Đoạn đường để nhớ

Chương 1



Năm 1958, Beaufort, thuộc tiểu bang Bắc Carolina, nằm ven biển gần thành phố Morehead, một miền đất giống với nhiều thị trấn nhỏ miền Nam khác. Vào mùa hè, độ ẩm ở nơi đây cao tới mức đi bộ ra ngoài lấy thư cũng khiến cho người ta có cảm giác cần phải tắm, và suốt từ tháng Tư đến tháng Mười, bọn trẻ đi chân trần dưới những cây sồi mọc đầy rêu Tây Ban Nha. Ngồi trong ô tô, người ta vẫy tay chào tất cả những ai họ gặp trên đường, bất kể có quen biết hay không, còn không khí thì bốc mùi gỗ thông, muối và biển, một mùi hương rất riêng đối với người dân Carolina. Với nhiều người ở thị trấn, câu cá ở phá Pamlico hay bắt cua ở sông Neusey cũng là một cách sống, và thuyền bè neo đậu ở bất cứ chỗ nào trên đường thủy Intracoastal. Ti vi chỉ có ba kênh, tuy nhiên với chúng tôi, những người lớn lên ở đây, truyền hình chưa bao giờ quan trọng cả. Thay vào đó, cuộc sống của chúng tôi xoay quanh các nhà thờ, có tới tận mười tám ngôi nhà thờ trong thị trấn bé xíu này. Chúng được đặt tên là Nhà thờ Thiên Chúa giáo ái hữu, Nhà thờ của những kẻ được tha thứ, Nhà Thờ của sự chuộc tội ngày Chủ nhật, và tất nhiên là các nhà thờ dòng Baptist. Hồi tôi còn nhỏ, thị trấn này hiển nhiên là giáo xứ nổi tiếng nhất vùng, và thực tế là cả các nhà thờ Baptist có mặt ở mọi ngóc ngách thị trấn, dù mỗi nhà thờ đều tự cho mình là hơn hẳn những nhà thờ còn lại. thế đấy, bạn có thể hình dung ra được có đủ các kiểu nhà thờ Baptist – Baptist tự do ý chí, Baptist miền Nam, Baptist đạo hữu, Baptist truyền giáo, Baptist độc lập.

Hồi đó, sự kiện lớn của năm được nhà thờ Baptist trung tâm – miền Nam, nếu bạn muốn biết – kết hợp với trường trung học địa phương tài trợ. Năm nào cũng thế, người ta diễn Hoạt cảnh Giáng sinh tại Nhà hát Beaufort, thực ra nó vốn là một vở kịch của Hegberr Sulllivan, một mục sư đã ở nhà thờ từ khi Moses tách đôi Biển Đỏ. À vâng, có lẽ ông không già đến mức ấy, nhưng cũng đủ già để bạn có thể nhìn thấu làn da ông. Làn da lúc nào cũng nhớp nháp và trong suốt – bọn trẻ thề là chúng có thể nhìn thấy máu đang chảy trong huyết quản ông – còn tóc ông thì bạc trắng như màu lông những con thỏ bạn vẫn thấy trong các cửa hàng bán thú cưng gần dịp Phục sinh.

Dù sao, ông cũng đã viết vở kịch Thiên thần Giáng sinh, vì không muốn tiếp tục trình diễn vở kịch cổ điển Bản nhạc Giáng sinh cũ rích của Charles Dickens nữa. Trong ý nghĩ của ông, lão Scrooge là một kẻ ngoại đạo, kẻ đã tìm đến sự cứu rỗi của Chúa chỉ bởi đã nhìn thấy ma quỉ chứ không phải các thiên thần – và là kẻ bai bải suốt rằng liệu chăng chính Chúa phái ma quỷ đến? Cũng là kẻ lúc nào cũng bảo rằng mình sẽ không quay lại con đường tội lỗi nếu như lũ ma quỷ không phải từ thiên đường xuống. Vở kịch không trực tiếp nói thẳng ra như vậy ở đoạn kết – nó chỉ tạo ra niềm tin ở người xem, đại loại vậy – nhưng Hegbert không tin ở ma quỷ nếu chúng không thực sự được Chúa phái xuống, điều này không được giải thích bằng từ ngữ đơn giản, đây chính là vấn đề lớn của ông trong vở kịch. Vài năm trước ông thay đổi cái kết của vở kịch – kiểu như nối tiếp nó bằng một phiên bản của riêng ông, kết thúc khi lão Scrooge trở thành một người truyền giáo hay đại loại như thế rồi lão ta hành hương về Jerusalem để tìm đến nơi Chúa Jesus từng giảng kinh. Vở kịch không gây được ấn tượng tốt lắm – thậm chí ngay cả đối với giáo đoàn, những người ngồi ở vị trí khán giả mở to mắt xem buổi biểu diễn – còn báo chí thì đưa ra những nhận xét kiểu như “Mặc dù vở kịch thực sự thú vị, nhưng đây không hẳn là vở kịch tất cả chúng ta từng biết tới và yêu mến…”

Vì thế Hegbert quyết định thử tự mình viết kịch bản. Từ trước đến giờ ông vẫn tự viết các bài giảng đạo, phải thừa nhận một vài bài trong số đó thực sự rất hay, nhất là khi ông nói về “sự phẫn nộ của Chúa giáng xuống những kẻ tà dâm” và những điều hay ho tương tự. Khi nói về lũ tà dâm, tôi có thể nói ngay, là ông lại sôi máu lên. Đây đúng là chỗ bức xúc của ông. Hồi nhỏ, khi thấy ông đi bộ xuống phố, tôi với lũ bạn thường trốn sau những cái cây mà hét lên “Hegbert là kẻ tà dâm!”, rồi cả bọn khúc khích cười như lũ ngốc, như thể chúng tôi là những sinh vật dí dỏm nhất trên đời.

Ông già Hegbert, đứng im như thóc ở trên đường, hai tai ông vểnh lên – thề có Chúa, chúng cử động thật sự – mặt ông đỏ bừng, như thể vừa uống xăng vậy, và những đường gân xanh to tướng trên cổ ông bắt đầu nổi hết cả lên, như bản đồ của sống Amazon mà bạn thấy trên kênh National Geographic. Ông nhìn thấy hết bên này tới bên kia, mắt nheo lại thành hai dải nhỏ xíu khi tìm bọn tôi, rồi sau đó, đột ngột ngay trước mắt chúng tôi, ông trở lại nhợt nhạt với làn da tai tái. Thật tình, chắc chắn đó là một thứ rất đáng xem.

Bọn tôi trốn sau một cái cây và Hegbert (dù thế nào đi chăng nữa sao cha mẹ lại có thể đặt tên con là Hegbert cơ chứ?) đứng đó chờ chúng tôi đầu hàng, như thể ông cho rằng bọn tôi ngốc xít không bằng. Bọn tôi lấy tay che miệng để khỏi cười phá lên, nhưng đối với bọn tôi ông chỉ là con số không. Ông quay hết bên này đến bên kia, rồi dừng lại, cặp mắt nhỏ và sáng nhìn thẳng về phía chúng tôi, xuyên qua thân cây, “Ta biết cháu là ai, Landon Carter,” ông nói, “và Chúa cũng biết.” Ông đứng lặng một phút hoặc lâu hơn, rồi tiếp tục đi, và trong suốt buổi giảng đạo cuối tuần đó ông nhìn chằm chằm vào bọn tôi mà nói đại loại thế này “Chúa rất khoan dung với con trẻ nhưng trẻ con cũng phải xứng đáng với sự nhân từ đó.” Bọn tôi thu mình lại dưới ghế, không phải vì ngượng mà để giấu những tiếng khúc khích. Hegbert không hiểu bọn tôi tẹo nào, điều này thực sự rất lạ vì ông cũng có một đứa con. Mà còn nữa, nó là con gái. Còn hơn thế, tuy nhiên chuyện đó để sau.

Dù sao, như tôi đã nói, Hegbert viết vở kịch Thiên thần Giáng sinh và quyết định dựng vở kịch đó thay cho vở cũ của Dickens. Thực sự bản thân vở kịch không đến nỗi nào, điều này khiến tất cả mọi người ngạc nhiên trong năm đầu tiên nó được trình diễn. đại loại đó là câu chuyện về một người đàn ông góa vợ đã mấy năm. Người đàn ông đó, Tom Thornton, từng rất sùng đạo, nhưng ông bị khủng hoảng đức tin sau khi vợ mất trong lúc sinh nở. Ông dành hết tâm sức nuôi nấng đứa con gái nhỏ, nhưng ông không hẳn là một người cha tốt, và thứ cô con gái nhỏ khao khát có được vào dịp Giáng sinh là chiếc hộp nhạc đặc biệt với một thiên thần chạm trổ ở bên trên, giống như trong bức ảnh mà cô bé cắt ra từ cuốn tập chí cũ. Ông vất vả tìm kiếm món quà rất lâu nhưng không tài nào tìm được. Thế nên, đêm Giáng sinh đã đến mà ông vẫn đi tìm, và khi còn đang ngắm nhìn qua tủ kính các cửa hàng, ông gặp một người phụ nữ kỳ lạ mà ông chưa thấy bao giờ, người phụ nữ đó hứa giúp tìm món quà cho con gái ông. Tuy nhiên, trước tiên họ phải giúp một người vô gia cư nọ đã (nhân tiện, hồi trước, những người vô gia cư được gọi là những kẻ lang thang), rồi họ dừng chân tại một trại trẻ mồ côi để thăm mấy đứa trẻ, rồi đi thăm một bà già cô đơn, bà chỉ cần có ai đó bên cạnh trong đêm Giáng Sinh. Lúc này, người phụ nữ bí ẩn hỏi Tom Thornton muốn điều gì cho Giáng sinh, Tom nói rằng ông chỉ muốn vợ mình sống lại. Người phụ nữ đưa Tom tới đài phun nước của thị trấn và bảo ông hãy nhìn xuống nước sẽ thấy những gì mình đang tìm kiếm. Khi nhìn vào, ông thấy gương mặt cô con gái nhỏ của mình, ông sụp xuống và khóc ngay ở đó. Trong khi Tom thổn thức, người phụ nữ bí ẩn bỏ đi, Tom tìm kiếm nhưng không thấy cô đâu. Cuối cùng ông về nhà, những điều học được buổi tối hôm đó hiện ra trong đầu ông. Tom vào phòng con gái, nhìn con bé ngủ ông nhận ra con bé là tất cả những gì vợ ông để lại, và lại thổn thức vì biết ông đã không phải là một người cha tốt. Thật kỳ lạ, sáng hôm sau, chiếc hộp nhạc ở ngay dưới gốc cây thông, và thiên thần được chạm khắc trên mặt hộp giống hệt người phụ nữ Tom đã gặp đêm hôm trước.

Thực sự vở kịch không dở. Thành thật mà nói, nhiều người lần nào xem cũng khóc như mưa. Năm nào vở kịch cũng cháy vé khi được trình diễn và bởi vì tiếng tăm của nó, cuối cùng Hegbert phải đưa vở diễn từ nhà thờ tới Nhà hát Beaufort, nơi có nhiều chỗ ngồi hơn. Đến khi tôi học năm cuối trung học, nhà hát lúc nào cũng không còn lấy một chỗ trống dù với hai suất diễn, đấy là chưa nói đến những người tham gia trình diễn, riêng chuyện về họ thôi cũng phải kể hết cả ngày.

Bạn thấy đấy, Hegbert muốn người trẻ trình diễn vở kịch – những học sinh năm cuối trung học, không phải diễn viên nhà hát. Tôi đoán ông nghĩ đó là do kinh nghiệm học tập tốt trước khi học sinh vào đại học và đối mặt với những kẻ tà dâm. Ông là kiểu người luôn muốn cứu rỗi chúng tôi khỏi sự cám dỗ. Ông muốn bọn tôi biết rằng ngay cả khi ở xa, Chúa cũng đang dõi theo chúng ta, và nếu chúng ta đặt lòng tin vào Chúa thì mọi việc rốt cuộc sẽ ổn cả. Đó là bài học cuối cùng tôi cũng học được kịp lúc, dù không phải do Hegbert dạy.

Như tôi đã nói, Beaufort là một thị trấn miền Nam tương đối điển hình, cho dù nó mang trong mình một lịch sử thú vị. Tên cướp biển Râu Đen từng có một ngôi nhà ở đây, và con tàu Nữ Hoàng Anne Báo Thù của hắn bị chôn vùi trong cát, đâu đó ngay gần bờ biển. Gần đây, vài nhà khảo cổ học, hải dương học hoặc ai đó chuyên tìm kiếm những thứ như thế nói họ đã tìm thấy con thuyền, nhưng ai mà biết được, nó đã đắm cách đây hai trăm năm mươi năm và người ta không thể tìm thấy ngăn kín của chiếc tàu để kiểm tra sổ đăng ký của nó. Beaufort đã thay đổi rất nhiều từ những năm năm mươi, nhưng nó vẫn không biến chuyển thành một thành phố hiện đại. Beaufort đã từng và sẽ luôn là một thị trấn nhỏ, tuy nhiên khi tôi mới lớn, nó gần như con không được đánh dấu trên bản đồ. Hãy hình dung thế này, Beaufort nằm trong một quận chiếm toàn bộ phần phía Đông của bang – khoảng hai mươi nghìn dặm vuông – nơi chẳng có thị trấn nào có quá hai lăm nghìn người. Ngay cả khi so sánh với những thị trấn đó, Beaufort vẫn bị xem là nhỏ bé. Toàn bộ khu vực từ phía Đông của Raleight và Bắc Wilmington cho tới biên giới Virginia là quận mà bố tôi đại diện.

Tôi đoán chừng bạn đã nghe về bố tôi. Ông là một huyền thoại, thậm chí ngay cả đến bây giờ. Tên ông là Worth Carter, ông làm nghị sĩ trong gần ba chục năm. Khẩu hiệu của ông mỗi năm trong mùa tranh cử là “Worth Carter đại diện cho…” và từng người dân sẽ điền tên thị trấn nơi họ sinh sống. Tôi vẫn nhớ, những lần di chuyển khắp nơi bằng ô tô khi mẹ và tôi phải xuất hiện để mọi người thấy rằng bố tôi đúng là người đàn ông của gia đình, chúng tôi đều nhìn thấy những tấm biển như thế được in bằng giấy nến với những cái tên như Otway, Chocawinity và Seven Springs. Ngày nay những thứ như thế không còn hiệu quả nữa nhưng hồi đó rõ ràng đó là kiểu quảng bá tương đối cao siêu. Tôi tưởng tượng nếu bố tôi cố gắng làm thế vào thời nay, những người phản đối ông sẽ điền tất cả các loại ngôn ngữ nhạy cảm vào chỗ trống, nhưng chúng tôi đã chẳng bao giờ nhìn thấy những chữ đó. À, có lẽ là một lần, một người nông dân ở hạt Duplin đã biết từ Cứt vào chỗ trống, và khi mẹ tôi nhìn thấy từ đấy, bà che mắt tôi rồi cầu nguyện xin tha thứ cho kẻ dốt nát tội nghiệp. Bà không nói chính xác những lời đó, nhưng tôi đoán được ý đó.

Vì thế bố tôi, ông Nghị sĩ, là một nhân vật quan trọng, tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều biết điều ấy, trong đó có ông già Hegbert. Hai người không hợp nhau chút nào, mặc dù bố tôi vẫn tới nhà thờ Hegbert bất cứ khi nào bố tôi ở nhà, chuyện này thì, thẳng thắn mà nói, không thường xuyên cho lắm. Hegbert, cùng với niềm tin những kẻ tà dâm sẽ bị tẩy uế công cụ của chúng ở địa ngục, cũng tin rằng chủ nghĩa cộng sản “sẽ đày đọa loài người tới chỗ ngoại đạo”. Mặc dù sự ngoại đạo không phải là một từ – tôi không thể tìm thấy từ đó trong bất kỳ cuốn từ điển nào – giáo đoàn cũng biết ông muốn nói gì. Họ cũng biết ông đang đặc biệt hướng những lời này tới bố tôi, người đang ngồi nhắm mắt giả vờ không nghe. Bố tôi là một đại biểu Quốc hội, những người theo dõi “Ảnh hưởng đỏ”, phong trào được cho rằng đang xâm nhập tất cả các lĩnh vực của đất nước, bao gồm an ninh quốc phòng, giáo dục đại học và thậm chí cả trồng thuốc lá. Bạn phải nhớ rằng sự việc này xảy ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh; rất căng thẳng, và những người dân Bắc Carolina chúng tôi cần thứ gì đó để giảm nhẹ tình hình xuống mức độ cá nhân hơn. Bố tôi thì liên tục tìm kiếm các sự kiện thực tế, một việc chẳng liên quan gì tới những người như Hegbert.

Về đến nhà sau buổi lễ, bố tôi hay nói mấy câu kiểu như “Hôm nay, Cha Sullivan ở trong trạng thái hiếm có. Hi vọng con nghe được đoạn Kinh thánh mà Chúa nói về người nghèo…”

Có, chắc chắn rồi, bố…

Bất cứ khi nào có thể bố tôi đều cố gắng giảm nhẹ sự việc. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao ông ở trong Quốc hội được lâu đến vậy. Ông là người có thể hôn những đứa bé xấu xí nhất mà vẫn nghĩ ra điều tốt đẹp để nói. Khi đứa bé có cái đầu khổng lồ, ông sẽ nói “Đúng là một thằng bé dịu dàng”, hoặc “Tôi chắc chắn đây là bé gái dễ thương nhất trên thế giới,” nếu nó có một vết chàm che kín toàn bộ khuôn mặt. Một lần, một người phụ nữ xuất hiện với đứa bé nằm trong xe lăn. Bố tôi nhìn thằng bé một cái rồi nói, “Tôi cá mười ăn một rằng cháu là cậu bé thông minh nhất lớp.” Và đúng là như thế thật! Quả thực, bố tôi rất giỏi những thứ như vậy. Ông có thể nhanh chóng thốt ra điều tốt nhất của người khác, không hẳn, đặc biệt nếu bạn biết sự thực ông không khi nào đánh tôi hay làm gì như thế.

Nhưng ông đã không ở bên cạnh khi tôi lớn lên. Tôi ghét phải nói vậy bởi ngày nay mọi người cứ gào lên như thế ngay cả khi họ có cha mẹ ở bên và dùng việc đó để biện hộ cho lối cư xử của mình. Bố tôi… ông ấy không yêu tôi… đó là lý do vì sao tôi trở thành vũ nữ thoát y và trình diễn trong The Jerry Springer show…Tôi không dùng lý do đó để biện hộ cho con người tôi đã trở thành, đơn giản tôi chỉ nói sự thật. Bố tôi đi vắng chín tháng trong năm, sống trong một căn hộ ở thủ đô Washington D.C cách nhà ba trăm dặm. Mẹ tôi không đi cùng ông bởi cả hai người đều muốn tôi lớn lên “giống như họ ngày xưa”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.