Emma
TẬP II – Chương 01
Một buổi sáng, Emma và Harriet cùng nhau đi dạo và Emma nghĩ trong ngày nay họ đã nói nhiều về anh Elton, thế là đủ. Cô nhận thấy có nói thêm sẽ khiến cho Harriet không khuây khoả được và cô lại thêm bứt rứt về lỗi lầm của mình. Vì thế, khi họ quay về, cô lái qua chuyện khác. Nhưng rồi khi cô nghĩ mình đã thành công, chuyện cũ lại xới lên. Sau một hồi cô nói về việc người nghèo phải chịu khổ sở như thế nào trong mùa đông, Harriet chỉ đáp lại bằng một câu ai oán:
– Anh Elton tử tế với người nghèo làm sao!
Emma nghĩ mình nên làm việc gì khác.
Họ vừa tiến đến ngôi nhà của bà Bates và cô con gái, Emma quyết định vào thăm họ và trông nhờ vào số đông. Lúc nào cũng có lý do cho mối quan tâm: bà Bates và cô con gái thích có người đến thăm hỏi họ, và Emma biết có vài người vốn luôn cho rằng cô vẫn thiếu sót, giúp đỡ chưa đủ để họ vượt qua khó khăn.
Emma đã nghe anh Knightley ngụ ý nhiều lần và cũng tự thấy mình thiếu sót, nhưng cô không muốn phản bác – chỉ phí thời giờ cho những phụ nữ phiền hà – và cả nhọc nhằn khi phải chiều theo cư dân hạng hai và hạng ba ở Highbury vốn luôn đòi hỏi. Vì thế, cô ít khi đến gần họ. Nhưng bây giờ bỗng dưng cô có ý muốn vào thăm họ, cô nhận xét với Harriet rằng theo cô tính, bây giờ họ không sợ có lá thư nào của Jane Fairfax gửi về.
Ngôi nhà thuộc về những người hành nghề buôn bán. Bà Bates và cô con gái chiếm tầng trên có kích thước khiêm tốn vừa đủ cho hai người, nơi hai cô được chào đón một cách thân thiện, ngay cả với lòng biết ơn. Bà cụ ít nói và giản đơn đang ngồi đan ở một góc phòng, thậm chí muốn nhường chỗ ngồi của mình cho cô Woodhouse. Cô con gái sinh động, lắm lời, gần gũi khiến cho hai vị khách choáng ngợp với thái độ chăm sóc và tử tế, cảm ơn họ đã đến thăm, quan ngại đến đôi giầy của họ, lo lắng hỏi han sức khoẻ của ông Woohdouse, vui vẻ kể chuyện về bà mẹ mình, và mời khách ăn bánh. Cô cho biết bà Cole vừa ở đây, mới đi được mười phút, và tử tế đến độ ngồi với họ trong một giờ, bà ấy đã dùng một miếng bánh và khen ngon, và vì thế cô mong cô Woodhouse và cô Smith cũng nên chiều lòng mà thử một miếng.
Nhắc đến tên nhà Cole thì không tránh khỏi nói tiếp đến anh Elton. Hai bên chơi thân với nhau, và anh Cole đã được tin về anh Elton từ khi anh này ra đi. Emma biết những gì sẽ xảy ra: họ phải đọc qua lá thư lần nữa rồi tính xem anh đã đi được bao lâu, bàn tán anh bận bịu với bạn bè ra sao, mỗi nơi anh đến người ta mến thích anh ra sao, và buổi tụ họp đông người như thế nào. Cô bình thản đối với tất cả, vẫn tỏ ra quan tâm, và cất tiếng ngợi khen theo mức cần thiết, luôn nhanh nhẩu trao đổi để ngăn chặn Harriet mở miệng.
Emma đã chuẩn bị tinh thần cho việc này trước khi bước vào, nhưng chủ định sau khi đã khen anh điển trai một câu thì sẽ không bị quấy nhiễu thêm vì bất kỳ đề tài rắc rối nào khác , rồi họ sẽ nói về bà này cô nọ ở Highbury cùng những buổi chơi bài của họ. Cô đã không chuẩn bị cho việc nói về Jane Fairfax tiếp theo anh Elton nhưng chị Bates bất ngờ vội gạt anh đi để trình ra lá thư của cô cháu:
– À vâng – anh Elton, tôi biết …về việc khiêu vũ…bà Cole cho tôi hay rằng khiêu vũ ở Bath là…bà Cole vui vẻ ngồi với chúng tôi một lúc, nói về Jane, vì vừa đến bà đã bắt đầu hỏi về cô ấy, nhiều người ở đó mến Jane. Mỗi khi cô ấy gặp chúng tôi, bà Cole luôn tỏ ra rất tử tế, và tôi phải nói rằng Jane xứng đáng với lòng mến thương như vậy. Thế là bà bắt đầu hỏi về con bé «Tôi biết gần đây cô không có tin tức gì về Jane, vì lúc này cô ấy không viết thư». Tôi đáp ngay «Nhưng chúng tôi vừa nhận một lá thư sáng nay». Tôi chưa thấy ai ngạc nhiên như thế. Bà ấy nói «Thật à? Thế thì hơi lạ. Xin cô cho biết cô ấy nói gì».
Phép lịch sự của Emma đã sẵn sàng khiến cô mỉm cuời nói với vẻ quan tâm:
– Gần đây cô có được tin gì về cô Fairfax không? Tôi rất lấy làm vui. Cô ấy vẫn bình thường chứ?
Người dì bị lừa dối một cách hạnh phúc, trả lời:
– Cảm ơn. Cô tử tế quá.
Rồi chị sốt sắng lục tìm lá thư.
– À đây rồi. Tôi nhớ nó nằm ở đâu đây, nhưng cô xem đấy, tôi đặt hộp kim chỉ bên trên mà không biết nên không thấy nó, nhưng gần đây tôi vừa cầm nó nên cứ nghĩ nó ở trên bàn. Tôi đã đọc cho bà Cole nghe, và từ lúc bà ấy ra về tôi đang đọc lại cho mẹ tôi nghe vì bà rất vui – một lá thư của Jane – nên bà cứ nghe đi nghe lại mà không hề chán, nên tôi biết nó ở gần đây, à đây rồi, dưới hộp kim chỉ của tôi…và vì cô vui lòng muốn nghe cô ấy nói gì…nhưng trước nhất, để công bằng với Jane tôi phải xin thứ lỗi vì con bé viết lá thư ngắn như thế này – cô thấy đấy , chỉ có hait rang, gần hait rang – và còn viết đọc thêm. Mẹ tôi thường ngạc nhiên thấy tôi đọc được rõ. Khi mới bóc lá thư, bà nói «Này, Hetty, bây giờ mẹ nghĩ con sẽ bị thử thách khi cố đọc mấy chữ ngoằn ngoèo này – cô có thấy thế không? Rồi tôi nói với bà, nếu không có ai đọc hộ thì bà cũng có thể ráng đọc – cho bằng hết . Tôi tin bà sẽ mò mẫm đọc cho đến hết. Mà thật thế, dù mắt mẹ tôi không còn tinh như trước, nhờ ơn Chúa! Bà vẫn đọc được khá tốt với mục kỉnh. Quả là ơn phước! Mắt mẹ tôi thật ra còn tốt lắm. Khi còn ở đây, Jane thường nói «Ngoại ạ, con tin chắc ngoại có đôi mắt vẫn tốt như lúc nào và còn may vá được nhiều món đẹp. Con chỉ mong sau này có đôi mắt tốt như thế».
Sau khi nói liến thoắng một tràng, chị Bates bắt buộc phải ngưng lại để lấy hơi, và Emma nói ít lời khen nét chữ của cô Fairfax.
Chị Bates vô cùng cảm kích, trả lời:
– Cô rất tử tế mà xét đoán như vậy, chính cô cũng viết chữ rất đẹp. Không có lời khen nào của ai khiến cho chúng tôi vui như lời khen của cô Woodhouse. Mẹ tôi không được nghe, bà ấy bị ngãng tai, cô biết đấy .
Rồi chị nói với bà cụ:
– Mẹ ạ, mẹ có nghe cô Woodhouse khen nét chữ của Jane không?
Và Emma có lợi điểm được nghe lời khen của mình lặp lại hai lần rồi bà cụ tốt bụng mới hiểu được . Trong lúc ấy cô đang tính cách đào thoát ra khỏi lá thư của Jane Fairfax mà không tỏ ra bất lịch sự. Cô đang định lên tiếng viện lý do nào đấy để ra về thì chị Bates quay lại:
– Cô thấy đấy, bệnh tai của mẹ tôi chỉ xoàng thôi, không có gì cả. Tôi chỉ nói to lên và lặp lại hai ba lần là bà nghe được. Cũng nhờ bà quen nghe gj của tôi . Nhưng điều lạ là bà luôn nghe giọng Jane rõ hơn là nghe gịong tôi. Jane nói rất rõ ràng! tuy nhiên, con bé không thấy mẹ tôi ngãng tai nặng hơn hai năm trước , kể từ khi nó ở đây.
– Cô có mong đợi cô Fairfax về một ngày gần đây không?
– A vâng, tuần tới .
– Thật thế1 Như vậy hẳn là vui lắm.
– Cảm ơn cô . Cô tử tế quá . Vâng, tuần tới . Ai cũng đều ngạc nhiên, mọi người đều nói thế. Tôi tin con bé cũng sẽ rất vui được gặp lại bạn bè của nó ở Highbury cũng như họ rất vui được gặp lại nó. Vâng, thứ Sáu hoặc thứ Bảy, con bé không nói ngày nào, vì Đại tá Campell sẽ cần cỗ xe vào một trong những ngày này. Họ rất tử tế mà cho con bé đi suốt quãng đường! mà họ luôn tử tế như thế, cô biết đấy . À vâng, thứ Sáu hoặc thứ Bẩy tới. Con bé biên thư bảo thế. Đó là lý do nó bất ngờ biên thư, theo cách chúng tôi nói, vì thường thường chúng tôi phải đợi đến thứ Ba hoặc thứ Tư tới mới nhận được thư của nó.
– Vâng, tôi hiểu. Tôi e không nhận được tin tức gì của cô Fairfax ngày hôm nay.
– Cô thật tử tế. Đúng, nếu không có cơ hội đặc biệt này khi nó trở về sớm như thế thì hôm nay chưa đến kỳ chúng tôi nhận thư. Mẹ tôi rất vui! vì con bé sẽ lưu lại đây ít nhất ba tháng. Con bé nói chắc chắn ba tháng, như tôi sẽ lấy làm vui mà đọc cho cô nghe. Cô biết chứ, nhà Campell sẽ đi Ireland. Cô Dixon đã thuyết phục cha mẹ cô ấy đến chơi. Hai ông bà định đi vào mùa hè, nhưng cô ấy nóng lòng muốn gặp lại họ sớm, vì trước lúc kết hôn tháng Mười rồi cô ấy chưa bao giờ xa họ quá một tuần, có điều rất lạ khi sống ở hai vương quốc khác nhau – tôi định nói thế – nhưng cho dù hai nước khác nhau, cô ấy viết một lá thư khẩn cho bà mẹ – khác ông bố, tôi không dám chắc, nhưng ta sẽ thấy trong thư của Jane – lá thư viết với tên của anh Dixon và tên của cô ấy , để khẩn khoản mời hai ông bà họ đến.
Và họ sẽ gặp nhau ở Dublin rồi đưa hai ông bà về quê, Baly-craig, tôi doán là vùng đẹp. Jane đã được nghe nói nhiều về vẻ đẹp vùng này, ý tôi là nghe cô Dixon nói – tôi không nghĩ con bé nghe ai khác nói, nhưng cô biết mà, lẽ tự nhiên là cô ấy thích nói về vùng quê của mình – và vì Jane thường đi dạo với họ – vì vợ chồng Đại tá Campell không muốn để cho con gái đi ra ngoài với một mình ông Dixon, mà tôi không trách họ.
Dĩ nhiên là con bé nghe mọi điều ông ấy nói với cô Campell về nhà ông ở Ireland, và tôi nghĩ con bé biên thư cho chúng tôi rằng ông ấy cho họ xem vài bức hoạ phong cảnh của vùng ấy. Tôi tin ông ấy là người rất dễ mến và cuốn hút. Theo những gì ông ấy kể lại, Jane mong mỏi được đi Ireland.
Dến đây đầu óc Emma chợt loé lên nghi vấn tài tình về Jane Fairfax, ông Dixon cuốn hút, và việc Jane không đi Ireland. Với ý định tinh quái muốn khám phá thêm, Emma nói:
– Chị hẳn cảm thấy rất may mắn là cô Fairfax được cho phép trở về vào lúc này. Xét qua tình bằng hữu rất đặc biệt giữa cô ấy và bà Dixon, chị hẳn nghĩ Jane phải tháp tùng ông bà đại tá Campell.
– Đúng thế, thật đúng. Đấy là điều mà chúng tôi luôn e sợ, vì chúng tôi không thích con bé đi quá xa khỏi chúng tôi trong nhiều tháng – nếu có chuyện gì không thể trở về được . Nhưng cô biết không , mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp. Vợ chồng Dixon rất muốn con bé đến với ông bà Đại tá Campell. Jane bảo không có gì tử tế hơn hoặc bức thiết hơn là lời mời từ cả hai phía, như cô sẽ được nghe, anh Dixon xem dường như rất quan tâm. Anh ấy là một thanh niên rất cuốn hút. Kể từ lúc anh giúp cho Jane ở Weymouth khi họ đi chơi biển lần ấy, rồi Jane vì có sóng cuộn hay cái gì đó chung quanh thuyền, suýt bị kéo ra xa bờ, nhưng nhờ có anh ấy cứu kịp – (cứ nghe đến là tôi rùng mình!) – Từ vụ này, chúng tôi rất cảm kích với anh Dixon!
– Nhưng mà, dù cho nhiều người mời mọc và bản thân cô ấy muốn đi Ireland, cô Fairfax vẫn thích trở về thăm chị và bà Bates chứ nhỉ?
– Vâng – Hoàn toàn là do ý muốn của con bé, do tự nó chọn lựa, và ông bà Đại tá Campbell nghĩ con bé làm thế là đúng, như ý họ khuyên, và thật ra họ đặc biệt mong con bé nên hưởng không khí quê nhà vì đ ixa nhà quá lâu.
– Tôi nghĩ họ đã phán xét khôn ngoan. Nhưng cô Dixon hẳn phải thất vọng. Theo tôi được biết cô Dixon không được đẹp như cô Fairfax.
– A đúng. Cô rất tử tế mà nói vậy – nhưng đúng thế, không thể so bì giữa hai người với nhau. Cô Campbell lúc nào cũng trông thô kệch – nhưng rất phong nhã và dễ mến.
– Vâng, dĩ nhiên rồi.
– Jane bị cảm nặng, tội nghiệp con bé! Chỉ mới vào ngày 7 tháng Mười Một (như tôi sẽ đọc cho cô nghe) và vẫn chưa khỏi hẳn. Kể cũng là lâu đối với bệnh cảm, phải không cô? Trước đây con bé không hề cho chúng tôi biết vì sợ chúng tôi lo lắng. Cũng giống như cô! Thật là tế nhị! tuy nhiên, vì bệnh chưa khỏi, ông bà Campbell khuyên con bé nên trở về nhà để hưởng bầu không khí luôn thích hợp với nó, và họ tin ba hoặc bốn tháng ở Highbury sẽ chữa cho con bé hoàn toàn, và chắc chắn trở về nhà thì tốt hơn là đi Ireland rất nhiều, nếu conbé không khoẻ. Không ai chăm sóc cho con bé mà chỉ có chúng tôi .
– Tôi thấy đó là cách thu xếp hay nhất.
– Và thế là con bé sẽ trở về với chúng tôi thứ Sáu hoặc thứ Bẩy tới, còn nhà Campbell rời thành phố đi Heađyhea vào thứ Hai tới – như cô sẽ rõ qua thư của Jane. Thật là bất ngờ! cô Woodhouse thân yêu ạ, cô có thể đoán ra tôi đang lấn bấn như thế nào! bệnh tình con bé không hề hấn gì, nhưng tôi e con bé sẽ gầy đi và trông xấu đi. Tôi phải nói với cô rằng một chuyện không may đã xảy đến cho tôi , như thế đấy. Tôi luôn có chủ định đọc thư của Jane trước rồi mới đọc cho mẹ tôi nghe, cô biết mà, vì e thư nói gì đó khiến cho mẹ tôi buồn rầu. Jane muốn tôi làm thế, nên tôi luôn làm theo. Thế là hôm nay tôi cũng cẩn thận như thường lệ, nhưng ngay khi đến đoạn nói con bé không được khoẻ, tôi kinh hãi thốt lên “Trời ơi! Jane tội nghiệp bị bệnh!” Mẹ tôi lúc ấy đang chăm chú quan sát nên nghe rõ, rồi lo lắng buồn rầu. Tuy nhiên, khi tôi đọc tiếp, tôi thấy cơn bệnh không đến nỗi nặng như tôi tưởng lúc đầu, và bây giờ tôi xem nhẹ việc này, nên mẹ tôi không còn nghĩ ngợi nhiều nữa. Nhưng tôi không thể tưởng tượng tại sao mình lại bị bất ngờ đến thế. Nếu Jane vẫn chưa khỏi, chúng tôi sẽ cho mời ông Perry đến. Chúng tôi sẽ không nghĩ gì đến chi phí, và vì ông ấy hào phóng và thương mến Jane hết mực nên tôi tin ông ấy sẽ không tính tiền gì cả cho việc thăm bệnh, chúng tôi sẽ không thể để cho ông ấy làm thế, cô biết mà. Ông ấy phải nuôi vợ cùng gia đình, không thể làm việc không công. À, bây giờ tôi đã kể cho cô sơ qua Jane viết những gì, ta sẽ trở lại lá thư, và tôi tin con bé kể chuyện mình giỏi hơn là tôi kể cho nó.
– Tôi e có việc phải đi – Emma liếc nhìn Harriet và đứng dậy – Bố tôi đang chờ chúng tôi. Tôi đã không định trước, khi mới đến tôi định chỉ có thể ở lại không quá năm phút. Tôi chỉ đến thăm vì tôi không muốn đi ngang qua mà không vào thăm hỏi bà Bates, nhưng tôi thấy vui mà được lưu lại thêm. Tuy nhiên, bây giờ tôi phải từ biệt chị và bà Bates.
Lời khẩn khoản nào vẫn không thể lưu cô lại thêm . Cô bước trở ra đường, cảm thấy vui mừng là dù đã phải chịu đựng nhiều chuyện mình không thích, dù đã nghe toàn bộ nội dung lá thư của Jane Fairfax, cô đã trốn thoát khỏi lá thư ấy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.