Emma

Chương 12



Anh Knightley sẽ dùng bữa với họ – việc mà ông Woodhouse không thích vì không muốn có ai chia sẻ niềm vui hội ngộ với Isabella trong ngày đầu tiên. Tuy nhiên, Emma quyết định nên mời anh. ngoài việc anh là em trai của người con rể trong gia đình, cô còn có một niềm vui đặc biệt sau chuyện anh Knightley và cô bất hoà với nhau.

Cô hy vọng bây giờ họ tiếp tục làm bạn trở lại. Cô cho là đã đến lúc nên dàn hoà. Thật ra, họ không thể dàn hoà được. Chắc chắn là cô đã không có lỗi, còn anh sẽ không bao giờ nhận là mình có lỗi. Không có chuyện nhượng bộ, nhưng đã đến lúc nên tạo vẻ bề ngoài như thể họ chưa bao giờ tranh cãi nhau. Cô hy vọng một sự kiện sẽ giúp hàn gắn tình bạn giữa hai người, vì thế khi anh bước vào cô đang bế một đứa trẻ – đứa nhỏ nhất, bé gái khoảng tám tháng tuổi, đến Hartfield lần đầu, đang rất thích thú được đong đưa trong vòng tay của người dì. Đúng là đứa trẻ làm nên chuyện vì tuy lúc đầu anh có nét mặt nghiêm nghị và hỏi han những câu cụt lủn, anh nhanh chóng được dẫn dắt nói chuyện theo cách bình thường, rồi xuề xoà đón nhận đứa trẻ từ trên tay cô với thái độ thân ái tuyệt vời.

Emma cảm thấy họ đã thân thiết trở lại khiến cho cô rất hài lòng, rồi trở nên thân tình một chút khi anh ngắm nhìn em bé, cô nói:

– Kể cũng vui khi chúng ta có tình cảm giống nhau về các cháu. Là đàn ông và phụ nữ, chúng ta có ý kiến rất khác biệt nhau, nhưng về các cháu em thấy ta không bao giờ bất đồng.

– Giá như khi đánh giá đàn ông và phụ nữ em thuận theo sự dẫn dắt của thiên nhiên mà ít chịu ảnh hưởng của óc hoang tưởng và bốc đồng, giống như em đối với các cháu khi chúng ta có cùng cảm nghĩ.

– Chắc hẳn rồi – mối bất hoà giữa chúng ta phát xuất từ sai quấy của em.

Anh mỉm cười:

– Đúng thế, và có lý do hợp lý. Anh đã mười sáu tuổi khi em mới chào đời.

Cô đáp:

– Thế thì là khác biệt đáng kể, và chắc chắn anh suy xét giỏi hơn em vào thời đó, nhưng liệu sau quãng thời gian hai mươi mốt năm có mang óc hiểu biết của chúng ta đến gần hơn không nhỉ?

– Có, gần hơn rất nhiều.

– Nhưng vẫn chưa đủ gần để em có cơ hội làm đúng nếu chúng ta vẫn suy nghĩ khác biệt.

– Anh có lợi điểm so với em nhớ mười sáu năm kinh nghiệm, cũng vì không phải là một thiếu nữ khá đẹp và là một đứa con quen được nuông chiều. Này, Emma thân yêu ạ, ta hãy là bạn với nhau đi và không nói gì thêm về chuyện ấy. Cháu bé Emma ạ, nói với di1 của cháu rằng dì phải nêu gương cho cháu hơn là xới lên chuyện buồn cũ, và rằng nếu dì ấy không sai lúc trước thì là sai bây giờ.

Cô thốt lên:

– Đúng vậy, rất đúng. Cháu Emma ạ, hãy lớn lên làm tốt hơn dì của cháu. Hãy khôn ngoan hơn và không bị lừa dối. Bây giờ, anh Knightley ạ, em chỉ cần nói thêm ít lời là xong. Nếu nói về thiện ý thì cả hai chúng ta đều đúng, và phải nói rằng về phần em vẫn chưa thấy có hậu quả gì sai trái. Em chỉ biết rằng anh Martin không bị thất vọng lắm.

Anh đáp ngắn gọn:

– Anh ấy đã thất vọng nhiều, và không thể thất vọng hơn thế được nữa.

– Ôi chao! Em thật lấy làm tiếc. Nào, bắt tay với em.

Hai người chỉ vừa bắt tay nhau với tình thân ái sâu sắc thì John Knightley xuất hiện. Hai anh em chào hỏi nhau theo cách của người Anh:

– Khoẻ không hở George?

– Anh thì thế nào, John?

Thế là Emma và anh Knightley xoá bỏ xung khắc, chìm ngập trong tình thương yêu trầm lặng vốn khiến cho mỗi người sẵn lòng làm bất cứ việc gì tốt lành cho người kia.

Buổi tối trải qua trong không khí hàn huyên yên bình, và ông Woodhouse từ chối chơi bài để trò chuyện với isabella thân yêu của ông. Gia đình phân làm hai nhóm: một nhóm gồm ông và cô con gái, nhóm kia là hai anh em Knightley. Hai nhóm nói về những đề tài khác biệt hoặc ít khi pha trộn nhau, và Emma chỉ thỉnh thoảng góp chuyện cùng nhóm này hoặc nhóm kia.

Hai anh em nói về những lo toan và công việc họ đang theo đuổi, nhưng chủ yếu là công việc của người anh vốn ăn nói giỏi hơn. Vì là quan toà, người anh có vài điểm về pháp luật để góp ý cho em hoặc ít nhất có vài mẩu chuyện để kể. Vì là nông dân có điền trang ở Donwell, người em nói đến các loại hoa mầu sẽ trồng năm tới và cho vài tin tức địa phương luôn làm cho người anh quan tâm do lẽ luôn không có thời giờ gắn bó với gia đình. Kế hoạch tưới tiêu, việc sửa một hàng rào, đốn một cây chuẩn bị một thửa đất cho lúa mì, cải củ hoặc bắp vụ xuân, đều được John chú ý lắng nghe.

Trong khi đó, ông Woodhouse đang chia sẻ cùng con gái những tiếc nuối trong hạnh phúc và tình thương trong lo lắng. Ông cầm lấy tay cô:

– Isabella tội nghiệp của bố – ông dừng lại vì cô bận bịu với năm đứa trẻ, rồi tiếp – con vắng nhà đã lâu, lâu kinh khủng! hẳn con đi đường mệt nhọc lắm! con yêu ạ, nên đi ngủ sớm , vì bố nghĩ con nên dùng một tí cháo trước đã. Hai bố con ta sẽ cùng ăn một tô cháo to. Emma yêu quý khuyên bố nên dùng một ít cháo.

Emma không thể khuyên gì về việc như thế, biết rằng dù có khuyên thì cả hai anh em Knightley sẽ không nghe theo giống như cô. Thế nên, chỉ có hai tô cháo được mang ra. Sau khi có thêm ít lời khen ngợi món cháo, thêm ít băn khoăng tại sao thiên hạ không dùng cháo mỗi tối, ông nói với vẻ nghiêm trọng:

– Con yêu ạ, mùa thu rồi co nđi South End thay vì đến đây thì không nên chút nào. Bố không bao giờ thích không khí miền biển.

– Bố ạ, anh Wingfield cất công khuyên, nếu không chúng con đã không đi. Anh ấy khuyên nên dẫn cả bọn trẻ đi, nhưng đặc biệt là vì chứng đau cổ họng của bé Bella, cả không khí biển và nước biển đều tốt.

– Con à, nhưng Perry lại nghĩ đi biển thì không ích gì cho cháu bé. Còn đối với bố, dù chưa nói với con, từ lâu bố đã tin rằng biển ít khi hữu ích gì cho ai. Chắc chắn một lần bố suýt chết vì biển.

Ít ra đây là chủ đề kém an toàn, Emma thốt lên:

– Này, này, con xin bố đừng nói về biển. Nó làm cho con lo lắng và khổ sở – mà con chưa từng nhìn thấy biển. Xin bố vui lòng đừng nói về South End. Chị Isabella ạ, e mcq nghe chị hỏi han gì về ông Perry, ông ấy vẫn nhớ đến chị.

– Ông Perry thật tốt bụng. Ông ấy thế nào hả bố?

– Khá khoẻ, nhưng không khoẻ lắm. Ông ấy bị bệnh về đường mật nó không có thời giờ chăm sóc cho bản thân – ông ấy nói với bố mình không có thời giờ chăm sóc cho bản thân, nghe thật là buồn, nhưng lúc nào cũng có người khắp vùng này cần đến ông ấy. Bố nghĩ bất kỳ ở đâu khác không có ai làm việc như ông ấy. Chỉ vì bất kỳ ở đâu khác không có ai tài giỏi như ông.

– Còn bà Perry và các cháu, họ như thế nào? Các đứa trẻ lớn lên ra sao? Con rất mến ông Perry. Con hy vọng ông ấy sẽ sớm đến chơi đây. Ông ấy sẽ rất vui được trông thấy bọn nhỏ.

– Bố hy vọng ngày mai ông ấy sẽ đến vì bố có vài việc muốn hỏi ý kiến. À con ạ, khi ông ấy đến, con nên nhờ ông xem chứng đau họng cho Bella.

– Bố ạ, họng con bé đã khỏi hẳn nên con không còn lo lắng gì nữa. Hoặc do tắm biển mà khỏi, hoặc do thuốc thoa ngoài da của ông Wingfield con dùng thường xuyên từ tháng Tám.

– Tắm biển không hẳn là có ích cho con bé đâu. Nếu bố biết con muốn dùng thuốc thoa thì bố đã nói với….

Emma cắt ngang:

– Hình như bố đã quên gia đình bà Bates. Con chưa nghe ai hỏi han về họ.

– À, gia đình Bates tốt bụng! Chị lấy làm xấu hổ, em thường nhắc đến họ trong những lá thư em gửi chị. Bà Bates già tốt bụng! Ngày mai chị sẽ đến thăm bà ấy và dẫn bọn nhỏ đi theo. Họ luôn vui được trông thấy bọn nhỏ. Còn chị Bates tuyệt vời nữa! Đúng là những người sáng giá. Họ mạnh khoẻ thế nào, hở bố?

– Nói chung là vẫn thường, con ạ. Nhưng bà Bates tội nghiệp bị cảm nặng tháng trước.

– Tội nghiệp! nhưng mùa thu này bệnh cảm lan tràn nhiều hơn trước. Ông Wingfield nói với con là ông chưa từng thấy bệnh lan rộng hoặc nặng như thế, ngoại trừ đấy có thể là bệnh cúm.

– Có nhiều ca, nhưng không đến mức như con nói. Perry nói bệnh cảm có lan nhưng không nặng như ông thường gặp vào Tháng Mười Một. perry không gọi hiện giờ là mùa bệnh phát tán.

– Đúng, con không biết ông Wingfield cho đấy là trầm trọng, ngoại trừ…

– Ối dào, con yêu ạ, sự thật là hiện giờ ở London luôn là mùa bệnh. Không ai được khoẻ ở London cả, không có ai. Con phải sống ở đấy là điều kinh khiếp! xa xôi như thế! Và bầu không khí tệ hại như thế!

– Thật ra không đúng, chúng con không phải sống trong không khí xấu. Khu vực London chúng con ở tốt hơn phần lớn nơi khác! Bố yêu ạ, đừng nhầm lẫn chỗ chúng con với London nói chung. Khu Quảng trường Brenswick khác biệt nhiều so với các khu khác. Chúng con có không khí thoáng mát! Con không muốn sống ở những khu khác của thành phố, hiếm có nơi nào khác mà con muốn bọn trẻ sin hsn, nhưng khu của chúng con là khá thoáng mát! Ông Wingfield đoan chắc khu quảng trường Brunswick là tốt nhất về mặt không khí.

– Con ạ, không bằng Hartfield. Con cố thích ứng ở đó, nhưng sau khi ở đây một tuần tất cả các con và các cháu sẽ thành khác hẳn, sẽ không như lúc đầu. Bây giờ thì bố không thể cho là gia đình con đều trông mạnh khoẻ.

– Con không vui mà nghe bố nói thế, nhưng xin bố an tâm, ngoại trừ vài cơn lặt vặt của chứng nhức đầu và tim đập nhanh mà đi đâu con cũng mắc phải, con cảm thấy khá khoẻ. Bọn trẻ trông nhợt nhạt trước khi đi ngủ chỉ vì hôm nay chúng mệt nhọc hơn thường ngày. Con xin bố an tâm là ông Wingfield đã nói với con rằng ông ấy chưa từng đưa tiễn gia đình con trong sức khoẻ tốt như thế. Ít nhất, bố hẳn không cho là anh Knightley trông như bị bệnh.

Nói rồi Isabella đưa đôi mắt lo lắng âu yếm nhìn sang chồng cô.

– Chỉ vừa phải thôi, con ạ, bố không thể khen con. Bố nghĩ John Knightley trông không khoẻ đâu.

Anh John Knightley lên tiếng khi nghe nhắc đến tên mình:

– Chuyện gì thế, hở bố? Bố nói đến con hở?

– Anh yêu ạ, bố em bảo ông không nghĩ anh trông khoẻ mạnh, nhưng em nghĩ đấy chỉ là vì anh mệt mỏi chút ít. Tuy nhiên, em đã mong anh nhờ ông Wingfield khám cho anh trước khi đi.

Anh vội trả lời:

– Em Isabella yêu, xin đừng lo lắng về bề ngoài của anh. Hãy tự mãn mà lo làm thầy thuốc trong nhà hoặc nâng niu bọn nhỏ, để anh tự lo theo ý mình.

Emma thốt lên:

– Em không hiểu hết ý anh muốn nói gì với em anh về việc anh bạn Graham của anh định tìm một người ở Scotland để quản lý nông trang của anh ấy. Họ trả lời ra sao? Liệu có nặng về thành kiến cũ quá không nhỉ?

Rồi cô nói huyên thuyên về việc này, đến nỗi khi hướng sự chú ý trở lại đến bố và chị, cô nghe chuyện đáng chán hơn khi Isabella hỏi thăm về Jane Fairfax. Dù không thích Jane Fairfax lắm, cô vẫn chen vài lời ngợi khen.

Isabella nói:

– Cô Jane Fairfax thùy mị dễ thương! Đã lâu con không gặp cô ấy, chỉ thỉnh thoảng mới có dịp tình cờ ở thành phố. Hẳn bà ngoại và dì của cô ấy rất vui giá như cô ấy về chơi! Con lấy làm tiếc khi nghe Emma kể cô ấy không còn sống ở Highbury, nhưng bây giờ con gái của vợ chồng Đại tá Campbell đã kết hôn, con nghĩ gia đình này sẽ không muốn rời xa cô nữa. Cô ấy hẳn làm bầu bạn tốt cho Emma.

Ông Woodhouse tỏ ý đồng thuận, nhưng thêm:

– Tuy vậy, con bé Harriet Smith mới là người xinh xắn khác. Con sẽ mến Harriet. Emma không thể có người làm bầu bạn tốt hơn Harriet.

– Con rất vui được nghe thế. Nhưng Jane Fairfax thì tài giỏi hơn, lại cùng tuổi với Emma.

Mọi người đều vui vẻ góp chuyện, thời gian trôi qua trong không khí hoà hợp, nhưng buổi tối chấm dứt mà không thiếu chút náo động. Món cháo được mang ra với nhiều lời ca ngợi là bổ dưỡng theo mọi khía cạnh, nhưng không may ở chỗ chị bếp ở South End không bao giờ biết ý của Isabella là muốn dùng cháo loãng nhưng không được loãng quá. Mỗi khi muốn dùng cháo, không khi nào cô được như ý. Đến đây là phần mào đầu không hay.

Ông Woodhouse lắc đầu nhìn con gái với đôi mắt quan ngại dịu dàng khiến tai Emma lùng bùng như nghe ông nói “Ối dào! Hậu quả xấu không dứt khi con đi South End. Bố không chịu được khi nghe nói đến việc này”. Trong khoảnh khắc cô mong ông không nói ra mà cứ thưởng thức món cháo. Tuy nhiên, sau vài phút ông vẫn bắt đầu:

– Bố vẫn lấy làm tiếc mùa thu rồi con đi biển thay vì về đây.

– Nhưng tại sao bố tiếc? Xin bố an tâm, rất có lợi cho bọn nhỏ.

– Nhưng nếu con phải đi biển thì tốt hơn không nên đi South End. Đấy là vùng không tốt cho sức khoẻ. Perry lấy làm ngạc nhiên khi nghe con quyết định đi South End.

– Con biết nhiều người nghĩ thế, nhưng không đúng, bố ạ. Tất cả gia đình con đều khoẻ ở đấy, không hề bị vấn đề gì từ bùn đất, còn ông Wingfield nói sẽ là hoàn toàn sai lạc nếu cho rằng vùng ấy không tốt cho sức khoẻ . Con nghĩ có thể tin nơi ông ấy, vì ông hiểu biết tường tận về tính chất của không khí, chính gia đình con trai ông ấy cũng thường đi South End.

– Con ạ, nếu phải đi đâu đó thì đáng lẽ con nên đi Cromer. Perry có lần đi Cromer một tuần, và ông ấy cho rằng đó là nơi tắm biển tốt nhất. Ông ấy bảo biển rộng và đẹp, còn không khí thì rất trong lành. Theo chỗ bố biết, con có thể thuê phòng khá xa bờ biển – khoảng nửa cây số – rất tiện nghi. Đáng lẽ con nên hỏi ý kiến Perry.

– Nhưng bố yêu ạ, có khác biệt về quãng đường thì phải là đáng kể. Có lẽ hơn trăm dặm thay vì bốn mươi.

– Con ạ, như ông Perry nói, đối với sức khoẻ thì ta không nên xét đến điều gì khác, và nếu ta phải đixa thì không nên so sánh giữa bốn mươi và một trăm dặm. Thà đừng đi đâu cả, thà ở tại London còn hơn là đi bốn mươi dặm để hít thở không khí xấu. Chính là Perry nói như thế. Đối với ông ấy thì không nên chút nào.

Emma không thể ngăn lời ông bố, và khi ông nói đến điểm này, cô không khỏi băn khoăn anh rể cô sẽ phản ứng ra sao.

Anh con rể nói với giọng bất mãn rõ rệt.

– Ông Perry chỉ nên phát biểu ý kiến khi được hỏi đến. Tại sao ông ấy chen vào việc con phải làm gì? Việc con dẫn gia đình đi miền biển này hoặc miền biển khác? Con phải được quyền vận dụng sự suy xét của mình giống như ông Perry. Con không cần lời khuyên lẫn thuốc men của ông ấy.

Anh ngừng, nét mặt dịu lại, rồi trở nên mỉa mai một cách khô khan:

– Giá như ông Perry có thể nói cho biết làm thế nào dẫn một người vợ và năm đứa con đi quãng đường một trăm ba mươi dặm mà vẫn tốn kém bằng đi bốn mươi dặm, con sẽ sẵn lòng chọn Cromer thay vì South End như ông ấy.

Anh Knightley sốt sắng:

– Đúng, đúng, rất là đúng. Suy xét như thế là phải. Nhưng anh John ạ, như em đã nói với anh ý định về con đường đến Langham, dịch thêm về bên phải để không phải cắt ngang các đồng cỏ của nhà, thì em cho là không khó gì. Bản thân em không muốn tiến hành nếu gây phiền toái cho những người ở Highbury, nhưng giá như anh nhớ ra chính xác hướng tuyến của con đường hiện nay. Cách duy nhất để kiểm chứng là xem bản đồ. Em mong sẽ được gặp anh ngày mai tại Tu viện, rồi chúng ta sẽ cùng nhau xem xét và anh cho em biết ý kiến.

Ông Woodhouse cảm thấy khá phiền hà về những ý kiến gay gắt đối với ông bạn Perry, người mà ông thường mượn danh nghĩa để tỏ lộ nhiều cảm nghĩ của chính ông nhưng thái độ chăm sóc dịu dàng của hai cô con gái giúp xoá tan bầu không khí ngột ngạt. Lại nhờ người anh nhanh trí và người em trai có ký ức tốt giúp họ không nói tiếp chuyện cũ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.