ĐIỆP VỤ THÀNH BÁT ĐA

Chương XX



Trưa hôm sau ngài Pauncefoot Jones một mình lầm bầm trong miệng, ngài khó chịu vì nghe tiếng xe chạy vụt qua. Ông nhìn theo hướng chiếc xe vòng vèo băng qua sa mạc tiến về ngọn đồi Tell. “Lại có khách” – Ngài cay độc buột miệng nói. “Lúc nào cũng đến nhằm lúc căng thẳng. Ta đang bận kiểm tra quá trình xenlulo hóa tranh chạm khắc hoa hồng trên tường mé Đông bắc. Cũng là mấy tên ngốc nghếch từ Bát Đa nhiều chuyện muốn được hướng dẫn đến địa điểm khai quật.

“Đây là lúc ta cần nàng Victoria giúp một tay” – Richard Baker mở lời. “Này Victoria, nghe gì chưa? Ta nhờ cô làm một hướng dẫn cho khách tham quan được không”.

“Tôi chỉ biết nói tầm bậy thôi”. – Victoria đáp lại.

“Cô khá lắm mà” – Richard vui miệng nói. “Sáng nay ta được nghe kể loại gạch hai mặt bên lồi bên dẹt trong tác phẩm Delougaz”.

Nét mặt Victoria thoáng biến sắc, nàng nghĩ lại chỉ nên trình bày một cách dè dặt. Đôi lúc cái nhìn đầy vẻ giễu cợt ẩn dưới lớp kính dày cộm khiến nàng khó chịu.

“Tôi phải gắng làm tròn bổn phận” – Nàng dịu dàng nói.

“Ta dồn hết việc khó cho cô” – Richard nói.

Victoria nhếch mép cười.

Quả thật qua năm ngày làm việc, ngày nghỉ cuối tuần không làm cho nàng ngạc nhiên chút nào. Công việc rửa ảnh lấy nước lọc qua lớp bông gòn, ánh sáng từ cây đèn cổ lỗ sĩ thắp bằng nến nhằm lúc gay go nhất bỗng vụt tắt. Chỗ buồng tối là một cái thùng các-tông thay cho cái bàn, muốn làm gì phải khom lưng hay quỳ xuống – ông Richard gọi đó là bàn làm việc Little Ease thời Trung cổ. Ngài Pauncefoot nói cho nàng yên tâm là sắp tới trước mắt dành tất cả chi phí để trả lương cho công nhân.

Thoạt nhìn chiếc rổ đựng đầy mảnh gốm, nàng ngạc nhiên thích thú (dù nàng e dè không để lộ ra mặt). Nàng từ nhủ “Một mớ hỗn độn như vậy đó liệu có hiệu quả gì không”. Công việc nàng làm là tìm ra những mảnh khớp với nhau và sắp xếp lại ngay ngắn trong chiếc hộp độn cát. Nàng quá vui thích khi học được cách nhận dạng mảnh gốm thuộc về những thời kỳ nào. Vậy là nàng đã có được một khái niệm về món đồ vật đã được sử dụng bằng cách nào cách nay ba ngàn năm. Đứng trước khu đất hẹp vừa khai quật là một xóm nhà nghèo thời cổ, nàng hình dung những căn nhà thời đó xây dựng ra sao, thân nhân trong gia đình sinh hoạt như thế nào và cả những niềm vui nỗi lo buồn sợ hãi của họ thời đó nữa. Victoria hình dung ra được một hình ảnh sống động trong trí óc. Một hôm nàng nhìn thấy chiếc bình đất nung gắn trên bức vách bên trong đựng một chục đôi bông tai vàng, nàng như bị thôi miên. Ông Richard Baker thấy, ông cười và nói đó là của hồi môn người con gái mang theo.

Nào là chén bát đựng đầy hạt lúa, bông tai để dành làm của hồi môn, cối chày, tượng, bùa ngải. Như vậy trong ngôi nhà đó là cả một tập thể những người dân dã họ cũng biết ước mơ và biết lo sợ.

“Thật là thích thú biết chừng nào!” – Victoria nói với Richard “Tôi thường cho rằng ngành khảo cổ là mồ chôn những lâu đài Hoàng gia”.

“Các triều vua thành Babylon”. – Nàng kể thêm với một nụ cười lạ lẫm “nhưng tôi vẫn thích hình ảnh người dân lành hơn. May nhờ ông thánh Anthony cho tôi nhận lại vật đánh mất – con heo bằng sứ – cái tô hai màu xanh trắng. Khi lỡ tay làm bể tôi mua cái khác, nhưng hoàn toàn không giống chút nào. Tôi mới hiểu ra người thời đó sử dụng chất liệu nhựa bitumen để hàn chén tách đĩa trông xinh đẹp như mới. Cuộc sống từ thời xa xưa đến nay vẫn vậy – có phải không?”

Vừa nghĩ ngợi chuyện xưa nàng để mắt theo dõi đoàn khách đang hướng về phía ngọn đồi Tell. Richard bước tới chào đón, Victoria đi theo sau.

Hai vị khách người Pháp say mê ngành khảo cổ đang thực hiện chuyến đi từ Syria qua Iraq. Thăm hỏi xã giao xong – Victoria hướng dẫn khách đến nơi khai quật, vừa đi nàng vừa kể những chuyện đã được học thuộc lòng, thỉnh thoảng lại thêm thắt cho câu chuyện có phần rôm rả.

Một ông khách mặt mày biến sắc, bước đi uể oải chẳng thèm dòm ngó. Ông xin phép nàng trở vào nhà để nghỉ chân. Có lẽ do thời tiết nóng nực nên ông cảm thấy mệt.

Ông lê bước đi về phía trụ sở Hội Thám hiểm, ông bạn kia mới xuống giọng kể lể: “Ông ấy yếu bao tử. Tôi nghe nói đó là chứng đau bao tử, phải không cô? Lẽ ra hôm nay ông không đi được đâu”.

Buổi tham quan vừa xong, ông khách người Pháp còn nói chuyện với Victoria, ngài Pauncefoot mời ông khách tên Fidos ngồi nán lại uống trà rồi về.

Nghe vậy khách thấy hơi ngại, ông xin phép phải ra về trước lúc trời sẫm tôi vì đường khó đi. Richard Baker cho ông nói đúng. Ông khách bị ốm từ trong nhà bước ra theo, cả hai lên xe phóng đi thật nhanh.

“Đó chỉ là khách mở hàng thôi,” – Ngài Pauncefoot Jones càu nhàu nói. “mai mốt ngày nào cũng sẽ có khách”.

Nói xong, ông cầm lấy một khúc bánh mì Ả Rập trét đầy mứt trái mơ.

Uống trà xong, Richard trở về phòng. Ông ngồi vào bàn viết thư trả lời trước khi đi Bát Đa vào ngày mai. Chợt ông nhíu mày khi nhìn thấy ngăn kéo bị xáo tung. Ông vốn rất cẩn thận và ngăn nắp. Chắc không phải người giúp việc vào đây đâu. Vậy chỉ có thể là ông khách cáo ốm lúc nãy đi vào trong nhà thôi, gã đã lục lạo mọi thứ. Nhìn lại không mất một món nào, tiền mặt vẫn còn nguyên đó. Vậy thì, bọn chúng muốn tìm thứ gì? Nghĩ đến đó nét mặt ông nghiêm lại và cảm thấy lo sợ.

Ông trở qua bên gian phòng Antika Roon xem trong ngăn kéo đựng bộ con dấu và dấu đóng sẵn. Ông nhếch mép cười gằn – không mất một món. Qua đến bên phòng khách, nhìn thấy ngài Pauncefoot Jones đang nói chuyện với cai công trường ngoài sân. Bên trong phòng chỉ còn Victoria đang thu mình ôm sách đọc.

Richard bước tới không rào đón hỏi ngay, “Có người lạ vào phòng tôi lục soát”.

Victoria sững sờ ngước nhìn ông.

“Sao lạ vậy kìa? Nhưng ai mới được chứ?”

“Không phải là cô chứ?”

“Tôi à?” – Victoria tức giận. “Không dám đâu. Sao tôi lại phải đi lục soát chỗ của ông?”

Ông gay gắt nhìn theo nàng. Rồi ông cất tiếng.

“Vậy thì đúng là cái tên khách quỷ quái kia rồi – cái tên giả vờ ốm đã đi vào nhà trụ sở Hội”.

“Hắn có cuỗm được món nào không?”

“Không” – Richard đáp – “Không mất một món”.

“Lạ thật sao lại có kẻ…”

Richard chặn ngang.

“Tôi cứ nghĩ là cô đã biết rồi chứ”.

“Tôi à?”

“Phải đây, bởi cô thường hay gặp những chuyện trái khoấy như vậy mà”.

“Ồ phải – đúng rồi” – Một thoáng kinh ngạc hiện trên nét mặt, nàng chậm rãi nói, “Tôi chẳng hiểu sao bọn chúng lại lục soát chỗ của ông để làm gì. Vậy ông có liên quan gì tới…”

“Tới gì chứ?”

Victoria chưa vội nói ra. Nàng ngẫm nghĩ.

“Xin lỗi ông” – Nàng chợt nói – “Ông vừa hỏi sao? Tôi chưa nghe hết”.

Richard không cần nhắc lại. Ông mới hỏi.

“Cô đang đọc sách gì vậy?”

Victoria khẽ nhíu mày.

“Sao ông không sưu tầm tiểu thuyết để đọc. Như truyện ‘Tale of Two Cities’, ‘Pride and Prejudice’ và ‘The Mill on the Floos’. Tôi đang đọc cuốn ‘Tele of Two Cities’.”

“Cô chưa đọc qua lần nào à?”

“Chưa, tôi cho là truyện của Dickens rất nhàm chán”.

“Kể cũng lạ thật”.

“Nhưng bây giờ tôi lại thích”.

“Cô đọc tới đâu rồi?” – Ông đứng nhìn qua vai nàng, đọc lớn. “Người đàn bà ngồi đan áo bắt đầu đếm Một”.

“Chắc là bà ta run sợ lắm”. – Victoria nói.

“Nhân vật bà Defarge – phải đấy, một nhân vật đầy cá tính. Cô để ý thử coi mũi đan kết thành tên mà tôi không đoán được, dù sao tôi không phải là thợ đan”.

“Ồ, vậy mà tôi cứ nghĩ ông biết đan chứ” – Victoria nói, chú ý nhìn đoạn tiếp theo. “Có mũi đan trơn có mũi móc – có mũi đan cầu kỳ – có chỗ bị lỗi. Tất cả được đan giống như để che giấu, mới nhìn qua tưởng đâu người đan quá vụng tay…”

Nàng nhanh trí nhớ lại hai sự việc trùng hợp với nhau, mọi việc cứ như đang bùng nổ trong đầu nàng. Một cái tên – với một trí nhớ xuyên suốt. Nàng nhớ lại người đàn ông tay nắm chặt chiếc khăn mùi xoa màu đỏ – chiếc khăn sau đó nàng nhặt được và cất vào trong ngăn tủ. Nàng liền lấy chiếc khăn ra, nàng quá ngạc nhiên khi nhìn thấy khăn thêu tên Defarge chứ không phải Lefarge – “Defarge, Phu nhân Defarge” – nàng thầm reo lên.

Nàng chợt nhớ lúc mới nghe Richard vừa trân trọng nhắc tên.

“Có việc gì vậy?”

“Ồ – không, chỉ là tôi vừa nhớ ra một việc”.

“Ta hiểu”. – Richard nhướng mày vẻ kiêu hãnh.

Như vậy qua ngày mai là mọi người trở về Bát Đa – ngày mai thời gian tạm trú của nàng đã hết. Nàng vừa trải qua một tuần lễ yên ổn, chính trong thời gian ấy nàng đã tận hưởng trọn vẹn cuộc sống nơi này. Victoria tự cho mình một kẻ khiếp nhược. Nàng sôi nổi thích kể chuyện phiêu lưu mạo hiểm, đến lúc tới được rồi nàng lại không thích nói. Nàng căm ghét chuyện phải tự mình chống chọi để vượt qua cơn mê vì thuốc, nhớ lại nàng khiếp sợ – khiếp sợ kinh khủng cái đêm ở lại trong căn phòng trên lầu, vừa lúc đó một người Ả Rập ăn mặc tả tơi đến nói với nàng một câu “Bukra” – ngày mai.

Ngay lúc này nàng phải quay trở về nơi xuất phát. Nàng là công cụ của ông Dakin, được ông trả lương, đã ăn lương thì phải tỏ ra can đảm. Như vậy là nàng phải trở lại trụ sở Hội Cành Ô Liu. Nhớ lại gương mặt ngài Tiến sĩ Rathbone với cái nhìn soi mói đen tối nàng muốn rùng mình. Ông đã cảnh báo nàng…”

Nhưng cũng có thể nàng sẽ không quay về vì mọi người biết nàng là ai rồi. Dù sao nàng cũng phải về nhà trọ nhận lại đồ đạc có lẫn một chiếc khăn quàng thêu tên… Từ hôm nhận lệnh đi về thành phố cảng Barsrah nàng vội chất đồ vào vali lẫn theo chiếc khăn quàng thêu tên đó. Khi nàng trả lại cho ông Dakin thì lúc đó nhiệm vụ đã hoàn thành. Ông sẽ nói với nàng một câu y như trong xi nê “Ồ! Cô diễn trò hay lắm, Victoria”.

Nàng ngước nhìn thấy ông Richard Baker chăm chăm dõi theo nàng.

“Vậy thì” – Ông mở lời “sáng ngày cô vui lòng đến nhận hộ chiếu nhé”.

“Hộ chiếu của tôi?”

Vậy là mọi chuyện đã rõ ràng. Từ lúc hay tin nàng Veronica sẽ bay từ London cho dù thì động tác rút lui có trật tự của nàng là hợp lý. Cho dù nàng có phải lánh mặt hay ăn năn hối lỗi vì gian dối, cũng không giải quyết được gì. Victoria là vậy đó, nàng muốn chứng tỏ cá tính của nàng, một cá tính chẳng thua kém gì nhân vật Micawber trong truyện của Dickens là lạc quan tin tưởng rằng thời thế sẽ đổi thay.

“Nhưng có cần gì không”.

“Cần chứ”. – Ông Richard phân bua. “Phải ghi đủ tất cả chi tiết tên họ, tuổi tác, điểm nhận dạng v.v… Nếu ta không nhận hộ chiếu về, tôi phải báo tên họ và đặc điểm nhận dạng cho cảnh sát. Thôi cô cho tôi biết họ của cô đi, lâu nay chỉ biết tên là ‘Victoria’ thôi”.

“Ô hay” – Nàng vừa nói “Ông đã biết rõ còn hơn tôi nữa kia mà”.

“Không phải vậy” – Richard nói. Ông nhếch mép cười độc địa. “Ta thì biết rồi, chỉ còn cô là chưa biết thôi”.

Ông nhìn nàng ánh mắt ẩn sau tròng kính.

“Dĩ nhien là tôi biết chứ” – Nàng đáp lại một câu gọn lỏn.

“Vậy cô có dám nói cho ta nghe không?”

Nghe giọng nói ông có vẻ quả quyết, nàng không trả lời, đứng lặng im.

“Ta đã hiểu cả rồi,” – Ông nói tiếp – “hãy nói thật ra đi. Rõ ràng là cô quỷ quyệt lắm. Cô đã nắm vững vấn đề – đã mang hết kiến thức ra áp dụng với thực tế – nhưng ta cho cô hay phải chấm dứt ngay cái trò bịp đời đó đi. Ta đã giăng bẫy cho cô lao đầu vào. Ta kể cho cô nghe những chuyện ba láp vậy mà cô tin ngay”. – Ông nghĩ ngợi một lúc lại nói. “Venetia Savile không phải là tên cô. Vậy cô là ai?”

“Ngay lúc đầu tôi đã kể cho ông nghe, vậy mà ông có tín tôi đâu”. – Victoria đáp “Thật tình tôi là Victoria Jones”.

“Tức là cháu gái ngài Tiến sĩ Pauncefoot Jones?”

“Không phải – Jones là tên tôi”.

“Cô còn kể nhiều chuyện khác nữa kia mà”.

“Có, nhưng tôi kể toàn những chuyện có thật. Vậy mà ông không tin, tôi biết đôi khi tôi cũng hay nói dối nhưng chuyện tôi kể ban nãy là tôi nói thật lòng. Vậy để chứng tỏ là tôi thiệt tình, tôi xin giới thiệu lại tên tôi là Victoria Jones. Có điều tôi không hiểu được sao tôi lại gặp ông tại nơi này?”

“Có thể vì lẽ đó mà cô cảm thấy hơi choáng?” – Ngài nghiêm giọng nói “Cô đã thi hành xong nhiệm vụ một cách không nao núng”.

“Ruột gan tôi thì khác” – Victoria nói. “Tôi cảm thấy như đang run rẩy. Tôi nghĩ nếu có tìm cách phân bua lúc vừa đến đây thì có thể tôi đã đến nơi an toàn”.

“An toàn à?” – Ông nhắc lại – “Nghe này Victoria, có phải chuyện cô bị tiêm thuốc mê là có thật sao?”

“Thật chứ! Nếu mà tôi bịa chuyện thì tôi phải bịa ra chuyện độc địa hơn vậy nữa kia!”

“Vậy là ta đã hiểu thêm về cô, và ta hiểu rõ động cơ từ đâu mà ra. Nhưng cô phải công nhận với ta là mới nghe qua chuyện đó không ai dám tin, có đúng không”.

“Vậy tại sao ông lại tin?”

Richard chậm rãi nói.

“Bởi vì, như cô vừa kể, cô có dính vào cái chết của Charmichael, nên tôi mới dám tin chuyện đó có thật”.

“Mọi chuyện từ đó mà ra cả”. – Victoria nói.

“Vậy thì tốt hơn hết cô nên kể cho tôi nghe đi”.

Victoria chăm chăm nhìn ông thật lâu.

“Không hiểu là”, – Nàng mở lời “tôi có nên tin ông không?”

“Chuyện này lại khác. Cô nghĩ là tôi nghi ngờ cô ở lại đây với một cái tên giả để dò la tin tức về tôi hay sao? Cũng có thể đó là nhiệm vụ được giao mà cô phải thi hành”.

“Có nghĩa là ông đã biết được một vài manh mối trong vụ ám sát Carmichael nên người ta cần phải biết”.

“Người ta là ai vậy?”

“Chuyện đó tôi sẽ kể sao” – Victoria nói – “Nếu ông ở trong số người ta, hẳn ông đã biết cả rồi chẳng có gì đáng nói nữa”.

Nàng kể lại cái đêm Carmichael bị giết chết, đến lượt nàng được gặp ông Dakin và chuyến đi về thành phố cảng Basrah, rồi nàng được tuyển vào làm ở Hội Cành Ô Liu, đến chuyện đối đầu với cô nàng Catherine, được nghe ngài Tiến sĩ Rathbone dặn dò và cuối cùng là câu chuyện có ai đó đã nhuộm tóc nàng vẫn chưa tìm ra lời giải đáp. Chỉ có mỗi câu chuyện nàng không tiết lộ ra đó là chiếc khăn quàng đỏ với tên phu nhân Defarge.

“Ngài Tiến sĩ Rathbone nào kìa” – Richard thắc mắc. “Cô nghĩ là ông ta liên can vào vụ này hay là núp bóng giật dây? Này cô em, ông ta là nhân vật quan trọng đấy. Cả thế giới đều biết. Các kế hoạch ông đề xuất đều nhận được tài trợ khắp nơi trên thế giới”.

“Lẽ nào ông lo toan hết mọi việc?” – Victoria hỏi lại.

“Từ xưa đến nay ta luôn xem ông ta là một tay huênh hoang khoác lác”. – Richard trầm ngâm kể.

“Vậy thì ông ta cũng khéo che đậy lắm”.

“Đúng, điều đó quả không sai. Ta nghe cô vừa nhắc tên Lafarge, người đó là ai vậy?”

“Đó là một cái tên khác” – Victoria nói. “Ngoài ra còn một nàng tên Anna Scheele nữa”.

“Anna Scheele nào nhỉ? Ta chưa bao giờ nghe nói đến”.

“Đó là một nhân vậy quan trọng” – Victoria nói – “nhưng cô ấy như thế nào”.

“Cô hãy nói đi” – Richard nói – “Ai là người bày ra những việc đó cho cô?”

“Edward – Ồ không, là ông Dakin. Có lẽ ông ta làm việc bên hãng Dầu khí”.

“Có phải lão già tướng người lom khom uể oải người như không còn thần sắc không?”

“Phải – nhưng không hẳn vậy đâu. Ý tôi muốn nói không còn thần sắc là không đúng”.

“Lão có nghiện rượu?”

“Chỉ nghe đồn thôi, nhưng tôi thì không thấy vậy”.

Richard tựa lưng vào thành ghế, nhìn theo nàng.

“Phillips Oppenheim, William Le Queux và một số tên mạo danh khác nữa sao? Có thật vậy không? Cô là người thật chứ? Có phải cô là liệt nữ bị hành hạ hay một kẻ phiêu lưu mạo hiểm quỷ quyệt?”

Victoria bèn hỏi Richard.

“Nói thật với ông, ông định kể lại với ngài Tiến sĩ Pauncefoot Jones về tôi như thế nào?”

“Có gì đâu” – Richard đáp – “chẳng có gì đáng nói cả”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.