Dạy Con Làm Giàu – Tập 5

CHƯƠNG 5



Sức bật trí não của bạn

TẠI SAO MỘT SỐ NGƯỜI CÓ THỂ VÀ MỘT SỐ NGƯỜI KHÁC THÌ KHÔNG THỂ?

Ở đây, tôi muốn nhắc lại một bài học của người bố giàu mà tôi đã từng kể trong cuốn “Dạy con làm giàu tập 3”.

Bài học bắt đầu khi người bố giàu đi dạo với tôi và con trai ông dọc theo một dãy nhà xinh đẹp bên bờ biển. Đang đi ông bỗng dừng lại, chỉ vào một ngôi biệt thự và nói: “Ta vừa mới mua căn nhà này”.

Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy ông có thể mua một căn nhà đắt tiền như vậy. Dù lúc đó còn khá nhỏ, tôi vẫn biết những căn biệt thự bên bờ biển không rẻ chút nào. Vì lúc ấy ông chưa giàu nên tôi tự hỏi làm thế nào ông có thể đầu tư vào một căn nhà như thế. Dường như người bố giàu sắp sửa chia sẻ với tôi một bí mật lớn về việc làm thế nào ông có thể đầu tư cho những thứ mà ông không thể mua được. Đó là một trong những bí mật giúp ông làm giàu trong cuộc sống.

MỘT NHẬN THỨC KHÁC BIỆT

Nói một cách đơn giản, người bố giàu có thể mua được một mảnh đất đắt tiền dù vào thời điểm đó ông không có nhiều tiền là vì ông nhận thức rằng mình “có thể mua nổi”. Người bố nghèo của tôi thì khác, có thể ngay thời điểm đó ông kiếm ra nhiều tiền hơn số cần thiết nhưng ông vẫn sẽ nói: “Tôi không mua nổi”, bởi vì trong nhận thức của ông không hề có ý định mua một bất động sản đắt tiền như vậy.

BÀI HỌC QUAN TRỌNG NHẤT

Qua nhiều năm, người bố giàu đã dạy cho tôi rất nhiều bài học quan trọng, những bài học đã ảnh hưởng hoàn toàn đến định hướng cuộc đời tôi. Trong số đó, bài học về sức mạnh của nhận thức con người là một trong những bài học quan trọng nhất. Nếu đã đọc cuốn “Dạy con làm giàu tập 1”, hẳn bạn còn nhớ là người bố giàu luôn cấm chúng tôi nói câu: “Tôi không mua nổi”. Người bố giàu hiểu được sức mạnh của nhận thức con người. Bài học đằng sau những bài học của ông là:

“Điều gì bạn nghĩ là thực thì sẽ trở thành sự thực”.

Ông không ngừng nhắc đi nhắc lại: “Những gì con nói và những gì con nghĩ là thực thì sẽ trở thành sự thực”. Khi đi qua những dãy nhà xinh đẹp bên bờ biển, ông nhất định không nói “Tôi không mua nổi” mặc dù lúc đó ông không có một đồng trong túi. Thay vì thế, ông bỏ ra hàng tháng trời để lên kế hoạch cho việc làm thế nào để mua được nó. Ông làm việc vất vả nhằm làm cho những điều không phải sự thực trở thành sự thực. Không phải tiền bạc làm cho người bố giàu giàu lên mà chính là khả năng biến những điều không phải sự thực thành sự thực đã giúp ông ngày càng giàu lên.

ĐẦU TƯ CÓ MẠO HIỂM KHÔNG?

Người ta thường nói: “Đầu tư là mạo hiểm”. Với họ, điều này là sự thực, và bởi vì họ nghĩ nó là thực, dù rằng đầu tư không hề mạo hiểm. Dù luôn có những rủi ro xảy ra, cũng như những rủi ro khi bạn băng qua đường hay khi đi xe đạp, bản thân hành động đó không hề có chút mạo hiểm nào cả. Và như vậy, nhiều người nghĩ rằng đầu tư là mạo hiểm vì họ cho rằng suy nghĩ của họ là sự thật.

Vài tháng trước, tôi cùng một nhà tư vấn đầu tư nổi tiếng của một ngân hàng được phỏng vấn trên chương trình truyền thanh. Nhà tư vấn nổi tiếng bị lôi cuốn vào một ý tưởng mà tôi đã viết trong cuốn “Dạy con làm giàu”. Ông bắt đầu: “Robert Kiyosaki nói rằng người ta nên bắt đầu tư kinh doanh nếu họ muốn làm giàu. Điều mà ông Kiyosaki đã không nhận ra là hầu hết mọi người không thể bắt đầu tư kinh doanh được. Bắt đầu tự kinh doanh là quá mạo hiểm. Các nhà thống kê đã cho thấy có chín trong số mười doanh nghiệp bị thất bại trong vòng 5 năm đầu tiên. Chính vì vậy mà những ý tưởng của ông Kiyosaki là quá liều lĩnh. Hãy hỏi ông ấy xem ông ấy có gì để nói về những con số thực tế này hay không”.

Ngưởi dẫn chương trình quay sang tôi, vui vẻ vì có một cuộc tranh luận trong chương trình của mình: “Ông có ý kiến gì không, ông Kiyosaki?”

Im lặng một chút, tôi hắng giọng nói: “Tôi biết có những số liệu thống kê như thế, và theo kinh nghiệm của tôi, tôi muốn nói rằng những con số thống kê ấy là rất chính xác. Tôi đã thấy rất nhiều doanh nghiệp bị phá sản chỉ trong vòng 5 năm”.

Nhà tư vấn nổi tiếng nói bằng một giọng pha chút giận dữ: “Thế tại sao ông lại khuyên mọi người bắt đầu tư kinh doanh?”

Tôi trả lời: “Đầu tiên, tôi không khuyên mọi người tự kinh doanh. Tôi nói là mọi người nên bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh riêng của mình. Khi tôi nói ‘nghĩ đến việc kinh doanh riêng của mình’, tôi muốn nói là họ nên quan tâm đến vấn đề đầu tư. Như thế không có nghĩa là phải bắt đầu tự kinh doanh, dù rằng một doanh nghiệp được điều hành tốt thường là một tài sản giúp cho những người giàu trở nên rất giàu”.

Nhà tư vấn tài chính nổi tiếng hỏi: “Thế còn vấn đề rủi ro thì sao? Ông nghĩ gì về việc chín trên mười doanh nghiệp bị phá sản?”

“Dù chín trên mười doanh nghiệp bị phá sản thì vẫn còn một doanh nghiệp thành công”. Tôi đáp. “Khi tôi thấy rằng có chín trên mười doanh nghiệp không thành công, tôi biết mình cần phải chuẩn bị tinh thần cho việc thất bại ít nhất là chín lần”.

“Ông đã chuẩn bị tinh thần cho việc thất bại chín trên mười lần à?” Nhà tư vấn tài chính hỏi với giọng châm biếm.

“Đúng vậy”, tôi trả lời. “Thực sự tôi đã từng nằm trong số chín doanh nghiệp bị thất bại. Và thực sự là tôi đã ở trong nhóm thất bại này đến hai lần, nhưng sau đó thì tôi cố gắng thử thêm lần thứ ba”.

“Thế ông cảm thấy thế nào khi thất bại?” Nhà tư vấn tài chính đồng thời là nhân viên ngân hàng và chưa bao giờ làm chủ kinh doanh cất tiếng hỏi “Làm như thế có đáng không?”

“Tôi cảm thấy rất khủng khiếp vào lần thất bại đầu tiên. Mọi việc còn tồi tệ hơn vào lần thất bại thứ hai. Nhưng với tôi thì điều đó rất đáng giá. Nếu tôi không thất bại 2 lần thì hẳn tôi không thể nghỉ hưu trước 18 năm và cũng không thể được tự do tài chính như ngày hôm nay đâu. Sau mỗi lần thất bại, tôi cần một khoảng thời gian để hồi phục lại. Và mặc dù cảm thấy rất tệ hại nhưng về mặt tinh thần, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đứng lên và đi tiếp 10 lần hay thậm chí 20 lần. Tôi không muốn thất bại quá nhiều như thế nhưng nếu cần thì tôi vẫn sẵn sàng”.

“Đối với tôi và hầu hết những người khác, như thế có vẻ quá mạo hiểm”, nhà tư vấn nói.

“Đồng ý, nhưng điều đó chỉ thực sự mạo hiểm nếu ông không sẵn sàng chấp nhận thất bại hoặc nếu ông bỏ cuộc chỉ sau một lần vấp ngã. Người bố giàu của tôi đã dạy tôi hiểu rằng thất bại là mẹ thành công. Dù đã từng thành công trong quá khứ, tôi vẫn biết rằng tỉ số 9/10 đó không hề thay đổi. Mỗi khi bắt đầu một doanh nghiệp mới, tôi luôn nhận thức được rằng có chín trên mười doanh nghiệp sẽ thất bại”.

“Vì sao ông lại nói như thế?” người dẫn chương trình hỏi.

“Vì tôi luôn cần phải khiêm tốn và lưu ý đến tỉ số đó. Tôi đã thấy rất nhiều người xây dựng các doanh nghiệp, kiếm được nhiều tiền rồi trở nên kiêu ngạo, và khi bắt đầu một doanh nghiệp khác, họ cho rằng lợi thế đang nghiêng về phía mình. Dù có thể họ sẽ có nhiều lợi thế hơn nhờ những kinh nghiệm và thành công trong quá khứ, nhưng tất cả chúng ta đều cần phải khiêm tôn một chút để hiểu rằng vẫn luôn có một tỉ số chín trên mười doanh nghiệp mới thành lập sẽ thất bại”.

“Tôi hiểu rồi”, người dẫn chương trình nói. “Như vậy ngày nay, mỗi khi, bắt đầu một doanh nghiệp mới ông luôn phải thận trọng. Ông vẫn phải lưu ý rằng chỉ có một phần mười khả năng thành công mà thôi”.

“Đúng vậy”, tôi trả lời. “Một số người bạn của tôi trở nên kiêu ngạo sau vài vụ thành công và khi dồn toàn bộ tiền bạc có được từ giao dịch kinh doanh cuối cùng vào một vụ kinh doanh mới thì họ mất tất cả. Nếu muốn thành công trong cuộc sống, anh luôn phải lưu ý đến tỉ số này, bất kể trong quá khứ anh đã thành công đến mức nào. Mỗi tay chơi bài chuyên nghiệp đều biết rằng khi họ rút được một con ách hay con già thì không có nghĩa là lần rút bài kế tiếp họ cũng sẽ rút được thêm một con ách hay một con già nữa”.

“Nhưng như thế là quá mạo hiểm”, nhà tư vấn nói, “Ông và cuốn sách của ông quả thật quá nguy hiểm. Hầu hết mọi người không thể làm được những gì ông đã làm. Hầu hết đều chưa chuẩn bị tinh thần để quản lý công việc kinh doanh của riêng mình”.

“Ông có nghĩ thế không?” Người dẫn chương trình hỏi tôi.

“Câu nói đó cũng có phần đúng”, tôi trả lời. “Hệ thống giáo dục của chúng ta dạy cho người ta trở thành những nhân viên chứ không phải thành các ông chủ và vì vậy hầu hết mọi người đều chưa được chuẩn bị để quản lý doanh nghiệp riêng của họ. Vậy nên tôi rất đồng ý với ông ấy trong vấn đề này”.

Tôi ngừng một chút để những lời nói của mình lắng lại. Tôi đang cố gắng để không bị lôi cuốn vào một cuộc tranh cãi, dù tôi cảm thấy nhà tư vấn đầu tư đang cố ý khiêu khích mình. Tiếp tục, tôi nói: “Dù vậy, Tôi muốn nhắc lại rằng hơn 100 năm trước, hầu hết mọi người đều là những doanh nhân nhỏ độc lập. Rất nhiều người trong chúng ta có người thân là nông dân hay chủ các cửa hàng nhỏ. Tất cả họ đều là những doanh nhân. Những con người của 100 năm trước đã đủ sức mạnh để quản lý việc kinh doanh của mình bất chấp rủi ro và mạo hiểm. Chỉ đến khi những người như Henry Ford bắt đầu xây dựng các siêu doanh nghiệp thì ngày càng nhiều người phải trở thành nhân viên. Dù vậy, ngay cả khi có những siêu doanh nghiệp tồn tại như Ford hay General Electric thì vẫn có những doanh nghiệp nhỏ độc lập tiếp tục phát triển”.

“Thực sự, những doanh nghiệp nhỏ chịu trách nhiệm về sự phát triển của hầu hết tất cả các loại công việc và chịu trách nhiệm phần lớn tất cả các loại thuế. Vì vậy nên bất chấp rủi ro, ngày càng nhiều người bắt đầu kinh doanh riêng. Không có họ sẽ có rất nhiều người thất nghiệp. Nếu không có những cá nhân sẵn sàng chấp nhận rủi ro, chúng ta sẽ trở thành một quốc gia thụt lùi về tài chính. Những doanh nghiệp tự do cho phép chúng ta có cơ hội chấp nhận mạo hiểm và lớn mạnh lên. Nếu những cá nhân này không chấp nhận mạo hiểm, đất nước chúng ta sẽ không thể phồn thịnh được như ngày hôm nay. Những người chấp nhận mạo hiểm chính là những người phát triển sự giàu có”.

Cuộc phỏng vấn còn kéo dài thêm 10 phút nữa. Không có giải pháp nào được đưa ra và cũng chẳng có sự đồng ý nào giữa hai bên. Hiển nhiên là chúng tôi có những nhận thức khác nhau. Khi cuộc nói chuyện tiếp tục mà không đưa đến một sự hòa hợp nào, tôi bỗng nhớ lời người bố giàu đã nói: “Rất nhiều cuộc tranh luận trong đời sống thực là do những khác biệt về nhận thức”.

TỶ LỆ ĐƯỢC VÀ MẤT LUÔN NGHIÊNG VỀ PHÍA BẠN

Một trong những điều tôi muốn nói với nhà tư vấn hôm đó là tỉ số Được và Mất đã nghiêng về phía mình. Nhưng điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc tranh luận nữa, một cuộc thi để xem ai đúng ai sai. Tôi đã không nói điều đó trong cuộc tranh luận nhưng giờ thì tôi muốn nói điều đó với bạn: có những mạo hiểm trong những việc tôi đã làm nhưng hoàn toàn không có gì là liều lĩnh.

Nhiều năm trước, người bố giàu đã giải thích cho tôi và con trai ông về tầm quan trọng của việc nhận biết những sự mạo hiểm, những sự tưởng thưởng và có được một chiến lược để chiến thắng, một chiến lược chiến thắng bao gồm cả sự thất bại. Người bố giàu biết rằng có một tỉ số thất bại chín trên mười của hầu hết các doanh nghiệp mới thành lập. Ông cũng biết rằng những điều được khi trở thành doanh nghiệp thành công duy nhất trong số mười doanh nghiệp đó sẽ vượt xa những điều mất khi thất bại chín trong số mười lần. Người bố giàu còn giải thích thêm: “Hầu hết mọi người chỉ nghĩ về khía cạnh liều lĩnh và mạo hiểm. Nhưng những người thông minh về tài chính thì lại nghĩ đến mất và được. Nói cách khác, thay vì nói ngay rằng một điều gì đó là quá mạo hiểm, là đúng hay sai, là tốt hay xấu thì những người thông minh về tài chính lại đánh giá tỉ số mất và được của vấn đề đó. Nếu những điều được lớn hơn những thứ mất thì họ sẽ tiếp tục vạch ra một chiến lược hay một kế hoạch để gia tăng cơ hội thành công bất kể họ sẽ bị thất bại bao nhiêu lần trước khi chiến thắng”.

CHIẾN LƯỢC CỦA NGƯỜI CHIẾN THẮNG

Ví dụ, một người bạn của tôi đã sử dụng một chiến lược được-mất đơn giản của riêng mình trong thị trường chứng khoán. Anh biết mình luôn có cơ hội được một lần biến động thị trường trong mỗi 20 lần giao dịch. Chính vì vậy, anh đã thiết lập một chiến lược mà anh gọi là chiến lược quản lý tiền bạc. Nếu anh dùng 20.000$, một phần mười tổng giá trị tiền mặt mà anh đang có, để tham gia vào 20 vụ giao dịch ở thị trường chứng khoán, anh sẽ chỉ mạo hiểm 1.000$ chọ mỗi cuộc giao dịch. Nói cách khác, chiến lược của anh là luôn dành đủ tiền để thất bại 19 lần trong 20 lần giao dịch. Tôi đã từng thấy anh mất trắng 14.000$ trong 14 lần giao dịch liên tiếp và bất ngờ kiếm được 50.000$ trong lần biến động thị trường kế tiếp. Chiến lược thành công của anh chấp nhận khả năng thất bại là 19 trên 20 lần dù chưa bao giờ anh thất bại đến 19 lần liên tiếp. Sau mỗi lần thành công, anh lập tức quay lại với tỉ lệ cũ, nghĩa là chỉ cần 1 lần thành công trong 20 lần giao dịch. Anh biết rằng tỉ lệ đó sẽ không đổi dù có bỏ ra bao nhiêu tiền đi nữa. Anh ta vẫn luôn dự kiến rằng mình sẽ thua 19 trong 20 lần giao dịch.

CHIẾN LƯỢC CỦA KẺ THUA CUỘC

Những người bình thường luôn né tránh sự thất bại và luôn muốn có tỉ lệ thành công là 100%, thường thì họ sẽ chọn chiến lược của người thua cuộc. Hy vọng có thể chiến thắng 100% và không bao giờ thất bại là nhận thức của những người thất bại. Người bố giàu của tôi thường nói: “Một chiến lược thành công luôn bao gồm cả sự thất bại”.

Ngày nay, phần lớn người ta có một kế hoạch nghỉ hưu không tính đến khả năng thất bại. Phần lớn họ chỉ đơn giản là hy vọng thị trường chứng khoán luôn tăng giá và hy vọng rằng khi họ về hưu, số tiền dành dụm sẽ còn đủ cho đến khi họ không còn sống nữa. Đó là một kế hoạch không có chỗ cho sự thất bại, và đó là lý do tại sao nó lại là chiến lược của kẻ thua cuộc. Những người chiến thắng luôn biết rằng thất bại là một phần quan trọng trong bất kỳ kế hoạch nào. Khi còn ở Quân đoàn Thủy quân, chúng tôi luôn có một kế hoạch dự phòng để đối phó với những sự bất ngờ, kế hoạch cho những thời điểm mà mọi thứ không diễn ra theo dự kiến. Ngày nay, hầu hết mọi người đều không có kế hoạch dự phòng cho việc nghỉ hưu. Hầu hết không có các kế hoạch nghỉ hưu đã tính đến khả năng xảy ra một vụ sụp đổ thị trường nghiêm trọng hay sau khi đã dùng hết số tiền dành dụm của mình. Nói cách khác, khi bàn về kế hoạch nghỉ hưu, hầu hết mọi người đều theo chiến lược của kẻ thua cuộc vì đó là một chiến lược không có chỗ cho những sai lầm.

98% THỜI GIAN BỊ MẤT

Trong những cuộc tiếp thị trực tiếp, hầu hết các nhà tiếp thị đều biết rằng có 98% những lá thư họ gởi đi sẽ không đưa đến một vụ mua bán nào. Vì thế, các nhà tiếp thị phải tính toán chiến dịch tiếp thị của họ trên 2% được trả lời này, đôi khi còn thấp hơn. Họ biết con số 2% thư được trả lời phải đủ để bù đắp chi phí gởi thư đến 98% số thư im lặng. Một khi các nhà tiếp thị trực tiếp đã biết rằng những lá thư gửi đi có thể có 2% hồi đáp hay nhiều hơn, họ chỉ làm một việc đơn giản là tăng số thư gởi đi, dù biết chắc mình sẽ mất 98% thời gian. Họ biết làm thế nào để làm giàu chỉ với 2% thời gian và chấp nhận mất đi 98% thời gian còn lại.

NHỮNG KẺ THUA CUỘC LUÔN CHO RẰNG THẤT BẠI LÀ MỘT ĐIỀU TỆ HẠI

Người bố giàu nói: “Người thua cuộc là những người luôn cho rằng thất bại là một điều tồi tệ. Họ không thể chịu được sự thất bại và họ né tránh nó bằng mọi giá. Rất nhiều kẻ thua cuộc chỉ đặt cược trên những điều chắc chắn như: công việc ổn định, ngân phiếu trả trước, bảo hiểm lương hưu, lợi tức ngân hàng. Những kẻ thua cuộc tiếp tục thua cuộc và những người chiến thắng tiếp tục chiến thắng chỉ đơn giản vì những người chiến thắng biết rằng thất bại là mẹ thành công”.

Khi chúng tôi còn nhỏ, người bố giàu thường hỏi chúng tôi: “Các con có sẵn sàng thất bại 99/100 lần không?”

Câu trả lời mà ông mong đợi ở chúng tôi là: “Chúng con sẽ sẵn sàng nếu phần thưởng của chiến thắng lớn hơn sự mạo hiểm và chi phí của 99 lần thất bại kia”. Và khi ông yêu cầu giải thích thì chúng tôi sẽ nói: “Nếu chúng con biết mình có thể thắng được 1 triệu đôla, tỉ sổ được-mất là 1/100 và số tiền cược thấp nhất là 1$, chúng con sẽ dùng 100$ và làm theo chiến lược là đánh cược 100 lần, mỗi lần 1$. Sau khi đã thắng một lần, chúng con sẽ quay lại với tỉ số đầu tiên vì tỉ số đó rất hiếm khi thay đổi. Có thể chúng con sẽ tăng số tiền đặt cược lên nhưng chỉ sau khi chúng con đã thất bại 99/ 100 lần mà thôi”.

Đó là một cách đơn giản mà ông đã dùng để dạy chúng tôi suy nghĩ về vấn đề mạo hiểm và tưởng thưởng thay vì đúng và sai, rủi ro hay an toàn. Người bố giàu không thích những trò chơi cờ bạc và cũng không khuyên khích chúng tôi chơi trò cờ bạc. Ông chỉ đơn giản là huấn luyện chúng tôi suy nghĩ về vấn đề mạo hiểm và tưởng thưởng.

TẠI SAO ANH EM NHÀ WRIGHT LẠI ĐÚNG?

Có một lần người bố giàu kể cho chúng tôi nghe về chuyến đi đến Kitty Hawk, miền bắc Carolina của ông. Ông đến đó khi đang trên đường xuất ngũ sau chiến tranh thế giới thứ II. Ông nói: “Các con, một ngày nào đó các con cần phải đến Kitty Hawk nghe câu chuyện về Orville và Wilbur Wright để xem họ thông minh đến thế nào. Hai anh em họ biết rằng thực sự có những mạo hiểm khi làm người đầu tiên bay trên không trung nhưng họ không hề liều lĩnh”. Người bố giàu kể rằng anh em nhà Wright đã chọn một bãi cỏ lớn và bằng phẳng để tập té ngã. Ông nói: “Những con người trẻ tuổi đó biết mình sẽ bị té ngã. Vậy nên họ đã chọn một nơi rộng rãi an toàn để làm nơi tập té. Họ không nhảy xuống những cây cầu hay các vách đá. Họ tìm một bãi cỏ rộng bằng phẳng và lồng lộng gió để luyện tập thất bại cho đến ngày thành công”.

“Nhờ sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm một cách khôn ngoan, hai con người trẻ tuổi này đã thay đổi thế giới. Một ngày nào đó, các con cần phải đến xem khu đất ấy, nơi hai con người can đảm này đã lựa chọn làm nơi luyện tập ngã xuống để một ngày kia chúng ta có thể bay lên. Hầu hết mọi người sẽ không bao giờ bay lên trong vấn đề tài chính chỉ vì họ sợ sẽ ngã xuống”. Tháng 8 năm 2000, tôi đến vùng đất ấy và nhìn thấy những gì mà người bố giàu đã thấy vào 50 năm trước. Tôi nhìn thấy một mảnh đất hoàn hảo để té ngã trước khi bay lên.

Khi dạy chúng tôi bài học về anh em nhà Wright, người bố giàu đã vẽ cho chúng tôi một bức tranh:

Khi giải thích bức tranh này, người bố giàu nói: “Khi một người nói những câu như:

1. Tôi không mua nổi.

2. Anh không thể làm điều đó được.

3. Tôi không thể làm điều đó được.

4. Điều đó là không thể.

Họ thường theo nhận thức của mình mà bình luận về những điều không có trong thực tế của họ”.

Ông tiếp tục: “Khi anh em nhà Wright tuyên bố mình sẽ là những người đầu tiên bay được, rất nhiều người bảo: ‘Con người không bao giờ bay được’. Một trong những người nói câu này lại chính là bố của họ, một người mộ đạo”.

Và như vậy, khi nhìn vào bức tranh của người bố giấu, bạn có thể thấy là với hầu hết mọi người, ý tưởng cho rằng con người có thể bay được là phi thực tế. Vì vậy nên họ đã nói câu nói đó theo những điều nhận thức của mình.

Lý do mà rất nhiều người cho rằng “Con người không thể bay được” là vì ý tưởng này nằm ngoài nhận thức của hầu hết mọi người vào thời điểm đó. Nhưng ý tưởng này lại không nằm ngoài phạm vi có thể của anh em nhà Wright, và họ đã bỏ ra hàng năm trời để làm cho điều có thể này trở thành hiện thực. Mọi chuyện cũng tương tự với người bố giàu và người bố nghèo của tôi trong vấn đề tiền bạc. Ngày nay, người ta thường nói rằng: “Hãy biết nhìn xa trông rộng”. Người bố giàu của tôi thì nói rằng: “Mọi người đều có thể nhìn xa trông rộng vào một đôi lúc nào đó. Nhưng vấn đề là liệu con có thể liên tục nhìn xa trông rộng như thế trong nhiều năm hay không. Nếu có thể, con sẽ ngày càng trở nên giàu có”.

Khi nói với nhà tư vấn tài chính trên rằng tôi sẵn sàng thất bại chín trên mười lần chỉ vì những cái được sẽ vượt xa những cái mất, tôi không biết ông ta có nghe tôi nói không. Ông ta thực sự không nghe khi tôi bảo: “Tôi bắt đầu một doanh nghiệp và biết chắc rằng có thể mình sẽ thất bại..”. Lối suy nghĩ này không phải là lối suy nghĩ

của ông ta. Vấn đề ở đây không phải là ai đúng ai sai mà là chúng tôi có những nhận thức khác nhau. Và bởi vì có những nhận thức khác nhau nên chúng tôi có lối suy nghĩ khác nhau và cách nhìn thế giới khác nhau.

SỨC BẬT TRÍ NÃO CỦA BẠN

Tôi không khuyến khích bạn đi ra ngoài và ngẫu nhiên bắt đầu một sự thất bại nào đó hay bắt đầu một trò may rủi trong sòng bài. Như thế thì cũng điên rồ như chơi xổ số để có tiền nghỉ hưu vậy. Bài học này nói về sự khác biệt trong nhận thức của mỗi con người.

Bài học đó là trí não của chúng ta là công cụ sức bật quyền lực nhất. Những gì chúng ta nghĩ là thực sẽ trở thành sự thực trong hầu hết các trường hợp. Một người cho rằng đầu tư là mạo hiểm thường sẽ tìm thấy các trường hợp thực tế mà họ muốn để chứng minh điều đó. Người này sẽ mở báo ra và đọc các tin tức về những người bị thất bại trong đầu tư. Nói cách khác, trí não của chúng ta có khả năng nhìn thấy những gì nó nghĩ là thực và không nhìn bất cứ một sự thực nào khác. Cũng như khi người ta nói với anh em nhà Wright: “Con người sẽ không bao giờ bay được” hay nói với Christopher Columbus: “Anh không thấy thế giới là một cái đĩa bẹt à?” Mọi người luôn có những nhận thức của riêng mình.

Để có thể nghỉ hưu sớm và giàu có, một trong những điều quan trọng nhất bạn phải học là phải điều khiển được nhận thức của chính mình. Nếu có thể học được điều đó, việc kiếm ra ngày càng nhiều tiền mà làm càng ít việc sẽ rất dễ dàng đối với bạn, ngược lại bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn trong việc làm giàu. Chính khả năng liên tục thay đổi nhận thức của người bố giàu cuối cùng đã giúp ông giàu lên.

Cùng lúc đó, chính vì không có khả năng thay đổi nhận thức nên người bố nghèo phải làm việc ngày càng vất vả hơn và không thể vượt lên trong lĩnh vực tài chính. Chính câu nói cửa miệng của ông: “Tôi không mua nổi” đã hình thành nên những điều nhận thức của ông. Ông thực sự nghĩ rằng mình không thể mua nổi một miếng bất động sản trị giá nhiều triệu đôla như thế.

Cuối cùng, sự khác biệt chủ yếu giữa người bố giàu và người bố nghèo chính là sự khác biệt trong nhận thức của họ. Một người luôn mong muốn phát triển khả năng nhận thức của mình bằng câu nói: “Làm thế nào tôi có thể mua được những bất động sản nằm bên bờ biển?” dù rằng lúc đó ông không có một xu trong túi. Người kia thì chỉ nói đơn giản: “Tôi không mua nổi”. Như tôi đã nói, không phải những bất động sản ấy làm cho một người giàu lên và người kia nghèo đi mà chính là sự lựa chọn nhận thức của họ.

SỨC BẬT SỐ 1

Sức bật số 1 chính là sức bật trí não của bạn vì đây là nơi tạo ra nhận thức của bạn. Với tôi và Kim, việc về hưu sớm trong giàu có đòi hỏi chúng tôi phải liên tục điều khiển, thay đổi và mở rộng nhận thức của mình. Ngày hôm nay tôi nói với mọi người rằng: “Bước đầu tiên để đi từ 50.000$ một năm với những công việc vất vả lên 1 triệu đôla một năm với rất ít công việc phải làm bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức”.

Sự thay đổi nhận thức không có nghĩa là cần phải lớn mạnh hơn hay tốt đẹp hơn mà chỉ đơn giản là một chút nâng cao về quan điểm. Chẳng hạn như thay vì nói “quá mạo hiểm” như rất nhiều nhà đầu tư chất phác thường nói, bạn hãy tự hỏi: “Tỷ lệ được-mất là bao nhiêu?” hay “Tôi sẽ thất bại bao nhiêu lần trước khi chiến thắng?” Thay vì nói: “Miếng đất này quá đắt tiền… ” bạn hãy đọc một cuốn sách về một người có thể mua được miếng đất đó hay tìm một người như thế để hỏi xem ông ta có thể mua nó như thế nào. Điều quan trọng không phải là miếng đất mà chính là việc thay đổi nhận thức của bạn.

TẠI SAO MỘT NGƯỜI BỐ GIÀU LÊN CÒN NGƯỜI BỐ KIA NGHÈO ĐI?

Người bố giàu có thể liên tục thay đổi, điều khiển và mở rộng nhận thức của mình. Và nhờ điều đó mà ông ngày càng giàu có hơn, ít công việc hơn. Người bố nghèo thì ngược lại, ông lựa chọn cuộc sống bên trong vòng nhận thức. Chính vì vậy nên ông phải làm việc ngày càng vất vả hơn mà vẫn về hưu trong cảnh nghèo khó. Ông chỉ có một nhận thức cố định và ông không biết làm cách nào để điều khiển, thay đổi hay mở rộng nó. Thay vì cố gắng thay đổi thực tại của mình, ông chỉ luôn nói những câu như “Tôi không mua nổi”. “Tôi sẽ không bao giờ giàu được”. “Tôi không quan tâm đến,chuyện tiền bạc”. “Khi về hưu, thu nhập của tôi sẽ giảm đi”…. Những ngôn từ ấy của ông đã trở thành sự thực.

Nếu bạn muốn về hưu sớm trong sự giàu có, có thể bạn sẽ cần phải thay đổi, mở rộng nhận thức của mình và tập thói quen làm điều đó.

NHIỀU NĂM SỐNG NGOÀI THỰC TẾ

Ngồi trên ngọn núi lạnh giá ở Canada trong đêm giao thừa, tôi hiểu rằng mình cần phải sẵn sàng nhìn xa hơn những điều nhận thức của mình và tiếp tục những suy nghĩ này cho đến khi chúng có thể trở thành khả năng thực tế.

Cũng như anh em nhà Wright đã bỏ ra hàng năm để sống ngoài thực tế của hầu hết mọi người, tôi, Kim và Larry cũng cần phải sống bên ngoài thực tế của mọi người và của chính mình trong nhiều năm. Chúng tôi thường tranh cãi với những người khác, đôi lúc bị chỉ trích là những kẻ mơ mộng hão huyền, điên rồ, liều lĩnh, thiếu thận trọng. Chúng tôi sống với niềm tin đó trong ít nhất là 4 năm trước khi bắt đầu nhìn thấy một kết quả xác thực. Nói cách khác, chúng tôi đã mất từ bốn đến tám năm để mở rộng nhận thức của mình đến những điều có thể – mục đích của chúng tôi.

Ngày nay khi người ta hỏi tôi cần phải làm gì để trở nên giàu có, tôi đáp: “Bạn cần có khả năng mở rộng nhận thức. Nêu không sẵn sàng mở rộng nhận thức của mình, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để’ có thể làm giàu”.

Một đề nghị nhỏ: Một cách mà người bố giàu giúp tôi và con trai ông mở rộng nhận thức là đọc tiểu sử của những người có cuộc sống mà chúng tôi mong muốn, chẳng hạn tiểu sử của John D. Rockefeller và Henry Ford. Gần đây hơn, tôi đã đọc những cuốn sách viết về Bill Gates, Richard Branson, George Soros và nhiều người khác nữa.

Khi gặp những người nói rằng: “Tôi già quá rồi”, tôi sẽ bảo họ tìm đọc câu chuyện về Colonel Sanders, người bắt đầu trở nên giàu có vào năm 60 tuổi. Khi nghe một phụ nữ nói: “Tôi không thể vượt lên trong thời đại vẫn còn những tàn dư phong kiến này được… ” tôi sẽ bảo cô ấy đọc cuốn sách về Anita Roddick, người sáng lập Body Shop, hoặc câu chuyện về Muriel Schiefer, người phụ nữ đầu tiên tham gia thị trường chứng khoán New York. Khi có ai nói rằng mình còn quá trẻ, tôi sẽ bảo họ đọc cuốn sách về Bill Gates, người giàu có nhất thế giới vào năm ba mươi tuổi. Nếu những câu chuyện đó cũng không thể giúp họ mở rộng nhận thức của mình thì có lẽ không gì có thể giúp họ được nữa.

Một cuốn sách khá hay khác là cuốn “Cơ thể và cuộc sống” của Bill Phillips. Một người bạn đã khuyên tôi đọc nó khi thấy vòng hai của tôi đang tăng lên. Tôi vừa đọc xong và hiện đang làm theo những gì cuốn sách dạy. Bill Phillips nói rất nhiều điều tương tự như những điều người bố giàu đã dạy tôi, nhưng chủ đề của ông ta là sứt khỏe vật lý, còn chủ đề của người bố giàu là của cải tài chính.

Dù là chủ đề nào đi nữa, tôi vẫn thấy quá trình tiến hành là tương tự như nhau. Ví dụ như Bill Phillips viết rằng phải tìm ra lý do để giảm cân trước khi bắt đầu luyện tập. Bill Phillips có một phần rất tuyệt về những giấc mơ, những mục đích và tại sao cả hai điều đó đều rất quan trọng. Ở đây tôi thấy có một sự tương quan rất gần giữa việc trở nên mạnh khỏe và trở nên giàu có với việc ăn uống và nhìn xa hơn thực tế.

Bill Phillips khuyên khích người ta ăn nhiều hơn chứ không phải là ít hơn. Ông đề nghị chúng ta ăn sáu bữa một ngày nếu muốn giảm cân và mạnh khỏe. Ông nói, nhiều người cố giảm cân bằng cách nhịn đói trong một thời gian ngắn nhưng trong thời gian đó, họ sẽ mất đi các cơ bắp và sau đó sẽ lại lao vào các bữa chè chén. Điều đó làm họ mập phì lên mà lại ít cơ bắp hơn để đốt cháy số calórie bổ sung này. Và tôi biết như thế là đúng.

Người bố giàu cũng nói một điều tương tự về những người cố trở nên giàu có bằng cách bủn xỉn keo kiệt, chắt mót từng xu từng đồng. Hầu hết mọi người sống theo kiểu này không thể giàu được. Một người muốn trở nên giàu có cần phải biết dùng tiền, nhưng phải biết dùng như thế nào và dùng vào việc gì. Người bố giàu đã nói: “Có những chi phí tốt và những chi phí xấu”. Và hầu hết chúng ta đều biết là có những loại thức ăn tốt và những loại thức ăn xấu. Cũng như một người cố giảm cân bằng cách nhịn đói, một người cố làm giàu bằng cách keo kiệt sẽ chỉ làm cho mình trở nên nghèo khó hơn thôi. Và cũng như một người đói bụng sẽ ngấu nghiến những món thực phẩm linh tinh, một người đói tiêu xài sẽ vung tiền vào những món đồ vụn vặt rẻ tiền.

Bill Phillips cũng nói: “Sự mạnh mẽ nhất chỉ đến sau khi bạn đã hiểu được sự thất bại”. Tôi tin rằng ông muốn nói là chỉ sau khi bạn đã đi quá giới hạn của mình và thất bại, đó là lúc bạn bắt đầu mạnh mẽ hơn. Điều đó cũng đúng về khía cạnh tài chính. Tôi đã thấy rất nhiều người không thành công vì họ né tránh thất bại bằng mọi giá. Như nhà tư vấn đầu tư nọ đã chống lại việc lập doanh nghiệp riêng vì chín trên mười doanh nghiệp sẽ thất bại, và hầu hết mọi người xem thất bại là một điều tồi tệ. Người bố giàu dạy tôi rằng thất bại là rất cần thiết cho việc học hỏi và chiến thắng. Cá nhân tôi đã học được rất nhiều sau khi thất bại hơn là trước khi thất bại. Dù có đôi lúc điều đó sẽ gây tổn hại và đau đớn nhưng quá trình hồi phục sau thất bại đã đem đến cho tôi một sức mạnh cả về tinh thần lẫn tài chính.

Tôi đã gặp nhiều người không thành công bởi vì họ thất bại trong việc chấp nhận thất bại. Họ không thể vượt qua thực tế của chính mình. Khi thất bại trong việc này, họ cũng thất bại luôn trong việc tìm ra những điều có thể trong cuộc sống của mình. Như đã nói, tôi nghĩ rằng chính khả năng liên tục thay đổi và mở rộng nhận thức đã giúp cho người bố giàu ngày càng giàu có. Bill Phillips cũng nói một điều tương tự về sức khỏe. Bạn sẽ không thể mạnh khỏe hơn với thực tế sức khỏe hiện tại của chính mình. Nếu muốn ngày càng mạnh khỏe hơn, bạn cần phải nhìn xa hơn thực tế. Bạn cần phải sống với ý nghĩ về những khả năng mới. Một điều may mắn là nếu bạn liên tục vượt qua giới hạn của chính mình, bạn sẽ có được dạng sức bật tốt nhất, dạng sức bật của việc mạnh khỏe hơn, giàu có hơn, trẻ lâu hơn, thậm chí trông bạn còn có thể dễ nhìn hơn. Và với tôi, cuộc sống với dạng sức bật này rất đáng sống.

Nếu bạn sẵn sàng mở rộng nhận thức, hãy bắt đầu bằng cách đọc một cuốn sách hay nghe một cuốn băng về những người đã thành công trong lĩnh vực bạn mong muốn. Người bố nghèo luôn khuyến khích tôi đọc sách về các bậc vĩ nhân như tổng thông Lincoln và Kennedy, Gandhi, Martin Luther King và nhiều người khác nữa. Cả hai người bố đều khuyên tôi đọc sách để mở rộng nhận thức nhưng họ muốn nói đến những nhận thức khác nhau, đơn giản vì nhận thức của họ không giống nhau. Và tôi rất vui vì mình đã khám phá được cả hai thế giới nhận thức này.

Nếu bạn thực sự muốn về hưu sớm trong sự giàu có, điểm khởi đầu tốt nhất chính là nhận thức của bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.