Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Khi không biết lý do trẻ gây chuyện, hãy nhẫn nhịn trước!



Trí tuệ phát triển theo những giai đoạn nhất định. Nghĩa là, cho đến trước một thời kỳ nào đó, dù có huấn luyện như thế nào thì trẻ cũng không có được khả năng nhận biết như mong đợi.

Học giả tiêu biểu cho chủ trương này chính là Jean Piaget, nhà tâm lý học và triết gia người Thụy Sĩ. Theo học thuyết này, trước độ tuổi đến trường, nghĩa là cho đến trước 6 tuổi, trẻ rất khó khăn để hiểu được những khái niệm phức tạp như tập hợp hay nguyên tắc bảo toàn năng lượng, nghĩa là trẻ không thể cùng lúc nhận thức hơn một khái niệm. Việc con trai thứ hai của tôi không cùng lúc suy luận được về hình dạng và màu sắc không phải vì năng lực học tập của con yếu kém mà đó là điều hiển nhiên của sự phát triển. Điều này cũng tương tự như khi bạn bảo một đứa trẻ khoảng bảy tháng tuổi bước đi, liệu bé có thể đột nhiên đứng dậy bước đi được hay không?

Cha mẹ có thể dễ dàng nhận ra sự phát triển thể chất của con theo mỗi giai đoạn trưởng thành bằng mắt thường, nhưng lại không biết rằng sự phát triển tình cảm, ngôn ngữ hay trí tuệ cũng có quá trình tương tự như vậy. Vì thế, cha mẹ không được vô lý ép buộc trẻ làm những điều mà bé không thể thực hiện được ở giai đoạn tuổi của mình. Nếu trẻ không làm được, cha mẹ đừng cho rằng đó là do trẻ chậm phát triển hay vì trẻ không thích làm và cố gắng dạy dỗ trẻ.

Thực tế hiện nay, không chỉ trong học tập mà ở mọi phương diện của cuộc sống, trẻ đều bị ép buộc do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ. Với suy nghĩ nuôi dạy con thành một người có đạo đức, ngay từ khi con còn rất nhỏ, các bà mẹ đã dạy cho bé những quy phạm lớn nhỏ trong cuộc sống và rèn luyện các thói quen cho bé.

Hãy giả định trường hợp trẻ đang đứng trước đèn tín hiệu giao thông. Các bà mẹ nhiều lần nhấn mạnh với con rằng phải sang đường khi đèn dành cho người đi bộ chuyển sang màu xanh. Và nếu trẻ định bước qua lúc đèn đỏ thì sẽ bị mẹ đánh vào mông và bị quát rằng: “Mẹ đã nói là không được làm vậy mà!” Việc trẻ cứ qua đường khi đèn đỏ không phải vì trẻ phớt lờ lời nói của mẹ mà vì trẻ chưa hiểu được ý nghĩa đúng của việc vì sao phải dừng lại khi có đèn đỏ. Nếu thử hỏi đứa trẻ rằng “Vì sao con phải qua đường khi đèn đi bộ chuyển sang màu xanh và phải đứng im khi đèn đỏ?” thì câu trả lời sẽ là “Con sẽ bị mắng nếu không làm theo lời mẹ.” Lúc này, trẻ vẫn chưa hiểu được khái niệm nếu làm sai sẽ gặp nguy hiểm.

Khi nhìn một đứa trẻ khóc lóc và la hét ở quán ăn, nhiều người thường nói rằng: “Nhà đó dạy con thế nào mà đứa bé lại thế nhỉ?” Và đứa trẻ như vậy khiến người mẹ đang ăn cũng dừng lại, giật phắt lấy tay trẻ và mắng con vì xấu hổ với những người xung quanh.

Dĩ nhiên việc ngăn những hành động của trẻ gây ảnh hưởng đến người khác ở nơi công cộng là đúng nhưng điều đó không nói lên rằng đứa trẻ đã làm sai. Khi trẻ không hiểu vì sao không được làm một việc gì đó thì những lời dạy bảo, trách mắng cũng không có tác dụng gì. Tuy nhiên không ít các bà mẹ, đôi khi bị cuốn vào hội chứng “đứa trẻ lương thiện hoặc có đạo đức” mà “đàn áp” con cái mình. Tôi có lời khuyên dành cho các bà mẹ rằng: “Nếu không biết thì hãy nhẫn nhịn.”

Khi không biết lý do vì sao trẻ không nghe lời thì người mẹ có thể nhẫn nhịn và chờ đợi. Nếu thử lắng nghe những điều trẻ muốn, từ bỏ những điều mà người lớn chú trọng một cách không cần thiết và bảo vệ trẻ một cách thích đáng, thì tự thân đứa trẻ sẽ trở nên tốt hơn.

Nhưng nếu cha mẹ có tham vọng và muốn dạy cho con thêm nữa thì có thể dùng nguyên tắc “one step ahead – đi trước một bước” như tôi đã trình bày ở trên. Không cần dạy trước quá nhiều, cha mẹ chỉ cần đi trước một bước. Điều quan trọng là cha mẹ có thể nhắc nhở trẻ vào những khoảnh khắc cần thiết nhưng không vội vàng hoặc đi quá xa.

Ví dụ, khi được khoảng 15-20 tháng tuổi, trẻ bắt đầu hình thành sự gắn kết với những điều thú vị trong cuộc sống. Nếu đưa trẻ đến cửa hàng đồ chơi, trẻ sẽ nhặt xe ô tô, búp bê và máy bay. Một người mẹ nhạy cảm sẽ nảy sinh những mâu thuẫn trong lòng. Một bên là tấm lòng thấu hiểu cho con rằng “Vì con muốn nhiều đồ chơi nên mới vậy” và một bên là suy nghĩ “Nếu cứ để mặc nó thì sẽ thành thói quen mất”. Khi đó, phần lớn các bà mẹ sẽ phát vào tay trẻ nói “không được!” và mắng con. Nhưng nếu nói như vậy thì đứa trẻ có chấp nhận hay không? Câu trả lời là chắc chắn không. Đứa trẻ quấy khóc, người mẹ thì la mắng con lớn tiếng hơn, đó là khi chiến tranh bắt đầu.

Khi các con của tôi được 18 tháng tuổi thì số lần đòi mẹ mua cho cái này cái kia càng lúc càng tăng. Trước hết, tôi cứ lặng yên trước hành động của con vì tôi biết đây là đặc tính mà đứa trẻ nào cũng phải trải qua trong thời kỳ này. Người mẹ không được áp đặt mà phải điều tiết tốt cảm xúc của mình để đứa trẻ có được cảm giác tự tin về cuộc sống. Khi con đòi mua quá nhiều thứ một lúc, tôi đã nói với con: “Ngày mai hãy mua cái này. Vì con không thể chơi hết tất cả những thứ này trong cả ngày hôm nay đâu.” Dù lý do rất đơn giản nhưng trẻ sẽ thấy lời mẹ nói đúng và gật đầu đồng ý. Ngày hôm sau, khi đến cửa hàng đó, tôi nghĩ cách để không đi qua khu vực bán đồ đó nữa. Chỉ đơn giản như vậy thôi nhưng sẽ rất hữu hiệu vì đứa trẻ mau chóng quên đi điều đó. Mặc dù vậy tôi vẫn mua đồ chơi cho con nếu con vẫn không quên điều đó và tôi sẽ hỏi lý do tại sao con cần đồ vật đó.

“Sao con lại muốn mua xe ô tô màu đỏ?”

“Vì con chẳng có cái ô tô màu đỏ nào mà.”

Trẻ khăng khăng muốn một món đồ chơi bằng mọi giá vì lý do riêng của mình.

Sau đó không lâu, người chị chồng rất cưng chiều các cháu của tôi đến chơi và đưa bọn trẻ đi siêu thị.

“Bác mua cho nên các cháu cứ chọn hết những thứ muốn ăn nhé.”

Tuy nhiên mỗi đứa trẻ chỉ cầm trong tay một túi bánh snack.

Nếu ông hay bà bảo rằng sẽ mua đồ chơi cho thì bọn trẻ cũng trả lời rằng lúc ấy chúng chưa cần mua thêm. Những người xung quanh thấy chuyện này thật lạ và hỏi tôi rằng sao những đứa trẻ còn nhỏ lại có thể cư xử người lớn như vậy. Lời đáp cho câu hỏi này rất đơn giản: Bởi vì bọn trẻ thực sự không cần. Tôi đã tạo cho các con cảm giác mãn nguyện, hài lòng với những gì mình có, cũng như sự tin tưởng rằng nếu mình cần thì có thể được đáp ứng và ý kiến của mình luôn được cha mẹ, người thân chấp nhận.

Tôi đã học được “nghệ thuật của sự nhẫn nại” từ cách ứng xử với những đứa trẻ của mình. Chỉ bằng “sự nhẫn nhịn”, bạn đã có thể đạt được một nửa mục đích của sự giáo dục dù không phải cố gắng dạy bảo con cái điều gì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.