Dạy Con Làm Giàu – Tập 5

PHẦN I SỨC BẬT TRÍ NÃO – CHƯƠNG 1



Dạng sức bật quyền lực nhất mà chúng ta có chính là sức mạnh trí não. Tuy nhiên sức bật là con dao hai lưỡi, chúng có thể giúp chúng ta nhưng cũng có thể chống lại chúng ta. Nếu muốn nghỉ hưu sớm và giàu có, điều đầu tiên bạn phải làm là vận dụng sức bật trí não để làm giàu. Khi đề cập đến vấn đề tiền bạc, rất nhiều người đang sử dụng sức bật trí não của họ để làm cho chính họ bị nghèo đi.

Trong phần này, bạn sẽ biết làm thế nào để thay đổi tương lai tài chính của mình bằng việc thay đổi cách dùng từ và cách suy nghĩ.

Làm thế nào để trở nên giàu có và được nghỉ hưu sớm?

Sau đây là câu chuyện làm thế nào mà tôi cùng với Kim – vợ tôi và Larry – bạn thân nhất của tôi, bắt đầu cuộc hành trình từ bờ vực phá sản lên đến đỉnh cao giàu có, và được nghỉ hưu trong vòng chưa đến 10 năm. Khi bắt đầu, chúng tôi gần như không còn một xu nào trong túi, chúng tôi mất hết tự tin và lòng đầy những ngờ vực. Hầu hết mọi người đều hay nghi ngờ, nhưng sự khác biệt là chúng tôi đã làm gì với sự nghi ngờ đó.

CHUYẾN ĐI BẮT ĐẦU

Vào tháng 12 năm 1984, hai vợ chồng tôi và Larry Clark, người bạn thân nhất của tôi, đi trượt tuyết trên ngọn núi Whistler ở Vancouver, Columbia. Tuyết rất dày; quãng đường trượt rất xa và việc trượt tuyết rất tuyệt vời dù trời khá lạnh. Vào buổi tối, ba chúng tôi ngồi trong một căn nhà gỗ nhỏ quanh đống lửa hồng, chúng tôi lại bàn bạc về kế hoạch tương lai của mình. Chúng tôi đều có những hoài bão lớn nhưng có quá ít tiềm lực. Tôi và Kim đang phải dùng đến những đồng tiền cuối cùng, còn Larry thì đang bắt đầu một công việc kinh doanh mới.

Vào những ngày đầu năm, chúng tôi thường đặt ra một mục tiêu cho năm mới. Nhưng năm nay thì khác, Larry muốn chúng tôi xác định một mục tiêu để thay đổi cuộc sống thực tại. Anh nói: “Tại sao chúng ta không lên kế hoạch để cả ba chúng ta có thể hoàn toàn tự do về tài chính?”

“Tự do tài chính à?” tôi hỏi, và thấy giọng nói của mình đang trở nên yếu đuối, nghe như lạc di.

Larry nói: “Chúng ta đã nói về chuyện này nhiều rồi. Nhưng tôi nghĩ đã đến lúc cần phải ngừng bàn bạc thôi mơ mộng và bắt tay vào thực hiện. Chúng ta hãy viết nó ra và sẽ biết mình cần phải làm gì. Một khi đã viết ra rồi, chúng ta sẽ biết phải giúp đỡ nhau như thế nào trong chuyến đi này”.

Gần như đã hết sạch tiền, tôi và Kim đưa mắt nhìn nhau. Ánh sáng từ ngọn lửa soi rõ sự hoài nghi và không chắc chắn trên gương mặt chúng tôi. “Đó là một ý kiến hay nhưng tôi nghĩ tốt hơn là nên nghĩ xem làm thế nào để tồn tại được trong năm tới”. Tôi vừa ngưng sản xuất loại ví nylon có khóa dán. Sau khi doanh nghiệp này suy sụp vào năm 1979, tôi đã dành 5 năm kế tiếp để xây dựng lại nó và rồi lại bỏ đi. Tôi chỉ còn lại rất ít tài sản. Tôi đã làm công việc đó 8 năm và đã học được rất nhiều. Tôi học được cách xây dựng việc kinh doanh, cách phá hủy nó và cách xây đựng nó trở lại. Dù đã bỏ việc với rất ít tiền còn lại nhưng tôi đã có được một sở học và một vốn kinh nghiệm vô giá.

“Thôi nào”, Larry nói, “Hai bạn đang trở nên yếu đuối đấy. Thay vì xác định một mục tiêu đơn giản cho một năm, hãy xác định một mục tiêu lớn hơn cho nhiều năm. Chúng ta hãy đi tìm sự tự do tài chính”.

“Nhưng chúng tôi không có nhiều tiền”, tôi nhìn Kim, ánh mắt cô như cũng cùng ý nghĩ với tôi. “Anh biết là chúng tôi đang phẫi bắt đầu lại từ con số không. Hiện nay tất cả những gì chúng tôi mong muốn là có thể sống được trong 6 tháng hoặc 1 năm tới. Làm sao chúng tôi dám nghĩ đến sự tự do tài chính khi mà hiện giờ tôi chỉ đang nghĩ làm thế nào để tồn tại?” Một lần nữa tội lại bị sốc khi nghe giọng nói yếu ớt của mình. Lòng tự tin và nghị lực của tôi đã thực sự suy giảm.

“Như thế thậm chí còn tốt hơn. Cứ xem như mình đang có một sự khởi đầu mới”. Larry đã thực sự vào cuộc và anh ta sẽ không dừng lại.

“Nhưng làm thế nào chúng tôi có thể nghỉ hưu sớm trong khi không còn một đồng trong túi?” Tôi phản đối và có cảm giác giọng nói của mình ngày càng yếu ớt. Tôi cảm thấy mình thật nhu nhược và không muốn dính vào bất cứ chuyện gì tương tự. Tôi chỉ muốn có thể tồn tại trong một thời gian ngắn và không phải lo gì cho tương lai.

“Tôi không nói là chúng ta sẽ nghỉ hưu trong một năm tới”. Larry tỏ ra bực bội vì sự nhút nhát của tôi. “Tôi đang nói là chúng ta hãy lên kế hoạch cho việc nghỉ hưu của mình. Chúng ta hãy viết ra một mục tiêu, dựng nên một kế hoạch và tập trung vào ý tưởng đó. Hầu hết mọi người chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ hưu khi đã quá trễ, không thì họ cũng chỉ dự định nghỉ hưu vào năm 60 tuổi. Tôi không muốn như thế. Tôi muốn có một kế hoạch tốt hơn. Tôi không muốn làm việc suốt đời chỉ để trả các hóa đơn tài chính. Tôi muốn sống. Tôi muốn giàu có. Tôi muốn đi du lịch khắp thế giới khi tôi còn đủ sức để hưởng thụ những thú vui của cuộc sống”.

Khi ngồi nghe Larry nói về những lợi ích của việc xác định một mục tiêu, dường như tôi nghe thấy một giọng nói trong tâm trí mình rằng, việc xác định mục tiêu tự do tài chính và nghỉ hưu sớm là hoàn toàn phi hiện thực, không thể làm được.

Larry vẫn tiếp tục, dường như không thèm quan tâm xem tôi và Kim cố nghe anh ta nói gì hay không. Tôi thầm nghĩ: “Xác định một mục tiêu để nghỉ hưu sớm là một ý kiến hay, vậy tại sao phải cố chống lại ý tưởng đó? Như thế thì mình không còn là mình nữa”.

Và bỗng nhiên đâu đó trong tư tưởng, tôi nghe giọng người bố giàu phảng phất: “Thử thách lớn nhất mà con phải đối mặt chính là sự tự hoài nghi và lười nhác của con. Nếu muốn thay đổi con người mình, con phải biết thách thức những điều đó. Bởi vì chính hai thứ đó làm cho con bé nhỏ lại, ngăn chặn con đạt được những điều mình muốn. Không có gì cản đường con ngoại trừ bản thân con và sự tự hoài nghi của con. Cứ để mặc mọi việc diễn ra như thế thì rất dễ dàng, vì hầu hết mọi người đều chọn cách không thay đổi gì trong suốt cuộc đời mình. Nếu con chấp nhận đối mặt với thách thức, con sẽ tìm được cánh cửa dẫn đến tự do”.

Người bố giàu nói với tôi những điều này ngay trước khi tôi rời Hawaii để bắt đầu chuyến đi. Ông biết chắc rằng tôi sẽ di. Ông biết tôi sẽ rời bỏ chăn êm đệm ấm để dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy rủi ro và nguy hiểm. Và chỉ một tháng sau cuộc nói chuyện với ông, tôi thấy mình đang ở trên ngọn núi đầy tuyết phủ này, yếu ớt và lạnh lẽo, ngồi nghe người bạn thân nhất của mình nói lại về những điều ấy. Tôi biết rằng đã đến lúc phải quyết định đứng lên tiếp tục hoặc bỏ cuộc quay về. Đã đến lúc phải lựa chọn, hoặc chịu thua sự tự hoài nghi và lười nhác hoặc đứng lên và thay đổi những nhận thức của chính mình. Đã đến lúc phải tiến lên hoặc lùi lại.

Khi suy nghĩ lại những điều Larry nói về sự tự do tài chính, tôi nhận ra rằng thực sự anh ấy đang muốn nói về một điều khác. Và lúc đó, tôi hiểu rằng việc thách thức sự tự hoài nghi và sự lười nhác là điều quan trọng nhất mà tôi phải làm nếu không muốn cuộc sống của mình trở nên tụt hậu.

“Thôi được, tiến hành thôi”, tôi nói. “Chúng ta hãy xác định một mục tiêu để được tự do tài chính”.

Đó là ngày mùng một tháng giêng năm 1985. Đến năm 1994 thì vợ chồng tôi hoàn toàn tự do. Larry tiếp tục xây dựng doanh nghiệp của anh, được tạp chí Inc. bầu chọn là một trong những doanh nghiệp phát triển nhanh nhất vào năm 1996. Larry nghỉ hưu vào năm 1998 khi anh 46 tuổi, sau khi bán doanh nghiệp và nghỉ ngơi được một năm.

TÔI ĐÃ LÀM ĐIỀU ĐÓ NHƯ THẾ NÀO?

Mỗi khi tôi kể câu chuyện này, câu hỏi được đặt ra luôn là: “Làm thế nào anh làm được điều đó?”

Tôi đáp: “Vấn đề không phải là làm thế nào mà là tại sao chúng tôi lại làm như thế”.

Từ năm 1985 đến năm 1994, vợ chồng tôi và Larry đã tập trung vào ba con đường mà người bố giàu đã vẽ ra để đi đến sự giàu có, đó là:

1. Trau dồi kỹ năng kinh doanh

2. Trau dồi kỹ năng quản lý tiền bạc

3. Trau dồi kỹ năng đầu tư

Lý do tại sao chúng tôi làm như thế chính là vì tôi muốn thách thức sự tự hoài nghi, sự lười nhác và cả quá khứ của mình nữa. Chính cái tại sao đó đã cho chúng tôi sức mạnh để làm được cái như thế nào.

Người bố giàu thường nói: “Có nhiều người hỏi ta là làm thế nào để có thể làm được một điều gì đó. Trước đây ta thường nói cho họ biết phải làm thế nào, nhưng sau này ta mới hiểu ra rằng điều quan trọng không phải là làm thế nào mà là tại sao lại làm điều đó. Chính cái tại sao ấy đã đem đến cho người ta sức mạnh để thực hiện những điều làm thế nào”. Ông còn nói: “Hầu hết mọi người không làm những điều họ có thể làm là vì lý do tại sao của họ không đủ mạnh. Một khi con đã tìm ra lý do tại sao thì việc tìm ra cách làm thế nào để làm giàu của riêng con sẽ rất dễ dàng. Thay vì nhìn vào tận đáy lòng mình xem lý do tại sao muốn làm giàu của riêng mình là gì, hầu hết mọi người lại đi tìm một con đường dễ dàng để làm giàu, và vấn đề là những con đường dễ dàng đó thường chỉ dẫn đến ngõ cụt”

TRANH LUẬN VỚI CHÍNH MÌNH

Buổi tối hôm đó, ngồi trong căn nhà gỗ nhỏ trên đỉnh núi lạnh giá nghe Larry nói chuyện, tôi thấy dường như mình đang thầm tranh luận với anh ta. Mỗi lần anh nói: “Hãy xác định một mục tiêu, hãy viết nó ra và lập một kế hoạch”, tôi lại suy nghĩ những điều như:

1. Nhưng chúng tôi không có tiền.

2. Tôi không làm được.

3. Có thể năm sau tôi sẽ nghĩ đến chuyện đó, một khi tình hình tài chính của chúng tôi đã ổn định hơn.

4. Anh không hiểu tình trạng hiện tại của chúng tôi đâu.

5. Tôi cần thời gian để suy nghĩ.

Tôi chợt nhớ đến lời khuyên của người bố giàu, Người đã dạy tôi rất nhiều bài học. Một trong những bài học đó là: “Nếu bạn thấy rằng mình đang tranh luận với một ý kiến hay thì có thể bạn sẽ muốn ngưng không tranh luận nữa”.

Người bố giàu giải thích cho tôi rằng: “Một khi ai đó nói ‘Tôi không mua nổi’ hay ‘Tôi không làm được’ khi nói về những điều họ muốn thì có nghĩa là họ đang gặp một rắc rối lớn. Tại sao người ta lại phải nói ‘Tôi không mua nổi’ hay ‘Tôi không làm được’ với những điều họ muốn kia chứ? Tại sao người ta lại phải phủ nhận những mong muốn của mình? Điều đó thật không hợp lý chút nào”.

Và khi ngọn lửa kêu tí tách trong lò sưởi, tôi nhận ra mình đang cố tranh cãi với một điều mà trong lòng đang khao khát. Cuối cùng thì tôi tự hỏi: “Tại sao lại không nghỉ hưu sớm và giàu có? Như thế thì có gì sai đâu!” Suy nghĩ của tôi dần trở nên thông thoáng hơn và tôi tự nhủ: “Tại sao mình lại phản đối ý kiến đó? Tại sao mình lại phản đối chính mình? Đó là một ý kiến hay. Mình đã từng bàn luận về nó trong nhiều năm. Mình đã từng muốn được nghỉ hưu vào năm 35 tuổi và bây giờ thì mình đã gần 37 tuổi rồi mà vẫn chưa thể nghỉ hưu được. Đúng hơn là mình sắp sửa phá sản. Thế thì tại sao lại tranh cãi nữa?”

Và khi đó, tôi bỗng nhận ra tại sao tôi lại tranh cãi với ý kiến đó. Tôi đã hiểu ra rằng chính sự thiếu tự tin của tôi đang lên tiếng tranh luận. Tôi tranh luận với mơ ước của chính mình. Tôi tranh luận vì không muốn bị thất vọng một lần nữa. Tôi tranh luận vì muốn bảo vệ mình khỏi một nỗi đau có thể phải gánh chịu khi mơ một giấc mơ lớn mà giấc mơ ấy không thành hiện thực. Tôi đã từng mơ ước và đã từng vỡ mộng. Tối hôm đó, tôi nhận ra rằng đối tượng tranh luận của mình chính là sự thất bại một lần nữa chứ không phải những ước mơ.

“Thôi được, chúng ta hãy xác định một mục tiêu lớn”, tôi lặng lẽ nói với Larry. Cuối cùng thì tôi đã ngừng tranh luận. Những lý lẽ thì vẫn còn đó nhưng không có gì cản trở tôi được nữa. Nói cho cùng thì đó chỉ là cuộc tranh luận của tôi với chính bản thân mình chứ không phải với ai khác. Con người bé nhỏ trong tôi đang muốn tranh luận với một con người khác đang mong muốn được lớn lên.

“Tốt lắm”, Larry nói, “Anh đã không còn yếu đuối nữa. Thực sự tôi đang bắt đầu lo lắng cho anh đấy”.

Lý do tôi quyết định làm điều đó bởi vì tôi đã tìm ra cái tại sao của riêng mình. Tôi biết tại sao tôi sẽ làm, cho dù ngay lúc ấy tôi còn chưa biết mình sẽ làm như thế nào.

TẠI SAO TÔI QUYẾT ĐỊNH NGHỈ HƯU SỚM?

Có bao nhiêu người trong các bạn đã từng nói với chính mình: “Tôi cảm thấy chán ngán và mệt mỏi với bản thân?”

Vào cái đêm cuối năm ấy, ngồi quanh đống lửa với Kim và Larry, tôi cảm thấy chán ngán và mệt mỏi với chính bản thân mình, vậy nên tôi quyết định thay đổi. Đó không chỉ là một sự thay đổi về tư tưởng mà là một sự thay đổi từ sâu thẳm bên trong. Đã đến lúc cần có một sự thay đổi lớn và tôi biết mình có thể làm được vì tôi đã hiểu tại sao mình muốn thay đổi. Tôi có những cái tại sao riêng của cá nhân mình – tại sao tôi lại quyết định nghỉ hưu sớm và giàu có:

1. Tôi chán ngấy cảnh hết tiền và luôn phải đấu tranh vì tiền bạc. Tôi đã từng giàu có với doanh nghiệp kinh doanh bóp ví, nhưng sau khi việc kinh doanh thất bại thì tôi lại phải quay về vật lộn kiếm tiền. Dù người bố giàu đã dạy tôi rất nhiều nhưng tất cả những gì còn đọng lại trong tôi chỉ là những bài học của ông. Tôi vẫn chưa giàu và đã đến lúc cần phải làm giàu.

2. Tôi mệt mỏi với mức trung bình. Ở trường, các thấy cô giáo nói: “Robert là một đứa trẻ học tập rất sáng dạ nhưng lại không biết áp dụng vào thực tế”. Họ còn nói: “Robert rất sáng dạ nhưng lại không thông minh bằng một số trẻ khác, mà chỉ trên trung bình một chút thôi”. Buổi tối hôm ấy ngồi trên đỉnh núi, tôi thấy ngán ngẩm và mệt mỏi với mức trung bình. Đã đến lúc tôi không thể tiếp tục ở mức trung bình nữa.

3. Khi lên 8 tuổi, có lần tôi về nhà và thấy mẹ khóc thầm khi đang làm bếp. Mẹ khóc vì chúng tôi đang ngập đầu trong một đống hóa đơn phải trả. Bố tôi đã cố hết sức để kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng là một giáo viên, ông làm công việc tài chính không giỏi lắm. Tất cả những gì ông có thể nói lúc ấy là: “Em đừng lo, anh sẽ xoay sở được”. Nhưng thực tế thì không. Cách duy nhất bố tôi có thể xoay sở vấn đề này là cố gắng làm việc tích cực hơn và hy vọng sẽ được tăng lương. Trong khi đó, các hóa đơn tiếp tục chồng chất và mẹ tôi càng ngày càng trở nên cô độc, không ai chia sẻ. Bố tôi không thích nói chuyện tiền bạc và nếu có thì ông cũng chỉ nổi giận lên mà thôi.

Tôi còn nhớ hồi 8 tuổi, tôi đã quyết định phải đi tìm một câu trả lời để có thể giúp mẹ. Buổi tối hôm ấy ngồi trên đỉnh núi, tôi nhận ra mình đã tìm được những câu trả lời hằng tìm kiếm từ năm lên 8. Đã đến lúc phải biến những câu trả lời ấy trở thành hiện thực.

4. Điều tại sao đau lòng nhất lúc này là Kim, người phụ nữ của đời tôi, đang cùng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn tài chính chỉ vì nàng yêu tôi. Buổi tối hôm ấy ngồi trên đỉnh núi, tôi mới nhận ra rằng mình đang đối xử với nàng cũng y như bố tôi đã đối xử với mẹ tôi. Tôi đang lặp lại một khuôn mẫu gia đình. Và đến lúc này thì tôi đã thực sự tìm ra câu trả lời cho câu hỏi tại sao.

Và đó là những lý do tại sao của tôi. Tối hôm ấy tôi đã viết chúng ra và cất giữ cẩn thận vào một nơi bí mật. Với những bạn đã đọc cuốn sách thứ hai của tôi, “Để được thoải mái về tiền bạc”, có thể bạn còn nhớ là mọi chuyện xảy ra còn tệ hơn sau khi chúng tôi rời đỉnh núi. Tôi bắt đầu cuốn sách đó bằng cách kể lại câu chuyện vợ chồng tôi đã sống như thế nào trong một chiếc xe hơi khoảng ba tuần sau khi đã hoàn toàn sạch túi. Như thế có nghĩa là mọi chuyện đã không tốt hơn chỉ vì chúng tôi quyết định sẽ nghỉ hưu sớm và giàu có. Nó chỉ là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục tiến tới.

Mọi việc cũng không suôn sẻ với Larry. Anh cũng gặp phải một thất bại đáng kể vào cuối thập niên 1980, nhưng chính những lý do tại sao của anh đã giúp anh đứng vững và bước tới.

Qua nhiều năm, tôi hiểu rằng sự đam mê chính là một dạng kết hợp của sự yêu và sự ghét. Nếu bạn không đam mê một điều gì đó thì rất khó có thể gặt hái được thành công. Người bố giàu đã từng nói: “Nếu con muốn một điều gì đó, hãy đam mê nó. Sự đam mê sẽ cho con sức lực. Nếu con muốn có một thứ ngoài tầm với, hãy tìm hiểu xem tại sao con yêu nó và tại sao con ghét khi không có được nó. Kết hợp hai suy nghĩ đó lại, con sẽ tìm được động lực để đứng lên và đạt được bất cứ điều gì con muốn”.

Như vậy, bạn có thể bắt đầu bằng một danh sách những điều bạn yêu và những điều bạn ghét. Ví dụ tôi có thể tạo ra một danh sách như sauu:

Tôi nghĩ bạn có thể bắt đầu tạo một danh sách những điều bạn yêu hoặc ghét trong danh sách để trống dưới dây. Mong rằng cuộc sống của bạn sẽ ngày càng có nhiều đam mê hơn nữa.

Hãy viết ra những mơ ước, mục tiêu và kế hoạch của bạn để được trở nên tự do về tài chính và để được nghỉ hưu càng sớm càng tốt. Một khi chúng đã được viết ra, có thể bạn sẽ muốn đưa cho vài người thân xem và giúp bạn đạt được những mơ ước của mình. Hãy nhìn vào tờ giấy này với những mơ ước, những mục tiêu và những kế hoạch thông thường của bạn, hãy nói chuyện về chúng, nhờ bạn bè người thân giúp đỡ, hãy tiếp tục học hỏi, và mọi chuyện sẽ bắt đầu trước khi bạn kịp nhận ra điều đó.

Cuối cùng, tôi đã từng nghe nhiều người nói: “Tiền không mang lại hạnh phúc”. Câu nói này cũng có phần đúng. Nhưng điều mà tiền bạc thực sự làm được là nó

mang lại cho chúng ta thời gian để làm những gì chúng ta thích và trả công cho người khác làm những gì mà chúng ta không thích phải làm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.