Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Dù trẻ có nói dối cũng đừng gắt gỏng



Một ngày nọ, tôi nhận được điện thoại từ cô giáo ở trường mẫu giáo mà Jeong-mo đang theo học. Cô giáo nói rằng cậu bé Jeong-mo vốn rất ngoan ngoãn và hòa đồng với các bạn hôm nay đã nói dối.

Theo lời cô giáo kể, khi cô hỏi Jeong-mo lý do vì sao không đem theo tập vở thì con đã trả lời là làm mất rồi. Tuy nhiên mấy ngày sau, quyển vở mà Jeong-mo nói đã đánh mất lại xuất hiện trong tủ đồ cá nhân của một bạn khác. Cô giáo muốn biết chuyện gì đã xảy ra nên hỏi lại Jeong-mo thì trên mặt con hiện rõ sự hoảng hốt.

Trước sự tình như vậy, cuối cùng cô giáo đã nghiêm khắc trách mắng Jeong-mo. Khi thấy Jeong-mo lo lắng, cô giáo đã gọi điện cho tôi. “Tôi biết rồi. Tôi sẽ nói chuyện với cháu.”

Tôi không nhớ được ngày hôm đó trôi qua như thế nào. Vì sao Jeong-mo lại làm vậy, đó có phải chỉ đơn giản là lời nói đùa của con hay không, nếu không thì phải chăng ở trường con đã gặp chuyện gì khác?… Mọi giả thuyết liên tục hiện ra trong suy nghĩ của tôi và tôi chỉ mong chờ đến lúc trở về nhà.

Khi về nhà, tôi không thấy Jeong-mo đứng chờ ở cửa như mọi ngày. Tôi hít thở sâu rồi nhẹ nhàng mở cửa phòng Jeong-mo. Dù tôi bước vào phòng nhưng Jeong-mo vẫn ngồi im ở bàn học.

“Jeong-mo à, mẹ về rồi đây.”

Mặc cho tôi gọi, con vẫn im lặng không trả lời. Trong lòng tôi lại vang lên câu hỏi: “Sao con lại như vậy?”, “Mẹ có cho con làm thế không?”, “Con có biết là chuyện đó xấu đến mức nào không?”,… Tôi muốn trách mắng con nhưng đã kìm lại được. Tôi lại nhẹ nhàng hỏi: “Con ghét học chính tả đến mức nói dối cô giáo luôn à?”

“…”

Không có lời phản bác nào đáp lại.

“Jeong-mo!”

Một lúc sau, Jeong-mo ngẩng đầu lên nhìn tôi, đôi mắt cháu ngân ngấn nước: “Đã nói là con không học được chính tả rồi mà!”

Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy mấy chữ “không học được” từ miệng của Jeong-mo. Bởi vì Jeong-mo là một đứa trẻ mà điều gì cũng vượt trội hơn những bé khác và rất thích thú với việc học hỏi. Tôi chợt nhận ra rằng suốt thời gian qua, tôi đã nhìn nhận việc Jeong-mo trội hơn người khác là điều đương nhiên. Với một đứa trẻ như vậy, việc phải chấp nhận sự thật rằng bản thân mình kém cỏi ở một lĩnh vực nào đó quả là một điều khó khăn. Tôi không hỏi gì thêm nữa và chỉ dịu dàng xoa đầu con mà dỗ dành.

Suốt đêm đó tôi không ngủ được. Hôm sau, tôi đích thân đến trường mẫu giáo và gặp cô giáo của Jeong-mo. Tôi đã nhờ cô giáo giảm tốc độ giảng dạy cho con trong giờ học chính tả sau này.

Có lẽ cô giáo đã mong đợi một lời nói khác từ tôi.

“So với các bé khác thì Jeong-mo bị chậm đến một năm, như vậy vẫn không sao chứ?”

“Dạ không sao đâu cô giáo. Cho nên trong giờ học chính tả, cô hãy để cháu xem sách hoặc chơi đồ chơi cũng được.”

Rốt cuộc, theo lời gửi gắm của tôi, Jeong-mo đã được làm việc khác trong giờ học chính tả và phải bắt đầu học tiếng muộn hơn các bạn. Và dù sau đó chỉ vài tháng, con đã học xong môn chính tả mà không gặp phải khó khăn đặc biệt nào.

Tuy nhiên, thói quen nói dối của Jeong-mo vẫn chưa sửa được hoàn toàn. Khoảng năm Jeong-mo lên chín, thấy anh trai mình đi học ở trung tâm, Jeong-mo cũng đòi tôi cho đi học. Thế nhưng chưa học được bao lâu thì Jeong-mo lại làm biếng. Một ngày hôm, tôi giữ Jeong-mo lại và hỏi: “Hôm nay con đã học xong hết chưa?”

Không một chút dè chừng, Jeong-mo đáp ngay: “Dạ rồi.” Nhưng khi nhìn vào vở của con, tôi chỉ thấy những trang giấy trắng. Kiểm tra sơ qua tôi đã thấy việc học của con bị tụt lại chừng một tuần. Biết chuyện này, tôi giận sôi người trước đứa con mà mình vẫn tin tưởng.

“Jeong-mo!”

Lúc này khuôn mặt của Jeong-mo trắng bệch, vô hồn. Tôi nhìn con mà trong lòng cố gắng kìm nén. Rồi tôi lại thở dài và nhìn Jeong-mo chằm chằm giống như lúc xảy ra sự việc một năm trước.

“Vì con mệt quá!”

Jeong-mo đang nói lời thật lòng. Từ lúc ấy tôi không bắt Jeong-mo phải đi học ở trung tâm nữa. Tôi cũng nói với con rằng sẽ cho con đi học trở lại khi nào con muốn và thời gian còn lại cứ vui chơi đi.

Khi phát hiện ra con nói dối, các bậc phụ huynh thường chỉ chú trọng vào một sự thật là trẻ đã nói dối và nổi giận. Để không xảy ra tình huống như vậy, phải nắm bắt và uốn nắn thói quen chưa thành thục của trẻ để trẻ không phải rơi nước mắt vì những lời trách mắng nữa.

Tuy nhiên, cha mẹ cần có suy nghĩ khác đi về việc trẻ nói dối khi học tập vì chắc chắn có nguyên nhân nào đó đã khiến trẻ phải nói dối như vậy. Dĩ nhiên, cũng có lúc là vì trẻ muốn chơi đùa, cha mẹ nhất định phải nắm bắt được điều này. Nhưng nếu vì phải cáng đáng hay chịu đựng việc học quá sức thì việc nói dối chính là một biểu hiện của sự mệt mỏi. Lúc này, cha mẹ phải tìm ra động cơ khiến trẻ nói dối và phải giải quyết từ động cơ ấy. Đừng làm hỏng ý thức học tập sẽ theo trẻ suốt đời bằng việc uốn nắn một lời nói dối sai cách.

Nếu tôi la mắng Jeong-mo khi con giấu quyển vở chính tả thì chắc chắn tôi có thể dạy cho con một sự thật là “nói dối là điều xấu” nhưng sự yếu kém của Jeong-mo trong việc học chính tả vẫn còn đó và chẳng biết chừng còn phát triển thành sự chán ghét việc học về sau. Nếu tôi đã hành xử như vậy thì sau một năm, liệu tôi có thể được nghe nhận xét rằng Jeong-mo là người viết chính tả tốt nhất trong lớp hay không?

Các bậc làm cha làm mẹ cần rộng lượng, bao dung trước lời nói dối của con trẻ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.