Đi Một Ngày Đàng...

Có gì trong đầu chưa mà đòi phản biện ?



• Nhà báo Cát Khuê (Tuổi Trẻ) phỏng vấn

nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn

Chỉ mới 5 năm gần đây , bằng nhiều bản dịch – giới thiệu – chú giải, Bùi Văn Nam Sơn đã mang hai tượng đài triết học của thế giới là Kant và Hegel đến gần với người Việt hơn bao giờ hết. Nhưng Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện với dịch giả triết học Bùi Văn Nam Sơn lần này còn ở một góc độ khác, góc độ một người thầy bởi có lẽ ít người biết ông vẫn đang dành thời gian cho những người học trò say mê triết mà ông gọi họ là thân hữu.

Tự do không đồng nghĩa với mất trật tự và vô kỷ luật!

Những người may mắn được là học trò của thầy có nói rằng, ngạc nhiên nhất là thầy có khả năng chia sẻ những triết lý cao siêu của triết học một cách giản dị để học trò của thầy dễ nhập tâm? Ðó là khả năng sư phạm của thầy hay thầy đã “ngộ” được triết đến độ có thể nói ra một cách đơn giản?

– Triết học nghe thì mơ hồ vậy thôi nhưng thực ra nó là khoa học nên nó có tính chính xác, hệ thống và chặt chẽ. Khi mình tiếp cận một vấn đề hay một câu hỏi triết học thì mình phải hiểu nó như một vấn đề khoa học với đầy đủ các đặc tính của nó. Tất nhiên là khi giảng triết thì tôi cũng tùy cơ ứng biến để làm sao cho người học có thể hiểu theo trình độ của họ. Nhưng nhớ là triết không phải là nghệ thuật hay kỹ thuật – nó có những đặc thù riêng, trừu tượng hơn, luôn luôn là giả định chứ chưa kết luận gì cả. Nó cũng không có những công thức như khoa học. Và tính chính xác bất biến nội tại của nó khiến cho ai muốn nghiên cứu triết học cũng nên có một đầu óc tỉnh táo, sáng sủa. Tuy vậy, tự do tư tưởng và sáng tạo là đương nhiên nhưng cũng cần có kỷ luật, trật tự.

Khi thầy giảng dạy, có cách nào nhanh nhất để thầy biết trong đám học trò kia, có người đang say mê với môn triết và không thiếu những kẻ chỉ đang cố gắng để say mê?

– Tất nhiên là biết ngay chứ. Thực ra tôi coi họ như những thân hữu anh em đến trao đổi với nhau một cách tự do, đầu vào đầu ra thoải mái. Và đó chính là điều khó khăn nhất bởi tôi sẽ phải cố gắng làm sao cho những vấn đề được đặt ra, được đem ra bàn thảo nó thích hợp với tất cả trong một trình độ như nhau.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng có cả trăm người mê triết đi nữa thì cũng sẽ rất ít người có thể trở thành một triết gia. Thêm nữa, Kinh thánh có câu: sự cùng quẫn cuối cùng của con người là cơ hội của Chúa. Trong số những người tìm đến triết học bên thầy, chắc hẳn không hiếm những người đang tìm một chìa khóa giải quyết cho sự bế tắc mà họ gặp phải trong cuộc sống?

– Cũng đúng. Triết học có hai ba phương diện. Có phương diện thuộc về kiến thức cơ bản phổ quát cho tất cả mọi người. Ai cũng cần biết, ai cũng cần hiểu. Bởi vì triết học làm việc với những khái niệm phổ biến không phụ thuộc vào lãnh vực cụ thể nào cả, và càng học triết thì anh càng có công cụ tư duy để ứng phó với mọi chuyện trên đời này. Hàng ngày mình mở miệng nói ra rất nhiều khái niệm triết học một cách rất vô tình mà không biết đó là những thành tựu của triết học. Triết học giúp cho anh công cụ để suy nghĩ và để làm việc. Nếu mình mơ hồ thì uổng thôi. Triết học cũng có tính chất cân bằng khi cho người ta thấy mặt này trong cuộc sống cũng có thể thấy mặt kia, có thể suy nghĩ rộng hơn kích thước bình thường. Ðó chính là nhu cầu tìm một sự cân đối, yên bình, một hướng khai phóng cho nội tâm. Nhưng điều này cũng có thể kiếm tìm ở tôn giáo hoặc văn chương. Phương diện thứ ba mới là phương diện chuyên môn, dành cho những người chuyên sâu nghiên cứu. Ðó là triết học theo nghĩa đen, theo nghĩa hẹp. Ðó là khoa học. Chọn phương diện nào là tùy ở sở nguyện và năng lực của mỗi người.

Có một lần thầy đã nói rằng muốn suốt đời làm người học trò như vế đầu câu nói “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” của Khổng Tử. Nếu như thế thì lấy ai truyền thụ triết học đây khi không ít người đã nói rằng Việt Nam đang thiếu một nền tảng triết học báo động đến mức muốn tạo dựng nó thì có khi phải cần đến mười ông Bùi Văn Nam Sơn?

– Học nhi bất yếm cũng chỉ là một cách nói. Nhưng phải hiểu là trước khi mình muốn tự hào với sự trưởng thành thì một quốc gia hay một cá nhân cũng cần có khoảng thời gian tích lũy. Tôi thấy mình còn phải học nhưng không phải nghĩa là suốt đời sẽ chịu kiếp đi sau. Mà rõ ràng mình lạc hậu, tụt hậu rất xa về mọi lãnh vực. Nhưng muốn vươn kịp ngang trình độ người ta thì phải hiểu người ta đã. Khi đã nắm vững rồi thì mình sẽ đối thoại bình đẳng với họ. Chứ đừng vì sự tự ái muốn đi nhanh, đi tắt đón đầu mà bất chấp những quy luật rất khắc nghiệt của khoa học. Chữ học đó không có nghĩa mãi mãi mình chịu đóng vai trò học trò, cũng không có nghĩa là thụ động tiếp thu mà vẫn có thể đối thoại. Căn bản là mình vẫn thiếu nền tảng của nhiều ngành, nhiều lãnh vực trừ một số cá nhân đặc biệt xuất sắc. Như Ngô Bảo Châu là một trường hợp đặc biệt.

Theo thầy, triết học nên đưa vào giáo dục từ lớp mấy để học sinh có thể yêu được đã, trước khi biết say mê? Rõ ràng có rất nhiều em đã bộc lộ thiên hướng say mê toán hoặc văn từ khi còn rất nhỏ, nhưng triết học thì sao? Những tranh luận gần đây cho thấy, dường như việc môn học đạo đức bị coi nhẹ chính là một nguyên nhân cho tình trạng đạo đức xuống cấp của học sinh, sinh viên?

– Cũng dễ hiểu thôi. Chúng ta có quá nhiều định kiến, những định kiến nguy hiểm và ám ảnh cả xã hội. Ví dụ chúng ta luôn cho rằng thế hệ trẻ hay sinh viên bây giờ xuống cấp về mặt đạo đức. Ðiều đó có số ít là thật nhưng toàn cảnh mà nói còn quá nhiều các em sinh viên học sinh khác rất ngoan mà. Tôi không thấy bi quan khi gặp họ. Họ có quá nhiều thông tin, cũng biết cách chủ động mạnh dạn bày tỏ ý kiến, biết chọn lựa sống thế nào. Ðạo đức không phải là một môn học dù cũng cần giáo dục điều đó nhưng nó đòi hỏi cả một sự chuẩn bị cho không khí đạo đức, một bầu không khí tạo cho người ta cảm hứng quan trọng hơn là người ta muốn biết cái gì. Ðứa trẻ bản thân đã rất tội nghiệp vì sau này nó sẽ bước vào cuộc đời rất khó khăn, bao thử thách đang chờ đợi thì vì lẽ gì một khoảng thời gian ngắn khi còn đi học không cho nó được một không khí dễ chịu, trong lành?

Có gì trong đầu chưa mà đòi phản biện?

Ở Việt Nam, đạo làm trò để ứng xử với thầy một cách lễ phép, kính trọng rất được đề cao. Nhưng chính điều đó phải chăng cũng là cản trở để học trò thiếu đi thói quen phản biện? Họ không dám tranh biện với thầy một cách tương đối ngang hàng mà thường thụ động vì bất cứ sự tranh biện nào cũng có thể bị gán rằng trò đang “cãi” thầy?

– Ðây là vấn đề rất lớn và tế nhị liên quan đến tâm lý và kỹ năng sư phạm. Bản thân việc đặt ra câu hỏi này đã cho thấy một cái nhìn định kiến rằng đương nhiên học sinh phải chủ động, phải phản biện. Nước nào cũng vậy thôi, việc đầu tiên phải hiểu rằng anh có gì trong đầu không mà đòi phản biện? Bao giờ cũng phải có một kỷ luật nhất định nào đó. Cái quan trọng nhất là tự thân cả một nền giáo dục có khuyến khích, khêu gợi được tinh thần tự do tìm tòi, đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau và biết không cố chấp. Chính môi trường đó mới làm cho học trò có tinh thần đối thoại rồi thậm chí là phản biện. Còn trong một xã hội chưa nghiêm ngắn thì việc đòi đưa vào tinh thần phản biện nhiều khi chỉ gây ra một sự mất trật tự và vô kỷ luật. Riêng đại học thì khác, bản thân giáo dục đòi hỏi anh phải phản biện, nếu không thì coi như anh đã thất bại.

Nhưng việc thầy có một chiếc micro để nói khi giảng bài và học trò cắm cúi ghi chép cũng là một rào cản vô hình tước đi của sinh viên quyền được nói, được phản biện rồi, đúng không ạ?

– Hoàn toàn đúng. Phải thực tế thấy đây là cả một quá trình cải cách giáo dục mà thế giới đã tìm đủ cách để làm nhằm đào tạo được nhiều hơn những chuyên gia, nhiều hơn những nhà trí thức. Có một thời kỳ ngay cả phương Tây cũng vậy thôi, thầy đọc trò chép. Bởi người ta quan niệm rằng giảng đường đại học là nơi các anh tiếp thu kiến thức của những bậc thầy truyền đạt. Một hình thức cổ điển có tên là: giảng bài, giảng giáo trình. Cái uy của ông thầy lớn lắm và sinh viên thấy mình xa với thầy quá vì trình độ của mình quá kém so với thầy. Thế nên tự động sinh viên không dám nói gì cả vì hiểu thầy thôi cũng đủ chết rồi!

Nhưng khi bình diện thông tin mở rộng thì bản thân người học cũng khá lên, họ thấy những điều thầy giảng họ không cần phải nghe vì họ có thể đọc sách hoặc tìm trên internet. Họ sẽ ngãng ra! Ðiều đó đã xảy ra ở phương Tây từ giữa thế kỷ 20 trở lại đây. Và bây giờ chỉ có những đại giáo sư nào tự tin rằng mình giảng thì sinh viên sẽ lắng nghe bởi mình có những kiến thức mới, những công trình thực sự có giá trị, nơi đó là nơi mình trình bày những học thuyết, phát minh của mình thì mới có can đảm giảng bài giữa giảng đường. Và bài giảng đó thực sự có giá trị, sinh viên ùn ùn đi nghe không ai dám mở miệng.

Nhưng việc giảng bài ở phương Tây chỉ chiếm khoảng 20%; 80% còn lại là sự trao đổi kiểu seminar, nơi sinh viên trao đổi với nhau cũng như hỏi ông thầy một số ý kiến hướng dẫn. Thầy và trò cùng làm việc chung. Thầy và trò cùng đọc cùng thảo luận cùng tìm tòi. Nghe thì hấp dẫn thế đấy nhưng muốn làm được thì phải có sách, có văn bản để thầy và trò cùng làm việc. Phải có đủ phòng thí nghiệm để thầy và trò cùng thí nghiệm. Còn không có gì hết thì thầy đọc trò chép là đúng rồi!

Ðấy có phải lý do mà thầy đã nhiều lần đau lòng thốt lên rằng môi trường tri thức cũng như giáo dục ở Việt Nam quá thiếu sách?

– Ðúng hơn phải nói là không có sách! Sách nghiên cứu, sách giáo dục toàn bằng tiếng nước ngoài làm sao đòi sinh viên hiểu được? Nước ngoài cũng thế thôi, sinh viên Mỹ làm sao đọc được tiếng Pháp nếu cuốn sách đó không được dịch sang tiếng Anh? Làm sao làm seminar cho sinh viên được khi thiếu sách? Ðiều kiện vật chất rất quan trọng cho giáo dục. Hình thức seminar thành công ở phương Tây bởi họ đã có thời gian chuẩn bị sách rất kỹ. Học về tác giả nào cũng có sách để đọc, để nghiên cứu sâu hơn, cùng nhau đọc thì mới cùng nhau giải thích hoặc tranh cãi. Xu hướng chung của thế giới, mình không muốn bị lạc hậu thì phải chuẩn bị những cơ sở vật chất chứ không phải chỉ nguyện vọng thấy Tây 80% seminar trong giáo dục ta cũng bắt chước y như thế.

Thầy có nói là ở phương Tây học sinh lớp 6 đã được hướng dẫn để biết cách học từ sách. Vậy nguyên do gì ở Việt Nam không có thói quen đó? Chúng ta cứ đổ lỗi cho các phương tiện giải trí khác lôi kéo các em ra khỏi sự say mê học tập. Nhưng ở phương Tây, việc giải trí phong phú hơn chứ?

– Ðúng thế. Và học sinh Việt Nam bị nhồi nhét quá nhiều. Số lượng bài tập quá nhiều để các em giải quyết được hết cũng đủ chết. Nếu các môn học ít lại, thời gian kết thúc các bài học ở ngay trong lớp thì các thầy mới có thể tập cho các em thói quen đọc sách. Ðiều này giúp cho các em có thói quen chủ động dù ngây ngô khi đọc rồi trình bày lại cho các bạn cùng nghe. Khi đó các em từ bé đã có thói quen có những kỹ năng chủ động trong việc học. Mà kỳ cùng cũng là phải có sách mà thôi. Vào một trường tiểu học hay trung học đi nữa, thì cái đầu tiên phải được nhìn thấy là sách, là thư viện của trường. Ðầu tư một lần như vậy đáng vô cùng mà không quá tầm tay, chỉ là sự đổi phương pháp sư phạm mà thôi và có thể cải thiện được nhiều lắm. Một sai lầm trong giáo dục có thể mất nhiều vô cùng mà không thấy, không như vụ Vinashin mất bao nhiêu tiền là thấy ngay… Thế nên học hỏi kinh nghiệm giáo dục từ các nước gần ta như Hàn Quốc hay Singapore sẽ tiết kiệm được nhiều lắm.

Nhưng quan điểm này có mâu thuẫn với điều mà thầy hay nói là học triết thì nên đến thẳng với Phật chứ không nên thông qua các nhà sư?

– Không, hai chuyện này khác nhau. Chúng ta đang không nói chuyện riêng về ngành triết, ta đang nói rộng ra về ngành giáo dục. Giáo dục bao giờ cũng cần những người hướng đạo. Còn trong các lãnh vực ở trình độ cao rồi thì đôi khi người ta có thể “vô sư” mà tự mình mày mò.

* Kant nói “hãy dám biết”. Có phải chăng đó cũng là tinh thần của người học triết, thưa thầy?

– Kant nói câu này không chỉ đơn thuần là sự dũng cảm, liều lĩnh làm bừa. Ðây là sự khơi gợi sự tò mò, xây dựng năng lực tưởng tượng, khao khát và mơ mộng. Ðó chính là “dám”. Khi đó anh mới có sự mạnh dạn của sáng tạo để đưa ra giả định.

Thầy đã từng so sánh hài hước rằng người mê triết đôi khi cũng giống nàng kỹ nữ trong thơ Xuân Diệu khi thấy “lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn”, nhưng khác là nàng kỹ nữ thì mong “đừng bắt em phải gặp lòng em”, còn triết gia thì lại mong gặp lòng mình để suy ngẫm. Câu hỏi ở đây là các triết gia nghĩ gì về văn học?

– Triết học và văn học bà con với nhau ghê lắm, và là hai đỉnh núi cao ngang nhau, hội tụ ở rất cao và cùng một gốc rễ nhưng ở giữa thì phân ra vì hai bên làm việc với hai phương tiện khác nhau. Triết học suy nghĩ bằng khái niệm phổ quát, văn chương suy nghĩ bằng những cái cá biệt, cụ thể, đơn nhất. Nhưng cả hai cùng xuất phát từ nhân sinh và hội tụ ở điểm cùng muốn mang lại sự hoan lạc cho con người.

Và những kẻ nhân danh số đông để giết người.

Hình như rất nhiều người nghiên cứu triết học Việt Nam coi triết gia Trần Ðức Thảo là một bậc thầy phải không ạ? Nếu nói về Trần Ðức Thảo, thầy sẽ có những nhận xét như thế nào?

– Ðó là một trong những người Việt hiếm hoi được học hành đến nơi đến chốn về triết học và cho thấy người Việt mình cũng có thể tiếp cận rất gần với triết học thế giới. Ði cụ thể vào tư tưởng, thành tựu của Trần Ðức Thảo thì khác. Có lẽ do bối cảnh đặc thù, không có điều kiện tiếp thu với bên ngoài cộng hưởng nhiều yếu tố dị biệt của thời cuộc đã khiến cho Trần Ðức Thảo không còn thấy những chân trời của cụ. Cụ không còn mở cửa đối thoại mà tự giao cho mình trách nhiệm phòng vệ: bảo vệ cái có sẵn, cái gì xa lạ là bác bỏ thay vì tiếp thu cái mới để có thể phê phán hay không đồng ý nhưng sẽ phát triển. Mà điều này không đúng với tinh thần của một triết gia. Triết gia là phải tranh luận để tiếp tục, để mở thêm những chân trời chứ không phải để khép lại các chân trời. Không ai dám phủ nhận chất lượng triết học của bản thân Trần Ðức Thảo, nhưng đáng tiếc, có thể nói Trần Ðức Thảo là tù nhân của bản thân.

Ðể lý giải bằng triết học cho trường hợp án tử hình của Nguyễn Ðức Nghĩa, thầy đã nói nếu xử tử hình anh ta chính là đã cho anh ta cơ hội được là một con người? Và sau đó là những tiếng vỗ tay trong phòng xử án khi tòa tuyên anh ta bị tử hình?

– Ðây là quan niệm khác nhau về sự trừng phạt. Trong lịch sử có nhiều cách hiểu: sự trừng phạt có thể là sự trả thù, những dân tộc ít văn minh sẽ trả thù, truy sát rất dai dẳng, có thể đến vài ba đời. Vì thế mới đẻ ra luật pháp với đại diện là quan tòa – người không liên quan đến mối thù – sẽ dùng luật pháp phán xử để ngăn chặn sự trả thù. Lúc này, sự trả thù được mặc định là sự phạm tội.

Luật pháp cũng không nhắm đến việc răn đe. Giết một con mèo không phải để đe dọa những con chuột. Hiểu luật pháp để răn đe chính là một cách hạ nhục con người, xem con người như ác thú. Quan niệm tiến bộ hơn, hình phạt là sự công bằng và tạo điều kiện để thừa nhận anh là con người. Hình phạt đó hợp lý vì anh gây ra thì anh nhận lấy để phần nào bù đắp.

Nhưng tùy cái nhìn thôi, thế giới cũng đang giảm dần án tử hình bởi luật pháp dù có đại diện cho ý chí của số đông đi nữa thì cũng không biện minh được tại sao mình có quyền lấy đi mạng sống của người khác. Việc những người trong khán phòng xử Nguyễn Ðức Nghĩa vỗ tay khi tòa tuyên án tử hình anh ta chính là một cách biểu lộ sự trả thù, sự hả giận. Nguyễn Ðức Nghĩa nhân danh cá nhân để giết người còn những người kia nhân danh số đông để giết người. Ðều là cách nghĩ không văn minh, không có cơ sở đạo lý gì cả.

Ðạo Khổng có nhấn mạnh rằng trong một xã hội, nếu nhẹ lễ thì sẽ nặng hình. Lễ nghi không được coi trọng thì mới cần đến hình phạt, luật lệ?

– Ðó là cách suy nghĩ lý tưởng khi nghĩ đến lúc nào các hình phạt sẽ không còn cần thiết nữa. Thực tế thì không như vậy. Có điều cũng nên đi theo xu hướng của thế giới, tránh các hình phạt mang quá nhiều dấu vết của quá khứ, và theo tôi nên bỏ án tử hình trong mọi trường hợp.

* Thầy có nói về một vài cách “xử thế tiếp vật” đầy hiền minh của những bậc tiên hiền như Aristotle đành lòng rời Athens vì không muốn quê hương mình “phạm tội ác lần thứ hai” đối với triết học (lần thứ nhất là giết hại Socrates). Vậy thì tại sao thầy lại trở về khi mà Việt Nam còn quá thiếu những nền tảng và điều kiện để “nuôi sống” triết?

– (Cười) Mọi cái bây giờ cũng đã khác nhiều chứ. Thành thực mà nói rằng tôi gắn bó với quê hương và tôi thấy đóng góp của tôi trong nước hiệu quả hơn ở nước ngoài. Như nhiều người bạn Hàn Quốc của tôi họ cũng trở về nước hết để đóng góp cho sự thay đổi hiệu quả của xã hội nước họ. Bây giờ có lẽ đang cần dù có thể 50 năm nữa không cần. Sự chọn lựa về sống ở quê nhà của tôi hoàn toàn là vì lý do tình cảm.

Trân trọng cảm ơn thầy .

* Tựa đề do Ban Tu thư Ðại học Hoa Sen đặt lại. Nguyên văn bài này lấy từ blog của Cát Khuê với sự cho phép của tác giả.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.