Điểm Dối Lừa

CHƯƠNG 90



Mình đi đời rồi, Chris Harper thầm nghĩ, lòng tê tái khi nghĩ đến cảnh tù đày. Thượng nghị sĩ Sexton đã biết rằng trình nói dối về phần mềm của PODS.
Dẫn Gabrielle vào phòng làm việc của mình và đóng cửa lại, ông thấy căm ghét Giám đốc NASA. Đêm nay thì Harper đã biết những lời dối trá của ông Giám đốc có thể thậm tệ đến thế nào.
Không chỉ ép ông nói dối về dự án PODS. Ông ta còn nguỵ tạo bằng chứng để sẵn sàng hãm hại ông trong trường hợp ông thay đổi thái độ và không muốn tiếp tục nói dối nữa.
Bằng chứng về hành vi biển thủ công quỹ. Harper thầm nghĩ. Để doạ. Thật quỷ quyệt. Suy cho cùng thì sẽ chẳng một ai đem đặt lòng tin vào kẻ tha hoá muốn làm hỏng giây phút huy hoàng nhất trong lịch sử chương trình nghiên cứu vũ trụ của Hoa Kỳ. Vốn đã biết rằng Giám đốc dám làm mọi chuyện để bảo vệ NASA, ông vẫn cảm thấy choáng váng khi nghe Tổng thống tuyên bố về tảng thiên thạch có hoá thạch bên trong.
Harper đi đi lại lại bên chiếc bàn lớn đặt mô hình thu nhỏ vệ tinh PODS – một vật hình lăng trụ với rất nhiều ăng ten và kính phản quang. Gabrielle ngồi xuống, chăm chú nhìn ông ta, chờ đợi.
Cảm giác nôn nao trong dạ lại một lần nữa khiến Harper nhớ lại những gì ông ta cảm thấy trong suốt buổi họp báo ấy. Ông ta đã trình bày một cách rất không thuyết phục, và rất nhiều người đã thắc mắc với ông về điều đó. Thế là Harper buộc phải tiếp tục nói dối rằng hôm ấy ông bị ốm nặng. Cả cánh phóng viên lẫn các đồng nghiệp của ông đều tỏ ra không hài lòng, nhưng rồi đều nhanh chóng quên bẵng đi cuộc họp báo kỳ quặc đó.
Giờ đây, lời dối trá đó quay lại ám ảnh tâm trí ông.
Gabrielle Ashe tỏ ra nhã nhặn hơn:
– Ngài Harper này, giờ Giám đốc đã trở thành đối thủ của ông rồi, nên ông cần phải có một đồng minh. Và Thượng nghị sĩ Sexton sẽ là người bạn duy nhất mà ông có được trong bối cảnh này. Chúng ta hãy bắt đầu với câu chuyện về phần mềm của PODS. Hãy cho tôi biết những diễn biến cụ thể.
Harper thở dài. Ông biết đã đến lúc phải thú nhận sự thật.
Đáng ra hôm ấy mình chẳng nên nói dối!
– Công đoạn phóng vệ tinh PODS diễn ra suôn sẻ. – Ông bắt đầu. – Vệ tinh bay trên một quỹ đạo quanh vùng cực, đúng như dự định.
Thật nhàm chán. Cái đó thì Gabrielle Ashe đã biết trước rồi.
– Ông nói tiếp đi.
– Sau đó vấn đề nảy sinh. Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu vùng băng hà vĩnh cửu để tìm các vị trí có độ đậm đặc khác thường. Và phần mềm phát hiện độ đậm đặc trên vệ tinh không hoạt động.
– Rồi, cái đó tôi đã biết.
Phầm mềm đó đáng ra phải có khả năng xem xét hàng ngàn hécta diện tích và phát hiện ra những khu vực có độ đậm đặc khác so với độ đậm đặc của băng tuyết. Trước hết là phải tìm được những khu vực mềm hơn bình thường – những bằng chứng của quá trình nóng lên toàn cầu – nhưng nếu phát hiện ra những đối tượng có độ đậm đặc khác thường thì nó cũng phải báo về. Đó cũng là một phần của kế hoạch. Mục đích chính là để PODS chụp cắt lớp Cực Bắc trong vòng vài tuần nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường để đánh giá mức độ ấm lên toàn cầu.
– Nhưng vì phần mềm không hoạt động, – Gabrielle tiếp lời, cho nên PODS chẳng làm được gì. Đáng ra NASA đã có thể nghiên cứu kỹ từng xăng ti mét vuông vùng Cực Bắc để phát hiện các bất thường.
Harper gật đầu, nhớ lại những cảm giác ghê sợ sau sai lầm ngớ ngẩn của mình.
– Phải mất vài thập niên mới khắc phục được, tình hình lúc đó vô cùng xấu. Vì sai sót của tôi trong khâu lập trình, PODS trở thành hoàn toàn vô dụng. Đã thế lại đúng vào giai đoạn tranh cử và Thượng nghị sĩ Sexton đã công kích NASA. – Ông ta thở dài.
– Sai sót của ông vô cùng tai hại đối với NASA và Tổng thống.
– Đó là thời điểm vô vùng nhạy cảm. Giám đốc giận tím gan. Tôi đã cam kết với ông ấy sẽ khắc phục được sự cố trong lần phóng vệ tinh tiếp theo – chỉ đơn giản là vấn đề thay vài con chíp trong máy tính mà thôi. Nhưng quá muộn. Ông ta cho tôi nghỉ phép năm, nhưng thực ra là sa thải tôi. Đó là chuyện cách đây một tháng.
Thế nhưng cách đây hai tuần, ông đã xuất hiện trên tivi và công bố rằng đã khắc phục xong sai sót đó.
Harper đổ sụp xuống ghế.
– Đó là lỗi lầm khủng khiếp. Hôm ấy, tôi đã nhận được cuộc gọi của Giám đốc. Ông ấy nói rằng có sự kiện quan trọng, vừa xảy ra, và có cách để chạy tội cho tôi. Tôi đã đến ngay văn phòng để gặp ông ấy. Và đã nhận được lệnh tổ chức họp báo để công bố rằng sẽ khắc phục xong sai sót trong phần mềm của PODS trong vòng vài tuần sau đó. Và ông ấy còn bảo sẽ giải thích sau
– Và ông đã đồng ý?
– Không. Tôi từ chối! Nhưng một giờ sau thì ông Giám đốc đã đến phòng làm việc của tôi, cùng với cố vấn của Tổng thống!
– Cái gì? – Gabrielle bàng hoàng.
Bà ta thật đáng sợ. Harper thầm nghĩ, gật đầu. Bà ta cùng ông Giám đốc bắt tôi ngồi xuống, và nói rằng vì tôi mà cả NASA và Tổng thống bị đẩy đến bên bờ vực thẳm. Tench nói với tôi rằng ngài Thượng nghị sĩ có ý định tư hữu hoá NASA nếu đắc cử. Và vì thế tôi mắc nợ cả NASA lẫn ngài Tổng thống: Sau đó bà ta giải thích mọi chuyện.
Gabrielle nhoài hẳn người về phía trước:
– Ông nói tiếp đi.
– Bà ta giải thích rằng, do may mắn tình cờ. Nhà Trắng đã nghe lén được nguồn tin rằng một tảng thiên thạch đang bị vùi lấp trong lòng phiến băng Milne. Tảng thiên thạch lớn chưa từng thấy. Và tảng thiên thạch to lớn đến thế chắc chắn sẽ được coi là một phát kiến quan trọng của NASA.
Gabrielle ngỡ ngàng.
– Gượm đã nào, ông nói rằng người ta biết trước về sự có mặt của tảng thiên thạch trước khi PODS tìm thấy nó à?
– Đúng thế PODS chẳng liên quan gì đến phát kiến này cả. Giám đốc đã biết trước về sự tồn tại của tảng thiên thạch. Ông ta chọ tôi biết toạ độ, và bảo tôi định vị PODS đúng vị trí đó để giả vờ là vệ tinh của chúng tôi đã tìm ra nó.
– Ông nói đùa?
– Tôi cũng đã phản ứng y như thế khi họ yêu cầu tôi tham gia vào âm mưu kia. Họ từ chối không chịu nói đã tìm thấy tảng thiên thạch đó bằng cách nào. Tench chỉ nhắc đi nhắc lại rằng điều đó không quan trọng, rằng đây là cơ hội để tôi khắc phục sai sót của mình. Nếu tôi giả vờ rằng chính PODS đã tìm ra tảng đá đó thì NASA sẽ công bố thông tin rộng rãi nhằm tuyên truyền về thắng lợi của NASA, để cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống có thể cất cánh.
Gabrielle kinh hoàng.
– Và dĩ nhiên nếu chưa tuyên bố đã khắc phục xong lỗi phần mềm của PODS thì không thể nói rằng chính nó đã tìm thấy tảng thiên thạch.
Harper gật đầu.
– Cho nên đó là buổi họp báo dối trá. Tôi bị ép phải làm thế. Cả bà Tench lẫn Giám đốc đều xử sự một cách nhẫn tâm. Họ nhấn mạnh rằng chính tôi đã kéo tất cả mọi người xuống tận bùn đen – Tổng thống đã chi ngân sách cho dự án PODS, NASA đã mất bao năm mới hoàn tất được nó, và giờ đây tôi đẩy tất cả những công sức ấy xuống bùn đen, chỉ vì một sai lằm ngớ ngẩn.
– Thế là ông nhận lời giúp họ.
– Tôi chẳng còn cách nào khác. Nếu không làm thế thì sự nghiệp của tôi chắc chắn sẽ chấm hết. Và sự thật là nếu tôi không làm hỏng phần mềm ấy thì PODS đã tìm thấy tảng thiên thạch đó rồi. Cho nên lúc đó những gì tôi nói cũng không có gì ghê gớm lắm. Tôi tự thuyết phục bản thân rằng sau vài tháng nữa, khi tàu con thoi được phóng lên, sai sót đó sẽ được khắc phục. Vì thế tôi chỉ thông báo sự thật sớm hơn một chút mà thôi.
Gabrielle gật gù:
– Một lời nói dối vô hại để tận dụng cơ hội tảng thiên thạch.
Nhắc đến chuyện này, Harper trông như sắp phát ốm.
– Thế là tôi đã làm điều đó… theo chỉ đạo của Giám đốc. Đầu tiên, tôi tổ chức cuộc họp báo để công bố rằng đã có biện pháp khắc phục được sai sót phần mềm của PODS; đợi vài ngày sau, tôi điều khiển cho PODS nằm cố định đúng ở toạ độ có tảng thiên thạch; sau đó, theo đúng chỉ thị của ông ấy, tôi báo với Giám đốc Chương trình EOS là PODS vừa phát hiện được một vật thể có độ đậm đặc cao bất thường trên phiến băng Milne, cho ông ấy biết toạ độ chính xác, và nói thêm rằng độ đậm đặc này chỉ ra rằng rất có thể đó là một tảng thiên thạch. Trong tâm trạng phấn khích, NASA cử một toán đi khoan thăm dò để lấy mẫu đá Và đó chính là lúc sự việc trở nên ầm ỹ.
Và mãi đến tối nay ông mới được biết rằng tảng thiên thạch chứa hoá thạch bên trong?
– Ở đây chẳng ai biết một tí gì. Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên. Bây giờ ai cũng bảo tôi chính là người hùng đã có công tìm ra tảng thiên thạch đó, và tôi chẳng còn biết nói gì nữa.
Im lặng hồi lâu, đôi mắt đen cương nghị của Gabrielle nhìn thẳng vào ông tiến sĩ:
– Nhưng thực ra PODS không tự phát hiện được tảng thiên thạch. Làm sao ông Giám đốc biết được là nó đang ở đó?
– Đầu tiên là một người khác đã tìm thấy nó.
– Người khác? Ai thế?
Harper thở dài.
– Nhà địa chất học người Canada tên là Charles Brophy – nhà nghiên cứu trên đảo Ellesmere. Trong khi đang nghiên cứu độ sâu trên phiến băng Milne. Ông ta đã tình cờ phát hiện được một vật rất giống thiên thạch. Ông ta thông báo tin đó bằng sóng radio, và NASA nghe lén được cuộc nói chuyện.
Gabrielle trợn tròn mắt:
– Thế người Canada không phản ứng gì khi NASA cướp công của họ à?
– Không. – Harper đáp, giọng thê thảm. – Thật tiện cho NASA là ông ta đã chết rồi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.