Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Những điều cần học hỏi trong phương pháp nuôi con của người Ladakh (1)



Ở các trường mầm non của Mỹ, giáo viên phần nhiều là phụ nữ lớn tuổi, rất ít giáo viên trẻ trung, hoạt bát như trong các trường mẫu giáo của Hàn Quốc. Ở Mỹ, khi tuyển dụng giáo viên mầm non, người ta ưu tiên chọn những ai có kinh nghiệm nuôi trẻ, bởi người như vậy mới hiểu rõ về trẻ và biết cách đối xử đúng đắn với chúng. Những phụ nữ lớn tuổi từng nuôi con và cháu, nên khi đối diện với bọn trẻ, họ sẽ cư xử bằng tình yêu thương và các bé cũng rất nghe lời những giáo viên như vậy.

Muốn thành công và tạo niềm vui thú cho trẻ khi ở trường mẫu giáo, giai đoạn khó khăn đầu tiên trong hệ thống giáo dục chính quy, trẻ rất cần những giáo viên như người mẹ, người bà hiểu rõ chúng hơn bất kỳ ai khác. Việc tuyển giáo viên mầm non như ở Mỹ cũng là điều hợp lý.

Nhưng ở Hàn Quốc thì khác. Sau đây là cảnh có thể thường thấy trong một gia đình nào đó:

“Đừng ép con làm gì, cứ để mặc nó.”

“Cả mẹ và những người khác cũng như vậy à? Chẳng lẽ mẹ muốn thấy con cháu nhà mình kém cỏi sao?”

Dường như cuộc sống hiện đại đã khiến chúng ta bị bủa vây trong nỗi ám ảnh phải hấp thụ thật nhanh những điều mới mẻ trong một ngày. Không có người hiện đại nào cảm thấy rảnh rỗi, thoải mái, sự lười nhác và chậm chạp chẳng khác nào những thứ gây chết người.

Một ngày nào đó, kỹ thuật mới bất ngờ xuất hiện và buộc người ta phải sử dụng, người không biết dùng sẽ gặp rất nhiều bất tiện. Bất cứ ai cũng có quyền không dùng smart phone, không đi xe hơi, không dùng Internet nhưng những người này phải có “dũng khí” để vượt qua sự cô lập trong xã hội. Rốt cuộc, dù có thích hay không, nếu không muốn trở thành người đi ngược lại với xã hội thì làm quen với những kỹ thuật mới là cách duy nhất. Thêm vào đó, chứng vội vã có tên “ppali ppali”2 của người Hàn thuyết phục con người đón nhận những thứ mới mẻ một cách vô điều kiện trước khi kịp suy nghĩ cho câu hỏi “Cái đó có thật sự cần thiết hay không?”

Việc nuôi dạy trẻ cũng giống như vậy. Trong những bé cùng mẹ đến bệnh viện thời gian gần đây, số trường hợp trẻ bị ép “khôn” sớm một cách vô lý đang tăng lên. Càng lúc trẻ càng hay bị thúc ép phải “nhanh lên” trong tất cả mọi việc. Nhưng thực lòng tôi tự hỏi không biết giữa lòng mong muốn đem lại những điều tốt đẹp cho con với nỗi ám ảnh con mình thua kém con người khác, cái nào lớn hơn.

Cái chúng ta thực sự phải lo lắng là xác định xem điều gì cần cho trẻ. Tôi phát hiện ra rằng những điều từng bị cho là có hại trong cách nuôi dạy trẻ truyền thống thực ra lại là điều thực sự cần thiết.

Khi thơ ấu, sự ổn định về tình cảm của trẻ là điều cần được ưu tiên trước hết. Đặc biệt, với những bé dưới 4 tuổi, những tiếp xúc mang tính tình cảm với cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách. Khi rời xa vòng tay cha mẹ quá sớm, tình cảm của trẻ không thể được thỏa mãn do nỗi bất an và cảm giác mất mát. Giáo sư ngành giáo dục học Leo Buscaglia của Đại học California, Mỹ cũng nhấn mạnh: điều thật sự cần cho quá trình trưởng thành của trẻ không phải là giáo dục tri thức mà là giáo dục tình cảm. Ông nói: “Mỗi ngày sống trong tình yêu thương của gia đình và bạn bè là điều rất tốt.”

Hãy nhớ đến cách những người bà đã nuôi dạy bọn trẻ. Câu nói xuất hiện thường xuyên nhất trên môi các bà là “cục vàng của bà”, dù trẻ đủ lớn để có thể tự mình ăn cơm nhưng các bà vẫn cứ nhai cơm và đút cho bé. Các bà không có thói quen than phiền việc bọn trẻ đi vệ sinh tùy tiện. Mặc dù thấy trẻ đang chơi đùa rồi đi vệ sinh luôn tại chỗ nhưng các bà cũng chỉ đem chúng ra sân giếng để rửa ráy và đánh nhẹ vào mông mà thôi.

Ban đêm, khi trẻ ngủ cũng vậy. Bà cho trẻ gối lên tay, cùng nằm bên trẻ trong chăn ấm và cất giọng hát ru đều đều cho đến khi trẻ chìm vào giấc ngủ. Và chắc chắn, những trẻ lớn nào đang cảm thấy sợ và tìm đến phòng bà đều cảm thấy được an ủi, vỗ về khi được bà ôm vào lòng.

Nhưng nếu quan sát thấy biểu hiện của trẻ chậm chạp hơn so với những bé khác, các bà cũng tuyệt đối không vội vàng. Có khi, các bà còn nói với trẻ rằng dù có bị ai thúc ép thế nào cũng đừng sợ hãi và các bà cũng thường trở thành người bảo hộ cho bé. Hình ảnh về bà là người vừa ăn ý với trẻ vừa thể hiện tình yêu thương ngập tràn bằng tấm lòng vui vẻ.

Vẫn giữ cách nuôi con theo phương thức sinh hoạt truyền thống, bất cứ ai ở Ladakh cũng không tức giận với bọn trẻ. Helena Norberg Hodge, trong cuốn sách Tương lai cổ đại – Bài học từ Ladakh nói rằng dù bọn trẻ có xé sách và léo nhéo không ngừng bên tai “Cái gì thế này!” thì người Ladakh cũng không nổi giận. Tương tự điều này, trẻ em ở Ladakh nhận được tình yêu thương vô điều kiện, không giới hạn từ những người xung quanh. Điều đó không ảnh hưởng gì tới tính trách nhiệm của trẻ Ladakh. Từ rất sớm, chúng đã biết cõng các em bé nhỏ trên lưng. Điều đó có nghĩa là, những trẻ nhận được tình yêu thương đủ đầy sẽ trưởng thành một cách tự do và độc lập nhanh hơn. Helena Norberg Hodge đã nói: “Giờ đây tôi tin rằng cộng đồng nhỏ thân thiết tạo nền tảng tốt cho sự trưởng thành và phát triển cân bằng của trẻ. Một xã hội lành mạnh là xã hội đậm tình cảm một cách vô điều kiện đối với mỗi cá nhân, đồng thời khuyến khích sự gắn kết, tương trợ xã hội chặt chẽ. Theo đó, các cá nhân càng có thể tự do, độc lập bao nhiêu thì càng có cảm giác ổn định, đầy đủ bấy nhiêu.”

Có thể thấy nét chung trong việc nuôi dạy con cái ở Ladakh và cách thức truyền thống của người Hàn Quốc là thay vì ép buộc và dạy trẻ quá sớm, chỉ im lặng để trẻ có thể bày tỏ những mong muốn của chính mình. Trong cách nuôi dạy này, chúng ta không tìm thấy sự gấp gáp mà chỉ có yêu thương và tin tưởng bọn trẻ hết lòng.

Tôi nghĩ truyền thống là những điều đã được kiểm chứng trong suốt những năm tháng qua và còn giá trị cho đến tận bây giờ. Như vậy, điều cha mẹ cần là “sự khôn ngoan của chờ đợi” hay chính là tình yêu và niềm tin tuyệt đối dành cho trẻ.

Giờ đây, nếu định dạy cho trẻ điều gì thì hãy thử dừng lại một chút và suy ngẫm. Hãy tự hỏi có khi nào mình thiếu tình yêu và niềm tin cho trẻ hay không, có phải mình đang vội vàng hay không, có phải mình đi ngược lại điều trẻ muốn hay không.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.