Dinh dưỡng và thực phẩm

CHƯƠNG 41: CÁC LOẠI TRÁI CÂY



Trái (hay quả) cây thường có phần thịt mọng nước ăn được và hạt. Ngược lại với rau được dùng như món ăn chính, phần lớn trái cây là món ăn phụ, điểm tâm, tráng miệng hoặc ăn vặt… Trái cây là thực phẩm ưa thích của loài người vì tính chất bổ dưỡng và tiện lợi của nó.
Thành phần dinh dưỡng
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng quả quyết rằng trái cây là “bạn đường của sức khoẻ” vì nó có đầy đủ những chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì một đời sống lành mạnh.
1. Nước
Cơ thể cần từ 2 –3 lít nước mỗi ngày để giữ nhiệt độ bình thường, để làm trơn các khớp xương, để lưu chuyển dưỡng chất nuôi tế bào, để làm huyết tương chứa hồng cầu, bạch cầu, để làm vật chống đỡ cơ thể…
Nước trong trái cây rất nhiều, tươi mát, mà lại là loại nước tinh khiết, không nhiễm trùng hay vẫn đục. Nước từ lòng đất, được cây hút lên, chế biến đưa vào trái cây để ta dùng mà không cần mất công đun nấu, gạn lọc. Dùng nước này ta không sợ các bệnh như tiêu chảy, khó chịu dạ dày, không bị sự ô nhiễm của bụi đất hay hóa chất trong không khí.
2. Chất đạm
Chất đạm cần thiết cho sự cấu tạo các loại tế bào, chế tạo hormon trong cơ thể.
Thường thường, khi nói tới chất đạm, ta nghĩ ngay tới một miếng bít-tết, một đùi gà quay… vì đây là nguồn cung cấp chính. Nhưng loại chất đạm này có nhiều chất béo mà con người lạm dụng và phụ thuộc nó nên gây ra nhiều bệnh hoạn. Ngoài ra, ăn một miếng thịt cần đến 8 giờ để tiêu hoá, trong khi đó ăn hỗn hợp trái cây, ta chỉ cần nửa giờ là đã hấp thụ được số chất đạm này.
Rau trái cũng có nguồn chất đạm đáng kể, tất nhiên là ít hơn thịt cá, nhưng dễ tiêu và không có cholesterol. Ta hãy nhìn vào các vị tu hành, không ăn thịt động vật, chỉ ăn rau trái, mà cũng đủ chất đạm cho cơ thể, sức khoẻ vẫn tốt, thần sắc hồng hào, tinh thần minh mẫn, phục vụ đạo giáo và tín đồ không mệt mỏi.
Đạm trong trái cây có đủ tám loại acid amin cần thiết mà cơ thể không tự tạo ra được và phải do thực phẩm cung cấp.
Những trái ăn hạt như đậu phộng, hạt hạnh nhân, quả óc chó (walnut), trái bơ… có rất nhiều đạm.
3. Carbohydrat
Carbohydrat cung cấp năng lượng cho chức năng của cơ thể dưới hình thức các loại đường hoặc tinh bột. Trái cây có loại đường đơn thiên nhiên fructose, sẵn sàng được hấp thụ và có khả năng cung cấp năng lượng mà cơ thể cần ngay. Đường này dễ tiêu và hấp thụ vào máu từ từ nên không gây xáo trộn cho mức độ insulin do tụy tạng tiết ra.
4. Chất béo
Khi ăn nhiều chất béo thì không tốt, nhưng cơ thể cần một lượng tối thiểu để duy trì sự tăng trưởng của tế bào, tích trữ năng lượng, cấu tạo thành phần của hệ thần kinh, sản xuất hormon. Trái cây như chuối, bơ, ôliu, điều (đào lộn hạt)… có một ít chất béo và hầu như không có cholesterol.
5. Khoáng chất và vitamin
Cơ thể cần một lượng rất nhỏ khoáng chất và vitamin để điều hòa mọi chức năng cũng như để tăng trưởng, sinh sản. Trái cây có đủ các chất này dưới dạng hoàn toàn tự nhiên, không pha hóa chất, dễ tiêu và vừa đủ cho nhu cầu hằng ngày. Tuy nhiên, trái cây thường không có hoặc có rất ít vitamin B12.
Bảo quản
Trái cây là sản phẩm mà thiên nhiên cung cấp, sẵn sàng để con người sử dụng mà không cần nhiều thời gian chế biến, sửa soạn.
Để trái cây thêm ngon, cần có lựa chọn kỹ càng, bảo quản đúng cách, và ăn đúng lúc.
Khi bày bán trên thị trường, người ta thường phun hóa chất lên trái cây để giữ trái lâu hư cũng như để trái cây có vẻ tươi, đẹp, hấp dẫn hơn. Vì thế, cần rửa sạch hoặc gọt vỏ trước khi ăn.
a. Trái cây tươi
Mùa nào trái đó, mua đúng mùa đúng lúc thì trái cây ngon và rẻ hơn.
Lựa trái cây không khó khăn nếu ta để ý một chút. Điều cần nhớ là không nên mua vì giá rẻ, mà mua vì dùng được hoặc để dành được. Nếu không có nhu cầu trang trí, chưng bày cho đẹp mắt thì bề ngoài của trái hơi có tì vết một chút cũng không ảnh hưởng đến phẩm chất của trái.
Cũng nên nhớ rằng, hầu hết trái cây được xịt một lớp hóa chất để tăng màu tươi, tạo vẻ ngoài đẹp hơn, nên nhiều khi “thấy vậy mà không phải vậy”.
Khi mua về, trái chín cần được giữ trong tủ lạnh để tránh mau hư. Trước hết, lựa riêng những trái hư, trái chưa chín hẳn. Không nên làm trái mau chín bằng cách phơi nắng vì các tia tử ngoại, hồng ngoại có thể làm phân huỷ vài loại vitamin.
Rửa và lau khô những trái cây có vỏ cứng và trơn tru. Trái có vỏ mỏng như nho, anh đào, các loại trái nhỏ mọng nước như dâu, phúc bồn tử, ô rô, mâm xôi đen… thì không cần rửa khi cất giữ vì nước đọng làm trái mau hư, nhưng đừng quên rửa trước khi ăn.
Đừng vặt bỏ cuống hoặc chóp của trái, tránh làm tổn thương tới tế bào của trái.
Tủ lạnh cần giữ ở nhiệt độ từ 150C tới 210C, không ẩm. Tốt hơn hết là giữ trái trong hộp kín để không khí không làm khô trái, nhưng nếu đựng trong túi nylon thì lại nên chọc thủng lỗ nhỏ để thoát hơi và độ ẩm. Giữ kỹ như vậy, trái có thể để dành được khá lâu.
b. Trái cây đóng hộp
Với trái cây đóng hộp, khi mua cần xem kỹ hạn sử dụng có ghi trên hộp. Tuyệt đối không mua sản phẩm quá hạn dùng, cho dù giá rẻ.
Tránh những hộp bị rò rỉ, không khí vào hộp làm phồng lên; hộp móp vào không sao, trừ phi vết lõm làm rách hộp và để không khí lọt vào.
Trái cây đóng hộp thường được bảo quản bằng nước đường cho khỏi hư và đường càng ngọt thì thời hạn bảo quản càng tốt. Đôi khi hộp chỉ chứa riêng nước ép trái cây.
Trái cây đóng hộp có thể giữ trong phòng ở nhiệt độ không quá 250C, thoáng khí, không ẩm, có thể để dành cả năm mà phẩm chất vẫn tốt, miễn là hộp không bị rò rỉ và chưa quá hạn sử dụng do nhà sản xuất ghi trên hộp.
c. Trái cây đông lạnh
Trái cây này cũng rất ngon. Khi mua lựa thứ đông cứng nguyên cục, chứ nếu chảy nước hoặc hơi mềm là bắt đầu rã đá và hư. Mang về, nếu chưa ăn cần bỏ vào tủ lạnh với nhiệt độ bằng hoặc dưới độ đông lạnh. Giữ như vậy trái vẫn còn tốt tới một năm.
d. Trái cây khô
Cần được bán trong túi sạch sẽ và bọc kín. Trái phải mềm dẻo nhưng chắc, màu tươi sáng, không lốm đốm mốc meo. Trái khô có thể không cần giữ trong tủ lạnh, với điều kiện nhiệt độ trong nhà không quá 240C. Có thể giữ được trong vòng nửa năm. Nhưng nếu trời nóng quá và ẩm quá thì nên để trong tủ lạnh, nhất là sau khi đã mở ăn dở dang, để tránh nấm mốc.
đ. Nướng trái cây
Khi nướng, trái cây có thể là món ăn phụ thay thế cho thịt. Nướng không mất nhiều thì giờ, nhưng cần được ăn ngay.
Trái được gọt vỏ, cắt đôi, xếp úp lên vỉ hoặc chảo, quết bơ và nước trái chanh lên mặt, nướng độ mươi phút cho tới khi mặt trái hơi nâu. Giở sang mặt kia rồi quết bơ, nước chanh, thêm chút đường, quế bột, nướng thêm vài phút cho tới khi nâu vàng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.