Dạy Con Làm Giàu – Tập 3

CHƯƠNG 8 Bài học đầu tư số 6



Làm giàu hoàn toàn tự động… nếu như bạn cố một kế hoạch tốt và cứ bám theo nó

Một người bạn của tôi – Tom – một tay môi giới cổ phiếu rất giỏi, thường nói: “Điều đáng buồn là hết chín trong mười nhà đầu tư thường không kiếm được tiền.” Tom giải thích tiếp là mặc dù chín trong số mười người này không kiếm được lời nhưng họ không bị lỗ.

Người bố giàu cũng nói điều tương tự đó với tôi: “Hầu hết mọi người tự cho mình là nhà đầu tư thường kiếm được lời trong ngày này rồi sau đó mất hết số lời kiếm được trong tuần sau. Cho nên họ không thực sự bị lỗ, nhưng có điều không kiếm được lời mà thôi. Thế nhưng những người ấy vẫn tự cho mình là nhà đầu tư.”

Cách đây vài năm, người bố giàu giải thích với tôi về hình ảnh đầu tư mà nhiều người cứ lầm tưởng như trong các bộ phim của Holywood. Một người bình thường tưởng tượng đầu tư là những gì mà các nhà môi giới cổ phiếu la hét các mệnh lệnh mua/bán trên sàn chứng khoán khi phiên giao dịch vừa mới mở, hoặc các nhà tài phiệt kiếm hàng triệu đô trong một mối làm ăn đơn giản, hoặc giá cổ phiếu sụt giá thê thảm và các nhà đầu tư nháo nhào tranh nhau chạy ra từ các cao ốc văn phòng. Đối với người bố giàu, tất cả những hình ảnh dó đều không phải là đầu tư.

Tôi nhớ đã xem một chương trình tivi phỏng vấn nhà đầu tư Warren Buffet. Trong một đoạn phỏng vấn, tôi nghe ông ta nói thế này: “Lý do duy nhất khiến tôi đi ra thị trường là muốn xem coi có ai đang làm một điều gì đó ngu ngốc hay không.” Buffet giải thích tiếp là ông không muốn xem các tay chuyên gia bình luận trên tivi, hay theo dõi giá cổ phiếu lên xuống trên thị trưỡng để có thể đưa ra lời tư vấn này nọ về đầu tư. Trong thực tế, chuyện đầu tư của ông hoàn toàn tránh xa những khuyến mãi ồn ào của giới môi giới cổ phiếu, cũng như những tin tức này nọ về ai đó đang kiếm hàng đống lời từ những bản tin được gọi là đầu tư.

ĐẦU TƯ KHÔNG PHẢI LÀ NHŨNG GÌ MÀ HẦU HẾT MỌI NGƯỜI ĐỀU LẦM TƯỞNG

Người bố giàu nói: “Nhiều người cho rằng đầu tư là một quá trình sôi động nhiều kịch tính. Họ cho rằng đầu tư là một sự rủi ro đi dôi với sự may mắn, hợp thời và có nhiều mách nước này nọ. Một số người nhận thấy mình chẳng biết tí gì về lĩnh vực đầụ tư kỳ bí đó, nên họ giao hết tiền bạc và lòng tín của mình cho một ai đó mà họ nghĩ là biết nhiều hơn họ. Nhiều người được gọi là nhà đầu tư thì lại muốn chứng tỏ mình biết nhiều hơn người khác, cho nên họ đầu tư với hy vọng chứng minh được là họ khôn ngoan hơn thị trường. Thế nhưng những gì mà họ cho là đầu tư, đối với ta lại không phải như vậy. Đối với ta, đầu tư chỉ là một kế hoạch, thường rất tẻ nhạt và đều đều đến phát chán, thậm chí gần như là một quy trình làm giàu hết sức máy móc.”

“Ý của bố là sao? Đầu tư chẳng lẽ chỉ là một kế hoạch, thường rất tẻ nhạt và đều đều đến phát chán, thậm chí gần như là một quy trình làm giàu hết sức máy móc ư?” tôi hỏi.

Ông đáp: “Đúng vậy. Đó chinh là những gì mà ta muốn nói. Đầu tư chỉ là một kế hoạch, được lập ra bằng công thức và chiến thuật, là một hệ thống để trở nên giàu có một cách gần như được bảo đảm.”

“Một kế hoạch bảo đảm cho bố làm giàu à?” tôi hỏi.

“Ta nói là gần như bảo đảm,” người bố giàu lặp lại. “Lúc nào cũng phải có yếu tố rủi ro chứ con.”

“Thế theo bố, đầu tư không cần phải rủi ro, nguy hiểm hay sôi động gì cả à?” tôi hỏi dè dặt.

“Đúng vậy,” ông đáp. “Dĩ nhiên trừ phi con không muốn đầu tư theo cách đó, hay như con cho rằng đầu tư cần phải như những điều con nói. Nhưng đối với ta, đầu tư thật đơn giản và nhàm chán, chẳng khác nào làm một ổ bánh mì theo một công thức hướng dẫn có sẵn. Riêng ta, ta không ưa rủi ro. Ta chỉ muốn giàu mà thôi. Cho nên ta chỉ việc tuân theo công thức đó. Đó chính là đầu tư đối với ta.”

“Thế nếu đầu tư chỉ đơn giản là tuân theo một công thức có sẵn, vậy tại sao không có nhiều người làm theo công thức đó?” tôi hỏi.

“Ta không biết,” ông đáp. “Ta đã thường tự hỏi mình câu hỏi đó. Ta cũng thắc mắc tại sao chỉ có 3 người trong 100 người ở Mỹ là giàu. Ta muốn giàu, nhưng ta không có tiền. Cho nên theo ta, chỉ việc tìm một kế hoạch hay một công thức làm giàu và thực hiện theo nó. Tại sao con lại tự mình cố gắng tìm ra một kế hoạch cho riêng mình trong khi người khác đi trước đã chỉ đường cho con?”

“Con không biết bố à,” tôi nói. “Con nghĩ có lẽ con không biết đó là công thức hướng dẫn.”

Ông tiếp tục: “Nhưng giỡ đăy, ta nhận ra tại sao hầu hết mọi người lại khó theo đuổi một kế hoạch.”

“Tại sao vậy bố?”, tôi nôn nóng hỏi.

“Bởi vì việc theo đuổi một kế hoạch làm giàu lại quá nhàm chán,” ông đáp. “Con người thường dễ nhàm chán, và luôn muốn tìm ra một thứ gì đó sôi động hơn và kích thích hơn. Khía cạnh tâm lý đó giải thích tại sao chỉ có ba người trong 100 người Mỹ trở nên giàu có. Mọi người thường bắt đầu tiến hành theo một kế hoạch, nhưng sau đó họ cảm thấy nhàm chán. Cho nên, họ thôi không theo kế hoạch đó mà đi tìm một bí quyết làm giàu nhanh khác. Họ cứ lặp đi lặp lại quá trình nhàm chán, sôi động, rồi nhàm chán trở lại đến hết cuộc đời của mình. Đó là lý do tại sao họ không làm giàu được. Họ không chịu nổi sự nhàm chán khi phải tuân theo một kế hoạch làm giàu đơn giản, chẳng phức tạp gì cả. Hầu hết mọi người cho rằng nếu một kế hoạch quá đơn giản, đó không phải là một kế hoạch tốt. Họ cũng cho rằng muốn làm giàu cần phải có một bí quyết đầu tư nào đó. Tin ta đi, khi đề cập đến đầu tư, sự đơn giản bao giờ cũng hiệu quả và thành công hơn sự phức tạp.”

“Thế bố tìm thấy công thức đó ở đâu?” tôi hỏi.

“Từ cờ Tỷ phú con ạ,” ông đáp. “Hầu hết chúng ta ai ai cũng chơi cờ Tỷ phú lúc nhỏ cả. Điều khác nhau là khi ta lớn lên, ta vẫn không ngừng chơi. Con có nhớ cách đây vài năm, ta dã chơi cờ Tỷ phú với con và Mike hàng giờ đồng hồ không?”

Tôi gật đầu.

“Và con có nhớ trò chơi đơn giản đó dã dạy cho con công thức làm giàu thế nào không?”

Tôi gật đầu.

“Vậy thì công thức và chiến thuật đơn giản đó là gì?” ông hỏi.

“Mua bốn căn nhà màu xanh, sau dó đổi lấy một tòa nhà màu đỏ,” tôi lặng lẽ đáp khi quay trở lại những kỷ niệm thời thơ ấu của mình. “Bố thường kể rằng khi bố còn nghèo, bố đã áp dụng cách chơi cờ trong cuộc đời thực của mình.”

“Ta đã chơi như thế con ạ,” ông đáp. “Và con có nhớ ta đã dẫn con đi xem những căn nhà màu xanh và những tòa nhà màu đỏ trong đời thực của ta không?”

“Con nhớ chứ,” tôi trả lời. “Con còn nhớ cảm giác ấn tượng của con khi đó. Lúc ấy con chỉ mới 12 tuổi, nhưng con biết trò chơi đó đối với bố có nhiều ý nghĩa quan trọng khác hơn chỉ là một trò chơi cho trẻ con. Chỉ có điều, con không nhận ra trò chơi đơn giản ấy lại có thể dạy cho bố một chiến thuật hay một công thức để làm giàu.”

“Một khi ta học được công thức ấy, quá trình tích lũy bốn căn nhà màu xanh sau đó đem đổi lấy một tòa nhà màu dỏ, lại trở nên hoàn toàn tự động. Ta có thể làm theo nó ngay trong giấc ngủ của mình. Ta đã làm theo một cách máy móc mà chẳng cần suy nghĩ gì cả. Ta chỉ việc bám theo kế hoạch ấy ròng rã trong mười năm, và đến một buổi sáng, thức dậy, ta nhận ra là mình đã trở nên giàu có.”

“Thế đó có phải là một phần trong kế hoạch của bố hay không?” tôi hỏi.

“Không phải đâu. Nhưng chiến thuật đó là một trong nhiều công thức đơn giản mà ta thực hành theo. Đối với ta, nếu công thức phức tạp thì không nên thực hành theo nó. Nếu như con không thể thực hiện một cách máy móc sau khi học được một công thức nào đó, con nên quên nó đi là vừa.”

MỘT CUỐN SÁCH TUYỆT VỜI CHO NHỮNG AI CÒN CHO RẰNG ĐẦU TƯ LÀ MỘT VIỆC KHÓ KHĂN

Trong các lớp đầu tư của tôi lúc nào cũng có người tỏ ý hoài nghi với quan điểm đầu tư chỉ là một quy trình tuân theo một kế hoạch, đơn giản đến mức nhàm chán. Loại người này luôn muốn có nhiều sự kiện hơn, hay nhiều dữ liệu hơn để chứng minh quan điểm đó. Vì tôi không phải là một chuyên viên tài chính theo trường phái kỹ thuật, tôi không có những căn cứ ‘học giả’ để đáp ứng những yêu cầu đó của họ. Cho tới khi tôi đọc được một quyển sách tuyệt vời về đầu tư.

James p. O’Shaughnessy đã viết một cuốn sách hoàn hảo dành riêng cho những người quan niệm đầu tư cần phải có rủi ro, phức tạp và nguy hiểm, cũng như cho những người luôn cho rằng mình có thể khôn ngoan hơn thị trường. Quyển sách chứa đầy các dữ liệu ‘học giả’, bằng số liệu hẳn hoi để chứng minh một hệ thống đầu tư thụ động hoặc máy móc, trong hầu hết các trường hợp, đều đánh bại hệ thống đầu tư của con người, kể cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp như các vị quản lý quỹ đầu tư. Trong cuốn sách ấy, tác giả cũng giải thích lý do tại sao hết chín người trong mười người đầu tư đều không kiếm ra tiền.

Quyển sách bán chạy nhất của O’Shaughnessy có tựa đề là Những gì đang vận hành ở phố Wall: hướng dẫn các chiến lược đầu tư hiệu quả nhất của mọi thời đại. Tác giả đã phân biệt hai phương pháp quyết định đầu tư cơ bản như sau:

1. Phương pháp trực giác – dựa trên kinh nghiệm, kiến thức và sự hợp lý.

2. Phương pháp định lượng – chủ yếu dựa trên các mối quan hệ đã được chứng minh từ các cơ sở dữ liệu.

Tác giả nhận thấy hầu hết các nhà đầu tư đều ưa dùng phương pháp trực giác hơn. Trong hầu hết các trường hợp, một nhà đầu tư sử dụng phương pháp này khi quyết định đầu tư đều gặp sai lầm và bị phương pháp gần như máy móc kia đánh bại. O’Shaughnessy đã trích dẫn một câu nói của David Faust, tác giả quyển sách Những hạn chế của cách lập luận khoa học: “Sự đánh giá của con người còn bị hạn chế hơn mức chúng ta tưởng.”

O’Shaughnessy còn viết như sau: “Tất cả những người ấy (các nhà quản lý tài chính) đều cho rằng họ có một sự hiểu biết siêu việt, thông minh và có khả năng chọn ra những cổ phiếu sinh lời. Thế nhưng hết 80% những người ấy đều bị chỉ số S&P
6 500 thường xuyên đánh bại.” Nói cách khác, một phương pháp chọn cổ phiếu thuần máy móc đều đánh bại 80% các nhà đầu tư chọn cổ phiếu chuyên nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa là cho dù bạn không biết tí gì về chọn lựa cổ phiếu, bạn vẫn có thể đánh bại hầu hết những chuyên viên tài chính học cao hiểu rộng đó nếu như bạn đi theo phương pháp định lượng hoàn toàn máy móc ấy. Thực trạng đó đã phản ánh chính xác những gì người bố giàu nói: “Làm giàu là một quá trình hoàn toàn tự động.” Hoặc nếu diễn dịch theo cách khác: Bạn càng suy nghĩ ít, thì bạn càng làm ra nhiều tiền với mức độ rủi ro thấp hơn, lo lắng ít hơn.

Trong quyển sách của O’Shaughnessy còn nêu ra những quan điểm thú vị khác như sau:

1. Hầu hết các nhà đầu tư lại chuộng kinh nghiệm cá nhân hơn những bằng chứng số liệu cơ bản đơn giản. Một lần nữa, những người ấy thích dùng phương pháp trực giác hơn.

2. Hầu hết các nhà đầu tư thích những công thức phức tạp hơn những công thức đơn giản. Dường như đối với họ, nếu một công thức không phức tạp và dễ hiểu, đó không phải là một công thức tốt.

3. Giữ mọi thứ đơn giản là quy tắc đầu tư hữu hiệu nhất. Tác giả nhận xét rằng thay vì giữ mọi thứ đơn giản, “chúng ta lại làm mọi thứ rối tung, phức tạp cả lên, rồi chạy theo đám đông, sa đà đam mê một cổ phiếu nào đó, để cho cảm xúc quyết định chuyện đầu tư của mình, mua bán theo cảm tính hay theo lời đồn, và đánh giá một khoản đầu tư trên cơ sở riêng rẽ mà không hề có một chiến lược nhất quán xuyên suốt nào cả.”

4. Ông cũng nhận xét các công ty đầu tư chuyên nghiệp cũng có khuynh hướng phạm các sai lầm như một người đầu tư trung bình. Ông viết: “Các công ty đầu tư chuyên nghiệp nói rằng họ quyết định một cách khách quan và duy lý, nhưng thực tế thì không.” Còn đây là một trích dẫn từ quyển Sự giàu có và sự điên rồ: ‘Trong khi các hồ sơ, báo cáo phân tích chi tiết chất đông trong các công ty đầu tư chuyên nghiệp, đa số thành viên trong hội đồng quản trị lại đi chọn những vị quản lý từ bên ngoài dựa trên tính cả gan của những vị đó, và tệ hơn là cứ giữ lại những vị hoạt động kém cỏi ấy chỉ vì những vị ấy có quan hệ tốt với hội đồng quản trị.”

5. “Con đường đi đến sự thành công trong lĩnh vực đầu tư chính là học hỏi, nghiên cứu những kết quả dài hạn, đồng thời tìm kiếm một hay nhiều chiến thuật có ý nghĩa thực sự.” Tác giả viết tiếp: “Chúng ta phải xem xét các chiến thuật ấy hoạt động như thế nào, chứ không phải cổ phiếu.”

6. Lịch sử luôn lặp lại quá khứ. Vậy mà vẫn có nhiều người cứ tin rằng lần này mọi chuyện sẽ khác. Ông viết: “Nhiều người muốn tin rằng hiện tại và quá khứ khác nhau. Các thị trường hiện nay đã được vi tính hóa, các tập đoàn mua bán sỉ chiếm lĩnh thị trường, không còn sự tồn tại các nhà đầu tư cá nhân riêng rẽ, và các chuyên viên tài chính quản lý tiền đầu tư trong những quỹ hỗ tương khổng lồ. Nhiều người cho rằng những vị quản lý tiền bạc đó có cách quyết định khác hẳn, và tín rằng những chiến thuật hoàn thiện có hiệu quả từ những năm 50 hay 60 chẳng có giá trị gì trong bối cảnh tương lai.”

Thế nhưng chẳng có gì thay đổi nhiều kể từ lúc ngài Isaac Newton, một người thực sự tài giỏi, đánh mất toàn bộ gia tài của mình trong sự kiện công ty thương mại South Sea bị phá sản vào năm 1720. Newton đã than vãn rằng ông có thể “tính toán, đo đạc cảm xúc của các thiên thần nhưng lại đành bó tay trước sự điên rồ của con người.”

7. O’Shaughnessy không nhất thiết cho rằng nên đầu tư vào các cổ phiếu chỉ số S&P 500. Ông chỉ đơn giản dùng thí dụ ấy để so sánh phương pháp đầu tư trực giác của các nhà đầu tư và phương pháp tính toán máy móc. Ông giải thích tiếp cách đầu tư vào các cổ phiếu S&P 500 không nhất thiết phải là môt công thức hiệu quả nhất mặc dù đó là một chiến thuật tốt. Ông giải thích trong vòng từ 5 đến 10 năm vừa qua, các cổ phiếu của các tập đoàn lớn hoạt động có hiệu quả nhất. Thế nhưng, nếu dựa vào cơ sở dữ liệu của 46 năm qua, chính cổ phiếu của những công ty nhỏ có tổng vốn dưới 25 triệu đô mới giúp cho nhà đầu tư kiếm được nhiều tiền nhất.

Bài học rút ra là một khi bạn có dữ liệu trong khoảng thời gian dài chừng nào, thì sự đánh giá của bạn càng có lợi cho bạn chừng nấy. Tác giả đã tìm kiếm một công thức hiệu quả nhất trong một khoảng thời gian lâu nhất.

Người bố giàu cũng có cùng quan điểm ấy. Chính vì vậy mà công thức của ông chính là xây dựng kinh doanh và dùng công việc kinh doanh ấy tích lũy bất động sản và các tài sản tiền tệ cho mình. Công thức đó chính là công thức làm giàu đã tồn tại hiệu quả ít nhất trong 200 năm qua. Người bố giàu nói: “Công thức ta đang dùng, và công thức mà ta sẽ dạy cho con chính là công thức đã giúp sản sinh ra những nhân vật giàu có nhất của mọi thời đại.”

Nhiều người cho rằng khi những người da đỏ bán lại đảo Manhattan (hiện là thành phố New York) cho Peter Minuit thuộc công ty Hà Lan West India với giá 24 đô bằng chuỗi hạt và nữ trang rẻ tiền, mối giao dịch ấy thật rẻ mạt. Thế nhưng nếu những người da đỏ đó biết đầu tư 24 đô ở mức lãi suất 8%/năm, khoản tiền ấy ngày nay sẽ trị giá 27 triệu tỷ đô. Với số tiền khổng lồ ấy, họ dư sức mua lại đảo Manhattan mà vẫn còn dư cả khối tiền. Vấn đề không phải nằm ở số tiền bán được là bao nhiêu, mà chính là họ không có kế hoạch đầu tư số tiền đó của họ.

8. “Có một sự khác biệt to lớn giữa những gì chúng ta cho rằng có thể hoạt động sinh lời và những gì thực sự xảy ra.”

HÃY TÌM MỘT CÔNG THỨC CÓ HIỆU QUẢ VÀ BÁM THEO NÓ

Như vậy, thông điệp đơn giản của người bố giàu đối với tôi cách đây nhiều năm chính là: “Hãy tìm một công thức có thể làm cho con giàu có và bám theo nó.” Tôi thường bực mình khi có nhiều người cứ tìm đến tôi và kể cho tôi nghe họ đã kiếm được lời khi mua một cổ phiếu ở giá 5 đô và bán chúng ở giá 30 đô. Tôi bực mình vì những câu chuyện đại loại như vậy hoàn toàn không dây mơ rễ má gì với kế hoạch và sự thành công thực sự của họ.

Những câu chuyện làm giàu chụp giựt như thế làm cho tôi nhớ lại một câu chuyện mà người bố giàu đã kể cho tôi nghe trước đây. “Nhiều người đầu tư chẳng khác gì một gia đình lái xe về vùng quê nghỉ mát. Bất thình lình dọc đường xuất hiện nhiều chú nai to lớn với những cặp sừng đồ sộ. Người lái xe, thường là chủ gia đình, la lên: ‘Nhìn những con nai kìa.’ Mấy con nai đánh hơi được nguy hiểm vội lao vụt đi và băng qua đồng ruộng. Người lái xe đó liền quẹo xe ra khỏi đường và rồ máy rượt theo mấy con nai qua đồng. Chiếc xe cứ dằn lên dằn xuống vì địa hình xấu. Cả gia đình hốt hoảng gào lên bắt anh ta dừng xe. Đột ngột chiếc xe trượt xuống một bờ suối và rơi xuống nước. Con đã hiểu ngụ ý câu chuyện rồi chứ? Đó chính là những gì sẽ xảy ra với con một khi con không theo kế hoạch đơn giản của con, mà lao vào cuộc trốn tìm với những con nai to lớn.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.