Đi Một Ngày Đàng...

Lời giới thiệu



Khởi đầu từ một bước chân

• Bùi Trân Phượng [1]

Chưa bao giờ chúng ta phải đối mặt với suy thoái đạo đức xã hội sâu rộng, trầm kha như hiện tại. Mặt khác, hơn bao giờ hết, chúng ta cần vững vàng, mạnh mẽ, vượt qua trở lực, thách thức để phát triển, không chỉ về kinh tế, vững mạnh và phát triển vì sự mất còn của đất nước, của tương lai dân tộc, trong đó có tương lai tuổi trẻ. Chủ tịch Hiệp hội Montessori quốc tế (Association Montessori Internationale, AMI) trong Hội thảo gần đây tại Ðại học Khoa học xã hội nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Không biết điều này có an ủi được các bạn phần nào không, nhưng tôi đã đi nhiều nước, từ những quốc gia nghèo khó, khủng hoảng như Kenya đến những quốc gia tưởng như cường thịnh, ở đâu người ta cũng bức xúc, băn khoăn, trăn trở về giáo dục.” Lý do, theo ông, vì tương lai nhiều bất định khiến người ta lo lắng; rất nhiều câu hỏi đặt ra cho nhân loại, không có câu trả lời. Quyền lực có mặt mọi nơi, kiểm soát mọi điều? Hay những xác tín cực đoan, bất di bất dịch? Con người của thế kỷ 21 đã hiểu câu trả lời không nằm ở đó. Nhiều người, trong đó có chúng tôi, cũng như ông tin tưởng câu trả lời nếu có, may ra nằm ở giáo dục, và văn hóa, những giá trị lâu bền, nhân bản.

Sách chuyển tải nội dung giáo dục, văn hóa, những giá trị nhân văn. Nhưng sách không chỉ là công cụ, sách là người thầy, người bạn trung thành, tận tâm, kiên nhẫn nhất. Trường lớp nào cũng có khai giảng và bế giảng; riêng sách kiên trì, bền bỉ làm bạn với mỗi chúng ta, kể cả khi ta đã tặng quyển sách vật thể cho một bạn đọc khác, để mở rộng chân trời hiểu biết, để nhân gấp bội niềm vui khám phá, suy tư. Sách ở bên ta, sẵn sàng cho lần đọc đầu tiên bất cứ lúc nào ta thích và cho nhiều lần đọc đi, đọc lại; sách là quà ta được tặng, hoặc tự tặng thưởng cho mình, hay đem tặng bạn. Sách không buồn phiền kể cả khi bị bỏ quên lâu trên ngăn kệ bắt đầu phủ lớp bụi mờ. Chỉ cần ta giũ bụi, mở ra, người bạn hiền lại mỉm cười thân thiện. Mỗi quyển sách hay chứa nhiều kiến thức uyên bác, nhiều trải nghiệm chân thực và đa dạng, lời tâm sự dành cho kẻ tri âm, tri thức hiền minh dành cho người trẻ khao khát học từ sự khôn ngoan, từng trải, học cả từ thành công và thất bại của người đi trước. Bài học của sách không chỉ đến từ riêng các tác giả, và không chỉ dành cho một thế hệ độc giả. Ðọc sách là học, là tự học, còn là niềm vui trí tuệ, hạnh phúc của chuyện trò, trao đổi, và tại sao không, tranh luận, suy tư, tham gia sáng tạo cùng người viết sách, người làm sách?

Ban Tu thư Ðại học Hoa Sen ra đời sau một hội thảo khoa học có chủ đề “Ðổi mới giáo dục đại học Việt Nam: hai thời khắc đầu thế kỷ (1908-2008)”. Tên gọi Ban Tu thư học lại từ Ðông Kinh nghĩa thục, không chỉ là một hoạt động yêu nước chống thực dân, mà còn là một thể nghiệm văn hóa giáo dục có tính cách mạng do trí thức Việt Nam đầu thế kỷ 20 khởi xướng. Trường của họ có ban giảng huấn để dạy học, ban tài chính để lo tiền bạc nuôi trường – vì trường không hề nhận tài trợ nào từ nhà nước thực dân – ban cổ động để quảng bá mục đích, ý nghĩa mở trường và ban tu thư để soạn sách, không chỉ dùng dạy trong lớp học, không chỉ dành riêng cho Ðông Kinh nghĩa thục tại Hà Nội mà được sử dụng trong tất cả các trường học duy tân, được phổ biến rộng rãi trong công chúng. Ðầu thế kỷ 21, Ban Tu thư Ðại học Hoa Sen mong muốn cùng các nhà xuất bản tâm huyết khác khởi đầu lại một cuộc vận động đọc sách mới, nhằm cứu lấy văn hóa đọc đang tiêu điều vào đúng lúc tri thức là sức mạnh thiết yếu cho sự sống còn của mọi cộng đồng.

Quyển sách bạn cầm trong tay, Ði một ngày đàng, là quà tặng các bạn học sinh, sinh viên vào đầu năm học mới. Nó cũng là tựa sách đầu tiên của một loạt sách sẽ đặt trọng tâm hướng đến học sinh, sinh viên, dù bạn đang còn ngồi ở ghế trường trung học, giảng đường cao đẳng đại học hay đã vào đời lập nghiệp. Loạt sách mới này, với các chủ đề phục vụ nghiên cứu, học hỏi, nhấn mạnh tinh thần tự học, mong sẽ là bạn đồng hành tin cậy của thanh niên. Vì vậy, chúng tôi rất mong quý độc giả, đặc biệt là bạn đọc trẻ hãy xem tủ sách này cũng là của mình, giúp chúng tôi đặt tên cho tủ sách – đứa con chung – và góp ý về mọi mặt: chủ đề, tác giả, nội dung, hình thức, kể cả mỹ thuật bìa sách, khổ sách, giá bán…

Trước hết, xin phản hồi cho chúng tôi về cảm nhận của bạn sau khi thưởng thức món quà đầu tiên. Bạn sẽ vui thích hay cảm thấy “rối rắm” vì sự đa dạng của các tác giả, cũng như những thông điệp của họ? Chúng tôi đã muốn mang đến cho bạn chút hương vị của bước đầu đặt chân trên ngưỡng cửa một trường đại học đúng nghĩa, làm quen với thầy cô giáo có những chuyên môn sâu rất khác nhau, thuộc quốc tịch khác nhau, đã trải nghiệm hay kể về trải nghiệm trong không-thời gian học thuật khác nhau; không phải tất cả đều hành nghề sư phạm, nhưng ai cũng xứng đáng bậc thầy, bởi tâm huyết giáo dục, hiểu biết và hướng dẫn suy tư của họ. Có thể chúng tôi thiếu sự đa dạng về tuổi tác của các tác giả, hình như họ đều thuộc thế hệ trước bạn. Xin thông cảm, họ đã đi trước “một ngày đàng”; nhưng không “dạy khôn”, mà chỉ mời bạn đồng hành. Vả chăng, một số tác giả đã chia sẻ những trải nghiệm của buổi đầu trước ngưỡng cửa đại học, như bạn hôm nay.

Chúng tôi cũng tò mò muốn biết những gì sẽ đọng lại sâu nhất trong tâm tưởng bạn. Sự phân biệt giản dị mà bổ ích, thuyết phục giữa kiến thức suông , kiến thức-làm và kiến thức-sống ? Câu chuyện cổ về nghề của người tự do và việc làm của người nô lệ, rồi sức mạnh vô biên của cái thực học có nguồn gốc Tây phương gồm thực nghiệmvà thực dụng ? Những diễn giải triết học, quyền năng của trí thông minh và cảm xúc trong vận mệnh con người, hay phong cách học tập mới mẻ được tiếp cận từ năm đầu đại học mà “tiêm nhiễm” suốt đời, hoặc trải nghiệm của cô nữ sinh viên từ buổi đầu ngơ ngác , dần biết phân biệt đúng-sai và làm người tử tế ? Nỗi xót xa và chút kỳ vọng vớt vát của vị giáo sư dành cho người học trò vượt trội hơn trung bình không chỉ về thể chất? Thông điệp tâm huyết: “ Chỉ có đọc sách với tinh thần (…) muốn hiểu biết thế giới đã, đang nghĩ gì, làm gì để tái tạo tinh hoa thế giới và sáng tạo cái mới làm giàu đất nước Việt Nam, điều đó mới giúp cho chúng ta đọc sách mãi mãi không thôi, đọc cuồng nhiệt trong thế giới tri thức vô tận. (…) Và cũng chỉ trên cơ sở đó, nhân dân mới nhanh chóng ấm no, đất nước mới phú cường, giang san mới bền vững. ” Câu hỏi đau đáu: “ Bạn có từng nghĩ rằng ở thời đại của mình, trong xã hội của mình, bạn sẽ chống lại những gì, sẽ kiên trì theo đuổi những gì? ” Hay lời dặn dò đinh ninh của thiên tài từng hơn một lần bị số phận vùi dập: “ Hãy luôn khao khát! Hãy cứ dại khờ! ”

Chúng tôi đương nhiên không chờ đợi sự hưởng ứng nhất tề. Mỗi người trong bạn sẽ cảm thụ sách khác nhau, cũng như sẽ chọn lựa khác nhau trên đường đời muôn nẻo. Xin gởi gắm niềm tin là muôn vạn con đường cá nhân đồng qui về một tính người, một khát khao tri thức và nhờ vậy, thấp thoáng hy vọng hé sáng tương lai cho đất nước, cho chính các bạn trẻ. Con đường vạn dặm khởi đầu từ một bước chân, lời một bậc hiền triết phương Ðông. Xin mời bạn cùng chúng tôi cất bước!

[1] Tiến sĩ Sử học, Hiệu trưởng Ðại học Hoa Sen.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.