Dị bản

Chương 12. Ký họa tình yêu



Phản bội trong tình yêu chẳng qua là trò trả thù của một cuộc tình nên chấm dứt.

***

Giữa tháng tám, mưa – gió – lá bay bay trong hoàng hôn nhạt nét chì, anh và em yêu nhau. Những nét chì đậm dần, phác thảo bức tranh tình yêu rõ rệt bố cục.

Em bướng – lông bông như cái tuổi của mình, anh điềm đạm và bao dung cho tất cả những nông nổi – cố chấp thoát ra từ em. Anh nói: không hiểu sao trong sâu thẳm cứ muốn che chở chăm sóc cho em, dù đôi lúc anh thấy mệt mỏi.

Em đương nhiên hưởng cái quyền sở hữu một nô lệ trong hờn giận. Chẳng có tương lai nào cho chúng ta cả, rồi em sẽ ra đi như chiếc lá vàng cuối thu lìa cành vì cơn gió. Em đã từng thanh thản trải qua những cuộc chia lìa như thế!

Mùa đông, rét nồng. Chúng ta vẫn ở bên nhau và bức tranh đã được phủ kín những mảng màu. Anh cố gắng phục chế suy nghĩ nghiêm túc về tình yêu và gia đình trong em. Nhà anh – Nhà em đã không còn phân biệt khái niệm. Bắt đầu câu hỏi: “Đã đến lúc mình phải thay đổi?” lất phất bay trong suy nghĩ của em.

Xuân đến, mầm non khai sinh, bắt đầu cuộc đời của một chiếc lá. Hoa cũng nở để rồi héo tàn trong câm lặng. Song họa phẩm của chúng mình đã tươi rói, sắc xảo. Em cần phải học cách thích nghi với cuộc sống gia đình. Nghĩ là mình đang thay đổi…

Tháng ba – Hà Nội chìm trong trận rét cuối mùa, luyến lưu chia tay xuân, trước sự bắt buộc phải ra đi để nhường chỗ cho hạ. Mùa hạ nóng tính và khắc nghiệp lắm. Em ghét mùa hạ! Bất chợt giọt nước ở đâu rơi xuống, bột màu bở ra tan tác. Bức tranh loang lổ xấu xí. Nơi ngực trái của em nhói lên từng cơn đau.

Anh vẫn điềm đạm nhưng không còn vẻ bao dung. Anh tàn nhẫn và vô cảm với nước mắt của em: “Em phải xem lại bản thân mình đi, tại sao anh chọn người ta mà không phải là em?”. Hóa ra phản bội trong tình yêu chẳng qua là trò trả thù của một cuộc tình nên chấm dứt.

* **

Không có cơn gió nào cuốn em lìa xa cái cây của mình. Em chấp nhận rụng xuống, như đã từng thanh thản. Hết một tháng đau buồn ngồi tiếc thương bức tranh dang dở – bức tranh bị hủy hoại bởi giọt nước mang vị mặn. Em chuyển đến thành phố của nắng và mưa, nơi sẽ không sự rạch ròi giữa xuân – hạ – thu – đông nữa. Em trở về là em, bất cần – vô tâm.

Gió của miền đất mới thổi bay hết ngột ngạt trong em. Chúng ta coi nhau như bạn bè bình thường. Đôi khi chat hoặc phone nói những câu chuyện táo bạo, vì mình đã từng yêu nhau.

Kỷ niệm một năm ngày chia tay, em vẫn nhớ trong lòng, còn anh chắc đã quên từ lâu lắm. Thời gian đã đủ dài để không ai trong chúng ta còn thương tổn, huống hồ chưa bao giờ hai đứa nghĩ rằng mình bị tổn thương.

***

Tháng mười của năm thứ hai, anh nói với em chuẩn bị kết hôn. Em hồn nhiên đùa giữa đám đông: “Huu, người yêu cũ của em sắp đi lấy vợ rùi”, ai cũng cười vì tính hài hước của em. Mọi người nghĩ rằng chắc em chẳng bao giờ biết đau. Chỉ riêng em biết vì mình đã từng quá đau nên giờ miễn nhiễm với những cung bậc tình cảm rồi. Có lẽ là một điều tốt!

Thu Sài Gòn không có lá vàng, lá đỏ, nên mùa đông chẳng thể nhìn thấy những cành cây khô trụi trơ mình chịu rét giữa nền trời xam xám. Tâm em giờ bình thản như cây cối miền này, quanh năm xanh lá và thỉnh thoảng trổ hoa. Em lẩm bẩm: “Lấy vợ thì cứ lặng lẽ mà làm, thông báo với chả thông biếc làm quái gì khiến người ta phải lo nghĩ”… Mẹ em nếu biết anh lấy vợ trước thể nào cũng lại cằn nhằn, ca cẩm em vụng dại, yêu không biết giữ cho mà xem. Nên em chả thích tẹo nào cái chủ đề kết hôn của anh cả. Cho nên em sẽ lờ lớ lơ chuyện đó và đổ thừa cho cái tính vô tâm cố hữu của mình.

Nhìn ráng chiều vàng như mật tưới đẫm không gian mỗi khi hoàng hôn sắp buông, em nhớ sắc vàng sắc đỏ và cái dìu dịu của thu Hà Nội lắm. Nhưng chỉ là một nỗi nhớ xa xăm… Nếu như em trở về chắc gì đã tốt? Có ai sinh ra đã biết rằng mình phải đề kháng với những biến cố của cuộc đời là gì? Phải học từ từ thôi! Nếu sau này vẽ bức tranh tình yêu khác, thì em cũng đã tìm được 1 loại vắc-xin từ câu chuyện của chúng mình.

Chúc anh hạnh phúc nơi bến đỗ cuối cùng!

**

Phụ lục

“Cỏ dại” viết về sex

“…Kỷ niệm thời đó, không có điều gì liên quan đến Đan, ngoại trừ việc cô chơi khá thân với người yêu cũ của tôi. Vẫn đủ là một sợi dây dai dẳng trói buộc quá khứ. Đủ để tôi có cơ hội giao tiếp với Đan trong những câu chuyện về cuộc đời. Và trong một lần gặp nhau Đan đã nói rành mạch, ngắt từ đúng chỗ cho việc tạo ấn tượng rằng: “Em cũng đang cố gắng kiếm tiền… kiếm thật nhiều… để khỏi phải lấy chồng!”. Đúng như lời cô, tôi thấy Đan là một dị bản của đàn bà.

Ngày tôi kết hôn, Đan dẫn một người bạn trai xuống Vũng Tàu tham dự. Thấy hai người rất vui vẻ tôi nghĩ Đan đã thoát khỏi ý định lệch lạc trên đường sống. Phụ nữ mà không lấy chồng khác nào một mối hiểm hoạ.

Vài tháng tôi có một chuyến công tác trên thành phố, hết giờ làm việc lại gọi Đan uống café. Cô chỉ đến một mình, không có bạn trai cùng đi cùng. Hỏi về chuyện tình, Đan cười:

– Yêu là một chuyện, cưới là một chuyện. Em yêu để cho cuộc sống vui vẻ thôi, còn lấy chồng vẫn là một điều không tưởng.

– Nếu em thấy tình yêu đem lại hạnh phúc, sao không thử tiến đến hôn nhân?

– Hạnh phúc gì đâu! Thỉnh thoảng yêu để thay đổi không khí chút. Chứ gắn liền nhịp sống của mình với một người nào đó, em chịu không thấu. Thực lòng mà nói em không nhớ được mình đã yêu những ai nữa.

– Anh chịu em rồi đấy!

Đan vẫn là Đan, gây khó hiểu cho người khác. Cô đã hoà nhã và thân thiện gấp bội lần mà tôi vẫn không tài nào hiểu được. Cô muốn sống khác người hay là đầu óc đang nghĩ thoáng như Tây? Có lẽ cô thật sự là một dị bản.

Cuộc sống hôn nhân của tôi qua thời trăng mật. Vợ dần dà lột xác và bắt đầu mọc ra những nanh vuốt kìm kẹp chồng từng ly, từng tý… Tự nhiên sự lẵng nhẵng căn vặn của vợ hình thành một nỗi sợ. Sợ vợ như sợ sư tử. Ngán vợ như ngán cơm thiu…

Tính nghỉ ngơi nhưng chợt nhớ ra Đan, tôi gọi điện mời cô đi uống café. Đan đến, mặc một bộ váy trắng ôm sát thân thể đầy gợi cảm trên chiếc xe tay ga. Nhìn kỹ tôi nhận thấy cô rất đẹp, mặn mà, đằm thắm và đầy sức quyến rũ đàn bà. Không còn nhìn thấy bất kỳ dấu tích ngỗ ngược của con trai nơi cô.

… Tôi trùm chăn nằm ngủ và Đan nằm bên cạnh. Nếu là vợ mình, có lẽ tôi đã nhắm mắt chìm vào vô thức, nhưng bên cạnh là Đan – một người con gái lạ lùng, đẹp và hấp dẫn khiến tôi bắt đầu thao thức. Mùi cơ thể của Đan len vào mũi tôi, hoà trộn với men gây ra cảm giác bứt rứt. Đan nằm quay lưng về phía tôi, hồn nhiên thở nhè nhẹ trong cơn ngủ. Bất giác tôi vòng tay kéo Đan vào lòng mình, tiếp xúc với cơ thể nóng ấm của Đan, cảm hứng trong tôi dâng tràn, dào dạt. Tôi không kiềm chế được đôi tay mình, bắt đầu vuốt ve làn da mền mại của Đan. Đến khi chạm lên bầu ngực, cô đẩy tay tôi ra, giọng ngai ngái: “Để yên cho em ngủ nào!” rồi vòng tay ôm chặt lấy tôi.

Nếu tôi nhắm mắt ngủ được, đảm bảo tôi không phải là đàn ông. Tôi bắt đầu đè cô ấy xuống, đôi tay sục sạo, khám phá. Đan yên lặng, bất động như một pho tượng, ngoại trừ hơi thở khẽ khàng… Tôi ngủ sao nổi, nên cứ áp sát thân thể cô và kiên trì đẩy tay xuống phía dưới. Đan ngăn cản quyết liệt cho đến khi tôi chạm được vào thánh địa thì cảm nhận được cô khẽ cong người lên…”

(Trích đoạn ngắn trong “Dị bản”)

“…Dị bản mang một âm hưởng là lạ, thẳng thừng như muốn nổi loạn, hình tượng người phụ nữ trong câu chuyện của Keng luôn gai góc, quyết liệt, nhưng cũng đầy nữ tính và đam mê. Đọc truyện của Keng, người ta cảm nhận được những băn khoăn, khắc khoải của người phụ nữ khát khao hạnh phúc, không ngừng tìm kiếm hạnh phúc, nhưng tiếc thay hạnh phúc ấy quá mong manh…” (Thanh Hoa – Báo Phụ nữ TP.HCM, 18/7/2008)

“…Thả cảm xúc đi phiêu du từ trăn trở của mình qua suy nghĩ của người đọc là thành công lớn nhất mà Keng – Thuỳ Linh đã làm được từ 13 truyện ngắn của mình. Người con gái bản lĩnh đối diện với cảm xúc mênh mông, chới với. Người con gái mạnh mẽ nhìn thẳng vào sự thật dù hiểu rằng mình sẽ bắt đầu giữ cho mình một ký ức chua chát ngậm ngùi. Người con gái hy sinh lặng lẽ giấu vào lòng nỗi cô đơn và đẳng đót riêng mình khi hiểu chính mình chỉ là một “dị bản” của cuộc đời… Tất cả những nhân vật của Keng mong manh mà cứng cỏi, yếu đuối nhưng cũng đầy sức sống, mãnh liệt và táo bạo trong suy nghĩ và hành động, không gọi tên một nỗi đau nào, nhưng những trang viết mạnh mẽ của Keng lại mang một nỗi niềm chênh vênh, vô định…” (Tiểu Quyên – Báo Người Lao động, 20/7/2008)

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.