Em phải đến Harvard học kinh tế

CHƯƠNG 4



3 – 6 TUỔI: PHÁT TRIỂN TRÍ LỰC TOÀN DIỆN

(Lời tự thuật của Lưu Vệ Hoa)

————————–

CÓ NÊN NÓI VỚI ĐÌNH NHI VỀ VIỆC BỐ MẸ ĐÃ LY HÔN?

Ăn tối xong, ông bà ngoại lên đường đi Hồ Bắc, tôi và Đình Nhi cũng ngược dòng Trùng Khánh trở về Thành Đô.

Suốt dọc đường tôi luôn băn khoăn suy nghĩ: Có nên nói với Đình Nhi về chuyện bố mẹ đã ly hôn hay không?

Với khả năng quan sát của Đình Nhi, tôi không thể hi vọng rằng, nó sẽ có đủ khả năng để quan sát sự khác biệt giữa gia đình mình với gia đình của các bạn nhỏ khác. Suy nghĩ kĩ tôi cho là chỉ có thể theo nguyên tắc: làm thế nào để có lợi nhất cho sự phát triển tâm lý lành mạnh của Đình Nhi. Theo kinh nghiệm bản thân tôi thấy rằng, biết chuyện ly hôn của cha mẹ, tuổi càng nhỏ thì càng ít bị tác động tâm lý hơn. Năm tôi mới 4 tuổi, tôi đã biết chuyện ly hôn của cha mẹ tôi vì lúc lấy cha tôi bị kết tội “phần tử phái hữu phản cách mạng”. Trong tâm lý ngày thơ của tôi, ly hôn là một việc lạ mà cũng rất bình thường. Nó lạ và bình thường như mặt trời mọc vào buổi sáng và mặt trăng mọc về ban đêm. Anh trai tôi lớn hơn tôi 2 tuổi, và em trai bé hơn tôi 3 tuổi tiếp nhận việc ly hôn của cha mẹ cũng hồn nhiên như vậy. Thời “cách mạng văn hóa”, một số bạn bè tiểu học của tôi thường chửi tôi là con của “một tên phản cách mạng”, và của “một người mẹ bỏ chồng” lúc đó tôi chỉ thấy chúng nói đúng sự thật, không cảm thấy sự đau xót.

Nếu lúc ấy đã 15 tuổi mà nghe người ta chửi mình, thì chắc rằng tôi sẽ hiểu được sự thật về cha mẹ mình ly hôn, và sẽ đau khổ lắm. Tốt nhất cứ để cho Đình Nhi cũng giống như mẹ nó ngày xưa, biết sự thật chuyện ly hôn của cha mẹ khi tuổi nó còn chưa hiểu được “ly hôn là cái gì”, chắc rằng nó sẽ thấy bình thường như việc mặt trời và mặt trăng mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây.

Vậy nên nói với cháu thế nào đây?

Theo kinh nghiệm bản thân, đối với trẻ thơ, thái độ của người lớn trước một sự việc không vui bao giờ cũng có tác động mạnh hơn đối với tâm lý trẻ con so với thực chất việc đó. Vì chuyện ly hôn của mẹ mà tôi đã tuyệt vọng đến mức mấy lần định tự tử, nhưng trước mặt chúng tôi mẹ luôn tỏ ra bình tĩnh. Theo trí nhớ của tôi, mẹ chưa bao giờ tỏ ra đau khổ và oán hận vì chuyện ly hôn. Chúng tôi cũng chưa từng thấy những cảnh tượng khủng khiếp: cha mẹ cãi, đánh nhau. Trước đó cha tôi đã bị đi tù, mẹ tôi và bà bảo mẫu – bà Diêu, không hề giải thích gì về chuyện đó. Cứ như vậy, mẹ tôi đã bình tĩnh và mơ hồ tiếp nhận việc “ly hôn”, mà dường như không hề cảm thấy cuộc sống của mình có gì thay đổi (khi đó ba anh em chúng tôi đang ở nhờ nhà bà bảo mẫu họ Diêu). Giờ đây nhớ lại, tôi vô cùng biết ơn mẹ: bà đã cô nén không để bóng đen của việc ly hôn bao trùm lên tâm hồn thơ dại của chúng tôi. Đã vậy, tôi cũng sẽ bình tĩnh và mơ hồ thông báo chuyện ly hôn này cho con gái tôi Đình Nhi, như mẹ tôi đã làm trước đây.

Quyết định như vậy, khi con thuyền vừa rời khỏi đất Tam Hiệp, tôi đã nói chuyện ly hôn của ba mẹ cho Đình Nhi với thái độ vô cùng bình tĩnh. Đúng như tôi dự đoán, Đình Nhi tỏ vẻ không quan tâm lắm về những sự việc ngoài tầm hiểu biết của mình. Sau khi nghe tôi nói: “Mẹ sẽ mãi mãi ở với Đình Nhi”. Con gái tôi không hỏi gì thêm. Đối với Đình Nhi, chỉ cần ngày ngày được sống bên người thân yêu, được nghe mẹ kể chuyện và dạy bảo, là đã thỏa mãn lắm rồi.

Đối với tôi, để Đình Nhi biết được chuyện ly hôn của cha mẹ mà không làm tổn thương đến tâm lý và tình cảm của nó, đó mới chỉ là “bước khởi đầu trên con đường vạn dặm”. Cả một cuộc thử thách khắc nghiệt đang chờ đợi tôi ở phía trước: từ hôm nay tôi sẽ phải đơn độc nuôi dạy con gái, phải làm như thế nào để dạy dỗ Đình Nhi trở thành một nhân tài cho đất nước trong hoàn cảnh hiện nay.

Có lẽ những nhà tiên phong trong sự nghiệp giáo dục từ sớm xưa nay chưa ai gặp phải cảnh ngộ như tôi. Họ đều có được một gia đình giàu có và đầy đủ, vợ chồng hòa thuận, họ đều coi không khí gia đình tốt đẹp là điều kiện tất yếu để giáo dục con cái nên người.

Nhưng tôi lại nghĩ, cha mẹ song toàn chưa chắc đã là một điều kiện tất yếu tạo ra “không khí gia đình tốt đẹp”, có khi lại là một yếu tố bất lợi, nhất là khi người lớn thường cãi nhau, hay có sự không thống nhất trong việc dạy dỗ con cái. Gia đình đơn chiếc cũng có cái hay riêng của nó – không có mâu thuẫn trong phương pháp dạy con. Chỉ cần biết phòng ngừa những ảnh hưởng bất lợi của một gia đình không toàn vẹn đối với sự trưởng thành của con cái, chỉ cần kiên trì thực hiện những lý luận, nguyên tắc trong giáo dục từ sớm đối với con. Tôi hoàn toàn có thể dạy dỗ Đình Nhi trở thành một con người có đầy đủ những tố chất ưu tú, có nhân cách kiện toàn và có năng lực tạo ra một cuộc sống hạnh phúc.

Cụ thể là, điều bất lợi lớn nhất của một gia đình không toàn vẹn là dẫn đến sự khiếm khuyết, thiếu hụt trong tâm lý con cái. Nếu người lớn do quá nuông chiều hoặc trong lòng luôn tức giận, mà đối xử với con cái mình trong một trạng thái tâm lý không bình thường (hoặc là vì bố mẹ ly hôn mà nuông chiều, nhượng bộ con cái đủ điều, hoặc là luôn chửi rủa đánh đập, hoặc thả lỏng cho tự do vì cho rằng con cái chỉ là một gánh nặng đối với mình… Nếu vậy, thì có thể sẽ tạo ra những khiếm khuyết không thể nào bù đặp nổi trong tâm lý con cái. Để tránh được những bi kịch như vậy, tâm lý của người bố hoặc mẹ trong gia đình đơn chiếc phải thật kiện toàn và lành mạnh, phải cố gắng hết sức để con cái mình thấy được gia đình đơn chiếc nhà mình cũng chẳng khác gì với những gia đình cha mẹ song toàn, mình cũng bình thường như mọi đứa trẻ khác.

Nếu Đình Nhi lại là một đứa con trai, gia đình thiếu vắng một người cha làm tấm gương để bồi dưỡng phẩm chất của một người đàn ông thì sự việc sẽ khó khăn hơn nhiều. Đình Nhi lại là một cháu gái. Tôi tin rằng mình có đủ khả năng làm một tấm gương cho con. Tôi dự định ban ngày khi đi làm, sẽ đưa con đến nhà trẻ. Thời gian còn lại từ lúc từ nhà trẻ trở về đến khi cháu đi ngủ, tôi sẽ tận dụng để phát triển trí tuệ và bồi dưỡng tính cách cho con. Sau khi con đã đi ngủ rồi, tôi sẽ tranh thủ thời gian tự học theo chương trình đại dọc do Đài truyền hình hướng dẫn. Việc tự học này không chỉ do nhu cầu trong công tác biên tập của tôi, mà còn do nhu cầu của việc giáo dục Đình Nhi. Tôi cần phải không ngừng bồi dưỡng tri thức thì mới có thể tiếp tục dẫn dắt con gái, cùng con gái trưởng thành.

GHI ÂM CÁC CÂU CHUYỆN ĐỂ LÀM PHẦN THƯỞNG CHO CON – MỘT VIỆC LÀM CÓ NHIỀU TÁC DỤNG

Về đến khu tập thể của Liên hiệp hội văn nghệ tỉnh đã vào cuối tháng 2 năm 1984. Sau khi dọn dẹp qua loa nhà cửa tôi vội dẫn con đi tìm một người bạn đồng nghiệp hỏi về việc tôi nhờ ông tìm giúp nhà trẻ con Đình Nhi.

Ông đã liên hệ một nhà trẻ kiểu mẫu thuộc Sở giáo dục tỉnh. Đó là Nhà trẻ số 3 ở Thành Đô, chủ nhiệm và bí thư đều là người quen của ông. Các bà ấy đều nói rằng, việc cho Đình Nhi vào học trong Nhà trẻ số 3 này không có vấn đề gì. Chỉ có điều đang là đầu năm dương lịch chưa đưa vào được, phải chờ đến tháng 9, khi bắt đầu nhập học thì mới thu nhận.

Như vậy lại gặp khó khăn rồi! 70 đồng tiền lương tháng của tôi cộng thêm 20 đồng phụ cấp nuôi Đình Nhi hằng tháng của cha cháu, chỉ đủ mua lương thực và sách vở cho hai mẹ con, muốn may thêm một chiếc áo mới cũng không có tiền, lấy đâu ra tiền để thuê bảo mẫu, tôi không thể nghỉ không lương cả nửa năm trời để ở nhà trông nom Đình Nhi, chỉ còn cách đem theo con đến nơi công tác. Cũng may chính lúc đó, lãnh đạo cơ quan sắp xếp cho tôi được nghỉ công tác hai tháng để tham dự một lớp “chỉnh Đảng”. Thế là Đình Nhi hằng ngày đều dự một lớp học “chỉnh Đảng”.

Tổng biên tập lúc đó là thầy Lý Lũy – một người lãnh đạo rất tốt, sống có tình người. Để tiện việc cho tôi chăm sóc giấc ngủ trưa của Đình Nhi, cuộc họp các buổi chiều, thầy bố trí tại phòng khách nhà tôi. Như vậy Đình Nhi có thể ngủ một mạch đến 3 giờ chiều. Sau khi ngủ dậy vẫn có thể tùy ý uống nước hoặc ăn hoa quả. Ngoài ra, Đình Nhi còn có thể mở tai nghe để nghe các câu chuyện đã ghi âm. (Thời đó, ở phòng làm việc người ta không bố trí ổ cắm điện).

Cuộc sống của Đình Nhi lúc đó thật là khó khăn, nhưng chưa bao giờ cháu dám quấy rầy tôi trong những giờ họp. Có lẽ, vì tôi rất quan tâm không để Đình Nhi cảm thấy “bị trống trải trong cuộc sống tinh thần”. Tôi luôn tạo cho Đình Nhi thấy có những việc cần làm, không tự do lêu lổng, hoặc quấy rối làm nũng mẹ trong các cuộc họp, hoặc lang thang nghịch ngợm ở ngoài sân. Buổi sáng hằng ngày khi đến hội họp tại phòng làm việc, tôi đã đem theo rất nhiều truyện tranh và các đồ dùng để vẽ. Lúc thì bảo Đình Nhi đọc sách, lúc thì bảo cháu tập vẽ, cũng có lúc cho Đình Nhi ra vườn hoa nhỏ ngoài sân, hoặc ngắm nhìn bầy kiến gió. Các bạn đồng nghiệp trong Hội Văn nghệ thấy vậy ai cũng khen cháu “biết vâng lời và ngoan ngoãn”!.

Sự ngoan ngoãn của Đình Nhi còn có phần quan trọng bởi “chính sách khen thưởng” cho cháu. Cứ mỗi lần cháu làm một việc tốt đều được thưởng. Thời gian “chỉnh Đảng” tôi đã ra điều kiện cho Đình Nhi: “Nếu con biết chơi ngoan trong những lúc mẹ đang họp, tối về mẹ sẽ đọc sách, ghi âm lại các câu chuyện cho con nghe”. Để có “phần thưởng nghe kể chuyện”, Đình Nhi đã bắt đầu biết tự giác kiềm chế mình.

Khi màn đêm buông xuống, là giờ phút hạnh phúc nhất của Đình Nhi. Đêm nào cũng vậy, tôi đều ôm cháu vào lòng, đọc cho nó nghe một vài quyển truyện tranh liên hoàn, vừa đọc, vừa ghi âm: những cuốn băng kể chuyện mà Đình Nhi thường nghe đều do tôi kể và ghi lại. Trong khi ghi âm, mỗi lần gặp một từ mới mà Đình Nhi chưa biết, tôi đều dừng lại giảng giải cho cháu hiểu, mỗi lần kể xong một câu chuyện tôi đều hướng dẫn cháu kể lại vắn tắt câu chuyện đó. Chiều hôm sau, cho Đình Nhi vừa nghe băng vừa lật sách xem tranh.

Làm như vậy sẽ có năm cái lợi. Một là để cho Đình Nhi trước khi đọc chữ đã có thể hiểu được các câu chuyện bằng tranh. Hai là tiết kiệm được thời gian của người lớn, chỉ cần một lần, Đình Nhi sẽ được nhiều lần nghe kể chuyện. Ba là để bồi dưỡng ngữ cảm cho Đình Nhi, trong quá trình nghe đi nghe lại nhiều lần, Đình Nhi sẽ hiểu được chỗ nào cần lên cao hoặc hạ giọng, nhằm nhanh chóng nâng cao khả năng đọc sách của con. Bốn là làm tăng vốn từ cho trẻ, những từ ngữ, những mẫu câu đã được nghe nhiều lần tự nhiên đọng lại trong trí nhớ của trẻ, rất lợi cho việc biểu đạt ý nghĩ của trẻ một cách chuẩn xác và mẫu mực. Năm là để bồi dưỡng những tình cảm và đạo đức cao thượng cho trẻ, những câu chuyện tôi chọn để ghi âm phần lớn đều là những câu chuyện nổi tiếng trong nước và nước ngoài, những tình cảm và tư tưởng cao đẹp của nhân loại sẽ ngấm dần, ngấm sau, tạo nên một tâm hồn cao đẹp và phong phú cho trẻ.

Ngoài năm mục đích trên, bằng cách nghe kể chuyện qua băng, tôi còn muốn cho Đình Nhi nhanh chóng học được tiếng phổ thông chuẩn mực. Ở với bà ngoại, Đình Nhi sớm đã học được kiểu ngữ âm rất lạ: nửa là giọng Hà Nam, một nửa là giọng Hồ Bắc và cộng thêm một chút tiếng phổ thông không được chuẩn xác lắm. Rời Hồ Bắc, tôi lập tức chỉnh lại ngữ âm cho Đình Nhi, và bắt cháu phải nói với tôi bằng tiếng phổ thông. Tôi cho rằng, sớm dạy tiếng phổ thông cho những đứa trẻ sống ở những vùng quen dùng tiếng địa phương là rất quan trọng. Bởi vì, được nghe tiếng phổ thông quá muộn, trẻ con sẽ cho rằng “Đó không phải thứ tiếng của mình”, nên trẻ không muốn nói, mà có nói thì cũng khó mà lưu loát được. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến việc đọc sách thời kỳ đầu của trẻ, mà còn làm chậm quá trình biến ngôn ngữ sách vở thành ngôn ngữ tư duy, rất không có lợi cho việc phát triển trí tuệ cho trẻ.

Tôi chọn cách tự mình ghi âm các câu chuyện cho con nghe, không chỉ vì thời đó chưa có bán các loại băng từ ghi lời kể chuyện, càng quan trọng hơn là, xét về mặt tâm lý học, giọng nói của mẹ bao giờ cũng thân thiết, cũng thu hút sự chú ý của trẻ con hơn là giọng nói trong băng từ xa lạ. Một chuyên gia về tâm lý học nhi đồng người Mỹ, ông Rawans Saple cho rằng, kể chuyện là phương thức tốt nhất để phát triển tư duy cho trẻ con. Bởi vì nghe đọc truyện, trẻ con thường không biết chán, có sự tham gia của bạn nữa thì sức lôi cuốn không gì so sánh nổi. Để cho những câu chuyện tôi kể ngày càng có sức hấp dẫn hơn đối với Đình Nhi, tôi đã cố gắng kể thật diễn cảm. Cứ đến đoạn đối thoại của các nhân vật tôi cố gắng bắt chước gần như thật bằng các giọng trầm bổng, khàn đục hay thanh thoát. Về tốc độ, tôi cố gắng không nhanh cũng không chậm, nhanh quá, trẻ con sẽ phản ứng không kịp, chúng nghe không hiểu và thế không còn hứng thú, chậm quá, các khái niệm từ ngữ sẽ rời rạc không chỉ làm trở ngại cho việc hiểu nội dung câu chuyện, mà còn ảnh hưởng đến tốc độ tư duy của trẻ.

Thời gian đó, tôi đã ghi lại cho con hàng loạt những câu chuyện rất hay, có truyện tranh liên hoàn, có cả những chuyện không có tranh. Có những câu chuyện được chia thành nhiều tập như: “Những câu chuyện đồng thoại về thế giới muôn màu”, “Cuộc chu du trong thế giới côn trùng”, “Ngàn lẻ một đêm”, “Những chuyện lạ lùng về chú ngốc”, “Chiếc hòm đá của con công”… Có những truyện chỉ in trong một quyển như: “Thần bút Mã Lương”, “Chú mèo đeo chuông”, “Hồ thiên nga”, “Người con gái của biển cả” và “Chuyện lạ kỳ về một ông vua nhỏ”… Những cuốn sách và những câu chuyện ấy giống như một kho báu vô cùng quý giá đối với tuổi thơ, ở đó chứa đầy các của cải tinh thần không bao giờ cạn kiệt. Trước khi Đình Nhi biết đọc biết viết, cháu đã được nghe đi nghe lại những câu chuyện bổ ích ấy, và từ đó đã hấp thụ biết bao nguồn dinh dưỡng tinh thần.

Các nhà giáo dục nhi đồng thường nói, nghe nhiều, đọc nhiều những câu chuyện mà nội dung hấp dẫn và phong phúc, ngôn ngữ chuẩn mực và trong sáng sẽ nhanh chóng nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ con. Đó chính là những thu hoạch đầu tiên sau khi Đình Nhi nghe kể chuyện. Thường thường những câu chuyện vừa được ghi âm tối hôm trước, sáng hôm sau, những từ ngữ và những cách nói trong câu chuyện ấy đã được Đình Nhi vận dụng. Tôi còn nhớ, sau khi nghe kể chuyện “Người con gái của biển cả”, ngày hôm sau lúc bước lên thang gác, Đình Nhi nói: “Con sẽ bước nhẹ nhàng như bong bóng nước”. Ngày kẻ niệm sinh nhật Đình Nhi tròn ba tuổi, cháu đã biết gộp nhiều câu chuyện kể thành một câu chuyện dài tới hơn 800 chữ, mà giọng kể rất diễn cảm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.