Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Chương 1. Cha mẹ thông minh nuôi dạy con một cách từ tốn



Phẩm chất lớn nhất phải có của những bậc cha mẹ muốn nuôi con tốt là đủ hiểu biết để chờ đợi mà không vội vã. Tokugawa Ieyasu, vị Tướng quân đầu tiên của Nhật Bản đã nói: “Cuộc đời con người giống như việc cõng hành trang nặng trĩu và đi bộ trên con đường dài, tuyệt đối không được vội vàng.”

Đứa trẻ như thế nào thì tương lai sẽ thành công?

Công việc hằng ngày của tôi là gặp gỡ hơn hai mươi đứa trẻ cùng với mẹ của chúng.

Cả ngày đối diện với những người luôn than thở mệt mỏi và gặp tổn thương về mặt tinh thần như thế không phải là việc dễ chịu. Nếu tìm được cách giúp đỡ và nhìn thấy họ hồi phục, tôi rất vui và cảm thấy mình có ích. Tuy nhiên, cũng có những lúc tôi thấy mình thật kém cỏi trong công việc này.

Mỗi khi nhìn thấy khoảnh khắc cười rạng rỡ của hai đứa con trai, mọi mệt mỏi trong tôi đều tan biến một cách kỳ diệu. Mỗi lần như vậy, tôi lại thấy biết ơn các cậu bé của mình. Chắc hẳn các bà mẹ khác cũng cùng chung tâm tình này với tôi.

Thế nên, dù có hôm tôi về nhà muộn vì cuộc họp đột xuất thì ngay khi vừa tháo giày xong, việc đầu tiên tôi làm là để mắt đến bọn trẻ. Tôi cứ ngắm nhìn các con ngủ hồi lâu và tự hỏi những đứa bé này khi lớn lên sẽ thành người như thế nào. Và rồi tôi lại thấy lo lắng, không biết phải làm thế nào để nuôi dạy chúng cho tốt.

Liên quan đến vấn đề này, giáo sư xã hội học Jo Han Hye-jeong của Đại học Yeon-se dự đoán rằng trong tương lai, xã hội của chúng ta sẽ tiến tới một xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ chưa thể nói trước được. Vì vậy giáo sư cho rằng, kiểu suy nghĩ hiện nay “cứ học cho giỏi rồi vào một trường đại học tốt thì sẽ trở thành người tài giỏi, được xã hội công nhận” sẽ không còn phù hợp nữa.

Tôi cũng suy nghĩ một cách tích cực về việc xã hội tương lai sẽ dần tiến đến chỗ tiềm ẩn nhiều hiểm nguy và khó xác định như lời giáo sư Jo. Nếu so sánh với những thế hệ trước đây vốn dựa vào vài ba mối quan hệ họ hàng – đồng hương – đồng khóa thì dường như xã hội mà con cái chúng ta sẽ bước vào đúng thực là một thế giới rất thú vị. Một thế giới không có những khóa học cho nhân tài được định sẵn, một thế giới mà thước đo thành công phụ thuộc vào nỗ lực và ý chí của bản thân, chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy thật tuyệt vời.

Nhưng việc ý thức về tự do cá nhân ngày càng cao khiến người ta không thể không lo lắng rằng “nỗi bất an về sự tồn tại” có lớn dần lên hay không. Vì nỗi bất an ấy mà con người tìm đến sự nương tựa trong tôn giáo, hôn nhân và gia đình. Rất khó để tự tìm thấy ý nghĩa cho sự tồn tại từ chính bản thân mình nên người ta tìm kiếm điều đó từ bên ngoài.

Một số người cho rằng điều này giống như xiềng xích trói buộc cuộc sống và triệt tiêu ý thức tự do của con người nhưng nhận định này phần nào cho thấy, con người có bản tính muốn bị trói buộc bằng những lo lắng về sự tồn tại của bản thân.

Tuy nhiên, nếu con người cứ luôn phát triển năng lực để có thể làm những việc theo ý mình thì nỗi bất an ấy cũng ngày càng lớn hơn. Không thể nói hết nỗi lo khi con người đối diện với sự tự do không thể kiểm soát, kể cả gánh nặng khi phải chọn lựa và chịu trách nhiệm về mọi thứ. Lý do của những nỗi lo, gánh nặng này là vì người ta phải một mình tự tìm cách giải quyết mọi chuyện.

Trong sự biến đổi không ngừng của xã hội, việc chúng ta cần làm nhất cho con cái là gì? Khi xã hội đang ngày càng khó đoán trước, tự do cá nhân càng lớn và mức độ chọn lựa ngày càng phong phú thì điều cần nhất là “ý thức về cái tôi”. Ý thức về cái tôi chính là sự tự nhận biết mình là ai dựa trên sự tổng hợp của cảm giác nội tâm về cá nhân, về bản ngã và những nhận định, đánh giá bên ngoài. Điều này đòi hỏi khả năng tự chủ, không để bản ngã của mình chịu ảnh hưởng của môi trường bên ngoài. Người có được khả năng này dù ở một mình cũng không cảm thấy đơn độc, không những không xâm phạm đời tư của người khác mà còn trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc.

Hơn nữa, người ý thức cao về cái tôi biết nhìn nhận bản thân bằng con mắt khách quan. Họ có khả năng nhanh chóng tìm ra việc mà bản thân mong muốn. Dĩ nhiên cũng không có gì để bàn cãi khi cho rằng đây là con đường tắt của sự thành công trong xã hội tương lai.

Vì vậy, tôi muốn các con của mình lớn lên sẽ trở thành người có ý thức rõ ràng về cái tôi. Tuy nhiên, cái gọi là ý thức về cái tôi không phải là chuyện một sớm một chiều mà có thể đạt được. Nó không được tạo ra từ nền giáo dục ép buộc và lấy việc học thuộc lòng làm chính yếu. Cái tôi là điều trẻ nhận được một cách khó khăn và muộn màng thông qua cả một quá trình, bắt đầu từ giây phút được sinh ra, biết đến mẹ, biết đến thế giới qua người mẹ rồi bước ra va chạm với cuộc đời, vượt qua vô vàn thất bại và nản lòng.

Ý thức về cái tôi của trẻ nhỏ dần có được qua ký ức về những va chạm với cuộc sống, những lỗi lầm và bài học mà chúng rút ra. Trẻ nhìn lại chính mình và hình thành bản ngã qua việc nhận ra rằng “điều này là không được, đây không phải là cách hợp với mình”. Nói một cách dễ hiểu là, trẻ bị vấp ngã nhiều bao nhiêu thì ý thức về bản thân càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Tuy nhiên, hầu hết các bà mẹ chúng ta lại không cho trẻ cơ hội được thỏa thích trải nghiệm và thất bại mà chỉ thúc ép trẻ theo con đường an toàn duy nhất mà những người khác đang đi.

Điều đó đã gây nên những kết quả như hiện nay. Trẻ em phải học hành “trối chết” theo sự bắt buộc của cha mẹ và nhà trường để vào được đại học, rồi lại đau đầu về ý nghĩa sự tồn tại của bản thân và ý thức về bản ngã. Trước đó, mọi thứ thuộc về cá nhân của trẻ đều bị lấy đi và trẻ sống một cách thụ động, vậy thì đương nhiên trẻ sẽ loay hoay, luẩn quẩn khi phải tìm lại chính mình. Vào lúc phải nghiêm túc suy nghĩ và lo lắng về ý nghĩa thực sự của cuộc đời hay về phương hướng sống, trẻ lại vấp phải vấn đề mang tên “sự thiết lập ý thức về cái tôi” một cách muộn màng và trở nên lúng túng.

Đối với trẻ, chỉ cần tìm thấy đúng điều mình thích đã được xem là thành công một nửa. Nhưng để tìm được “đúng” thì cần thời gian lâu dài và thử nghiệm nhiều phương pháp. Cha mẹ không thể làm điều này thay trẻ, tuyệt đối không nóng vội và cũng đừng thúc ép trẻ.

Ngược lại, hãy nhìn nhận lại vấn đề nếu như trẻ quá tuân theo ý muốn của cha mẹ. Những trẻ mà sai gì làm đó, thiếu khả năng tự quyết khó có thể thích ứng được với xã hội. Điều này cũng có nghĩa là trẻ thiếu ý thức về cái tôi.

Những người có ý thức nổi trội về cái tôi sau này sẽ dễ dàng thành công. Vì vậy từ bây giờ, việc cha mẹ phải làm là không ngừng dành thời gian và kiên trì quan sát xem điều trẻ thực sự muốn là gì để việc xác lập ý thức về cái tôi của trẻ không trở nên muộn màng hơn nữa vì bất cứ lý do gì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.