Đọc sách như một nghệ thuật

4 Cấp độ đọc thứ hai – Đọc kiểm soát



Đọc kiểm soát là cấp độ đọc thật sự. Cấp độ này khác hẳn cấp độ trước (đọc sơ cấp) và cấp độ đọc sau nó (đọc phân tích). Nhưng như ta đã lưu ý trong Chương 2, các cấp độ đọc mang tính tích luỹ. Vì thế, cấp độ đọc sơ cấp được bao hàm trong cấp độ đọc kiểm soát, cũng như cấp độ đọc kiểm soát được bao hàm trong đọc phân tích, và đọc phân tích lại hiện hữu trong đọc đồng chủ đề.
Thực tế, điều này có nghĩa là bạn không thể đọc ở cấp độ đọc kiểm soát nếu không đọc tốt ở mức độ sơ cấp. Bạn phải có khả năng đọc ổn định một bài viết, nghĩa là không cần dừng lại để tra nghĩa của nhiều từ, không gặp khó khăn gì về ngữ pháp và cú pháp trong bài viết đó, hiểu nghĩa của phần lớn các câu dù không nhất thiết phải hiểu trọn vẹn những ý nghĩa sâu sắc nhất.
Vậy đọc kiểm soát bao gồm những gì? Bạn phải đọc như thế nào?
Có hai loại đọc kiểm soát, vốn là hai khía cạnh của cùng một kỹ năng, nhưng những người mới bắt đầu đọc thường được khuyên nên xem chúng như hai bước hay hai hoạt động khác nhau. Độc giả giàu kinh nghiệm có thể học cách tiến hành đồng thời cả hai, ở đây chúng ta sẽ bàn về chúng như hai thực thể hoàn toàn khác biệt.
Đọc kiểm soát I: Đọc lướt có hệ thống hay chuẩn bị đọc
Hãy quay trở về tình huống cơ bản mà chúng ta đã từng đề cập đến. Nếu có một cuốn sách nào đó, đầu tiên bạn sẽ làm gì?
Hãy giả định hai trường hợp khá phổ biến trong tình huống này. Thứ nhất, bạn không biết mình có muốn đọc và có nên đọc theo kiểu phân tích hay không; nhưng bạn nghĩ là nên, hay ít nhất cuốn sách cũng chứa đựng những thông tin và quan điểm có giá trị nếu bạn chịu khó đọc kỹ. Thứ hai – điều này thường xảy ra trên thực tế – bạn có rất ít thời gian để hiểu hết tất cả những thông tin và quan điểm được trình bày trong sách.
Khi đó, điều bạn phải làm là đọc lướt qua cuốn sách, hay nói cách khác là chuẩn bị đọc nó. Đọc lướt là bước nhỏ đầu tiên trong đọc kiểm soát. Mục đích chính là tìm hiểu xem cuốn sách có yêu cầu bạn phải đọc kỹ hơn không. Bên cạnh đó, nó sẽ giúp bạn biết được nhiều điều khác về cuốn sách ngay cả khi bạn quyết định sẽ không đọc kỹ hơn.
Đọc lướt là tiến trình khởi đầu giúp bạn phân biệt đâu là vỏ và đâu là nhân. Có thể bạn sẽ thấy những gì thâu tóm được sau khi đọc lướt là đủ, và cuốn sách chỉ có ích cho bạn trong chừng mực đó chứ không mang lại thêm điều gì nữa. Nhưng như thế, ít nhất bạn cũng biết tác giả muốn nói điều gì, cuốn sách thuộc thể loại gì, và thời gian bạn bỏ ra để đọc lướt không phải là vô ích.
Bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian để có được thói quen đọc lướt. Sau đay là một số gợi ý giúp bạn.
1.XEM TRANG ĐẦU VÀ PHẦN GIỚI THIÊU NẾU CÓ
Hãy đọc nhanh các phần này. Hãy để ý đến các phụ đề hay các dấu hiệu về quy mô, mục đích của cuốn sách, hoặc quan điểm đặc biệt của tác giả về đề tài được bàn đến. Trước khi hoàn tất bước này, bạn nên nắm vững đề tài và có thể dừng lại chốc lát để xếp cuốn sách vào một ngăn phù hợp trong tâm trí bạn nếu muốn. Vậy ngăn nào trong số những ngăn vốn có chứa các cuốn khác, có thể thu nạp nó?
2. ĐỌC MỤC LỤC
Mục đích là để nắm tổng quát cấu trúc của cuốn sách, giống như việc bạn xem bản đồ đường phố trước khi bắt đầu một cuộc hành trình. Có một điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người chẳng bao giờ ngó đến mục lục trừ phi họ phải tìm một phần nào đó, trong khi tác giả đã phải dành nhiều thời gian để xây dựng phần này rất công phu.
Trong các tác phẩm mô tả và ngay cả trong tiểu thuyết và thơ trước đây, người ta thường có những mục lục chi tiết với các chương, phần, mục, tiểu mục.. Chẳng hạn, Milton đã viết những phần mở đầu khá dài dòng mà ông gọi là “Phần tranh luận” cho mỗi tập trong bộ truyện Paradise Lost (Thiên đường đánh mất). Gibbon xuất bản cuốn Decline and Fall of the Roman Empire (Sự suy tàn và diệt vong của Đế chế La Mã) với mục lục rất chi tiết trong mỗi chương. Những phần tóm tắt như thế bây giờ không còn thông dụng nữa, trừ một vài trường hợp hiếm hoi, có thể do độc giả không còn hứng thú với mục lục như trước đây. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản cũng nhận thấy một mục lục ít chi tiết sẽ hấp dẫn hơn một cuốn sách có tiêu đề chương ít nhiều bí hiểm – họ sẽ muốn đọc sách để tìm ra nội dung. Dù thế, một bảng mục lục vẫn có thể có giá trị, và bạn nên đọc kỹ nó trước khi tiếp tục đọc phần còn lại của cuốn sách.
Đến đây, bạn có thể quay trở lại phần mục lục của cuốn sách này nếu bạn chưa đọc nó. Chúng tôi đã cố gắng xây dựng phần này sao cho nó cung cấp đầy đủ thông tin khái quát nhất. Đọc phần này có thể sẽ giúp bạn hiểu rõ điều mà chúng tôi đang cố gắng làm.
3.KIỂM TRA BẢNG CHỈ DẪN NẾU CÓ
Hầu hết các tác phẩm mô tả đều có phần này. Chúng ta có thể nhanh chóng đoán định các đề tài được đề cập, loại sách và các tác giả được tham khảo. Khi bạn thấy các từ được liệt kê có vẻ quan trọng, hãy tìm ít nhất vài đoạn đã được trích dẫn (chúng tôi sẽ nói kỹ thêm về các từ quan trọng trong Phần hai. Ở đây, bạn phải tự mình đánh giá tầm quan trọng của chúng dựa trên cảm nhận chung của bạn về cuốn sách như bạn đã đạt được ở bước 1 và 2). Các đoạn văn bạn đọc có thể chứa điểm nút – điểm then chốt có ý nghĩa then chốt để hiểu cách tiếp cận và thái độ của tác giả.
Cũng như với phần mục lục, bây giờ bạn có thể kiểm tra bảng chỉ dẫn của cuốn sách này. Bạn sẽ nhận ra một số từ quan trọng đã được thảo luận. Thông qua các sách tham khảo, bạn có thể xác định các từ quan trọng khác hay không?
4. ĐỌC LỜI GIỚI THIỆU CỦA NHÀ XUẤT BẢN
Hãy đọc nếu đó là một cuốn sách bìa cứng. Một số người có ấn tượng rằng lời giới thiệu chỉ là những lời phô trương. Nhưng sự thật không phải lúc nào cũng như vậy, nhất là đối với các tác phẩm mô tả. Lời giới thiệu của nhiều cuốn sách do chính tác giả viết, và thường thì họ cố gắng tóm lược chính xác các ý chính trong sách của mình. Những nỗ lực này cần được ghi nhận. Nếu lời giới thiệu chỉ là lời khoe khoang về cuốn sách thì bạn chỉ cần liếc qua cũng nhận thấy. Nhưng trong trường hợp đó, bạn sẽ biết được có lẽ cuốn sách chẳng có gì quan trọng, bởi ngay phần giới thiệu cũng không nói lên được điều gì.
Sau khi hoàn tất bốn bước đầu này, bạn đã có thể có đủ thông tin về cuốn sách và biết mình có muốn, có nên đọc nó kỹ hơn hay không. Dù gì đi nữa, ngay lúc đó bạn cũng có thể bỏ sách xuống. Nếu không làm thế nghĩa là bạn đã sẵn sàng đọc lướt qua cuốn sách.
5.XEM NHỮNG CHƯƠNG CÓ VẺ QUAN TRỌNG CHO LẬP LUẬN CỦA CUỐN SÁCH
Việc này xuất phát từ những hiểu biết còn chung chung và khá mơ hồ về cuốn sách. Nếu những chương đó có những câu tóm lược trong phần mở đầu hay kết thúc như thường thấy, hãy đọc chúng thật kỹ.
6. ĐỌC MỘT CÁCH NGẪU NHIÊN MỘT HOẶC HAI ĐOẠN, THẬM CHÍ VÀI TRANG LIÊN TỤC, NHƯNG KHÔNG BAO GIỜ NHIỀU HƠN THẾ
Xem lướt cả cuốn sách theo cách này, luôn chú ý tìm các dấu hiệu liên quan đến luận điểm chính, và vấn đề cơ bản của sách. Điều quan trọng trên hết là đừng quên đọc hai hay ba trang cuối cùng, hoặc những trang cuối cùng của phần chính trong cuốn sách nếu đó là lời kết hay lời bạt. Hiếm có tác giả nào cưỡng lại được sự cám dỗ của việc tóm lược lại những gì họ cho là mới và quan trọng trong tác phẩm vào những trang này. Và chắc chắn là bạn không muốn bỏ lỡ nó, dù đôi khi bản thân tác giả có thể có những nhận định sai lầm.
Vậy là bạn đã đọc lướt qua cuốn sách một cách có hệ thống, theo cách đọc kiểm soát đầu tiên. Bạn biết được nhiều điều về cuốn sách sau khi chỉ dành cho nó vài phút, nhiều nhất là một tiếng. Cụ thể, bạn biết cuốn sách có những điều mà bạn muốn đào sâu hay không, có đáng để bạn dành thêm thời gian và tâm trí hay không. Bạn cũng có thể xếp nó vào danh mục sách trong đầu bạn một cách chính xác hơn để sau này có thể tham khảo nếu cần.
Đây là một cách đọc chủ động. Không thể đọc sách theo kiểu kiểm soát mà không tỉnh táo, không đánh thức và vận dụng tất cả các khả năng. Đã bao nhiêu lần bạn ngủ gà ngủ gật trong khi đang đọc môt cuốn sách để rồi khi thức dậy bạn nhận ra mình chẳng biết gì về những điều đã đọc? Điều này không thể xảy ra nếu bạn làm theo những bước mà chúng tôi đã tóm lược ở đây – nghĩa là, nếu bạn có một hệ thống để theo dõi mạch chung của cuốn sách.
Giả sử bạn là một thám tử truy tìm manh mối chủ đề hay ý chung của một cuốn sách, bạn luôn tỉnh táo để nhận biết bất cứ điểu gì làm cho chủ đề rõ rằng hơn. Bạn sẽ duy trì được trạng thái đó nếu chú ý đễn những lời khuyên của chúng tôi. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình tiết kiệm được rất nhiều thời gian, hài lòng khi biết thêm nhiều điều, và thở phào nhẹ nhõm khi phát hiện ra mọi việc dễ dàng hơn bạn nghĩ rất nhiều.
Đọc kiểm soát II: Đọc bề mặt
Từ “bề mặt” thường có ngụ ý không tốt. Tuy nhiên, chúng tôi rất nghiêm túc khi sử dụng từ này.
Ai trong đời cũng từng một lần nỗ lực đọc một cuốn sách khó những mong được nó khai sáng nhưng không thành. Vì thế, nhiều người đã vội kết luận rằng cố gắng đọc một cuốn sách khó ngay từ lần đầu tiên là một sai lầm. Sự thật không phải như vậy. Nói cho đúng, đó là do người ta đã kỳ vọng quá nhiều trong lần đầu tiên đọc một cuốn sách khó. Dù cuốn sách đó có khó đến đâu, nếu nó được tiếp cận đúng cách thì đại đa số độc giả sẽ không bị thất vọng.
Tiếp cận đúng cách là như thế nào? Câu trả lời nằm trong một quy tắc đọc quan trọng và hữu ích mà chúng ta thường bỏ qua. Đó là: Lần đầu tiên đọc một cuốn sách khó, hãy đọc hết cuốn sách mà không cần dừng lại suy nghĩ ở những điểm bạn chưa hiểu ngay tức thì.
Hãy để ý đến điều bạn hiểu, và đừng dừng lại vì những gì bạn chưa thể hiểu ngay. Tiếp tục đọc qua những điểm bạn cảm thấy khó hiểu, chẳng mấy chốc bạn sẽ đến những đoạn dễ hiểu và tập trung vào những chỗ đó. Tiếp tục như vậy cho đến hết cuốn sách. Nếu bạn để mình bị vướng vào một trong những chướng ngại vật như những đoạn, ghi chú, nhận định hay tham khảo mà bạn không hiểu được, bạn sẽ thua cuộc. Thậm chí, bạn sẽ không thể nào giải quyết được vấn đề nếu cứ bám lấy nó. Bạn sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn khi đọc lại lần thứ hai, nhưng điều này yêu cầu bạn phải đọc hết cuốn sách ít nhất một lần.
Những gì bạn hiểu được (dù chỉ là một nửa hoặc ít hơn) sau khi đã đọc hết cuốn sách sẽ giúp bạn khi bạn cố gắng quay trở lại đọc những đoạn đã bị bỏ qua lần đầu. Và ngay cả khi bạn không bao giờ đọc lại lần thứ hai, thì việc hiểu được một nửa của một cuốn sách khó cũng tốt hơn nhiều so với việc chẳng hiểu gì – điều bạn chắc chắn gặp phải nếu bạn dừng lại ngay từ chỗ khó đầu tiên.
Hầu hết mọi người được dạy là phải chú ý đến những điều mình không hiểu; phải tra từ điển khi gặp lại những từ lạ; tìm trong sách tham khảo nếu gặp những nhận định khó hiểu; tìm sự trợ giúp ở phần ghi chú, giải thích của các học giả hay các nguồn hỗ trợ khác… nhưng nếu vội vàng làm những điều này thì chúng chỉ ngăn cản chứ không giúp gì cho việc đọc của chúng ta.
Ví dụ, niềm vui thích cực độ của nhiều thế hệ học sinh trung học khi đọc kịch của Shakespeare bị tiêu tan khi họ buộc phải tra từ điển tất cả các từ vựng mới, và học hết các chú thích uyên thâm. Kết quả là họ chẳng bao giờ thật sự đọc một vở kịch của Shakespeare. Đọc đến đoạn cuối, họ đã quên mất đoạn đầu và mất luôn cái nhìn tổng quan. Lẽ ra, giáo viên phải khuyến khích họ đọc hết vở kịch một lần, và thảo luận về những gì họ hiểu được sau lần đọc lướt đầu tiên ấy. Chỉ khi đó, họ mới sẵn sàng nghiên cứu vở kịch kỹ hơn và cẩn thận hơn vì lúc này họ đã hiểu vở kịch đủ để nghiên cứu sâu hơn.
Khi đọc các tác phẩm mang tính mô tả, giải thích, bạn cũng nên áp dụng quy tắc này. Ví dụ, khi đọc một tác phẩm về kinh tế, tiêu biểu như cuốn The Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia) của Adam Smith, nếu bạn cứ nhất quyết phải hiểu tất cả những gì đọc được trong mỗi trang rồi mới đọc trang tiếp theo, thì bạn sẽ không đọc lâu được. Trong khi nỗ lực hiểu từng ý nhỏ, bạn sẽ bỏ qua các ý lớn được Smith đề cập rất rõ như các nhân tố vê tiền lương, tiền cho vay, lợi nhuận, lợi tức, vai trò của thị trường, những mặt xấu của độc quyền, những lý do cần có sự tự do thương mại… Bạn sẽ thấy cây mà không thấy rừng. Bạn sẽ không đọc hiệu quả ở bất kỳ cấp độ nào.
Tốc độ đọc
Trong Chương 2, chúng tôi đã mô tả việc đọc kiểm soát như là nghệ thuật hiểu gần hết một cuốn sách chỉ trong một thời gian giới hạn. Ở chương này, chúng tôi không hề muốn thay đổi định nghĩa ấy. Hai bước trong quá trình đọc kiểm soát được độc giả tiến hành rất nhanh dù cho cuốn sách họ đang đọc có khó hay dài đến đâu đi nữa.
Tuy nhiên, định nghĩa này lại làm nảy sinh câu hỏi “Thế nào là đọc tốc độ?” hay “Mối quan hệ giữa các cấp độ đọc và các khoá dạy đọc tốc độ như thế nào?”.
Chúng tôi đã nói rằng, các khoá dạy đọc tốc độ cơ bản chỉ mang tính chữa cháy, có nghĩa là chúng chủ yếu chỉ hướng dẫn đọc theo cấp độ đọc sơ cấp. Nhưng còn nhiều điều cần phải bàn đến.
Chúng tôi ủng hộ nhận định cho rằng đa số mọi người đáng lẽ phải đọc nhanh hơn tốc độ họ vẫn đọc. Thường thì có những thứ không đáng để chúng ta phải mất nhiều thời gian đọc. Nếu chúng ta không đọc chúng thật nhanh thì chúng ta sẽ lãng phí rất nhiều thời gian. Cũng có một thực tế là nhiều người đọc quá chậm trong khi đáng lẽ ra họ nên đọc nhanh hơn. Ngược lại, có những người đọc quá nhanh mà lẽ ra họ nên đọc chậm lại. Vì thế, một khoá dạy đọc tốc độ cần dạy bạn đọc với những tốc độ khác nhau, chứ không phải tốc độ nhanh hơn tốc độ hiện thời của bạn. Khoá học phải giúp bạn thay đổi tốc độ đọc tuỳ theo vào bản chất và sự phức tạp của tài liệu cần đọc.
Quan điểm của chúng tôi rất đơn giản. Nhiều cuốn sách chẳng đáng để bạn đọc dù chỉ là lướt qua; một số cuốn nên đọc nhanh; và chỉ có một số rất ít đáng được đọc thật chậm để có thể hiểu hoàn toàn. Sẽ uổng phí nếu bạn đọc một cuốn sách thật chậm khi nó chỉ đáng để bạn đọc nhanh. Các kỹ năng đọc tốc độ có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này. Nhưng đây mới chỉ là một vấn đề của việc đọc. Những cản trở trong quá trình hiểu một cuốm sách khó không đơn thuần là vấn đề sinh lý hay tâm lý. Chúng xuất hiện vì độc giả không biết nên làm gì khi tiếp cận một cuốn sách khó nhưng lại đáng đọc. Họ không biết các quy tắc đọc sách; không biết cách sắp xếp vốn tri thức của mình để giải quyết vấn đề. Dù cho họ đọc nhanh đến mức nào, họ cũng không thể tiến bộ được nếu không biết mình đang tìm kiến điều gì và khi nào thì tìm thấy, mà điều này lại rất hay xảy ra.
Nói đến các tốc độ đọc, điều quan trọng không chỉ ở chỗ có thể đọc nhanh hơn mà là có thể đọc với những tốc độ khác nhau, và biết khi nào sử dụng tốc độ đọc nào là phù hợp. Đọc kiểm soát được tiến hành nhanh không chỉ vì bạn đọc nhanh hơn (dù thực tế là vậy) mà còn vì bạn không đọc toàn bộ cuốn sách, bạn đọc theo kiểu khác với những mục đích khác nhau trong đầu. Đọc phân tích thường chậm hơn nhiều so với đọc kiểm soát, nhưng ngay cả khi bạn đọc theo kiểu phân tích, bạn cũng không nên đọc toàn bộ cuốn sách với cùng một tốc độ. Cho dù có khó đến đâu, mọi cuốn sách đều có những khe hở để chúng ta có thể và rất nên đọc nhanh. Mọi cuốn sách hay đều có những vấn đề khó nên cần đọc thật chậm.
Dừng lại và thụt lùi
Từ lâu, chúng tôi đã biết rằng các khoá dạy đọc tốc độ đã tận dụng đúng mức sự thật là hầu hết mọi người toàn đọc thầm sau lần đầu tiên được dạy đọc. Không những thế, các thước phim về chuyển động của mắt cho thấy mắt của những độc giả trẻ và chưa được đào tạo thường “dừng lại” năm đến sáu lần khi đọc mỗi dòng. Thậm chí, mắt của các độc giả trình độ kém còn thường xuyên “đi lùi” mỗi khi đọc được hai hay ba dòng – có nghĩa là, họ đọc lại những gì đã đọc trước đó.
Những thói quen này vừa gây lãnh phí thời gian, vừa làm giảm tốc độ đọc. Lãng phí vì trí óc của con người có thể nắm bắt cả một câu, hay một đoạn bằng một cái “liếc mắt” với điều kiện là đôi mắt cung cấp cho nó lượng thông tin nó cần. Vì thế, bài học đầu tiên mà tất cả các khoá dạy đọc tốc độ phải làm là chỉnh sự dừng lại và đọc lùi của độc giả. Điều này tương đối dễ thực hiện. Khi đã làm được điều này, học sinh có thể đọc nhanh với tốc độ của trí óc chứ không phải chậm chạp như tốc độ của mắt.
Có nhiều công cụ giúp mắt không dừng lâu ở một chỗ. Tuy nhiên, bạn không cần phải dùng thứ gì phức tạp mà chỉ cần di chuyển bàn tay của mình càng lúc càng nhanh hơn trên trang sách. Hãy chụm ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa lại với nhau, rồi lướt “con trỏ” này trên một dòng nhanh hơn một chút so với tốc độ bình thường của mắt. hãy bắt mình theo kịp tốc độ của bàn tay. Chẳng mấy chốc, bạn có thể đọc được các con chữ khi bạn dõi theo bàn tay. Tiếp tục luyện tập theo cách này và tăng dần tốc độ di chuyển bàn tay. Bạn có thể tăng tốc độ đọc lên gấp hai, ba lần trước khi bạn nhận thức được điều này.
Hiểu cũng là một vấn đề
Bạn thu được gì sau khi tăng đáng kể tốc độ đọc của mình? Bạn có tiết kiệm được thời gian không? Còn vấn đề hiểu thì sao? Nó cũng tăng lên hay bị ảnh hưởng xấu trong quá trình này?
Khoá học đọc tốc độ nào cũng tuyên bố có thể tăng khả năng hiểu của bạn cùng với việc tăng tốc độ đọc. Tuyên bố này nhìn chung có cơ sở của nó. Bàn tay (hay một công cụ nào khác) được sử dụng để làm mốc thời gian không chỉ tăng tốc độ đọc của bạn, mà còn giúp bạn tập trung hơn vào trang sách. Khi bạn theo dõi bàn tay mình thì khó mà buồn ngủ, mơ màng hay để đầu óc nghĩ vẩn cơ. Một người đọc sách giỏi bao giờ cũng đọc một cách chủ động với sự tập trung cao.
Nhưng chỉ tập trung thôi thì chưa đủ để hiểu cuốn sách. Hiểu không chỉ là trả lời được những câu hỏi về dữ kiện của một bài đọc mà còn hơn thế nữa. Trên thực tế, việc chỉ trả lời được những câu hỏi về dữ kiện cuốn sách chỉ thể hiện khả năng đọc sơ cấp (tức là trả lời câu hỏi “Cuốn sách nói về điều gì?”). Các câu hỏi khác ngụ ý những cấp độ hiểu cao hơn ít khi được đề cập trong các khoá dạy đọc cấp tốc, và cũng hiếm khi người ta hướng dẫn cách trả lời những câu hỏi đó.
Như vậy vấn đề của đọc tốc độ là việc hiểu. Hầu hết các khoá học tốc độ không giải quyết được vấn đề này. Vì vậy, cuốn sách này đang cố gắng cải thiện khả năng hiểu trong quá trình đọc cho bạn. Bạn không thể hiểu một cuốn sách nếu bạn không đọc theo kiểu phân tích. Và đọc phân tích được tiến hành chủ yếu để hiểu.
Tóm tắt phần đọc kiểm soát
Bạn không nên chỉ áp dụng một tốc độ đọc duy nhất mà bạn cho là đúng. Điều quan trọng là bạn có khả năng đọc với nhiều tốc độ khác nhau, và biết khi nào dùng tốc độ nào là phù hợp. Đọc nhanh chỉ có giá trị khi những gì bạn phải đọc không thật sự đáng đọc. Công thức hiệu quả là: Mọi cuốn sách nên được đọc không chậm hơn mức mà nó đáng đọc và không nhanh hơn mức mà nó bạn có thể đọc để thông hiểu và thấy hài lòng. Trong bất cứ trường hợp nào, tốc độ đọc nhanh hay chậm chỉ là một phần nhỏ đối với hầu hết mọi người khi đọc sách.
Đọc lướt hay đọc để chuẩn bị luôn luôn là một ý tưởng hay, và điều này thường cần thiết khi bạn không biết liệu cuốn sách mình đang cầm có đáng đọc không. Bạn sẽ biết ngay sau khi đọc lướt qua. Thậm chí, bạn cũng nên đọc lướt một cuốn sách mà bạn dự định đọc kỹ để hiểu qua về hình thức và cấu trúc của nó.
Cuối cùng, không nên cố gắng hiểu tất cả các từ hay các trang của một cuốn sách khó ở ngay lần đọc đầu tiên. Đây là quy tắc quan trọng hơn cả và là bản chất của cấp độ đọc kiểm soát. Hãy đọc nhanh cuốn sách khó nhất để chuẩn bị đọc tốt trong lần thứ hai.
Đến đây, chúng tôi đã hoàn thành phần bàn luận về cấp độ đọc thứ hai – đọc kiểm soát. Chúng tôi sẽ quay lại cấp độ này trong Chương 4 để chỉ ra việc đọc kiểm soát đóng vai trò quan trọng như thế nào trong đọc đồng chủ đề – cấp độ đọc thứ tư và cũng là cao nhất.
Đồng thời, đọc kiểm soát cũng có một vai trò quan trọng đối với cấp độ đọc thứ ba – đọc phân tích (được mô tả trong Phần hai của cuốn sách này). Cả hai giai đoạn của đọc kiểm soát là các bước chuẩn bị của độc giả trước khi họ đọc kiểu phân tích. Giai đoạn đầu tiên của đọc kiểm soát – đọc lướt có hệ thống – giúp độc giả hiểu được cấu trúc của một cuốn sách. Giai đoạn hai – đọc bề mặt – cũng giúp độc giả khi họ đọc ở giai đoạn hai của cấp độ đọc phân tích. Đọc bề mặt là bước đầu tiên cần thiết để hiểu nội dung của cuốn sách.
Trước khi tiếp tục giải thích kiểu đọc phân tích, chúng tôi muốn đề cập lại bản chất của hoạt động đọc. Để có thể đọc tốt, độc giả năng động và khó tính cần phải thực hiện một số hành động nhất định. Những hành động đó được bàn trong chương dưới


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.