Đứng Dậy Mạnh Mẽ

9. KẺ BẮT NẠT DÀNH CHO BẠN



Dẫu biết rằng bị bắt nạt là trải nghiệm tồi tệ, bạn có thể vượt qua mỗi thách thức, trở nên khôn ngoan và mạnh mẽ hơn.
Tôi sắp ném một thứ gì đó lên bàn, ban đầu, bạn sẽ thấy điều này nghe có vẻ điên rồ. Hãy để Nick sử dụng khiếu hài hước của mình trong vài câu và tôi hy vọng ý tưởng này có ý nghĩa đối với bạn.
Nếu không phải như vậy, tôi sẽ mua cho bạn một chiếc xe hơi mới.
Tôi đùa đấy! Một con ngựa non thì sao nhỉ?
Nói một cách nghiêm túc đây là một ý tưởng mà tôi đề nghị bạn xem xét. Sẽ thế nào nếu bạn có thể tìm được những cách học hỏi và phát triển từ trải nghiệm bị bắt nạt? Sẽ thế nào nếu bạn biến  những hành động gây tổn thương của những kẻ bắt nạt thành những bài học để bạn trở nên mạnh mẽ, sáng suốt và tự tin hơn?
Tôi đang chọc tức bạn chăng? (Bạn nghĩ tôi bị điên chăng?) Bạn có muốn hắt một cốc nước lạnh vào tôi để tôi bình thường trở lại không nhỉ?
Không phải là tôi đang gợi ý rằng bất cứ ai cũng nên mong muốn mình bị bắt nạt, hoặc rằng những kẻ bắt nạt thực ra là những người có lòng nhân từ chứ không phải những kẻ ác tâm (tôi thích dùng từ “ác tâm” còn bạn thì sao?)
Gợi ý lật ngược tình thế và sử dụng năng lượng tiêu cực của kẻ bắt nạt để tạo ra điều gì đó tích cực cho bản thân bạn mà tôi đã đưa ra thực sự được dựa trên những trải nghiệm của tôi với những kẻ bắt nạt, từ Kinh Thánh, từ những câu danh ngôn đầy sáng suốt của những người tôi ngưỡng mộ, từ một ca khúc nhạc pop, một vài nghiên cứu tâm lý được tiến hành trong thời gian gần đây, và từ những câu chuyện mà những người ở tuổi mới lớn trên khắp thế giới đã chia sẻ với tôi.
Vì vậy, trước khi bạn ném cuốn sách này vào tường hoặc tuyên bố rằng Nicky mất trí rồi, hãy để tôi đưa ra bằng chứng này, được không?
Trưởng thành qua đau đớn.
Trước hết, hãy nhìn vào những trải nghiệm của một người thu hút những kẻ bắt nạt bẩm sinh. Theo những gì tôi có thể nhớ được, từ bé tới giờ mới chỉ có một lần tôi bị một kẻ bắt nạt tấn công thân thể khi đó tôi học tiểu học. Nhưng tôi đã từng bị trêu chọc, chế giễu, xúc phạm, nhạo báng và bị đem ra làm trò cười nhiều lần đến nỗi tôi không thể đếm xuể.
Vâng, vậy kết quả của tất cả sự bắt nạt tàn nhẫn đó là gì?
Tôi vẫn sống. Không những thế, tôi đang sống một cuộc sống tuyệt vời, có một sự nghiệp viên mãn, một người vợ xinh đẹp và có tâm hồn đẹp, một đứa con trai tuyệt vời, một gia đình và những người bạn đáng khâm phục. Tôi có thể nói một cách trung thực rằng việc tôi bị bắt nạt ở trường tiểu học và trung học đã thúc đẩy tôi trở thành một con người có trách nhiệm hơn đối với hạnh phúc của chính mình, tự tin hơn, cởi mở hơn, giàu đức tin hơn và chín chắn hơn trong cách ứng xử với tất cả mọi loại người.
Giờ đây nghĩ lại, tôi thấy đúng là ban đầu tôi đã đương đầu với sự bắt nạt không được tốt lắm. Trong những năm đầu ở trường phổ thông, tôi quả thực đã chán nản, thậm chí đã muốn tự tử. Nhưng theo thời gian, với sự giúp đỡ của những người yêu thương tôi trong đó có gia đình tôi, Đức Chúa Trời, và Chúa Jesus, tôi đã học để sử dụng sự bắt nạt thay vì cho phép những kẻ bắt nạt sử dụng tôi.
Chịu nhiều tổn thương về tinh thần và cảm xúc từ những kẻ bắt nạt, tôi học được cách rèn cho mình trở nên mạnh mẽ hơn sau mỗi lần bị bắt nạt. Tất nhiên đã có lúc tôi cảm thấy bối rối và sợ hãi, nhưng không ai sống trên đời lại không có đôi lần trải qua những cảm giác đó. Mỗi lần bị như vậy tôi lại học được một điều gì đó về cuộc sống, về người khác, về bản thân mình. Những phần thưởng xứng đáng luôn dành cho những người biết vươn lên từ nghịch cảnh, bạn có nghĩ như vậy không?
Tôi dám chắc rằng phải có người nào đó đi qua những năm của tuổi mới lớn mà không cảm thấy bất an, ngượng ngùng, cô đơn, lúng túng, hoặc không hoàn hảo, nhưng tôi chưa từng gặp một người như vậy, còn bạn thì sao?
Không tuyệt vời sao, khi chúng ta đứng dậy sau khi bị đánh ngã
Và không tuyệt vời sao, khi chúng ta đứng dậy sau khi bị đánh ngã, giành chiến thắng sau khi đã nếm trải thất bại, học được những bài học từ những sai lầm của chính mình, thấy được một điểm yếu của mình và nỗ lực khắc phục nó để bản thân trở nên mạnh mẽ hơn?
Hãy nghĩ xem: Chẳng phải rất nhiều anh hùng vĩ đại nhất trong những cuốn sách, những bộ phim và những bài hát, đã gục ngã trước những kẻ bắt nạt hoặc những hoàn cảnh khó khăn để rồi sau đó đứng dậy và trở nên mạnh mẽ hơn đấy sao?
Trong một sự việc bất ngờ xảy ra ở trường tiểu học, tôi đã bị khiêu khích đến mức lao vào một cuộc ẩu đả và tôi đã rất, rất may mắn không bị thương. Trong một trải nghiệm khác ở trường trung học tôi cũng lại may mắn: khi tôi đương đầu với Andrew, cậu ta đã dừng lại vì sửng sốt hoặc bởi vì cậu ta không biết những lời cậu ta nói đã gây tổn thương cho tôi đến mức nào.
Và trong lần gần đây nhất, gã đàn ông say xỉn tại khách sạn chỉ hành động một cách ngớ ngẩn, chứ không định làm hại tôi.
Tôi rất dễ bị tổn thương và tôi biết rằng mình thật may đã tránh được những tổn thương về thể xác. Tôi hy vọng rằng bạn không bao giờ phải đối mặt với một kẻ bắt nạt muốn tấn công bạn, nhưng tôi khuyến khích bạn rút ra những bài học bổ ích từ mỗi thách thức mà bạn gặp phải trên đường đời để trưởng thành hơn.
KINH THÁNH
Dù chúng ta có bị bắt nạt bởi những người ở tuổi mới lớn xấu tính hay bởi chính cuộc sống hay không, tất cả chúng ta đều bị thử thách trong suốt cuộc đời. Bạn và tôi có thể chọn bị đánh gục bởi những thách thức hoặc chọn vượt lên những thách thức và nắm bắt cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần, cảm xúc, thể chất và tâm hồn.
Đoạn James 1:2-4 trong Kinh Thánh nói: “Hỡi những người anh em, khi anh em gặp những trở ngại trăm chiều, hãy nên biết rằng sự thử thách niềm tin của anh em sẽ tạo ra cho anh em tính kiên định. Và hãy để tính kiên định phát huy đầy đủ tác dụng của nó, như vậy anh em có thể trở nên hoàn hảo, hoàn thiện, không thiếu gì cả.”
Đoạn Kinh Thánh này luôn khiến tôi nghĩ đến cha mẹ mình, những người đã sẵn sàng đón niềm vui có đứa con trai đầu lòng của mình chào đời để rồi lại phải đương đầu với cú sốc lớn khi biết rằng tôi sinh ra trên đời này không có chân, không có tay.
Cha mẹ thường kể cho tôi nghe về khoảnh khắc họ biết sự thật nghiệt ngã đó tại bệnh viện, và nhiều nỗi sợ hãi, lo lắng đã khiến họ bị sốc và đau khổ thay vì vui mừng, nhưng tôi chưa bao giờ biết được một cách đầy đủ cha mẹ mình đã cảm thấy như thế nào cho đến sau khi con trai tôi chào đời.
Bạn có thể tưởng tượng được tôi hạnh phúc như thế nào khi tôi cho bố mẹ tôi thấy con trai tôi, bé Kiyoshi, lần đầu tiên và chứng kiến niềm vui ngời lên trong ánh mắt của họ không? Từ giây phút đó, tôi ngẫm nghĩ, và tôi chắc chắn bố mẹ tôi cũng vậy, về chặng đường dài mà chúng tôi đã đồng hành. Ban đầu cha mẹ tôi có rất ít hy vọng rằng tôi có thể sống được quá vài năm, nhưng ngay cả khi tôi chứng tỏ mình là một đứa trẻ kiên cường họ vẫn phải vật lộn với sự hoài nghi về cuộc sống đang đợi đứa con không chân, không tay của họ ở phía trước.
Khi tôi kết thúc giai đoạn ở trong nôi và thực sự phấn khích và  đầy năng lượng như một quả bóng bằng người trong trò chơi nảy bóng, cha mẹ tôi cầu nguyện để xin sức mạnh, sự sáng suốt và lòng can đảm. Mẹ tôi là một y tá, nhưng cả mẹ lẫn cha tôi đều không thể tìm được bất cứ một bậc cha mẹ nào đã nuôi một đứa con giống như tôi. Vậy là cha mẹ phải nuôi tôi trong niềm hy vọng rằng họ sẽ thành công mặc dù không được chuẩn bị gì cho
hoàn cảnh đó.
Tôi cũng vậy. Khi tôi rời khỏi “cái kén” của gia đình và cắp sách tới trường, lần đầu tiên tôi phải đương đầu với những cảm giác mình là người khác biệt, không bình thường, bị từ chối và bị bắt nạt. Điều đó gây đau đớn. Nhiều đêm tôi nằm trên giường cầu nguyện rằng sáng hôm sau thức dậy tôi sẽ có chân tay. Tôi cầu xin Chúa điều đó.
Tôi vẫn chờ đợi phép màu của mình. Có thể bạn cũng đang chờ đợi phép màu của bạn. Có thể bạn đang đương đầu với một hoặc nhiều kẻ bắt nạt, những kẻ làm cho cuộc sống của bạn trở nên khổ sở. Hoặc có lẽ ai đó đang đẩy bạn ngã, cướp đi tất cả niềm vui trong cuộc sống của bạn, khiến bạn tự hỏi liệu có bao giờ mình được thấy những ngày tốt đẹp hơn hay không.
Có thể bạn cảm thấy mình đơn độc, nhưng không phải vậy. Dù bạn đang ở tuổi mới lớn hay là người trưởng thành, những hoàn cảnh và những người nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta có thể tấn công tất cả chúng ta. Có thể bạn cảm thấy chuyện tồi tệ xảy ra với mình sẽ không bao giờ chấm dứt. Bạn không thể thấy một lối thoát nào. Nhưng chừng nào bạn không để cho những cảm xúc đen tối nhất điều khiển mình, thì chừng đó vẫn còn có cách.
Có thể bạn cảm thấy mình đơn độc, nhưng không phải vậy
Khi tôi ở tuổi mới lớn, nhiều lúc tôi cảm thấy tinh thần xuống dốc đến nỗi tôi không đến trường bởi vì tôi không muốn đương đầu với những cái nhìn chằm chằm, những hành động tàn nhẫn, sự xa lánh hoặc sự phỏng đoán rằng chỉ vì tôi trông khác biệt so với mọi người nên tôi thấp kém, ngu ngốc hoặc không có giá trị.
Những lần khác tôi cảm thấy buồn phiền và tức giận bởi vì tôi không thể thay đổi một thực tế rằng mình không có chân, không có tay, hoặc oán trách bất cứ ai vì điều đó. Xét trên nhiều phương diện, tôi cảm thấy mình bị Chúa Trời bắt nạt. Tôi đã không hiểu nổi nếu Chúa yêu tôi thì tại sao Người lại tạo ra tôi khác biệt so với mọi người đến thế? Tại sao Người không muốn tôi chạy nhảy, ném bóng, cưỡi xe đạp như những đứa trẻ khác? Trong tất cả những học sinh ở trường chỉ có tôi là đứa dị biệt. Tôi cảm thấy mình như một gánh nặng đối với cha mẹ và các em, với các thầy cô và các bạn học.
Như bạn biết đấy, đã có những lúc sự tuyệt vọng và trầm cảm đẩy tôi đến ý định tự tử khi tôi còn rất nhỏ, nhưng may mắn thay tôi đã không làm chuyện dại dột đó.
Tôi đã phải thường xuyên đấu tranh với sự thiếu tự tin và những nỗi sợ hãi. Ở cái tuổi đó, tôi bị những kẻ bắt nạt giày vò và điều đó là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi tôi vượt qua được những nỗi bất an, chông chênh của tuổi mới lớn, cuối cùng tôi cũng hiểu ra rằng Chúa không bắt nạt tôi. Người đã không phạm một sai lầm mang tên Nick Vujicic. Thay vì thế, Chúa đã tạo ra một con người mang những khuyết tật, những khuyết tật mà thực ra lại là những quà tặng được ngụy trang – một con người có những thách thức mà hóa ra lại là những nguồn sức mạnh. Chúa  đã làm công việc của Người bằng những cách đáng kinh ngạc.
Kinh Thánh nói rằng, Đức Chúa sử dụng những điều ngu ngốc của thế giới này để làm bối rối những người khôn ngoan.
Nghe có vẻ lạ, nhưng đúng là sự khuyết thiếu chân tay vừa khiến tôi mất khả năng lại vừa khiến tôi có khả năng. Hãy nghĩ về điều này: Sự khuyết thiếu chân tay đã buộc tôi phải trải qua những thử thách và tạo ra một cuộc sống mà giờ đây dẫn tôi đến với bạn! Tôi hy vọng bạn nghĩ đó là một điều tốt. Dĩ nhiên tôi nghĩ đó là một điều tốt.
Những kẻ bắt nạt trong cuộc đời tôi không có ý định làm cho tôi trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng thực tế chúng đã làm cho tôi trở nên mạnh mẽ hơn, và tôi hy vọng rằng những kẻ bắt nạt bạn cũng sẽ làm cho bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Chúa ban cho tôi niềm đam mê chia sẻ câu chuyện của mình cùng những trải nghiệm. Tôi tin rằng đó là bởi Người muốn tôi giúp bạn và những người khác đương đầu với bất kỳ thách thức nào mà bạn đang gặp phải. Hãy để Chúa biến những kẻ bắt nạt bạn thành những cơ hội để tăng cường sự mạnh mẽ và trưởng thành.
Tôi có được sự bình yên tuyệt đối, biết rằng Chúa sẽ không để bất cứ điều gì xảy ra với chúng ta nếu Người không có một mục đích tốt đẹp dành cho nó. Ở tuổi mười lăm, tôi đã toàn tâm toàn ý dâng cuộc đời mình cho Chúa Jesus sau khi tôi đọc đoạn Kinh John 9, trong đó, Chúa Jesus giải thích rằng Người cho phép một người đàn ông bị mù bẩm sinh “để công việc của Đức Chúa có thể được hiển lộ qua cuộc đời của ông ta.”
Ban đầu tôi đã nghĩ như thế có nghĩa rằng Chúa sẽ ban cho tôi chân tay để tôi có thể trở thành sự minh chứng tuyệt vời về sức mạnh vô biên của Chúa. Về sau tôi được ban cho trí khôn để hiểu rằng nếu chúng ta nguyện cầu cho điều gì đó và nếu đó là ý Chúa, thì phép màu của chúng ta sẽ xảy ra vào lúc Chúa cho phép. Nếu ý Chúa không cho phép điều chúng ta nguyện cầu xảy ra thì tôi biết rằng Người có điều gì đó tốt đẹp hơn để dành sẵn cho chúng ta. Tôi cảm thấy Chúa sử dụng chúng ta theo các cách độc đáo, chỉ thuộc về những câu chuyện và những thách thức mà chúng ta đã vượt qua. Vậy nên, nhờ mỗi kẻ bắt nạt, mỗi sự tổn thương, mỗi một thách thức mà bạn đã vượt qua, cuộc sống của bạn phát triển phong phú hơn và tâm hồn của bạn trở nên mạnh mẽ hơn!
Đoạn Philippians 4:13 trong Kinh Thánh nói: “Tôi có thể làm mọi việc qua Đức Chúa, người làm cho tôi mạnh thêm.” Chúa có một mục đích lớn hơn bất cứ điều gì bạn có thể tưởng tượng dành cho bạn. Bây giờ, bạn hãy thử tưởng tượng rằng Chúa có thể biến những trải nghiệm bắt nạt của bạn thành một món quà với những lợi ích suốt đời.
LỜI HAY LẼ PHẢI
Niềm tin rằng nghịch cảnh có thể làm chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn đã tồn tại từ lâu. Đây chỉ là một số câu danh ngôn của những nhà triết học, các nhà lãnh đạo, những người anh hùng, những người đàn ông và những người phụ nữ thông thái khác mà tôi tìm được:
Bạn không phát triển được lòng can đảm bằng cách sống hạnh phúc hằng ngày trong các mối quan hệ. Bạn phát triển lòng can đảm từ việc sống sót qua những lúc khó khăn và những nghịch cảnh đầy thách thức.
– Epicurus, một nhà triết học Hy Lạp sinh năm 341 trước Công Nguyên Tất cả những nghịch cảnh mà tôi gặp trong cuộc đời mình, tất cả những khó khăn, trở ngại, đều làm cho tôi trở nên mạnh mẽ…
Bạn có thể không hiểu ra điều ấy khi thách thức xảy ra, nhưng một điều không hay có thể lại là điều tốt nhất trên thế giới dành cho bạn.
– Walt Disney, người đã bị phá sản, nhân vật hoạt hình đầu tiên của ông bị ăn cắp trước khi ông sáng tạo ra nhân vật chuột Mickey, thiên đường giải trí Disneyland và Disney World.
Sự an nhàn sung túc và thịnh vượng chưa bao giờ có thể làm giàu cho thế giới nhiều bằng nghịch cảnh.
– Mục sư Billy Graham, một trong những người anh hùng của tôi và là một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất của mọi thời đại.
Ở đâu không có đấu tranh thì ở đó không có sức mạnh.
– Oprah Winfrey, người đã bị bắt nạt và lạm dụng khi còn bé trước khi trở thành một ngôi sao truyền thông và một tỉ phú.
Hầu hết những đoạn viết về sự ngợi ca trong Lời Chúa đều được bày tỏ bởi những con người đã đối mặt với những nỗi đau chí mạng, sự bất công, sự bội bạc, sự vu khống, và những vết cứa của những hoàn cảnh khó khăn khác.
– Joni Eareckson Tada, một trong những cố vấn tinh thần của tôi, người đã trở thành một nhà truyền giáo toàn cầu và là tác giả của sách bán chạy sau khi bị liệt ở tuổi mới lớn.
Khi nghịch cảnh ập đến, đó là khi bạn phải bình tĩnh nhất. Hãy bước lùi một bước, duy trì sự mạnh mẽ, vững chắc rồi hãy tiến lên phía trước.
– LL Cool J, người mà khi còn nhỏ đã bị bắt nạt và rồi chính mình lại trở thành kẻ bắt nạt trước khi đổi hướng cuộc đời trở thành một ca sĩ nhạc rap, diễn viên, doanh nhân thành đạt.
Tôi có thể tặng bạn nhiều câu chuyện chứng minh về việc sử dụng những kẻ bắt nạt và những thách thức khác thành sự thúc đẩy và nguồn cảm hứng để tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng tôi nghĩ bạn đã hiểu những gì tôi muốn nói. Nếu bạn vẫn còn hoài nghi, thì tôi có thêm một bằng chứng nữa cho thấy những kẻ bắt nạt, những kẻ muốn biến bạn thành thảm chùi chân của chúng lại có thể trở thành những tảng đá lót đường cho bạn.
MỘT NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Dường như hiển nhiên những kẻ bắt nạt chúng ta là kẻ thù củachúng ta, nhưng tờ New York Times và các nguồn đáng tin cậy khác cho biết các nhà tâm lý học đã tìm ra bằng chứng cho thấy rằng vô tình những kẻ đó cũng có thể giúp ích cho bạn lâu dài như những người bạn. Nếu kết luận đó quá khó “nuốt”, thì có lẽ chúng ta chỉ nên gọi những kẻ bắt nạt là bạn thù chăng?(1)
(1) Ở đây tác giả dùng từ “frenemy”, một kiểu chơi chữ kết hợp giữa từ “friend” (bạn) và từ “enemy” (kẻ thù).
Nhiều người nói rằng những kẻ bắt nạt đã mang đến cho họ sự thúc đẩy để họ cố gắng phấn đấu hơn, trở thành con người tốt hơn, để chứng minh giá trị của bản thân mình
Một lời nhận xét không liên quan đến khoa học nghe có vẻ hợp lý là, trong khi hầu hết mọi người ở một mức độ nào đó đều trải nghiệm sự bắt nạt trong đời mình, họ xoay xở để sống sót và vượt qua nó. Quả thực nhiều người nói rằng những kẻ bắt nạt đã mang đến cho họ sự thúc đẩy để họ cố gắng phấn đấu hơn, trở thành con người tốt hơn, để chứng minh giá trị của bản thân mình.
Maurissa Abecassis, một nhà tâm lý học tại một trường đại học ở New Hampshire đã phát biểu trên tờ New York Times: “Tình bạn tạo ra một bối cảnh trong đó trẻ em phát triển, nhưng tất nhiên những mối quan hệ tiêu cực của những người đồng trang lứa cũng vậy. Chúng ta nên nghĩ rằng dù khác nhau, cả hai loại quan hệ này đều mang đến những cơ hội cho sự trưởng thành.”
Là một người khi còn nhỏ từng bị thúc đẩy đến chỗ đã nghĩ đến việc tự tử, tôi chắc chắn không có ý muốn nói chúng ta không nên coi chuyện bắt nạt là vấn đề nghiêm trọng, hoặc dù thế nào nó cũng là chuyện có thể chấp nhận được hoặc là điều tốt đáng để xảy ra với bạn. Nhưng trong suốt cuốn sách này tôi đã nói với bạn rằng rốt cục thì việc những gì kẻ bắt nạt làm gì với bạn không quan trọng bằng bạn chọn phản ứng trước sự bắt nạt như thế nào. Đó cũng là những gì nghiên cứu này đề cập đến.
Theo một nghiên cứu khác, một kẻ bắt nạt ở trường học, kẻ quấy rầy nhiều đứa trẻ, thực ra lại có thể giúp những đứa trẻ gắn kết với nhau trong nỗi sợ hãi hoặc căm ghét chung, và điều đó có thể nâng cao lòng tự trọng và sự tự tin của chúng. Một bài báo của tác giả Benedict Carey đăng trên tờ New York Times vào tháng 5 năm 2010 cho biết một loạt các thí nghiệm do các nhà tâm lý học tại UCLA (Đại học California, Los Angeles) tiến hành đã phát hiện ra rằng những em gái ở bậc học trung học cơ sở “trao đổi những điều mình ghét với bạn học cùng lớp” thường đạt điểm cao trong các bảng xếp hạng năng lực xã hội hơn những người cùng trang lứa giữ thái độ trung lập. Nói một cách đơn giản hơn, những bạn gái xấu chơi trong lớp của bạn có thể truyền cảm hứng để bạn kết bạn với những nạn nhân khác và trong quá trình đó phát triển những kỹ năng về con người.
Một lợi ích khác của việc bị bắt nạt khi bạn ở tuổi mới lớn là nó giúp bạn chuẩn bị cho việc đương đầu với những kẻ bất lương, lừa lọc và ti tiện khi bạn trưởng thành. Những kẻ đó tồn tại trong cuộc sống và bạn phải học để nhận diện chúng một cách nhanh chóng, tránh xa chúng, hoặc chí ít hạn chế tối đa việc giao tiếp với chúng.
Tôi đã sống một cuộc sống với sự che chở và bảo vệ khi tôi lớn lên trong một gia đình Cơ Đốc giáo. Khi tôi ứng xử với mọi người, bản năng của tôi là luôn mang đến cho họ lợi ích của sự hoài nghi, điều mà tôi vẫn nghĩ là một sự tiếp cận lành mạnh. Mặc dù vậy, ở tuổi mới lớn, tôi thường quá tin người. Nếu ai đó lợi dụng tôi hoặc lừa dối tôi hoặc nói một đằng làm một nẻo, thì tôi có xu hướng nghĩ rằng chắc hẳn phải có sự hiểu lầm hoặc lỗi là ở phía tôi. Cuối cùng tôi hiểu ra rằng những người đó cũng là những kẻ bắt nạt. Họ ngược đãi tôi bằng cách làm hao mòn bản chất tin người của tôi. Qua thời gian tôi đã biết chú ý đến sự mách bảo của bản năng về những người có động cơ đáng nghi ngờ.
Nhiều kẻ bắt nạt giả vờ là bạn của bạn ở ngoài đời hoặc trên Internet. Có thể chúng tỏ ra tốt bụng và thân thiện để quyến rũ bạn nhưng sau đó chúng nói xấu sau lưng bạn, cố lôi kéo người khác chống lại bạn, hoặc đột ngột chấm dứt quan hệ với bạn sau khi chúng đã lợi dụng bạn. Các nhà tâm lý học nói rằng những người ở tuổi mới lớn trải nghiệm kiểu bắt nạt này thường rút ra được những bài học và khi trưởng thành trở nên cảnh giác hơn, ít có khả năng bị biến thành nạn nhân khi mà rủi ro về mặt xã hội và tài chính có thể cao hơn nhiều.
Như đã nói, tôi không nghĩ có ai lại tin rằng sự bắt nạt là một điều tốt và nếu chúng ta có thể tiệt trừ nạn bắt nạt khỏi hành tinh thì tôi chắn chắn rằng thế giới sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Quan điểm của tôi trong việc xem xét những cơ hội để thu được lợi ích từ sự bắt nạt là giúp bạn học hỏi và phát triển từ những trải nghiệm tiêu cực, bằng không thì bị bắt nạt chỉ đơn thuần là những trải nghiệm tiêu cực. Nhiều bạn ở tuổi mới lớn đã nói chuyện hoặc viết thư cho tôi tâm sự rằng họ đã từng rơi vào trường hợp đó. (Việc bị bắt nạt với họ chỉ là một trải nghiệm tiêu cực mà thôi, họ không nhìn thấy những cơ hội để học hỏi và phát triển từ trải nghiệm đó).
SỬ DỤNG KẺ BẮT NẠT ÐỂ HOÀN THIỆN BẢN THÂN
Một cậu bé mười sáu tuổi tên là Peter đã viết thư cho tôi kể rằng từ khi cậu học lớp bảy, cậu đã trở thành nạn nhân của những kẻ bắt nạt học cùng lớp với cậu, chúng thường nói những điều không hay về cậu, thường xuyên đem cậu ra làm trò cười. Khó tránh khỏi một thực tế rằng cậu nhút nhát đến nỗi cậu gặp khó khăn trong việc kết bạn với các bạn gái.
“Em luôn là một học sinh thông minh và đứng đầu lớp cho đến khi em học lớp 9. Và bọn chúng cũng bắt nạt em vì em thông minh, chăm học và có những điều thú vị trong học tập và vì em biết nhiều. Em trở nên buồn phiền đến mức em nghĩ em nên ngồi một mình ở nhà và không bao giờ ra ngoài nữa.”
Ban đầu, Peter đã để cho những kẻ bắt nạt đẩy mình vào tình trạng tồi tệ. “Em bắt đầu tin rằng em không đủ tốt, rằng em không thể là một chàng trai tuyệt vời như mọi người mong muốn, rằng những người khác không ưa em,” cậu viết. “Cuộc đời em có ý nghĩa gì nếu những người khác không ưa em?”
Ban đầu Peter đã để cho những nỗi lo lắng đó giày vò cậu. Cậu sử dụng cách ứng xử “ăn miếng trả miếng” và “bắt đầu ghét người khác và nghĩ rằng mình luôn đúng, rằng người khác tồi và em bắt đầu phớt lờ họ hoặc ước họ không bao giờ tồn tại trong cuộc sống của em nữa.”
Peter cho biết cách đó chẳng giúp ích gì cho cậu. “Trong hai đến ba năm tiếp theo em sống theo cùng một phong cách khép mình, cô đơn, không có ai để trò chuyện hoặc chia sẻ câu chuyện của em. Thỉnh thoảng tinh thần của em xuống dốc đến mức em đã tính đến chuyện tự tử.”
Tôi đã đọc ở đâu đó rằng nhiều kẻ bắt nạt đã từng là nạn nhân của sự bắt nạn và đó chính là trường hợp của Peter. Cậu nghĩ rằng nếu cậu không thể đánh bại những kẻ bắt nạt mình, thì cậu sẽ gia nhập thế giới của những kẻ bắt nạt. “Em bắt đầu làm tất cả những gì chúng làm: trêu chọc, bắt nạt, bỏ bê học hành, cư xử tồi tệ ở trường, chửi thề, không tôn trọng mọi người,” cậu viết.
Khi tôi bị bắt nạt, tôi không bao giờ hình dung ra người khác cũng đang phải đương đầu với những vấn đề tương tự. Peter cũng vậy. Cậu cảm thấy đơn độc. Cậu không nghĩ trên đời này có bất kỳ ai khác hiểu được cảm giác của cậu. Sau đó cậu gặp một cô bé, người đã mở lòng với cậu, tâm sự với cậu về nỗi phiền muộn và cảm giác bị cô lập của cô. Sự tin cậy của cô đã khiến Peter cảm thấy mình là người đáng tin cậy.
Nhiều kẻ bắt nạt đã từng là nạn nhân của sự bắt nạt
Họ bắt đầu một tình bạn. Thoạt đầu những nỗi bất an của Peter cản trở điều đó nhưng cô bé đó đã tìm đến với cậu, thể hiện sự quan tâm dành cho cậu.
“Đó là lúc hành trình tái sinh của em bắt đầu,” cậu viết. “Từ đó em bắt đầu hiểu ra rằng nếu em có thể làm cho một cô gái mỉm cười chỉ bằng vài lời nói, thì em có thể làm bất cứ điều gì trong đời. Vậy nên em bắt đầu là chính em, bắt đầu trò chuyện với Chúa nhiều hơn và trong vòng vài tháng em hiểu ra rằng tình yêu là động lực của thế giới.” Peter nhớ lại điều mà cậu đã nghe tôi nói trong một video: “Đừng bao giờ đánh mất niềm tin ở Chúa. Bạn không nhìn thấy Chúa, không có nghĩa là Chúa không tồn tại.”
Cậu đã viết rằng cuộc đời của cậu đã thay đổi một cách căn bản kể từ khi cậu ngừng cố gắng để giống những kẻ bắt nạt cậu và thay vì thế, cậu sử dụng những gì đã học được từ trải nghiệm tiêu cực để tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân
“Em tự hào về bản thân mình, về những gì là chính em, những gì em đạt được và những việc tốt mà em đã làm trên đời này. Giờ đây em cởi mở hơn. Em không nhút nhát như trước kia nữa. Em có thể nói chuyện với bất kỳ ai một cách thoải mái. Em có thể hiểu, tha thứ và yêu quý bất cứ ai và tất cả mọi người,” cậu viết.
Khi cậu mở lòng với người khác, Peter nhận thấy mọi người đáp lại cậu, ngay cả những người đã từng bắt nạt cậu cũng đã trở thành bạn của cậu.
“Những người mà vào lúc một nào đó thực sự ghét em giờ đây lại yêu mến em bởi vì em đã thay đổi và em cũng có thể yêu quý họ.
Chúa cũng đã tặng cho em những người bạn tuyệt vời, những người chấp nhận con người vốn có của em và không quan tâm em trông ra sao hoặc em có thể làm gì và không thể làm gì,” cậu viết. “Giờ đây, em biết rằng em đẹp đẽ, rằng em đặc biệt, em có một mục đích trên đời này và em sẽ không bao giờ đầu hàng.”
Phản ứng ban đầu của Peter đối với sự bắt nạt là tin vào những điều tiêu cực. Cậu đã để cho những kẻ bắt nạt đẩy cậu vào hoàn cảnh tồi tệ và chính cậu đã trở thành một kẻ bắt nạt. Chuyện đó cũng thường xảy ra. Có sự lựa chọn khác, con đường khác mà bạn có thể chọn và nhờ có cô bé đó, người đã kết bạn với Peter, cậu đã tìm ra con đường ấy. Cậu đã loại bỏ sự tự nhận thức bản thân theo hướng tiêu cực mà sự bắt nạt đã tạo ra cho cậu. Cậu đã hiểu ra rằng mình là đứa con của Chúa và vì thế xứng đáng với sự yêu mến. Đó dường như là một điều đơn giản, nhưng bạn hãy nhìn vào kết quả mà xem. Peter giờ đây không còn cô đơn nữa.
Cậu đã tìm được một người bạn gái. Những người đã từng bắt nạt cậu giờ đây trở thành bạn của cậu. Cậu viết rằng vài người trong số họ thậm chí đến với cậu để chia sẻ những điều lo lắng và bất an của chính họ bởi vì cậu đã trưởng thành hơn rất nhiều trong mắt họ.
Tôi tin rằng điều tốt đẹp tương tự cũng có thể đến với bạn. Đừng để một kẻ bắt nạt biến bạn thành nạn nhân. Thay vì thế, hãy lựa chọn biến điều tiêu cực thành điều tích cực. Hãy từ chối kẻ bắt nạt và chấp nhận tình yêu của Chúa. Hãy sử dụng sức mạnh của Người để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hãy cùng Peter và tôi nói: “Tôi từ chối để một kẻ bắt nạt làm cho cuộc sống của tôi trở nên tồi tệ hơn. Thay vì thế tôi sẽ sử dụng trải nghiệm này để làm cho cuộc sống của tôi trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết!”
Lưu ý của Nick cho chương 9:
– Có những cách để khai thác lợi ích từ mọi trải nghiệm tiêu cực, thậm chí sự bắt nạt, dù bạn tin hay không. Vậy nên khi bạn đương đầu với một thách thức, bạn hãy nhắc nhở bản thân mình tập trung vào những gì bạn có thể học được từ thách thức để làm cho mình trở nên mạnh mẽ hơn.
– Khi bạn đương đầu với một kẻ bắt nạt hoặc những trải nghiêm tiêu cực khác, bạn hãy nhớ đoạn Kinh James 1:2-4: “Hỡi những người anh em, khi anh em gặp những trở ngại trăm chiều, hãy nên biết rằng sự thử thách niềm tin của anh em sẽ tạo ra cho anh em tính kiên định. Và hãy để tính kiên định phát huy đầy đủ tác dụng của nó, như vậy anh em có thể trở nên hoàn hảo, hoàn thiện, không thiếu gì cả


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.