Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Chương 5. 10 Nguyên tắc để nuôi dạy con một cách từ tốn



Nhờ ban đầu tôi không giáo dục con theo kiểu ép buộc nên giờ đây Kyeong-mo đang học tốt.

Thực sự tôi tin rằng kết quả đó có được vì tôi đã không bắt ép con.

Hãy thường xuyên nghĩ tới việc điều tiết cảm xúc

Chẳng biết không vừa lòng chuyện gì mà đột nhiên con trai lớn của tôi lại khóc và kiếm chuyện nhõng nhẽo. Hình như món đồ chơi của con bị hỏng ở đâu đó. Dù tôi có cố gắng dỗ dành thế nào vẫn không thể xoa dịu được cậu con trai đang khóc nấc lên. Sau đó, Kyeong-mo bắt đầu ném món đồ chơi đang cầm trong tay.

Cơn giận trong lòng tôi bắt đầu sôi lên. Tôi không thèm dỗ dành gì nữa và lớn tiếng dọa nạt con. Nhưng bất chấp tất cả, con trai tôi bắt đầu nằm vạ ra sàn nhà. Đến mức này thì tôi cũng hết cách, chẳng biết phải làm sao. Cuối cùng tôi nói với con: “Kyeong-mo, ngồi lên ghế rồi im lặng đi!”

Trên khuôn mặt của Kyeong-mo thoáng hiện lên vẻ bất mãn. Cuối cùng con chống đối bằng cách la hét ầm ĩ. Nhưng nhìn thấy nét mặt cứng rắn của mẹ, Kyeong-mo cũng biết là mình không thể thắng được mẹ nên dù vẫn còn giận dữ, con đi về phía chiếc ghế và ngồi xuống.

Bây giờ thì không còn cần thiết nữa nhưng khi Kyeong-mo được chừng 3-4 tuổi, trong một góc ở phòng khách nhà tôi có một chỗ gọi là “chiếc ghế suy nghĩ”. Khi con ngoan cố, bướng bỉnh mà tôi dỗ dành hoặc la mắng mãi không được thì cái ghế này được dùng đến.

Khoảng chừng 5 tuổi, trẻ có khả năng tự đối thoại ở mức độ nào đó nhưng trước độ tuổi này, trẻ thiếu khả năng tư duy để hiểu được tình hình. Theo đó, dù có thể dỗ dành để trẻ bình tĩnh và lắng nghe cha mẹ, nhưng trẻ em trong thời kỳ này vẫn rất bướng bỉnh và khăng khăng đòi hỏi cho đến khi đạt được điều mình mong muốn. Con trai của chúng tôi cũng vậy.

Cho nên tôi đã nảy ra ý nghĩ về cái gọi là “chiếc ghế suy nghĩ”. Ban đầu, khi bắt con ngồi vào chiếc ghế đó, trong lòng tôi cũng bán tín bán nghi về hiệu quả của phương pháp này. Sự thật là tôi không nghĩ nhiều tới ý định bắt con tự nhìn lại mình, chỉ mong chiếc ghế sẽ xoa dịu được sự tức giận bồng bột của chính tôi mà thôi.

Nếu cứ tiếp tục tranh cãi với con thì một lúc nào đó, tôi sẽ càng giận dữ hơn. Theo đó, thay vì mâu thuẫn giữa hai mẹ con được giải tỏa thì tình hình càng trở nên xấu hơn.

Có lần tôi nhận được cuộc gọi từ người bố của một bệnh nhi đã từng đến gặp tôi. Có lẽ ông bố ấy đã xem chương trình truyền hình nói về tính bạo lực của con người mà tôi từng tham gia.

Tính bạo lực là bản năng của tất cả con người nên ngay từ nhỏ, cha mẹ phải giúp trẻ điều tiết tốt bản năng này, ngay cả bản thân cha mẹ cũng phải làm gương cho trẻ về việc bộc lộ cảm xúc trong chừng mực hợp lý. Dù có vấn đề gì với trẻ cũng đừng nổi giận và cố gắng tiết chế cảm xúc của mình.

Người bố ấy hỏi tôi: “Tại sao bác sĩ chỉ suy nghĩ cho mỗi đứa trẻ mà không biết những ông bố bà mẹ đã mệt mỏi, vất vả và đau lòng như thế nào?”

Không phải là tôi không hiểu nỗi uất ức của cha mẹ khi phải chịu đựng một cách không giới hạn. Cha mẹ cũng là con người, họ có tội tình gì mà phải nhọc lòng vì bọn trẻ thay vì được nghỉ ngơi thoải mái cuối tuần; việc gì phải ngày ngày chấp nhận sự bướng bỉnh của con cái và dù có ức chế ra sao cũng phải đối diện với trẻ bằng vẻ mặt tươi cười? Lý do lớn nhất cho những chịu đựng này là vì so với con cái, cha mẹ vẫn là những người đã trưởng thành về mặt tinh thần, cho nên sức chịu đựng của cha mẹ cũng lớn hơn. Trẻ nhỏ không có “sức mạnh”8 để chịu đựng những tình huống có vấn đề. Lúc này, nếu áp đặt sự chịu đựng và nhẫn nại lên trẻ thì trẻ sẽ không biết cách thể hiện đúng cảm xúc của bản thân và phải trải qua nỗi bất an về cái tôi (như tôi đã nói ở trên). Nhưng với những người trưởng thành, đã hoàn thiện về mặt tinh thần như cha mẹ thì không xảy ra những chuyện như thế. Vì vậy, có gì bất công không khi phía có sức chịu đựng lớn hơn phải nhún nhường hơn trong quan hệ với con trẻ.

Nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ, Tiến sĩ Tronick, đã tiến hành thực nghiệm về sự điều tiết cảm xúc trên đối tượng là trẻ em chỉ từ 3-6 tháng tuổi. Đầu tiên, tiến sĩ yêu cầu người mẹ thể hiện khuôn mặt mỉm cười vui vẻ đối với trẻ. Sau đó người mẹ bất ngờ chuyển sang khuôn mặt nghiêm khắc, nặng nề. Dù trẻ có nhìn chằm chằm thì người mẹ cũng chỉ biểu lộ cảm xúc giận dữ chứ không nhìn vào mắt trẻ. Ngay tức thì, những đứa trẻ chưa biết nói đó mở to mắt hơn và khuôn mặt trở nên hết sức ngạc nhiên. Tiếp theo, trẻ trở nên vô cảm và tránh nhìn vào khuôn mặt giận dữ kia. Sau ba phút, người mẹ lại tươi cười vui vẻ nhưng biểu cảm trên khuôn mặt của bé vẫn không mất đi dù mấy tiếng đồng hồ trôi qua.

Dù cấu tạo bộ não của trẻ cũng tương tự như não người trưởng thành nhưng nếu người mẹ không điều tiết cảm xúc thì trẻ dễ dàng có phản ứng như vậy và khắc sâu thông tin đó đến mức không thể loại bỏ được.

Hãy thử tưởng tượng, sau cuộc cãi vã với chồng, cảm xúc tức giận của người vợ vẫn kéo dài đến tận 3-4 ngày sau. Khi chăm sóc cho con, cảm xúc ấy vẫn còn đọng lại và hiện ra trên khuôn mặt. Nếu cảnh tượng này đang xảy ra với bạn thì hãy nhanh chóng sửa đổi, vì chắc chắn trẻ sẽ bắt chước cảm xúc ấy từ mẹ.

Nếu xem xét các bệnh nhi đến bệnh viện vì chứng trầm cảm thì có thể thấy, đa phần các bà mẹ của bé thường có các biểu hiện như vậy. Vì thế, tôi phải điều trị cho cả mẹ và con. Nếu tình trạng người mẹ tốt lên khi điều trị thì chỉ vài tháng sau, tâm trạng của trẻ cũng khá hơn. Như vậy, cha mẹ cần phải làm quen với việc điều tiết cảm xúc không chỉ trong lúc đối diện với trẻ mà còn trong cả đời sống hằng ngày. Vì vậy, tôi thường hứa với bản thân mình và dĩ nhiên các bà mẹ cũng nên như vậy: “Thường xuyên nhớ lại bản thân mình là ai và tâm trạng hiện tại của mình như thế nào.”

Theo đó, có một nguyên tắc cơ bản khi đối diện với con trẻ, đó là: “Khi tâm trạng mình không tốt, tuyệt đối không la mắng trẻ.”

Người bình thường không tránh khỏi những chuyện buồn bực, nhưng những khi đèn tín hiệu cảnh báo cảm xúc tiêu cực, dù con không làm bài tập hay không giữ lời hứa thì điều trước tiên nên làm là bỏ qua hết. Bởi vì dù muốn đối diện với con bằng vẻ mặt tươi tỉnh thì cảm xúc bên trong vẫn hiện ra trên khuôn mặt. Hãy đợi khi tâm trạng tốt lên, điểm cảm xúc phải đạt ít nhất 7-8 điểm trên thang điểm 10 thì đó mới là thời điểm để cha mẹ nói với con những lời muốn nói.

Tuy nhiên, đa phần cha mẹ vẫn đối diện với con dù tâm trạng của mình như thế nào. Sau khi ôm ấp, dỗ dành con bằng lời nói, cuối cùng cũng nổi giận và đánh con, quá trình này thường lặp đi lặp lại vào những lúc cha mẹ buồn bực trong lòng. Việc sử dụng lý trí để đè nén cơn giận đang dâng lên ngay trong khoảnh khắc ấy không phụ thuộc vào chỉ số IQ hay khả năng trí tuệ của cha mẹ mà do sự chi phối của thói quen cư xử với con và hành động theo cảm xúc của mỗi cá nhân.

Việc điều tiết cảm xúc có thể thực hiện được nhờ sự nỗ lực và rèn luyện. Dĩ nhiên, cũng có những người bẩm sinh đã điều tiết tốt cảm xúc của mình nhưng việc nuôi con, một công việc đòi hỏi sự nhẫn nại và hy sinh rất lớn, còn đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa của người làm cha mẹ. Với một người rất nóng nảy như tôi, thưởng thức âm nhạc chính là một cách để điều tiết cảm xúc. Tôi có cảm giác lòng mình được xoa dịu ở mức độ nào đó nếu lắng nghe những giai điệu trầm lặng.

Mặc dù vậy, những khi không thể điều tiết được cảm xúc, tôi đã tránh đối diện với các con. Tôi ở lại bệnh viện thật muộn, dành thời gian để học thêm hoặc đọc sách. Các con chắc chắn sẽ đợi tôi nhưng so với việc trở về nhà bằng tâm trạng bức bối và nhìn các con bằng vẻ mặt nhăn nhó thì cách này vẫn tốt hơn rất nhiều.

Thế nhưng con người là động vật có cảm xúc. Dù nói rằng nỗ lực nhưng không mấy người có thể điều tiết được cảm xúc của bản thân một cách hoàn hảo. Thay vì cố gắng trở nên hoàn hảo mọi lúc, quý vị hãy bắt đầu từ việc nhận thức điều đó và sửa đổi mỗi khi phạm sai lầm.

Thỉnh thoảng vô ý nổi giận với con nhưng rồi sau đó nhận ra mình đã sai nên tôi nói: “Kyeong-mo à, xin lỗi con chuyện lúc nãy nhé, mẹ giận quá nên mới thế.” Trong trường hợp đó thì ngược lại Kyeong-mo còn an ủi tôi: “Con biết rồi. Có nhiều việc quá nên mẹ mới vậy đúng không?” Có lẽ trẻ cũng nhận ra tấm lòng và sự cố gắng của mẹ.

Như đã nói ở trên, chúng ta không biết được lúc nào thì tiềm năng của con trẻ bộc phát, cho nên, dù trẻ bộc lộ sự phát triển sớm hơn bình thường một chút, cha mẹ cũng cần thường xuyên thể hiện thái độ tích cực. Bởi vì chỉ có như vậy thì trẻ mới không đánh mất cảm giác tự tin và có thể mạnh mẽ khi đối diện với thế giới và phát triển bình thường.

Tuy nhiên, nếu cha mẹ không điều tiết tốt cảm xúc của mình thì có thể khiến trẻ thường xuyên mất tự tin, không thể xác lập cái tôi một cách tích cực. Vì vậy, để không trở thành những người cản trở con đường phát triển của trẻ thì các bậc cha mẹ cần học cách điều tiết cảm xúc của chính mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.