Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Lý do người cha rất cần cho việc học của trẻ



“Hong Kyeong-mo, con thật là quá đáng!”

“Chẳng phải mẹ đã hứa trước rồi sao!”

Tôi có hứa đi chơi với con vào cuối tuần nhưng tôi không đồng ý đi trước khi con hoàn thành bài tập toán. Nhưng Kyeong-mo chỉ nhớ đến chuyện đi chơi và vờ như hoàn toàn không nhớ đến điều kiện ban đầu. Ngồi ở bàn học mà con kiếm chuyện suốt cả buổi. Tôi muốn chịu đựng và dỗ dành con nhưng rồi tôi không ngăn được cơn giận đùng đùng.

Ngay lúc đó, “kỵ sĩ bóng đêm” của Kyeong-mo xuất hiện: “Kyeong-mo nè, nếu con học xong hết rồi thì ra ngoài với bố nhé!”

“Học hết…”

Trước khi tôi nói xong, chồng tôi đã nắm tay Kyeong-mo và chạy ra ngoài cửa. Jeong-mo ngồi bên cạnh thấy vậy cũng vội vã chạy theo bố. Tôi vội đứng dậy định ngăn lại nhưng ba bố con đã ra đến hành lang, đi giày và chuẩn bị ra ngoài.

“Chúng ta đi ăn hamburger ở đằng kia nhé.”

Chồng tôi đã nói ranh mãnh như thế. Kyeong-mo và Jeong-mo lẽo đẽo bám theo gót bố. Tôi định lên tiếng thì chồng tôi đã chặn lời: “Kyeong-mo, chút nữa con sẽ học cho xong hết đúng không?” Vừa nghe câu đó xong, Kyeong-mo đã nhanh chóng đáp “dạ” rồi mở cửa chạy ra ngoài.

Mỗi lần mẹ con tôi có chuyện ầm ĩ thì chồng tôi lại đứng về phía các con. Nếu tôi hỏi anh ấy rằng có mong con học giỏi ở trường không thì chồng tôi lại qua loa đáp rằng: “Em giỏi rồi mà. Nếu anh chỉ trở thành người quản lý giao thông thì không được sao?” Mỗi lần như vậy chồng tôi lại đem việc làm quản lý giao thông ra nói.

Gần đây, mỗi khi thấy chồng như vậy, tôi lại nhớ đến hình ảnh của bố lúc tôi còn nhỏ. Thuở bé, tôi từng lén mẹ trốn trong phòng chơi trò vẽ lại các bức hình của truyện tranh. Việc vẽ vời như vậy rất thú vị nhưng mỗi lần cửa phòng mở, tôi lại giật thót mình. Nhìn vẻ hoảng hốt của tôi, bố tôi còn hoảng hốt hơn và lúc đó đã nói với tôi: “Ye Jin của bố vẽ đẹp quá. Chắc là khi lớn lên con sẽ thành họa sĩ đấy.”

Việc vẽ truyện tranh của tôi đã bị mẹ phát hiện mấy lần và lần nào cũng khiến tôi khiếp đảm. Nhưng tôi không ngờ rằng bố lại nói với tôi những lời ấm áp đến vậy.

Bố tôi là người bận rộn quanh năm suốt tháng nên ông hoàn toàn không can dự gì đến việc học của tôi. Vậy nhưng trong ký ức của tôi, bố lại là hậu phương mạnh mẽ và vững chắc. Hồi nhỏ, tôi là một đứa bé tinh nghịch nên một tháng tôi làm vỡ hộp cơm giữ nhiệt tới mấy lần. Lần nào về nhà tôi cũng bị mẹ mắng, vì thế sau mỗi lần làm vỡ, tôi quyết định đi tìm bố. Bố nhìn hộp cơm của tôi, không nói gì và dắt tôi đi đâu đó. Bố nói rằng một người quen ở nhà máy sẽ sửa lại cái hộp bị vỡ sao cho nhìn như chưa hề hấn gì.

“Chuyện này là bí mật của bố và con thôi nhé! Con đừng kể với mẹ. Biết chưa?” Lúc đó, tôi thấy hào hứng với bí mật của hai bố con còn hơn cả việc không bị mẹ mắng nữa.

Cứ mỗi dịp tôi thi xong, bố lại tặng cho tôi một món quà nhỏ. Không phải bố tặng quà vì tôi đã thi tốt, chỉ đơn giản là tôi đã học hành vất vả, món quà được tặng để tôi có thể cố gắng hơn. Bố tôi thường bí mật mở cửa phòng, lặng lẽ bước vào, để lại quà mà không nói gì rồi bước ra ngoài. Trong khi mẹ hay than phiền về mọi chuyện tôi làm thì bố vẫn bí mật tặng những món quà cho tôi như thế. Nhờ có bố mà tôi đã có thêm hứng thú học hành.

Một ngày trước kỳ thi đại học, mọi người xung quanh đều bảo tôi phải thi vào Đại học Seoul nhưng chỉ duy nhất bố nói rằng: “Con hãy làm theo điều mình muốn để sau này không hối hận.” Bố còn đưa tôi đến tận nơi đăng ký thi vào Đại học Yeon-se và tự tay viết đơn cho tôi, ngay cả mẹ cũng không biết chuyện này.

“Cuộc sống bây giờ, dù là phụ nữ cũng phải tự mình làm mọi việc. Nếu con làm được như thế thì bố rất vui.”

Lời nói ấy trở thành nguồn sức mạnh lớn nhất cho tôi đạt được vị trí như bây giờ. Trước mặt đứa con gái đi lấy chồng khi mới bước qua tuổi 24, ở nơi tổ chức lễ cưới, lần đầu tiên bố tôi đã khóc. Ngay khi chứng kiến những giọt nước mắt của bố, tôi nhận ra tình yêu thương của bố dành cho mình lớn lao thế nào trong suốt thời gian qua.

Có một điều khá kỳ lạ là dù cho chồng tôi có vẻ ngoài khá khác biệt so với bố, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thấy dáng dấp của bố mình trong cách chồng tôi cư xử với Kyeong-mo.

Có một quy luật là khi có chuyện liên quan đến học tập thì hai đứa nhỏ bám dính lấy mẹ còn lúc chơi, chúng lại đi tìm bố. Nếu học với bố thì “chẳng hay gì hết”, còn nếu chơi với mẹ thì “chẳng vui gì cả”. Khi chơi đùa, cả ba người đều thực sự giống như bạn bè của nhau. Rõ ràng các con tôi rất hào hứng khi chơi đùa với bố nhưng nhìn các con phớt lờ giờ học mà mải chơi, tôi rất dễ nổi nóng. Tôi thấy mình giống như một người chỉ muốn đóng vai tốt mà thỉnh thoảng cũng bị các con ghét bỏ, nhưng nhìn hình ảnh chồng tôi như thế, tôi nhận ra những điều mới mẻ về vai trò của người bố trong chuyện học của con.

Mỗi ông bố có một dáng vẻ khác nhau nhưng có lẽ ít nhiều cùng có chung một nguyên tắc, đó là phải có thái độ chu đáo trong việc học hành của con cái. Giống như chơi trò kéo co, nếu người mẹ dồn trẻ về một phía bằng việc học thì người bố phải tạo ra sự thoải mái cho trẻ ở một phía khác. Chỉ khi đạt được sự cân bằng, trẻ mới có thể vượt qua được sự căng thẳng học hành một cách dễ dàng.

Cả bố và mẹ đều dành tình yêu thương cho tôi nhưng cách biểu hiện của hai người rất khác nhau. Nếu mẹ tôi ở bên cạnh và xử lý mọi chuyện thì bố lại ở phía sau một bước và như tán cây tỏa bóng mát cho tôi giữa mùa hè. Bố luôn khiến tôi thấy vui vẻ như đứng trước cả một kho báu vậy. Nhờ bố mà tôi không đánh mất nụ cười dù việc học ở

trường rất ngột ngạt, sức mạnh từ tình yêu của bố khiến tôi không nghĩ đến việc bỏ học. Chồng tôi cũng đóng vai trò như thế với Kyeong-mo và Jeong-mo. Nếu tôi là người quan tâm sát sao đến chuyện học hành của con thì chồng tôi lại là người giũ bỏ gánh nặng mà việc học mang lại.

Khi xem xét ở khía cạnh này, biết đâu chồng tôi lại đóng vai trò lớn hơn trong chuyện học của các con. Bởi chính chồng tôi đã đem lại cho bọn trẻ thái độ tích cực hơn với việc học.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.