Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Những cách hiểu sai lầm về “nuôi con một cách từ tốn”



Có người mẹ trẻ đang nuôi con một tìm đến tôi vì đứa bé đột nhiên trở nên khác thường. “Thưa bác sĩ, trẻ con cũng có thể đột nhiên trở nên ngốc nghếch chứ?”

Câu hỏi ngớ ngẩn đến mức tôi bật cười lúc nào không hay. Nhưng nét mặt của người mẹ ấy thực sự có vẻ rất nghiêm trọng. Tiếp tục trò chuyện, tôi mới biết rằng gần đây, đứa bé đột nhiên đại tiện không đúng chỗ như trước nữa. Một hai lần đầu, người mẹ cho rằng con chỉ lỡ làm vậy thôi nhưng càng lúc mức độ càng trầm trọng.

So với những trẻ khác, đứa bé này luôn phát triển nhanh hơn ở từng giai đoạn. Nhìn bề ngoài, bé không có biểu hiện khác thường nào. Lúc chơi cũng giỏi, trả lời các câu hỏi cũng tốt. Vậy rốt cuộc nguyên nhân là gì?

Theo lời người mẹ, sau khi chị chồng đang sống ở Mỹ đến chơi được khoảng một tuần thì đứa trẻ trở nên lạ lùng. “Có phải chị chồng của chị dắt con theo không?” – tôi hỏi. Đúng như tôi dự đoán, người chị chồng có một đứa con cùng tuổi với bé.

Tôi gợi ý cho người mẹ rằng hãy đưa bé đi chơi thỏa thích trong vòng khoảng một tuần. “Đơn thuốc” của tôi là trong một tuần đó người mẹ phải đưa con đến công viên trò chơi hoặc mua cho con những thứ đồ chơi bé thích và cho bé thấy những cử chỉ yêu thương khác với mọi khi. Song song với đó, tôi cũng đề nghị người mẹ hãy ôm ấp, âu yếm con dù bé có biểu hiện tụt lùi đi chăng nữa.

Không quá một tuần kể từ hôm đó, tôi nhận được cuộc gọi đầy vui mừng của người mẹ: “Tôi làm theo lời bác sĩ và con tôi chuyển biến tốt lên rất nhiều. Không chỉ vậy mà những thói xấu trước đây của cháu cũng biến mất.”

Những đứa trẻ đang lớn có thể bị căng thẳng tạm thời mà cha mẹ không nhận ra. Nguyên nhân có thể do khi bẩm sinh trẻ đã mang bệnh hoặc nhất thời cha mẹ bận rộn, ốm đau, không chăm sóc trẻ được chu đáo. Trường hợp đứa bé này là như vậy. Nhìn thấy mẹ mình quan tâm quá nhiều đến đứa cháu lâu ngày mới gặp, bé cảm thấy tình yêu của mẹ dành cho mình bị người khác cướp đi. Kết quả là bé phản ứng bằng việc đi vệ sinh lung tung. Vì thế, nếu thấy trẻ có biểu hiện khác thường thì cha mẹ cần từng bước tìm ra nguyên nhân từ những chuyện nhỏ như: có phải cha mẹ đã cư xử hời hợt với trẻ hay không, có phải sự thay đổi hoàn cảnh sống khiến trẻ bị căng thẳng hay không.

Tuy nhiên, khi hành động có vấn đề của trẻ kéo dài khoảng 2-3 tháng thì cha mẹ phải suy nghĩ lại vì điều này không thể giải quyết chỉ bằng sự cố gắng từ một phía. Trong các trường hợp như vậy, đa số các ông bố bà mẹ dù nắm bắt được sự khác thường của con mình nhưng vẫn không nghĩ đến việc tìm gặp chuyên gia. Vì phần đông các phụ huynh đều cho rằng khoa tâm thần là nơi mà chỉ dành cho những ai có vấn đề nghiêm trọng về tâm thần.

Không phải tôi không hiểu suy nghĩ đó nhưng thực tế cho thấy, trong các trường hợp đến khoa tâm thần trẻ em, đa số các bé đều khiến cha mẹ lo lắng vì những vấn đề như học kém, chậm nói hoặc thiếu tập trung. Nhiều người thay vì đến gặp chuyên gia, lại tự mình lặng lẽ đối diện với khó khăn, hoặc hỏi ý kiến của những người xung quanh. Nhưng thường thì những câu trả lời họ nhận được chỉ dừng lại ở mức: “Mặc kệ đi. Rồi nó sẽ tốt thôi.” Nhưng theo quan điểm cá nhân, câu nói tôi không thích nhất là: “Trẻ con đứa nào cũng vậy. Có những đứa vốn dĩ chậm chạp mà.” Lúc đầu tôi cũng không biết câu này có đúng hay không nhưng cứ tiếp tục nói những lời đó trong 1-2 tháng thì trẻ bắt đầu bị tổn thương.

Trường hợp điển hình liên quan tới khả năng phát triển ngôn ngữ. Việc phát triển ngôn ngữ nằm trong quá trình trưởng thành của trẻ nên rất quan trọng với trẻ ở khoảng trước và sau 3 tuổi. Nếu khả năng ngôn ngữ không phát triển đúng trong thời kỳ này thì sẽ liên tục phát sinh vấn đề theo hiệu ứng domino như tính xã hội, quan hệ đối nhân xử thế cũng không ổn…

Mọi sự phát triển của trẻ đều có một thời kỳ riêng. Trước mỗi thời kỳ nhất định, dù cha mẹ muốn dạy cũng không có kết quả; còn khi giai đoạn qua rồi, dù vội vàng khích lệ trẻ thì cũng không thể phát triển được. Nếu bỏ lỡ thời điểm thì mãi mãi sẽ không đạt được sự phát triển như mong muốn.

Có lần, một người mẹ dẫn theo đứa con lên 6 tuổi nhưng có vẻ chậm nói đến gặp tôi. Người mẹ định cho con đi mẫu giáo nhưng vì bé không nói được rõ ràng nên lại thôi. Khi gặp phải trường hợp này tôi cũng thầm tự hỏi “Phải làm sao đây?” Trong những trường hợp đứa trẻ chậm nói đến khám, mười trẻ thì đến tám, chín đã đến tuổi đi học như bé này. Nếu cha mẹ đưa trẻ đến điều trị sớm hơn, ngay khi bệnh mới phát sinh thì bệnh của trẻ đã không nặng đến mức đó. Với những đứa trẻ này, không còn cách nào khác ngoài việc hoãn thời gian cho bé nhập học 1-2 năm, vì nếu vẫn cho trẻ chậm nói đi học, có khả năng cao là mối quan hệ của bé với bạn bè đồng trang lứa và với thầy cô giáo không suôn sẻ, từ đó gây ra những khiếm khuyết về mặt tình cảm.

Nếu kiểm tra IQ của những bé như thế, ngoài khả năng ngôn ngữ thì những yếu tố khác phần lớn vẫn bình thường. Từng số liệu cụ thể cho thấy trí năng đạt mức 110 nhưng trình độ hiểu ngôn ngữ hoặc năng lực từ vựng của bé chưa được đến 80.

Khi trẻ được khích lệ đúng mức, phù hợp với giai đoạn phát triển, khả năng thích ứng của trẻ có thể đạt đến 120%. Nếu bỏ lỡ giai đoạn một lần, dù não bộ trẻ đã trưởng thành và được khích lệ tương tự như vậy thì bé cũng không thể phát triển ở mức tương đương.

Xét trên quá trình phát triển của trẻ, việc giáo dục sớm chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh trí tuệ. Tuy đây là cách giáo dục có vấn đề nhưng không có nghĩa là cha mẹ để mặc trẻ tự do và lười nhác. Phương pháp nuôi con từ tốn hoàn toàn không phải là cách nuôi dạy con của những cha mẹ vô tâm, trái lại, đây là phương pháp rất khó khăn mà chỉ những cha mẹ sáng suốt, thực sự hiểu rõ con cái mới có thể làm được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.