Frankenstein

Chương 3



Khi tôi đến tuổi mười bảy, cha mẹ quyết định tôi sẽ đi học đại học ở Ingolstadt[22]. Trước nay tôi vẫn học tại các trường ở Geneva, nhưng cha tôi cho rằng, để việc giáo dục tôi được toàn diện, tôi nên làm quen với phong tục các miền quê khác. Ngày ra đi được quyết định khá sớm; nhưng trước khi kịp đến ngày đã định, nỗi đau khổ đầu tiên trong đời tôi xảy ra – có thể nói đó là điềm báo cho nỗi khốn khổ của tôi sau này.

[22] Ingodstadt: thành phố thuộc bang Bayern (Bavaria) bên bờ Danube. Trường Đại học Ingodstadt thành lập vào nửa sau thế kỷ 15, là một trong những thành trì vững chắc của Cơ đốc giáo chính thống trong thời kỳ phản Cải cách thế kỷ 16, nhưng đến thế kỷ 18 lại là cái nôi nuôi dưỡng một phong trào tìm cách cải tổ hoàn toàn cơ cấu xã hội châu Âu, dù chỉ chủ yếu ở mức lý thuyết. Khoa y học của trường này đặc biệt phát triển, ở nửa sau thế kỷ 18 còn xây thêm một nhà giải phẫu tử thi lớn với đầy đủ trang bị dành cho học tập và thí nghiệm.

Elizabeth mắc bệnh tinh hồng nhiệt, nàng ốm nặng lắm, tình hình rất nguy ngập. Bao nhiêu lý lẽ được đưa ra nhằm can ngăn mẹ tôi trực tiếp chăm sóc người bệnh. Lúc đầu mẹ tôi chịu theo những lời năn nỉ của chúng tôi; nhưng khi được biết cô bé được bà cưng chiều hết mực đang bên bờ sống chết, bà không kìm nổi nỗi lo lắng của mình nữa. Bà lúc nào cũng ở bên giường người bệnh – sự chăm sóc tận tình của bà đã chiến thắng cơn bệnh tàn độc – Elizabeth sống sót, tuy nhiên hậu quả của sự bất cẩn ấy đã gây khốc hại cho người coi sóc nàng. Ba ngày sau mẹ tôi ốm, sốt cao với những triệu chứng vô cùng đáng ngại, và vẻ mặt u ám của các thầy thuốc y tá đã tiên lượng trước điều xấu nhất. Trên giường hấp hối, người đàn bà tuyệt vời nhất đời đó vẫn giữ nguyên lòng nhân từ và sức chịu đựng kiên cường. Bà áp bàn tay Elizabeth và bàn tay tôi vào nhau mà nói: “Hai con ơi, những hy vọng bền vững nhất của mẹ về tương lai giờ đây đặt trọn trên hôn phối của hai con. Giờ đây, hy vọng đó sẽ là niềm an ủi cho cha của các con. Elizabeth, con yêu, con hãy thay mẹ chăm sóc các anh em còn nhỏ của con. Trời ơi! Mẹ rất khổ tâm vì bị Chúa đưa xa khỏi các con; từ bỏ các con trong khi mẹ được cả nhà chiều chuộng thương yêu như thế này, lẽ nào đành lòng? Nhưng những ý nghĩ này thật không hợp lẽ, mẹ sẽ cố cam chịu cái chết một cách bình yên, và ấp ủ niềm hy vọng sau này gặp các con ở thế giới bên kia.”

Bà ra đi thanh thản, cả trong cái chết nét mặt vẫn thể hiện tình yêu thương trìu mến. Tôi không cần phải tả ra đây nỗi đau đớn của những người đã bị mất mát không tài nào bù đắp nổi này cắt đứt những mối tâm tình thân thiết nhất của mình; khoảng trống rỗng để lại trong mỗi tâm hồn, và nỗi đau thương đeo trên nét mặt chúng tôi. Phải mất bao lâu trí óc chúng tôi mới chấp nhận được là bà – người mà ngày nào chúng tôi cũng trông thấy, dường như đã là một phần của cuộc đời chúng tôi – lại có thể ra đi vĩnh viễn; ánh mắt sáng long lanh mà chúng tôi thương mến từ nay đã tắt hẳn; giọng nói quen thuộc quý yêu bên tai lại có thể bặt đi, không bao giờ còn vang lên. Những ngày đầu sau khi bà mất là như vậy đấy; nhưng khi thời gian trôi qua khẳng định đó là sự thật, nỗi đau xót thực sự mới bắt đầu. Thế nhưng đâu có ai chưa từng bị bàn tay phũ phàng kia dứt đi một mối duyên thân thiết? Và tôi cứ phải mô tả mãi làm gì nỗi đau mà ai cũng từng qua, và cũng phải qua? Cuối cùng cũng sẽ đến lúc đau thương là do buông thả thì đúng hơn là nhu cầu cần thiết, và nụ cười trên môi ta, dù có thể bị coi là báng bổ, không thể tắt bỏ hoàn toàn. Mẹ tôi đã mất, nhưng chúng tôi ai nấy đều có nhiệm vụ phải làm, phải đi theo con đường của mình cùng những người khác, tập suy nghĩ rằng mình may mắn khi còn chưa bị kẻ phá hoại cướp đi sinh mệnh.

Chuyến lên đường đến Ingolstadt của tôi, do chuyện này mà hoãn lại một thời gian, nay được hoạch định lại. Tôi xin phép cha tôi cho lùi lại vài tuần. Đối với tôi thật là báng bổ nếu rời bỏ quá sớm cảnh trầm lặng, gần như cái chết của ngôi nhà tang tóc để lao vào cuộc đời náo nhiệt quá sớm. Tôi lần đầu biết đến buồn phiền, tuy nhiên nó không khiến tôi hoảng hốt. Tôi chưa muốn rời bỏ những người thương yêu còn lại trên đời; và trên hết tôi muốn Elizabeth dịu hiền được khuyến khích phần nào.

Nàng thực ra đã che giấu nỗi khổ tâm, đã gánh lấy vai trò xoa dịu tất cả chúng tôi. Nàng bình tĩnh xem xét cuộc sống phía trước, và can đảm cũng như hết sức nhiệt thành nhận lấy những trách nhiệm trong đó. Nàng hết lòng hy sinh cho những người nàng đã quen gọi là bác và các anh em họ. Chưa bao giờ nàng quyến rũ đến mức ấy khi nàng tìm lại nụ cười rực rỡ của mình để tỏa xuống chúng tôi. Và trong lúc cố gắng làm chúng tôi quên sầu muộn, nàng cũng đã bẵng quên luôn nỗi tiếc thương của chính mình.

Cuối cùng ngày ra đi của tôi đã tới. Clerval góp mặt cùng chúng tôi trong buổi tối cuối cùng tôi ở nhà. Anh đã cố thuyết phục cha mình được đưa tôi tới trường và cùng nhập học trường đó với tôi, nhưng vô ích. Cha anh là một thương nhân đầu óc hẹp hòi chỉ thấy niềm khao khát và tham vọng của con trai mình chứa đựng những lười nhác và hủy hoại. Henry cảm nhận sâu sắc nỗi bất hạnh của mình khi bị ngăn cản không được theo đuổi các ngành khoa học xã hội. Anh không nói nhiều; tuy nhiên mỗi lần anh nói, tôi đều đọc được trong đôi mắt lấp lánh cũng như tia nhìn rung động của anh quyết tâm kìm nén nhưng sắt đá, không để mình bị ràng buộc vào những điều tủn mủn thảm hại của nghề kinh doanh.

Chúng tôi thức rất khuya, không sao đủ sức tách rời nhau, hay thuyết phục người kia nói câu “Vĩnh biệt!”. Cuối cùng thì lời đó cũng được nói ra; và chúng tôi viện cớ nghỉ ngơi mà rút về phòng, mỗi người đều cố tưởng rằng người kia bị thuyết phục; nhưng sáng sớm hôm sau khi xuống tới cỗ xe sẽ đưa tôi ra đi, họ đều có mặt: cha tôi lại ban phước cho tôi lần nữa, Clerval lại một lần nữa bắt tay tôi, Elizabeth lặp lại yêu cầu tôi thường xuyên viết thư về, và bày tỏ lần cuối những chăm chút rất phụ nữ đối với người bạn cùng chơi đùa thuở nhỏ.

Tôi quăng mình vào chiếc xe đưa tôi đi xa, và cứ thế chìm vào nỗi buồn nhớ mênh mang. Luôn được bao quanh bởi những người yêu dấu suốt từ xưa đến nay, lúc nào cũng chỉ một lòng tìm cách đem lại cho nhau niềm vui, giờ đây tôi chỉ có một mình. Ở trường đại học, nơi tôi đang đi tới đây, tôi sẽ phải tự tìm lấy những người bạn, tự bảo hộ lấy mình. Đời tôi trước nay sống chủ yếu trong gia đình, xa lánh mọi người, phải làm quen bạn mới khiến tôi ghê sợ không tả xiết. Tôi yêu các em trai tôi, Elizabeth, Clerval; những “khuôn mặt thân thuộc cũ”[23], nhưng tôi tin chắc mình hoàn toàn không thể phù hợp với người lạ được. Cảm xúc của tôi khi mới lên đường là như vậy; nhưng lần lần tinh thần tôi khá lên, hy vọng nảy sinh. Tôi nóng lòng khao khát thu thập kiến thức. Khi ở nhà, tôi đã nhiều lần nghĩ tuổi trẻ của mình không thể bó buộc trong một xó, và đã mong mỏi nhập vào thế giới, chiếm một chỗ đứng giữa những con người khác. Giờ đây khát vọng đang được thực hiện, và thực tình, nếu còn tiếc nuối thì thật điên rồ.

[23] “Những khuôn mặt thân thuộc cũ”: một bài thơ của Charles Lamb, The Old Familiar Faces (1798), nói về sự mất mát của những người thân và bằng hữu quanh mình, với điệp khúc lặp đi lặp lại: “Tất cả, tất cả đã xa rồi, những khuôn mặt thân thuộc cũ.”

Đường đi Ingolstadt khá xa và mệt, có thừa thì giờ cho những suy nghĩ vẩn vơ như thế của tôi. Cuối cùng tôi cũng trông thấy nóc nhà thờ trắng toát của thành phố. Tôi xuống xe, và được đưa tới căn hộ độc thân, buổi chiều tự do muốn làm gì thì làm.

Sáng hôm sau tôi đem thư giới thiệu đến gặp mấy vị giáo sư chủ chốt. Sự tình cờ, hay đúng hơn là thế lực đen tối có tên vị Thần Hủy Hoại, đã bắt đầu thống lĩnh kể từ lúc tôi miễn cưỡng rời chân khỏi ngưỡng cửa nhà cha tôi, dẫn tôi trước hết tới thầy Krempe, giáo sư môn triết học tự nhiên. Đó là một người đàn ông thô lỗ, tuy nhiên đi khá sâu vào những bí mật của môn khoa học mình theo đuổi. Ông hỏi tôi mấy câu về quá trình nghiên cứu của tôi trong nhiều nhánh khác nhau của triết học tự nhiên. Tôi trả lời một cách bất cẩn; và, có phần ghê tởm, nêu tên các nhà giả kim học là những tác giả chính yếu tôi nghiên cứu. Ông giáo sư nhìn chằm chằm vào tôi: “Anh thực mất thì giờ học những thứ lăng nhăng vậy sao?”

Tôi đáp vâng. Thầy Krempe nồng nhiệt tiếp: “Mỗi giờ mỗi phút anh mất vào những quyển sách đó đều là toi công cả. Anh chồng chất lên trí nhớ của mình những hệ thống đã bị đập tan, những tên tuổi đã vô dụng. Trời ơi! Anh đã sống trong sa mạc hoang vu nào vậy, không nhẽ không có người nào tử tế bảo cho anh biết những trò hoang tưởng mà anh ngốn ngấu đó đã cũ rích đến hàng ngàn năm rồi, và đã mốc meo lên cả rồi hay sao? Ở thời đại khoa học và khai sáng này tôi thật khó ngờ lại gặp được môn đệ của Albertus Magnus và Paracelsus! Ngài thân mến ơi, ngài phải bắt đầu lại từ đầu đi thôi!”

Nói xong ông bước sang một bên, ghi cho tôi một danh sách dài các sách về triết học tự nhiên để tôi tìm đọc; rồi cho tôi lui, sau khi lưu ý rằng đầu tuần sau ông bắt đầu giảng một khóa học về những nguyên lý tổng quát của triết học tự nhiên, và rằng thầy Waldman, bạn đồng nghiệp của ông sẽ xen kẽ những buổi ông không có giờ giảng để lên lớp về hóa học.

Tôi trở về nhà, không hề thất vọng, vì như tôi đã nói, từ lâu tôi đã coi mấy tác giả mà ông giáo sư bài xích là vô dụng; nhưng tôi trở về mà không hề có ý định khơi lại những môn học đó cho dù dưới hình thức nào chăng nữa. Ông Krempe người mập lùn, giọng cộc cằn, mặt đầy ác ý, thế cho nên chẳng đưa lại cho tôi chút thiện cảm nào những điều ông ta theo đuổi. Tôi đã kể cho anh, trong một cơn phấn hứng có lẽ hơi quá triết lý và mạch lạc, những kết luận về chúng mà tôi đã rút ra từ nhiều năm trước. Từ hồi nhỏ tôi đã không hài lòng với những kết quả mà các giáo sư hiện đại của khoa học tự nhiên hứa hẹn. Đầu óc đầy những ý tưởng hỗn độn – chỉ có thể đổ tội cho thực tế là tôi quá trẻ, và thiếu hướng dẫn đúng đắn về những vấn đề đó – tôi đã đi ngược trở lại từng nấc kiến thức dọc theo những con đường xa xưa, đánh đổi những khám phá của các nhà khảo cứu mới đây lấy giấc mơ của các nhà giả kim đã từ lâu bị quên lãng. Hơn nữa tôi vốn rất khinh các ứng dụng của triết học tự nhiên hiện đại. Khi các nhà khoa học bậc thầy đi tìm sự bất tử và quyền lực, đó là một chuyện khác hẳn; quan niệm ấy tuy phù phiếm nhưng lại rất vĩ đại; còn bây giờ, quang cảnh đã đổi khác. Tham vọng của nhà khảo cứu có vẻ như chỉ hạn chế ở chỗ làm sao tiêu diệt chính những viễn tượng đã làm cơ sở cho hứng thú khoa học của tôi. Người ta đòi hỏi tôi phải đánh đổi ảo tưởng lộng lẫy đến vô bờ ấy lấy thứ thực tế chẳng có giá trị bao nhiêu.

Đó là những suy nghĩ của tôi trong mấy ngày đầu ở Ingolstadt, thời gian này tôi chỉ dùng để thăm thú trong vùng và làm quen với những người ngụ tại nơi ở mới của tôi. Sang tuần tiếp theo, tôi nghĩ đến những điều thầy Krempe cho biết về các buổi lên lớp. Và tuy không thể nào đến nghe cái gã lùn tì tự kiêu tự đại ấy giảng bài từ trên bục giảng, tôi lại nhớ lời ông ta nói về thầy Waldman mà tôi chưa gặp, thầy này không có mặt ở thành phố từ hôm tôi đến cho tới nay.

Phần vì tò mò, phần vì chẳng có việc gì làm, tôi bước vào giảng đường, chỉ ít phút trước lúc thầy Waldman tới. Vị giáo sư này này hoàn toàn khác hẳn đồng nghiệp của mình. Trông thầy chừng năm mươi, phong thái biểu lộ sự nhân từ âu yếm nhất, tóc hai bên thái dương đã đốm bạc nhưng phía sau hầu như còn đen nguyên. Vóc người thầy thấp nhưng cực kỳ đĩnh đạc, và giọng thầy êm dịu chưa từng thấy. Thầy bắt đầu bài giảng bằng cách tóm tắt lại lịch sử môn hóa học, những tiến bộ khác nhau đạt được bởi nhiều nhà thông thái; nêu tên tuổi các nhà phát minh danh tiếng nhất với một tình cảm nhiệt thành. Rồi thầy nhận định sơ qua về hiện trạng ngành hóa học, giải thích nhiều thuật ngữ sơ đẳng của nó. Sau khi làm một vài thí nghiệm mở đầu, thầy kết luận bằng một bài tán dương ngành hóa học hiện đại với những lời lẽ tôi không bao giờ quên:

“Những bậc thầy cổ đại của môn khoa học này hứa hẹn những điều không thể làm được, và không thực hiện cái gì hết. Những chuyên gia hiện đại thì hứa rất ít, họ biết kim loại không chuyển hóa được, còn nước trường sinh chỉ là thứ hão huyền. Nhưng các triết gia này, với bàn tay hầu như chỉ quen vầy vò đất bẩn, mắt chỉ quen soi kính hiển vi hay nhòm vào lò nấu kim loại, chính họ đã thực hiện được những phép thần. Họ sục vào nơi sâu kín nhấtự nhiên và cho ta biết tự nhiên làm việc ra sao trong chốn náu mình của nàng. Họ lên tới tận trời xanh: họ phát hiện ra máu tuần hoàn như thế nào, và bản chất không khí ta thở ra sao. Họ đã đạt được những quyền lực không những mới mẻ mà hầu như vô tận, sai khiến được cả sấm sét của trời, bắt chước được cả chấn động của đất, thậm chí đùa cợt cả thế giới vô hình với chính những cái bóng của nó.”

Những lời của vị giáo sư là vậy – đúng hơn, xin để tôi nói rằng đó là những lời của số mệnh, được cất lên để hủy hoại đời tôi. Trong khi thầy tiếp tục, tôi cảm giác như linh hồn tôi đang vật lộn với một kẻ thù hữu hình hữu thể, những cung đàn hợp thành cơ chế của con người tôi được bấm lên từng phím một: các dây đàn lần lượt vang lên, và chẳng bao lâu tâm trí tôi tràn đầy một suy nghĩ, một ý niệm, một mục đích duy nhất. Đã bao nhiêu thành tựu được hoàn thành – linh hồn của Frankenstein kêu lên – ta sẽ còn làm được nhiều hơn nữa: lần theo từng bước chân đã vạch đường, ta sẽ tiên phong một con đường mới, sẽ khám phá những quyền lực chưa từng biết, mở ra cho thế giới biết bí mật sâu kín nhất của sự sáng tạo.

Suốt đêm đó tôi không chợp mắt. Nội tâm tôi rơi vào tình trạng náo động và nổi loạn; tôi cảm thấy rồi trật tự sẽ trở về, nhưng không đủ sức mạnh để tự mình lập lại nó. Dần dà, khi bình minh tới, tôi mới thiếp đi. Tỉnh dậy, những ý tưởng của tôi đêm qua như một giấc mơ. Chỉ còn lại một quyết định duy nhất là quay lại những nghiên cứu trước đây của mình, toàn lực hiến thân cho môn khoa học mà tôi tin mình có tài năng bẩm sinh. Cùng ngày tôi tới thăm thầy Waldman. Ở tư gia thầy còn mềm mỏng và hấp dẫn hơn trước đám đông nhiều; bởi khi lên lớp phong cách thầy có phần trang trọng, ở nhà cái đó đã thay bằng thái độ thân thiện và tử tế vô hạn. Tôi kể thầy nghe về việc học tập nghiên cứu trước đây của mình hệt như đã kể với vị giáo sư kia. Thầy lắng nghe bài trình bày nho nhỏ về chuyện học hành của tôi, đến tên Cornelius Agrippa và Paracelsus thì mỉm cười, nhưng không có vẻ khinh rẻ như thầy Krempe. Thầy bảo rằng: “Đó là những người có lòng nhiệt tình không mệt mỏi mà các triết gia hiện đại phải chịu ơn về phần lớn những căn bản kiến thức như bây giờ. Họ để lại cho chúng ta một nhiệm vụ dễ dàng hơn rất nhiều, đặt các tên mới, sắp xếp và phân loại rành mạch những thông tin mà phần lớn nhờ họ đã được đem ra ánh sáng. Công sức của những thiên tài, cho dù nhằm vào những mục tiêu lệch lạc đến mức nào đi nữa, hiếm khi không cống hiến chút gì cho tiến bộ vững chắc của toàn nhân loại.” Tôi lắng nghe lời khẳng định của thầy, không hề kiêu căng, không hề giả tạo, rồi thưa với thầy rằng bài giảng của thầy đã đánh tan định kiến của tôi đối với các nhà hóa học hiện đại; tôi lựa chọn ngôn từ thật cân nhắc, thật khiêm tốn, nhún nhường, thích hợp với một người non nớt đang thưa với thầy dù không để lộ ra (có lẽ sự thiếu từng trải khiến tôi ngượng nghịu) lòng hăm hở đã khiến tôi muốn dốc sức lao vào công việc. Tôi cũng xin thầy cho ý kiến về những sách cần tìm đọc.

Thầy bảo: “Tôi rất sung sướng có được một học trò; và nếu lòng chuyên cần của anh cũng cao như năng lực của anh, tôi tin anh dễ thành công. Hóa học là ngành triết học tự nhiên đã và sẽ có những tiến bộ to lớn nhất; chính vì vậy mà tôi lựa chọn nó làm chuyên môn của mình, nhưng dù thế tôi cũng không sao lãng các ngành khác. Người ta sẽ là nhà hóa học rất tồi nếu chỉ chú trọng mỗi mảng đó trong kiến thức rộng lớn của nhân loại. Nếu anh mong muốn trở thành nhà khoa học thực sự chứ không phải người làm thực nghiệm xoàng xĩnh, tôi khuyên anh hãy theo tất cả các ngành trong triết học tự nhiên, kể cả toán học.”

Thầy đưa tôi vào phòng thí nghiệm của mình, giải thích cách sử dụng những máy móc lạ lùng trong đó, dạy tôi phải kiếm được cái nào, hứa cho tôi sử dụng máy móc của thầy khi tôi đã tiến đủ xa trong việc học hành để khỏi làm hỏng chúng. Thầy cũng đưa tôi danh sách cần đọc như tôi yêu cầu; và tôi cáo lui.

Thế là kết thúc cái ngày đáng ghi nhớ đã quyết định vận mệnh tương lai của tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.