Đừng Đợi Đến Khi Tốt Nghiệp Đại Học
11. Đọc sách như thế nào?
– N. Crupxcaia
Câu hỏi “Đọc sách như thế nào?” có thể cụ thể hóa thành rất nhiều câu hỏi nhỏ hơn.
1. Một năm nên đọc bao nhiêu cuốn sách?
Ở Việt Nam, văn hóa đọc dường như vẫn chỉ ở giai đoạn đang phát triển và chưa được quan tâm nhiều. Tùy theo lứa tuổi, thời gian và sở thích của mỗi người, mỗi năm các bạn trẻ nên dung nạp khoảng 20 – 30 cuốn sách và tạp chí các loại mới đạt yêu cầu. Tất nhiên, không nên theo đuổi số lượng mà bỏ qua chất lượng.
2. Làm sao để chọn được sách hay theo đúng sở thích của mình?
Nhiều bạn sinh viên chỉ mong được ai đó giới thiệu cho những cuốn sách hấp dẫn. Như vậy là khá bị động vì những cuốn người khác cho là thú vị thì chưa chắc đã thú vị với bạn. Vì thế chỉ nên coi ý kiến của họ là tham khảo.
Bạn nên dành thời gian để chọn sách một cách kỹ lưỡng, vì trong thời đại thông tin tràn lan như hiện nay, tìm được một cuốn sách chất lượng là không hề dễ dàng. Bạn không nên chọn sách chỉ dựa trên các tiêu chí như tên hay, bìa đẹp mà phải kiểm định giá trị nội dung bên trong. Bạn có thể đến các nhà sách chọn lựa, lên các diễn đàn của các tín đồ đọc sách để tham khảo và có quyết định của riêng mình.
3. Tôi không có đủ thời gian để đọc sách.
Đối với những người không yêu sách, họ luôn có thừa thời gian để chơi điện tử, đá bóng, shopping, nhưng khi cầm một cuốn sách trên tay, họ luôn nghĩ rằng mình không đủ thời gian để tỉ mẩn đọc hết từng trang. Những việc chúng ta thích làm thì chúng ta sẵn sàng hy sinh nhiều thời gian hơn mà không thấy phí phạm.
Nếu như bồi dưỡng được thói quen đọc sách, nó sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn, bạn sẽ thấy việc đọc sách có thể tranh thủ bất cứ lúc nào.
Khi đi làm rồi, tôi vẫn giữ thói quen mang sách theo mỗi khi đi công tác. Đầu giường ngủ của tôi lúc nào cũng để sẵn sách, tủ sách trong phòng cũng ngày một đầy lên. Nếu như môi trường sống của bạn tràn ngập sách, một ngày nào đó bạn cũng sẽ yêu sách.
4. Đọc một cuốn sách cần bao nhiêu thời gian? Đọc nhanh tốt hay đọc kỹ tốt?
Đọc nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào mức độ “dinh dưỡng” cuốn sách mà bạn đọc. Nếu đọc phải những cuốn sách dài dòng, tẻ nhạt, chúng ta có thể đọc lướt qua, tổng kết những đặc điểm đã khiến cuốn sách đó trở thành “thảm họa”. Điều đó có lợi cho khả năng phân tích và đánh giá của bạn, sau này sẽ trở thành kinh nghiệm quý báu để bạn chọn sách.
Với những loại sách uyên thâm, sâu sắc, chúng ta phải tốn thời giờ để “tiêu hóa” hơn, có thể mất 1 – 2 tháng, thậm chí cả năm trời. Kể cả các giáo sư cũng không dám tuyên bố mình có thể đọc Toán học cao cấp hay Triết học đại cương trong một vài ngày được. Khi đọc tiểu thuyết văn học hay các tác phẩm dài hơi về lịch sử nghệ thuật mà không có nhiều thời gian, các bạn có thể sắp xếp thời gian để đọc những phần hay nhất, hoặc phần mình quan tâm nhất trước.
5. Tìm kiếm những niềm vui khác khi đọc sách.
Quá trình đọc sách không chỉ mang lại cho bạn kiến thức mà còn đem lại nhiều giá trị tinh thần, mở ra các mối quan hệ xã hội như:
- Giới thiệu sách hay cho bạn bè.
- Viết lời bình cho những cuốn sách yêu thích và chia sẻ cùng tác giả qua thư từ hay qua các buổi gặp mặt trực tiếp.
- Tặng sách cho người thân hoặc những người mới quen biết. Điều này sẽ để lại ấn tượng rất tốt.
- Nếu có kiến thức chuyên sâu về một thể loại sách nào đó, bạn nên mạnh dạn ứng tuyển làm cộng tác viên cho các nhà xuất bản. Điều này sẽ giúp bạn vừa tăng được thu nhập, vừa có cơ hội để luyện tập, trau dồi khả năng tư duy và văn phong của mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.