Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Cũng có một dòng sông chảy giữa anh và em



Thỉnh thoảng tôi quan sát hai đứa con trai chơi đùa khi ở nhà và vỡ lẽ ra rằng có những điều “không thuộc về dòng máu”. Không chỉ là về diện mạo mà còn về tính cách, từ cách chơi cho đến sở thích, Kyeong-mo giống bố còn Jeong-mo lại giống mẹ.

Con trai lớn của tôi rất thích ở một mình và vừa chơi vừa tự khám phá một thứ gì đó. Từ thuở nhỏ, nếu cho con đồ chơi Lego thì việc con ngồi yên một chỗ để chơi đến một tiếng hay hai tiếng đồng hồ là chuyện bình thường. Chỉ một biểu hiện như vậy cũng có thể kết luận rằng tính cách của Kyeong-mo rất giống bố.

Người như Kyeong-mo có chết cũng không làm những việc mình không thích. Tính cố chấp của Kyeong-mo không khác gì bố. Nhìn người chồng đã ngoài năm mươi mà chẳng biết gì khác ngoài điều trị và nghiên cứu, tôi chợt nghĩ biết đâu con trai lớn của tôi sau này cũng sống như thế.

Còn Jeong-mo thì hoàn toàn ngược lại với anh trai. Jeong-mo lạc quan trong mọi việc và thích học hỏi bất cứ điều gì mới mẻ. Mỗi khi làm việc gì Jeong-mo cũng khá quyết tâm và hoàn thành tốt. Vì vậy khi nhìn con trai thứ hai, tôi lại nghĩ con giống như sự bù đắp cho những khoảnh khắc khó nhọc khi nuôi dưỡng Kyeong-mo vậy.

Nhưng dù Jeong-mo có tài giỏi thì tôi vẫn phải để tâm đến con hơn cả Kyeong-mo. Jeong-mo nghĩ rằng anh trai có hiểu biết sâu rộng nên luôn cảm thấy ghen tỵ. Cho nên dù là chuyện gì, Jeong-mo cũng muốn đuổi kịp anh trai. Lý do cậu con trai nhỏ cái gì cũng muốn học là vì chứa đựng tâm lý như vậy.

Tôi từng có ý định dạy vẽ cho Kyeong-mo vì nghĩ rằng nếu Kyeong-mo có thể thể hiện những ý muốn trong lòng thông qua những bức tranh thì biết đâu tính cách khó chịu của con sẽ dần khá hơn. Thế nhưng con trai thứ hai của tôi lại kiếm chuyện: “Sao mẹ chỉ cho anh học mà con lại không? Con cũng sẽ học!”

Dĩ nhiên điều này không chỉ có mặt xấu. Những thứ như dụng cụ học tập hay đồ chơi của anh trai, khả năng học tập của anh trai đóng vai trò như một simulation (hình mẫu) đối với đứa em. Dù tôi không bắt con phải làm nhưng Jeong-mo cũng sẽ học và nhận được nhiều điều chỉ bằng việc ở cạnh anh trai. Cho nên, ở bất kỳ gia đình nào, đứa con thứ đương nhiên được sống trong hoàn cảnh tốt hơn đứa lớn ở nhiều phương diện vì chúng sẽ học được nhiều điều từ anh của mình. Đứa bé có ý chí phải thắng đứa lớn rất mạnh mẽ, cho dù tôi không cương quyết ép buộc con làm chuyện gì thì con cũng muốn biết, muốn học mọi thứ. Nhưng nếu nghĩ kĩ lại thì đây là nỗi đau của con thứ. Biểu hiện của con thường là buồn rầu, uất ức vì cho rằng anh trai đã cướp mất tình yêu của mẹ dành cho mình. Vì vậy, cậu con trai thứ mà tôi xem như một sự đền bù, ngay từ khi còn rất nhỏ, đã thường mách lẻo về anh trai mình. Chỉ cần Kyeong-mo làm sai một việc gì thôi thì Jeong-mo đã nhanh miệng nói “là anh làm đấy” và vanh vách kể tội anh rất kĩ càng.

Mỗi lần như thế, trước hết tôi lắng nghe con nói từ đầu đến cuối. Và cuối cùng tôi nói thêm rằng: “Thì ra là vậy, Jeong-mo à. Nhưng mà nếu con không nói thì mẹ cũng biết hết rồi.” Tôi tuyệt đối không trách mắng con vì tôi biết suy nghĩ của con như thế nào.

Cũng vì vậy mà tôi luôn chú ý ngăn cản và xoa dịu tâm lý đó trong con. Mỗi khi Jeong-mo so sánh mình với anh trai và tỏ ra cố chấp thì tôi sẽ tìm cách ngăn chuyện này lại. Bằng cách khiến Jeong-mo thấy thỏa mãn những yêu cầu của mình, tôi mong con sẽ không quên đi cái cảm giác “mình cũng được mẹ yêu thương”. Tất cả lý do cũng chỉ từ lời nói: “Con cũng giỏi, khi anh ở tuổi con không làm được như con đâu.”

Nhưng khi quan sát thấy Jeong-mo đang tự làm khổ mình vì sự ganh đua, tôi lại dỗ dành con theo kiểu quanh co: “Con không mệt à? Cái này nếu không làm cũng được. Cái này không phải là tất cả mà.”

Nhưng cách này không áp dụng được trong mọi trường hợp. Cho nên tôi có một mẹo là lôi kéo Jeong-mo vào một lĩnh vực khác mà không thể so sánh được với Kyeong- mo. Tôi làm vậy để không xảy ra sự cạnh tranh ngay từ đầu.

Ngay cả việc mua đĩa CD cũng vậy. Tôi không mua cho hai đứa những đĩa có nội dung tương tự nhau. Tôi sẽ chọn mua cho Kyeong-mo những đĩa phù hợp với tính cách của Kyeong-mo và mua cho Jeong-mo thứ phù hợp với con. Tôi còn phải chuẩn bị riêng hai máy vi tính để ngăn chặn việc hai con quá chú ý đến nhau.

Tuy nhiên vẫn có một số các bà mẹ vô tình kích thích ý thức cạnh tranh giữa anh và em. Họ nói những câu theo kiểu: “Anh làm tốt thế mà sao con không làm được vậy?”, “Anh đạt được mà sao em lại không nhỉ?” Nhưng có một điều chắc chắn rằng dù không kích động như vậy thì giữa anh và em đã tồn tại ý thức cạnh tranh, chẳng khác nào “vợ cả và vợ lẽ” vậy. Sự cạnh tranh này sẽ còn tiếp tục khi trẻ vào tiểu học. Trẻ sẽ lại cạnh tranh với những người khác và phải chịu đựng cảm giác bị đè nén, dù không chịu tác động của người mẹ chăng nữa.

Sự thật là luôn có một dòng sông chảy giữa anh và em, và dòng sông ấy có thể phá hoại cả anh lẫn em hoặc có thể nâng đỡ chúng…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.