Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Lúc muốn dạy “thêm chút nữa” là lúc nên dừng lại



Mỗi khi quan sát Jeong-mo học tập, thỉnh thoảng trong lòng tôi lại trỗi dậy sự cám dỗ rất mãnh liệt. Trước một đứa trẻ dạy một biết mười ấy, tôi lại có suy nghĩ: “Hay là mình thử dạy thêm một chút nữa?” lúc nào không hay.

Hồi Jeong-mo được 5 tuổi, khi lòng tham của một người mẹ bùng lên, tôi đã tìm cho Jeong-mo một cuốn sách giúp phát triển khả năng logic toán học. Các vấn đề được in trong sách không phải để cho trẻ làm quen với những phép tính đơn giản mà là những bài tập đưa ra nhiều loại tình huống suy luận khác nhau. Ví dụ, có bài tập trộn lẫn nhiều loại động thực vật có nhiều điểm giống nhau và phải loại ra một sự vật có hình dạng khác biệt nhất. Bằng cách giải thích lý do cho sự chọn lựa của mình, trẻ phải trải qua quá trình suy luận để có được đáp án. Cuốn sách có vẻ quá sức so với đứa trẻ 5 tuổi như Jeong-mo nhưng tôi vẫn quyết định cho con học thử, nếu Jeong-mo không làm được thì tôi cũng nhẹ nhàng cho qua.

Tuy nhiên, Jeong-mo lại giải được các bài tập một cách dễ dàng hơn dự đoán của tôi. Con lựa chọn đáp án và có suy luận của riêng mình. Chỉ cần tôi hỏi tại sao, con sẽ đưa ra câu trả lời rất rõ ràng.

Nhìn phản ứng của con như vậy, lòng tham muốn con hãy học thêm chút nữa trong tôi lại tăng lên. Các bà mẹ khác cũng vậy, mặc dù tự nhủ là đừng bắt con học thêm nữa nhưng không mấy người chiến thắng được lòng tham và kỳ vọng đang dâng lên trong mình.

Nhưng khoảng thời gian đó tôi quá bận rộn với việc điều trị và những bài giảng, nên khi trở về nhà tôi đã không còn hơi sức để dạy dỗ con. Hai năm sau, nhớ lại sự kiện đó, tôi lại thở phào vì nghĩ “thật là may”. Nếu lúc bấy giờ có thêm chút thời gian thì khi Jeong-mo làm tốt một bài tập, tôi đã tiếp tục cho con “làm thêm một bài nữa, thêm một bài nữa”.

Nhiều người cho rằng không dạy gì cho con quả thực là sai lầm nhưng thực ra, đó mới là suy nghĩ sai lầm. Nếu tôi bắt Jeong-mo học hết thứ này đến thứ khác thì chắc chắn con sẽ nghe theo những gì tôi dạy dỗ để đáp ứng mong đợi của mẹ. Không biết chừng một ngày nào đó, năng lực của con phát triển vượt trội khiến những người khác phải gọi con là thần đồng.

Nhưng liệu Jeong-mo có hoàn toàn tiếp nhận được những điều đó và chúng có thể trở thành bàn đạp cho con được hay không? Ngược lại, khả năng rất cao là Jeong-mo sẽ bị căng thẳng vì không tiêu hóa được hết lượng kiến thức ấy. Jeong-mo sẽ không có được sự thoải mái về thời gian và tinh thần, từ đó, đánh mất khả năng tích cực trong tiếp nhận và học tập.

Sự thoải mái về thời gian và tinh thần để tiếp thu những điều mới mẻ, tôi gọi là “vẻ đẹp của khoảng trống”. Thuốc bổ là tốt nhưng nếu uống liên tục trong một khoảng thời gian ngắn thì giá trị hữu ích của thuốc cũng giảm đi hoặc thậm chí còn gây ra bệnh tật. Thức ăn dù ngon đến mấy mà cứ ăn liên tục thì đương nhiên sẽ ngán. Không ít bà mẹ đã ép con ăn bằng mọi giá mà không nghĩ đến việc trẻ cũng cảm thấy mệt mỏi khi tiêu hóa chúng, chẳng cần quan tâm con có bị đầy bụng hay không, có mắc bệnh hay không.

Trẻ dù tài giỏi đến đâu cũng có giới hạn trong năng lực tiếp nhận và chỉ có thể “tiêu hóa” một dung lượng nhất định. Nếu khối lượng bài học vượt quá giới hạn, cha mẹ cũng không thể kỳ vọng có bất cứ hiệu quả nào, giống như việc đổ thêm nước vào chiếc bình đã đầy tràn vậy. Ngược lại, khi trẻ tự mình tiếp nhận một điều gì đó, trẻ sẽ cảm nhận được sự thú vị của việc học.

Hầu hết các bà mẹ đều không biết đến sự thật này. Khi tôi nói điều này, các bà mẹ thường thắc mắc: “Làm sao tôi biết được giới hạn của con là đến đâu?”

Câu trả lời chỉ có một: Giới hạn là khi mẹ cảm thấy trẻ có một chút thiếu sót. Chính phần không được thỏa mãn ấy trở thành “khoảng trống”. Vì khoảng trống này mà trẻ tiếp nhận kiến thức mới và nghiền ngẫm một mình để liên kết chúng với cuộc sống của bản thân rồi “tiêu hóa” chúng theo ý mình.

Có trẻ khi còn rất nhỏ đã đọc được những chữ viết trên bảng hiệu cửa hàng. Dù chưa từng được dạy bảo nhưng việc trẻ nói “đó là chữ ‘bò’ đúng không?” đã khiến người mẹ ngạc nhiên. Đây chính là kết quả mà vẻ đẹp của khoảng trống mang lại. Liên tục ghi nhớ về từ từng nhìn thấy trong sách tranh và ứng dụng ngay trong một khoảnh khắc nhất định của cuộc sống, đó chính là đặc tính của trẻ.

Từ sau khi được biết về “vẻ đẹp của khoảng trống”, tôi đã bỏ hoàn toàn suy nghĩ sẽ dạy thêm cho Jeong-mo. Thời gian ấy tôi để con được vui chơi và một mình tưởng tượng theo ý thích. Khi Jeong-mo còn nhỏ, chúng tôi cũng dành thời gian cho con đắm chìm vào thế giới của sự tưởng tượng khi nhìn đám mây trên bầu trời hay hình vẽ trên giấy dán tường.

Khi Kyeong-mo đi học, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc có nên bắt con học thêm tất cả các môn học ở trường hay không. Nhìn Kyeong-mo không thể theo kịp chương trình học ở trường cho đến năm lớp Ba, bỗng nhiên tôi thấy sợ hãi. Tuy nhiên, sau thời gian lo lắng kéo dài, tôi lại thay đổi suy nghĩ. Một phần cũng vì vấn đề kinh tế nhưng lý do lớn nhất chính là “vẻ đẹp của khoảng trống”. Tôi biết rõ việc bắt Kyeong-mo học thêm tất cả các môn và một mình tiêu hóa hết lượng kiến thức đó là quá sức với con. Nhờ tôi không ép buộc mà giờ đây Kyeong-mo đang học tốt.

Ngay cả bây giờ cũng vậy, nhìn Jeong-mo vượt trội hơn so với lứa tuổi của con, nhìn Kyeong-mo hơi thiếu sót một chút, tôi lại trỗi dậy suy nghĩ dạy con “thêm một chút nữa…” Nhưng bất cứ khi nào cảm thấy như vậy, tôi lại dặn lòng mình: khi muốn dạy “thêm chút nữa” chính là lúc phải dừng lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.