Đừng hoang tưởng về biển lớn

Các cuộc chiến sắp xảy ra…



Trước mắt, nhìn chung sẽ không có sự thay đổi ghê gớm quy mô nào. Tuy nhiên, các nền kinh tế sẽ nghỉ ngơi và tận dụng thời gian để chỉnh sửa và sáng tạo. Quá trình này có thể mất 5-10 năm.

Sau nhiều năm gây sức ép buộc Trung Quốc phải tăng tỷ giá đồng nhân dân tệ, Chính phủ Mỹ quyết định bỏ cuộc và thay vào đó bằng chính sách tự mình hạ giá đồng USD. Giải pháp nới lỏng định lượng (QE2 – in tiền mua trái phiếu) trị giá 600 tỷ USD mới chỉ là bước đầu; các nước khác sẽ tiếp tục nối đuôi. Các nhà mua bán tiền tệ dự báo USD sẽ giảm ít nhất 12% giá trị từ nay đến tháng 6/2011.

Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng Trung Quốc và các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu khác sẽ vì để yên chuyện này. Các biện pháp đối phó hoặc trả đũa thẳng thừng sẽ được áp dụng và sự bắt đầu của một loạt các cuộc chiến thương mại và chiến tranh tiền tệ sẽ không còn xa.

Tổng thống Obama không có nhiều lựa chọn. Ông đang cố gắng bắt chước mô hình kinh doanh thành công của Trung Quốc, Nhật Bản và Đức bằng việc tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp Mỹ trên thị trường toàn cầu. Ông hy vọng xuất khẩu của Mỹ sẽ giúp giải quyết được phần nào vấn đề thất nghiệp; ông nghĩ rằng đồng tiền giảm giá sẽ giúp giảm thâm hụt cánh cân thương mại và ngân sách; cũng như sẽ giảm gánh nặng nợ ngoài của Mỹ.

Điều này có thể khả thi nếu ông thực hiện trong một phòng thí nghiệm, nhưng trên thực tế, sẽ có nhiều hành động và phản ứng, và sự phức tạp của chính trị và kinh tế ở từng nước cho thấy không ai có thể đoán trước kết quả.

Có một điều chắc chắn là với việc liên tục tìm cách phá lợi thế cạnh tranh của nhau bởi các nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc, thì những ngày hưng phấn của chủ nghĩa thương mại tự do toàn cầu với các thỏa thuận của WTO sẽ không còn nữa. Các nước, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, sẽ bắt đầu bảo vệ thị phần của mình và tung ra mọi dạng cơ chế phòng thủ nhằm hạ gục đối thủ cạnh tranh.

Các cuộc tranh cãi, những vụ kiện cáo, những rào cản không chính thức, những thao túng tỷ giá tiền tệ sẽ trở thành một điều bình thường mới. Thương mại tự do không chết, nhưng nó sẽ đi giật lùi vài bước. Phải có đột phá mạnh về công nghệ mới giúp tránh hoặc giảm nhẹ thách thức này.

Thực tế mới sẽ không giúp Mỹ hay châu Âu giành lại chiếc vương miện siêu cường kinh tế của mình. Các yếu kém cố hữu trong cấu trúc xã hội của họ quá lớn nên khó có thể giải quyết (sự phát triển chín muồi của nền kinh tế, nhu cầu tiêu dùng lãng phí, chi tiêu chính phủ quá cao, các chương trình phúc lợi xã hội quá nhiều…). Tuy nhiên, kết quả của các cuộc chiến tranh trong tương lai cũng sẽ làm chậm lại sự phát triển của nhóm các nền kinh tế mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (BRICs), đặc biệt là Trung Quốc và khiến họ phải quay lại với giải pháp hướng nội.

Trong khi đó, có một dòng tiền cực lớn được tích tụ trong thời gian thịnh vượng đã qua đang tìm kiếm một lợi nhuận tốt. Chúng sẽ đổ vào đâu? Vàng và kim loại quý sẽ được lợi, vì truyền thống tích trữ vàng trong những thời điểm bấp bệnh.

Giá bất động sản quá rẻ tại các nước đã phát triển ổn định sẽ là một đầu tư hấp dẫn.

Trong khi thị trường chứng khoán và trái phiếu sẽ trì trệ, các công ty có công nghệ triển vọng hay năng lực marketing cao sẽ là những viên ngọc hiếm. Nguyên liệu (commodities) và nông hải sản sẽ ổn định: lượng cầu chậm lại nhưng tăng trưởng về thu nhập và dân số thế giới sẽ tiếp tục. Các cổ phiếu của thị trường mới nổi sẽ sinh lời tốt trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ kết thúc bằng sự nổ tung của bong bóng.

Trước mắt, nhìn chung sẽ không có sự thay đổi ghê gớm quy mô nào. Tuy nhiên, các nền kinh tế sẽ nghỉ ngơi và tận dụng thời gian để chỉnh sửa và sáng tạo. Quá trình này có thể mất 5-10 năm. Trong khi đó, với sự sụt giảm tăng trưởng và những thay đổi toàn cầu, mọi người sẽ có nhiều thời gian cho mình hơn, cho người khác, để làm những điều tốt cần đến lòng kiên nhẫn và sự tận tụy.

Sau bữa tiệc và cuộc vui, chúng ta sẽ đều cần ở một mình vào một buổi sáng chủ nhật yên tĩnh để tận hưởng niềm vui và thưởng thức một tách cà phê; hoặc nghe tiếng cười con trẻ hay tiếng chim hót. Cuộc sống chẳng phải tuyệt vời đó sao?

Bài viết bằng Anh ngữ của TS Alan Phan đăng trên The Daily Reckoning và Financial Armageddon hôm 11/11/2010.

Alan Phan


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.