Điểm Dối Lừa

CHƯƠNG 86



Rachel ngồi yên lặng, dõi nhìn ra ngoài cửa sổ của chiếc phi cơ G4 đang đưa cả nhóm về phương nam, ngang qua bờ vịnh St. Lawrence thuộc địa phận Canada. Cạnh cô, Tolland đang chuyện trò với Corky. Dù phần lớn các chỉ số cho thấy tảng thiên thạch là thật chi tiết mà Corky vừa thừa nhận, rằng hàm lượng nickel trong chất đá của nó nằm ngoài khoảng trung bình đã một lần nữa nhen lên trong tâm trí Rachel những nghi ngờ ban đầu. Bí mật khoan thủng phiến băng từ phía dưới để đưa tảng đá vào trong lòng băng là một âm mưu hoàn hảo.
Dù sao thì những bằng chứng khoa học vẫn chỉ ra rằng đó đích thực là một tảng thiên thạch.
Rachel thôi không nhìn ra ngoài nữa, cô cúi xuống nhìn mẫu đá đang cầm trên tay. Những chrondrule bé tí phản quang lóng lánh. Corky và Tolland đã thảo luận về những chrondrule bé nhỏ này hồi lâu, họ nhắc đến những thuật ngữ khoa học nằm ngoài phạm vi hiểu biết của cô – mức độ olivine cân bằng, chất nền siêu bền, những biến dạng đã tái đồng nhất. Nhưng kết luận thì rất rõ: Corky và Tolland đều thống nhất quan điểm cho rằng những chrondrule là bằng chứng chắc chắn chứng minh cho nguồn gốc vũ trụ của tảng đá. Dữ liệu đó thì không thể làm giả được.
Xoay xoay mẫu đá mỏng trong lòng bàn tay, ngón tay của Rachel chạm vào lớp vỏ bị cháy xém. Lớp vỏ nóng chảy trông rất mới – chẳng có vẻ gì là đã được ba trăm tuổi cả – mặc dù Corky đã giải thích rằng trong suốt thời gian đó, tảng thiên thạch bị bao kín trong băng đá và không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào của bầu khí quyển. Có vẻ rất logic. Rachel đã thấy trên tivi những xác người bị chôn kín trong băng bốn ngàn năm mà nước da vẫn gần như hoàn hảo.
Chăm chăm nhìn lớp vỏ bị nóng chảy, một ý nghĩ chợt loé lên trong trí não Rachel – một dữ liệu hiển nhiên đã bị bỏ sót. Cô tham tự hỏi không hiểu người ta đã cố ý làm vậy khi giải thích với cô về tảng đá, hay chỉ là một sơ suất vô tình.
Cô đột ngột quay sang hỏi Corky:
– Mọi người đã kiểm tra niên đại của lớp vỏ nóng chảy này chưa?
Corky nhìn cô bối rối:
– Cái gì?
– Đã có ai kiểm tra niên đại của lớp vỏ bị cháy chưa? Chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng lớp vỏ này được tạo ra cùng thời điểm với sự kiện Junger Fall hay không?
– Rất tiếc, – Corky trả lời, – cái đó thì không thể xác định được. Oxy đã mài mòn sạch dấu vết các chất đồng vị. Đấy là chưa kể đến tỉ lệ giảm chất đồng vị phóng xạ rất thấp đã không cho phép xác định bất kỳ vật gì với niên đại dưới năm trăm năm.
Rachel ngẫm nghĩ trong giây lát, giờ thì cô đã hiểu vì sao không ai nhắc đến niên đại của lớp vỏ cháy xém.
– Như thế có nghĩa là lớp vỏ này có thể bị nóng chảy từ thời Trung Cổ, hoặc mới tuần vừa rồi, đúng thế không?
Tolland cười khà khà:
– Có ai dám khẳng định là khoa học đã trả lời được mọi câu hỏi đâu!
Rachel nói thành tiếng những suy nghĩ của mình:
– Chỉ cần nung ở nhiệt độ cao là sẽ có một lớp vỏ bị nóng chảy. Về mặt kỹ thuật thì lớp vỏ này có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong vòng nửa thế kỷ qua, bằng nhiều cách khác nhau.
– Sai rồi. – Corky đáp. – Nung nóng bằng nhiều cách khác nhau ư? Không đâu. Chỉ bằng một cách mà thôi. Cọ xát vào bau khí quyển.
– Không có cách nào khác à? Thế còn trong lò nung thì sao?
– Lò nung? – Corky nói. – Chúng tôi đã dùng kính hiển vi điện tử để soi lớp vỏ bị nóng chảy này. Ngay cả lò nung sạch sẽ nhất hành tinh này cũng vẫn để lại cặn nhiên liệu trên mặt đá – phóng xạ hạt nhân hoá chất, nhiên liệu hoá thạch. Quên khả năng đó đi. Lại còn các sọc dọc do rơi qua tầng khí quyển nữa chứ. Trong lò nung thì sao có cái đó được?
Corký lắc đầu:
– Lớp vỏ nóng chảy này quá tinh khiết.
Rachel nhìn sang Tolland. Nhà đại dương học gật đầu:
– Tiếc là tôi có hiểu biết đôi chút về núi lửa, cả trên cạn lẫn dưới nước. Corky nói đúng đấy. Trong tro bụi của núi lửa có rất nhiều độc tố – dioxyt carbon, dioxit sunfur, sunfat hydro, acide chlohydric – tất cả những thứ đó sẽ hiện rõ mồn một trong kính hiển vi điện tử. Buộc phải thừa nhận rằng lớp vỏ nóng chảy này là kết quả của quá trình ma sát với bầu khí quyển tinh khiết.
Rachel thở dài, lại đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. “Nóng chảy tinh khiết”. Những ngôn từ ấy cứ bám chặt lấy tâm trí cô. Rachel lại quay sang Tolland.
– Nóng chảy tinh khiết có nghĩa là sao?
Ông nhún vai:
– Đơn giản là khi soi bằng kính hiển vi điện tử. không phát hiện được dấu vết nào của nhiên liệu hoá thạch, nên người ta kết luận rằng nhiệt lượng tạo ra nóng chảy chỉ có thể là kết quả của năng lượng tạo ra do động lực chứ không phải do hoá chất hay các nguyên liệu hạt nhân.
– Nếu không có vết tích của nhiên liệu thì người ta sẽ tìm thấy cái gì? Thành phần cụ thể của lớp vỏ nóng chảy này là gì?
Corky lên tiếng:
– Chúng tôi tìm thấy đúng những thứ đang chủ đích tìm. Những thành phần của bầu không khí tinh khiết. Ni tơ, oxy hydro… Không nhiên liệu hoá thạch, không sunfur, không acide núi lửa. Không có gì đặc biệt cả. Chỉ toàn những chất tạo ra trong quá trình tảng thiên thạch rơi trong bầu khí quyển mà thôi.
Rachel ngả người trên ghế, cố tập trung suy nghĩ.
Corky nhoài người về phía cô.
– Xin cô đừng nói với tôi là cô đang nghĩ đến chuyện NASA đưa một tảng đá có hoá thạch lên trên trời bằng tên lửa đẩy, sau đó ném ùm xuống mặt đất với hi vọng là không một ai nhìn thấy quả cầu lửa rơi xuống, hay nghe thấy vụ nổ khủng khiếp, hay nhìn thấy cái hố khổng lồ mà nó tạo ra.
Rachel chưa nghĩ xa đến thế, nhưng quả thật đó cũng là một khả năng. Tuy không thực tế, nhưng rất hấp dẫn. Thực ra, những ý nghĩ trong đầu cô gần mặt đất hơn nhiều. Tất cả những thanh phần tự nhiên của khí quyển. Nóng chảy tinh khiết. Những vằn sọc do rơi tự do trong bầu khí quyển. Một tia sáng le lói vừa tắt ngấm trong tâm trí Rachel.
– Thành phần của khí quyển mà anh nhìn thấy ở tảng đá này, – cô nói – có trùng khớp hoàn toàn với tất cả những tảng thiên thạch khác hay không?
Dường như Corky có ý thoái thác câu hỏi này:
– Cô nói gì cơ?
Nhận thấy thoáng phân vân của Corky, tim Rachel đập rộn lên.
– Tỉ lệ đó không trùng khớp, đúng thế không?
– Có thể giải thích chi tiết đó một cách khoa học.
Mạch Rachel đập dồn:
– Anh có tình cờ nhận thấy bất kỳ thành phần nào có tỉ lệ khác thường không?
Tolland và Corky chột dạ nhìn nhau.
– Có đấy, nhưng mà… – Corky nói.
– Có phải tỉ lệ hydro bị ion hoá không?
Nhà vũ trụ học trố mắt kinh ngạc:
– Làm sao cô biết được điều đó?
Ánh mắt của Tolland cũng đầy kinh ngạc.
Rachel nhìn thẳng vào họ:
– Thế tại sao không ai nói gì với tôi?
– Vì có một cách giải thích hết sức khoa học cho chỉ tiết đó. – Corky dõng dạc.
– Tôi đang nghe đây. – Rachel nói.
– Tỉ lệ hydro bị ion hoá quả là có cao hơn. – Ông ta nói tiếp. – Bởi vì tảng thiên thạch này rơi xuyên qua vùng khí quyển của Cực Bắc. Và điều kiện từ trường đặc trưng của vùng này đã tạo ra tỉ lệ khí hydro bị ion hoá hơi cao hơn bình thường.
Rachel nhíu mày:
– Tiếc rằng tôi lại có một cách giải thích khác.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.