Điểm Dối Lừa

CHƯƠNG 76



Đến khi nghe có tiếng đập thình thình, Thượng nghị sĩ Sexton không nhớ nổi mình đã đứng nhìn trời được bao lâu. Nhận ra những tiếng đập đó không phải là tác dụng của rượu mạnh trong não bộ mà là tiếng đập cửa, ông liền vứt cái chai rỗng vào một góc phòng, tiến ra cửa.
– Ai đấy? – Ông hỏi to, không chút thân thiện.
Người vệ sĩ của Thượng nghị sĩ nói to tên một vị khách. Ngay lập tức Sexton đứng thẳng người, ông đâu có mời vị khách này đến nhà. Nhanh thật. Ước gì sáng maị ông mới phải gặp mặt ông ta cơ mà.
Hít một hơi thật sâu, vuốt phẳng quần áo, Sexton mở cửa. Một khuôn mặt rất quen thuộc hiện ra – rắn rỏi, cương nghị, dù ông ta đã hơn bảy mươi tuổi. Mới sáng nay Sexton vừa gặp ông ta trong chiếc xe tải cỡ nhỏ tại bãi đỗ xe ngầm của một khách sạn cơ mà. Không lẽ bây giờ vẫn là buổi sáng? Sexton băn khoăn. Lạy Chúa, từ đó đến giờ mọi sự đã đổi khác quá nhanh.
– Tôi vào được chứ? – Ông già tóc đen hỏi.
Sexton đứng tránh sang một bên, nhường lối cho Chủ tịch Hiệp hội Vũ trụ bước vào.
– Cuộc họp diễn ra suôn sẻ chứ? – Ông ta hỏi ngay khi Sexton chưa đóng xong cửa.
Có suôn sẻ hay không ư? Sexton thầm băn khoăn không hiểu lão già này có sống trong hang động hay không.
– Mọi thứ đều rất tuyệt cho đến khi Tổng thống xuất hiện trên tivi.
Ông già gật đầu, vẻ không hài lòng.
– Ừ, quả là thắng lợi không thể ngờ. Nó sẽ gây tổn thất lớn cho công cuộc của chúng ta.
Gây tổn thất cho công cuộc thôi ư? Ông ta quả là lạc quan. Sau thắng lợi đêm nay của NASA thì lão sẽ chết trước khi Hiệp hội Vũ trụ đạt được mục tiêu tư hữu hoá của họ.
– Suốt bao năm nay tôi đã tin là sẽ tìm được bằng chứng. – Ông già nói. – Tôi không thể biết sẽ vào lúc nào và bằng cách nào, nhưng sớm muộn gì thì chúng ta cũng sẽ được biết một cách chắc chắn.
Sexton choáng váng.
– Ông không thấy ngạc nhiên ư? Những số liệu toán học khẳng định rằng trong vũ trụ phải tồn tại các dạng sống khác nữa. – Ông ta đáp, tiến vào phòng riêng của Sexton. – Tôi không hề bất ngờ khi người ta phát hiện ra điều đó. Về mặt học thuật, tôi rất xúc động. Về mặt tâm linh, tôi rất kính sợ Chúa trời. Về mặt chính trị, tôi lo ngại sâu sắc: Thời điểm của phát kiến này quả là không thể tồi tệ hơn được.
Sexton băn khoăn không hiểu ông ta đến nhà mình với mục đích gì. Chắc chắn không phải để chúc mừng rồi.
– Như anh đã biết, – ông già nói – các công ty thành viên của SFF đã chi nhiều triệu đô la để mở ra và duy trì mặt trận đòi mở cửa ngành công nghiệp vũ trụ cho thành phần kinh tế tư nhân Mới đây, chúng tôi đã chi khá nhiều, cho chiến dịch bầu cử của anh.
Sexton lập tức trở nên cảnh giác. – Tôi không can hệ gì tới sự kiện tối nay. Chính tôi cũng bị Nhà Trắng gài bẫy nên mới công khai công kích NASA!
– Đúng thế. Tổng thống đã ra đòn rất hay. Tuy nhiên, chúng ta chưa phải đã mất hết. – Mắt ông ta ánh lên tia hi vọng kỳ lạ.
Ông ta lẩm cẩm mất rồi, Sexton thầm nghĩ. Chẳng côn gì nữa. Tất cả các đài truyền hình lúc này đều đang bình luận về tổn thất đối với chiến dịch tranh cử của ông.
Ông già vào trong phòng, ngồi xuổng giường, đôi mắt mệt mỏi nhìn thẳng vào Sexton:
– Anh có còn nhớ trục trặc kỹ thưật mà lúc đầu NASA gặp phải với vệ tinh nhân tạo PODS không?
Sexton chưa thể biết được câu chuyện của họ sẽ phát triển theo hướng nào. Vào lúc này thì điều đó còn có ý nghĩa khỉ gì nữa? PODS đã tìm được tảng thiên thạch chết dẫm chứa hoá thạch bên trong rồi còn gì!
– Nếu anh vẫn chưa quên, – Ông ta nói tiếp – phần mềm trên vệ tinh đó lúc đầu không hoạt động được bình thường. Anh đã công kích lỗi đó trên các báo chí rất gay gắt.
– Thì đúng là tôi phải làm thế còn gì nữa? – Sexton ngồi xuống đối diện ông già. – Đó là một thất bại nữa của NASA mà!
Ông già gật đầu.
– Tôi đồng ý. Nhưng ngay sau đó, NASA tổ chức cuộc họp báo công bố là đã khắc phục được sai sót đó, – họ đã sửa lại được phần mềm.
Sexton không tận mắt chứng kiến cuộc họp báo đó, nhưng ông nghe kể lại rằng cuộc họp báo hôm đó rất ngắn ngủi, buồn tẻ, chẳng có thông tin gì đáng kể. Người phụ trách dự án PODS đã miêu tả hết sức tẻ nhạt phương pháp NASA khắc phục lỗi phần mềm của PODS và đưa hệ thống vào hoạt động một cách hiệu quả.
– Tôi đã theo dõi PODS rất kỹ kể từ khi nó gặp sự cố – Ông già nói. Ông ta rút trong túi ra cuốn băng video và bước lại bên tivi của Sexton, cho băng vào đầu VCD. – Anh sẽ thấy có điều rất thú vị đấy!
Cuốn băng bắt đầu được chiếu lên Cảnh phòng báo chí của NASA tại đại bản doanh của nó ở Washington. Một người đàn ông ăn mặc rất chải chuốt đang đứng nói trên bục. Tấm biển trước mặt ông ta có ghi:
CHRIS HARPER, Giám đốc Dự án.
Vệ tinh chụp cắt lớp Địa cực (PODS)
Chris Harper người cao, quý phái, ăn nói với vẻ trịnh thượng của người Mỹ gốc Âu rất tự hào về nguồn gốc của mình. Giọng điệu của ông ta khá trau chuốt và có học thức. Ông ta đang công bố trước các nhà báo những tin tức xấu về PODS.
Dù vệ tinh nhân tạo PODS đã được đưa vào quỹ đạo và đang hoạt động tốt, chúng tôi đã gặp phải trục trặc với những máy tính được gắn kèm theo vệ tinh. Đó là một lỗi về phần mềm mà tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cụ thể là máy lọc FIR hoạt động lỗi do chỉ số voxel không chính xác. Điều đó có nghĩa là phần mềm đặc biệt dành riêng cho PODS không hoạt động được. Chúng tôi đang cố gắng khắc phục sự cố này.
Đám đông thở dài, rõ ràng là đã quen nghe nói về những thất bại của NASA.
– Sự cố đó có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả hoạt động của PODS? – Một phóng viên hỏi.
Harper trả lời hết sức trơn tru. Và cũng đầy tự tin.
– Hãy tưởng tượng anh có một đôi mắt hoàn hảo nhưng lại không có não bộ để xử lý thông tin. Thực chất thì vệ tinh PODS có thị lực 20/20, nhưng nổ không thể hiểu nổi những gì nó quan sát được. Nhiệm vụ của PODS là phát hiện những túi nước do băng tan trên hai vùng địa cực, nhưng nếu không có máy tính phân tích những dữ liệu do máy quét của nó truyền về, PODS sẽ chẳng thể phát hiện được những thứ chúng ta quan tâm. Lỗi này sẽ được khắc phục sau khi chúng tôi phóng tên lửa lên và tổ chức sửa chữa những máy tính được cài đặt trên vệ tinh đó.
Tiếng xì xào thất vọng lan khắp căn phòng.
Ông già quay sang Sexton:
– Ông ta nói về tin xấu rất trôi chảy đúng không?
– Ông ta là người của NASA. – Sexton lầm bầm. – Mà thất bại là hoạt động chính của NASA mà lại.
Cuốn băng bỏ qua đoạn trắng, rồi chiếu cảnh một cuộc họp báo khác của NASA.
– Đây là cuộc họp báo thứ hai, – Ông già thuyết minh, – Cách đây vài tuần, vào buổi đêm khuya. Rất ít người đến dự. Và lần này tiến sĩ Harper công bố tin tốt.
Cảnh phòng hòp báo. Lần này Harper trông nhếch nhác và thiếu tự tin.
– Tôi rất hân hạnh được công bố rằng, – Ông ta lên tiếng, vẻ rất gượng ép, NASA đã tìm được một giải pháp để khắc phục sự cố của vệ tinh PODS. – Sau đó ông ta giải thích nhát gừng về giải pháp ấy – thay đổi hướng đường truyền tín hiệu của vệ tinh để các máy tính đặt trên mặt đất xử lý thông tin thu được, thay vì các máy tính trên vệ tinh. Rất ấn tượng. Giải pháp này có vẻ rất khả thi và hiệu quả. Sau khi Harper trình bày xong, cả phòng họp báo rộn lên tiếng vỗ tay phấn khởi.
– Như thế có nghĩa là bao lâu nữa thì chúng ta sẽ nhận được tín hiệu? – Một người lên tiếng.
Harper gật đầu, mồ hôi đầm đìa:
– Khoảng một vài tuần nữa.
Tiếng vỗ tay vang lên to hơn nữa. Nhiều cánh tay giơ lên ra hiệu xin đặt câu hỏi…
– Lúc này chúng tôi chưa thể nói gì hơn. – Herper nói, thu dọn giấy tờ trông như sắp phát ốm. – PODS đã trở lại bình thường và hoạt động suôn sẻ. Chúng ta sẽ nhanh chóng nhận được thông tin.
Ông ta lao xuống khỏi bục gỗ theo đúng nghĩa đen của từ ấy.
Sexton nhíu mày. Phải thừa nhận là có điều gì đó rất khác thường. Tại sao lúc báo tin xấu thì Harper đầy vẻ tự tin, còn khi công bố tin tốt thì lại khổ sở đến thế? Đáng ra phải ngược lại chứ. Ông không xem chương trình truyền hình trực tiếp buổi họp báo này, nhưng đã đọc đâu đó về biện pháp khắc phục lỗi phần mềm. Vào thời điểm đó, biện pháp khắc phục sự cố này của NASA có vẻ vô thưởng vô phạt, công chúng chẳng tỏ ra mặn mà gì lắm – PODS chẳng qua chỉ là một dự án thất bại của NASA và đã được gia cố bằng biện pháp chẳng lấy gì làm lý tưởng.
Ông già quay sang nhìn Sexton:
– NASA nói rằng hôm ấy tiến sĩ Harper không được khỏe. – Rồi ngừng một lúc – Tôi thì lại nghĩ Harper nói dối.
Nói dối ư? Sexton trợn tròn mắt, tâm trí rối bời, ông không thể tìm được một lý do nào hợp logic để giải thích cho điều ấy. Tuy nhiên, trong đời mình, Sexton đã nói dối quá nhiều. Vì thế người khác nói dối thì ông nhận ra ngay. Phải thừa nhận rằng trông tiến sĩ Harper rất khả nghi.
– Chắc anh chưa nhận ra. – Ông già nói. – Lời tuyên bố ngắn gọn vừa rồi của Chris Harper chính là cuộc họp báo quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử NASA. – Ngừng một lát. – Giải pháp sửa chữa lỗi phần mềm rất dễ thực hiện mà ông ta vừa miêu tả chính là điều kiện tiên quyết để PODS phát hiện ra tảng thiên thạch.
Sexton bối rối.
– Và ông nghĩ rằng Harper nói dối? Nhưng nếu Harper nói dối, và phần mềm của PODS thực ra vẫn chưa hoạt động được, thì làm thế quái nào mà NASA phát hiện được tảng thiên thạch?
Ông già mỉm cười:
– Chính xác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.