Đừng Ép Con “Khôn” Sớm
Chương 3. Mỗi đứa trẻ một cách học
Không có phương pháp học tập nào thích hợp cho mọi đứa trẻ. Nói đúng hơn là có bao nhiêu trẻ em trên thế giới này thì có bấy nhiêu cách học dành cho chúng. Vì vậy, phương pháp học tập đạt được thành quả lớn đối với đứa trẻ hàng xóm cũng có thể là cách nguy hại chết người cho con cái chúng ta.
Các vị phụ huynh đang dạy con những gì
Thời đi học, tâm hồn tôi không trú ngụ ở trường học mà trong những trang sách. Năm học lớp Bốn, tôi đau ốm liên miên nên thường xuyên phải nghỉ học. Một đứa trẻ lớp Bốn như tôi muốn được tung tăng chạy nhảy vui vẻ với bạn bè nhưng không thể được vì đau ốm nên trong lòng rất buồn. Mẹ tôi sợ con gái buồn chán nên đã mua cho tôi rất nhiều sách truyện nổi tiếng và từ lúc đó, tôi đắm chìm vào thế giới của những cuốn sách. Tôi không thấy buồn nữa, bởi vì sách là người bạn thú vị và hữu ích luôn ở bên tôi. Sau đó tôi trở lại trường và tiếp tục học lên cấp hai, cấp ba nhưng với tôi, thời gian hạnh phúc nhất vẫn là lúc đọc sách. Các bạn có từng như vậy không?
Tôi kết bạn với sách và một cách tự nhiên, tôi bắt đầu ưu tư về con người, cuộc đời và tương lai của mình. Tôi đã từng thử phác họa một cách nghiêm túc cuộc đời mai sau của mình qua sự thấu hiểu con người và nhận thức được những điều trở thành nền tảng cơ bản của cuộc sống.
Tôi nghĩ, học hành là “một cách sống” (a way of life), nghĩa là khi va chạm với thế giới, chúng ta sẽ học được phương pháp thích nghi ở đó. Khi nói về chuyện học, các bà mẹ thường chỉ nghĩ đó là việc lấp đầy và giữ gìn tri thức trong đầu mình. Tuy nhiên, nếu cứ tích lũy mọi tri thức, nhưng không giải quyết được vấn đề khi bị đặt trong tình huống mới thì chẳng phải học hành là vô ích hay sao?
Nhìn ở khía cạnh này có thể thấy, học tập hoàn toàn không phải là việc ngồi vào bàn và ra sức nhồi nhét kiến thức. Học tập là việc trọn đời, từ những hiểu biết về thế giới xung quanh, sử dụng chúng và tư duy không ngừng.
Sở dĩ tôi nói đến ý nghĩa của học tập là bởi thế kỷ 21 là thời đại rất cần học tập trọn đời, nghĩa là không ngừng học hỏi. Đây là thời đại mà một trường đại học tốt hứa hẹn một tương lai tốt đẹp đã qua, thời đại mà tuổi tác càng cao lại càng có những đặc quyền và sự ổn định sẽ mau chóng biến mất.
Vào thập niên 1960, Peter F. Drucker, bậc thầy về quản trị kinh doanh đã dự kiến về một xã hội dựa trên tri thức. Trong cuốn sách Tinh hoa quản trị của Drucker (The essential Drucker), ông đã viết:
“Tri thức trở thành trung tâm của xã hội thông qua thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp, cách mạng năng suất và đang vượt qua ranh giới lịch sử lần thứ ba bằng cuộc cách mạng quản trị kinh doanh. Trong thời kỳ cách mạng quản trị kinh doanh, những kiến thức chuyên môn cần thiết hơn tri thức phổ thông. Hơn nữa, người lao động tri thức cũng dần sống lâu hơn các loại máy móc, thiết bị lao động và vì vậy mà phải trang bị cho mình nhiều hơn một loại nghề nghiệp nhất định. Chỉ làm một công việc và có một loại kinh nghiệm không thôi là chưa đủ mà phải chuẩn bị nhiều hơn thế. Ngày nay, những người bình thường nhất, xin nhắc lại là ngay cả những người ở mức trung bình trong xã hội, cũng phải học cách quản lý bản thân.”
Một xã hội mà con người phải quản lý bản thân thông qua việc học hỏi không ngừng để không bị đào thải chính là thế giới mà con cái chúng ta sẽ phải sống sau này. Điều kỹ năng cần thiết để các con có thể học tập trọn đời là vũ khí giúp chúng đối mặt và tiến lên trong thế giới khó khăn và nguy hiểm.
Vũ khí mà quý vị trao cho đứa con yêu thương là gì? Không phải là quý vị đang bắt ép các con trang bị thứ vũ khí xưa cũ đấy chứ? Hay là quý vị đang tạo ra đứa trẻ chỉ biết dựa dẫm và ngay cả việc cầm vũ khí lên cũng sợ?
Cho đến giờ, nếu nói về điều tôi chưa từng hối hận dù chỉ một lần thì đó chính là vào thời đi học, tôi đã xem trọng việc đọc sách hơn chuyện học ở trường. Tôi nói điều này không phải để giải thích lại tầm quan trọng của việc đọc sách. Điều tôi muốn nói là, qua những cuốn sách, tôi đã tìm được cách đối diện với thế giới một cách vững vàng nhất. Tôi không biết hai đứa con trai yêu quý Kyeong-mo và Jeong-mo sẽ tìm thấy cách vượt qua những khó khăn bằng trải nghiệm ra sao, đó là chuyện riêng của mỗi đứa, nhưng nếu có ba loại vũ khí như sau, tôi nghĩ chúng sẽ tìm ra cách nhanh hơn và có thể trải rộng ước mơ của bản thân trong thế giới này mà không sợ hãi.
Hãy xây dựng hình ảnh tốt về bản thân
Tôi có đọc một cuốn sách có tựa đề (tạm dịch) là Một chân vẫn là tôi. Cuốn sách là câu chuyện về cậu bé Chu Đại Quan, người Đài Loan đã chiến đấu với căn bệnh ung thư và ra đi trước tuổi lên mười. Cậu bé phải cắt bỏ chân phải vì tế bào ung thư tấn công nhưng theo lời cậu bé, căn bệnh vẫn bám chặt lấy em như “một tên ác ma” mà không chịu buông tha. Lúc ấy, em đã viết bài thơ:
Beethoven có hai tai đều điếc
Cũng có người hai mắt đều mù
Dù sao thì mình còn có một chân
Vẫn phải đứng thẳng trên mặt đất
Hai mắt Helen Keller3 không nhìn thấy
Cũng có người chẳng dùng được hai chân
Dù sao thì mình còn có một chân
Vẫn phải sống hết đời tươi đẹp.
Khi mất đi một chân, thật không dễ để nói rằng “dù sao thì mình còn có một chân”, nỗi đau mất mát trước mắt là quá lớn. Hơn nữa, cái tuổi chưa lên mười không phải là tuổi mà một cậu bé có sức mạnh để có thể tự kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của mình.
Đọc bài thơ của cậu bé, tôi nhận ra hình ảnh tích cực về bản thân (good self-image) quan trọng đến thế nào. Trong tâm lý học, hình ảnh tích cực về bản thân có liên quan tới cảm giác tự tin về cuộc sống và niềm tin vào chính mình. Bởi vì con người càng xây dựng được hình ảnh tích cực về bản thân thì càng sử dụng tốt những cơ hội cuộc sống trao cho, dù trong hoàn cảnh nào. Đặc biệt hơn là, nếu tình hình trở nên phức tạp, khó khăn hơn thì hình ảnh tích cực về bản thân lại càng phát huy được sức mạnh to lớn.
Những người tích cực luôn nghĩ rằng “mình có thể làm được!” nên họ không trốn tránh mà dám đối diện với những tình huống khó khăn. Họ không sợ thất bại bởi họ nghĩ rằng “thất bại thì sao chứ, đứng lên lần nữa là được chứ gì” và có niềm tin mạnh mẽ vào bản thân. Họ là những người có can đảm làm quen với thất bại nhiều hơn thành công nên cuối cùng chắc chắn họ sẽ thành công. Như cậu bé Chu Đại Quan, ngay cả khi chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, cậu bé cũng chưa từng một lần từ bỏ hy vọng có thể sống tiếp. Nếu cậu bé có suy nghĩ tiêu cực “bad self-image” về bản thân thì có lẽ khi đó, em sẽ đắm chìm vào nỗi đau vì bị mất chân hơn là nhận ra mình còn một chân và sẽ sống trong những ngày cuối cùng đầy tuyệt vọng. Có lẽ khi đó, em sẽ kêu la đau đớn với cha mẹ và sợ hãi cái chết thay vì thể hiện ý chí chiến đấu với bệnh tật.
Cậu bé vẫn sống hiên ngang cho đến lúc qua đời, đến mức khi bác sĩ thông báo là có lẽ không thể làm gì được nữa thì câu nói của em “cháu cảm ơn các bác sĩ đã chăm sóc cháu đến bây giờ” đã khiến cho những người xung quanh phải lặng đi.
Tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh tốt về bản thân cũng được áp dụng tương tự trong học tập. Việc học giống như trò chơi vượt chướng ngại vật – đó là một quá trình khó khăn được tạo thành bằng sự tự khích lệ bản thân. Việc học thực sự bắt đầu khi bước vào tiểu học và lúc này trẻ cũng phải dành nhiều tâm sức để ngồi học. Khi vượt qua chướng ngại ấy, nếu những đứa trẻ nào không phát triển khả năng tư duy trừu tượng thì khi học lên cao, độ khó càng lớn, chắc chắn chúng sẽ phải trải qua những phiền não. Khi lên cấp hai, tình hình càng trở nên tệ hơn vì trẻ phải tự lập kế hoạch học tập với khối lượng bài vở quá nhiều.
Đặc tính của chướng ngại vật mang tên “học tập” là chẳng ai biết nó sẽ cao đến đâu. Ví dụ như khi gặp bài toán quá khó, những trẻ có suy nghĩ tích cực về bản thân sẽ nghĩ rằng “mình có thể làm được” nên không sợ hãi trước chướng ngại cao ngất mà còn quyết tâm tìm ra cách giải. Nhưng những trẻ có hình ảnh không tốt về bản thân với suy nghĩ tiêu cực là “mình không thể” sẽ không động não để giải bài toán. Vì thế, không phải quá lời khi nói hình ảnh tích cực về bản thân đóng vai trò quan trọng nhất để vượt qua chướng ngại vật học tập.
Giúp con có được hình ảnh tích cực về bản thân chính là tài sản tuyệt vời nhất mà cha mẹ có thể trao cho con cái mình.
Hãy dạy trẻ cách tận hưởng việc học
Có một bé gái học lớp Ba có chỉ số IQ là 136. Tôi đã kết luận là đứa trẻ đó rất thông minh nhưng người mẹ lại cho biết cô bé còn rất nhiều thiếu sót so với những bạn cùng trang lứa. Khi mẹ nói ra điều này, cô bé chỉ nhìn chằm chằm vào mẹ một cách thiếu lễ độ, trong khi nếu giống như những đứa trẻ bình thường, lẽ ra bé phải nổi giận hoặc muốn khóc khi người khác nói xấu về mình. Với tôi, đó là một tín hiệu nguy hiểm.
Tìm hiểu mới biết, ngay từ rất nhỏ, cô bé đã phải học hành vất vả tới mức một đứa trẻ không thể cáng đáng nổi. Vào kỳ nghỉ, người mẹ bắt con mình một ngày viết ba bài cảm nhận sau khi đọc sách. Quá đỗi ngạc nhiên, tôi hỏi người mẹ sao bắt con học nhiều thế thì nhận được câu trả lời rằng những đứa trẻ khác cũng phải đọc ít nhất 50 quyển sách trong suốt kỳ nghỉ. Nghe những lời này, tôi nhanh chóng hiểu được cô bé đã sống như thế nào trong thời gian qua.
Buổi trò chuyện được tiếp tục nhưng cô bé không dễ mở lòng mình. Vì thế, tôi đưa người mẹ ra ngoài và trò chuyện riêng với đứa trẻ. Qua mấy ngày được an ủi, dỗ dành như thế, cô bé đã mở lời: “Bác sĩ nói thì mẹ còn nghe một chút, chứ cháu nói thì mẹ chẳng thèm nghe gì cả.”
Câu nói của cô bé khiến tôi ngạc nhiên. Nói chuyện một lúc, tôi hỏi: “Sao cháu thông minh thế?”
Cô bé bèn hỏi ngược lại tôi: “Cô ơi, cháu thực sự thông minh sao? Cháu đã đọc sách của cô viết đấy.”
Trong giây lát, tôi chợt rùng mình khi thấy cô bé thực sự không đối đáp theo kiểu trẻ con. Một chút yên lặng trôi qua. Và rồi cô bé nói ra những lời khiến ai cũng phải choáng váng: “Trên đời này chẳng có gì vui hết! Mọi thứ đều buồn chán đến phát bực!”
Trẻ nhỏ không ngừng học hỏi và tiếp nhận những điều mới lạ mỗi ngày. Chúng quan sát mọi thứ quanh mình bằng tất cả sự hiếu kỳ. Những trẻ bẩm sinh là một nhà thám hiểm không nhìn điều mới mẻ theo cách mà người lớn thường nhìn mà nghiên cứu, trải nghiệm và muốn hiểu về chúng. Trẻ thử đưa lên miệng, đứng lên trên nó, thử đánh rơi, vừa đi theo vừa quan sát và thử ném ra xa, việc thám hiểm những điều mới không dừng lại cho đến khi trẻ biết rõ về chúng. Nếu nhìn những đứa trẻ chạy nhảy chơi đùa suốt một tiếng đồng hồ hoặc bướng bỉnh tập trung vào thứ mà chúng muốn có cho đến cùng mà không biết mệt, bạn sẽ thấy nguồn năng lượng thần kỳ của bọn trẻ. Dĩ nhiên trẻ sẽ không động tay động chân vào những việc mà chúng không cảm thấy hứng thú.
Nhiều khi tôi thấy ganh tỵ với sự nhiệt tình của trẻ nhỏ. “Chẳng biết sức mạnh của bọn trẻ từ đâu ra”, ý nghĩ ấy cứ hiện lên trong đầu tôi mỗi khi đi loanh quanh cùng hai cậu con trai. Trong khi tôi thấy mệt nhoài thì chúng vẫn chơi rất tươi tỉnh. Tôi tự nhủ: “Nếu mình sống mà có sự nhiệt tình và năng lượng dồi dào dành cho cuộc sống như bọn trẻ thì chẳng bao giờ thấy mỏi mệt và chán nản cuộc sống.”
Những đứa trẻ chưa hiểu biết về cuộc đời nên có sự hiếu kỳ vô hạn về thế giới và tràn đầy nhiệt huyết muốn tìm hiểu. Tuy nhiên cô bé trong trường hợp tôi đang kể lại cảm thấy cuộc sống không có gì là thú vị. Với bé, một chút năng lượng và nhiệt tình của trẻ con cũng chẳng còn. Điều gì đã khiến cô bé thấy thế giới thật chán chường và mệt mỏi như vậy?
Tiếp tục trò chuyện với cô bé, tôi biết được nguyên nhân là do cô bé quá căng thẳng vì chuyện học hành quá độ. Với cô bé, việc học thật khó chịu, vất vả và đáng ghét nhưng vẫn phải học mà không thể làm gì khác vì mẹ bắt làm vậy. Những căng thẳng nảy sinh đã bào mòn từng chút một tính tò mò vốn có của một đứa trẻ. Cuối cùng, cô bé nghĩ rằng mọi việc đều là bắt buộc phải làm và sinh ra cảm giác chán ghét việc tìm tòi, nghiên cứu.
Vốn dĩ cô bé là đứa trẻ thông minh nhưng bị ép học nên không biết mình cần đạt được thành tích gì. Nhưng điều quan trọng là sau này bé phải một mình đối diện với cuộc sống. Liệu bé có thể làm được gì nếu không có mục tiêu sống, không có việc muốn làm và chỉ nghĩ rằng cuộc sống chẳng có gì vui thú?
Nhìn cô bé, tôi lại nhớ đến câu chuyện về Richard Phillips Feynman, nhà vật lý học người Mỹ đã nhận giải Nobel về cơ học lượng tử. Thuở nhỏ, bố của Feynman đưa ông đến ngọn núi gần nhà để dạy cho ông tên các loài chim. Nhưng người bố không chỉ dạy tên như những người khác vì chỉ biết tên thôi không phải là hiểu biết thật sự. Thay vì bắt Feynman học thuộc lòng từ “ký sinh”, người bố đã cùng con quan sát cảnh chim rỉa lông, chỉ cho con biết tập tính rỉa lông và ăn các sinh vật sống bên trong bộ lông của mình. Người bố đã có thể dạy cho con những kiến thức thực sự sống động chứ không phải thứ tri thức bị ép buộc tiếp thu trong một lần duy nhất. Feynman đã học tập trong niềm vui thú chứ không gặp một chút áp lực, căng thẳng nào. Sau này ông đã truyền sự hứng khởi ấy lại cho con trai và con gái của mình.
Tại sao các ông bố bà mẹ Hàn Quốc lại không cho các con thấy rằng chuyện học hành rất đỗi thú vị? Nếu không làm được như vậy thì sao lại ép con cái học hành đến mức khiến bọn trẻ chán ghét việc học đến thế? Tôi chắc rằng nếu được tự do, không thúc ép, thì cô bé trong câu chuyện trên đã có thể học hành một cách vui vẻ bằng năng lượng và tính hiếu kỳ vốn có của mình.
Nếu vẫn phải ép trẻ học hành thì trước tiên, cha mẹ hãy khiến việc học trở nên thú vị. Đừng ép con học một cách vô ích mà tước đoạt cả tính tò mò vốn có của trẻ, nếu quý vị không muốn con mình lớn lên như một đứa bé không có ước mơ, không có nhiệt tình trong cuộc sống.
Hãy dạy trẻ cách quản lý khủng hoảng
Có một câu chuyện xảy ra đã lâu. Một ngày nọ, tôi trở về nhà và nhận ra bầu không khí trong gia đình rất nặng nề, khác hẳn với bình thường. Tôi hỏi bà bảo mẫu thì bà chỉ vào Kyeong-mo đang ngồi lặng im. Đứa trẻ thường quấn quýt vui vẻ mỗi khi tôi về nhà, giờ chỉ ngồi yên trên sô pha với vẻ mặt nghiêm trọng như gặp phải chuyện gì đó.
“Hình như Kyeong-mo bị đứa trẻ hư hỏng nào đó ở trường bắt nạt.”
Dù biết nạn bạo lực học đường rất nghiêm trọng nhưng ngay cả trong mơ tôi cũng chưa từng nghĩ con trai mình phải trải qua chuyện này.
“Kyeong-mo à, nói cho mẹ nghe có chuyện gì nào.”
Đến lúc đó, Kyeong-mo mới chịu tuôn ra một thôi một hồi. Sau khi tan trường, Kyeong-mo đang chơi với các bạn thì một đứa trẻ nào đó nhìn con chằm chằm. Kyeong-mo không hiểu có chuyện gì nên cũng nhìn lại và ánh mắt hai đứa trẻ chạm nhau. Nhưng bất ngờ đứa trẻ đó đến gần và hỏi: “Mày là cái thá gì?”, “Tới đây gặp tao” rồi nắm chặt lấy cổ Kyeong-mo. Con trai tôi liền hỏi đứa bé kia sao lại làm vậy. Nhưng câu hỏi đó lại là đốm lửa châm vào ngòi nổ. Không biết do có dự tính trước hay vì Kyeong-mo chống cự mà đứa trẻ ấy đã giật hết những nhân vật hoạt hình mà Kyeong-mo vô cùng yêu quý.
Chỉ nghe con kể thôi mà trống ngực tôi đã đập thình thịch. Dù sự việc chỉ dừng lại ở đó đã là may mắn rồi nhưng khi nghĩ đến việc con mình đã hoảng sợ thế nào, lòng tôi lại đau nhói.
“Kyeong-mo của mẹ buồn lắm đây. Con không bị thương chỗ nào chứ?”
Kiểm tra thân thể con trai thấy một vài vết trầy xước nhẹ, tôi thở phào nhẹ nhõm. Chợt nhớ ra hôm đó là ngày Kyeong-mo học thêm ở trung tâm nhưng trong tình hình này thì học thêm không có tác dụng gì nữa. Tôi định bụng sẽ để con ở nhà nghỉ ngơi thì Kyeong-mo lại lẳng lặng đứng lên. “Con phải đi học thêm rồi.”
“Hôm nay không học cũng được.”
Kyeong-mo chỉ im lặng và lắc đầu quầy quậy. Không nói lời nào, con trai tôi vào phòng và lấy sách vở bỏ vào cặp. Tôi thấy tội nghiệp cho con và muốn can ngăn nhưng nhìn thái độ cương quyết của con, tôi cũng chỉ im lặng.
Đưa con đi học xong trong đầu tôi dậy lên bao suy nghĩ. Tôi có thể phải đến trường Kyeong-mo học, nếu không cũng trực tiếp tìm gặp cha mẹ của đứa trẻ kia để nói chuyện. Nhưng thái độ sau này của Kyeong-mo mới là điều quan trọng hơn hết. Nếu con vì sự việc lần này mà e sợ đến trường thì tôi sẽ lo lắng đến dường nào. Tôi trở lại trung tâm học thêm của Kyeong-mo, đợi con tan học rồi hỏi ngay: “Kyeong-mo à, bây giờ con sẽ làm sao?”
Trạng thái tinh thần của trẻ quan trọng hơn bất cứ điều gì. Nghe câu trả lời của con, tôi đoán được con quyết định làm gì.
“Mẹ đợi con một chút. Con sẽ nói cho mẹ biết con sẽ làm gì.”
Nói rồi Kyeong-mo về phòng.
Năm ấy Kyeong-mo đang học lớp Bốn, độ tuổi trẻ dễ gặp phải những bất an về nhiều mặt. Việc trẻ tự mình có được suy nghĩ tích cực về cuộc sống và về chính bản thân là điều quan trọng hơn hết. Đứng trước tình huống này, Kyeong-mo giống như một thứ đồ gốm hoàn chỉnh về kiểu dáng nhưng nếu xuất hiện một vết nứt trước khi được đưa vào lò nung thì mãi mãi về sau cũng không thể phục hồi. Điều đó sẽ để lại vết thương suốt đời hoặc khó có thể vượt qua.
Tôi mở cửa, bước vào phòng Kyeong-mo. Con trai tôi trải một tờ giấy và đang chăm chú viết gì đó.
“Con viết gì thế?”
“Ưm, con viết bảng kế hoạch. Giờ con viết xong hết rồi nên đưa mẹ xem một lần luôn.” Những chữ viết đầy kín trang giấy có nội dung đại loại như: “Đứa trẻ đó mặc đồng phục bóng đá của trường học gần đây, cho nên con sẽ tìm đến đội bóng của trường đó. Qua các thầy cô giáo, con sẽ biết được tên và lớp học của nó. Sau đó con sẽ báo cho cô giáo hoặc mẹ của nó biết chuyện.”
Một người lớn như tôi nhìn vào bảng kế hoạch ấy cũng thấy tính logic đáng ngạc nhiên. Kyeong-mo xuất hiện khả năng này từ bao giờ?
“Sau khi cho người lớn biết chuyện, con sẽ làm gì nữa?”
“Đến lúc đó con sẽ nghĩ tiếp.”
Tôi ngạc nhiên hơn nữa khi thấy Kyeong-mo thực hiện kế hoạch từng bước một. Con tìm đến đội bóng của trường học đó nhưng giáo viên vắng mặt. Vì vậy Kyeong-mo đã mô tả hình dáng, trang phục của đứa trẻ cho những học sinh trong đội bóng nghe và hỏi đó là ai nhưng đứa trẻ ấy đã không còn sinh hoạt trong đội nữa. Tuy nhiên vấn đề được giải quyết dễ dàng một cách bất ngờ, từ chỗ đội bóng, Kyeong-mo có thể biết được chỗ ở của đứa trẻ ấy.
Hỏi thăm xong, Kyeong-mo đưa cho tôi một mẩu giấy, trong đó có viết số căn hộ và tên chung cư, đứa trẻ ấy đang sống ở căn hộ gần đây.
Kyeong-mo bình tĩnh hỏi: “Con hay mẹ đến đó thì tốt nhỉ?” Tôi cũng nghiêm túc hỏi con: “Sao con nghĩ phải đến đó?”
Kyeong-mo trả lời: “Mẹ thử nghĩ xem, nếu con không làm vậy thì những bạn khác có thể cũng gặp chuyện giống con. Hơn nữa, đây chắc chắn là hành động đúng nên phải ngăn chặn thói xấu và cũng để bạn ấy tốt hơn.”
Mặc dù lúc ấy tôi chưa giải quyết được vấn đề nhưng trong lòng lại thấy yên tâm. Cảm giác của tôi bấy giờ không phải là thấy “con mình lớn thật rồi, rất giỏi” mà nhận ra khả năng ứng phó với khủng hoảng rất tốt của Kyeong-mo.
Cuộc sống của chúng ta bây giờ thật khó dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra phía trước bởi tốc độ thay đổi quá nhanh chóng. Vì thế, khi khủng hoảng tìm đến, mỗi người đều phải nắm bắt và có hiểu biết để làm chủ chính nguy cơ đó. Nghĩa là phải nhìn thẳng vào tình hình thực tế, phải phân tích bằng khả năng tư duy logic, tìm ra phương án giải quyết và cuối cùng là tiến hành thực hiện. Nói tóm lại là quan trọng phải có khả năng đối phó với khủng hoảng.
Khi nhìn thái độ của Kyeong-mo lúc đó, tôi phát hiện ra “cách quản lý khủng hoảng” của con. Đó là lần đầu tiên từ khi chào đời, Kyeong-mo gặp phải cú sốc lớn như vậy nhưng lúc ấy con rất bình tĩnh. Sau khi nhìn nhận và phán đoán một cách khách quan tình huống mà mình lâm vào, con đã tìm ra cách giải quyết logic.
Nhìn Kyeong-mo như vậy, tôi tin tưởng rằng con sẽ đứng vững khi trưởng thành. Có nhiều việc tôi kéo Kyeong-mo vào để xem con có thể tự mình giải quyết vấn đề ra sao. Vì vậy, khi nghe con hỏi: “Mẹ ơi, con phải làm sao?” thì không cần biết lý do là gì, quý vị cũng đừng đến gần con mà nói rằng: “Mẹ sẽ làm cho con”, ngược lại, hãy khích lệ và an ủi để con có thể tự mình giải quyết vấn đề theo logic. Bởi vì cách quản lý khủng hoảng thông minh là một trong những vũ khí quan trọng mà trẻ nhất định phải có để sống trong thế giới tương lai.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.