhưng không thể. Anh ấy sợ thất bại với cái mới và không thể kiếm đủ tiền. Anh ấy nói với tôi, “Tôi đã làm luật sư một thời gian dài đến nỗi tôi không biết phải làm gì khác. Ai sẽ trả cho tôi mức lương hiện tại?” Anh ta có não trái thông minh, não phải kém phát triển và vùng tiềm thức không thể kiểm soát nỗi.

Một lần nữa, vùng tiềm thức là bộ phận hoặt động mạnh nhất của bộ não. Vùng tiềm thức hoạt động mạnh đến nỗi nó kiểm soát các thói quen của chúng ta. Ví dụ như, hầu hết những người hút thuốc đều muốn bỏ thuốc. Bạn có thể giải thích đầy lôgic cho bán cầu não trái và chỉ cho bán cầu não phải những hình ảnh kinh hoàng về bệnh ung thư phổi. Nhưng nếu vùng tiềm thức muốn, người ta lại hút thuốc. Theo nhiều cách khác nhau, vùng tiềm thức kiểm soát cuộc sống của bạn, bất kể bạn là một sinh viên loại A hay loại F. Đối với nhiều người, khi nói đến tiền bạc, trong đầu họ diễn ra một cuộc chiến giữa các bộ phận của não bộ. Chính xung đột này khiến cho nhiều người sống duới khả năng trong khi thực tế là họ muốn cải thiện tiêu chuẩn sống và muốn giàu có.

Là giáo viên dạy kinh doanh và tài chính, tôi thấy nhiều người, thậm chí cả những người có học, quen với việc nghèo khó. Một cái gì đó trong suy nghĩ khiến họ nghèo. Thay vì biến những cái họ chạm vào thành vàng, mọi thứ họ chạm đến đều biến thành chì.
CUỘC CHIẾN GIỮA CÁC PHẦN CỦA NÃO BỘ

Do là một giáo viên nên cuộc chiến giữa các phần của não bộ khiến tôi tò mò. Tôi muốn tìm hiểu về sự xung đột giữa suy nghĩ hợp lý và phi lý của não bộ. Tôi nhận ra rằng giáo dục theo đúng nghĩa của nó không đơn thuần chỉ là dạy cho học sinh biết đọc, viết và thuộc lòng những đáp án. Để làm đúng chức năng của nó, giáo dục chân chính phải phát triển đồng bộ cả ba phần của não bộ. Thay vì chống lại nhau, chúng phải hoạt động hài hòa. Được như thế thì học sinh sẽ có khả năng thành, công nhiều hơn trong cuộc sống.

Nhược điểm của giáo dục truyền thông là nó chỉ tập trung phát triển một phần của não bộ, bán cầu não trái. Nói cách khác, xét về mặt não trái, bạn có thể là một thiên tài nhưng nếu xét về vùng tiềm thức, bạn chỉ là một kẻ khờ. Bằng não trái, bạn có thể biết mình nên làm cái gì nhưng tiềm thức của bạn lại sợ phải làm điều đó. Tệ nhất là, nhiều người ra trường hoàn toàn có thể đọc, viết và làm toán nhưng do sợ thất bại đã tìm kiếm sự an toàn thay cho cơ hội. Họ được dạy nên chú trọng đến kiến thức hơn là sự tưởng tượng và khả năng kết hợp cả ba phần của bộ não. Sau nhiều năm hết sức phấn đấu, những người này được các chuyên gia tài chính khuyên nên đa dạng hóa và sống dưới khả năng. Đối với những người luôn sợ hãi, lời khuyên như thế nghe có vẻ thông minh và hợp lý. Trong nhiều năm, những người này chuyển một phần tiền lương hàng tháng của mình cho các chuyên gia với hy vọng là họ biết họ sẽ nên làm gì. Nhưng cùng lúc đó, nhà đầu tư giàu có nhất thế giới, Warren Buffett lại nói, “Đa dạng hóa là lớp bảo vệ cho sự thiếu hiểu biết.” Và thực sự nó là như vậy.
MỘT THẾ GIỚI BỊ THỐNG TRỊ BỞI NHỮNG NGƯỜI THUẬN NÃO TRÁI
Thế giới này được điều hành bởi những người thuận não trái, vấn đề là những người này nghĩ rằng chỉ tồn tại một loại thông minh duy nhất. Nhiều người không biết được não bộ còn có những phần khác và còn có những loại thông minh khác. Nếu bạn hỏi một người thuận não trái, học hành cao về định nghĩa của sự thông minh, anh hoặc cô ta sẽ nói rằng, “Nếu bạn đồng ý với tôi thì bạn thông minh. Nếu không, bạn là một thằng ngốc.”

Nói về tiền bạc, những người thuận não trái cho rằng có thể kiếm tiền theo một công thức, một phương trình toán học. Đó là lý do tại sao khi thị trường sụp đổ, nhiều quỹ phá sản hàng loạt. Những quỹ này được quản lý bởi những thiên tài về học thuật, tất cả đều theo một công thức giống nhau. Dưới đây là trích đoạn khác từ số báo ngày 24 tháng 8 năm 2007 của tờ Wall Street Journal về những quỹ định lượng (Justm Lahart, “Tại sao chiến lược của quỹ định lượng thất bại”):

Một số quỹ định lượng, những quỹ sử dụng mô hình thống kê để tìm ra chiến lược đầu tư thành công, báo cáo thua lỗ nặng trong tháng này. Nhiều giám đốc quỹ chỉ vào các quỹ định lượng phòng chóng rủi ro khác, đại khái nói là tất cả họ đều sở hữu nhiều cổ phiếu giống nhau, nên khi mô hình nói bán, họ bán ra cùng một thời điểm khiến cho giá cổ phiếu giảm, gây thiệt hại cho những ai chưa kịp bán.

Nói cách khác, những sinh viên loại A sử dụng loại thông minh về ngôn ngữ và tính toán của não trái để đầu tư vào thị trường chứng khoán và đưa ra những câu trả lời giống nhau… giống như khi đi học. Nhưng ai sẽ phải trả giá cho những thiệt hại đó? Tất nhiên không phải những sinh viên loại A kia. Họ vẫn nhận lương đều đặn. Họ chỉ là người làm thuê, không phải nhà đầu tư.
HỌC CÁCH THÀNH CÔNG SỬ DỤNG TOÀN PHẦN NÃO BỘ

Warren Buffett từng nói rằng, “Bạn phải tự mình suy nghĩ. Tôi luôn ngạc nhiên là tại sao những người có IQ cao lại bắt chước một cách vô thức.”

Là một người kinh doanh giáo dục, tôi dạy sinh viên phải suy nghĩ bên ngoài chiếc hộp và sáng tạo hơn là bắt chước. Tôi ngạc nhiên khi thấy điều này làm cho nhiều sinh viên khiếp sợ. Đa số mọi người do quá sợ hãi nên tìm kiếm một việc làm ổn định, một bí quyết đầu tư kỳ diệu và tránh phạm sai lầm. Vì vậy phá tan sự lo sợ đó là việc làm khó khăn nhất của tôi. Họ là những người thông minh, thành công, có học và muốn tạo ra sự thay đổi. Họ không phải là những người nghèo, thất bại và không có học.

Nhiệm vụ của tôi là hướng dẫn họ cách sử dụng tài năng riêng của mình cùng với cả ba phần của não bộ để thành công. Tôi thường gọi khóa học của mình là “Học cách thành công sử dụng toàn phần não bộ”. Để thu hút sự chú ý, tôi thường nói, “Sinh viên loại A làm việc cho sinh viên loại C còn sinh viên loại B thì làm việc cho chính phủ.” Rõ ràng điều này làm cho những sinh viên loại A không vui nhưng họ sẽ bình thường trở lại một khi tôi giải thích tính lôgic đằng sau phát hiện của mình.
NGÔN NGỮ CỦA NGƯỜI NGHÈO VÀ TRUNG LƯU
Gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra rằng não của chúng ta còn có tế bào thần kinh phản chiếu. Nhiều nhà khoa học cho rằng sự phát hiện này còn quan trọng hơn phát hiện ra DNA. Nói cho dễ hiểu thì tế bào thần kinh phản chiếu tương tự như việc khỉ thấy, khỉ làm theo hoặc ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Nó có nghĩa là não của chúng ta được lập trình bắt chước những gì chúng ta thấy người khác làm. Nó giải thích lý do tại sạo những quỹ định lượng lại đầu tư vô cùng một loại cổ phiếu, tại sao người nghèo vẫn nghèo mặc dù họ kiếm được rất nhiều tiền và tại sao một trẻ lớn lên ở Anh lại nói giọng tiếng Anh khác với một đứa trẻ sinh ra ở Mỹ hoặc ở Úc.

Tế bào thần kinh phản chiếu quy định phương ngữ hạn chế phạm vi hoạt động của chúng ta và những người chúng ta gặp gỡ sau này. Nhiều đứa trẻ gặp nhiều khó khăn sau khi rời Hawaii bởi vì tiếng Anh của chúng là tiếng Anh bồi. Những đứa trẻ này thường theo học những trường trong đất liền có nhiều sinh viên từ Hawaii để giúp họ cảm thấy thoái mái hơn. Nhiều học sinh của trường Union School nói tiếng Anh bồi. Còn trường Riverside School thì không cho phép làm điều đó. Tôi tin rằng điều này đã tạo ra một sự khác biệt lớn trong cuộc đời tôi và tại sao tôi theo học ở New York chứ không phải tại trường Đại học Hawaii.

Người nghèo có ngôn ngữ riêng của mình. Thay vì nói ngôn ngữ của kinh doanh và đầu tư, họ lại nói những điều như là, “Chương trình chính phủ, phúc lợi xã hội và trợ cấp.” Giới trung lưu thì lại có ngôn ngữ khác. Họ nói, “Đa dạng hóa và sống dưới khả năng.” Còn Buffett, nhà đầu tư giàu nhất thế giới, lại nói, “Không phải là tôi cần tiền mà chính là niềm vui khi tạo ra tiền và chứng kiến chúng sinh sôi nảy nở.” Một lần nữa, đây là ví dụ cho việc ngôn ngữ khác nhau là biểu hiện của tế bào thần kinh phản chiếu khác nhau.

Mỗi một nhóm người có ngôn ngữ riêng của họ. Ví dụ như khi các tay gôn nói chuyện với nhau, họ dùng một thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác. Khi họ nói birdie, không có nghĩa là họ đang nói về việc bắn chim trên sân gôn. Cho dù bạn có ở đâu trên thế giới, nếu một tay gôn nói với tay gôn khác rằng, “I shot a birdie”, mọi người đều hiểu là người này còn thiếu một điểm nữa so với số điểm quy định, nghĩa là người này cũng chơi trên mức trung bình.

Tương tự, nói cho đơn giản, người giàu cũng có ngôn ngữ riêng của họ. Đó là vấn đề về bộ não và tế bào thần kinh phản chiếu khác nhau. Đó là lý do tại sao chuyện vượt cầu lúc chín tuổi thay đổi cuộc sống của tôi và tại sao tôi không sống dưới khả năng hoặc đa dạng hóa. Đó là lý do tại sao ngay cả khi túng quẫn, tôi vẫn không lái những chiếc xe hoặc mặc quần áo rẻ tiền hay sống trong những khu phố ít đắt đỏ. Đó là vấn đề về tế bào thần kinh phản chiếu và tiêu chuẩn sống.

Ngày nay, các nhà khoa học cho rằng tế bào thần kinh phản chiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến việc học của bộ não. Nó giải thích cho việc tại sao trong lớp thường có một số người là học trò cưng của giáo viên. Bởi vì đa số các lớp học được dạy bởi những người thuận não trái, họ thường thiên vị cho những người có sự thông minh giống họ. Mặt khác, những giáo viên này thường không thích học sinh có năng lực về nghệ thuật, âm nhạc, sáng tạo và không dễ dàng bị đe dọa. Khi đến lúc vào đại học, hầu hết những học sinh không giỏi về ngôn ngữ và tính, toán thất bại. Họ được xếp loại kém cho nên bị loại. Đáng buồn là,những người bị loại thường thôi học và cảm thấy mình yếu kém. Hãy hình dung điều đó xảy ra với bạn lúc còn rất trẻ. Việc xếp loại như thế sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quãng đời còn lại của bạn?

Trong một thí nghiệm tiến hành bởi Giáo sư Robert Rosenthal của Đại học Harvard và Lenore Jacobson vào năm 1966, giáo viên đánh giá một số học sinh trong lớp thông minh đặc biệt mặc dù không phải như thế. Trong hầu hết trường hợp, những học sinh đó nhận được điểm cực kỳ cao. Nói cách khác, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng chính cảm nhận của giáo viên về sự thông minh của học sinh có tác động nhiều nhất đến việc học của chúng. Trong đầu tư, như thế được gọi là không khách quan còn trong quan hệ chủng tộc, người ta gọi ta gọi chúng là thành kiến. Đây là ví dụ cho tác động của tế bào thần kinh phản chiếu.

Nói đơn giản, tế bào thần kinh phản chiếu có nghĩa là não chúng ta như một máy thu phát vô tuyến. Mặc dù chúng ta không trực tiếp nói chuyện nhưng não của chúng ta đang trao đổi thông tin ở một tần sóng cao. Ví dụ như khi chúng ta bước vào một căn phòng, đa số chúng ta có thể cảm nhận ngay lập tức rằng ai thích chúng ta, ai không mặc dù không ai nói gì cả. Đây là cái tệ nhất! Tôi học được rằng nếu tôi không nghĩ tốt về bản thân, những người xung quanh cũng không nghĩ tốt về tôi. Trong nhiều trường hợp, người khác chỉ truyền lại những gì tôi đã phát đi. Nói cách khác, nếu tôi nghĩ mình là một kẻ thua cuộc, người khác cũng sẽ nghĩ như vậy.

Tuy nhiên bạn và tôi có thể thay đổi nhận thức của họ về chúng ta bằng cách thay đổi nhận thức của chính chúng ta về bản thân. Điều này có thể làm được bằng cách điều chỉnh tế bào thần kinh của chúng ta. Nó không dễ dàng nhưng có thể làm được. Chẳng hạn như nếu tôi không thay đổi nhận thức về bản thân, tôi đã không thể gặp và cưới một người phụ nữ xinh đẹp như Kim, một người như Donald Trump sẽ không là bạn của tôi và tôi sẽ không thành công về tài chính như ngày hôm nay. Nếu tôi không có ý thức thay đổi nhận thức của mình, có thể bây giờ tôi vẫn còn là một chàng béo, nhút nhát, nghèo nói tiếng Anh bồi.

Mặc dù tốt nghiệp từ một trường cũng rất tốt, tôi không cảm thấy mình thông minh. Tôi tốt nghiệp rồi mà vẫn còn cảm thấy có những người mà tôi sẽ chẳng bao giờ thông minh như họ. Tôi luôn cảm thấy mình chỉ trung bình. Khi đi phỏng vấn xin việc, câu hỏi đầu tiên được hỏi là tôi học trường nào và tôi có bằng cao học hay không. Nếu có bằng cao học, có nhiều khả năng là tôi sẽ được tuyển hơn. Dù đã đi làm rồi, tôi vẫn ở trong một môi trường giống ở lớp học, nơi thống trị bởi những người thuận não trái. Năm 1974, khi đang làm cho Xerox và hứa hẹn với công ty là tôi sẽ lấy được bằng MBA, tôi bắt đầu nghiên cứu về bộ não và các cách thức khác nhau để học và dạy học. Tôi muốn tìm ra một cách để thành công riêng cho mình, chứ không phải theo cách của người khác.

Lớn lên trong một gia đình nhà giáo, tôi nhận ra rằng họ đo lường sự thành công bằng ngôi trường mà bạn theo học và bao nhiêu bằng cấp cao mà bạn đạt được. Trong các công ty lớn, cũng khá tương tự như vậy. Đa số công ty lớn đều thích sự danh giá của những bằng cấp cao từ những ngôi trường nổi tiếng. Nói cách khác, sinh viên tốt nghiệp từ các trường thuộc nhóm Ivy League[7] thì giỏi hơn sinh viên các trường đại học của tiểu bang, những người vẫn giỏi hơn sinh viên các trường cao đẳng cộng đồng. Ở các công ty lớn, ngối trường mà bạn theo học giúp bạn có được công việc, chức danh và mức lương tốt hơn. Đó là thước đo sự thành công.

Gần với người cha giàu, tôi nhận ra thước đo sự thành công của ông ấy là số tiền mà bạn kiếm được, những người mà bạn giao du, sự tự do về giờ giấc làm việc và số công ăn việc làm mà bạn tạo ra. Tôi hiểu rằng mình nên chọn một thước đo sự thành công cho cuộc đời mình. Bởi vì tôi không nghĩ là tôi có thể thành công theo con đường trường học và công ty lớn của người cha nghèo, tôi đã quyết định là tôi sẽ có nhiều khả năng thành công theo con đường của người cha giàu. Đó là khi mà sự giáo dục thực sự dành cho tôi bắt đầu.

Tôi quyết định đi theo con đường của người cha giàu là trở thành một doanh nhân và một nhà đầu tư bất động sản. Tôi hiểu rằng tôi sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn trong những lĩnh vực đó bởi vì hầu hết sinh viên loại A đều trở thành người làm thuê, tìm kiếm những công việc trả lương cao và đầu tư vào những tài sản giấy như là cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ. Vì là sinh viên loại C, tôi nhận ra rằng mình cần phải sử dụng cả ba phần não bộ, chứ không chỉ là não trái, nếu muốn thành công.

Những câu hỏi bạn cần trả lời là:

• Bạn đo lường sự thành công như thế nào?

• Bạn có thể thành công nhất trong lĩnh vực nào?

• Bạn có quyết tâm thành công hay không?

• Các phần não bộ của bạn có làm việc hài hòa hay là chúng chống lại bạn?

HAI ĐIỂM BẤT LỢI
Qua nhiều năm, tôi phát hiện rằng chúng ta có hai điều bất lợi khi nói đến vấn đề tiền bạc. Đó là:

1. Trường học không dạy cho chúng ta nhiều về tiền bạc. Ngay cả một sinh viên loại A ra trường rồi nhưng hiểu biết cũng rất ít. Hơn thế nữa, khoa học về thần kinh phản chiếu mới phát hiện gần đây cho thấy hầu hết chúng ta học về tài chính từ những người cũng không thông minh, về tài chính. Đó là lý do tại sao nhiều người có những giấc mơ của người trung lưu: sống dưới khả năng, tiết kiệm và thoát nợ.

2. Trường học không giúp chúng ta củng cố vùng tiềm thức. Đúng ra nhà trường phải rèn luyện cho vùng tiềm thức của chúng ta, trên thực tế họ lại dựa vào sự sợ hãi để tạo động lực, đe dọa hơn là dạy bảo, bắt chước hơn là sáng tạo, trừng phạt hơn là khuyến khích phạm sai lầm, tìm kiếm sự an toàn hơn là suy nghĩ lớn, nói những điều chúng ta muốn nghe hơn là những điều chúng chúng ta cần phải nghe.

Vì hai lý do này, nhiều người mua trong khi họ nên bán, tiết kiệm khi nên chi tiêu, chỉ tiêu khi nên tiết kiệm, sợ hãi khi nên dũng cảm và dũng cảm khi nên sợ hãi.

Ví dụ cho những hành động vô thức, không có kiểm soát, bất hợp lý, dại dột về mặt tài chính như thế là:

1. Tất cả các quỹ định lượng bán ra cùng một lúc làm cho thị trường sụp đổ bởi vì họ cùng đầu tư vào một loại cổ phiếu. Họ bán ra trong lúc họ nên mua vào. Sự hoảng loạn bắt nguồn từ vùng tiềm thức. Hành động sao chép hoặc bắt chước là do lo sợ khi làm khác đi, vì thế họ làm một việc như nhau thay vì sáng tạo và mạo hiểm suy nghĩ khác biệt.

2. Khi chúng ta được tăng lương và có được một ít tiền, chúng ta thường tiêu xài hết bởi vì chúng ta cảm thấy vui vẻ, thay vì thanh toán hết những khoản nợ xấu. Tôi có biết một quý ông được thừa kế gần nửa triệu đôla từ bố mẹ của mình. Ngay lập tức, ông ta mua trả chậm một căn nhà lớn và hai chiếc xe mới. Thay vì thoát khỏi nợ xấu, sự hoan hỉ khiến ông ta mắc nợ nhiều thêm. Hiện nay thì anh ta đã hết tiền và đang cố gắng giữ lại căn nhà.

3. Khi nền kinh tế suy thoái, “Bộ phận Duy trì Doanh số của nhiều công ty nắm quyền chi phối. Khi doanh số giảm, hầu hết các doanh nghiệp cắt giảm chi phí quảng cáo, khuyến mãi và số lượng nhân viên kinh doanh. Thay vì tiết kiệm, họ nên chi tiêu. Trong một nền kinh tế đang gặp khó khăn, các doanh nghiệp nên chi tiêu cho quảng cáo và khuyến mãi, tuyển thêm nhiều nhân viên kinh doanh, đưa ra nhiều ưu đãi cho họ hơn và phải sáng tạo hơn. Nói cách khác, não phải cần hoạt động nhiều hơn và nên thông tin cho khách hàng nhiều hơn. Thay vì là Bộ phận Tìm kiếm Doanh số, Bộ phận Duy trì Doanh số lên nắm quyền chi phối. Bộ phận Duy trì Doanh số của đa số công ty là những người thuận não trái như là kế toán, luật sư và những người làm công ăn lương khác, chủ yếu là những người có não trái phát triển nhưng có vùng tiềm thức luôn cảm thấy sợ hãi. Khi Bộ phận Duy trì Doanh số nắm quyền kiểm soát, nhiều nhân viên mất việc làm. Theo ý kiến của tôi, trong những lúc khó khăn thì chính Bộ phận Duy trì Doanh số mới nên cắt giảm nhân viên.

Vùng tiềm thức nghĩ rằng nó thông minh. Tuy nhiên, vùng tiềm thức có thể là người bạn tốt nhất hoặc là kẻ thù đáng sợ nhất của bạn. Chúng ta cần phải thông minh hơn để dừng lại và quyết định khách quan là ai đang nói chuyện với chúng ta… bạn hay kẻ thù. Khi nói đến. những vấn đề nhạy cảm như là tiện bạc, tình dục, tôn giáo và chính trị, cần phải có một trí tuệ phát triển cao để có thể vô tư, cởi mở, lắng nghe khách quan và suy nghĩ sáng suốt bằng cả não trái lẫn não phải, vấn đề với vùng tiềm thức là nó chỉ phản ứng lại, nó không thông minh và không thể đánh giá được mặt lợi và hại.
TRANH CÃI VỚI MỘT KẺ NGỐC
Không thể nói lý lẽ được với một người đang bị vùng tiềm thức chi phối bởi vì vùng tiềm thức không thể suy luận lôgíc được. Nó không thể suy nghĩ được mà đơn thuần chỉ phản ứng lại. Vấn đề ở chỗ là khi một người đang nói tiếng nói của vùng tiềm thức họ vẫn cứ nghĩ là mình đang suy luận rất lôgíc và thông minh. Ví dụ, khi tôi đề nghị các doanh nhân nên chi tiêu thay vì tiết kiệm khi kinh tế suy thoái, trong hầu hết trường hợp vùng tiềm thức chiếm ưu thế và bắt đầu chỉ ra cho họ những lý do hợp lý để cắt giảm chi tiêu, giảm bớt nhân viên và trở nên tiết kiệm. Đối với nhiều người, như vậy là hợp lý và thông minh. Suy nghĩ của họ đã được lập trình. Não họ không chịu tiếp thu những tư tưởng mới.

Nếu bạn càng cố chỉ ra vấn đề, não của họ càng trở nên phòng thủ. Rào bảo vệ xuất hiện và thay vì đầu hàng, họ muốn phản kháng. Họ muốn bảo vệ cho quyết định của mình và muốn mình đúng. Thay vì học hỏi, họ trở thành những kẻ ngốc. Nếu bạn còn tranh cãi với họ, sẽ chẳng mấy chốc xuất hiện hai kẻ ngốc: bạn và người bạn đang tranh cãi cùng.

Một trong những lý do những người nghèo vẫn còn nghèo là bởi vì vùng tiềm thức của họ đặc trưng cho người nghèo. Khi tôi nói chuyện với những người đang gặp khó khăn về tài chính, nhiều người thường bảo vệ cho lý do mà họ nghèo. Họ nói những điều đại loại như là, “Tôi thích hạnh phúc hơn là giàu có” hoặc “Muốn giàu có bạn phải trở thành một kẻ lừa đảo”. Nếu như bạn còn cố giải thích để mở mang đầu óc họ, vùng tiềm thức của họ sẽ càng trở nên khép kín, càng cho là mình đúng. Chẳng mấy chốc sẽ có hai kẻ ngốc đang tranh cãi một cách rất thân mật.

Điều tương tự đối với nhiều nhân viên và quản lý được trả lương cao, những người thích công việc hiện tại nhưng vẫn muốn làm một cái gì đó khác. Thay vì làm những điều họ muốn, vùng tiềm thức đưa ra những lý do hợp lý rằng tại sao họ không nên. Khi nói cho họ biết mức thuế cao phải đóng do được trả lương cao, họ có thể sẽ nói rằng, “À, bạn phải đóng thuế cơ mà.” Nếu chỉ cho họ biết những khoản đầu tư tốt, lợi nhuận cao và đóng ít thuế hơn, có thể họ sẽ nói rằng, “Làm như vậy rủi ro lắm.” Họ khép mình trước những cơ hội mới bởi vì sợ. Nếu mà bạn còn tranh luận với họ nữa thì, một lần nữa, sẽ có tới hai kẻ ngốc.
ĐỂ THAY ĐỔI CUỘC SỐNG… HÃY THAY ĐỔI MÔI TRƯỜNG
Trong lúc nghiên cứu về giáo dục và cách chúng ta học, tôi nhận thấy rõ rằng môi trường chính là người thầy tốt nhất. Đó là lý do tại sao những kết luận gần đây từ việc phát hiện ra tế bào thần kinh phản chiếu của các nhà khoa học lại quan trọng đến như vậy. Khoa học cuối cùng cũng đã khẳng định những điều chúng ta đã biết: để thay đổi cuộc sống, trước hết phải thay đổi cách tiếp cận.

Đa số chúng ta đều biết, nếu muốn giảm cân, chúng ta sẽ có nhiều khả năng thành công hơn nếu đi đến phòng tập thể dục hơn là đi đến nhà hàng. Nếu muốn học thì nên học ở trong một thư viện yên tĩnh hơn là trong lúc lái xe (tôi thấy nhiều người vẫn làm điều này). Nếu muốn thư giãn, chúng ta nên xin nghỉ phép để đi biển hoặc leo núi. Còn nếu muốn làm giàu, bạn cần phải tìm ra một môi trường tạo điều kiện cho bạn kiếm nhiều tiền hơn, một môi trường giúp phát triển được cả ba phần của não bộ. Mỉa mai thay, công sở và trường học không phải là môi trường như thế dành cho nhiều người.

SỨC MẠNH CỦA MÔI TRƯỜNG
Nếu muốn giàu có và thành công hơn, bạn nhất thiết cần phải tìm ra một môi trường cho phép cả ba phần não bộ phát triển và cả thời gian để chúng phát triển.

Mãi đến năm 1974 tôi mới nhận ra rằng mình sẽ chẳng bao giờ được tuyển để làm việc cho một sinh viên loại A. Ví dụ, bác sĩ hay luật sư sẽ không bao giờ thuê tôi bởi vì họ cần những người thông minh về học thuật và chuyên môn xung quanh mình. Bác sĩ sẽ không cần một y tá vụng về hay là luật sư sẽ không thích một trợ lý không có năng lực.

Bởi vì là một sinh viên loại C, tôi cần phải tìm cách để những sinh viên loại A làm việc cho mình. Đó là khi tôi quyết định sẽ trở thành một doanh nhân và nhà đầu tư bất động sản giống người cha giàu chứ không phải như người cha nghèo, một sinh viên loại A và một nhà giáo. Tôi quyết định như vậy là bởi vì tôi học chậm và biết rằng mình cần thời gian để phát triển. Tôi không tìm cách để làm giàu một cách nhanh chóng. Tôi tìm kiếm một môi trường phù hợp cho mình, nơi tôi có thể dành, nhiều thời gian để học từ từ.

Lý do quan trọng khác tôi muốn trở thành doanh nhân là bởi vì tôi có thể tập hợp quanh mình những con người thông minh. Tôi biết rằng mình không giỏi về ngôn ngữ cũng như toán học cho nên tôi cần những người này trong nhóm của tôi. Nói đến thể thao, tôi biết là mình sẽ chơi hay hơn ở những môn thể thao đồng đội như là bóng đá, bóng bầu dục hay chèo thuyền. Tôi không giỏi ở những môn thể thao cá nhân như gôn hoặc tennis. Nhận thức về bản thân như thế, sẽ hợp lý hơn nếu tôi tập hợp quanh mình những con người thông minh cũng thích làm việc nhóm giống tôi.

Khó khăn lắm tôi mới nhận ra rằng những người thông minh thường không làm việc nhóm tốt, đó là lý do tại sao họ xuất sắc ở trường khi chỉ làm bài kiểm tra một mình. Trong kinh doanh, tôi làm bài kiểm tra liên tục nhưng không phải làm một mình. Tôi có những ngựời thông minh, cùng tôi làm kiểm tra và giải quyết những rắc rối. Nói cách khác, tài năng của tôi có được từ việc làm việc nhóm. Đối với những người khác, như Tiger Woods chẳng hạn, tài năng đến từ chính bần thân họ. Vì vậy cho nên bạn cần phải hỏi bản thân xem mình giỏi làm việc đồng đội hay cá nhân.

LÀM THEO CÁCH CỦA MÌNH

Nói vậy không có nghĩa là tôi khuyên bạn nên trở thành một doanh nhân hoặc một nhà đầu tư bất động sản. Tôi sẽ không chỉ cho bạn phải làm cái gì. Cái tôi muốn nói là bạn nên cân nhắc xem môi trường nào giúp bạn tăng khả năng thành công về tài chính. Hãy tìm ra môi trường và con đường dẫn đến thành công riêng cho bạn. Ví dụ như nếu bạn muốn trở thành một vận động viên chơi gôn chuyên nghiệp, rõ ràng là bạn cần phải dành nhiều thời gian hơn ở các sân gôn mà bạn có thể học hỏi từ những gôn thủ xuất sắc nhất.

Lý dò mà sự phát hiện ra tế bào thần kinh phản chiếu lại có ý nghĩa đối với tôi là bởi vì từ năm 1974, hầu hết thời gian tôi làm việc chung với các doanh nhân và nhà đầu tư bất động sản. Tôi không ngừng tìm kiếm cơ hội để làm việc với những doanh nhân và nhà đầu tư bất động sản xuất sắc. Đó là lý do tại sao mà viết chung một cuốn sách với Donald Trump vào năm 2006 lại quan trọng đối với tôi như thế. Không chỉ là viết sách chung, đó còn là một cơ hội tuyệt vời để tôi có thể học hỏi một tài năng thông qua tế bào thần kinh phản chiếu. Làm việc chung với anh ấy đã nâng tầm hiểu biết của tôi về kinh doanh, cuộc sống và cả tiêu chuẩn sống lên một tầm cao mới… gần giồng như khi vượt cầu sang chơi nhà những người bạn giàu lúc chín tuổi.
TÌM RA MÔI TRƯỜNG CHO BẠN

Ngày nay, nhiều trường dạy về kinh doanh có mời tôi đến nói chuyện với những lớp đào tạo doanh nhân. Một câu hỏi phổ biến của sinh viên liên quan đến sự thông minh tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn là, “Làm sao tôi có thể kiếm được nhà đầu tư?” hoặc “Làm sao tôi có thể huy động vốn?” Tôi hiểu vấn đề của họ bởi vì đó cũng chính là câu hỏi ám ảnh tôi khi nghỉ việc tại Xerox để trở thành doanh nhân. Tôi không có tiền và chẳng ai muốn đầu tư với tôi. Những quỹ đầu tư mạo hiểm lớn không săn đón tôi.

Câu trả lời của tôi dành cho những sinh viên dó là: “Bạn phải làm điều đó thôi. Bạn làm điều đó bởi vì bạn phải làm điều đó. Nếu không, bạn không thể làm kinh doanh. Hiện nay, mặc dù đã có đủ tiền, tất cả việc tôi làm cũng chỉ là huy động vốn. Người bạn Donald Trump của tôi cũng thế. Công việc của anh ấy cũng là huy động vốn. Đó là công việc ưu tiên hàng đầu của một doanh nhân. Doanh nhân chúng tôi huy động vốn từ ba nhóm khác nhau: khách hàng, nhà đầu tư và nhân viên. Là doanh nhân bạn phải làm sao cho khách hàng chịu mua sản phẩm của bạn. Nếu bạn có thể làm cho khách hàng chịu chi tiền cho sản phẩm của bạn thi nhà đầu tư sẽ bỏ nhiều tiền hơn cho bạn. Nếu thuê nhân công, bạn phải làm sao cho họ tạo ra giá trị gấp mười lần số tiền bạn trả cho họ. Nếu không làm được điều đó, bạn sẽ không thể kinh doanh và lúc đó, bạn chẳng còn cần phải huy động vốn thêm nữa.”

Rõ ràng đây không phải là câu trả lời mà đa số các MBA tương lai chờ đợi. Họ muốn biết một cách thức đặc biệt, một bí quyết và một con đường nhanh nào đó để làm giàu. Nhiều giáo viên tỏ ra lúng túng bởi vì họ dạy về kinh doanh nhưng không phải là doanh nhân. Nhiều người vẫn cần một công việc lãnh lương ổn định và đợi chờ để được vào biên chế. Một lần nữa, do tác động của tế bào thần kinh phản chiếu đối với những ý kiến trái ngược khiến cho họ cảm thấy lúng túng. Nhiều trường dạy kinh doanh thích mời các CEO đến để nói chuyện cho những người làm công tương lai hơn là mời doanh nhân.
ĐÔI MẮT NÓI LÊN SỰ THẬT
Khi chia sẻ kinh nghiệm của tôi về cách huy động vốn, tôi quan sát mắt của các sinh viên. Trong khoảng 70 đến 90 phần trăm số đó, tôi thấy sự sợ hãi. Mắt của họ đờ đẫn và hơi thở của họ không sâu. Máu chạy từ não trái và não phải sang phần não nguyên thủy – vùng tiềm thức. Ngược lại, 10 phần trăm lớp học thì thích thú cười thầm. Họ biết là họ có thể thành công. Họ biết là họ có thể thắng những người bạn cùng lớp. Họ biết là họ có thể trở thành doanh nhân. Dù ở trong một môi trường sợ thất bại, cả ba phần não bộ của họ đấu tranh trong hòa bình.
PHÁT TRIỂN CẢ BA PHẦN NÃO BỘ
Đối với những ai đã chơi trò chơi CASHFLOW của tôi có thể biết được rằng để chiến thắng cần phải có nhiều kiến thức tài chính của não trái và sự sáng tạo của não phải. Bởi vì nó chỉ là một trò chơi với tiền giả, lo sợ thất bại hoặc mất tiền giảm đi đáng kể, khiến cho vùng tiềm thức trở nên trung tính. Một khi họ đã hiểu trò chơi, vùng tiềm thức chuyển từ trạng thái lo sợ thất bại sang háo hức chiến thắng. Việc học trở nên thú vị hơn. Cả ba phần của não bộ đều được phát triển. Và cơ hội mới sẽ mở ra cho một bộ não phát triển toàn diện.
THÁP HỌC
Năm 2005, Đại học bang Arizona có nghiên cứu về khả năng sử dụng trò chơi của tôi trong việc giảng dạy về kế toán và đầu tư cho sinh viên các trường kinh doanh. Kết quả rất tích cực và thuận lợi, khẳng định rằng sinh viên thực sự học nhanh và nhớ lâu hơn so với khi học theo những cách khác.

Cũng nhờ trường đại học này mà tôi biết đến Tháp học, như trong hình sau:

CÁCH TỐT THỨ HAI ĐỂ HỌC

Bạn có thể thấy từ sơ đồ, cách dở nhất để học là đọc và tiếp theo là nghe giảng… những cách phổ biến nhất dùng trong giảng dạy tại các trường học truyền thống. Ở trên đỉnh của Tháp học là làm thật. Khi tôi nói các sinh viên MBA hãy ra ngoài gặp gỡ và làm điều đó, nhiều người cảm thấy khiếp sợ. Rõ ràng là có một khoảng cách giữa đọc, nghe giảng và làm thực tế ngoài đời.

Nghiên cứu của Đại học bang Arizona chỉ ra rằng đứng sau làm thật là mô phỏng kinh nghiệm thực tế. Nghiên cứu đã xác nhận rằng trò chơi của chúng tôi là cách tốt thứ hai để học về quản lý tiền bạc, kế toán và đầu tư do kết hợp được suy luận lôgic của não trái với tư duy sáng tạo của não phải. Thay vì sợ hãi, quá trình học hỏi rất thú vị và kích thích sự tìm hiểu. Sinh viên cảm thấy tự tin hơn, cảm thấy háo hức muốn được học hỏi hơn và có thể ứng dụng nhiều hơn nữa những điều mà họ học được.

Phát hiện của trường đại học giống với kinh nghiệm của tôi từ quá trình kinh doanh giáo dục. Tôi phát hiện ra rằng nếu tập trung vào loại thông minh thứ tư của Howard Gardner sinh viên sẽ học được nhanh hơn, nhiều hơn, hào hứng hơn và nhớ được lâu hơn. Thay vì bằng bài giảng, chúng tôi cho chơi những trò chơi khác nhau để đề cập đến những bài học khác nhau. Tôi khuyên khích chơi trò chơi và phạm sai lầm và sau đó chúng tôi sẽ tóm tắt những điều học được sau trò chơi.

Việc học sẽ rất hiệu quả vì trò chơi cần đến cả ba phần của não bộ. Nhiều lúc, các học viên cảm thấy khó chịu, tức giận hoặc buồn bã. Họ không thích những sai lầm mắc phải. Một số còn đổ lỗi cho trò chơi và những người cùng tham gia. Quá trình học hỏi, ở trong lớp của tôi cũng như trong đời thực, sẽ luôn có những cảm xúc như thế. Nhiệm vụ của tôi là một giáo viên phải hướng dẫn cho những người tham gia không nên đổ lỗi và quá xúc động mà phải học những bài học mà trò chơi đem lại. Một khi học viên rút ra được bài học cho bản thân, một số người bật cười, nói rằng, “Tôi không nghĩ là mình sẽ lặp lại điều đó trong đời thực.” Một khi nhận thức được mối liên hệ giữa ứng xử trong trò chơi và trong đời thực, học viên có cơ hội để thay đổi nếu họ thực sự muốn. Cả ba phần của bộ não hoạt động đồng bộ tại thời điểm nhận thức đó và học viên sẽ sẵn sàng tiếp thu nhiều hơn để phát triển bản thân.

Gần đây xảy ra một câu chuyện rất thú vị tại câu lạc bộ thanh thiếu niên ở khu vực rất nghèo của Phoenix. Nhân viên từ công ty của tôi có thành lập một câu lạc bộ CASHFLOW ở đó. Một lần nữa, việc giáo dục tài chính thông qua trò chơi có tác động to lớn làm thay đổi cuộc sống của những người tham gia. Có một học viên đặc biệt được trường học đánh giá là có khả năng học hành hạn chế và bị xếp vào lớp dành cho những người học kém. Sau khi chơi trò chơi CASHFLOW một vài lần với bạn bè, chàng trai dần cải thiện được kỹ năng đọc và làm toán của mình. Hiện tại, anh ta đã được chuyển lại lớp – bình thường. Đây chính là sức mạnh của việc phối hợp hài hòa cả ba phần của não bộ trong một môi trường học tập hợp tác, đồng trang lứa.
THAY ĐỔI MÔI TRƯỜNG… THAY ĐỔI CUỘC SỐNG

Là người kinh doanh giáo dục, tôi nhận thấy rõ rằng môi trường chính là người thầy tốt nhất. Tôi biết là dù cho tôi có dạy gì đi nữa, nếu người học quay trở lại với môi trường cũ trước đây, hiệu quả của những gì tôi nói sẽ không còn. Hay nói cách khác, nếu họ quay lại với công việc mà ở đó sự sai lầm bị trừng phạt và sự sáng tạo bị hạn chế, những gì tôi nói sẽ có rất ít tác dụng. Môi trường cũ chiến thắng.

Có một câu ngạn ngữ nói rằng, “Nếu tôi biết tôi sẽ chết ở đâu… tôi sẽ không đi đến đó.” Hiện nay, có hàng triệu người sống trong môi trường không phải là tốt nhất cho sự học hỏi, giàu có và phát triển bản thân. Gia đình và công sở hiện tại không là môi trường làm tăng sự thông minh tài chính và sự giàu có của họ. Thay vì trở nên giàu có hơn, họ trở thành tù nhân của văn phòng làm việc và chính ngôi nhà của mình. Thay vì tìm kiếm sự thành công, đa số mọi người sống trong những môi trường khuyến khích sự an toàn và không mắc sai lầm, nhưng như Paul Tudor Jones đã từng nói: “Chúng ta học từ lỗi lầm chứ không phải từ thành công”.
PHÁT HIỆN TÀI NĂNG CỦA BẠN
Nếu muốn phát triển tài năng, chúng ta cần kiếm một môi trường hỗ trợ cho điều đó. Đối với Tiger Woods, môi trường của anh ta là sân gôn. Anh ta không thể thành công nếu làm một vận động viên đua ngựa. Donald Trump tìm thấy điểm mạnh của mình ở thị trường bất động sản New York đầy cạnh tranh. Môi trường đó thách thức anh ấy, dạy anh ấy rất nhiều và phát triển những kỹ năng của anh ấy.

Đó là một quá trình không hề dễ dàng. Bạn biết đó, Tiger Woods phải tập luyện rất cực khổ để trở thành một tài năng đánh gôn. Donald Trump cũng làm việc rất vất vả để trở thành một tài năng trong lĩnh vực phát triển bất động sản. Nếu bạn đã từng thấy những tòa nhà mà anh ấy cho xây ở Manhattan và trên khắp thế giới, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy được khả năng của anh ta. Oprah đã vượt qua trở ngại để thành công trong thế giới truyền hình khắc nghiệt.

Một trong những lý do mà nhiều người không chịu phát triển tài năng của mình chỉ đơn thuần là họ lười. Nhiều người chỉ muốn đi làm để lãnh lương. Họ cảm thấy đạt mức bình thường thì dễ dàng hơn là tập trung phát triển tài năng của họ.

Câu hỏi của tôi dành cho bạn là, “Bạn nghĩ tài năng của mình là gì và đâu là môi trường tốt nhất để bạn phát triển?” Một câu hỏi quan trọng khác là, “Bạn có đủ can đảm để thay đổi môi trường?” Hãy nghĩ đến tương lai… nếu câu trả lời của bạn là có.

Đối với nhiều người, câu trả lời cho những câu hỏi trên là “Tôi không biết,” hoặc đơn giản là “Không”. Đối với da số mọi người, cảm giác thoải mái còn quan trọng hơn việc tìm ra và phát triển tài năng của họ. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu chúng ta muốn bình bình, làm việc chăm chỉ, nhận lương hàng tháng, tiết kiệm, đầu tư vào quỹ hỗ tương, và sống dưới khả năng. Nếu bạn muốn thế, hãy tiếp tục làm những điều bạn đang làm.

Mỗi người trong chúng ta đều khác nhau. Chúng ta có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Đó là lý do tại sao tôi không khuyên mọi người làm như tôi. Trở thành một doanh nhân rất dễ nhưng là một doanh nhân giàu có thì không có dễ dàng như vậy. Thiếu gì những doanh nhân thường thường bậc trung. Đối với bất động sản cũng vậy. Đầy rẫy những nhà đầu tư bất động sản không kiếm được nhiều tiền.

Quan điểm của tôi là như thế này: tất cả chúng ta đều có tài năng riêng. Nếu muốn giàu có, thậm chí là siêu giàu, chúng ta cần phải kiếm một môi trường cho phép bản thân phát triển và sử dụng tài năng đó. Điều này không dễ dàng, nhưng nó có thể làm được nếu bạn chuyên tâm và có ý chí thành công. Trong đời thực, sự chuyên tâm và có ý chí còn quan trọng hơn là điểm số tốt.
NHỮNG MÔI TRƯỜNG GIÚP CHO VIỆC LÀM GIÀU CỦA BẠN

Nếu bạn muốn trở nên giàu có hơn, bạn cần phải liên tục cải thiện môi trường của mình. Đó là lý do tại sao tôi thường lắc đầu mỗi khi một chuyên gia nào đó khuyên rằng nên sống dưới khả năng. Bằng cách sống dưới khả năng, bạn chỉ làm cho môi trường của mình tệ hơn mà thôi. Khi còn nhỏ, mỗi lần vượt cầu qua nhà của những người bạn giàu, tôi luôn hình dung cảm giác sống trong tiêu chuẩn cao hơn ra sao… một tiêu chuẩn tôi muốn sống. Tôi luôn nghĩ cách làm sao để đạt được tiêu chuẩn sống như thế.

Điều này không có nghĩa là chạy ngay ra mua một căn nhà lớn, những chiếc xe hào nhoáng và quần áo mới để rồi phát sinh hàng đống nợ xấu. Cái tôi muốn nói là bạn nên có ý thức thách thức bản thân nâng cao tiêu chuẩn sống bằng sự thông minh tài chính.

Cách tốt nhất để nâng cao sự thông minh tài chính là trước hết tìm cho mình một môi trường mà tài năng của bạn có thể phát triển được. Điều đó có thể dễ dàng như việc đến thư viện và đọc một cuốn sách của một tác giả mà bạn muốn giống người đó hoặc xem những tạp chí có hình những ngôi nhà to và đẹp. Điều đầu tiên là bạn phải có ý thức kích thích các tế bào thần kinh phản chiếu những tiêu chuẩn sống và những người mà bạn mong muốn giống họ.
TÓM TẮT
Những người gặp khó khăn về tài chính là những người có xu hướng không phát triển sự thông minh của mình. Họ tìm những môi trường quen thuộc và những câu trả lời dễ dàng. Họ là những người dễ bị đe dọa, trả quá nhiều thuế, làm việc cật lực và sống dưới khả năng. Có thể họ thông minh, tốt, rất hàn lâm nhưng nếu cả ba phần của não bộ không phát triển đồng bộ, nhiều khả năng là họ vẫn sẽ còn gặp khó khăn.

Thành công đòi hỏi phần nào đó sự cứng cáp về thể chất lẫn tinh thần. Nếu bạn có thể dùng não trái để hiểu vấn đề, não phải để đưa ra những giải pháp sáng tạo, giữ cho vùng tiềm thức luôn phấn chấn chứ không phải sự hãi và hành động với tâm thế sẵn sàng chấp nhận thất bại và chịu học hỏi, bạn có thể làm được điều kỳ diệu. Bạn có thể phát triển được tài năng trong bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.