Emma
Chương 8
Harriet lưu lại Hartfield đêm hôm ấy. Trong vài tuần nay, cô đã chia hơn phân nửa thời gian của mình cho nơi này, và dần dần cô được thu xếp một phòng riêng, Emma phán đoán cách tốt nhất, an tâm nhất và tử tế nhất là lúc này nên giữ cô bé ở bên mình càng nhiều càng tốt. Buổi sáng hôm sau, cô bé phải đi đến nhà bà Goddard trong một, hai giờ đồng hồ, rồi được phép đi đến ở tại Hartfield để thỉnh thoảng mới về thăm bà.
Trong khi cô bé đi vắng, anh Knightley đến, ngồi chuyện trò một lúc với ông Woodhouse và Emma cho đến lúc ông Woodhouse cần đi dạo và Emma cùng anh khuyên ông không nên bỏ sót việc vận động dù ông thấy như thế là thất lễ. Anh Knightley không quan tâm nhiều đến phép tắc, vì thế trả lời một cách ngắn gọn và cả quyết những lời lẽ dông dài xin kiếu lỗi và thái độ lưỡng lự theo xã giao của ông.
Ông nói:
– Nếu cháu bỏ lỗi cho bác, bác tin cháu không cho là bác kém xã giao khi nghe theo lời khuyên của Emma mà đi dạo một lát. Vì mặt trời đã lên, bác nghĩ nhân lúc này đi ba vòng nếu được. Cháu Knightley, bác đành thiếu lịch sự với cháu. Bọn già nua yếu đuối như bác nghĩ mình có đặc quyền.
– Bác thân yêu ạ, xin cứ xem cháu như người nhà.
– Con gái bác thay mặt bác tiếp khách rất giỏi, Emma sẽ rất vui mà hầu tiếp cháu. Vì thế, bác mong cháu bỏ lỗi để bác làm ba vòng – buổi đi dạo mùa đông của bác.
– Bác ạ, làm được thế là tốt rồi.
– Cháu Knightley, bác không thể rủ cháu cùng đi cho vui, vì bác phải đi rất chậm khiến cháu sẽ buồn chán. Hơn nữa, cháu còn phải đi bộ một quãng đường xa hơn để trở về tu viện Donwell.
– Cảm ơn bác, xin cảm ơn. Cháu sắp đi bây giờ. Bác nên đi càng sớm càng tốt, cháu đi tìm áo choàng và mở cổng vườn cho bác.
Cuối cùng ông Woodhouse đi ra, nhưng thay vì ra về ngay, anh Knightley lại ngồi xuống, dường như muốn chuyện trò thêm. Anh bắt đầu nói về Harriet, nói với những lời đề cao mà Emma chưa từng nghe trước đây. Anh nói:
– Anh thấy cô ấy không đến mức đẹp như em đánh giá, nhưng là người con gái xinh xắn và có tính tình tốt. Tư cách của cô bé tuỳ thuộc vào người cô giao du, và nếu chơi với người tốt cô ấy sẽ là một phụ nữv có phẩm giá.
– Em vui mà thấy anh nghĩ như thế, còn về người tốt thì không thiếu.
Anh nói:
– Này, em nôn nóng muốn nghe lời khen, thế nên anh phải nói ngay rằng em đã giúp nâng cao tư cách của cô bé. Em đã giúp cô ấy bỏ lối cười khúc khích của nữ sinh trung học, đúng là nhờ có em.
– Cảm ơn anh. Em hẳn sẽ lo đến mụ người nếu không tỏ ra hữu dụng gì cả, nhưng không phải ai cũng khen. Chính anh cũng ít khen em.
– Sáng nay em đang chờ cô bé đến phải không?
– Em đang chờ hầu như từng giây phút. Cô ấy đã đi lâu hơn dự kiến.
– Có chuyện gì đấy đã giữ chân cô bé lại, có lẽ là vài người khách.
– Những lời đồn đại ở Highbury! Những người độc ác đáng chán!
– Có thể Harriet không xem mọi người là đáng chán như em nghĩ.
Emma hiểu đó là sự thật, vì thế không nói gì cả.
Anh mỉm cười nói thêm:
– Anh không giả vờ cả quyết về thời giờ hoặc nơi chốn, nhưng anh phải nói cho em rõ anh có lý do xác đáng để tin cô bạn nhỏ của em chẳng bao lâu sẽ được nghe điều gì đó có lợi cho cô ấy.
– Thật à? Điều ấy ra sao? Về việc gì?
Anh vẫn mỉm cuời:
– Một việc rất ngihêm túc. Em cứ tin thế đi.
– Rất nghiêm túc! Em chỉ có thể nghĩ đến một việc : ai có lòng thương tưởng đến cô ? Ai đã thổ lộ chuyện thầm kín cho anh biết?
Emma rất nóng lòng mong anh Elton hé lộ tâm tư. Anh Knightley vốn là bạn và là người cố vấn, vì thế cô tin anh Elton đã hỏi ýkiến anh.
Anh Knightley đáp:
– Anh có lý do để nghĩ rằng Harriet Smith chẳng bao lâu sẽ nhận được lời cầu hôn, và đấy là từ một người rất tốt – người này là Robert Martin. Chuyến thăm viếng của cô bé đến Abbey Mill vào mùa hè này có lẽ đã tạo cơ hội cho anh ta. Anh ta tha thiết yêu và muốn cưới cô ấy .
Emma nói:
– Anh ấy rất thành tâm, nhưng anh ấy có chắc Harriet sẽ chấp nhận không?
– À, à, thế thì phải tỏ tình ý cho cô bé biết. Liệu việc này có kết quả không nhỉ? Hai ngày trước anh ấy có đến tu viện để hỏi ý kiến anh về việc này. Anh ấy biết anh xem trọng anh ấy cùng gia đình anh ấy, và anh nghĩ anh ấy xem anh là người bạn thân thiết nhất. Anh ấy đến hỏi anh liệu có đường đột quá không khi đi đến quyết định nhanh như thế, anh có nghĩ cô ấy còn quá trẻ không . Tóm lại liệu anh có đồng ý với chọn lựa của anh ấy hay không vì anh ấy lo có lẽ cô bé tự xem mình thuộc giai cấp cao hơn (nhất là từ lúc em đã tạo ảnh hưởng này cho cô bé).
“Anh rất vui với mọi lời anh ấy tỏ bày. Anh chưa bao giờ nghe lời lẽ của ai đúng tình như từ con người của Robert Martin. Anh ấy luôn ăn nói có chủ đích, cởi mở, thẳng thắn mà còn có suy xét. Anh ấy bày tỏ tất cả về hoàn cảnh và dự kiến của anh ấy và những gì họ định thực hiện sau khi kết hôn. Anh ấy là một thanh niên rất tốt xét theo cả hai cương vị con trai trong gia đình và anh của các cô em gái. Anh sẵn lòng khuyên anh ấy nên kết hôn. Anh ấy đã minh chứng với anh là có đủ điều kiện vật chất cho việc này, và anh tin anh ấy không thể lo toan được tốt hơn nữa. Anh cũng khen ngợi cô bé, và làm cho anh ấy ra về vui vẻ. Nếu anh ấy chưa từng đánh giá cao ý kiến của anh thì bây giờ hẳn sẽ nghĩ tốt về anh, và anh tin chắc anh ấy ra về mà nghĩ rằng anh là bằng hữu và cố vấn đắc lực nhất. Việc này xảy ra vào tối hôm kia.
“Bây giờ ta có thể đoán ra rằng anh ấy sẽ không mất nhiều thì giờ để thổ lộ với cô bé, và vì hôm qua anh ấy chưa nói, có lẽ hôm nay anh ấy sẽ đi đến nhà bà Goddard. Thế là cô bé được một người khách giữ chân mà cô không nghĩ đấy là người đáng chán chút nào cả.
Emma đã mỉm cười trong khi anh nói, bây giờ cô hỏi:
– Anh Knightley, xin anh cho biết làm thế nào anh cho là anh Martin đã không nói ra ngày hôm qua?
Anh có vẻ ngạc nhiên:
– Đúng thế. Anh không chắc tuyệt đối, nhưng có thể suy luận. Có phải cô bé đã ở bên em cả ngày không?
Cô đáp:
– Này, em sẽ cho anh rõ đôi điều để đáp lại việc anh đã cho em biết. Anh ấy nói ra ngày hôm qua – biên thư thì đúng hơn – và đã bị từ khước.
Cô phải lặp lại nhiều lần anh Knightley mới tin. Mặt anh ửng đỏ vì ngạc nhiên và bực mình. Anh đứng lên trong dáng vẻ khinh bỉ tột độ và nói:
– Thế thì cô ấy khờ khạo hơn là anh nghĩ. Cái cô ngốc nghếch này làm sao thế?
Emma cất cao giọng:
– Đúng là đàn ông luôn cảm thấy khó hiểu khi một phụ nữ khước từ lời cầu hôn. Đàn ông luôn nghĩ rằng phụ nữ phải sẵn sang đón nhận khi có người đặt vấn đề với cô ta.
– Vô lý! Đàn ông không ai nghĩ như thế. Nhưng ý nghĩa của chuyện này là như thế nào? Harriet Smith mà từ khước Robert Martin à? Quả thật là điên rồ, nhưng anh hy vọng em đã nhầm lẫn.
– Em đã đọc qua thư phúc đáp của của ấy! – không còn nghi ngờ gì nữa.
– Em đã đọc qua thư phúc đáp! Em còn viết thư phúc đáp nữa. Emma, chuyện này là do em gây ra. Em đã thuyết phục cô ấy nên từ khước.
– Nếu em có thể thuyết phục (mà em không hề cho phép mình làm như thế), em không cho là mình đã làm sai]. Anh Martin là một thanh niên đáng kính nhưng em nghĩ anh ấy không xứng đôi với cô bé. Em còn lấy làm ngạc nhiên là anh ấy dám mơ tưởng việc cầu hôn. Theo như anh thấy, anh ấy cũng đã lưỡng lự. Đáng tiếc là anh ấy đã vượt qua được sự lưỡng lự này.
Anh Knightley cao giọng ta thán một cách sôi nổi:
– Marin mà không xứng đôi với Harriet!
Anh bình tâm lại một hồi, rồi thêm:
– Đúng vậy, anh ấy không xứng đôi vi ở tầm cao hơn về nhận thức, cũng như gia cảnh. Emma, em đã mù quáng vì em thương mến cô bé quá mức. Liệu Harriet Sminh dựa vào đâu – hoặc là do lai lịch, bản thân hoặc học thức – để tạo vị thế cao hơn Robert Martin? Không ai rõ cha mẹ cô bé là ai, có lẽ cô không có của cải vật chất gì cả, và chắc chắn là không có nhân thân đáng vị nể. Người ta chỉ biết cô là học sinh nội trú ở một trường tầm tầm. Cô không phải là người có óc phán xét giỏi, cũng không phải có tri thức cao. Cô không được giáo dục để làm việc gì hữu dụng, cô còn quá trẻ và quá giản đơn nên không thể tiếp thu điều gì có ích cho mình. ở tuổi này cô không có kinh nghiệm gì với cuộc đời, và với đầu óc còn khờ khạo hẳn cô không được trang bị gì để tự lập thân. Cô xinh và hiền, chỉ có thế.
“Anh, anh chỉ có chút băn khoăn là về phần anh ấy, có thành quả chưa cân xứng với khả năng, và thân thể kém cỏi. Về tình trạng vật chất, anh cho là anh ấy có thể làm tốt hơn, còn nếu có người bạn đời biết điều và đắc lực thì vật chất còn khá hơn nữa. Nhưng anh không thể lý luận như thế đối với một người đang yêu, vả lại anh còn tin cô ấy sẽ không phải chịu thiệt gì để sống trong gia cảnh như thế mà với người tháo vát như anh ấy thì sẽ khấm khá hơn lên. Anh nghĩ cuộc hôn nhân này là có lợi cho cô ấy, và không có chút băn khoăn nào (đến bây giờ anh vẫn không có) khi cho rằng cô ấy đã gặp vận may.
“Anh cũng tin là em sẽ cảm thấy hài lòng. Anh đã nghĩ ngay rằng em sẽ không thấy tiếc vì cô bạn rời xa HIghbury khi cô ấy được yên bề gia thất tốt như thế. Anh còn nhớ đã nhủ thầm “Ngay cả Emma dù có ý che chở cho Harriet cũng phải nghĩ đây là cuộc hôn nhân tốt”.
– Em phải lấy làm ngạc nhiên vì anh hiểu quá ít về Emma nên mới nhủ thầm như thế. Cái gì? Anh thử nghĩ xem một nông dân (anh Martin chỉ là thế theo mọi cảm nhận và giá trị) mà lại có cuộc hôn nhân tốt với cô bạn thân của em! Em mà lại không tiếc cô rời xa Highbury để cưới người mà em chưa bao giờ chịu giao thiệp! em ngạc nhiên thấy anh nghĩ như thế. Tin em đi, cảm nghĩ của em hoàn toàn khác. Em bắt buộc phải cho rằng lời anh nói là không công tâm chút nào. Anh không công tâm khi nói về thân thế của Harriet. Những người khác và cả em đều phán xét khác hẳn. Anh Martin có thể giàu có hơn, nhưng chắc chắn anh ấy ở địa vị xã hội thấp hơn. Xã hội mà cô ấy giao du còn cao hơn xã hội của anh ấy nhiều. Hôn nhân là chiều hướng đi xuống của cô ấy.
– Chiều hướng đi xuống đối với nhân thân không chính đáng và đầu óc kém tri giác, để kết hôn với một người nông dân tử tế, đáng kính, thông minh!
– Về lai lịch của của ấy ,tuy theo pháp lý thì cô không là gì cả, nhưng không nên xét qua nhận thức thông thường. Cô ấy không nên bị buộc phải trả giá vì người khác lầm lỡ, không nên bị ràng buộc với người đã nuôi nấng cô . Chắc chắn cha cô ấy là một nhà quý tộc – lại là quý tộc có tiền của. Cô được mức cấp dưỡng rất cao để không thiếu thứ gì trong cuộc sống. Em thấyrõ ràng cô là con của một nhà quý tộc, ai cũng rõ cô giao du với các con gái nhà quý tộc. Cô ấy ở tầng lớp cao hơn anh Robert Martin.
Anh Kinghtley nói:
– Dù cho cha mẹ cô ấy là ai, dù cho ai đang lo nuôi nấng cô ấy, thì họ vẫn không dự kiến cô ấy sẽ được đưa vào cái mà em gọi là xã hội tốt. Sau khi đã nhận được nền học vấn hoàn toàn khác biệt, cô ấy được để tự do hành động dưới sự quản lý của bà Goddard, giao du với những người quen biết của bà Goddard\. Bạn bè cô hiển nhiên nghĩ thế là tốt cho cô, mà đúng là tốt thật. Bản thân cô ấy không mong mỏi gì hơn. Trước ngày em muốn cô ấy làm bầu bạn với em thì đầu óc cô ấy không có định kiến khinh rẻ ai và không có ước nguyện gì cao xa hơn. Cô ấy vẫn cảm thấy thoả nguyện khi đến với gia đình họ Martin. Lúc ấy cô đã không nghĩ mình ở địa vị cao hơn. Nếu có thì là do bây giờ em đặt ra. Emma ạ, em không phải là người bạn của Harriet Smith. Robert Martin hẳn jg bao giờ muốn tiến xa đến thế nếu anh ấy không tin rằng cô bé đã thuận lòng. Anh hiểu rõ anh ấy. Anh ấy có cảm nghĩ rất thực nên sẽ không bầy tỏ với người con gái vì lòng ích kỷ mà mong cưới cô ấy. Còn nói về tính tự cao tự đại thì anh ấy không hề có. Em tin anh đi, anh ấy đã thấy được khích lệ.
Emma thấy không nên trả lời trực tiếp về nhận xét này. Theo vào đó, cô chọn chủ đề của mình:
– Anh là bạn rất thân của anh Martin, nhưng như em đã nói, như thế là không công tâm với Harriet. Ý Harriet muốn có hôn nhân tốt không phải là đáng khinh như anh nói. Cô ấy không khôn khéo nhưng cô suy xét hay hơn là anh nghĩ, và óc hiểu biết của cô ấy không đáng bị xem rẻ đến thế. Tuy nhiên bỏ qua điều này và giả dụ cô ấy chỉ xinh và hiền như anh nhận xét, em phải nói là theo mức độ ấy những lời đề cao của người ta không phải là tầm thường. Có đến chín mươi chín trong số một trăm người nghĩ cô ấy đúng là một thiếu nữ đẹp. Khi nào mà đàn ông vẫn quan tâm đến nhan sắc, khi nào mà họ chưa thương yêu đầu óc tri thức thay cho dung nhan kiều diễm, thì một thiếu nữ dễ thương như Harriet vẫn còn được ca ngợi.
“Còn vẻ thuỳ mị của cô ấy cũng là yếu tố đáng kể , bao hàm cả tư cách tử tế, thái độ rất khiêm tốn về mình và tính hoà đồng với mọi người. Em sẽ rất ngạc nhiên nếu thanh niên các anh không công nhận nhan sắc như thế và tính tình như thế là ưu điểm cao nhất của phụ nữ.
– Emma, khi nghe em nguỵ biện, anh gần đi đến đồng ý với em. Thà đừng có lý trí còn hơn là lạm dụng nó như cách của em.
Cô đùa cợt:
– Đúng thế! Em biết đấy là cảm nghĩ của thanh niên các anh. Em biết Harriet đúng là mẫu người mà tất cả các anh đều thích – vì vừa làm mê muội lý trí vừa thoả mãn óc suy xét của các anh. Ôi chao! Harriet tha hồ mà chọn lựa. Ngay cả nếu chính anh kết hôn thì cô ấy đúng là mẫu người cho anh. Và nếu cô bé mười bảy tuổi, mới bước vào đời, mới bắt đầu tạo dựng mối quen biết, thì ta có nên băn khoăn hay không chỉ vì cô từ khước lời cầu hôn đầu tiên? Không nên, ta cần để cho cô có thời giờ xem xét quanh mình.
Anh Knightley nói:
– Anh luôn nghĩ tình thân giữa hai em là rất ngốc nghếch, dù anh chỉ giữ trong đầu ý nghĩ này. Nhưng bây giờ anh nhận ra rằng đấy là rất không may cho Harriet. Em thổi phồng cho cô ấy ý tưởng về nhan sắc của cô ấy, về vọng tưởng của cô ấy mà chỉ trong thời gian ngắn không ai quanh cô ấy tỏ ra xứng đôi. Tính phù phiếm tiêm nhiễm một đầu óc yếu đuối sẽ gây ra nhiều tai hại. Thiếu nữ dễ có vọng tưởng quá cao. Cô Harriet Smith có thể không có nhiều lời cầu hôn đến nhanh như thế, dù cho cô ấy rất xinh. Thanh niên có lý trí không muốn có người vợ ngu xuẩn, dù cho em có nói thế nào chăng nữa. Người có danh giá không thích quan hệ với một cô gái có lai lịch mù mờ như thế, và phần lớn những người cẩn trọng sợ sẽ bị dây dưa vào chuyện phức tạp hoặc ô nhục khi bức màn bí ẩn về cha mẹ cô được vén lên. Hãy để cô ấy kết hôn với Robert Martin, rồi cô sẽ được ổn định cuộc sống, được kính trọng và hạnh phúc mãi mãi. Nhưng nếu em khuyến dụ cô ấy có cuộc hôn nhân sang cả hơn và bảo cô ấy chỉ nên hài lòng với người có gia thế và của cải, cô ấy có thể sống cuộc đời nội trú suốt đời ở ngôi trường của bà Goddard 0 hoặc ít nhất (vì một ngày cô sẽ cưới ai đấy) cho đến khi cô ấy tuyệt vọng rồi sẵn sàng cưới con trai của một ông thư ký già.
– Anh Kightley lạ, chúng ta suy nghĩ rất khác nhau về điểm này nên không ích gì mà tranh luận mãi, nếu không chúng ta chỉ trêu tức nhau mà thôi. Nhưng về việc em để cho cô ấy cưới Robert Martin thì không thể được, cô ấy đã từ khước, và từ khước một cách quả quyết nên em cho là sẽ không có chuyện anh ấy lặp lại lời cầu hôn. Cô ấy phải sống với hậu quả của việc từ hôn dù thế nào chăng nữa. Còn về việc từ hôn, em không giả dối mà nói em không gây ảnh hưởng gì, nhưng xin anh tin rằng em hoặc ai khác có vai trò rất nhỏ. Chính ngoại hình anh ấy khiến cho anh ấy bị bất lợi, và tư cách kém cỏi của anh ấy khiến cô bé không chấp nhận. Em có thể mường tượng là cô bé chưa từng trông thấy ai khá hơn thì cô bé có thể chấp nhận anh ta. Anh ta là anh của các bạn cô và anh ta cố gắng lấy lòng cô. Xét qua các mặt, nếu chưa từng quen biết ai khá hơn thì trong thời gian lưu lại Abbey Mill có thể cô ấy thấy anh ta không phải là hèn kém. Nhưng bây giờ, tình hình đã khác. Bây giờ cô ấy biết thanh niên quý phái là như thế nào, và chỉ người quý phái có học thức và tư cách mới có cơ may với Harriet.
Anh Knightley cao giọng:
– Vô lối, vô lối đến lầm lạc mà nói thế! Tư cách của Robert Martin là có lý trí, chân thành và tính tình vui vẻ. Đầu óc của anh ấy có đầy tư tưởng, phong nhã mà Harriet Smith không thể hiểu hết.
Emma không trả lời. Cô cố ra vẻ nhẹ nhàng, không quan ngại, nhưng thực ra cô cảm thấy bất an và muốn anh ra về. Cô không hối hận việc mình đã làm; cô vẫn còn nghĩ mình có óc suy xét hay hơn anh về quyền và phong cách của người phụ nữ. Tuy thế, cô vẫn thường tôn trọng phán xét của anh, nhưng anh làm cô bực bội vì đã phê phán cô quá mạnh. Việc anh luôn có ý nghĩ đi ngược lại với cô càng khiến cho cô khó chịu hơn. Họ giữ im lặng một lúc trong tâm tư khó chịu, rồi Emma lái qua chuyện thời tiết. Nhưng anh không trả lời. Anh đang suy nghĩ.
Cuối cùng, ý nghĩ của anh phát ra thành lời:
– Robert Martin không mất mát gì lắm nếu anh ấy nghĩ thế, và anh mong chẳng bao lâu anh ấy sẽ cho là thế. Quan điểm của em về Harriet thì chỉ mình em biết, nhưng vì em đã công khai việc em thích làm mai, anh có thể nói rằng quan điểm ấy cùng những trù định của em – mà em đoán Elton là đối tượng – chỉ vô ích thôi
Emma cười to, có ý phản bác.
Anh nói tiếp:
– Tin anh đi, không thành công với Elton đâu. Elton là người rất tốt và là một cha xứ rất đáng kính ở Highbury, nhưng anh ấy sẽ không khinh suất trong chuyện hôn nhân. Anh ấy biết giá trị của lợi tức cao như bất kỳ ai khác. Elton có thể nói chuyện tình cảm nhưng sẽ hành động theo lý trí. Anh ấy biết rõ mình cần gì, cũng như em biết Harriet cần gì. Anh ấy biết mình rất đẹp trai và đi đâu cũngdc thương mến. Từ cách nói bộc trực của anh ấy khi chỉ có đàn ông với nhau, anh tin rằng anh ấy không muốn tự buông thả. Anh đã nghe anh ấy nói một cách sôi nổi về một gia đình có các thiếu nữ chơi thân với các em gái anh, mà mỗi cô có cả hai mươi nghìn bảng.
Emma lại cười:
– Giá như em để tâm đến việc anh Elton cưới Harriet thì hẳn là cơ hội mở mắt cho em, nhưng bây giờ em chỉ muốn giữ Harriet ở bên mình. Em đã xong việc làm mai. Em không bao giờ nghĩ còn làm được việc như ở Randalls. Em sẽ ngưng việc này.
– Thôi chào em.
Anh đứng dậy rồi bước đi ngay. Anh cảm thấy vô cùng phật ý. Anh cảm nhận nỗi thất vọng của người trai trẻ, và xấu hổ vì đã tỏ ra ủng hộ cuộc hôn nhân. Anh cũng bực tức vì đã thuyết phục Emma mà không thành công.
Emma cũng lấy làm phật ý, nhưng những lý do của cô thì không minh bạch như anh. Cô không thấy hài lòng về mình, không thấy thật thuyết phục là mình có ý kiến đúng và đối phương thì sai, như trường hợp này của anh Knightley. Anh ra về mà tự hài lòng hoàn toàn về mình. Tuy nhiên, cô không hề chán nản; với thời gian và khi Harriet trở về cô sẽ bình tâm lại. Cô bắt đầu cảm thấy bất an vì Harriet đi quá lâu. Cô lo lắng với khả năng người trai trẻ tìm đến nhà bà Goddard sáng hôm ấy, gặp gỡ Harriet và khẩn khoản với cô về ý tình của anh. Khi Harriet xuất hiện với vẻ mặt phấn khởi và không cho biết tại sao mình đi vắng lâu, Emma cảm thấy hài lòng và tin rằng cứ để cho anh Knightley nghĩ hoặc nói gì tuỳ ý, cô đã làm mọi việc đúng lý cho tình bạn của phụ nữ và cảm quan của phụ nữ.
Anh đã làm cho cô lo sợ chút ít về anh Elton, nhưng khi cô cho rằng anh Knightley không thể quan sát Elton tường tận như cô và cũng không quan tâm hoặc có khả năng quan sát trong chuyện cô đang trù tính. Khi anh nói ra việc ấy một cách hấp tấp và giận dữ, cô tin rằng an hẳn nhìn nhận anh không hiểu biết gì cả. Chắc hẳn anh đã nghe anh Elton nói một cách bộc trực hơn là cô từng nghe, và hẳn anh Elton không phải là người khinh suất hoặc coi rẻ tiền bạc. Nhưng anh Knightley không xét đến ảnh hưởng của đam mê. Anh chưa từng trông thấy đam mê như thế, và dĩ nhiên không nghĩ gì đến ảnh hưởng của đam mê. Cô đã từng thấy nhiều nên không cho là người như anh Elton có thể cưỡng lại sức đam mê dù đã không khinh suất.
Dáng vẻ và cử chỉ vui tươi của Harriet giúp cho Emma bình tâm lại. Harriet trở về mà không nghĩ gì đến anh Martin, chỉ nói về anh Elton. Cô Nash đã nói gì đó mà cô bé lập tức vui vẻ thuật lại. Ông Perry đến nhà bà Goddard để chăm sóc cho một đứa trẻ bị bệnh, và ông cho cô Nash hay rằng hôm trước khi từ Clayton Park trở về, ông có gặp anh Elton. Ông ngạc nhiên được biết anh Elton đang trên đường đi London đến ngày mai mới trở về dù đấy là đêm họ chơi bài mà anh Elton chưa bao giờ vắng mặt. Ông Perry đã phản đối và khẩn khoản người bạn vốn là tay chơi bài hay nhâ;t nên ở lại, nhưng vô ích. Anh Elton đã nhất quyết đi, và đặc biệt nói rằng anh bận một việc mà anh không thể trì hoãn cho dù mọi lôi kéo trên thế gian này. Anh còn nói về một công tác khiến ai nấy đều ganh tị, và anh đang mang theo mình một món gì đấy rất quý giá. Ông Perry không hiểu gì cả, nhưng chắc chắn là trong việc này có một phụ nữ, nên nói thẳng ra điều này. Anh Elton chỉ lộ vẻ rất có ý thức và chỉ mỉm cười, rồi hồ hởi phóng ngựa đi.
Cô Nash đã kể cho Harriet nghe tất cả việc này và còn nói thêm nhiều về anh Elton, rồi nhìn cô bé với đầy ngụ ý nói rằng “Cô ấy không giả vờ hiểu công việc của anh là gì, nhưng chỉ biết rằng người phụ nữ mà anh để ý đến hẳn là người may mắn nhất trần đời, vì chắc chắn không có ai xứng đôi với anh Elton về ngoại hình và tính tình”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.