Đi Tìm Nhân Vật

CHƯƠNG 12



Về mặt nào đó ông Bân đã giữ đúng lời hứa tặng tôi cái chết của chính ông. Trong bộ sưu tập của tôi, ông được đánh số 78. Tôi đề thêm vào đó lời cầu nguyện cho linh hồn ông siêu thoát. Hầu như ông không có gì để lại ngoài 13 cuốn sổ ghi chép, 5 bản phác thảo trong đó ta thấy hiện lên 5 chân dung mà ông dự định làm mẫu cho nhân vật, một bọc thư, chủ yếu của người đàn bà bí ẩn nào đó, một tập ghi là “ký họa trên đường”, một số bài tiểu luận và cuối cùng là cuốn Nhật ký về một người có tên là Chu Quý, ghi lại cuộc gặp gỡ giữa ông và tôi cùng những nhận xét, mô tả về tôi, tiểu sử… của tôi mà qua đó, lần đầu tiên tôi thấy tôi qua cặp mắt của người khác. Ngoài ra phải kể đến những tờ giấy rời, ghi lại những cuộc đối thoại giữa ông và những người, đủ các thành phần, do ông tưởng tượng ra, chứng tỏ ông khá cô đơn.
Trong những ghi chép của ông, có một phần gần giống như tiểu thuyết. Ông mượn lời một nhân vật sinh ra ở một miền quê heo hút, nơi tổ tiên y đời đời nối nhau là những nhà nho ẩn danh. Y có một trí thông minh lạ lùng. Song y là một khối cô đơn trong suốt, kết tinh của truyền thống chạy trốn cuộc đời mà tổ tiên y từng đeo đẳng. Y không sao hiểu nổi cuộc sống, với trăm ngàn sắc thái, trăm ngàn biểu hiện. Y quyết định “đi lang thang khắp gầm trời này” chỉ để tìm xem chỗ của y ở đâu. Y đi xuyên qua lịch sử, đi xuyên qua các loại thiết chế quyền lực như một đứa con bị thời đại ruồng bỏ. Và y đã gặp hầu hết các hạng người, có thể trích liệt kê như sau: Nông dân, tên trộm trâu, chính khách, kẻ cướp, thằng điên, mật thám, nhân viên sở thuế, gã móc cống, gái điếm, nhà văn, thi sĩ, họa sĩ, kịch tác gia, thằng dài lưỡi, người bị trĩ mũi, bà chở đò, lão quét chợ, một ông lớn liệt dương, một ông bé ngắn chim, ngài bị cắm sừng, con sen, người đàn bà âm hộ không có lông, cầu thủ bóng đá, cha cố, sư ông, sư bà, ni cô, gã cờ bạc bịp, thằng nghiện ma túy, luật sư, người ăn mày, gã bạo dâm, cán bộ tổ chức, kẻ chuyên săn người, thẩm phán, kẻ nghiện thịt thối, tử tù, kẻ thấp cổ bé họng, gã Tác-tuýp thời nay, vợ một ông lớn, kẻ móc cuống họng, kiểm lâm, kẻ phá rừng, hải tặc, gã dê cụ, cò mồi, thợ chụp ảnh, lái chó, gã chỉ trỏ nhà đất, kẻ thị dâm, đô vật, gã bệnh tưởng, bà mệnh phụ hôi nách, người nghiện sờ, lão viện trưởng hám gái, nhà khoa học nhân văn, nhà vi trùng học, kẻ thích giao hợp kiểu chó, tiến sĩ giấy, quan thanh tra, bác sĩ, tên đầu nậu xác chết, đĩ đực, người đẻ thuê, kẻ cấy bi sắt vào dương vật, cửu vạn, bọn nghiện thịt mèo, ngài nói dai, nhà giáo, gã đạo đức giả, phóng viên, kẻ đánh đĩ bằng miệng…
Với mỗi loại người mà đa phần y có tiếp xúc, cách này hoặc cách khác, y đều mô tả khái quát, đôi khi giống như một vài nét ký họa. Những trích dẫn dưới đây chỉ giống như một vài thí dụ để quý vị hình dung được việc y làm, do tôi lựa chọn một cách ngẫu nhiên.
M15: Gã là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ nửa mùa, từng viết sách chửi ngài K là kẻ tôi tớ của nhà thờ. Gã to cao, mũi bành, đi cúm rúm do bệnh nghề nghiệp, khi nói mắt thường nhắm, mở liên tục. Gã sống như thủ vai trên sân khấu và diễn khá đạt. Sở thích của gã: Gái có chồng và rượu kích dục. Gã có cái miệng rất điếm.
M23: ả xuất hiện như cái cách một nữ chúa Trung Hoa vẫn làm: Ðỏng đảnh và lạnh lùng. ả bị nguyền rủa vì quyến rũ đàn ông không phải bằng tình yêu.
M37: Lão là nông dân gốc nhưng tướng mạo lại có nhiều nét đế vương. Câu cửa miệng của lão là: cứt nát. Lão là hiện thân cho những thất bại của con người trong một đời sống đức tin bị nhạo báng cay độc.
M41: Với ông ta, chỉ có thể tự hỏi: Nếu ông ta là một quan tòa thì thế nào là một tên móc túi?
v.v…
Vì không nỡ làm phí thì giờ vàng ngọc của quý vị mà tôi phải gạt qua một bên những tiểu luận chân dung được đẽo vạc bằng chiếc rìu mà Gô-gôn vẫn dùng, nghĩa là chỉ cần vài nhát khi định biến một cục đá thành một bộ mặt. Kể ra có thời giờ thì đọc chúng cũng có cái thú. Ta sẽ thấy y có một cái nhìn không khoan nhượng vào những chỗ người ta quen ve vuốt.
Cứ thế y đi lang thang, gặp gỡ ngẫu nhiên, hành động tùy hứng, soi xét theo cách riêng của y. Y quyết đi tìm xem chỗ của y ở đâu trong cuộc đời. Và y thấy y có thể đứng ở bất cứ chỗ nào nhưng bất cứ chỗ nào cũng không phải dành cho y. Y không bám được vào sợi tơ nhỏ nhất nối với đời sống. Y bị bật ra, bị hất văng khỏi quỹ đạo, bị xua đuổi, bị coi là quỷ sứ. Mọi người, nhất là giới quan chức kinh tởm y, như họ vẫn thường nhắm mắt trước bổng lộc, lương tâm bị cắn xé! Nhưng y thây kệ. Càng bị văng ra, càng bị xua đuổi, nguyền rủa, y càng sục sạo, cứng cổ đòi y phải có một chỗ đứng. Cuối cùng, một hôm, trong lúc y tin chắc mình bị đẩy đến đáy của các thang biểu địa vị và giá trị, thì y nhìn thấy một thứ ánh sáng rất lạ. Nó xanh lơ, le lói mà êm dịu, lung linh kỳ ảo nhưng siêu thoát. Thứ ánh sáng, nếu không là nguyên khởi thì cũng chưa từng có. Y choáng ngợp, ngây ngất, và thấy không còn bất cứ một nỗi sợ nào hết. Tâm hồn y mở toang ra đón nhận niềm hoan hỉ mà y chưa từng trải qua. Cuối cùng, nhờ lục lọi trong kho ngôn ngữ, y tìm thấy từ đích đáng có thể diễn tả được trạng thái tinh thần mà y đang tận hưởng. Nó chính là Tự Do. Y đã thấy tự do, thứ mà y hằng khao khát. Trong tích tắc, mọi bí nhiệm đều hoàn kết. Y thấy mọi thang bảng giá trị trước kia bị lộn ngược, theo đó kẻ đi cuối thì nay lên đầu. Những gì trước kia bị xua đuổi, thì nay được đón nhận. Những gì trước kia là thiêng liêng, thì giờ đây giống như một trò hề. Trọng tội bị tước mất ngôn ngữ, bít chặt thính giác. Ngài X, ngài Y, ngài F… bị nhốt ở nơi dành cho cầm thú. Và y nhận thấy nhiều chỗ danh giá còn bỏ trống…
Y tìm ra một cái nhà xác. Nó bé và sạch, tuyệt nhiên không thấy những con chuột to một cách kỳ dị cùng với gã quản xác – kẻ rình móc mắt người chết – để vì thế mà các nhà xác lạnh không kém nơi người ta đưa ra những mô hình quái gở cho tương lai. Thay cho những chiếc bệ đặt xác người, là những ô ngăn kéo xinh xắn, một số ô bị niêm phong kín. Y tò mò mở vài ô trong số chưa bị niêm phong mới biết nó là nơi chứa xác các loại tư tưởng. Hầu như tất cả đều được gom về đây dưới dạng xác chết. Và y lại thấy còn nhiều ô trống không. Nhưng y không bị bất ngờ. Y phủi một vài hạt bụi – mà khi còn sống từng là gông cùm con người – như người nông dân thản nhiên gỡ con đỉa hút máu ra khỏi cơ thể mình.
Rời chiếc nhà xác, y đi thẳng đến tượng đài nghệ thuật. Một dòng chữ vàng đập vào mắt y: Ta tạo ra cái gì thì sẽ giữ lại cái ấy. Tượng Thi thần ngồi ở trên một chiếc bệ thờ xây cất bằng những tên tuổi được hóa thân thành những viên đá. Trên bệ thờ còn có một cuốn sổ vàng, ghi lại những câu mang tính hiện diện về mặt văn hóa của mỗi dân tộc. Trang đầu ghi một đoạn trong Nhã Ca, sau đó là một khúc của Dante, còn lại theo phép chia đều. Ở một trang, y đọc được câu: Tiến mau ra Sa tràng.
 
o O o
 
Những ghi chép tiếp theo chỉ đáng lưu ý ở bài Tiểu luận về nghệ thuật viết dưới dạng đối thoại với một độc giả và phác thảo của Bài thơ số phận, viết theo lối ẩn ngữ kiểu Rabelais. Nhưng cả hai bài đều ít bổ dưỡng cho tạng thể tâm khí của nền văn học nước nhà, vì thế nói như một thành viên Hội đồng xét thưởng: “Cái đó… vứt mẹ nó đi”. Tôi thấy chúng bị vứt lăn lóc trong một căn phòng thuận tiện cho chó hơn là cho người, chứ chưa nói đến lại còn có cả thơ ca! Nhưng thiết tưởng điều đó không quan trọng. Bởi vì thiếu gì nơi diễn ra những trò ô uế lại vô cùng sang trọng. Cũng như nó từng không thành vấn đề khi một kẻ bán khí đốt là một thi sĩ đích thực, trong khi một thi sĩ tầm cỡ, mà vì thế anh ta có quyền đun gas, lại chỉ là một chú thợ cắt gọt! Ồ, có thành vấn đề gì đâu! Cái chính là xã hội luôn luôn không ngừng thường xuyên tốt đẹp.
Cuối cùng, dù rất không muốn, tôi phải nói đến cuốn: Nhật ký về một người có tên là Chu Quý. Ngay bản thân cái tên đã khiến tôi lúng túng. Có thể chủ ý của ông là chỉ lấy tôi làm nguyên mẫu, tức là Chu Quý vừa là tôi, vừa không phải là tôi. Câu mở đầu ông ghi: “Tôi đã tóm được hắn”.
Hắn có bộ mặt điển trai, tóc sáng, mắt như hai bóng râm nhỏ và đặc biệt đáng chú ý là cái miệng. Nó hơi lệch sang một bên như là khi ra đời hắn bị một bên là quỷ sứ, một bên là các thiên thần giằng nhau chí chết nhằm kéo hắn về phe mình. Quỷ sứ, vốn mạnh tay, dùng móc sắt mà y luôn thủ sẵn, móc vào mép hắn, trong khi các thiên thần gượng nhẹ hơn cứ túm lấy hai chân hắn mà lôi. Kết quả mồm hắn thì bị lệch còn chân thành quá dài. Hắn vĩnh viễn mang dấu ấn của cả hai thế lực.
Hắn vừa thông minh, vừa đần độn, vừa thanh cao vừa ô trọc, vừa thiện vừa ác. Mắt hắn luôn luôn là sự lấn át lẫn nhau giữa ánh sáng tinh thần siêu thoát và bóng tối của dục vọng. Hắn hùng tâm tráng chí nhưng luôn luôn sợ đối mặt với quyền lực. Nỗi sợ này khắc dấu lên tâm hồn hắn: Một tâm hồn nhạy cảm, thích nổi loạn nhưng sợ bị tan vỡ. Hắn vừa đam mê, vừa lý trí. Hắn là đứa con mà thời đại hoài thai ngoài ý muốn bởi một cuộc cưỡng hiếp…
Hắn có một lý lịch rất bí ẩn. Suốt nhiều đời cho đến hắn đều độc đinh. Tất cả đều có thiên tư, chí khí, óc sáng tạo. Nhưng tất cả cho đến nay – chỉ trừ hắn – đều bị giết bởi một lời nguyền nào đó. Từ bé hắn đã khao khát biết rõ sự thật. Nhưng khi gần chạm được tay vào sự thật thì hắn lại bỏ cuộc. Vì thế hắn luôn luôn bị cầm tù giữa hiện tại và quá khứ. Hắn chỉ thoát chết do kẻ thù của hắn – đích thị là một con quỷ đã hút máu cha hắn cho đến khi ông lìa đời – giữ trong tim một tình yêu đơn phương với mẹ hắn.
Nhưng tính chất bi thảm lại ở chỗ, hình như những kẻ sát nhân kia đã thực thi một công việc ghê gớm do giải mã sai di huấn của những bậc tiền bối. Bởi vì trong một bức thư để lại, một trong những tên giết người than rằng: “Tại sao lại bắt tôi làm việc này trong khi tôi không tìm thấy bất cứ lý do nào căm thù kẻ sẽ bị tôi giết chết”. Chính kẻ trực tiếp hãm hại cha hắn từng nguyền rủa viên đá được xem là vật thiêng khi ông ta bị bắt buộc phải hành động.
Hiện tại hắn đang nắm giữ bí mật của cuộc báo thù mà hắn cũng bị săn đuổi. Nhưng sở dĩ hắn không dám mở ra xem vì sẽ vô cùng kinh hãi nếu, rút cuộc, chẳng có bất cứ bí mật nào hết. Nó còn kinh sợ hơn cả việc hắn trở thành con mồi của những kẻ giết người. Bởi vì khi đó hắn mất luôn cả ảo tưởng mình là một nạn nhân của một bi kịch mang tính lịch sử. Vả lại, mất đi sự bí ẩn, dù đó là bí ẩn mang bộ mặt thần chết, thì cuộc sống kém đi biết bao sự hấp dẫn? Khi đó tổ tiên hắn, thay vì vinh quang chết cho một sứ mệnh và điều đó mặc nhiên tôn vinh hắn (chẳng hạn người ta coi hắn là con cháu của những người bị quỷ sứ đố kị) sẽ chỉ còn là sự biến mất một cách vô nghĩa.
Sự trùng lặp ngẫu nhiên giữa nhân vật của tôi với hắn chỉ dừng lại ở mặt hành vi. Nhân vật của tôi sưu tầm những cái chết bởi y không tìm kiếm thấy ý nghĩa trong hành động sống. Nó máy móc, được lập trình, trở thành giả dối. Nó chính là một cái chết còn đáng sợ hơn cái chết thân xác và nhân vật của tôi thực ra là chạy trốn cái chết. Còn hắn, việc hắn sưu tầm những cái chết để thỏa mãn một quan sát lạnh lùng, y như khi ta quan sát con ác thú cắn xé mồi ta sẽ thấy bộ dạng, vẻ mặt, móng vuốt nó ra sao. Về mặt nào đó, ta tìm kiếm sự thỏa mãn một nhu cầu mang tính bản thể: chiêm ngưỡng phần vực tối trong tâm hồn ta. Không có sự quan sát nào hiệu quả khi nó thiếu đi sự đồng cảm.
Những người có đời sống đơn giản sẽ không hiểu nổi hành động của hắn ở phố G. Nhưng hắn thì cảm thấy bị thôi thúc đến đó. Hắn không đơn thuần tìm kiếm cái chết của một thằng bé đánh giầy nào đó, không cần thiết biết hung thủ hành động ra sao? Bởi một người bình thường cũng hiểu ngay rằng, việc đó, nếu muốn, có thể thỏa mãn trong vài giờ đồng hồ, thời gian thừa cho hắn đi bộ tìm đến nhà chức trách. Tại đó hắn sẽ không còn việc gì phải làm nữa. Cái chết mà hắn tìm kiếm là cái chết sau sự giải thiêng triệt để các cấp giá trị, cái chết như là hậu quả tất yếu, mang theo dấu ấn của thời đại hắn, thời đại của những thể nghiệm tăm tối và những kiếm tìm ngạo ngược nhưng vô vọng. Vì thế hắn hành động bất chấp mọi logic, ngoại trừ logic của hắn. Giờ đây, không cần đến cái chết của thằng bé đánh giầy (Hoặc giả làm gì có thằng bé đánh giầy nào như hắn mô tả bị đâm chết vào thời gian do hắn giả định) hắn vẫn có thể triển khai ý đồ của hắn. Hãy tưởng tượng phố G là toàn bộ thế giới. Chiều dài phố G là toàn bộ lịch sử. Hắn bắt đầu từ sự kiện thằng bé đánh giầy bị đâm chết mà hoàn toàn có thể coi như một thiên sứ mang thông điệp bị giết. Ðó là một sự kiện, bản thân nó đã hàm chứa những ẩn ý cay đắng. Nhân loại giết thiên sứ, có thể do họ chối bỏ Thiên Ðường, cũng có thể vì họ không còn tồn tại khái niệm thiên sứ (Hắn đã từng ăn thịt con chim bồ câu bị nạn với ý nghĩ nhạo báng có thể nó là thiên sứ). Họ muốn tự mình hành động, không bị ám ảnh bởi một đấng toàn năng im lặng nào đó. Và họ đã hành động như thế nào?
Hắn đã xoáy vào việc trả lời câu hỏi này, với một nỗ lực đáng được ghi nhận. Nhưng lịch sử luôn luôn không đáng tin, vì thế hắn mất đi một chỗ dựa và phải tìm cách trụ vững trên đôi chân của mình. Từ đây hắn bắt đầu cuộc phiêu lưu đơn độc. Hắn muốn một lúc thấy cả cái khởi đầu và cái kết thúc. Nhưng ngay lập tức hắn rơi vào một tình cảnh thê thảm: Trở thành đứa bé mù lòa lưu lạc giữa rừng sâu. Trong khi cố gắng tìm kiếm lối ra, hắn, không những lạc sâu thêm, mà còn bị quỷ sứ tạo ra những ảo ảnh để đánh lừa. Nhưng cuối cùng có một tia sáng lóe lên ở cuối con đường. Hắn muốn đến đó để nghỉ ngơi bởi đã quá mệt mỏi. Hắn muốn đến thật nhanh nhưng đó là một ước muốn nực cười. Bởi vì với tham vọng đi xuyên qua lịch sử, hắn đã không còn là hắn nữa. Không ai còn nhận ra hắn. Họ không biết hắn là ai. Bản thân hắn cũng không còn đủ tự tin để khẳng định hắn vẫn là hắn. Hắn buộc phải dừng lại để cảm nhận về bi kịch tương lai: Ðó là sự vong bản của con người. Mất quê hương, tất yếu thành lưu lạc. Nhưng đánh mất bản thân mình, chưa biết điều gì sẽ xẩy ra. Ðiều có thể thấy trước là sự trùng lặp những thứ chỉ có giá trị khi khác biệt. Nó không chỉ làm đơn điệu đời sống – Ðời sống đã, đang và sẽ còn đơn điệu hơn – mà nguy hiểm hơn là nó đánh mất dần tính hiện diện, nó rô-bốt hóa cá tính và điều này đồng nghĩa với việc con người mất đi cơ sở tồn tại quan trọng. Hình ảnh có thể thấy trước là chỉ còn lại thế giới của những bản sao.
Có lẽ chính hắn không lường được cuộc thể nghiệm lại đẩy hắn đi xa đến thế. Hắn muốn dừng lại nhưng mọi việc không còn tùy vào ý hắn nữa rồi. Hắn đã phát hiện ra thế giới khác, đã bị chính nó nhấn chìm, một thế giới không còn ngôn ngữ biểu tượng mà chỉ có thao tác. Người ta đối thoại với nhau như những người máy, chỉ được nạp ngần ấy dữ liệu và phải nằm trong một hệ thống các quy ước. Kẻ nào ra khỏi hệ thống đó sẽ thành cô độc, thành dị thường, thành đối địch. Một thế giới mọi người giống hệt nhau nhưng không hiểu nhau. Hắn muốn quay về điểm xuất phát. Nhưng sự lầm lẫn – như một thuộc tính đầu tiên của con người – đã biến mục đích của hắn thành phương tiện để nhân thể vụ lợi. Hắn chỉ còn một hy vọng duy nhất, đó là tình yêu. Hắn bám chặt lấy nó như kẻ chết đuối bám chiếc cọc. Ðó là nguyên cớ những cơn ghen của hắn với một gã tình địch tưởng tượng. Nó báo hiệu một nỗ lực vượt qua xác thịt để trở về thanh sạch trong cõi sáng láng, chuộc lại tội lỗi hắn gây ra hồi trẻ luôn vò nát tâm can hắn.
Hắn, gã hiệp sĩ khốn khổ, kẻ hành hương sắp ngã gục, đang thất thểu trở về. Nhưng liệu ta có đủ kiên nhẫn để chờ gã không?
 
o O o
 
Quý vị thấy thế nào, thú vị đấy chứ khi được nhìn mình bằng cặp mắt của người khác! Tôi chỉ có thể nói với quý vị ngần ấy và nguyền rủa sự am tường của ông Bân, mặc dù biết rằng, với ông thì mọi sự đều đã thành vô nghĩa.
Tôi tiếp tục lục lọi những thứ ông để lại với ý định tìm ra nguyên nhân dẫn ông đến tuyệt vọng, và đây là một tia sáng hé lộ (những dòng này ông viết trước khi chết).
Tôi bị rơi vào một tình trạng trống rỗng kinh khủng. Những gì tôi đánh đổi cả đời mới có, đầy nguy cơ trở thành vô nghĩa. Tôi đã làm một cuộc hành trình đi tìm nhân vật, đã đi qua hầu hết những ngáng trở của cuộc đời và đã từng thất vọng bởi thời đại tạo ra đủ thứ: Chiến tranh, vũ khí hủy diệt, lò thiêu người, hố chôn tập thể, những cuộc thí nghiệm rùng rợn, lũ độc tài, phe nhóm, đảng phái, bọn đầy tớ, nịnh thần, bồi bút, nhà tù, bệnh Aids… nhưng không tạo nổi nhân vật. Vậy mà khi nó hiện ra ngay trước mắt tôi, trong tầm tay tôi… thì từ thất vọng tôi chuyển sang sợ hãi. Nó quá mọi sức tưởng tượng của tôi. Tôi cố đánh lừa rằng nó chỉ là một dạng khác của quỷ Satan. Nhưng nếu nó có tính quỷ thì nó vẫn không phải là quỷ. Nó đích thị là nhân vật, là dấu ấn của thời đại mà tôi không được chuẩn bị một chút gì để hiểu nổi nó. Ðiều đó còn thê thảm, nặng nề hơn cả cái chết.
Tôi cố nhớ lại lần gặp ông sau cùng, khi ông có dấu hiệu hoảng loạn. Ông nói về sự thối rữa thân xác. Có thể ông đã cảm nhận về sự thối rữa chính thân xác ông. Ông đã bỏ ra cả đời đi tìm kẻ giết mình.
Nhưng đấy là do tôi phỏng đoán vậy thôi. Cầu cho về nơi ấy ông gặp được Tự Do, như nhân vật của ông.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.