Đoạn đường để nhớ
Chương 12
Nàng bị bệnh máu trắng; nàng đã biết từ mùa hè vừa rồi.
Giây phút nàng nói với tôi, mặt tôi trắng bệch và vô số những hình ảnh choáng váng chấp chới lướt qua tâm trí tôi. Như thể trong khoảng khắc ngắn ngủi ấy, thời gian đột nhiên dừng lại và tôi hiểu toàn bộ những chuyện đã xảy ra giữa chúng tôi. Tôi hiểu vì sao nàng muốn tôi tham gia vở kịch; hiểu vì sao sau đêm công diễn Hegbert vừa khóc vừa thì thầm với nàng, gọi nàng là thiên thần của ông; tôi hiểu vì sao suốt thời gian qua trông ông mệt mỏi đến vậy và vì sao ông lại khó chịu khi tôi liên tục tới nhà. Tất cả trở nên hoàn toàn rõ ràng.
Vì sao nàng muốn Giáng sinh ở trại trẻ mồ côi đặc biệt đến thế…
Vì sao nàng nghĩ sẽ không học đại học…
Vì sào nàng tặng tôi cuốn Kinh thánh của mình…
Tất cả đều hợp lý đến hoàn hảo, nhưng đồng thời cũng chẳng điều gì có vẻ hợp lý hết.
Jamie Sullivan mắc bệnh máu trắng…
Jamie, Jamie ngọt ngào, đang chết dần…
Jamie của tôi…
“Không, không,” tôi thì thầm với nàng, “chắc là có nhầm lẫn…”
Nhưng không có nhầm lẫn gì cả, và khi nàng nhắc lại câu đó, thế giới của tôi trở nên trống rỗng. Đầu tôi bắt đầu quay cuồng, và tôi níu chặt lấy nàng để đứng vững. Trên phố, tôi nhìn thấy một người đàn ông và một người đàn bà đang dạo bước về phía chúng tôi, đầu nghiêng nghiêng và tay giữ cho mũ khỏi bị gió thổi bay. Một con chó lon ton chạy qua đường và dừng lại chỗ đám bụi rậm để đáng hơi. Người hàng xóm bên kia đường đang đứng trên thang gỡ những bóng đèn Giáng sinh xuống. Khung cảnh bình thường của cuộc sống hằng ngày, những thứ trước kia tôi chẳng bao giờ để ý, đột nhiên khiến tôi thấy tức giận. Tôi nhắm mắt, những mong toàn bộ chuyện này biến mất.
“Landon, mình xin lỗi,” nàng cứ nói đi nói lại. Tuy nhiên, tôi mới chính là người nên nói câu đó. Giờ thì tôi biết rồi, nhưng nỗi bối rối khiến tôi không nói nổi nên lời.
Sâu thẳm trong lòng, tôi biết chuyện này sẽ không biến mất. Tôi lại ôm nàng, không biết phải làm gì khác, nước mắt tràn mi, tôi đang cố gắng để rồi thất bại trong việc trở thành điểm tựa mà tôi nghĩ nàng cần.
Chúng tôi cùng nhau khóc trên phố một lúc lâu, cách nhà nàng chỉ một đoạn ngắn. Chúng tôi khóc thêm một lúc thì Hegbert mở cửa và nhìn thấy hai đứa, ngay lập tức biết rằng bí mật đã được tiết lộ. Chúng tôi khóc lúc tôi kể với mẹ vào buổi chiều hôm đó, mẹ ôm cả hai đứa vào lòng và thổn thức to đến nỗi cả chị giúp việc và chị bếp đều muốn gọi bác sĩ vì nghĩ có chuyện xảy ra với bố tôi. Vào ngày Chủ nhật, Hegbert thông báo với giáo đoàn, gương mặt ông phủ tấm màn của nỗi thống khổ và sự sợ hãi, và người ta phải giúp ông quay trở lại chỗ ngồi thậm chí trước cả khi ông nói xong.
Tất cả mọi người trong giáo đoàn im lặng nhìn chằm chằm, không tin nổi những gì vừa nghe thấy, như thể họ đang chờ lời cuối cùng cho câu chuyện đùa khủng khiếp mà không ai tin là đã được kể. Và rồi đồng loạt, tiếng khóc than nổi lên.
Ngày nàng nói với tôi, chúng tôi ngồi cùng Hegbert và Jamie kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của tôi. Nàng nói không biết còn sống được bao lâu nữa. Không, các bác sĩ chẳng thể làm được gì. Họ nói, đây là dạng hiếm của căn bệnh này, trường hợp không phản ứng với phương pháp điều trị hiện có. Đúng hồi đầu năm học nàng cảm thấy khỏe. Mãi đến vài tuần trước nàng mới bắt đầu cảm thấy những tác động của căn bệnh.
“Đó chính là cách bệnh tiến triển,” nàng nói. “Cậu cảm thấy khỏe, và rồi, khi cơ thể cậu không thể tiếp tục chiến đấu, cậu không thấy khỏe nữa.” Giấu đi những giọt nước mắt, tôi không thể không nghĩ đến vở kịch.
“Nhưng tất cả những buổi tập… những ngày dài đó… có lẽ cậu không nên…”
“Có lẽ,” nàng nói, tìm tay tôi và cắt lời tôi. “Chính việc tập kịch đã giữ cho mình khỏe lâu đến vậy.”
Sau đó, nàng bảo rằng đã bảy tháng trôi qua từ khi nàng được chẩn đoán có bệnh. Các bác sĩ nói nàng còn một năm, có thể còn ít hơn.
Ngày nay chuyện đã có thể khác đi. Ngày nay người ta hẳn đã chữa trị cho nàng. Ngày nay Jamie hẳn có thể sống. Nhưng chuyện này xảy ra cách đây bốn chục năm, và tôi biết bị máu trắng có nghĩa là gì.
Chỉ một điều kỳ diệu mới cứu được nàng.
“Sao cậu không nói với mình?”
Tôi đã không hỏi nàng câu ấy, câu hỏi tôi hằng trăn trở. Đêm đó tôi không ngủ được, và hôm sau mắt vẫn còn sưng húp. Suốt đêm dài, tôi đi từ trạng thái sốc đến phủ nhận thực tại, rồi buồn bã, rồi tức giận, rồi lại sốc, chỉ ước sao đây không phải sự thật, chỉ cầu sao toàn bộ chuyện này là một cơn ác mộng khủng khiếp.
Ngày hôm sau, ngày mà Hegbert tuyên bố với giáo đoàn, chúng tôi đang ở trong phòng khách nhà nàng. Đó là ngày 10 tháng Một năm 1959.
Jamie không hề chán nản như tôi tưởng. Nhưng cũng phải thôi, nàng đã sống với thực tế này bảy tháng rồi. Nàng và Hegbert là những người duy nhất biết, và họ không tin tưởng bất kỳ ai, kể cả tôi. Tôi cảm thấy đau lòng, đồng thời cũng sợ hãi điều đó.
“Mình đã quyết định,” nàng giải thích với tôi, “sẽ tốt hơn nếu mình không nói với ai hết, và mình yêu cầu bố làm như vậy. Cậu thấy mọi người như thế nào sau buổi lễ hôm nay rồi đấy. Thậm chí rồi sẽ không có ai nhìn vào mắt mình nữa. Nếu cậu chỉ còn một vài tháng để sống thôi thì đó có phải là điều cậu muốn không?”
Tôi biết nàng đúng, nhưng như thế cũng chẳng làm mọi chuyện dễ dàng hơn. Lần đầu tiên trong đời mình, tôi hoàn toàn mất phương hướng.
Trước đó chưa có ai gần gũi với tôi qua đời, ít nhất không phải ai mà tôi còn nhớ. Bà tôi mất khi tôi mới ba tuổi, và tôi không còn nhớ một chút gì về bà hay tang lễ thậm chí những năm tháng sau khi bà mất. Tất nhiên, tôi có bố và ông nội kể lại, nhưng với tôi đó chỉ là những câu chuyện. Cũng giống như nghe những mẩu chuyện có thể đọc trên báo về một người phụ nữ nào đó tôi chưa bao giờ thực sự biết. Mặc dù bố đưa tôi đi cùng khi ông đặt hoa trên mộ bà, tôi chưa bao giờ có bất kỳ liên hệ tình cảm nào với bà. Tôi chỉ có tình cảm với những con người mà bà đã rời bỏ.
Không ai trong nhà tôi hoặc bọn bạn tôi từng phải đối mặt với chuyện gì giống như thế này. Jamie mười bảy tuổi, tuổi thiếu nữ sắp trở thành phụ nữ, đang chết dần, nhưng đồng thời cũng lại đầy sức sống. Tôi sợ, sợ hãi hơn bao giờ hết, không chỉ cho nàng mà còn cả cho bản thân tôi nữa. Tôi sống trong sợ hãi mình sẽ làm gì đó sai, làm gì đó khiến nàng tổn thương. Có được tức giận khi có mặt nàng không? Có được nói chuyện về tương lai nữa hay không? Nỗi sợ hãi khiến cho việc nói chuyện với nàng trở nên khó khăn hơn, mặc dù nàng thật nhẫn nại với tôi.
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi còn khiến tôi nhận ra một điều khác, một điều khiến toàn bộ chuyện này còn tồi tệ hơn. Tôi nhận ra thậm chí tôi đã không biết Jamie khi nàng mạnh khỏe. Tôi chỉ mới bắt đầu ở bên nàng vài tháng trước, và tôi chỉ mới yêu nàng mười tám ngày. Mười tám ngày đó dường như là toàn bộ cuộc đời tôi, nhưng giờ đây, khi nhìn nàng, tôi chỉ có thể tự hỏi sẽ còn thêm bao nhiêu ngày nữa.
Vào thứ Hai, nàng không đến trường, và không hiểu sao tôi biết chắc nàng sẽ không bao giờ rảo bước ở hành lang nữa. Tôi sẽ không thấy nàng đọc Kinh thánh một mình trong giờ ăn trưa, sẽ không thấy chiếc áo len nâu của nàng đi xuyên qua đám đông khi tìm đường tới lớp học kế tiếp. Nàng sẽ thôi học vĩnh viễn; nàng sẽ chẳng bao giờ nhận bằng tốt nghiệp.
Tôi không thể tập trung vào bất cứ điều gì khi ngồi trong lớp vào cái ngày đầu tiên quay lại trường ấy, nghe hết giáo viên này tới giáo viên khác nói với chúng tôi cái tin phần lớn chúng tôi đã nghe rồi. Phản ứng cũng tương tự như trong nhà thờ hôm Chủ nhật. Bọn con gái khóc, bọn con trai cúi đầu, mọi người kể những câu chuyện về nàng như thể nàng đã chết rồi. Chúng ta có thể làm gì đây? Bọn họ lên tiếng tự hỏi, và mọi người nhìn tôi tìm câu trả lời.
“Mình không biết,” là tất cả những gì tôi có thể nói.
Tôi rời trường sớm để tới nhà Jamie, bùng tất cả các tiết sau giờ ăn trưa. Khi tôi gõ cửa, Jamie mở cửa theo cách nàng vẫn luôn làm, vui vẻ như không hề vướng bận gì trên đời.
“Chào Landon,” nàng nói, “bất ngờ quá.”
Lúc nàng dựa vào để hôn tôi, tôi hôn lại nàng, mặc dù toàn bộ chuyện này làm tôi muốn khóc.
“Giờ bố mình không có nhà, nhưng nếu cậu thích thì ngồi ngoài hiên cũng được.”
“Làm sao cậu có thể làm thế hả?” tôi đột ngột hỏi. “Làm sao cậu có thể giả vờ như không có chuyện gì cả?”
“Mình không giả bộ rằng chẳng có chuyện gì hết, Landon. Hãy để mình lấy áo khoác và chúng mình sẽ ngồi bên ngoài nói chuyện được không?”
Nàng mỉm cười với tôi, chờ câu trả lời, và cuối cùng tôi gật đầu, môi mím chặt. Nàng vươn tay ra vỗ nhẹ lên cánh tay tôi.
“Mình quay ra ngay,” nàng nói.
Tôi đi về phía cái ghế và ngồi xuống, Jamie xuất hiện ngay sau đó. Nàng mặc một chiếc áo khoác dày, đeo găng tay và đội mũ để giữ ẩm. Những ngày gió rét nhất mùa đông đã qua, và ban ngày còn xa mới lạnh bằng cuối tuần trước. Dẫu vậy, trời vẫn còn quá lạnh với nàng.
“Hôm nay cậu không tới trường,” tôi nói.
Nàng nhìn xuống và gật đầu. “Mình biết.”
“Cậu sẽ đi học lại chứ?” Mặc dù đã biết câu trả lời, tôi vẫn cần phải nghe trực tiếp từ nàng.
“Không,” nàng nói khẽ, “mình sẽ không đi học nữa.”
“Tại sao? Cậu ốm đến thế rồi sao?” tôi bắt đầu bật khóc, và nàng nắm lấy tay tôi.
“Không. Thực ra hôm nay mình cảm thấy tương đối khỏe. Chỉ là vì mình muốn ở nhà mỗi sáng, trước khi bố phải tới văn phòng. Mình muốn ở bên bố nhiều nhất có thể.”
Trước khi mình chết, nàng muốn nói thế nhưng đã không nói ra. Tôi cảm thấy buồn nôn và không thể đáp lại.
“Khi các bác sĩ lần đầu nói với bố con mình,” nàng tiếp tục, “họ bảo mình nên cố gắng sống cuộc sống bình thường càng lâu càng tốt. Họ nói làm thế sẽ giúp mình khỏe mạnh.”
“Chẳng có gì bình thường trong chuyện này hết,” tôi nói một cách cay đắng.
“Mình biết.”
“Cậu không sợ sao?”
Không hiểu sao tôi chờ đợi nàng nói không, nói điều gì đó khôn ngoan như người trưởng thành, hay giải thích với tôi rằng chúng ta không thể hiểu được kế hoạch của Chúa.
Nàng quay đi chỗ khác. “Có,” cuối cùng nàng nói, “lúc nào mình cũng sợ.”
“Thế tại sao cậu lại không cư xử như là cậu sợ?”
“Có chứ. Mình chỉ làm thế khi ở một mình.”
“Bởi cậu không tin mình?”
“Không phải,” nàng nói, “vì mình biết cậu cũng sợ.”
Tôi bắt đầu cầu nguyện cho một điều kỳ diệu.
Mọi người nói những điều kỳ diệu vẫn luôn xảy ra, tôi đã đọc về chúng trên báo. Người ta lấy lại được khả năng sử dụng chân tay sau khi được chẩn đoán rằng sẽ không bao giờ có thể đi lại được nữa, hay bằng cách nào đó sống sót sau một tai nạn khủng khiếp khi mà mọi hi vọng đều đã không còn. Thi thoảng lại có một nhà truyền giáo lang thang dựng lều bên ngoài thị trấn Beaufort, và mọi người tới đó để xem chữa bệnh. Tôi cũng tới vài lần, và dù tôi cho rằng phần lớn các vụ chữa bệnh này chẳng hơn gì một trò lừa đảo – bởi tôi chưa bao giờ nhận ra những người được chữa lành – nhưng thảng hoặc có những điều mà ngay cả tôi cũng không giải thích được. Ông già Sweeney, người làm bánh trong thị trấn, từng tham gia một đơn vị pháo binh chiến đấu phía sau những đường hào quân sự trong Thế chiến thứ nhất, và nhiều tháng nã pháo vào kẻ thù đã khiến ông bị điếc một bên tai. Chẳng có gì giả dối ở đây – ông thực sự không nghe thấy gì hết, vì vậy nhiều lần bọn trẻ con chúng tôi có thể thó một chiếc bánh quế. Nhưng nhà truyền giáo lang thang bắt đầu cầu nguyện như điên và cuối cùng đặt tay lên một bên đầu Sweeney. Sweeney hét toáng lên, làm mọi người suýt nhảy ra khỏi chỗ ngồi. Mặt ông lộ vẻ kinh hoàng, như thể nhà truyền giáo kia vừa chạm vào ông bằng cây cời nung nóng vậy, nhưng rồi ông lắc đầu và nhìn xung quanh, thốt lên, “Tôi lại nghe được rồi.” Chính bản thân ông cũng không tin nổi điều đó. “Chúa,” nhà truyền giáo nói khi Sweeney tìm đường quay trở lại chỗ mình ngồi, “có thể làm bất cứ điều gì. Chúa lắng nghe những lời cầu nguyện của chúng ta.”
Vì thế đêm đó tôi mở cuốn Kinh thánh Jamie tặng vào dịp Giáng sinh ra và bắt đầu đọc. Đúng, tôi đã nghe toàn bộ Kinh thánh trong lớp học Chủ nhật hay tại nhà thờ, nhưng thành thật mà nói, tôi chỉ nhớ được những phần hay ho nhất – Chúa gửi bảy bệnh dịch tới để những người Israel có thể rời khỏi Ai Cập, Joah bị một con cá voi nuốt, Jesus đi trên mặt nước và cứu Lazarus thoát chết. Còn có những chuyện hay ho khác nữa. Tôi biết gần như ở mọi chương trong Kinh thánh, Chúa đều làm một việc ngoạn mục, nhưng tôi không biết hết những việc đó. Là tín đồ Thiên Chúa giáo, chúng tôi vô cùng coi trọng những điều răn trong Kinh Tân ước, vậy mà tôi chẳng biết lấy một điều cơ bản về những cuốn như về Joshua hay Ruth hay Joel. Đêm đầu tiên tôi đọc hết Sách Sáng thế, đêm thứ hai tôi đọc hết Sách Xuất hành. Tiếp theo là Sách Levi, Sách Dân số, rồi Sách Đệ nhị luật. Tốc độ đọc chậm hơn một chút ở những phần nhất định, đặc biệt là đoạn giải thích các điều luật, nhưng tôi không thể bỏ cuốn Kinh thánh xuống. Tôi bắt buộc phải đọc cho hết, vì sao thì chính tôi cũng không thể hiểu rõ.
Một đêm đã muộn, tôi đã rất mệt khi cuối cùng cũng đọc tới Sách Thánh vịnh, nhưng không hiểu sao tôi biết đây là những gì mình đang tìm kiếm. Ai cũng biết chương hai mươi ba của Sách Thánh vịnh, bắt đầu bằng, “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì,” nhưng tôi muốn đọc những bài Thánh vịnh khác, bởi vì không có bài nào được cho là quan trọng hơn những bài còn lại. Sau một tiếng đồng hồ, tôi bắt gặp một phần gạch chân mà tôi cho rằng Jamie đánh dấu lại bởi nó hẳn có ý nghĩa nào đó với nàng. Đoạn ấy như sau:
Lạy Chúa là núi đá cho con trú ẩn, con kêu lên Ngài, xin đừng nỡ giả điếc làm ngơ.
Vì nếu Ngài cứ im hơi lặng tiếng, thì con sẽ giống như kẻ đã xuống mồ.
Khi con hướng về nơi cực thánh giơ đôi tay cầu cứu van nài, xin Ngài nghe tiếng con khẩn nguyện.
Nước mắt dâng lên, tôi gập cuốn Kinh thánh lại, không thể đọc hết bài Thánh vịnh.
Không hiểu sao tôi biết nàng gạch dưới những dòng chữ ấy vì tôi.
“Con không biết phải làm gì nữa,” tôi thẫn thờ nói, nhìn chằm chằm vào ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn trong phòng ngủ. Mẹ và tôi đang ngồi trên giường. Gần cuối tháng Một, tháng khó khăn nhất đời tôi, và tôi biết tháng Hai mọi việc chỉ có thể tồi tệ hơn mà thôi.
“Mẹ biết chuyện này thực sự khó khăn với con,” mẹ tôi thì thầm, “nhưng con chẳng thể làm gì hết.”
“Con không có ý nói về việc Jamie bị ốm – con biết con chẳng thể làm gì để thay đổi điều đó. Ý con là về Jamie và con.”
Mẹ tôi nhìn tôi đầy cảm thông. Bà lo lắng cho Jamie, nhưng bà cũng lo cho tôi nữa. Tôi nói tiếp.
“Con cảm thấy khó mà nói chuyện với cô ấy. Cứ nhìn cô ấy là con lại nghĩ đến ngày không thể thấy cô ấy nữa. Thế là con dành tất cả thời gian ở trường nghĩ về cô ấy, ước có thể gặp cô ấy ngay, nhưng khi tới nhà cô ấy, con lại chẳng biết phải nói gì.”
“Mẹ cũng không biết liệu con có thể nói gì để con bé cảm thấy khá hơn hay không.”
“Vậy con nên làm gì?”
Bà nhìn tôi buồn bã và choàng tay qua vai tôi. “Con thực sự yêu con bé, đúng không.” bà nói.
“Bằng cả trái tim.”
Trông bà buồn hơn bao giờ hết. “Vậy trái tim con mách bảo con phải làm gì?”
“Con cũng không biết nữa.”
“Có lẽ,” bà dịu dàng nói, “con đang quá gắng sức nên không nghe được điều trái tim muốn nói.”
Ngày hôm sau, tôi cảm thấy thoải mái hơn khi ở bên Jamie, mặc dù không khá hơn là bao. Trước khi tới, tôi tự nhủ sẽ không nói điều gì khiến nàng thất vọng – rằng sẽ cố gắng trò chuyện như đã trò chuyện với nàng trước đây – và mọi việc diễn ra đúng như vậy. Tôi ngồi trên ghế sofa, kể cho nàng nghe về vài đứa bạn và những gì bọn chúng đang làm; tôi cập nhật cho nàng về thành công của đội bóng rổ. Tôi bảo nàng tôi vẫn chưa nghe thấy tin tức gì từ Đại học Bắc Carolina, nhưng vẫn hi vọng sẽ biết kết quả trong một vài tuần tới. Tôi kể với nàng tôi đang chờ lễ tốt nghiệp. Tôi nói như thể tuần sau nàng sẽ quay lại trường vậy, và tôi biết trong suốt khoảng thời gian đó giọng tôi nghe rất bồn chồn. Jamie mỉm cười và gật đầu vào những lúc thích hợp, thỉnh thoảng lại đặt câu hỏi. Nhưng lúc tôi dứt lời, tôi nghĩ cả hai đứa đều biết rằng đây sẽ là lần cuối tôi làm thế này. Không ai trong chúng tôi thấy thoải mái.
Trái tim tôi cho tôi biết chính xác điều đó.
Tôi quay lại với cuốn Kinh thánh với hi vọng nó có thể chỉ dẫn cho mình.
“Cậu thấy thế nào rồi?” mấy hôm sau tôi hỏi.
Lúc này Jamie đã sút cân nhiều hơn. Da nàng đã bắt đầu tái xám, xương bàn tay bắt đầu lộ rõ dưới làn da. Một lần nữa, tôi nhìn thấy những vết bầm tím. Chúng tôi ở trong phòng khách nhà nàng; nàng không chịu nổi cơn lạnh.
Bất chấp tất cả những điều ấy, trông nàng vẫn rất đẹp.
“Mình ổn,” nàng nói, mỉm cười can đảm. “Các bác sĩ cho mình thuốc giảm đau, vậy nên cũng đỡ hơn một chút.”
Ngày nào tôi cũng đến. Thời gian vừa như chậm lại, vừa như nhanh hơn.
“Mình có thể làm gì cho cậu không?”
“Không, cảm ơn cậu, mình ổn mà.”
Tôi nhìn quanh căn phòng, rồi quay lại nhìn nàng.
“Mình đang đọc Kinh thánh,” cuối cùng tôi nói.
“Cậu đọc hả?” Mặt nàng sáng lên, gợi cho tôi nhớ về thiên thần tôi đã nhìn thấy trong vở kịch. Không thể tin nổi chỉ mới sáu tuần trôi qua.
“Mình muốn cậu biết.”
“Mình rất vui vì cậu cho mình biết.”
“Tối qua mình đọc cuốn Sách của Job,” tôi nói, “kể lại chuyện Chúa đối xử khắc nghiệt với Job để thứ đức tin của ông.”
Nàng mỉm cười và với tới vỗ nhẹ vào lòng bàn tay của tôi, tay nàng mềm mại chạm vào da tôi. Cảm giác thật dễ chịu. “Cậu nên đọc cuốn khác. Cuốn đó không kể về Chúa vào những khoảnh khắc đẹp của Người.”
“Tại sao Chúa làm thế với ông ấy?”
“Mình không biết,” nàng nói.
“Cậu có bao giờ cảm thấy giống như Job không?”
Nàng mỉm cười, mắt ánh lên một tia sáng lấp lánh. “Đôi khi.”
“Nhưng cậu không mất niềm tin?”
“Không.” Tôi biết nàng không mất niềm tin, nhưng tôi nghĩ mình đang mất niềm tin.
“Có phải vì cậu nghĩ cậu có thể khỏe hơn không?”
“Không,” nàng nói, “bởi niềm tin là thứ duy nhất mình còn.”
Sau đó, chúng tôi bắt đầu đọc Kinh thánh cùng nhau. Có vẻ như đây là điều đúng đắn để làm, dẫu vậy, trái tim tôi mách bảo rằng có thể vẫn còn điều gì hơn thế nữa.
Đêm ấy tôi nằm thao thức, băn khoăn về điều đó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.