Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Ý nghĩa thực sự của việc nuôi con một cách từ tốn



Theo quan điểm cá nhân, tôi không khẳng định rằng việc giáo dục sớm là hoàn toàn xấu. So với người lớn thì trẻ càng nhỏ càng dễ tiếp thu nhiều thứ hơn và tôi không muốn phủ nhận hoàn toàn kết quả to lớn có được khi giáo dục đúng thời kỳ.

Vấn đề không nằm ở bản thân việc giáo dục sớm mà ở phương pháp, sẽ phải “làm thế nào” khi bị buộc học tập sớm. Khi nói đến điều này, tôi hay nhớ đến các tổ chức giáo dục nhân tài với những tài liệu, cơ sở giảng dạy dành cho trẻ nhỏ. Người ta cho rằng trẻ bắt đầu học chương trình mẫu giáo hay tiểu học ở độ tuổi còn rất nhỏ sẽ phát triển nhanh hơn những trẻ khác. Đa số những người mẹ tôi gặp đều có suy nghĩ như thế về việc giáo dục sớm và thực tế đã dạy tiếng Anh hoặc tiếng bản địa cho con từ khi bé còn rất nhỏ. Nhưng không thể vội vàng dạy dỗ bé mà bất chấp tất cả như vậy được. Vì trẻ nhỏ có những đặc trưng riêng về học tập ở từng độ tuổi nên cần phải áp dụng cho đúng.

Đặc trưng nổi trội nhất của trẻ nhỏ là muốn tìm thứ mình thích theo bản năng. Tính hiếu kỳ của trẻ đã là bản năng nên chỉ cần thấy cái gì mới lạ, thú vị, trẻ sẽ rất vui mừng và việc tìm hiểu trở thành bài học lớn cho trẻ.

Hãy thử đưa ra trước mắt trẻ một chiếc nắp nồi và gõ vào đó. Trẻ nhìn thấy vậy sẽ nghĩ rằng: “Cái vật tròn tròn này hay thật. Mẹ cầm nó và đang đậy lên thứ gì đó. Sao vậy nhỉ?” Về cơ bản trẻ sẽ tiếp thu được thông tin và tri thức mà người lớn khó tưởng tượng được bằng sự hiếu kỳ.

Trên nền tảng những đặc trưng như vậy của trẻ nhỏ, lý luận giáo dục được chia thành hai loại lớn, đó là “one step behind – đi sau một bước” và “one step ahead – đi trước một bước”.

Lý thuyết “one step behind” là việc đối ứng chậm hơn một nhịp theo lời nói. Nghĩa là, trẻ theo lời nói mà chú ý, rồi bộc lộ sự tò mò và cha mẹ chỉ cần thể hiện sự ủng hộ là được.

Ngược lại với điều này, lý thuyết “one step ahead” nói rằng phải đi trước trẻ một nhịp. Lấy một ví dụ đơn giản, khi trẻ ở trước bát cơm và kêu “cơ… cơ… cơ… cơ…” thì người mẹ phải nhanh chóng xác định được là “cơm”. Theo tôi nghĩ, việc giáo dục sẽ đạt mức tốt nhất khi áp dụng song song hai phương pháp này một cách thích hợp.

Tuy nhiên, vấn đề là phải phán đoán khi nào dùng “one step behind”, khi nào dùng “one step ahead”. Có những bậc cha mẹ bỏ lỡ thời điểm mà trẻ có khả năng học hỏi phù hợp nhất, ngược lại cũng có những phụ huynh nóng vội đi trước dù bé hoàn toàn không quan tâm.

Lời giải đáp cho vấn đề này phụ thuộc vào mức độ quan tâm trẻ của mẹ đến đâu. Bình thường, nếu là một người mẹ chăm sóc con chu đáo và dành cho bé tình thương chân thành thì sẽ không bỏ lỡ thời khắc ấy hoặc không quá vội vàng đi trước.

Vậy nếu dựa trên lý thuyết này thì việc học chữ hay học ngoại ngữ – vấn đề mà các bà mẹ quan tâm nhiều nhất, phải thực hiện khi nào và bằng phương pháp gì mới hợp lý?

Dĩ nhiên mỗi trẻ lại có sự khác biệt nhưng việc học tập đòi hỏi năng lực suy nghĩ chỉ có thể đạt kết quả tốt nhất khi trẻ được 4-5 tuổi. Vì lớp vỏ đại não, nơi có thể tiếp nhận việc học tập, bắt đầu phát triển từ độ tuổi đó. Thỉnh thoảng, có những bà mẹ muốn dạy chữ cho con khi bé mới đầy năm, trong khi với bé, chữ cái chỉ là những vòng tròn hay cây gậy mà thôi. Tất nhiên trẻ có thể học thuộc lòng rồi đọc chữ theo sự thúc ép của cha mẹ nhưng điều này không khác con vẹt nhại tiếng người là bao. Tuy nhiên, đôi khi cũng có những trẻ bộc lộ sự phát triển nhanh ở phương diện trí tuệ, trẻ có nhiều tò mò với những thứ mới mẻ và có khát khao tìm hiểu dù cha mẹ không ép buộc, như việc đọc được chữ chẳng hạn. Nếu trẻ thể hiện sự quan tâm và hứng thú thì cha mẹ không nhất thiết phải can ngăn nhưng cũng nên để ý đến phản ứng của trẻ. Nếu trẻ không thích học thì nên dừng lại ngay lập tức.

Một ngày nọ, em gái gọi điện cho tôi bằng giọng phấn khởi, bảo rằng con gái nhỏ của cô ấy đang đọc chữ. Cháu tôi đã đọc được mấy chữ trên cột chỉ dẫn tên ga tàu điện ngầm mà bé hay đi. Ban đầu, em tôi chỉ nghĩ là tình cờ thôi nhưng khi đi đến nơi khác, nếu cũng có những chữ đó thì cháu vẫn đọc chính xác. Làm sao mới 2 tuổi mà cháu đã có thể đọc được.

Chữ mà cháu tôi đọc được nằm trên cột chỉ dẫn ở ga tàu điện ngầm gần nhà bà ngoại. Mỗi lần đến nhà bà ngoại, cháu đều nghe tên ga rồi ghi nhớ và học thuộc lòng những chữ viết liên quan đến cái tên này trên cột chỉ dẫn. Lý do cháu đọc được chỉ vì cháu quan tâm và tò mò.

Nói chuyện vui vẻ được một lúc, em gái tôi lại tuyên bố: “Từ bây giờ, em sẽ dạy bảng chữ cái cho con.” Sau khi tôi giải thích tỉ mỉ về quá trình đọc chữ của trẻ và nói với em gái rằng giáo dục ép buộc không mang lại hiệu quả gì đâu. Em gái tôi với lòng tham của người mẹ vẫn bắt con gái còn chưa nói sõi ngồi xuống và bắt đầu dạy chữ cho bé.

Đúng như tôi dự đoán. Không lâu sau đó em gái lại liên lạc với tôi. Cô ấy nói rằng nếu dúi vào tay cháu tấm thẻ in chữ thì bé nhất quyết ném đi và không chịu học. Nhưng nếu cháu bé thể hiện sự thích thú mỗi lần học chữ thì có lẽ tôi vẫn khuyên em gái mình thử cho cháu tiếp tục học, vì với trẻ, chuyện học đã trở thành trò chơi thông thường.

Trong số các con của bạn bè tôi, có một bé cực kỳ thích kem Baskin-Robbins. Người mẹ hay đi cùng bé đến tiệm kem buột miệng nói: “Đây là chữ B” và chỉ vào chữ cái đầu tiên của tên thương hiệu. Bé đã thuộc lòng mặt chữ “B” khi nghe mẹ nói và nếu thấy chữ “B” ở bất cứ đâu thì bé đều đọc to lên.

Việc học tập có liên quan tới những điều yêu thích sẽ giúp trẻ khắc ghi chính xác vào bộ não. Nhưng ép buộc trẻ học hành sớm thì chẳng những không hiệu quả mà còn khiến trẻ bị đánh mất cảm giác tự tin trong học tập, hình thành thói quen xấu là nghe để thuộc lòng.

Tôi có điều trị cho một bé lớn lên trong điều kiện kinh tế khá giả, cả bố và mẹ đều xuất thân từ những gia đình tri thức nên có nhiệt huyết giáo dục rất cao dành cho đứa con duy nhất. Bị mẹ bắt ép, ngay từ năm mới lên 4 tuổi, bé đã bắt đầu đi học ở trường mẫu giáo sử dụng tiếng Anh.

Đứa trẻ bị ép đi học chưa được bao lâu thì bắt đầu đánh bạn bè học chung rồi sau đó có những những hành động kỳ cục như nằm vạ trước cổng trường mẫu giáo. Người mẹ lo lắng đã tìm đến phòng tư vấn trẻ em gần nhà để kiểm tra trí thông minh của con. Kết quả bé chỉ đạt 80. So với những trẻ cùng tuổi thì bé thuộc diện chậm hơn nhưng người mẹ đã không biết điều đó. Kết quả kiểm tra ước lượng của tôi cũng vào khoảng đó. Nhưng kết quả đo được qua bài kiểm tra khác với trí năng thực tế của trẻ vì trả lời sai không phải vì trẻ không biết mà vì từ chối trả lời trước áp lực của bài kiểm tra. Điều gì khiến trẻ cho ra kết quả đánh giá quá thấp do kiểm tra ép buộc như vậy?

Từ lúc đi học ở trường mẫu giáo dạy tiếng Anh, đứa trẻ này rất ghét việc học. Bé thuộc lòng từ tiếng Anh như mẹ và cô giáo bắt buộc nhưng nỗ lực đó chưa khi nào khiến trẻ yêu thích việc học mà mình vốn ghét. Vì học tiếng Anh mà bé mất hết cảm giác tự tin vào cuộc sống và bé thể hiện điều đó bằng những hành vi như vô cớ đánh bạn hoặc không chịu đến trường. Ngay cả những bài kiểm tra như kiểm tra IQ cũng bị trẻ từ chối trong vô thức.

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng khả năng ghi nhớ thể hiện qua việc thuộc lòng mặt chữ rồi viết lại chính xác chính là chỉ số thông minh, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Dù không biết một chữ nào nhưng nếu trước mỗi tình huống của cuộc sống, trẻ có khả năng suy nghĩ rồi tìm kiếm phương pháp hoặc có thể tự mình đặt câu hỏi “Vì sao?” cho những điều không biết thì lại là một việc tốt. Nếu chỉ thuộc lòng mặt chữ và ghi nhớ 1, 2, 3, 4 mà không có khả năng tư duy thì trẻ chỉ trưởng thành như một “cao thủ học thuộc lòng”.

Con trai lớn Kyeong-mo của tôi học chữ trước khi nhập học hai tháng. Chỉ trong vòng hai tháng, Kyeong-mo đã có thể đọc được bảng chữ cái. Kyeong-mo có thể học chữ dễ dàng không phải vì cháu là thiên tài mà vì điều này thuận theo quá trình phát triển. Nếu tôi dạy chữ cho đứa bé bướng bỉnh đó từ khi còn nhỏ thì biết đâu, tôi đã gây ra cho con những vấn đề về tình cảm.

Tôi nhớ có lần đến thăm một trường mẫu giáo được cho là tốt nhất ở Denver, Mỹ, đất nước khởi nguồn của việc giáo dục sớm. Tôi không thể tìm thấy những thứ như tài liệu hay thiết bị giáo dục dành cho trẻ nhỏ, thậm chí còn không có món đồ chơi xe lửa thông thường. Ở đó chỉ có bãi cỏ rộng, bùn đất, dây thừng và lốp xe. Theo lời giáo viên của trường, nếu bọn trẻ muốn có thứ gì, chúng sẽ tự mày mò và sáng tạo. Nhà trường tuyệt đối không dùng đồ chơi có sẵn vì như thế sẽ phá vỡ tính sáng tạo của trẻ.

Các bậc cha mẹ đang lo lắng không biết sẽ dạy gì cho con nên tới thăm ngôi trường như thế một lần. Chỉ cần tới đó thôi, mọi người sẽ hiểu được vì sao phải nuôi dạy con từ tốn mà không cần lời giải thích.

Phương pháp nuôi con từ tốn cần cha mẹ đứng ở vị trí của trẻ để hiểu đúng điều cần thiết nhất với con và cho con được trải nghiệm thực tiễn. Tất nhiên, để đạt được điều đó, cha mẹ phải trải qua vô số phép thử và sai mà không e ngại. Đó mới là thái độ của những ông bố bà mẹ muốn nuôi con từ tốn đúng cách.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.