Đức Phật Trong Ba Lô

LÒNG TỪ BI – ĐỐI DIỆN VỚI BẠO LỰC



Nhiều bạn trẻ đang trở nên bạo lực. Vài người thậm chí còn tự hào vì nó. Cháu có thể làm gì để thay đổi tình hình không?
Tôi hiểu rằng sau vụ thảm kịch Colorado ở trường trung học Columbia, trong vụ này nhiều học sinh 13 tuổi đã bị bắn chết, Tổng thống Clinton đã nói: “Chúng ta phải hướng tới bọn trẻ và dạy chúng cách bộc lộ sự phẫn nộ và giải quyết mâu thuẫn của chúng bằng lời nói, không phải bằng vũ khí”. Tôi hoàn toàn đồng ý. Chẳng gì có thể khiến tim tôi đau hơn sự thật là những người trẻ tuổi, những người sở hữu tiềm năng vô hạn cho tương lai, hủy hoại cuộc sống của họ và của những người khác.
Khi còn trẻ, tôi mất người anh cả trong Thế chiến Thứ II. Anh là một người thật nhân hậu, là người kịch liệt phản đối đường lối hành động của Nhật. Đau đớn trước cuộc xâm lược của Nhật vào Trung Quốc, anh nói: “Quân đội Nhật thật vô lương tâm. Anh thấy xót xa vô cùng cho nhân dân Trung Hoa.”
Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh mẹ tôi nhìn từ phía sau, tấm lưng nhỏ của bà run lên khi tin về cái chết của đứa con trai cả của mình. Ngay lúc đó, tôi đã cảm nhận sâu sắc rằng chúng ta cần bãi bỏ chiến tranh và bạo lực khỏi trái đất, dù thế nào đi nữa.
Trong khi, tất nhiên, điều tối cần thiết là kiểm soát được những yếu tố bên ngoài của bạo lực bằng cách bãi bỏ vũ khí, phát triển nhiều hơn các luật tương đương và thiết lập thỏa thuận hòa bình giữa các nước, thì căn bản nhất, điều cần làm là phải hiểu được rằng bạo lực xuất phát từ điều kiện bẩm sinh của loài người. Đạo Phật đặt tên cho điều kiện này là thú tính, một trạng thái con người bị các thèm khát bản năng kích động và mất hết lý tính hay đạo đức. Thậm chí nếu chúng ta có quét sạch được hết vũ khí khỏi hành tinh này, bạo lực sẽ không bao giờ tiêu tan trừ khi chúng ta kiểm soát thành công thú tính trong ta. Vì lý do này, chúng ta cần phải thay đổi điều kiện của con người từ bên trong.
Tôi vẫn thường kêu gọi điều giống như một cuộc cạnh tranh nhân đạo, ở đó, tất cả những tôn giáo giảng dạy về lòng khoan dung và sự quan tâm, cạnh tranh xem mỗi tôn giáo có thể khuyến khích được bao nhiêu người quan tâm. Trong bất cứ trường hợp nào, giáo dục dựa trên phẩm giá của mỗi cá nhân cũng là giải pháp.
Bạo lực là một tội ác thuần túy. Bất kể điều bạn nói có đúng đến đâu, nếu bạn viện đến bạo lực để chứng minh điều đó, bạn vẫn là kẻ thất bại. Thậm chí nếu bạn dường như đã có được chiến thắng từ kết quả của một hành động bạo lực, kết cục bạn cũng sẽ bại trận.
Đạo Phật nhấn mạnh mối tương giao của tất cả sự sống. Chính khả năng nhận thức giới hạn của chúng ta mới khiến chúng ta đặt quá nặng khoảng cách “họ” và “chúng ta”. Chính do mối tương giao này, với việc sử dụng bạo lực, bạn không chỉ làm tổn hại và tàn phá người kia mà cả chính bạn. Những người sử dụng bạo lực và coi thường cuộc sống của người khác thực ra đang coi thường chính họ và phá hoại cuộc sống của chính họ.
Điều quan trọng là phải hiểu được rằng bản chất của bạo lực là sự hèn nhát. Bởi vì một người hèn nhát, anh ta hay cô ta mới trở nên bạo lực. Cá nhân đó không đủ can đảm để đàm thoại. Mahatma Gandhi nói hùng hồn rằng: “Bất bạo động không phải là cái vỏ của sự hèn nhát, mà đó là phẩm hạnh tối thượng của sự can đảm… Hèn nhát hoàn toàn không đồng nhất với bất bạo động… Bất bạo động hàm chứa khả năng đấu tranh.”
Trong tổ chức Soka Gakkai Quốc tế, giới trẻ Mỹ vẫn đang tiến hành những hoạt động kêu gọi chấm dứt bạo lực. Họ đang thực hiện ba lời thề sau đây:
1. Tôi sẽ trân trọng cuộc sống của mình
2. Tôi sẽ tôn trọng mọi sự sống
3. Tôi sẽ truyền hy vọng đến cho người khác.
Khi mỗi người chúng ta đều có thể trân quý cuộc sống của chính mình, tự nhiên chúng ta cũng sẽ có thể trân trọng cuộc sống của những người khác.
Điều quan trọng là bạn phải hành động. Bắt đầu là bước đầu tiên. Số 0 là số 0 ngay cả khi nhân với nhiều số khác. Nhưng như những người Phương Đông thường nói: “1 là mẹ của hàng vạn.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.