Dạy Con Làm Giàu – Tập 5
CHƯƠNG 10
Sức bật của việc nhìn thấy một tương lai giàu có
Khi tôi trình bày những số liệu sau cho một chiến lược kết thúc, nhiều người không thể tưởng tượng được một tương lai tự do tài chính với hơn 100.000$ một năm mà không phải làm việc gì cả.
Nghèo Dưới 25.000$ một năm
Trung lưu Từ 25.000$ đến 100.000$ một năm
Khá giả Từ 100.000$ đến 1 triệu đôla một năm
Giàu Hơn 1 triệu đôla một năm
Cực giàu Hơn 1 triệu đôla một tháng
Họ không thể tưởng tượng được có nhiều tiền như vậy là vì thực tế họ không hề nghĩ đến chuyện đó. Có thể nhiều người mơ đến số tiền đó và nói rằng một ngày nào đó họ sẽ làm được, nhưng thực tế thì hầu hết mọi người đều chỉ mơ ước mà thôi. Các con số thống kê đã cho thấy đó là sự thực.
TƯƠNG LAI BẮT ĐẦU TỪ NGÀY HÔM NAY
Nhiều người không xác định được mục tiêu tài chính của mình vì họ dùng những từ như “một ngày nào đó”, “có thể”, hay “trong tương lai”. Người bố giàu của tôi luôn nói rằng: “Tương lai của con được tạo ra bằng những việc con làm ngày hôm nay chứ không phải ngày mai”. Khi nhìn những số liệu trên, câu hỏi mà bạn tự hỏi mình sẽ là: “Liệu những điều tôi làm ngày hôm nay có đem đến cho tôi một mục tiêu tài chính như vậy vào ngày mai hay không?”
Một thực tế đáng buồn là 99% dân số Mỹ sẽ kết thúc ở dưới mức 100.000$. Hầu hết mọi người đều đi theo bước chân của bố mẹ mình. Nói cách khác, họ làm cùng một việc và chấm dứt ở cùng một chỗ.
Nếu bạn đã xem cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 3, hẳn bạn còn nhớ người bố giàu đã ngồi xuống bên cạnh tôi trước khi tôi rời hải quân và giúp tôi phát triển một kế hoạch. Và như cuốn sách đó đã nói: “Đầu tư là một kế hoạch chứ không phải là một sản phẩm, hay một quá trình nào”.
MỘT KẾ HOẠCH LÀ CẦU NỐI CHO GIẤC MƠ CỦA BẠN
Người bố giàu phác họa nên một con sông lớn và hình ảnh tôi đang đứng bên bờ sông. Ông nói: “Một kế hoạch là cầu nối cho giấc mơ của con biến thành hiện thực. Nếu con chỉ đứng bên bờ sông này để mơ đến bờ bên kia thì giấc mơ của con mãi mãi chỉ là một giấc mơ. Trước tiên hãy làm cho kế hoạch của con trở thành sự thật, khi đó giấc mơ của con cũng sẽ trở thành sự thật”.
Từ năm 1985 đến 1994, tôi và Kim đã bắt tay vào làm cho kế hoạch của chúng tôi trở thành sự thật thay vì tiếp tục ngồi mơ mộng. Chúng tôi luyện tập mỗi ngày, chuẩn bị cho đến khi cánh cửa cơ hội mở ra. Khi nó đã mở ra, chúng tôi chớp lấy và sau đó thì cánh cửa đóng lại.
Người bố giàu đã nói: “Tương lai của con được tạo ra bằng những việc con làm ngày hôm nay chứ không phải ngày mai”. Nói cách khác, những gì bạn đang làm ngày hôm nay chính là tương lai của bạn. Tôi và Kim không đi kiếm việc làm dù gần như đã hết sạch tiền là do chúng tôi không hề có dự định làm một nhân viên trong tương lai. Thay vì thế, chúng tôi dành thời gian vào các buổi hội thảo và dù hết tiền nhưng mỗi ngày chúng tôi đều luyện tập xây dựng doanh nghiệp và đầu tư vào bất động sản. Ngày hôm nay chúng tôi đang làm những gì chúng tôi dự định sẽ làm trong tương lai. Ngày hôm nay chúng tôi xây dựng doanh nghiệp và đầu tư vào bất động sản. Ngày mai chúng tôi cũng sẽ tiếp tục xây dựng doanh nghiệp và đầu tư vào bất động sản. Tôi không lên kế hoạch để làm như người bố nghèo đã làm sau khi về hưu, tìm một công việc để phụ thêm vào số thu nhập ít ỏi nhờ bảo hiểm xã hội. Bố tôi bắt đầu cuộc đời bằng cách tìm kiếm một công việc và kết thúc cuộc đời mình cũng vẫn bằng cách tìm kiếm một công việc. Vào năm 2020, hàng triệu người ở thế hệ tôi sẽ cùng làm một việc như người bố nghèo đã làm – tìm một công việc để phụ thêm cho số thu nhập bảo hiểm xã hội ít ỏi. Ngày mai họ cũng sẽ làm cùng một việc mà họ đang làm ngày hôm nay.
SỰ THAY ĐỔI NHẬN THỨC
Có một câu nói mà hầu như mỗi ngày người bố nghèo đều nhắc đi nhắc lại: “Tôi sẽ đầu tư khi nào tôi có tiền”. Ông còn thường nói: “Tôi không mua nổi”. Khi bị buộc phải tỏ thái độ, ông bảo: “Thôi, hôm nay tôi không có thời gian đâu, để ngày mai sẽ nói vậy”. Đó là nhận thức mỗi ngày của người bố nghèo và đó cũng là nhận thức của ông mãi đến lúc cuối đời. Theo tôi, lý do chính mà ông nghèo khó là do ông mang nhận thức của một người nghèo, ngay cả khi làm ra nhiều tiền ông vẫn không sẵn lòng thay đổi nhận thức của mình.
Như tôi đã nói, cách duy nhất để làm giàu là không ngừng thay đổi và cải thiện nhận thức của bạn. Rõ ràng là với nhiều người, việc thay đổi nhận thức, thay đổi những gì họ đang làm ngày hôm nay, là một điều cực kỳ khó khăn. Khi quay về Hawaii, tôi gặp lại rất nhiều bạn bè cũ đang đi theo con đường bố mẹ họ đã đi. Khi họ hỏi hiện nay tôi đang làm gì, tôi nói mình đang xây dựng doanh nghiệp và đầu tư bất động sản, nhiều người nói y như bố mẹ tôi đã nói: “Tôi không thể làm như thế được”, hay “Tôi cũng đang nghĩ đến chuyện đó. Có thể khi nào có tiền tôi cũng sẽ bắt đầu đầu tư”. Khi tôi bảo họ trước tiên hãy chuẩn bị và học cách đầu tư, họ thường nói: “Ôi trời anh có biết tôi bận rộn đến thế nào không? Tôi không có thời gian đi học nữa đâu. Đáng lẽ nhà nước cần có những khóa học đầu tư miễn phí, khi đó thì may ra tôi sẽ đi học vài lớp. Tại sao phải trả tiền để học cách đầu tư chứ? Dù sao thì đầu tư cũng rất mạo hiểm. Tôi thà cất tiền trong ngân hàng còn hơn”. Người bố giàu thường nói: “Khi lắng nghe lời nói của một người, con sẽ thấy được tương lai của người đó”.
Nếu bạn muốn về hưu sớm trong sự giàu có, hãy bắt đầu bằng cách lắng nghe những lời nói của mình và nhìn vào tương lai của chính mình. Hãy tự hỏi: “Nếu tiếp tục nói chuyện và suy nghĩ như thế thì tôi sẽ kết thúc như thế nào? Như một người nghèo hay người trung lưu, như một người khá giả hay người giàu, hay như một người cực giàu?” Nếu bạn thật lòng muốn thay đổi, điều đầu tiên phải làm là thay đổi nhận thức của bạn qua việc thay đổi những kế hoạch, những ngôn từ và những hành động hàng ngày. Tương lai của bạn là những gì bạn đang làm ngày hôm nay, bất kể bạn đang mơ ước điều gì. Và như người bố giàu đã nói: “Rất khó mà gặp được chàng bạch mã hoàng tử hay nàng công chúa xinh đẹp của bạn nếu mỗi ngày bạn chỉ ngồi nhà xem tivi và ăn bánh snack”.
HÃY BẮT ĐẦU TƯƠNG LAI VÀO NGÀY HÔM NAY
Tại sao có quá nhiều người về hưu trong cảnh nghèo khó và già cỗi như vậy? Họ không thể ngưng những việc họ đang làm, dù những việc đó không có chút tương lai nào. Họ không thể thay đổi bối cảnh của mình, bối cảnh của một công việc ổn định, cần cù lao động và tiết kiệm tiền. Nhiều người vẫn còn mặc những bộ y phục của quá khứ và vẫn trung thành với những ý tưởng của bố mẹ họ ở thời đại Công nghiệp, và cứ như thế, họ không thể đồng bộ được với hiện tại và tương lai. Vấn đề không phải là tuổi tác mà là bối cảnh của một con người.
Vậy làm thế nào một người có thể bắt đầu một tương lai giàu có ngay từ hôm
nay? Điều đó bắt đầu từ trong trí não của bạn. Nó bắt đầu với những lời nói, những suy nghĩ và hành động mỗi ngày của bạn. Nó bắt đầu bằng việc tự nhận xét xem bạn thường sử dụng thời gian của mình ở đâu và với ai. Nó bắt đầu bằng việc hiểu rõ rằng bạn phải làm cho kế hoạch của mình trở thành sự thực để có thể xây dựng một chiếc cầu bắc qua dòng sông chảy xiết để đến với những giấc mơ của mình. Người bố giàu đã nói: “Những kẻ mơ mộng thì chỉ biết mơ mộng mà thôi, nhưng những người giàu thì biết lập kế hoạch và xây dựng cầu nối để đến với những giấc mơ của mình”. Hãy bắt đầu tương lai của bạn ngay hôm nay bằng cách lập nên một kế hoạch đi đến tương lai. Với nhiều người, một trong những bước đầu tiên của kế hoạch này là chấm dứt ngay những gì bạn không muốn làm vào ngày mai. Nếu bạn không muốn phải cần cù làm việc suốt đời vì nguồn thu nhập tiền lương, hãy tự hỏi xem làm thế nào để làm việc cho nguồn thu nhập thụ động và thu nhập đầu tư. Khi đã có được đôi chút ánh sáng của câu trả lời, hãy biến nó thành một phần kế hoạch của bạn. Có thể bạn sẽ phải nghiên cứu tìm tòi và đọc sách thêm, nghe băng nhiều hơn, tham dự các hội thảo chuyên đề, bắt đầu một doanh nghiệp nhỏ tại nhà và gặp gỡ những người bạn mới. Nói cách khác, những gì bạn mong ước cho ngày mai thì hãy làm ngay từ hôm nay.
BẠN NHÌN TƯƠNG LAI NHƯ THẾ NÀO?
Người ta thường hỏi tôi: “Làm sao tôi có thể thấy trước tương lai của mình được?” hay “Làm sao ngày mai tôi có thể có được một triệu đôla mỗi năm trong khi hôm nay tôi còn chưa có được đến 50.000$ một năm?”
Đó là một câu hỏi tuyệt vời về vấn đề mở rộng nhận thức. Người bố giàu đã dạy tôi về vấn đề này nhiều năm trước đây. Ông viết những dòng chữ lớn lên tấm bảng:
“SỨC NHÌN là những gì con thấy qua đôi mắt.
TẦM NHÌN là những gì con thấy qua trí não của con”.
Khi tôi hỏi người bố giàu làm thế nào để mở rộng tầm nhìn, ông đáp: “Ngôn từ và chữ số”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học cách đọc các báo cáo tài chính vì bạn sẽ không thể nhìn thấy tương lai tài chính của bạn nếu không biết đọc các báo cáo này. Thực sự là nếu bạn không biết đọc báo cáo tài chính thì bạn không thể thấy được khả năng tài chính của bạn cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai nữa. Tôi đã tạo ra trò chơi Cashflow để hỗ trợ mọi người trong việc cải thiện tầm nhìn trí não của họ bằng cách dạy họ các con số và những ngôn từ của người giàu. Khi người ta hỏi tôi làm thế nào tôi có thể làm giàu nhanh chóng như vậy, tôi đáp: “Nhờ tôi chơi trò chơi này mỗi ngày”. Thực tế là bạn chơi trò chơi này càng nhiều, hướng dẫn cho
người khác càng nhiều thì tầm nhìn tương lai của bạn sẽ ngày càng tốt hơn. Người bố giàu luôn nói rằng: “Nếu con muốn có một hàm răng chắc khỏe trong tương lai thì phải đánh răng ngay từ hôm nay”.
NHỮNG TỪ NGỮ NHANH CHO NHỮNG KẾ HOẠCH CHỚP NHOÁNG
Nếu muốn có một kế hoạch chớp nhoáng, bạn cần học cách sử dụng những từ ngữ nhanh. Nhiều người không thể làm giàu nhanh được vì họ sử dụng những từ chậm thay cho những từ nhanh trong các kế hoạch của họ. Nếu muốn mở rộng tầm nhìn để làm giàu nhanh hơn, bạn cần phải biết sử dụng những từ nhanh.
Nếu muốn về hưu sớm trong sự giàu có, nếu muốn làm giàu nhanh chóng, bạn cần dùng những từ ngữ được cập nhật hơn, hiện đại hơn và nhanh chóng hơn thuộc lĩnh vực doanh nghiệp và đầu tư. Nếu không thì mọi chuyện cũng giống như một tiều phu chuyên nghiệp đã nói: “Có thể nếu dùng một cái cưa máy thì tôi sẽ đốn gỗ được nhiều hơn và kiếm được nhiều tiền hơn nhưng tôi chẳng quan tâm. Bố tôi đã cho tôi cái rìu này và tôi định sẽ sử dụng nó cho đến hết cuộc đời còn lại”. Ngày nay, nhiều người vẫn đang đi làm với cái rìu của bố mẹ họ để kiếm tiền và đầu tư tiền bạc.
BẠN CÓ ĐANG SỬ DỤNG CÁI RÌU CỦA BỐ MẸ BẠN KHÔNG?
Sau khi kể câu chuyện đốn gỗ bằng cái rìu thay vì dùng cưa máy, tôi hỏi mọi người xem họ có đang sử dụng cái rìu của bố mẹ họ hay không.
Sau vài phút bối rối và những cái nhìn lúng túng, đôi khi người ta hỏi tôi: “Ý anh muốn hỏi là tôi có quản lý tiền bạc như bố mẹ tôi hay không à?”
Câu trả lời của tôi là: “Đúng đấy. Tôi đang muốn hỏi điều đó. Ngày nay, nhiều người tuy không làm cùng nghề với bố mẹ họ nhưng lại quản lý tiền bạc, đầu tư và về hưu y như vậy. Khi đề cập đến chuyện tiền bạc, nhiều người vẫn còn đang sử dụng những cái rìu cũ kỹ”.
Tôi giải thích thêm: “Ngôn từ là một công cụ cũng như cái rìu cũng chỉ là một công cụ. Trong vấn đề tiền bạc, hàng triệu người đang sử dụng những công cụ ngôn từ chậm chạp và cũ kỹ như dùng một cái rìu để đốn gỗ”.
CÔNG CỤ TRÍ NÃO CỦA BẠN
Trong một lớp học mà tôi đã dạy, một phụ nữ thông minh hỏi tôi: “Có phải anh muốn nói rằng có những từ nhanh và những từ chậm trong thế giới tiền bạc?”
Tôi trả lời: “Hoàn toàn chính xác. Nếu tiền bạc là một ý tưởng thì những ý tưởng này được cấu thành từ ngôn ngữ. Hầu hết mọi người sử dụng những từ chậm, điều đó dẫn họ đến việc có những ý tưởng chậm, như thế có nghĩa là họ kiếm được của cải một cách chậm chạp”.
“Ngôn từ là công cụ?” Người phụ nữ chậm rãi hỏi.
Tôi gật đầu: “Người bố giàu của tôi đã nói: Ngôn từ là công cụ trí não của bạn, nhiều người phải vất vả kiếm tiền vì họ đã để trí não của mình sử dụng những công cụ cũ kỹ, chậm chạp và lạc hậu. Nếu bạn muốn giàu có, trước tiên bạn phải cập nhật những công cụ của bạn”.
“Anh có thể cho tôi một ví dụ về những từ chậm chạp và cũ kỹ được không?”
“Dĩ nhiên”, tôi trả lời, “Hầu hết mọi người đều cho rằng tiết kiệm tiền là một việc làm khôn ngoan. Bằng cách này bạn có thể trở nên giàu có, nhưng bạn phải trả một cái giá, đó là thời gian, cuộc đời của bạn. Vì vậy, đối với tôi, “tiết kiệm” là một từ chậm. Người bố nghèo bảo tôi phải tiết kiệm tiền, nhưng người bố giàu thì không thế, ông dạy tôi cách làm thế nào để tăng vốn”.
Một học viên khác hỏi: “Nhưng nếu người ta không biết cách tăng vốn thì sao?”
“Thế thì tốt nhất là anh nên tiết kiệm tiền hay đầu tư trong một thời gian và học cách tăng vốn. Đó là một kỹ năng cần phải học chứ không phải tự nhiên mà có”.
“Nhưng hỏi tiền người khác thật không dễ chút nào… ”
“Lúc đầu thì đúng là như vậy, việc gì mới học thì lúc nào cũng khó. Cũng như học đi xe đạp vậy. Lúc đầu tôi rất căng thẳng và liên tục phạm sai lầm, đến giờ tôi cũng vẫn còn phạm sai lầm. Nhưng nhờ rút kinh nghiệm từ những sai lầm đó mà càng ngày tôi càng hiểu biết nhiều hơn và việc tăng vốn đối với tôi càng ngày càng dễ dàng hơn. Có những người càng lớn tuổi càng cố gắng vượt lên bằng cách làm việc chăm chỉ và tiết kiệm tiền. Đó là một kế hoạch cực kỳ chậm chạp với những công cụ cực kỳ cũ kỹ mà rất có thể họ đã thừa hưởng từ các bậc phụ huynh”.
“Vậy nghĩa là trong lúc tôi đang vất vả dành dụm từng 100$ mỗi tháng thì anh có thể tăng hàng triệu đôla một tháng?” Một học viên khác nói thêm. “Như thế nghĩa là ngôn từ là các công cụ, và có những từ nhanh và những từ chậm?”
Tôi gật đầu: “Ngôn từ là công cụ trí não của bạn”.
KẾ HOẠCH SỬ DỤNG NHỮNG TỪ NHANH
Nếu bạn đang định thiết lập một kế hoạch để về hưu sớm trong sự giàu có, bạn nên cập nhật lại vốn từ của mình, và nếu có thể thay đổi vốn từ vựng thì bạn sẽ có thể tăng tốc các ý tưởng. Ví dụ như:
Từ chậm Công việc có lương cao
Từ nhanh Cashflow
Người bố nghèo của tôi luôn khuyên rằng: “Hãy cố tìm một công việc lương cao”.
Người bố giàu thì khuyên tôi: “Con phải có được từ các tài sản”.
Tìm một công việc lương cao dường như là cách nhanh nhất để làm giàu vào lúc khởi đầu, nhưng trong hầu hết trường hợp, nó là một cách làm giàu hết sức chậm chạp vào những phút cuối. Hãy nhớ rằng vào lúc bắt đầu sự nghiệp, người bố nghèo kiếm tiền nhiều gấp mấy lần người bố giàu, nhưng vào phút cuối thì khoảng cách thu nhập của họ cách nhau xa lắc. Thực sự, rất ít người có thể trở nên giàu có nhờ một công việc nào đó, dù là một công việc lương cao. Dưới đây là một số lý do cho thấy vì sao lưu lượng tiền mặt từ các tài sản lại tốt hơn thu nhập từ các công việc.
Chúng ta hãy xem xét ba loại thu nhập:
Thu nhập tiền lương, trong hầu hết các trường hợp, là nguồn thu nhập có được nhờ sức lao động hay công việc của một người.
Thu nhập đầu tư, trong hầu hết các trường hợp, là nguồn thu nhập có được nhờ những tài sản trên giấy như chứng khoán, cổ phiếu và quỹ hỗ tương.
Thu nhập thụ động, trong hầu hết các trường hợp, là nguồn thu nhập có được nhờ bất động sản.
Và luôn luôn trước khi có một quyết định tài chính nào đó, hãy hỏi ý kiến một nhà tư vấn chuyên nghiệp về bất cứ điều gì liên quan đến thuế vụ. Một kế hoạch thuế hợp pháp đối với người này lại rất có thể là sự vi phạm luật thuế nghiêm trọng trong trường hợp của một người khác. Có một khác biệt trọng yếu về thuế giữa thu nhập tiền lương và thu nhập thụ động. Một người làm việc tích cực để kiếm thu nhập tiền lương sẽ phải làm việc ít nhất là gấp hai lần một người làm việc để kiếm thu nhập thụ động. Làm việc để kiếm thu nhập tiền lương cũng như đi tới 2 bước rồi đi lùi một bước vậy.
Chúng ta hãy xem xét những từ khác như:
Từ chậm Từ nhanh
Tiết kiệm tiền Làm ra tiền
Thay vì dồn sức vào việc tiết kiệm tiền, người bố giàu dành suốt đời để học cách làm ra tiền. Ông nói: “Nếu con biết làm thế nào để xây dựng doanh nghiệp và đầu tư tiền bạc, con có thể kiếm được nhiều tiền đến mức có khi nó sẽ gây rắc rối cho con. Khi con có quá nhiều tiền, con sẽ bị thừa tiền mặt trong ngân hàng chứ không chỉ là tiền tiết kiệm”.
Trong cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 3, tôi đã viết về hai dạng rắc rối do tiền bạc gây ra. Một là không có tiền và hai là có quá nhiều tiền. Hầu hết mọi người chỉ biết đến dạng rắc rối thứ nhất mà thôi. Những người này chắc chắn phải học cách tiết kiệm tiền. Còn kế hoạch tài chính của người bố giàu thì lại nhằm để có thật nhiều tiền, vấn đề là ông có quá nhiều tiền trong tài khoản tiết kiệm và ông thường phải tìm các nguồn đầu tư để có chỗ cho số tiền quá dư thừa này. Theo nhận thức của người bố giàu, thế giới có một lượng tiền rất phong phú. Còn theo nhận thức của người bố nghèo, tiền bạc quá khan hiếm và chính vì vậy nên ông phải vất vả suốt đời để cố gắng tiết kiệm tiền.
Có gì khác biệt giữa làm việc kiếm tiền và làm ra tiền? Khi còn nhỏ, tôi đã có lần cố làm ra tiền theo nghĩa đen, bằng cách nung chảy những ống kem đánh răng bằng chì và thử đúc chúng thành những đồng xu trong một cái khuôn thạch cao. Lúc đó người bố nghèo đã giải thích cho tôi làm ra tiền khác với làm tiền giả. Người bố nghèo không thể giải thích cho tôi hiểu rằng làm thế nào để có thể làm ra tiền, đơn giản vì ông chỉ biết làm việc kiếm tiền mà thôi. Trong thế giới tiền bạc, nhiều người giàu đã trở nên rất giàu chỉ vì họ biết cách làm ra tiền chứ không phải là làm việc kiếm tiền, ví dụ như Bill Gates chẳng hạn. Ông đã trở thành người giàu nhất thế giới bằng cách xây dựng một công ty và bán các cổ phiếu trong công ty đó.
Bán cổ phiếu trong công ty của bạn cũng là một cách làm ra tiền, về nguyên tắc, miễn là có một thị trường người mua và người bán sẵn sàng cho những sản phẩm của bạn thì nghĩa là bạn có khả năng làm ra tiền. Ví dụ như những cuốn sách của tôi cũng là một cách làm ra tiền. Chỉ cần có một thị trường sách thì những cuốn sách của tôi sẽ làm ra tiền cho tôi mà tôi không cần phải làm việc kiếm tiền. Nếu một bác sĩ phải làm việc để được trả lương thì người bác sĩ đó đang phải làm việc kiếm tiền. Nhưng nếu một bác sĩ nghiên cứu chế tạo các loại thuốc mới và bán cho các nhà thuốc thì những viên thuốc ấy chính là một cách giúp người bác sĩ làm ra tiền mà không phải làm việc kiếm tiền.
Tóm lại, trong hầu hết các trường hợp, làm việc kiếm tiền là rất chậm chạp còn tìm cách để làm ra tiền có thể nhanh hơn nhiều nếu bạn biết mình đang làm gì. Và như vậy, nếu bạn định làm việc kiếm tiền và tiết kiệm tiền thì nghĩa là bạn đang sử dụng cái rìu cùn nhụt chậm chạp của bố mẹ bạn.
Nhưng cũng còn những từ ngữ khác có thể làm giảm tốc độ tạo ra của cải hoặc gia tăng tốc độ làm ra tiền của bạn.
Từ chậm Tăng giá
Từ nhanh Giảm giá
Nếu bạn chưa hoàn toàn hiểu rõ những từ “tăng giá” và “giảm giá” thì cũng đừng quá lo lắng. Tôi cũng phải mất một thời gian mới hiểu hết ý nghĩa của chúng. Nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu, hãy nhờ một kế toán viên hay một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp giải thích những khái niệm này cho bạn. Sau đây sẽ là một ví dụ ngắn về việc bạn có thể áp dụng những thuật ngữ này cho kế hoạch tài chính của bạn như thế nào.
Một ngày nọ, một chương trình truyền hình kể về việc những học sinh trung học học cách đầu tư vào thị trường chứng khoán như thế nào. Một trong các học sinh được phỏng vấn cho biết: “Tôi đã kiếm được rất nhiều tiền nhờ mua cổ phiếu của công ty XYZ và sau đó thì giá cổ phiếu tăng vọt”. Nói cách khác, cậu ta đang đùa giỡn với thị trường, hy vọng là số tiền lời hay giá trị cổ phiếu mà cậu ta đã mua sẽ được nâng lên. Khi người ta bảo: “Ngôi nhà của tôi là một tài sản đầu tư tốt” nghĩa là họ đang hy vọng giá trị căn nhà của họ sẽ tăng lên.
Bạn bè tôi thường nói: “Tôi đã mua một khu đất trong khu sân gôn. Đó là một tài sản đầu tư tốt và tôi hy vọng giá khu đất sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm nữa”. Với họ, số lời này là một sự đầu tư tốt và chúng ta hãy hy vọng là họ có thể nhân đôi số tiền của mình trong vòng 5 năm nữa.
Người bố giàu dạy tôi và con trai ông những ngôn từ khác hẳn. Khi nhắc đến chuyện mua đầu tư, ông luôn nói rằng: “Con có thể thu được lợi nhuận khi mua chứ không phải khi bán”. Nói cách khác, ông không bao giờ hy vọng số tài sản đầu tư của mình sẽ tăng giá. Nếu có thì với ông, sự tăng giá trị chỉ là một số tiền thưởng thêm mà thôi. Người bố giàu đầu tư cho những lợi nhuận tức thời trên số đầu tư của ông hoặc cho lưu lượng tiền mặt. Ông cũng đầu tư cho một thứ mà ông gọi là “lưu lượng tiền mặt ảo” hay là sự giảm giá. Ví dụ như sự giảm giá của ngôi nhà mà tôi đã nhắc đến trong những chương trước. Ông yêu thích những lưu lượng tiền mặt hay sự giảm giá tức thời vì ông không muốn phải ngồi chờ cho đến khi số tài sản đầu tư của ông tăng giá thì mới làm ra tiền được. Ông nói: “Chờ đến khi chứng khoán hay bất động sản tăng giá là quá chậm và quá mạo hiểm”.
Vấn đề ở đây là nếu bạn ngồi chờ để có thể làm ra tiền vào một thời điểm nào
đó trong tương lai, kế hoạch của bạn sẽ là một kế hoạch rất chậm vì bạn sử dụng những ngôn từ chậm, điều đó sẽ dẫn đến những ý tưởng chậm. Hãy nhớ lại lời người bố giàu đã nói: “Con có thể thu được lợi nhuận khi mua chứ không phải là khi bán”. Tôi đã gặp rất nhiều người mua bất động sản và khi chúng bị giảm giá, họ bảo rằng: “Tôi sẽ chờ đến khi giá bất động sản tăng lên và tôi sẽ bán nó đi”.
Ở Australia, nhiều người mua bất động sản và ngày càng thua lỗ do giá bất động sản ngày càng giảm. Tuy nhiên, họ vẫn cho rằng đó là một món đầu tư tốt vì chính quyền cho phép họ tạm ngưng đóng thuế. Theo tôi nghĩ, đó là cách suy nghĩ của một người thất bại. Tôi thường hỏi họ: “Vậy tại sao anh không mua những thứ tài sản có thể giúp anh kiếm tiền mỗi tháng và được ngưng thuế mỗi tháng?” Câu trả lời mà tôi thường nhận được là: “Không, kế toán viên của tôi bảo hãy tìm mua một tài sản mà có thể mỗi tháng sẽ bị giảm giá trị một ít nhưng sẽ được ngừng đóng thuế”. Nói như thế nghĩa là bạn đang chọn chuyến tàu chậm chạp đầy rủi ro chứ không phải chuyến tàu tốc hành mang đến nhiều lợi nhuận.
Từ chậm Tránh rủi ro
Từ nhanh Kiểm soát rủi ro
Người bố nghèo nói: “Như thế là quá mạo hiểm”. “Hãy thận trọng”, hay “Tại sao lại phải liều lĩnh?” Càng tin vào những câu nói này thì ông càng mất kiểm soát trong lĩnh vực tài chính. Là một nhân viên quá thận trọng, ông mất kiểm soát những vấn đề thuế vụ. Khi cho rằng đầu tư là mạo hiểm và mình không quan tâm đến tiền bạc, ông càng mất kiểm soát hơn đối với những hiểu biết tài chính của mình. Cuối cùng thì dù đã về hưu nhưng ông phải trả thuế ngày càng nhiều và chỉ đầu tư vào những chỗ an toàn nhưng không dẫn đến đâu cả mà thôi.
Tôi có một người bà con công tác trong quân đội suốt 25 năm và về hưu với cấp hàm sĩ quan. Ngày nay, ông chỉ biết ngồi trước TV xem những chương trình truyền hình về tài chính và xem giá trị các cổ phiếu của mình đang ngày càng giảm dần. Càng ngày ông càng trở nên chán nản hơn, đơn giản chỉ vì không thể kiểm soát được giá trị vốn đầu tư của mình. Một ngày nọ, ông thấy vị chủ tịch của một trong các công ty mà ông mua một số lớn cổ phiếu bay trên chiếc máy bay phản lực cá nhân mới, tuyên bố rằng bộ phận của ông ta vừa được thưởng đến hàng triệu đôla. Dù người bà con của tôi cùng với những cổ đông khác có tức điên lên thì họ vẫn không thể làm gì được.
Trong cuốn sách “Dạy con làm giàu” – tập 3, tôi đã viết về 10 biện pháp kiểm soát đầu tư của người bố giàu. Những biện pháp này là cực kỳ quan trọng đối với những ai muốn kiểm soát được cuộc sống và tương lai tài chính của mình. Hiện nay,
điều tôi lo ngại là đến 90% dân số Mỹ và dân số các nước châu Âu khác đang khó mà kiểm soát được tương lai tài chính của họ. Số phần trăm này ở những nước đang phát triển thậm chí còn tệ hại hơn.
Người bố giàu bảo tôi phải lên kế hoạch để học cách kiểm soát tương lai tài chính của mình. Ông nói: “Để trở thành một hành khách trên chuyến tàu cao tốc đi đến sự giàu có, con cần phải có một kế hoạch làm thế nào để ngày càng kiểm soát tốt hơn vấn đề tài chính của mình. Trên tuyến đường tốc hành, chính sự kiểm soát là yếu tố quyết định chứ không phải là tiền bạc”. Nếu bạn muốn tìm hiểu về 10 cách kiểm soát này, hãy tìm đọc lại cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 3″.
Lời cuối cùng tôi muốn nói về vấn đề rủi ro và sự kiểm soát: Người bố giàu đã nói: “Một người càng tìm kiếm sự an toàn sẽ càng khó kiểm soát được cuộc sống của mình”. Ngày nay có hai thế giới đang phát triển. Một thế giới tôi gọi là Xã hội Trách nhiệm. Đó là những người tin rằng họ phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và chấp nhận những kết quả sau cùng mà cuộc sống của họ mang lại. Còn thế giới kia tôi gọi là một Xã hội Nạn nhân, gồm những người tin rằng những người khác, công ty hay chính phủ, sẽ phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của họ. Ở bất cứ nơi đâu, trong gia đình hay trong một công ty, cũng thường có cả hai loại xã hội này. Cả hai đều nhìn thế giới qua bối cảnh hay nhận thức của mình và cả hai đều cho rằng mình đúng.
Theo tôi, những nhân tố để phân loại hai xã hội này chính là quan điểm cốt lõi của họ về sự rủi ro và mạo hiểm. Nhóm Các nạn nhân có khuynh hướng để cho người khác kiểm soát cuộc sống của mình nhằm né tránh rủi ro. Sau đó thì họ lại nổi giận khi thấy có người lạm dụng sự kiểm soát ấy. Hay nói cách khác, nhóm nạn nhân kia là nạn nhân của chính mình.
Trong những năm tới sẽ còn có rất nhiều nạn nhân tài chính nữa, những người đã trao quyền kiểm soát cho các chuyên gia tài chính và bỏ tiền ra để ăn bả của họ. Nhiều nạn nhân trong tương lai hẳn sẽ rất tin vào câu thần chú: “Hãy đầu tư dài hạn và kiên nhẫn chờ đợi, thị trường đang tăng giá trong hơn 40 năm qua, hãy thận trọng”. Các nạn nhân này mua những lời khuyên đơn giản chỉ vì họ muốn tin vào những lời khuyên. Nếu không chọn được một nhà tư vấn giỏi, họ sẽ trở thành những nạn nhân tài chính.
Từ chậm Từ nhanh
Quỹ hỗ tương Điều D, luật 506
Ngày nay, hàng triệu triệu người đang cá cược tương lai và sự an toàn tài chính của mình trên các cổ phiếu và quỹ hỗ tương. Dù tôi cũng đầu tư vào quỹ hỗ tương cho kế hoạch hưu trí của mình nhưng tôi không hề có ý định làm giàu nhanh chóng với số
quỹ hỗ tương này cũng như không hề định sống dựa vào nó trong những ngày tháng về hưu. Cá nhân tôi không tin tưởng lắm vào thị trường chứng khoán. Tôi cho rằng quỹ hỗ tương quá chậm chạp và đòi hỏi tôi phải sử dụng tiền bạc của chính mình. Như tôi đã nói trong những chương trước, thà tôi mượn tiền để làm giàu còn hơn là phải dùng tiền của chính mình, mà ngân hàng thì không cho tôi mượn tiền để đầu tư vào quỹ hỗ tương.
Một lý do khác mà tôi nói quỹ hỗ tương quá chậm chạp là do số lợi nhuận hay sự tăng giá rất lớn của các tài sản chứng khoán chủ yếu vào giai đoạn thành lập công ty, trước khi công ty được cổ phiếu hóa. Khi những nhà đầu tư giàu có bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu của công ty thì họ thường đầu tư khi công ty này vẫn còn đang là một công ty tư nhân. Những người khác đầu tư vào cổ phiếu của một công ty sau khi nó trở thành một công ty cổ phiếu. Sự khác biệt ở đây có thể là rất lớn. Ví dụ như nếu bạn đầu tư 25.000$ vào hãng Intel trước khi nó được cổ phiếu hóa, ngày nay số tiền 25.000$ có thể sẽ đáng giá hơn 40 triệu đôla do sự lên xuống của thị trường chứng khoán.
Vấn đề là người giàu luôn biết làm ra tiền trước mọi người khác, thậm chí ngay cả trước khi công ty được hình thành. Như thế có nghĩa là người giàu thường đầu tư với ít rủi ro hơn và khả năng có lời nhiều hơn. Khi quỹ hỗ tương mua lại cổ phiếu của công ty đó thì đã có sẵn phần lợi nhuận trong giá mua rồi. Sau đó mọi người bắt đầu mua lại những cổ phiếu của các công ty từ quỹ hỗ tương mà người giàu đã đầu tư ngay từ khi nó còn đang là công ty tư nhân. Nói như người bố giàu thì: “Đầu tư vào quỹ hỗ tương là đầu tư vào đoạn cuối của một hệ sinh vật mà lớp trên ăn thịt lớp dưới”.
Điều đó không có nghĩa rằng quỹ hỗ tương không phải là một nơi đầu tư tốt. Với hầu hết mọi người, đầu tư vào quỹ hỗ tương là một món đầu tư tuyệt vời. Chúng là những món đầu tư rất hời nếu bạn biết mình đang làm gì, biết được những rủi ro, biết được bức tranh tổng thể của toàn bộ trò chơi đầu tư vào thị trường chứng khoán và quỹ hỗ tương, cổ phiếu và tư nhân.
Có thể bạn đang nghĩ: “Trong thời hoàng kim của thị trường chứng khoán đang tăng giá thì IPO là một biện pháp tốt, nhưng trong một thị trường đang suy sụp thì không”. Suy nghĩ này cũng có phần đúng, nhưng bất kể thị trường như thế nào, người giàu luôn có được những đề nghị đầu tư cá nhân mà công chúng không được biết. Đó là lý do tại sao việc hiểu biết các ngôn từ, từ vựng và những biệt ngữ đầu tư của người giàu có thể cải thiện cơ hội trở nên giàu có nhanh chóng hơn của bạn.
Trong tương lai gần đây, người giàu sẽ trở nên giàu hơn vì họ có được những đề nghị trước IPO. Họ sẽ không phải đầu tư vào công nghệ, máy tính hay Internet nữa. Thay vì thế, họ sẽ đầu tư vào các công ty công nghệ sinh học mới, các công ty công
nghệ di truyền và các công ty mới với cái tên gồm hai chữ “hệ thống” hoặc “mạng lưới”. Họ sẽ đầu tư vào những công ty mới trong tương lai, những công ty mà chúng ta chưa từng nghe nói đến. Họ sẽ đầu tư vào các công ty và những dự án bất động sản mà những người bình thường chỉ có thể nghe nói đến sau khi việc tính toán lợi nhuận đã giải quyết xong. Họ sẽ đầu tư vào những thư báo sắp xếp riêng, hay những quan hệ cộng tác chặt chẽ và những dạng đầu tư tương tự thay vì quỹ hỗ tương.
Từ chậm Mua lẻ
Từ nhanh Mua sỉ
Hầu hết chúng ta đều nhận thức được rằng hàng hóa luôn luôn có giá sỉ và giá lẻ. Đối với việc đầu tư cũng vậy. Người giàu giàu hơn vì họ trả bằng giá sỉ chứ không phải giá lẻ.
Khi nhìn vào trò chơi Cashflow, bạn sẽ thấy hai con đường Rat Race và Fast Track. Rat Race là con đường mà những nhà đầu tư chi trả với giá lẻ, còn Fast Track là con đường mà những nhà đầu tư chi trả với giá sỉ. Người giàu giàu hơn vì họ được xem như bạn bè và gia đình của những người “buôn bán” những món đầu tư đó.
Từ chậm Mua cổ phiếu
Từ nhanh Bán cổ phiếu
Bill Gates sẽ không thể trở thành người giàu nhất thế giới được nếu ông chỉ đi mua các cổ phiếu của Microsoft. Ông trở thành người giàu nhất thế giới vì ông được xem là một “người bán cổ phiếu”. Cũng như đã giải thích trong đoạn trước về giá sỉ và giá lẻ, người giàu trở nên giàu có vì họ thường bán đi các cổ phiếu chứng khoán. Để trở thành một người bán cổ phiếu, thường thì bạn cũng phải là thành viên sáng lập hoặc gia đình hay bạn bè của một trong những người sáng lập nên công ty đó.
Từ chậm Đến trường
Từ nhanh Dự hội thảo
Người bố nghèo của tôi rất thường phải đi học thêm. Đó là lý do tại sao ông đăng ký học tại trường Đại học Chicago, Đại học Northwestern, và Đại học Stanford, tất cả những trường nổi tiếng và có uy tín. Sau khi học xong, bố tôi quay về với sự háo hức, nhiệt tình và hy vọng được thăng chức vì đã đầu tư thời gian để đi học.
Người bố giàu của tôi thì đến dự các hội thảo. Ông nói: “Hãy đến trường học nếu con muốn trở thành một nhân viên tốt hơn hay muốn có nghề chuyên môn giỏi hơn như bác sĩ, luật sư hay kế toán. Nếu con không quan tâm đến bằng cấp, sự thăng chức hay công việc bảo đảm thì hãy đến dự các hội thảo. Hội thảo là dành cho những
người muốn có một thành quả tài chính hơn là một sự thăng chức hay tăng độ ổn định công việc”.
Tôi thích truyền đạt kiến thức của mình ở các hội thảo chứ không phải trong trường học, trong trường thường có nhiều loại sinh viên khác nhau. Ví dụ như tôi và Kim, vợ tôi, đã thỏa thuận là mỗi năm chúng tôi sẽ cùng tham dự ít nhất 2 hội thảo. Chúng tôi tham dự các hội thảo, dù là những cuộc hội thảo tệ hại, là nhằm giúp cho cuộc hôn nhân, tình bạn và sự cộng tác kinh doanh của chúng tôi được gắn bó hơn. Các thông tin hay những sự hiểu biết có sức mạnh liên kết con người lại gần nhau hơn với những điều đã cùng nhau trải qua.
Qua nhiều năm, chúng tôi đã tham dự rất nhiều cuộc hội thảo: về tiếp thị, buôn bán, phát triển hệ thống, quản lý nhân viên và dĩ nhiên là những cuộc hội thảo đầu tư nữa. Có lần chúng tôi chuẩn bị tham dự một cuộc hội thảo về việc làm thế nào có thể mượn tiền của chính phủ để đầu tư vào những hộ gia đình có thu nhập thấp. Cuộc hội thảo do chính phủ tổ chức, chỉ tốn có 85$, và chúng tôi hy vọng có thể kiếm được hàng triệu đôla từ những điều mình đã học. Đó là điều tôi muốn bạn hiểu được khi nói rằng người ta tham dự hội thảo vì kết quả của cuộc hội thảo chứ không phải vì mong được thăng chức.
Tôi đã gặp nhiều tác giả đạt điểm cao môn viết luận ở trường học nhưng sách của họ lại không bán được nhiều như tôi. Khi tôi đề nghị họ hãy tham dự một khóa học tiếp thị trực tiếp hay một khóa huấn luyện bán hàng, nhiều người tỏ ra rất bực bội. Như đã nói trong cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 1 tôi là tác giả cuốn sách bán chạy nhất chứ không phải là cuốn sách hay nhất.
Một hôm khác, tôi gặp một người bạn đã gởi con đến học tại một trường thuộc loại khá tốt trong tiểu bang. Anh ta tỏ ra tự hào vì đã trả hơn 85.000$ cho 4 năm học của cô con gái và bây giờ thì cô bé tìm được một việc làm có thu nhập 55.000$ một năm. Anh ta rất hài lòng.
Khi đó, anh ta hỏi lệ phí tham dự các cuộc hội thảo của tôi là bao nhiêu, tôi nói khoảng 5.000$ cho 3 ngày hội thảo. Anh ta giật mình nói: “Tôi không thể chi trả như thế được. Số tiền đó quá đắt cho một khoảng thời gian ngắn như vậy”. Sau đó anh ta hỏi tôi dạy những gì trong 3 ngày đó, tôi đáp: “Ngày thứ nhất, chúng tôi nói sơ về việc làm thế nào để xây dựng một doanh nghiệp như Bill Gates và làm thế nào để cổ phiếu hóa nó qua IPO. Chúng tôi cũng nói về việc làm thế nào để trở thành một thành viên thân thiết ở mức độ bạn bè hay gia đình của IPO trong trường hợp anh không muốn trở thành một Bill Gates thứ hai và chỉ muốn mua cổ phiếu với giá sỉ mà thôi. Ngày thứ hai và thứ ba, chúng tôi nói về việc làm thế nào để tìm được một nguồn đầu tư bất động sản, làm thế nào để phân tích chúng một cách nhanh chóng và làm thế nào để
bỏ vốn tài trợ cho chúng. Nói cách khác, chúng tôi hướng dẫn anh cách suy nghĩ, thỏa thuận và phân tích những vụ giao dịch như cách suy nghĩ và đầu tư bất động sản của Donald Trump. Sau đó chúng tôi dạy mọi người làm thế nào để sử dụng quyền mua bán cổ phiếu để kinh doanh theo cách những nhà quản lý quỹ tiền bạc như George Soros đã làm, dĩ nhiên không phải là cách kinh doanh của những nhà quản lý quỹ hỗ tương. Trên hết, chúng tôi nói về cách làm thế nào để tận dụng các công ty kinh doanh nhằm trả thuế ít hơn và bảo vệ tài sản của anh. Ở đó anh sẽ gặp những nhà đầu tư trên con đường Fast Track, họ sẽ cho anh biết làm thế nào để tìm được những món đầu tư sức bật tốt nhất trên thế giới. Và quan trọng nhất là anh cũng sẽ gặp những người có cùng suy nghĩ với anh. Hay nói khác hơn, anh sẽ kết bạn với những người đang di chuyển cùng tốc độ với anh”.
Và tất cả những gì anh bạn tôi nói là: “Chỉ có 3 ngày mà phải trả như thế thì đắt quá!”
Như tôi đã nói, có những từ nhanh và những từ chậm. Với tôi, thà bỏ ra 5.000$ trong ba ngày để học cách làm ra hàng triệu đồng hay thậm chí hàng tỷ đồng hơn là mất đứt 4 năm và 85.000$ để học cách mỗi năm kiếm được 55.000$ hay nhiều hơn một chút trong suốt cuộc đời mình. Trên hết, số 55.000$ này lại là thu nhập tiền lương.
Còn có một nguồn kiến thức nhanh, chi phí thấp và tác động lớn mà tôi thường sử dụng. Vào năm 1974, khi tôi rời Hạm đội thủy quân và biết rằng mình sẽ không ở lại nhóm L trong kim tứ đồ như người bố nghèo, tôi bắt đầu đăng ký mua những cuốn băng audio cassettes của công ty Nightingale-Conant. Công ty này có một thư viện audio về một số doanh nghiệp lớn, những động cơ thúc đẩy và những bậc vĩ nhân trên thế giới. Tôi còn nhớ mình đã mua cuộn băng “Đứng đầu mọi lĩnh vực” của Earl Nightingale và nghe đi nghe lại cuộn băng này khi đang trên đường học hỏi về nghệ thuật buôn bán, lên kế hoạch để thoát khỏi nhóm L. Thực sự tôi vẫn còn nghe cuốn băng này khoảng một lần mỗi năm khi đang tập thể dục hoặc khi lái xe.
Khi có ai hỏi tôi: “Làm thế nào để tìm được một nhà tư vấn dày dạn kinh nghiệm?” Tôi thường nói: “Hãy hỏi danh mục băng của Nightingale-Conant và lắng nghe những nhà tư vấn vĩ đại của mọi thời đại”. Như người bố giàu đã nói: “Một người giàu thực sự thường làm giàu ở nhà và trong thời gian rảnh”. Ông còn nói: “Con không thể làm giàu với công việc của ông chủ giao cho con mà chỉ có thể làm giàu với công việc của chính con mà thôi”.
Trong danh mục của Nightingale-Conant có một số vĩ nhân như John Templeton, người sáng lập Quỹ Templeton, Brian Tracy, Zig Ziglar, Dennis Waitely, Og Mandino, Seth Godin, Harvey Mckey, và nhiều người khác nữa. Tôi đã học được
nhiều hơn, làm ra nhiều tiền hơn, tìm được những nguồn cảm hứng mới, những ý tưởng mới, hay khám phá ra những phương pháp mới trong khi đang lái xe, đang tập thể dục hoặc đang di dạo. Bộ sưu tập các vĩ nhân của Nightingale-Conant thật vô giá, dù với chưa đến 100$, bạn đã có thể dành bao nhiêu thời gian tùy thích với những bậc vĩ nhân trên thế giới. Tất cả những gì bạn cần làm là bấm nút trả băng và họ sẽ lặp lại chính xác tất cả những gì bạn muốn nghe.
TẠI SAO MỘT SỐ NGƯỜI CHỈ TÌM KIẾM PHẦN NỘI DUNG?
Một trong những khác biệt lớn giữa những người đến trường học và những người đi dự hội thảo lại vẫn là sự khác biệt về nội dung và bối cảnh. Tôi thấy rằng khi một người thích đến trường để học hỏi một người đi dự hội thảo: “Anh được gì sau các cuộc hội thảo?” thì người kia thường không thể trả lời rõ ràng là mình có được điều gì. Lý do là vì rất nhiều cuộc hội thảo thường mở rộng về phạm vi bối cảnh hơn là tăng cường phần nội dung. Một người vừa được mở rộng quan điểm hay phạm vi bối cảnh của mình thường không thể nói cụ thể là mình đã được gì. Một người thích đến trường học, một người thích làm nhân viên hơn làm ông chủ, thường không thể hiểu được sự mơ hồ đó. Một người muốn giữ nguyên phạm vi bối cảnh hay quan điểm của mình và chỉ tìm cách tăng phần nội dung sẽ không thể hiểu được một người đang vui vẻ vì nhận thức của mình được mở rộng và đang chờ đợi những nội dung mới. Những người chỉ khao khát phần nội dung thường trở nên rất bực bội khi có điều gì dính đến phạm vi bối cảnh của họ. Đó là lý do tại sao họ tìm kiếm nội dung chứ không tìm kiếm sự mở rộng bối cảnh. Cả hai đều có thể tiến bộ, bất kể họ tìm kiếm điều gì. Nhưng dĩ nhiên người tiến bộ nhanh nhất sẽ là người vừa tìm kiếm sự mở rộng bối cảnh vừa mong muốn gia tăng phần nội dung.
Tôi luôn cảm thấy thật khó khăn khi phải dạy một người nghĩ rằng mình biết hết tất cả mọi thứ. Tất cả chúng ta đều biết rất khó có thể đổ thêm nước vào một ly nước đầy; cũng rất khó có thể dạy những điều mới cho một người mà đầu óc anh ta đã khép lại hoặc đã tràn đầy những nội dung khác.
TÓM TẮT CHƯƠNG SỨC BẬT KẾ HOẠCH
Theo tôi nghĩ, nguyên nhân mà rất nhiều người phải làm việc suốt đời mà vẫn nghèo khó là vì họ đã làm theo một kế hoạch chậm. Có một bước quan trọng cần làm nếu bạn muốn về hưu sớm trong sự giàu có là hãy bình tĩnh ngồi lại và tự hỏi mình: “Tôi đang làm theo kế hoạch nào? Kế hoạch đó là của ai?” Hãy tự hỏi mình thêm vài câu hỏi nữa:
1. Chiến lược kết thúc của tôi là gì?
2. Từ ngữ và ý tưởng của tôi nhanh hay chậm?
3. Hôm nay tôi đang ở trên con đường nào và tôi muốn ngày mai mình sẽ đi trên con đường nào?
4. Tôi đang làm việc để kiếm loại thu nhập nào và đó có phải là loại thu nhập mà tôi muốn trong tương lai không?
5. Cái giá dài hạn của sự ổn định và bảo đảm là gì?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.