Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Nuôi dạy con một cách từ tốn không phải là chọn lựa mà là tất yếu



Đột nhiên đứa con vốn rất hiền lành, chu đáo của bạn lại cư xử thô bạo với em. Ban đêm bé không chịu ngủ mà cứ mè nheo, bé phá hỏng đồ chơi mà chẳng có lý do, càng lúc những chuyện này càng trở nên nghiêm trọng. Nếu rơi vào tình huống đó, quý vị sẽ nghĩ sao về con mình? Tôi chắc rằng có đến 9 trên 10 bà mẹ Hàn Quốc lo lắng rằng: “Không phải con mình đang gặp vấn đề gì chứ?” Có cha mẹ nào lại không nhạy cảm trước những hành động lạ lùng của con mình?

Với những người mẹ lo lắng khi con mình có biểu hiện như thế, tôi luôn nhấn mạnh rằng: “Mức độ phát triển của mỗi trẻ là khác nhau. Không thể có những hướng dẫn phổ biến được chuẩn hóa dành cho mọi đứa trẻ. Vì vậy đừng vội vàng đưa ra thước đo ‘thế nào là bình thường, thế nào là có vấn đề’ đối với trẻ.”

Dĩ nhiên có trẻ khó nuôi hơn những bé bình thường khác và cũng có những trẻ thực sự có vấn đề về tâm lý. Nhưng tôi chắc chắn những điều sau là đúng. Nếu hoàn cảnh để trẻ lớn lên (như tính cách của cha mẹ, bầu không khí trong nhà, điều kiện kinh tế của gia đình) tốt thì dù trẻ bẩm sinh có vấn đề cũng không dễ mắc bệnh. Ngược lại, dù trẻ sinh ra bình thường nhưng nếu hoàn cảnh sống không tốt thì trẻ vẫn có thể có hành vi lệch lạc. Đây là điểm rất quan trọng khi tìm hiểu về hành động hay sự phát triển của trẻ.

Trong số các bệnh nhân của tôi, có những trẻ biểu hiện sự rối loạn về khả năng tập trung mà y học gọi là “chứng tăng động, giảm chú ý”. Tuy nhiên nếu trẻ nào có được người mẹ ân cần và bao dung thì sau này trẻ sẽ không phạm lỗi gì cá biệt khi đi học. Nếu gặp người mẹ nóng nảy và dễ tức giận thì chứng bệnh của trẻ dễ chuyển biến xấu đi ngay từ khi còn nhỏ.

Một ví dụ khác là về những trẻ hơi chậm phát triển. Trước nay, biểu hiện này chưa xuất hiện nhiều nhưng gần đây nó đang trở thành căn bệnh ngày càng tăng đột biến. Trẻ được cho đi học mẫu giáo sớm, nếu không biết nói sẽ bị bạn bè cô lập, nếu cứ tiếp diễn sẽ trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, chưa cần vội áp dụng những trị liệu chuyên môn nếu bầu không khí trong gia đình vẫn thoải mái và người mẹ luôn quan tâm, gần gũi trẻ. Nếu trẻ đã chậm nói mà cha mẹ không cùng trẻ tập nói, không khích lệ động viên, lại dọa nạt làm bé hoảng sợ thì lời khuyên của tôi là cần chữa trị cho bé một cách tích cực.

Tương tự như vậy, khi xem xét con mình có phát triển tốt hay không, có xảy ra vấn đề gì hay không thì không chỉ dựa trên bản thân bé mà cha mẹ cần quan sát cả những đứa trẻ xung quanh và cân nhắc giữa nhiều điều kiện khác nhau.

Thêm một điều nữa, cha mẹ cần thừa nhận rằng tốc độ phát triển của mỗi trẻ không giống nhau. Cha mẹ đừng lo lắng vì “con hàng xóm đã nói mấy câu rồi mà sao thằng nhóc này chậm nói thế” và đừng buồn phiền khi “con người ta đã học chữ rồi, sao con mình chỉ nghịch đồ chơi mà không thèm quan tâm chữ nghĩa gì cả”.

Biểu hiện để người mẹ biết có vấn đề gì với con mình hay không đó là “Smiling on happy face – Nụ cười trên khuôn mặt hạnh phúc”. Nếu trẻ vẫn giữ được khuôn mặt tươi cười và vẻ hạnh phúc thì có nghĩa là bé không gặp vấn đề gì.

Vì vậy, đừng nghiêm trọng hóa khi đánh giá một đứa trẻ vì sự phát triển của bé chỉ biểu hiện một phần con người bé. Hãy nhớ rằng sự lo lắng vô ích có thể ảnh hưởng xấu đến một đứa trẻ bình thường.

Nhưng cũng có những bà mẹ đặt câu hỏi ngược lại: Ngộ nhỡ con mình thua kém hay không theo kịp các trẻ khác thì sao? Họ thắc mắc như vậy vì không biết bí mật trong sự tăng trưởng của trẻ.

Nhìn chung, các bà mẹ nghĩ rằng sự tăng trưởng của con cùng với những nỗ lực từng ngày của mình là đường chéo đi lên đều đặn và liên tục. Nhưng thực tế không phải vậy. Sự phát triển của trẻ đi theo hình bậc thang, có những quãng dừng lại đợi chờ rồi sau đó lại bất ngờ tăng vọt lên nhờ sự khích lệ. Nghĩa là dù mẹ có cố gắng thế nào thì bé vẫn “giậm chân tại chỗ” trong một thời gian nhất định rồi lại tăng trưởng vụt lên.

Một điều nữa, khác với những gì các bậc cha mẹ thường biết, bộ não con người thay đổi và phát triển không ngừng cho đến tuổi dậy thì. Quá trình phát triển của não bộ cho đến khi đạt cực đại có vô vàn biến đổi. Tuy nhiên, nếu vội vàng bắt ép trẻ trong chuyện học hành và những việc khác thì có thể làm phát sinh vấn đề đối với sự tăng trưởng theo kiểu bậc thang của bé.

Vì vậy tôi nhấn mạnh rằng “việc nuôi dạy con cái phải đi đến tận cùng mới có thể biết được kết quả”. Nhìn một hạt giống, ta chẳng biết được sau này nó sẽ ra hoa như thế nào. Hạt giống bén rễ, cành lá đâm chồi, kết nụ rồi nở hoa, đến lúc đó ta mới biết hình dáng, tên gọi và hương hoa ra sao. Điều này giống với khái niệm “time table” (lịch trình) mà mọi người thường nhắc đến. Mọi người thường nói: “Lúc nhỏ thông minh nhưng lớn lên lại không như vậy” hay “Thuở bé nói còn không xong mà bây giờ cái gì cũng nhanh hơn người khác” – nghĩa là, trẻ lớn lên có thể trở thành người không giống với dự đoán hay kỳ vọng của cha mẹ. Tiềm năng ban đầu của trẻ, tùy theo điều kiện xung quanh hoặc sự phát triển của não bộ, một lúc nào đó sẽ được thể hiện ra rất khác biệt, không ai có thể đoán trước được.

Do đó, việc cha mẹ có thể làm là tin tưởng vào “lịch trình” của con mình và loại trừ những yếu tố gây hại. Nghĩa là, cần giữ cho ý thức về cái tôi tích cực của trẻ không bị xâm hại, sự tự tin của trẻ không mất đi và niềm tin vào cuộc sống vẫn luôn còn đó.

Con trai đầu lòng của tôi khi còn học mẫu giáo rất ghét sự thay đổi, đến nỗi bé vẫn mặc bộ quần áo dài dùng trong mùa đông vào mùa hè. Khi những đứa trẻ khác đều mặc quần soóc đi học, tôi không thể để bé tiếp tục mặc quần áo dài và bắt bé thay đồ. Chỉ có vậy mà con lại gào khóc và làm ầm ĩ cả lên. Cuối cùng, con thỏa thuận với tôi là vẫn mặc bộ đồ dài bên trong quần soóc và cứ thế đi học. Được một ngày, con không thích bị bạn bè chế nhạo nên cũng chịu cởi bộ đồ đó ra.

Đến bây giờ cũng vậy, con trai lớn của tôi thuộc tuýp người chống đối sự thay đổi một cách thái quá. Nhưng tôi không lo lắng. Con có ý thức về cái tôi tích cực và tôi đang chờ đến lúc con tìm thấy năng lực tiềm ẩn của bản thân trên nền tảng cái tôi đó. Dĩ nhiên nói vậy không phải là phủ nhận những vấn đề có thể xảy ra ở trẻ, cũng không phải bàng quan. Trong việc nuôi con, chờ đợi có nghĩa là không ngừng quan tâm và khích lệ vào những thời điểm thích hợp, còn nếu con chưa làm được điều đó thì tìm cách khác để có thể hiểu con chứ đừng vội vàng, gấp gáp.

Kể cả việc tôi quyết định không cho con đi học trường tư cũng xuất phát từ lý do như vậy. Những trẻ được gọi là tài giỏi nếu lớn lên trong sự thúc ép phải học nhanh, học gấp, học không được nghỉ ngơi mà không thích nghi được thì sẽ bị tổn hại rất nhiều.

Tất nhiên trường hợp con trai thứ hai của tôi thì khác. Khác với anh trai, cái tôi của cậu út mạnh hơn, đồng thời khả năng tiếp nhận suy nghĩ của người khác rồi hiểu theo cách của mình cũng nổi trội hơn. Hơn nữa, bé rất hiếu kỳ và có tố chất học hỏi xuất sắc. Một ngày nọ, con út của tôi thấy mẹ đọc truyện tiếng Anh cho anh trai đang học tiểu học nghe, bé cũng đòi để mình đọc và thuộc lòng cả câu tiếng Anh đó. Tố chất tích cực của bé từ bẩm sinh đã có, điều cha mẹ cần làm là ủng hộ và khích lệ không ngừng để những tò mò học hỏi của trẻ được thỏa mãn. Điều quan trọng là phải điều tiết các mong muốn của trẻ sao cho không quá mức mà dẫn đến tiêu cực.

Nếu nhìn thoáng qua thì dường như cách nuôi dạy hai đứa con của tôi là trái ngược nhau nhưng có điểm chung ở chỗ, tôi dựa trên cá tính của từng bé mà cư xử cho phù hợp với quá trình phát triển, trưởng thành của chúng. Giờ đây, so với anh trai, con út của tôi có nhiều mặt nổi trội nhưng sau này ai giỏi giang hơn thì chưa thể trả lời bởi vì tiến trình phát triển của chúng khác nhau. Tiềm năng của đứa lớn sớm muộn gì cũng được bộc lộ và lúc đó tôi mới có thể so sánh với đứa nhỏ.

Vì vậy, cha mẹ muốn nuôi dạy con tốt thì đức tính lớn nhất cần có là không nôn nóng và biết đợi chờ.

Tokugawa Ieyasu, vị Tướng quân đầu tiên của Nhật Bản đã nói: “Cuộc đời con người giống như việc cõng hành trang nặng trĩu và đi bộ trên con đường dài, tuyệt đối không được vội vàng.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.