Dạy Con Làm Giàu – Tập 5

PHẦN II SỨC BẬT KẾ HOẠCH – CHƯƠNG 9



Sau đây là trích đoạn một cuộc phỏng vấn với Robert Reich, Bộ trưởng Bộ Lao động dưới thời Tổng thống Clinton:

“Khoảng cách lớn dần giữa người giàu và người nghèo đang gây ra rất nhiều khó khăn cho chúng ta”.

“Là Bộ trưởng Bộ Lao động, mục đích của tôi là làm sao để có nhiều công việc và lương bổng cao hơn cho các công dân Mỹ. Sau khi tích cực làm việc với vai trò này trong vài năm, tôi không thể không cảm thấy rằng công việc và lương bổng là tất cả. Nhưng thực tế không phải như vậy”.

“Vấn đề không chỉ là có một công việc hay thậm chí là có một số lương bổng tương đối nữa”.

“Trong nền kinh tế mới, với những thu nhập không thể dự đoán được, có hai khuynh hướng đang nổi bật dần, khuynh hướng nhanh, và khuynh hướng chậm, cùng với sự thiếu vắng những cấp bậc tiệm tiến giữa hai khuynh hướng này”.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Bạn và kế hoạch của bạn đang đi theo khuynh hướng nhanh hay khuynh hướng chậm?
Kế hoạch của bạn có nhanh chóng không?

Tôi cần tốc độ

-TOM CRUISE trong TOP GUN

Ý tưởng làm việc suốt đời, tiết kiệm tiền và bỏ tiền vào một tài khoản hưu trí là một kế hoạch rất chậm. Đó là một kế hoạch tốt và hợp lý với 90% dân số. Nhưng đó không phải là kế hoạch của một người muốn về hưu sớm trong sự giàu có. Nếu muốn về hưu sớm trong sự giàu có, bạn cần phải có một kế hoạch đi trước mọi người khác.

Nếu có thời gian rảnh, bạn hãy thuê cuốn phim “Top Gun” và xem các tốc độ mà những chàng phi công trẻ tuổi phải bay và thực hiện những quyết định mang tính chất sống còn. Khả năng xử lý tốc độ là rất quan trọng với những phi công trẻ tuổi này vì cuộc sống của họ phụ thuộc vào cái tốc độ mà họ xử lý. Điều đó cũng tương tự với cuộc sống và vấn đề kinh doanh ngày nay. Tốc độ thay đổi và mở rộng phạm vi bối cảnh để thích nghi với những thay đổi trong thế giới doanh nghiệp ngày nay là rất quan trọng đối với bất kỳ người nào trong chúng ta muốn thành công về mặt tài chính. Không còn nữa khoảng trống giữa cái có và cái không. Ngày nay, khoảng trống thay đổi nhanh nhất chính là khoảng trống tài chính giữa người giàu và người trung lưu. Nói thẳng ra, nếu bạn có một kế hoạch chậm chạp của thời đại Công nghiệp, bạn sẽ bị tụt hậu: về tài chính, không phải do những người cùng thời với bạn mà do những thế hệ trẻ hơn với đầu óc nhanh nhạy hơn và những ý tưởng chớp nhoáng hơn. Chính sự thay đổi bối cảnh với tốc độ chớp nhoáng này là lý do mà thế giới chúng ta có những chàng tỷ-phú-hai-mươi-lăm-tuổi và những người đã hơn 50 mà vẫn còn mong kiếm được một công việc với 50.000$ một năm. Điều đáng buồn là rất nhiều người trong số này vẫn đang răn dạy con cái phải theo bước của mình, đi theo chuyến xe chậm chạp mà bố mẹ chúng đã đi.

Trong cuốn sách “Dạy con làm giàu” – tập 3, tôi đã bắt đầu với câu nói: “Đầu tư một kế hoạch”. Tôi cũng nói rằng hầu hết mọi người đều lên kế hoạch để nghèo đi, chính vì vậy nên rất nhiều người đã nói như người bố nghèo của tôi: “Khi tôi về hưu, thu nhập của tôi sẽ giảm xuống”. Nói cách khác, họ đã lên kế hoạch làm việc suốt đời chỉ để nghèo đi. Người bố giàu nói: “Nếu con muốn giàu có và về hưu sớm, con phải có một kế hoạch chớp nhoáng giúp cho con ngày càng giàu hơn mà phải làm việc ngày càng ít hơn”.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ LẬP NÊN MỘT KẾ HOẠCH CHỚP NHOÁNG?

Một trong những nguyên lý cơ bản của người bố giàu về tiền bạc là: “Tiền bạc là một ý tưởng”. Ông còn bổ sung thêm: “Có những ý tưởng chớp nhoáng và những ý tưởng chậm trễ, cũng như có những chuyến tàu tốc hành và những chuyến tàu chậm. Trong chuyện tiền bạc, hầu hết mọi người đang ở trên các chuyến tàu chậm và khi nhìn ra cửa sổ, họ thấy những chuyến tàu tốc hành đang vượt qua. Nếu con muốn làm giàu nhanh chóng, kế hoạch của con phải có những ý tưởng chớp nhoáng”.

Nếu muốn xây một ngôi nhà, hầu hết mọi người sẽ thuê một kiến trúc sư và người kiến trúc sư đó sẽ cùng bạn vẽ nên những bản sơ đồ nhà. Thế nhưng khi người ta bắt đầu xây dựng cơ đồ của mình hay lên kế hoạch cho tương lai thì hầu hết mọi người lại không biết bắt đầu từ đâu và không bao giờ lên kế hoạch tài chính cho cuộc sống của mình. Nói đến tiền bạc, hầu như mọi người đều làm theo các kế hoạch tài chính của bố mẹ mình, thường là làm việc tích cực và tiết kiệm tiền. Theo kế hoạch này, hàng triệu người phải ngồi xe lửa đi làm và chỉ biết nhìn những chiếc limousine, máy bay cá nhân và những căn nhà sang trọng qua khung cửa sổ bé nhỏ.

Nếu bạn không muốn dành suốt đời để nhìn cuộc đời trôi qua bên khung cửa sổ của những chuyến tàu chậm chạp, hãy bắt đầu lập nên một kế hoạch tài chính chớp nhoáng. Sau đây là vài ý tưởng làm thế nào để xây dựng và phát triển nên một kế hoạch chớp nhoáng.

1. Trước tiên hãy chọn một chiến lược kết thúc

Người ta thường hỏi tôi: “Tôi có thể bắt đầu đầu tư như thế nào?” hay “Tôi nên đầu tư vào đâu?” Tôi trả lời họ bằng một câu hỏi khác: “Chiến lược kết thúc của anh như thế nào?”

Và đôi khi câu hỏi thứ hai là: “Anh muốn mình sẽ chấm dứt chuyện này vào năm bao nhiêu tuổi?”

Người bố giàu thường nhắc đi nhắc lại: “Một nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn lập nên một chiến lược kết thúc trước khi bắt tay vào đầu tư”. Đó là một nguyên tắc cơ bản. Chính vì vậy mà người bố giàu thường nói: “Hãy luôn khởi đầu ở nơi cuối trước”. Nói cách khác, trước khi đầu tư, bạn cần phải biết mình muốn kết thúc như thế nào, ở đâu, khi nào, và với bao nhiêu tiền. Ví dụ như khi một người nào đó đến hỏi bạn: “Việc đầu tiên cần làm khi lên kế hoạch nghỉ mát là gì?” câu trả lời của bạn có thể là:

“Anh định đi nghỉ ở đâu?” Hoặc nếu có ai hỏi: “Tôi nên học cái gỉ?” bạn sẽ trả lời: “Thế anh muốn làm gì sau khi tốt nghiệp?” Đối với việc đầu tư cũng vậy. Trước khi quyết định nên đầu tư vào đâu, trước tiên bạn phải biết mình muốn kết thúc ở chỗ nào. Đó là lý do mà người bố giàu của tôi thường nói: “Biết được chiến lược kết thúc là một nguyên tắc đầu tư cơ bản quan trọng”.

Nhiều người bắt đầu đầu tư khi thấy rằng chính phủ hay công ty nơi họ làm việc sẽ không chăm lo gì cho họ sau khi nghỉ hưu. Ngày nạy, dù có rất nhiều người đang đầu tư cho sự bảo đảm tài chính dài hạn của mình nhưng tôi e rằng họ không hề suy nghĩ gì đến chiến lược kết thúc của mình trước khi bắt đầu đầu tư.

BẠN SẼ CÓ BAO NHIÊU TIỀN KHI NGỪNG LÀM VIỆC?

Dăm năm trước, tôi được cung cấp một vài số liệu thống kê từ chính phủ liên bang. Dù các con số thống kê đã khá cũ nhưng tôi nghĩ rằng không có thay đổi gì nhiều về tỉ số hay số tiền lúc đó so với hiện nay.

Với tuổi 65 là cột mốc mà hầu hết mọi người lên kế hoạch về hưu hay kết thúc, câu hỏi được đặt ra là: Bạn muốn có thu nhập bao nhiêu khi không còn làm việc nữa? Bộ Y tế Giáo dục và Phúc lợi Mỹ đã trắc nghiệm một số người từ 20 đến 65 tuổi và thấy rằng cứ mỗi 100 người đến tuổi 65 thì sẽ có:

36 người chết

56 người sống nhờ chính phủ hay gia đình

5 người vẫn còn phải làm việc kiếm sống

4 người khá giả

1 người giàu có

Những con số thống kê này đã minh chứng cho câu nói trước đây của tôi rằng, hầu hết mọi người đều có kế hoạch làm việc suốt đời và về hưu trong sự nghèo khó, hoặc do họ đã tự lên kế hoạch như vậy hoặc do họ không chú ý đến kế hoạch tài chính hay chiến lược kết thúc của mình.

Nhìn lại những con số thống kê này, vấn đề là bạn muốn hay dự định mình sẽ thuộc nhóm nào khi đến tuổi 65? Người bố nghèo của tôi, dù có học vấn cao và làm việc tích cực, vẫn tiếp tục quay lại trường để học thêm những bậc học cao hơn và vẫn nằm trong nhóm phân loại tài chính thấp nhất cho đến tận những phút cuối đời. Trái lại, người bố giàu lại vượt rất xa trong biểu đồ phân loại tài chính này. Dù cả hai người ít nhiều đều bắt đầu từ hai bàn tay trắng nhưng họ đã có những kế hoạch và chiến lược kết thúc khác nhau. Một người lên kế hoạch để giàu có còn người kia lên kế hoạch để về hưu trong sự nghèo khổ. Dù cả hai người đều vẫn còn làm việc ở tuổi 65 nhưng sự khác biệt là một người phải làm việc kiếm sống còn người kia làm việc vì ông yêu thích công việc của mình.

MỤC ĐÍCH CỦA CHIẾN LƯỢC KẾT THÚC LÀ GÌ?

Sau khi xem lại những con số thống kê của chính phủ, tôi nhận thấy để có được một biểu đồ đắc dụng hơn nhằm xác định chiến lược kết thúc tài chính của một người, ta cần có những cột mốc rõ ràng hơn. Tôi đã thêm vào những số liệu, thống kê này các mức phân biệt theo đồng đôla dựa trên giá trị đôla vào năm 2000. Giả sử tuổi về hưu là 65 tuổi, khi đó số thu nhập khi người ta không còn làm việc nữa sẽ được phân nhóm như sau:

Nghèo                Dưới 25.000$ một năm

Trung lưu           Từ 25.000$ đến 100.000$ một năm

Khá giả                  Từ 100.000$ đến 1 triệu đôla một năm

Giàu                       Hơn 1 triệu đôla một năm

Cực giàu                  Hơn 1 triệu đôla một tháng

Một thực tế không vui là chỉ có 1 trên 100 người Mỹ đạt từ mức khá giả trở lên khi đã về hưu. Như số liệu thống kê của bộ Y tế Giáo dục Mỹ, có thể 36 trong số 100 người sẽ chết, kết thúc cuộc đời mình trước khi kịp kết thúc những tháng năm lao động. Như vậy có nghĩa là 59 trên 64 người còn lại sẽ ở dưới mức khá giả và chỉ có 5 người vượt qua mức này. Điều đó một phần là do họ đã làm theo một kế hoạch tài chính chậm chạp không xác định rõ chiến lược kết thúc.

Trong những cuộc hội thảo về vấn đề đầu tư, tôi thường hỏi các nhà đầu tư rằng: “Khi không còn làm việc nữa thì các anh muốn mình thuộc nhóm nào?” Câu hỏi đó ngụ ý rằng: “Chỉ tiêu khi kết thúc của các anh là bao nhiêu?” Tôi cảm thấy rất thú vị khi hầu hết mọi người đều vui vẻ chọn nhóm kết thúc trung lưu. Khi đó tôi nói tiếp: “Nếu các anh hài lòng với điều đó thì hãy tiếp tục chuyến xe chậm chạp của mình”. Tôi giải thích thêm với họ: “Chuyến xe chậm sẽ đưa các anh theo con đường đi tìm một công việc ổn định, làm việc chăm chỉ, sống tiện tặn, tiết kiệm tiền và đầu tư dài hạn”.

Khi người ta hỏi tôi: “Vậy tôi có thể đạt đến mức khá giả bằng chuyến xe chậm đó không?” câu trả lời của tôi là “Có thể, bằng một công việc ổn định với một số lương cao, nhưng anh phải bắt đầu đầu tư từ khi còn trẻ, phải sống thanh đạm, phải đầu tư phần lớn thu nhập của mình trong điều kiện thị trường không sụp đổ và phải sẵn sàng về hưu sau tuổi 55”. Tôi còn nói với họ: “Có một cái giá phải trả khi sử dụng

kế hoạch của những công việc ổn định và một cuộc sống tằn tiện, đó là sự khó khăn khi muốn đạt đến mức giàu và cực giàu với một kế hoạch bảo thủ như thế”. Nếu tất cả những gì bạn muốn là về hưu như một người trung lưu thì bạn không cần đọc cuốn sách này làm gì nữa. Có rất nhiều cuốn sách khác viết cho những tầm mức đó hay viết cho những người với phạm vi bối cảnh thực tế như vậy.

CHUYẾN TÀU TỐC HÀNH

Nếu bạn cũng bắt đầu cuộc sống bằng hai bàn tay trắng như tôi và cũng muốn về hưu sớm ở mức giàu hay cực giàu, gần như chắc chắn là bạn phải từ bỏ các công việc ổn định để đi theo những chuyến tàu tốc hành. Để theo được chuyến tàu này, một người cần phải có một đầu óc phóng khoáng, những ý tưởng nhanh nhạy, một kiến thức kinh doanh và đầu tư tốt cùng với một kế hoạch chớp nhoáng. Nói cách khác, những con người này phải biết xoay sở trong một phạm vi bối cảnh về tinh thần khác với số đông còn lại. Những người sử dụng kế hoạch của những công việc ổn định và đầu tư dài hạn để đạt mức khá giả thường không có được nội dung, bối cảnh và năng lực xử lý những sự khắc nghiệt của mức giàu và cực giàu, cũng có thể nói là họ không có được những yêu cầu cần thiết về nhận thức của tầm mức giàu và cực giàu. Người bố giàu của tôi đã nói: “Giàu không chỉ là có nhiều tiền bạc mà còn phải biết quản lý tiền bạc nữa”.

Tôi và Kim, vợ tôi, đã quyết định sẽ thoát khỏi vòng Rat Race của cuộc đời ở mức khá giả. Đó là mục đích của chúng tôi. Khi đã quyết định được mục đích của mình rồi thì vào năm 1985, chúng tôi mới quay lại phát triển kế hoạch kết thúc và kế hoạch đầu tư. Sau đó chúng tôi mới vạch ra kế hoạch tiến hành. Một khi đã có kế hoạch kết thúc, chúng tôi biết mình cần phải làm gì và sẽ phải bắt đầu từ đâu. Chúng tôi đã bước lên chuyến tàu tốc hành để xây dựng một doanh nghiệp và đầu tư bất động sản. Như thế có nghĩa là bạn phải bỏ ra vài buổi cuối tuần không đi chơi và xem TV ít thôi. Như thế cũng có nghĩa là bạn bè và người thân của bạn sẽ hỏi: “Sao anh không đi kiếm việc làm?” hay “Sao anh phải vất vả thế?”

Một công việc vất vả không ổn định cùng một thời gian biểu khắc nghiệt là cái giá phải trả cho chuyến tàu tốc hành. Chúng tôi đạt được mục đích nhờ những tài sản đầu tư khi Kim 37 còn tôi 47 tuổi. Chúng tôi đã mất 9 năm kể từ khi lập ra kế hoạch cho đến khi đạt được mục đích của mình. Chúng tôi lên kế hoạch vào năm 1985 và kết thúc vào năm 1994. Năm 1985, chúng tôi đã chọn một kế hoạch có thể nhanh chóng đưa mình lên mức khá giả cũng như có thể đem đến cho mình những hiểu biết và kinh nghiệm cần thiết để đủ khả năng đạt đến mức giàu và cực giàu. Có một từ then chốt ở đây là “đủ khả năng”, tôi sẽ giải thích sau trong chương này và những

chương kế tiếp.

Vì nguồn vốn đầu tư đã đem đến cho chúng tôi hơn 100.000$ thu nhập thụ động mỗi năm nên chúng tôi có thể chuyển sang mức giàu một cách đơn giản nhờ có được thời gian, tiền bạc và những năng lực cơ bản. Chúng tôi đi từ mức khá giả lên giàu trong vòng 5 năm. Trạm dừng kế tiếp là mức thu nhập thặng dư cực giàu. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, điều đó sẽ mất thêm 3 năm nữa.

Trên lý thuyết, kế hoạch cơ bản xuyên suốt các tầm mức này khá giản dị. Tất cả chỉ là xây dựng doanh nghiệp và đầu tư vào bất động sản. Đến nay chúng tôi vẫn đang tiếp tục thành lập doanh nghiệp và khai thác bất động sản. Dù kế hoạch này không có gì thay đổi nhưng hiểu biết và kinh nghiệm của chúng tôi thì tăng lên rất nhiều. Chính điều đó đã giúp chúng tôi đẩy nhanh tốc độ xây dựng doanh nghiệp và mua bất động sản. Chúng tôi phạm sai lầm, sửa chữa và rút kinh nghiệm. Với cách học này, chúng tôi đã thay đổi được phạm vi bối cảnh và nội dung hay kiến thức của mình, khả năng quản lý cùng tốc độ xử lý các dự án và những số tiền ngày càng lớn hơn. Nhờ đi trên chuyến tàu tốc hành, chúng tôi có được những năng lực tài chính khác hơn những năng lực có được khi đạt đến mức khá giả bằng những chuyến tàu chậm.

Chúng tôi bắt đầu một cách chậm chạp nhưng đã gặt hái được nhiều hiểu biết, kinh nghiệm và có được những người bạn cùng chí hướng. Khi tiến hành kế hoạch, chúng tôi biết rằng bối cảnh, nội dung và năng lực của mình cùng tốc độ xây dựng doanh nghiệp hay tốc độ thu mua bất động sản tạo ra thu nhập đang ngày càng tăng lên. Khi những người cùng thế hệ chúng tôi đạt đến những năm tháng thu nhập đỉnh điểm thì tiềm năng thu nhập của chúng tôi chỉ mới bắt đầu cất cánh. Khi họ đang hài lòng với số tiền từ 80.000$ đến 350.000$ một năm, thu nhập của vợ chồng tôi chỉ mới bắt đầu nơi sân ga của chuyến tàu tốc hành. Nhưng vấn đề là chúng tôi làm việc ngày càng ít hơn và kiếm được ngày càng nhiều tiền hơn. Mọi thứ đang theo đúng kế hoạch.

Những năm 1960 khi tôi còn học trung học, người bố nghèo của tôi kiếm được nhiều tiền hơn người bố giàu. Nhưng khi tôi lên đại học thì người bố giàu lại kiếm tiền nhiều gấp mấy mươi lần người bố nghèo, dù người bố nghèo của tôi đang ở vào những năm tháng thu nhập đỉnh điểm. Khi hai người bố vào tuổi lục tuần, người bố nghèo của tôi chỉ còn đang thoi thóp tồn tại về mặt tài chính. Nếu không nhờ Bảo hiểm Y tế Xã hội hẳn ông đã cùng đám trẻ chúng tôi ra đường ở rồi.

Cùng lúc đó, giá trị tài sản của người bố giàu đang xấp xỉ 150 triệu đôla và vẫn tiếp tục tăng lên. Năm 65 tuổi, số tiền ông kiếm được trong một năm còn nhiều hơn cả số tiền người bố nghèo kiếm được trong suốt đời làm việc. Cuộc đời của hai người đi

theo hai kế hoạch khác nhau. Như cựu Bộ trưởng Bộ Lao động Robert Reich đã nói: “Có hai khuynh hướng đang nổi bật dần, khuynh hướng nhanh và khuynh hướng chậm, cùng với sự thiếu vắng những cấp bậc tiệm tiến giữa hai khuynh hướng này”.

2. Kiến tạo một kế hoạch cho riêng mình

Khoảng 90% dân số làm theo cùng một kế hoạch. Chính vì vậy mà 99% dân số kết thúc dưới mức khá giả. Có những người đã rất cố gắng và đạt đến mức khá giả hay mức giàu, nhưng họ không thể biến những kế hoạch của mình thành sự thực.

Tôi nhấn mạnh tầm quan trộng của việc kiến tạo một kế hoạch cho riêng bạn vì mỗi người chúng ta đều phải nghĩ đến những điểm mạnh và điểm yếu, những hy vọng và khao khát của mình. Tôi biết tôi phải tạo ra kế hoạch của riêng mình vì tôi không có sự khôn ngoan sách vở như người bố nghèo. Tôi khôn ngoan trong những lĩnh vực khác chứ không phải những lĩnh vực được hệ thống giáo dục xem là khôn ngoan. Một trong những bước đầu tiên để lập nên kế hoạch của riêng mình là hãy tìm hiểu xem thiên tài bẩm sinh của bạn là gì và bạn có thể học hỏi một cách tốt nhất như thế nào.

Trong cuốn “Dạy con làm giàu” – tập 4, tôi viết về 7 tài năng thiên bẩm và 4 cách học khác nhau. Hệ thống giáo dục hiện tại của chúng ta chỉ nhận biết được một cách học và một tài năng, đó là tài năng của ngôn ngữ nói và khả năng đọc viết. Người bố nghèo luôn giúp tôi tìm kiếm những khả năng và những cách học của riêng mình dù chúng không được Bộ Giáo dục công nhận. Ngày nay tôi kiếm tiền được không phải nhờ những điều đã học ở trường mà nhờ những điều đã học qua các kế hoạch của chính mình.

Dù không có con hay không còn đi học nữa, bạn vẫn có thể tự tìm ra những tài năng bẩm sinh và những cách học riêng cho mình. Đó là một phần rất quan trọng trong kế hoạch về hưu sớm trong sự giàu có.

TỪ BỎ NHỮNG CÔNG VIỆC ỔN ĐỊNH

Tôi còn nhớ rõ ngày tôi và Larry rời công ty Xerox vào cuối những năm 1970. Đó là công việc bình thường cuối cùng của tôi. Hai mươi năm sau, nhiều đồng nghiệp của tôi ở Xerox bắt đầu lo lắng vì sự suy sụp do những thách thức về vấn đề kỹ thuật và tài chính của công ty này. Khoảng trống hai mươi năm được mở rộng hơn không chỉ về tiền bạc. Đó là khoảng trống của hai nhận thức cũ và mới.

SỰ THAY ĐỔI BỐI CẢNH

Tôi viết đoạn trên không phải để tự khen mình mà là để minh họa cho những bối cảnh thay đổi chỉ trong vòng hai mươi năm. Hai mươi năm trước, điều khôn ngoan là tìm một công việc và leo lên bậc thang thăng tiến. Tôi còn nhớ người ta không hiểu vì sao tôi và Larry lại từ bỏ cơ hội sự nghiệp với một công ty lớn như vậy. Khi đó cả hai chúng tôi đều đang là những nhân vật số một trong bộ phận kinh doanh của công ty ở nhiều khu vực khác nhau, công ty vẫn đang lớn mạnh và tương lai của chúng tôi rất tươi dẹp. Hành động như thế không chỉ quá điên rồ trong một kỷ nguyên kinh tế như vậy, mà ý tưởng từ bỏ một công việc lương cao còn là một chuyện không thể chấp nhận được. Người ta chỉ chấp nhận phải tiếp tục làm việc để tiếp tục được thăng tiến, để một ngày nào đó được trở thành quản lý hay phó giám đốc một khu vực nào đó.

Khi tôi nói với những thanh niên sinh sau năm 1975 về chuyện chúng tôi nghỉ việc ở Xerox, rất nhiều người đồng ý và không muốn leo lên bậc thang thăng tiến. Đối với họ, điều cần làm chỉ là bắt đầu một công ty riêng, quảng bá nó, sau đó thì nghỉ hưu sớm hoặc lấy lại công ty đó. Sự thay đổi bối cảnh sau 20 năm là rất lớn. Có những người thế hệ chúng tôi thậm chí không biết IPO (initial public offering) là gì nhưng con cái họ lại biết. Bọn trẻ nói chuyện về việc trở thành doanh nhân hay làm việc với những doanh nhân sẽ quảng bá cho công ty của chúng. Chúng muốn đi theo con đường làm giàu nhanh chóng chứ không muốn bị kẹt cứng trong con đường Rat Race của bố mẹ, con đường mà cuối cùng sẽ đưa hàng triệu triệu người đang làm việc vất vả trong thế hệ của tôi đến những năm tháng cuối đời sống trong nghèo khó.

BẠN ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?

Tôi có những người bạn rất ghét sự thay đổi thường xuyên trong lĩnh vực thời trang, âm nhạc và công nghệ. Họ không ưa nhạc rap, không thích những công việc kinh doanh trên mạng và cảm thấy hài lòng khi những doanh nghiệp này bị thất bại. Trong số họ vẫn có những người tiếp tục tin vào sự ổn định công việc, bảo hiểm y tế xã hội và tất cả những ý tưởng hứa hẹn của thời đại Công nghiệp.

Có những người chống lại sự thay đổi, có những người lại từ chối và tránh né nó. Một số người chủ động tìm kiếm những công việc không bị ảnh hưởng hay không bị đe dọa bởi công nghệ mạng toàn cầu. Tôi có một người bạn làm giáo viên. Anh ta chọn công việc này không phải vì thích đi dạy mà vì muốn tránh né sự thay đổi liên tục trên thế giới. Anh ta muốn có một công việc bảo đảm và không có nguy cơ bị sa thải. Hệ thống giáo dục chính là một nơi tuyệt vời để tránh né một thế giới hay thay đổi.

Một người bạn khác của tôi mua một doanh nghiệp mà không bao giờ phải chịu

ảnh hưởng của Internet. Cô nói: “Tôi lớn tuổi rồi, không đủ sức để học hỏi những công chuyện kinh doanh trên mạng nữa. Do đó tôi muốn có một doanh nghiệp không bị ảnh hưởng của Internet. Tôi không có nhiều tiền để về hưu nên kế hoạch của tôi là làm việc cho đến khi không còn làm việc được nữa”.

Những ví dụ trên cho thấy nhận thức hay phạm vi bối cảnh của những con người này đã không thay đổi với thời gian. Gần như chắc chắn là họ sẽ bị tụt hậu lại đằng sau khoảng cách ngày càng lớn giữa giai cấp trung lưu và những người giàu có. Con tàu đang rời bến để đến vùng đất hứa với nhiều cơ hội lớn hơn vá thịnh vượng hơn. Thế nhưng nhiều người vẫn chọn ở lại, đơn giản vì họ không thể thay đổi bối cảnh tinh thần của họ được. Họ bị kẹt lại trong lúc thời gian vẫn trôi đi.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THẤY TRƯỚC TƯƠNG LAI?

Trên chuyến bay từ London đến New York, tôi ngồi kế một ủy viên quản trị cấp cao của hãng IBM. Sau khi làm quen với nhau, tôi hỏi anh ta chuẩn bị cho tương lai như thế nào? Anh ta trả lời: “Sai lầm mà người lớn thường phạm phải khi nhìn vào tương lai là họ nhìn tương lai bằng chính đôi mắt của họ. Đó là lý do tại sao rất nhiều người lớn không thể thấy được những thay đổi sắp đến. Nếu bạn muốn biết thế giới sẽ như thế nào sau mười năm nữa, hãy nhìn một đứa trẻ 15 tuổi. Hãy quan sát thế giới qua đôi mắt của chúng và bạn sẽ nhìn thấy tương lai”.

“Nếu có thể nhìn thế giới từ quan điểm của một người trẻ tuổi, bạn sẽ thấy một thế giới lớn hơn nhiều, một thế giới đầy thay đổi và rất nhiều cơ hội sắp đến. Có những cơ hội kinh doanh đầu tư sẽ mang đến cho bạn sự thịnh vượng còn hơn cả cơ đồ của Henry Ford, John D. Rockefeller, Bill Gates và những người sáng lập Yahoo, AOL hay Netscape”.

Tôi hỏi: “Và sẽ có những thiếu niên trung học trở thành các tỷ phú chứ?”

Anh ta trả lời: “Chắc chắn như vậy”.

Nếu hôm nay bạn chưa làm giàu được vì đã lỡ chuyến tàu thì đừng quá lo lắng, một chiếc tàu khác đến vùng đất của cơ hội và sự giàu có đang sắp sửa khởi hành, vấn đề là bạn có lên tàu hay không?

LỊCH SỬ LẶP LẠI

Một trong những môn học ưa thích của tôi khi còn đi học là môn Kinh tế học và Lịch sử Kinh tế. Môn Lịch sử Kinh tế thường liên quan đến những nhà kinh tế hàng

đầu ở các thời đại như Adam Smith, David Ricardo, Thomas Malthus, và John Maynard Keynes. Những câu chuyện về cuộc đời và cách nhìn thế giới trong thời đại của họ là những nghiên cứu rất thú vị về sự phát triển của nhân loại, công nghệ và kinh tế.

Có một giai đoạn lịch sử kinh tế được đặt tên theo một nhóm người gọi là Luddites. Luddites là những người liên kết với nhau để tấn công và đập phá các nhà máy và máy móc chỉ vì họ sợ mất việc. Ngày nay, một người được gọi là Luddite là một người đả kích hay bị đe dọa bởi những thay đổi về công nghệ, hoặc họ hy vọng những thay đổi này sẽ biến mất và trả thế giới lại như cũ. Khi những người Luddites ban đầu không còn nữa thì những người Luddites hiện đại lại thay thế. Lịch sử đã lặp lại.

BẠN CÓ BỊ ĐÓNG BĂNG THỜI GIAN KHÔNG?

Rất nhiều người trong chúng ta đã từng xem những chương trình trang điểm trên TV, trong đó người dẫn chương trình chọn một người ăn mặc rất kinh dị và biến người đó từ một kẻ lang thang thành một nhà quý tộc. Một nhóm Các nhà làm tóc, tạo mẫu, tạo dáng xúm vào con người thảm họa thời trang này và biến anh ta thành một điều kỳ diệu. Một số thay đổi thực sự đáng kinh ngạc và một số thậm chí có thể thay đổi cả cuộc đời.

Tôi có một người bạn là một trong những nhà tạo dáng hàng đầu thế giới. Công việc của anh ta là chải chuốt và cải thiện bề ngoài cho những người giàu có. Anh ta là một trong những người tôi đã trả công để cải thiện hình dáng bên ngoài cho tôi. Một trong những lý do tôi trả công cho người khác để họ lựa chọn quần áo và cắt tóc cho mình là vì tôi không muốn bị đóng băng thời gian. Thay vì thế, tôi muốn được đi cùng thời đại, đồng bộ với những thay đổi về nội dung bối cảnh và ăn mặc phù hợp với những thay đổi thời trang mà không bị đóng băng với những thời gian đã trôi qua trong quá khứ.

Robert, nhà tạo dáng chuyên nghiệp này, có lần đã nói với tôi: “Một người thường bị đóng băng thời gian khi họ đang vui hưởng cuộc sống nhất. Đó có thể là giai đoạn mà họ cảm thấy thành công nhất, vui vẻ nhất, sống động nhất, hưng phấn nhất hay đại loại như thế. Đó là lý do tại sao đôi khi anh gặp một số người ở tuổi tôi mà vẫn còn trông như những gã hippy”.

Khi nhìn thấy một người mặc đồng phục trung học dù đã tốt nghiệp lâu rồi, hãy hiểu rằng đó cũng là một niềm khát khao thể hiện qua y phục của họ. Một ví dụ khác của việc đóng băng thời gian là khi một người trở nên lớn tuổi, anh ta bắt đầu cư xử,

ăn mặc ngày càng giống bố mẹ mình. Trái lại, có những người lại thích mặc những thứ quần áo như con nít để trông mình trẻ hơn hay để có cảm giác được quay lại với khoảng thời gian khi mình còn trẻ. Những người này đã bị kẹt lại trong quá khứ mà không thay đổi theo thời gian. Điều đó thể hiện qua cách ăn mặc của họ. Thực sự đó không chỉ là vấn đề quần áo mà là họ đã bị đóng băng trong một bối cảnh nào đó. Và thường thì khi càng lớn tuổi, họ càng trở nên cứng nhắc và kém linh động hơn.

TẠI SAO BẠN KHÔNG MUỐN KẸT LẠI VỚI QUÁ KHỨ?

Chúng ta đã thấy có nhiều người đua đòi chạy theo mốt và nhiều người quá cổ lỗ sĩ. Nhưng đó không phải là điều tôi muốn nói. Lý do tôi khuyên bạn hãy ăn mặc theo đúng thời trang là vì như thế, bạn sẽ được đồng bộ với thời gian. Nếu bạn không tiến lên phía trước thì bạn sẽ bị tụt lại đằng sau.

Nếu bạn đang ở trong quá khứ, khi đó bạn sẽ có khuynh hướng muốn làm hay muốn đầu tư vào một điều gì đó trong quá khứ trước nữa. Sự đầu tư khi thời gian đã trôi qua là sự đầu tư sẽ khiến bạn đi xuống chứ không giúp bạn giàu lên. Người ta mua những đầu tư như thế là vì họ còn đang bị kẹt lại trong quá khứ.

NHỮNG ĐIỀU SẼ XẢY RA

Nếu muốn về hưu sớm trong sự giàu có, bạn cần phải đầu tư vào những điều sẽ xảy ra chứ không phải là những điều đã xảy ra rồi. Trong thế giới đầu tư, câu nói “nhanh chân lẹ tay” là hoàn toàn đúng đắn.

THẤY TRƯỚC TƯƠNG LAI, BẠN SẼ GIÀU CÓ

Người bố giàu thường bảo chúng tôi: “Nếu muốn làm giàu, con cần phải mở rộng tầm nhìn của mình. Con phải biết đứng ở hiện tại mà nhìn về tương lai”. Người bố giàu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện làm thế nào mà John D. Rockefeller trở nên giàu có, đó là vì ông ấy đã nhìn thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của dầu nhớt khi nhu cầu xe cộ ngày càng gia tăng. Ông cũng nhắc lại làm thế nào Henry Ford thấy được sự khao khát có xe hơi riêng của những người trung lưu vào thời điểm mà một chiếc xe hơi chỉ có người giàu mới mua nổi. Gần đây hơn, Bill Gates đã trở thành tỷ phú nhờ thấy được sự phát triển của máy tính cá nhân trong khi những con người khôn ngoan và đầy kinh nghiệm ở IBM nói rằng tương lai nằm ở những chiếc máy mainframe khổng lồ. Những người đầy kinh nghiệm ở IBM không nghĩ như Henry Ford và vì thế họ đã đánh mất tương lai của IBM vào tay Microsoft. Nếu là một nhà

đầu tư ở IBM, hẳn tôi sẽ sa thải các bậc thông thái này và bắt họ trả tiền lương lại. Nhưng thay vì vậy, họ lại nhận được tiền thưởng còn các nhà đầu tư thì bị đánh mất tương lai. Nhờ thấy trước tương lai nên những người trẻ tuổi thành lập Yahoo, Netscape, AOL và chủ nhân những công ty Internet lớn khác đã trở thành tỷ phú trước khi tốt nghiệp đại học.

Nếu đã lỡ chuyến tàu đến những vùng đất dầu mỏ, thế hệ máy tính hay thời đại Internet thì bạn cũng đừng lo, hãy còn những chuyến tàu khác đang chuẩn bị khởi hành. Nhưng nếu để bị kẹt trong quá khứ thì rất có khả năng bạn sẽ tiếp tục bị lỡ tàu hay tệ hại hơn là đáp phải chiếc tậu Titanic chỉ vì nó to lớn và an toàn, nhất là trong thế giới ngày nay, một thế giới thay đổi liên tục.

Trong phim “Top Gun”, có một câu nói kinh điển mà tất cả các phi công chiến đấu đều nói: “Nổ súng!” Nếu đã xem bộ phim, bạn sẽ nhớ lại khoảng thời gian để nổ súng vào máy bay địch chỉ được tính bằng giây. Nếu chờ quá lâu hay không kịp chuẩn bị, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội. Đối với thế giới tiền bạc cũng thế, cánh cửa cơ hội rất nhỏ hẹp. Nếu bạn bị đóng băng thời gian hay kẹt trong quá khứ, ăn mặc như bố mẹ bạn, không được chuẩn bị, thiếu những kỹ năng kinh doanh và đầu tư cần thiết, bạn cũng sẽ không bao giờ thấy được cơ hội. Bạn sẽ không chỉ bỏ qua cánh cửa cơ hội mà còn chụp phải những cơ hội đã bị đóng băng thời gian và sẽ không đi đến đâu cả.

Năm 1999, một người bạn đến nói với tôi: “Tôi đã nghe theo lời khuyên của anh và đầu tư vào một bất động sản cho thuê. Tôi đã mua một căn nhà đôi giá 150.000$ ở gần đây. Đó là một sự khởi đầu tốt đẹp, đúng không nào?”

Tôi đã thật lòng chúc mừng anh ta về điều đó. Đó là một khởi đầu tốt đẹp dù anh ta đã nổ súng quá trễ. Và một khởi đầu tốt đẹp dù trễ thì vẫn tốt hơn không có sự bắt đầu nào cả. Đó là một sự khởi đầu tốt đẹp vì nếu có mất tiền thì ít ra anh ta cũng sẽ có được một hiểu biết và bài học kinh nghiệm vô giá.

Dù sao thì anh ta cũng đã không nổ súng vào đúng thời điểm. Tôi nói như thế vì tôi và Kim đã bắt đầu phát súng đầu tiên từ những năm 1989 đến 1994. Chúng tôi đã đầu tư vào một thị trường đang xuống giá. Lúc đó tôi rủ anh ta cùng đầu tư nhưng anh ta nói: “Không, như thế quá mạo hiểm, có thể tôi sẽ bị mất việc. Anh cũng biết là hiện nay người ta đang giảm biên chế rất nhiều người. Ngoài ra, giá bất động sản đang quá thấp và có khả năng còn giảm nữa. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng tiếp tục xuống và nếu nền kinh tế của chúng ta bị đình trệ?”

Cánh cửa cơ hội đã mở ra và đã đóng lại. Mười năm sau, khi giá bất động sản lên đến đỉnh điểm và thị trường chứng khoán bắt đầu chao đảo thì bạn tôi nhận ra là anh ta cần phải nổ súng. Bây giờ anh ta bắn vào một mục tiêu cũ và không đi đến đâu

cả, cũng như anh ta vậy. Anh ta đã bị đóng băng thời gian và bắn vào một mục tiêu cũng đóng băng thời gian. Ít nhất thì anh ta cũng bắt đầu một điều gì đó nhưng tôi chỉ e là anh ta sẽ phải trả một cái giá đắt. Cái giá đó có khi còn cao hơn cả căn nhà đôi của anh ta, một tài sản đem lại cho anh rất ít tiền trong lưu lượng tiền mặt và sẽ bị đánh giá giá trị không cao. Nhưng cuối cùng thì anh ta cũng đã nổ súng, dù là vào một mục tiêu đã lỗi thời. Tôi rất tự hào vì bạn tôi đã bước bước đầu tiên, bước đầu tiên tách khỏi bước chân của bố mẹ anh thời thời đại Công nghiệp.

Tôi và Kim vẫn đang đầu tư vào kinh doanh và bất động sản. Sự khác biệt là hiện nay chúng tôi đang trông chờ các mục tiêu cơ hội sẽ được phát triển trong tương lai chứ không phải trong quá khứ. Đó là lý do tại sao bạn cần phải đồng bộ với tương lai và chuẩn bị nổ súng khi cánh cửa cơ hội mở ra như vào những năm 1989 và 1993, những năm tháng mà cánh cửa cơ hội mở ra với cả bất động sản và chứng khoán. Như tôi đã viết, vào năm 2001, thị trường chứng khoán sụp đổ. Còn nhớ vào năm 1929, thị trường chứng khoán giảm xuống chỉ còn 42 xu. Sự suy sụp diễn ra một lần nữa. Bạn tôi bắt đầu kinh hoàng. Anh ta nhận ra là đã bỏ quá nhiều tiền vào căn hộ đôi của mình. Nhưng riêng với tôi thì những cánh cửa đang chuẩn bị mở ra một lần nữa.

Trong những cuộc hội thảo đầu tư, đôi khi tôi nhờ Kim nói về những kinh nghiệm đầu tư của cô. Kim thường nói chúng tôi bắt đầu việc đầu tư vào năm 1989 và chấm dứt việc mua sắm vào năm 1994. Sau đó cô nói thêm là từ năm 1985 đến 1989, theo kế hoạch của chúng tôi, đó là giai đoạn chuẩn bị để đầu tư. Trong thời gian đó, chúng tôi xây dựng doanh nghiệp và nghiên cứu việc đầu tư bất động sản. Với những ai còn nhớ, thời gian giữa những năm 1985 và 1989 là giai đoạn mà giá bất động sản tăng cao. Lúc đó tôi và Kim còn đang chuẩn bị “nổ súng” khi cánh cửa cơ hội mở ra. Khi nó mở ra, anh bạn tôi kinh hoàng còn chúng tôi thì bắt đầu việc thu mua. Kế hoạch của bạn tôi đã không chuẩn bị cho điều đó. Đến nay thì anh ta đã trễ bữa tiệc, đầu tư vào những gì quá đắt đỏ và tệ nhất là anh ta vẫn không chuẩn bị cho những điều sắp đến. Dù trẻ hơn tôi nhưng anh ta lại ăn mặc như một ông già và cũng đầu tư như một ông già.

Trong bóng đá, một tiền vệ giỏi là người có thể chuyền banh đến một vị trí không có người nhận. Nói đúng hơn, người tiền vệ phải thấy được người nhận banh sẽ đi đến đâu và chuyền trái banh đến đó, dù vào lúc anh ta chuyền banh thì người nhận banh còn chưa đến đúng vị trí. Nếu người tiền vệ có thể đều đặn làm được điều đó thì anh ta sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Tương tự, một cầu thủ phải biết đá trái banh đến điểm mà thủ môn đối phương không có mặt. Một người muốn về hưu sớm trong sự giàu có cũng phải làm như thế. Anh ta phải biết lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng chụp lấy cơ hội khi nó còn chưa đến. Đó là lý do tại sao việc đi cùng thời gian hiện tại và thấy trước tương lai là một điều rất quan trọng.

MỘT KẾ HOẠCH CHO TƯƠNG LAI

Nếu bạn thực sự muốn về hưu sớm trong sự giàu có, bạn cần phải có một kế hoạch cho tương lai, một tương lai chưa từng tồn tại. Cũng như John D. Rockefeller chuẩn bị cho tương lai của công nghệ xe hơi, Bill Gates và Michael Dell sẵn sàng cho kỷ nguyên máy tính, bạn cũng phải chuẩn bị cho những cơ hội trong tương lai. Nếu không, bạn sẽ bỏ tiền vào những đầu tư trong quá khứ. Và những đầu tư trong quá khứ thường không có tương lai.

BẠN NHÌN TƯƠNG LAI NHƯ THẾ NÀO?

Để về hưu sớm trong sự giàu có, có thể bạn sẽ cần được rèn luyện một chút cho tương lai, một tương lai chưa từng hiện hữu. Như người ủy viên quản trị IBM đã nói với tôi: “Sai lầm mà người lớn thường phạm phải khi nhìn vào tương lai là họ nhìn tương lai bằng chính đôi mắt của họ. Đó là lý do tại sao nhiều người lớn không thể thấy được những thay đổi sắp đến”. Có thể IBM đã học được bài học mà Bill Gates đã dạy. Bài học đó là nếu muốn thấy được tương lai, bạn phải biết nhìn bằng một đôi mắt trẻ hơn. Cách nhìn của bạn với những thay đổi về thời trang, âm nhạc và công nghệ sẽ phản ánh cách suy nghĩ và độ linh hoạt của tinh thần bạn. Nếu vẫn còn bị kẹt trong quá khứ hay không thể đồng bộ với hiện tại, rất có thể bạn sẽ bỏ lỡ tương lai.

Một cách khác để nhìn vào tương lai là nghiên cứu quá khứ. Thực tế đối với tôi, lịch sử có khuynh hướng lặp lại chính nó dù không hoàn toàn chính xác như vậy. Nhiều người trưởng thành đã bỏ lỡ tương lai chỉ vì trong kế hoạch của họ không có chỗ nào dành cho quá khứ.

Vào năm 1998, tôi nói chuyện với một phóng viên trẻ mới tốt nghiệp ở San Francisco. Khi tôi nói những dạng quỹ hỗ tương rất mạo hiểm và tôi có thể thấy một trận sụp đổ sắp đến thì cô ta nổi giận. Cô lập lại những ý tưởng mà nhà môi giới chứng khoán của cô đã nói: “Tôi đang đầu tư vào một quỹ hỗ tương được xếp hạng đứng đầu trong ba năm qua. Nó đang tăng lên trung bình 25 xu một năm. Dù có lúc lên lúc xuống nhưng thị trường chứng khoán vẫn là nơi đầu tư tốt nhất, ví dụ như tính đến năm 1987, thị trường đã liên tục tăng giá trong suốt 40 năm”. Cô phóng viên này không bao giờ đăng báo cuộc phỏng vấn với tôi vì những quan điểm của tôi không phù hợp với cách nhìn của cô về tương lai. Nhưng đến hôm nay thì quỹ hỗ tương của cô đã giảm xuống hơn 50%.

Dù thực tế những số liệu của cô rất chính xác nhưng vấn đề là các số liệu này

hãy còn quá mới. Nếu có hiểu biết về lịch sử thị trường, hẳn cô ta sẽ biết rằng trung bình cứ mỗi 75 năm thì chúng ta bị suy sụp một lần. Dù điều này không có nghĩa là chúng ta luôn luôn bị sụy sụp sau mỗi 75 năm nhưng một chút lịch sử cổ xưa đó cũng có thể giải thích tại sao thị trường lại tăng giá trong hơn 40 năm qua. Sau lần sụp đổ gần đây nhất vào năm 1929, thị trường mất khoảng 25 năm để khôi phục lại, từ năm 1929 đến 1955. Tôi nói chuyện với cô phóng viên này vào năm 1998, và như thế, thực sự là thị trường đã liên tục tăng giá trong hơn 40 năm qua. Nhưng cách nhìn tương lai của cô ta gặp trở ngại là ở chỗ nó không đủ xa để nhìn trọn quá khứ. Một trong những việc người bố giàu bắt tôi làm là phải đọc những cuốn sách về lịch sử kinh tế. Một cuốn sách hay mà tôi khuyên bạn nên tìm đọc là cuốn “Những triết gia thực dụng” của Robert Heilbroner. Đó là một cuốn sách tuyệt vời cho những ai muốn nhìn thấy tương lai bằng cách nghiên cứu quá khứ.

Khi dạy các lớp học đầu tư, tôi thường yêu cầu mọi người điền vào các bản báo cáo tài chính. Sau đó tôi bảo họ hãy nhìn lại quá khứ xem họ có thể thấy được tương lai của mình sẽ như thế nào hay không. Nếu họ không thích những gì họ đang thấy, những bản báo cáo tài chính đầy những món nợ xấu, những thu nhập xấu, những chi phí xấu, và những tiêu sản xấu; nếu đó là bức tranh tương lai mà bản báo cáo tài chính của họ đã vẽ ra, tôi thường khuyên họ hãy quăng đi các quần áo cũ, đổi mới tủ quần áo của mình cho hợp thời, tìm thêm những người bạn mới và bắt đầu nhìn ra tương lai. Nếu có thể thay đổi bối cảnh để trở nên hưng phấn hơn với những thời cơ trong tương lai, bạn sẽ có một cơ hội tốt để về hưu sớm trong sự giàu có.

Tôi luôn rất ngạc nhiên vì hầu hết mọi người đều cảm thấy việc lau dọn nhà cửa và đổi kiểu quần áo là rất khó khăn. Nhiều người ra ngoài mua đồ mới rồi lại trở về với các quần áo mới nhưng theo kiểu cũ, những kiểu quần áo tại mốc thời gian mà cuộc sống của họ đầy niềm vui và hứng thú hay thời gian mà họ cảm thấy mình thành công nhất. Có nhiều người rất sợ tương lai, kể cả khả năng một tương lai vui nhộn, tươi sáng và hào hứng, họ thà để bị kẹt trong quá khứ còn hơn.

Trong phần giới thiệu, tôi đã viết việc về hưu sớm trong sự giàu có là rất dễ dàng. Thế nhưng với nhiều người, việc tách rời quá khứ để can đảm bước đến một tương lai không chắc chắn còn khó hơn nhiều so với việc được giàu có và nghỉ hưu sớm. Hàng triệu người cảm thấy được an toàn và bảo đảm khi họ có thể giữ nguyên bối cảnh, quần áo và những bộ sưu tập của bố mẹ họ trong quá khứ. Đó là lý do tại sao 50% dân số về hưu ở ngay ranh giới của sự nghèo khó. Họ đi trên chuyến tàu chậm cho đến cuối đời mình, tất cả đều theo kế hoạch.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.