Đọc sách như một nghệ thuật

5 Cách trở thành một độc giả yêu cầu cao



Các quy tắc đọc để rồi tự ru ngủ mình dễ thực hiện hơn các quy tắc đọc để thức trong suốt quá trình đọc. Đi nằm với tư thế thoải mái, đèn không đủ sáng khiến mắt mỏi, bạn chọn một cuốn sách rất khó hoặc rất nhàm chán – một cuốn sách mà bạn không cần quan tâm là có nên đọc hay không – chỉ mấy phút sau, bạn sẽ ngủ ngay. Những chuyên gia dùng sách để thư giãn không cần phải đợi đêm xuống mới ngủ được. Họ chỉ cần một chiếc ghế bành êm ái trong thư viện là đủ.

Thế nhưng các quy tắc để tỉnh táo trong khi đọc không đơn thuần là làm ngược lại những điều trên. Người ta vẫn có thể thức trong khi đang đọc trên một chiếc giường hay ghế êm ái, và nhiều người vẫn căng mắt ra đọc đến khuya trong ánh sáng lờ mờ. Tại sao họ có thể tỉnh táo đến thế? Đối với họ, có một sự khác biệt lớn giữa việc đọc hay không đọc cuốn sách họ đang cầm.
Việc bạn có cố gắng tìm cách để giữ được tỉnh táo hay không phần lớn phụ thuộc vào mục đích đọc sách của bạn. Nếu bạn đọc để tìm lợi ích như sự tiến bộ về mặt trí tuệ hay tinh thần, thì bạn phải tỉnh táo. Điều đó có nghĩa là đọc càng tích cực càng tốt, và bạn phải nỗ lực – sự nỗ lực mà bạn hy vọng sẽ được đền đáp lại.

Những cuốn sách hay, dù là tiểu thuyết hay không phải tiểu thuyết, cũng đáng được đọc như vậy. Dùng một cuốn sách hay mà như một liều thuốc ngủ rõ ràng là một sự lãnh phí. Ngủ gật hay để đầu óc vẩn vơ trong suốt thời gian bạn định dành cho việc đọc nhằm mở rộng hiểu biết, nghĩa là bạn đã làm thất bại mục đích của chính mình.
Điều đáng buồn là mặc dù nhiều người có thể phân biệt được sự khác nhau giữa lợi ích và giải trí khi đọc sách nhưng vẫn không thể thực hiện được kế hoạch đọc của mình. Lý do vì họ không biết làm thế nào để tập trung đầu óc vào những việc đang làm.
Bản chất của việc đọc tích cực: Bốn câu hỏi cơ bản độc giả phải hỏi
Trong những chương trước, chúng tôi đã thảo luận kỹ việc đọc sách như thế nào là tích cực. Chúng tôi đã nói đọc tích cực có hiệu quả hơn, và đọc kiểm soát luôn luôn tích cực. Đó là một quá trình đòi hỏi nhiều nỗ lực. Nhưng chúng tôi chưa đi vào trọng tâm của vấn đề khi chưa đưa ra một quy định đơn giản của việc đọc tích cực. Đó là trong khi đọc, bạn hãy đặt những câu hỏi mà bản thân phải tự mình tìm cách trả lời.

Nhưng không phải là thích hỏi câu nào cũng được. Nghệ thuật của việc đọc ở các cấp độ trên sơ cấp thể hiện qua những câu hỏi đúng và có trật tự. Có bốn câu hỏi chính bạn phải hỏi khi đọc bất cứ cuốn sách nào.

1.TỔNG QUAN CUỐN SÁCH NÓI VỀ ĐIỀU GÌ? Bạn phải cố gắng tìm ra chủ đề chính của cuốn sách, và phương pháp tác giả phát triển chủ đề này một cách nhất quán bằng việc phân chia nó thành những chủ đề phụ quan trọng.

2.NHỮNG GÌ ĐƯỢC ĐỀ CẬP CHI TIẾT VÀ ĐỀ CẬP NHƯ THẾ NÀO? Bạn phải cố gắng tìm ra các ý chính, những điều khẳng định, những luận cứ tạo nên thông điệp đặc biệt của tác giả.

3.CUỐN SÁCH CÓ ĐÚNG KHÔNG, ĐÚNG MỘT PHẦN HAY TOÀN BỘ? Bạn không thể trả lời câu hỏi này nếu không trả lời hai câu trên. Bạn phải biết tác giả nói gì trước khi quyết định nó đúng hay không. Tuy nhiên, chỉ biết suy nghĩ của tác giả thôi chưa đủ. Bạn cũng phải tự mình quyết định nếu bạn đọc nghiêm túc và hiểu cuốn sách đó.

4. Ý NGHĨA CỦA CUỐN SÁCH? Bạn phải hỏi ý nghĩa của những thông tin mà cuốn sách mang lại là gì? Tại sao tác giả cho rằng cần phải biết những điều này? Bản thân bạn có cần phải biết không? Và nếu cuốn sách không những cung cấp thông tin mà còn mở mang kiến thức cho bạn thì điều đó nghĩa là bạn cần đào sâu tìm tòi hơn nữa bằng cách hỏi thêm sẽ có gì xảy ra tiếp theo, tác giả còn có ngụ ý gì và đề xuất gì thêm.

Bốn câu hỏi trên là những nguyên tắc cơ bản mà Phần hai cuốn sách này đặc biệt quan tâm. Bạn đừng bao giờ quên việc đọc một cuốn sách ở các cấp độ trên sơ cấp đều đòi hỏi bạn phải cố gắng đặt câu hỏi và trả lời chúng một cách đầy đủ nhất trong khả năng của bạn. Đó là lý do tại sao luôn tồn tại sự khác biệt giữa độc giả khó tính, có đòi hỏi cao với độc giả không biết đòi hỏi gì. Kiểu độc giả thứ hai không đặt câu hỏi và không có câu trả lời.

Bốn câu hỏi trên đã tóm lược nhiệm vụ tổng thể mà một độc giả phải làm. Có thể áp dụng chúng cho bất kỳ tài liệu đáng đọc nào, như một cuốn sách, một bài báo, hay một mẩu quảng cáo. Cấp độ đọc kiểm soát có khuynh hướng trả lời hai câu hỏi đầu chính xác hơn hai câu hỏi sau. Nếu bạn chưa trả lời hai câu hỏi sau, chưa có ý kiến gì về tính đúng đắn của cuốn sách (một phần hay toàn bộ) và ý nghĩa của nó, thì bạn chưa thể hoàn thành trọn vẹn cấp độ đọc phân tích. Câu hỏi cuối cùng (Ý nghĩa của cuốn sách là gì?) là câu hỏi quan trọng nhất trong cấp độ đọc đồng chủ đề. Tất nhiên là bạn phải trả lời ba câu hỏi đầu trước khi cố gắng trả lời câu hỏi cuối.
Sẽ là chưa đủ nếu bạn chỉ biết nội dung của bốn câu hỏi. Bạn phải nhớ đặt chúng trong khi đọc. Thói quen này chính là biểu hiện của một độc giả yêu cầu cao. Hơn nữa, bạn phải biết cách trả lời chính xác. Khả năng mà bạn phải rèn luyện để làm được điều này chính là

Đọc sách như một nghệ thuật.
Một người đọc một cuốn sách hay mà vẫn bị ngủ quên chưa hẳn là vì họ không cố gắng, mà vì họ không biết cách cố gắng như thế nào. Những cuốn sách hay phải cao hơn tầm hiểu biết của bạn, nếu không chúng sẽ không mang lại điều gì thú vị đối với bạn. Và chính những cuốn sách này sẽ khiến bạn phải suy nghĩ nếu bạn không cố gắng vươn lên và đạt tới ngang tầm với chúng. Sự cố gắng này không làm bạn mệt mỏi. Bạn chỉ mệt mỏi vì thất vọng nếu cố gắng của bạn bị thất bại do thiếu kỹ năng. Để tiếp tục đọc tích cực, bạn không những phải có ý chí mà còn cần cả kỹ năng – nghệ thuật giúp bạn nâng cao tầm vóc bằng cách nắm bắt tất cả những gì mà ban đầu bạn cảm thấy vượt quá tầm tay.

Làm thế nào để thực sự sở hữu một cuốn sách?
Nếu bạn có thói quen đặt câu hỏi khi đang đọc sách thì bạn là một độc giả giỏi hơn những người không biết đặt câu hỏi. Nhưng như chúng tôi đã nói, chỉ đặt câu hỏi không thôi chưa đủ. Bạn phải cố gắng trả lời những câu hỏi đó. Mặc dù bạn có thể hỏi và trả lời trong đầu, nhưng nếu bạn dùng bút và giấy làm việc đó thì sẽ dễ dàng hơn. Cây bút sẽ là dấu hiệu cho thấy sự tỉnh táo của bạn trong khi đọc.
Có một câu nói cổ khuyên ta “hãy đọc những ẩn ý đằng sau con chữ” để hiểu hết những gì sách muốn nói. Ngoài ra, chúng tôi còn muốn thuyết phục bạn: “Hãy viết văn hàm ẩn”. Nếu không, bạn khó có thể đọc sách hiệu quả.
Khi mua một cuốn sách, bạn đã thiết lập quyền sở hữu với nó. Nhưng hành động mua thật sự mới chỉ là khúc dạo đầu của việc sở hữu một cuốn sách. Bạn chỉ sở hữu nó hoàn toàn khi bạn biến nó thành một phần của bạn và bạn thành một phần của nó – tức là bạn phải viết vào trong sách.

Tại sao việc đánh dấu vào một cuốn sách lại là điều không thể thiếu khi đọc sách? Thứ nhất, nó giúp bạn tỉnh táo hoàn toàn . Thứ hai, nếu đọc tích cực, tức là bạn phải suy nghĩ, mà suy nghĩ thường thể hiện ra bằng từ ngữ, lời nói, hay chữ viết. Người nào nói anh ta biết mình nghĩ gì nhưng lại không thể thể hiện ra thường là người không biết mình nghĩ gì. Thứ ba, viết ra những phản ứng của bạn giúp bạn nhớ những suy nghĩ của tác giả.

Hãy coi việc đọc một cuốn sách là cuộc đối thoại giữa bạn và tác giả. Hãy cho rằng tác giả hiểu biết về chủ đề cuốn sách nhiều hơn bạn, nếu không bạn đâu cần mất thời gian đọc sách của người đó. Nhưng hiểu là một sự vận hành theo hai chiều: học viên phải tự hỏi mình và hỏi giáo viên. Thậm chí, khi đã hiểu giáo viên nói gì, người học phải sẵn sàng tranh luận với thấy. Đánh dấu vào sách là một cách biểu hiện ý kiến tán thành hay phản đối của bạn với tác giả. Đó chính là sự trân trọng tối đa mà bạn dành cho tác giả.

Có nhiều cách đánh dấu vào sách một cách thông minh và hiệu quả. Sau đây là một số cách bạn có thể dùng:
1.GẠCH DƯỚI: Gạch dưới những điểm chính, những nhận định quan trọng hay có sức thuyết phục.
2.VẠCH NHỮNG ĐƯỜNG THẲNG NGOÀI LỀ: Để nhấn mạnh những nhận định đã được gạch dưới, hay chỉ rõ một đoạn quá dài không gạch dưới được.
3. ĐÁNH DẤU SAO, HOA THỊ, HAY BẤT CỨ DẤU GÌ BÊN LỀ: Hình thức này nên được dùng cách quãng để nhấn mạnh mười, hay mười hai nhận định hoặc đoạn văn quan trọng nhất trong cuốn sách. Bạn có thể gấp góc những trang có đánh dấu, hay ép một mảnh giấy vào giữa các trang. Như thế, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể lấy sách ra đọc và nhớ lại ngay những gì đã đọc bằng cách mở ra trang bạn đã đánh dấu.
4. ĐÁNH SỐ BÊN LỀ: Để chỉ một loạt các ý mà tác giả đã nêu trong quá trình hình thành lý lẽ.
5. ĐÁNH SỐ CỦA NHỮNG TRANG KHÁC BÊN LỀ: Để chỉ ra những chỗ khác trong cuốn sách có nhận định tương tự, hay những ý liên quan hoặc đối lập với những ý đã được đánh dấu; tập hợp các ý liên quan đến nhau nhưng nằm rải rác trong cuón sách. Nhiều độc giả dùng ký hiệu “Cf” để chỉ số của các trang khác có nghĩa là “so sánh với” hay “đề cập tới”.
6.KHOANH TRÒN NHỮNG TỪ HAY CỤM TỪ QUAN TRỌNG: Cách này tương tự như cách gạch dưới.
7.VIẾT BÊN LỀ, Ở ĐẦU HAY CUỐI TRANG: Để lưu lại các câu hỏi (và có thể cả câu trả lời) mà đoạn văn đã gợi ra cho bạn; tóm tắt một tranh luận phức tạp thành một câu đơn giản; ghi lại một loạt những ý chính trong cả cuốn sách. Những trang cuối có thể được dùng như một bảng chú dẫn những luận điểm của tác giả theo thứ tự xuất hiện trong sách.
Đối với những người chuyên đánh dấu sách thì những trang áp bìa đầu một cuốn sách thường quan trọng nhất. Một số người dùng các trang này để làm nhãn sở hữu sách trông rất ấn tượng. Nhưng điều đó chỉ thể hiện sự sở hữu về mặt tài chính đối với cuốn sách. Những trang này nên được dành để ghi lại những suy nghĩ của bạn. Sau khi đọc xong cuốn sách và ghi lại những chú dẫn của riêng bạn ở những trang cuối sách, hãy lật lại trang đầu và cố tóm lược cuốn sách thành một cấu trúc hợp nhất với một dàn ý cơ bản và theo trật tự các phần. Chính bản tóm lược này là thước đo mức độ hiểu, thể hiện sự sở hữu về mặt trí tuệ của bạn đối với cuốn sách.
Ba kiểu ghi chú
Có ba kiểu ghi chú khác nhau khi đọc sách. Bạn dùng loại nào tuỳ thuộc vào cấp độ mà bạn đang đọc.
Khi đọc theo cấp độ kiểm soát, có thể bạn không có thời gian để ghi chú trong sách vì đọc kiểm soát luôn bị giới hạn về thời gian. Tuy nhiên, khi đọc ở cấp độ này, bạn sẽ đặt những câu hỏi quan trọng về cuốn sách, sẽ thật tuyệt vời nếu bạn ghi lại những câu trả lời ngay khi chúng vừa mới xuất hiện trong đầu, mặc dù không phải lúc nào bạn cũng tìm thấy câu trả lời.
Những câu hỏi cần phải trả lời trong lần đọc kiểm soát gồm: (1) Đó là loại sách gì? (2) Toàn bộ cuốn sách nói về vấn đề gì? (3) Trật tự cấu trúc của cuốn sách mà qua đó tác giả phát triển ý đồ hoặc hiểu biết của mình về chủ đề chung của cuốn sách là gì? Bạn có thể và cũng nên ghi chú những ý liên quan đến các câu trả lời cho những câu hỏi này, nhất là khi bạn biết rằng phải nhiều ngày hoặc nhiều tháng sau bạn mới có thể quay lại đọc cuốn sách ở cấp độ phân tích. Nơi phù hợp nhất để bạn ghi chú là ở trang mục lục hay trang tiêu đề.
Bạn nên nhớ, những ghi chú này chủ yếu đề cấp đến cấu trúc chứ không phải nội dung cuốn sách (ít nhất là chưa có các chi tiết). Vì thế, chúng tôi gọi việc ghi chú này mang tính cấu trúc.
Trong quá trình đọc kiểm soát, đặc biệt là với một cuốn sách dài và khó, bạn có thể hiểu thấu đáo ý kiến của tác giả về chủ đề mà họ nêu ra. Tuy nhiên, ít khi bạn làm được điều chân thực của những nhận định đó trừ phi bạn đã đọc kỹ cuốn sách. Sau đó, trong quá trình đọc phân tích, bạn cần trả lời những câu hỏi về tính chân thực và tầm quan trọng của cuốn sách. Do vậy, những ghi chú của bạn ở cấp độ này không còn mang tính cấu trúc mà thuộc về ý niệm. Đó là ý niệm của tác giả, và cũng là của bạn, đã được đào sâu và mở rộng qua quá trình đọc.
Có sự khác biệt rõ nét giữa ghi chú cấu trúc và ghi chú ý niệm. Ở cấp độ đọc đồng chủ đề (tức là đọc nhiều cuốn sách có cùng một chủ đề), những ghi chú rất có thể cũng là ghi chú về ý niệm; và những ghi chú trên một trang sách không những nhắc bạn về những trang khác trong cùng cuốn sách đó mà cả ở các cuốn khác.
Tuy nhiên, có một bước còn cao hơn thế, và chỉ độc giả nào thật sự có tài mới có thể làm được khi anh ta đọc đồng chủ đề. Đó là ghi chú về hình thức thảo luận – cuộc thảo luận mà tất cả các tác giả cùng tham gia cho dù có nhiều người không biết nhau. Chúng tôi muốn gọi đó là những ghi chú có tính biện chứng (lý do sẽ được giải thích trong Phần 4). Vì những ghi chú này đề cập đến nhiều cuốn sách nên chúng thường được ghi trên những tờ giấy rời. Ở đây có sự hàm ẩn về một cấu trúc khái niệm – một hệ thống những nhận định và câu hỏi về một chủ đề duy nhất. Chúng tôi sẽ quay lại loại ghi chú này ở Chương 20.
Hình thành thói quen đọc sách
Không có cách nào để hình thành thói quen thao tác ngoài chính sự vận hành. Nói cách khác là “học” bằng cách “thực hành”. Sự khác biệt trong hành động của bạn trước và sau khi hình thành thói quen là sự khác biệt giữa khả năng và sự sẵn sàng. Sau khi luyện tập, vẫn công việc như trước nhưng bạn có thể làm tốt hơn nhiều so với lần đầu. Đây chính là điều mà ta thường gọi là “có công mài sắt có ngày nên kim”. Những gì ban đầu bạn làm còn rất lúng túng thì sau khi luyện tập, bạn có thể làm một cách tự động, hay làm theo bản năng như thể bạn sinh ra để làm việc đó, tự nhiên như việc đi lại hay ăn uống. Vì thế, nhiều người cho rằng thói quen là khả năng thiên bẩm thứ hai.
Tuy nhiên, hình thành một thói quen khác với việc biết những quy tắc của một môn nghệ thuật. Khi nói một người có kỹ năng làm một việc gì đó không có nghĩa khẳng định anh ta biết các quy tắc, mà đơn giản là anh ta có thói quen làm việc đó mà thôi. Dĩ nhiên, biết quy tắc dù ít dù nhiều là một điều kiện để đạt được kỹ năng. Bạn không thể làm theo các quy tắc mà bạn không biết. Bạn cũng không thể học được bất cứ một thói quen hay kỹ năng nào nếu bạn không làm theo các quy tắc.
Trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rằng để trở thành một nghệ sĩ, người ta phải thực hiện theo các quy tắc. Khi nói về một hoạ sĩ, hay là một nhà điêu khắc tài ba, nhiều người cho rằng “Ông ta chẳng theo quy luật nào cả. Ông ta làm một vài việc rất độc đáo – việc trước đây chưa ai làm và cũng chẳng theo quy luật nào”. Nhưng họ không thấy được những quy luật mà hoạ sĩ thực hiện. Nhìn nhận một cách nghiêm túc, ta sẽ thấy không có quy luật cuối cùng và không có quy luật không bị phá vỡ khi vẽ một bức tranh, hay sáng tạo một tác phẩm điêu khắc. Nhưng lại có những quy luật về chuẩn bị giấy, vẽ pha màu và dùng màu, nặn đất sét và hàn thép. Hoạ sỹ và nhà điêu khắc chắc hẳn phải tuân theo các quy luật này, nếu không họ đã không thể sáng tác được. Dù sản phẩm cuối cùng của người nghệ sĩ có thế nào, dù chúng có vẻ như không tuân theo quy luật nào, thì nghệ sĩ đó cũng phải rất khéo léo để làm ra sản phẩm ấy. Đấy chính là nghệ thuật – kỹ năng hay kỹ xảo – mà chúng tôi nói đến.
Từ nhiều quy tắc đến một thói quen
Đọc sách cũng giống như trượt tuyết. Khi giỏi như một chuyên gia thì cả hai việc đều rất thú vị, hài hoà. Khi làm như người mới bắt đầu thì rất lúng túng, chậm chạp và dễ chán nản.
Mọi người, nhất là người đã trưởng thành, thường xấu hổ khi học trượt tuyết. Vì mặc dù đã biết đi từ lâu, biết chân mình ở đâu, nhưng khi đi giày trượt tuyết vào, họ phải học đi lại từ đầu. Họ bị trượt ngã nhiều lần, ngồi dậy một cách khó nhọc, giày bị lệch, trông giống và cảm giác mình là một thằng ngốc…
Thậm chí, một huấn luyện viên giỏi cũng không giúp được gì nhiều cho người mới học trượt tuyết. Làm sao để nhớ mọi điều mà huấn luyện viên nói, và vừa nhớ vừa trượt tuyết? Điều quan trọng khi trượt tuyết là bạn không nên nghĩ về từng động tác riêng lẻ, mà phải phối hợp chúng với nhau, xoay trở khéo léo thì mới trượt được


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.