Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Sự căng thẳng của trẻ là nguyên nhân đáng lo hơn



Thời gian học ở Mỹ, tôi vừa phải nuôi hai con vừa học tập tại mảnh đất xa lạ. Ngay từ lúc bắt đầu, tôi đã rất lo lắng và khó chịu, không phải vì chuyện học mà vì việc nuôi cậu con trai lớn Kyeong-mo. Đứa trẻ vốn dĩ rất tiêu cực và chỉ sống trong thế giới của riêng mình, tôi lo lắng tự hỏi không biết con sẽ thích ứng ra sao với cuộc sống hoàn toàn khác như ở Mỹ.

Tôi cho Kyeong-mo nhập học vào lớp Một của một trường tiểu học ở Mỹ. Tôi dự đoán trước rằng cuộc sống ở trường học của Kyeong-mo sẽ không dễ dàng. Chưa được mấy ngày sau khi nhập học, tôi nhận được cuộc gọi từ giáo viên chủ nhiệm của con. Cô giáo cho biết trong giờ học Kyeong-mo không tập trung mà đi lại lung tung trong phòng. Một lần con trai tôi biến mất, cô giáo vội vàng đi tìm thì thấy thằng bé ra sân trường và đang hát quốc ca. Nhưng vấn đề là Kyeong-mo làm ra vẻ như không nhìn thấy cô giáo. Cô nói to: “Nhìn cô này!”, “Hãy nhìn vào mắt cô!” nhưng Kyeong-mo không thèm ngẩng đầu lên, chưa nói gì đến chuyện trả lời, khiến cô giáo phải yêu cầu kiểm tra xem con tôi có vấn đề gì về thính giác không.

Lúc đó Kyeong-mo nói chuyện bằng tiếng Anh chưa thành thạo như các bé cùng tuổi nhưng không đến nỗi không hiểu được lời cô giáo. Mặc dù vậy Kyeong-mo vẫn không phản ứng trước lời nói của bất cứ ai và cũng không lên tiếng trước. Lý do tại sao vậy? Đó là vì cháu phật lòng. Mãi đến sáu tháng sau, Kyeong-mo mới chịu chia sẻ: “Con ghét mắt xanh. Con thích mắt nâu thôi.”

Đó là lời đầu tiên Kyeong-mo nói khi nhìn thẳng vào mắt cô giáo chủ nhiệm. Một lời đó là tất cả những gì chất chứa trong lòng Kyeong-mo trong suốt gần 200 ngày qua. Cho đến lúc đó tôi mới hiểu được vì sao thời gian qua con luôn trốn tránh cô giáo. Với Kyeong-mo mọi thứ đều đáng sợ và thứ đáng sợ nhất là đôi mắt xanh của cô giáo chủ nhiệm cứ nhìn chằm chằm như xoáy vào con.

Đây là việc mà ngay cả tôi cũng không đoán được. Tôi đã nghĩ Kyeong-mo gặp nhiều trở ngại khi thích nghi với hoàn cảnh mới nhưng không ngờ con tôi lại gặp khó khăn đến mức đó. Làm sao con chịu đựng được sự căng thẳng đó suốt sáu tháng trời? Quá đau lòng, tối hôm đó tôi đã ôm con mà bật khóc.

Stress không chỉ là chuyện của người lớn mà còn là vấn đề với trẻ em. Chúng ta thường thấy bọn trẻ luôn hoạt bát và vui vẻ nhưng thực ra chúng cũng bị stress.

Vấn đề đáng tiếc là trẻ không biết cách diễn đạt chính xác nỗi khổ tâm của mình cho người khác hiểu. Kể cả khi bộc lộ ra thành những hành động khác thường như cương quyết không đến trường, không tập trung vào học tập hay trộm đồ, nhưng trong nhiều trường hợp cha mẹ vẫn không biết lý do khiến trẻ bị căng thẳng. Cha mẹ cũng không hiểu phản ứng của trẻ một phần là do cách nuôi dạy con bảo thủ và thường chỉ nghĩ cách để uốn nắn trẻ.

Sự căng thẳng của trẻ ở giai đoạn ấu thơ ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành nhân cách của trẻ. Nếu cha mẹ không tìm được cách xử lý kịp thời thì khi lớn lên, nhiều khả năng trẻ sẽ gặp phải các vấn đề trong tính cách hoặc quan hệ đối nhân xử thế.

Vậy lý do nào khiến con trẻ bị căng thẳng và cách xử lý là gì? Tôi sẽ chia số trẻ dễ bị stress và cách xử lý thành hai nhóm trước và sau độ tuổi đến trường để các phụ huynh xem xét thật kỹ.

Căng thẳng của trẻ trước tuổi đi học

Trong số những căng thẳng của trẻ trước tuổi đi học, căng thẳng nghiêm trọng nhất xảy ra khi bé không có được mối quan hệ hài hòa với mẹ. Người mẹ thường bị trầm cảm sau khi sinh con nên đôi khi có những phản ứng không như trẻ mong đợi. Vậy thì bé sẽ phản ứng thế nào?

Những căng thẳng nhỏ sẽ khiến trẻ thường ngủ không sâu và ăn kém. Nếu vẫn tiếp tục kéo dài sẽ phát sinh các vấn đề trong việc điều chỉnh cảm xúc như thường giật mình sợ hãi hoặc tránh nhìn vào mắt người khác, khả năng điều tiết sinh lý sụt giảm

và đương nhiên dễ bực bội, ảnh hưởng đến việc phát triển tính cách xã hội. Vì vậy, để tránh gây căng thẳng cho trẻ, người mẹ cần sự giúp đỡ tích cực của mọi người xung quanh để có thể nuôi con được tốt.

Trẻ được đầy năm phát triển nhanh về ngôn ngữ, đồng thời cũng xuất hiện khả năng phán đoán về cuộc sống. Cái tôi trong trẻ trở nên mạnh mẽ hơn, khiến một đứa trẻ thụ động dựa dẫm vào mẹ của giai đoạn trước trở thành đứa bé bướng bỉnh, muốn tự mình làm mọi thứ. Nhưng vì khả năng phán đoán của trẻ thời kỳ này vẫn chưa thật mạnh mẽ nên nếu không thể tự làm theo ý mình thì bé vẫn dựa vào mẹ để giải quyết. Tuy nhiên, khi trẻ cần sự giúp đỡ của mẹ mà không được như ý, chúng sẽ cảm thấy rất lo âu và từ bỏ ý định sống bằng chính nỗ lực của bản thân.

Một loại căng thẳng mà trẻ không thể vượt qua trong thời kỳ này là mâu thuẫn với anh chị em. Mọi người thường nghĩ rằng anh em hoặc chị em sẽ tự nhiên yêu quý nhau nhưng vì tranh đua với nhau để có được tình yêu thương của cha mẹ nên tất nhiên, chúng sẽ trở thành những đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt khi anh em hơn kém nhau ít tuổi, hoặc trong trường hợp vì một đứa con bị bệnh mà cha mẹ không chăm lo chu đáo cho đứa kia thì vấn đề càng trở nên nghiêm trọng.

Ở phòng điều trị ngoại trú của tôi có rất nhiều búp bê. Một ngày nọ, có người mẹ dẫn con đến gặp tôi. Chị có hai đứa con, đứa nhỏ mới một tuổi thường bị ốm nhưng bệnh nhân của tôi lại là cậu con lớn của chị, đứa trẻ thường ít được quan tâm hơn.

Cậu bé đó thể hiện phản ứng cáu kỉnh như ném những con búp bê xuống đất hoặc gặm đầu chúng. Khi nghe tôi giải thích, người mẹ của bé đã rất đau lòng vì không biết bé bị tổn thương nên thường dọa nạt.

Các bé không thể hiện nỗi bất mãn của bản thân bằng lời nói mà bằng các hành vi, vì vậy, cha mẹ có thể ngăn chặn trước những vấn đề này bằng sự quan tâm chu đáo và phán đoán thông minh. Để được như vậy, mức chênh lệch tuổi tác giữa các con cần trên 2-3 năm, trong khoảng sáu tháng sau khi sinh đứa nhỏ vẫn phải chú ý đến đứa lớn và giúp bé thích nghi tốt với em mình.

Căng thẳng của trẻ ở tuổi đi học

Trẻ tới trường xuất hiện nhiều trách nhiệm khác so với giai đoạn trước và nhận được nhiều kỳ vọng hơn từ những người xung quanh. Tuy nhiên, những việc như dậy sớm để đi học đúng giờ; phải ngồi ngay ngắn hơn 30 phút và chuyên tâm học hành; phải nhường nhịn và cư xử tốt với bạn bè; phải chuẩn bị bài vở… với trẻ không phải chuyện dễ dàng như người lớn nghĩ.

Đặc biệt sức học của trẻ là điều cha mẹ thường quan tâm nhiều nhất nên nếu trẻ thường xuyên học hành yếu kém sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự tự tin và ý thức về bản thân của trẻ theo kiểu “Mình là đứa kém cỏi”.

Vì vậy, để phát huy tốt khả năng học tập của trẻ, trước hết bé cần hình thành thói quen học tập. Khi bé học lớp Một, cha mẹ nên giúp đỡ trẻ rồi dần dần khích lệ để bé có thể tự học.

Chỉ rất ít trẻ biết tự học ngay từ đầu, đặc biệt, những bé trai thiếu tập trung cần cố gắng và dành thời gian nhiều hơn để có được thói quen tự giác học tập.

Ngoài năng lực học hành, trẻ ở độ tuổi đến trường cũng cần khả năng kết bạn tốt. Trẻ có vấn đề về tính cách hay trong mối quan hệ với cha mẹ từ nhỏ cũng gặp khó khăn trong việc phát triển tính cách xã hội. Những trẻ như vậy không hòa hợp được với bạn bè, dẫn đến buồn bực hoặc bị cô lập. Nếu không giải quyết được những mâu thuẫn nhỏ trong giao tiếp với những người xung quanh thì dù trẻ có thông minh cũng không phát huy tốt được năng lực. Nói cách khác, ngay từ nhỏ, trẻ cần tạo được mối quan hệ tích cực với cha mẹ, sau đó là với bạn bè cùng trang lứa hoặc những người xung quanh. Để phát triển tính cách xã hội cho trẻ, cần tạo ra nhiều cơ hội để bé hòa nhập một cách tự nhiên với những người xung quanh. Khi trẻ gặp khó khăn trong quan hệ bạn bè, hãy lắng nghe thật kĩ, nếu cần hãy mời người bạn đó đến chơi hoặc nói chuyện với cha mẹ của bạn để giải tỏa những hiểu lầm. Vì lý do này mà các bà mẹ nên thường xuyên đến trường của con, giao lưu để hòa nhập với các phụ huynh khác.

Hạnh phúc của trẻ là niềm mong ước của tất cả các ông bố bà mẹ. Nhưng nếu lạm dụng điều này dễ tạo ra định kiến có tên “dục nhi”, nghĩa là gò ép trẻ vào khuôn mẫu. Trẻ bị ép buộc vào một nguyên tắc cứng nhắc dựa trên tiêu chuẩn của người lớn dần dần sẽ mất đi sự tự tin, rồi chỉ trở thành rô bốt chuyển động theo ý muốn của cha mẹ.

Việc chúng ta cần làm bây giờ là thoát khỏi những nguyên tắc “dục nhi” gây căng thẳng và hạn chế sự tự tin của trẻ. Hãy luôn nhớ rằng không có khái niệm “dục nhi” với những phụ huynh sáng suốt.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.