Frankenstein

Chương 7



Về đến nhà tôi thấy có thư của cha tôi:

“Victor, con yêu quý.

Chắc hẳn con đang sốt ruột chờ lá thư hẹn ngày con sẽ về với chúng ta; và cha lúc đầu chỉ định viết vài dòng, vắn tắt nói ngày chúng ta muốn con về. Nhưng như vậy sẽ là tử tế một cách quá tàn nhẫn, cha không đành lòng làm vậy. Nếu vậy rồi con sẽ ngạc nhiên đến đâu, khi con đang chờ được chào đón vui vẻ tưng bừng, thì ngược lại, phải giáp mặt chỉ toàn nước mắt và khốn khổ? Và Victor ơi, cha biết kể con nghe thảm họa này như thế nào đây? Xa vắng lâu ngày đâu thể khiến con chai sạn trước vui buồn của gia đình, và cha làm sao đưa niềm đau tới cho đứa con trai vắng mặt đã lâu? Cha muốn chuẩn bị tinh thần cho con trước tin dữ, nhưng cha biết rằng không thể; ngay giây phút này đây mắt con đã lướt nhanh trên trang giấy, tìm xem đâu là những chữ đem tin tức khủng khiếp đến cho mình.

William chết rồi! Đứa bé dịu hiền, mỗi lần mỉm cười lại đem niềm vui ấm áp cho lòng cha, đứa bé dịu dàng mà vui nhộn biết bao! Victor ơi, nó đã bị giết!

Cha không định an ủi con đâu, chỉ giản đơn kể lại hoàn cảnh xảy ra sự việc.

Thứ Năm trước (mồng bảy tháng Năm), cha, cô cháu gái và hai em trai con đi dạo ở Plainpalais. Trời chiều trong và ấm, chúng ta dạo chơi lâu hơn ngày thường. Khi chuẩn bị quay về thì trời đã tối; hai em Ernest và William trước đã chạy chơi, và giờ không thấy đâu cả. Mọi người ngồi xuống đợi chúng quay lại. Ernest trở lại ngay sau đó, hỏi xem có ai nhìn thấy William đâu không: nó nói hai anh em chơi trốn tìm, thằng bé đi trốn, và nó tìm mãi không ra, rồi sau đó nó cứ chờ em mãi, nhưng thằng bé không trở lại.

Chuyện đó khiến chúng ta khá hốt hoảng, mọi người đi tìm khắp nơi cho đến khi đêm xuống, và Elizabeth phỏng đoán nó đã về nhà. Nhưng không có. Mọi người đem đuốc quay lại chỗ cũ; bởi cha không thể yên lòng khi nghĩ rằng đứa bé đáng yêu đã đi lạc và đang run lên trong sương gió đêm hôm. Elizabeth cũng khổ não không kể xiết. Năm giờ sáng cha tìm thấy em nó, mới đêm qua còn linh hoạt và mạnh khỏe là thế, mà nay nằm trên cỏ nhợt nhạt và bất động, vết tay của tên sát nhân còn hằn nơi cổ.

Em con được đưa về nhà, và nét mặt đau khổ của cha khiến Elizabeth đoán ngay ra chuyện. Cô cứ nhất định đòi nhìn thấy xác em con. Cha định cản, nhưng cô vùng ra, và lao vào phòng nơi em nằm, vội vàng kiểm tra cổ em William và chắp tay lại mà kêu: “Trời ơi! Tôi đã giết chết đứa em yêu quý của tôi rồi!”

Thế là cô ngất đi, cứu chữa mãi mới hồi tỉnh. Khi tỉnh rồi cô chỉ khóc lóc và than thở. Cô nói chiều qua em William cứ nằn nì đòi đeo bức ảnh nhỏ rất giá trị mẹ con đã cho cô. Bức ảnh đeo cổ giờ đã mất, rõ ràng đây là lý do kẻ cướp giết em để trấn lột. Lúc này đây chưa thấy tăm hơi kẻ sát nhân, mặc dầu việc tìm kiếm được tiến hành không chậm trễ; nhưng làm sao William yêu dấu của cha sống lại được nữa!

Con trai Victor yêu quý nhất! Con hãy mau về, chỉ mình con an ủi được Elizabeth. Cô khóc hết nước mắt và tự buộc tội mình là nguyên nhân gây ra cái chết của em, thật bất công, những lời tự buộc tội ấy xé nát lòng cha. Tất cả chúng ta đều đau khổ, nhưng chẳng phải đây càng thêm lý do để con trở về an ủi chúng ta? Mẹ yêu dấu của con! Chao ôi, Victor! Giờ cha tạ ơn Chúa vì bà ấy không còn sống để chứng kiến cái chết ác nghiệt thảm thương của cậu con út yêu thương!

Victor ơi, hãy về đi; không phải là với những ý nghĩ nung nấu trả thù kẻ sát nhân, mà với những tình cảm yên bình nhân hậu, để hàn gắn vết thương của tâm hồn chúng ta chứ không phải là làm nó càng mưng thêm. Hãy là một người bạn bước vào ngôi nhà tang tóc với tình yêu thương ân cần trìu mến đối với những người yêu con, không phải với lòng căm hờn kẻ thù của con.

Cha thân yêu và đau buồn của con.

ALPHONSE FRANKENSTEIN.

Geneva, 12 tháng Bảy 17…”

Clerval, vẫn theo dõi nét mặt tôi khi tôi đọc thư, lấy làm lạ nhận thấy vẻ thất vọng theo sau nỗi vui mừng của tôi khi được tin nhà. Tôi ném bức thư lên bàn, lấy hai bàn tay úp lên mặt.

“Frankenstein thân mến,” Henry kêu lên khi thấy tôi khóc một cách cay đắng, “chẳng lẽ lúc nào bạn cũng bất hạnh thế sao? Bạn yêu ơi, chuyện gì xảy ra vậy?”

Tôi ra hiệu cho anh nhặt bức thư lên đọc, trong khi đó tôi đi đi lại lại trong phòng, hết sức kích động. Nước mắt chảy tràn trên má Clerval khi anh đọc về nỗi đau của tôi.

“Bạn ơi, biết phải an ủi bạn sao đây,” anh nói, “tai họa ấy không cách gì cứu vãn được. Bạn định làm gì bây giờ?”

“Về ngay Geneva: Henry, bạn hãy đi cùng với tôi ra gọi xe ngựa.”

Trên đường đi gọi xe, Henry cố nói vài lời an ủi, nhưng chỉ bày tỏ được sự thông cảm tự đáy lòng anh. “Tội nghiệp William!” anh nói. “Chú bé thân yêu dễ thương giờ đã yên ngủ bên bà mẹ thiên thần! Ai đã nhìn thấy chú hồn nhiên rạng rỡ như thế nào trong vẻ đẹp trẻ thơ của chú đều phải khóc than đau đớn cho sự mất mát quá sớm ấy! Chết khổ chết sở như vậy, chịu đau đớn dưới bàn tay kẻ sát nhân! Làm sao lại có kẻ sát nhân khốn nạn đến mức này: đang tay hủy hoại vẻ thơ ngây sáng chói đến như thế! Tội nghiệp chú bé biết chừng nào! Chỉ còn mỗi một điều khả dĩ an ủi chúng ta; những người bạn đang khóc lóc thương tiếc chú, nhưng chú đã yên nghỉ rồi. Nỗi đau đã qua, mọi khổ ải trên đời đối với chú đã hết. Cỏ xanh đã bao phủ lên hình hài chú, chú không biết đau đớn là gì nữa. Không cần thương hại chú nữa, sự thương hại ta phải dành cho những kẻ ở lại thảm thương này.”

Clerval nói như vậy trong khi chúng tôi bước vội bước vàng qua các phố; những lời này in đậm lên trí óc tôi, sau này tôi sẽ nhớ đến chúng khi ở một mình. Nhưng lúc ấy, ngựa vừa đến là tôi hớt hải lên xe, tạm biệt bạn tôi.

Trong chuyến trở về tôi chìm trong sầu não. Thoạt tiên tôi chỉ muốn đi cho nhanh, mau về an ủi, cảm thông với những người bạn thân yêu đang đau buồn, nhưng khi về gần đến nhà, tôi lại đi chậm lại. Tôi không kiềm chế nổi muôn vàn tình cảm đang ào ạt đổ về. Này đây là những cảnh vật quen thuộc với tôi hồi nhỏ nhưng đã sáu năm nay chưa nhìn lại. Suốt thời gian đó mọi điều đã biến đổi biết bao! Đã có một thay đổi bất ngờ và tan nát, nhưng ngoài ra hẳn còn hàng ngàn sự kiện nho nhỏ khác cứ dần dần tạo nên đổi khác, tuy âm thầm hơn nhưng không kém phần chắc chắn. Nỗi sợ xâm chiếm lấy tôi, tôi không dám tiến lên nữa, khiếp sợ hàng ngàn điều xấu vô danh đang khiến tôi run rẩy, mặc dù không định nghĩa được chúng là gì.

Tôi ở lại Lausanne hai ngày trong tình trạng tinh thần thiểu não ấy. Tôi ngắm mặt hồ: mặt nước bình lặng, xung quanh vẫn yên tĩnh, những ngọn núi tuyết phủ, “những tòa lâu đài của thiên nhiên”[30] không hề thay đổi. Dần dần, cảnh vật êm đềm thanh khiết khiến tôi bình tâm lại, tiếp tục hành trình đi Geneva.

[30] “Những tòa lâu đài của thiên nhiên”: cụm từ của Byron dùng mô tả dãy Alps trong Childe Harold’s Pilgrimage, III, 591.

Con đường chạy dọc bờ hồ và ngày càng hẹp lại khi về gần đến thành phố quê hương. Tôi nhìn thấy rõ hơn sườn tối của dãy Jura và đỉnh Mont Blanc[31] sáng chói; tôi khóc như một đứa trẻ. “Những ngọn núi thân thương của ta! Hồ đẹp của riêng ta! Các ngươi đón chào kẻ lang thang của các ngươi như thế nào đây? Đỉnh núi sáng trong, màu trời và màu nước hồ đều xanh đều dịu. Đó là điềm báo trước sự thanh thản yên bình hay là chọc ghẹo nỗi bất hạnh của ta đây?” Bạn ơi, tôi sợ mình đi sâu quá vào những tiền đề chán ngắt này, nhưng chúng là hiện thân của những ngày tương đối hạnh phúc, và tôi sung sướng bao nhiêu khi nghĩ về chúng. Quê hương ơi! Quê hương yêu dấu ơi! Chỉ có những ai chôn rau cắt rốn ở đây mới hiểu niềm vui sướng của tôi khi nhìn thấy những dòng suối, những ngọn núi, và hơn hết, mặt hồ của quê hương tôi!

[31] Mont Blanc: một trong những ngọn núi của dãy Alps, đỉnh Mont Blanc cao nhất châu Âu (4.808 m), nằm giữa thung lũng Aosta của Ý và vùng Thượng Savoie của Pháp.

Ấy thế mà càng tới gần nhà tôi càng bị choáng ngợp bởi nỗi sợ hãi và đau đớn. Đêm đã buông xuống xung quanh, và khi không còn phân biệt rõ những mảng núi non đen kịt, tôi càng cảm thấy u ám thêm. Khung cảnh trông như một sân khấu mênh mông mờ tối nơi ác tà ngự trị, và tôi lờ mờ tiên lượng được định phận mình là kẻ khốn nạn nhất trần gian. Trời ơi! Tôi tiên đoán không nhầm, chỉ sai duy nhất có một điều thôi, tức là nỗi khốn khổ tôi vẫn hình dung và sợ hãi đó chưa bằng một phần trăm nỗi đau thực sự mà số phận bắt tôi phải chịu đựng.

Tới ngoại ô Geneva thì trời tối mịt; cổng thành đã đóng, tôi buộc phải ngủ tại Secheron, một làng cách thành phố khoảng hai cây số. Bầu trời rất trong; và bởi không tài nào ngủ được, tôi quyết định đi tới nơi em William tội nghiệp của tôi bị giết. Vì không qua thành phố được, tôi phải đi thuyền sang bên kia hồ tới Plainpalais. Trong chuyến đi ngắn ngủi này tôi nhìn thấy ánh chớp bắt đầu loang loáng trên đỉnh Mont Blanc tạo thành những hình thù tuyệt đẹp. Cơn bão có vẻ đang lại rất nhanh, và khi lên bờ, tôi trèo lên một ngọn đồi thấp để có dịp quan sát tiến triển của bão. Bão ập tới, mây kéo đến đầy trời, và tôi lập tức cảm thấy mưa đang chầm chậm rơi từng giọt nặng, nhưng nó mau chóng trở nên hung hãn.

Tôi rời bỏ vị trí của mình và đi tiếp, dù bão táp và đêm tối tăng lên từng phút một, và sấm nổ đùng đùng trên đầu. Tiếng sấm vọng lại từ Salêve, từ Jura, từ dãy Alps miền Savoy, chớp lóe lên chói cả mắt, chiếu sáng mặt hồ như một mặt lửa mênh mông; chớp tan, rồi trong phút chốc tất cả lại chìm trong bóng tối mịt mùng, tới khi mắt hồi lại sau cơn lóa. Thường ở Thụy Sĩ, bão xảy ra cùng lúc ở khắp bầu trời. Cơn mạnh nhất ở phía Bắc thành phố, ngay trên khu vực hồ nằm giữa mũi đất Belrive và làng Copêt. Một cơn khác soi sáng núi Jura với những ánh chớp yếu hơn, và một cơn nữa làm đỉnh núi Môle nhọn hoắt về phía Đông hồ lúc thì tối om, lúc thì lộ rõ.

Tôi vừa ngắm cơn bão, đẹp tuyệt vời nhưng cũng rất kinh hoàng, vừa bước loanh quanh một cách gấp gáp. Trận chiến thần thánh trên cao nâng tinh thần tôi lên; tôi chắp hai tay vào nhau gọi lớn: “William! Thiên thần yêu quý! Đây là tang lễ của em, bài hát truy điệu em đó!” Vừa kêu to lên như thế, tôi bắt gặp từ bụi cây gần đó nhô ra một dáng hình trong bóng tối mờ ảo; tôi đứng sững lại mà nhìn chăm chăm: không thể nhầm được. Vừa vặn chớp lóe lên soi tỏ bóng người rõ mồn một trước mắt tôi; vóc dáng kềnh càng, hình thù méo mó, xấu đến không thể coi là giống người, lập tức báo cho tôi đó chính là kẻ khốn nạn kia, tên ác thần bẩn thỉu mà tôi đã ban cho sự sống. Hắn làm gì ở đây? Chẳng lẽ hắn (tôi rùng mình với ý tưởng này) chính là kẻ đã giết em tôi? Ý nghĩ vừa lướt qua tôi đã tin ngay đó là sự thật; răng tôi va vào nhau lập cập, tôi phải dựa vào một thân cây để đứng cho vững. Dáng hình kia lướt nhanh qua tôi rồi biến mất trong bóng tối. Không kẻ nào mang hình dạng con người có thể đành lòng hủy hoại đứa trẻ xinh đẹp ấy được. Chính hắn là kẻ sát nhân! Tôi không hề nghi ngờ điều đó. Riêng ý nghĩ về điều đó thôi cũng đủ là bằng chứng không chối cãi được của sự việc rồi. Tôi đã tính chuyện đuổi theo tên ác quỷ; nhưng chắc sẽ vô ích, vì một ánh chớp nữa soi rõ hắn đang bám trên vách đá gần như thẳng đứng của ngọn Salêve thuộc dãy núi đồi bao bọc phía Nam Plainpalais. Hắn leo rất nhanh lên đỉnh núi, rồi mất hút.

Tôi đứng bất động một lúc. Sấm đã ngừng nổ, nhưng mưa vẫn rơi, cảnh vật bọc trong màn đêm dày đặc. Trí óc tôi lật lại những sự kiện mà suốt từ bấy đến nay tôi cố quên đi: toàn bộ quá trình đi tới tạo nên sinh thể ấy; sự hiện diện của tác phẩm do chính bàn tay tôi thực hiện bên giường tôi; cuộc bỏ trốn của nó. Gần hai năm trôi qua kể từ đêm hắn nhậnsự sống; và liệu đây có phải tội ác đầu tiên của hắn không? Trời ơi! Tôi đã thả ra thế giới này một kẻ khốn nạn, sa đọa, lấy sự giết người, khổ não làm vui; hắn chẳng vừa sát hại em tôi đấy thôi?

Không ai tưởng tượng nổi nỗi đau đớn tôi phải chịu đựng suốt đêm hôm đó, cứ đứng giữa trời, dưới mưa, vừa ướt vừa lạnh. Nhưng tôi chẳng kể đến thời tiết, đầu óc tôi còn mải hình dung những cảnh tượng ác độc, tuyệt vọng. Tôi ngẫm đi ngẫm lại về cái kẻ tôi đã vứt ra giữa nhân loại, được phú cho ý chí và quyền năng rùng rợn, giống như hành động hắn vừa làm, như thể là con ma cà rồng của chính tôi, linh hồn của tôi đội mả chui lên, buộc phải hủy hoại tất cả những gì tôi yêu quý.

Ngày đã rạng, tôi cất bước đi về phía thành phố. Cổng thành đã mở, tôi vội vã về nhà cha tôi. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là cho mọi người hay những gì tôi biết về kẻ sát nhân rồi sau đó cho tiến hành truy tìm tức khắc. Nhưng tôi ngưng lại khi nghĩ về những gì mình sắp kể. Một sinh thể mà chính tay tôi tạo ra, được tôi ban cho sự sống, đã giáp mặt tôi lúc nửa đêm bên vực thẳm của một ngọn núi không ai leo lên được. Tôi cũng nhớ lại cơn sốt thần kinh mắc phải ngay sau khi hoàn thành công việc, sẽ tạo thêm mùi vị mê sảng cho một câu chuyện vốn đã quá phi thực tế. Tôi quá biết nếu có người kể với tôi sự việc như thế, tôi cũng sẽ cho đó là những lời lảm nhảm từ một kẻ khùng. Hơn nữa sự lạ lùng đáng sợ của cái con vật ấy sẽ loại trừ mọi ý định về một cuộc săn đuổi, ngay cả nếu như tôi thuyết phục được họ hàng tin tôi mà đuổi theo. Thêm nữa, săn đuổi thì có ích gì? Ai có thể tóm được một kẻ có khả năng leo lên sườn dốc đứng của ngọn Salêve? Nghĩ đi nghĩ lại mãi, tôi quyết định im lặng.

Năm giờ sáng thì tôi bước vào nhà cha tôi. Tôi bảo đầy tớ đừng làm rộn lên ảnh hưởng tới gia đình rồi vào thư viện ngồi chờ tới giờ trở dậy thông thường.

Sáu năm đã trôi qua như một giấc mộng chỉ trừ một dấu vết không sao xóa được, và tôi lại đứng ở cái nơi mình đã ôm hôn cha lần cuối trước khi tôi rời nhà đi Ingolstadt. Bậc thân phụ đáng yêu, đáng trọng làm sao! Mãi mãi ông vẫn là như vậy đối với tôi. Tôi nhìn lên bức chân dung mẹ treo trên lò sưởi. Đó là một vật kỷ niệm có tính chất lịch sử được vẽ theo yêu cầu của cha tôi; nó vẽ cô Caroline Beaufort, tuyệt vọng đến cùng cực, đang quỳ bên quan tài cha mình. Quần áo tồi tàn, má xanh nhợt; nhưng ở cô toát lên vẻ tự trọng và đẹp đẽ không cho phép ai dám khinh thường. Dưới tấm chân dung là bức tiểu họa của William; và nước mắt tôi tuôn trào khi nhìn vào đó. Đúng lúc tôi đang đắm chìm như thế thì Ernest bước vào: cậu đã hay tin tôi về, và vội vã vào đón, bày tỏ một nỗi vui mừng buồn bã khi thấy tôi.

“Mừng anh Victor yêu quý nhất đã về,” cậu nói. “Ôi, giá như anh về nhà trước đây ba tuần lễ để thấy cả nhà vui vẻ sung sướng như thế nào. Anh về bây giờ để chia sẻ nỗi đau buồn không cách gì làm nhẹ bớt đi được; tuy nhiên em hy vọng sự có mặt của anh sẽ làm cha được hồi sinh vì ông đang chìm trong bể khổ; và anh có thể thuyết phục Elizabeth thôi tự buộc tội mình một cách vô nghĩa và cay đắng. Em William tội nghiệp! Em từng là nguồn thương yêu hết mực, niềm tự hào của tất cả chúng ta!”

Những giọt lệ không kìm giữ tuôn ra từ mắt em tôi; một cảm giác thống khổ đến lả người len lỏi vào thể xác tôi. Trước đây tôi chỉ mới hình dung cảnh khốn khổ của gia đình đang thất vọng; thực tế đến với tôi là một thảm họa mới mẻ và không kém phần tàn khốc. Tôi cố gắng làm cho Ernest bình tĩnh lại, và gặng hỏi cặn kẽ hơn về cha tôi và cô gái mà tôi gọi là em họ.

“Chị ấy mới là người cần an ủi nhất,” Ernest nói, “vì chị ấy cứ tự buộc tội về cái chết của em trai chúng ta, chị ấy khốn khổ vô chừng. Nhưng mà vì đã tìm ra kẻ sát nhân…”

“Tìm ra kẻ sát nhân! Trời ơi! Sao lại thế được? Ai dám đuổi theo hắn? Đó là việc không ai làm được; khác gì đuổi theo gió hay đem rơm ngăn sông. Chính anh cũng đã nhìn thấy hắn, hắn hoàn toàn tự do đêm qua mà!”

“Em không hiểu anh nói gì,” em tôi đáp, giọng ngạc nhiên, “nhưng đối với cả nhà, tìm ra điều đó càng khổ tâm bội phần. Lúc đầu không ai tin được chuyện ấy, và Elizabeth đến giờ này vẫn vậy, cho dù đủ mọi bằng chứng. Quả vậy, ai tin được rằng Justine Moritz dễ thương như thế, yêu quý cả gia đình ta, mà lại có thể phạm một tội ác hãi hùng ghê tởm như thế?”

“Justine Moritz! Tội nghiệp cô gái, tội nghiệp quá! Cô bị buộc tội ấy ư? Nhưng chuyện đó thật là sai trái, ai cũng biết là vậy, chẳng ai tin nổi điều đó, nhất định là thế, phải không Ernest?”

“Lúc đầu thì thế thật, nhưng sau thì một số sự kiện xảy ra, đã gần như ép mọi người phải tin; thái độ cô ta vô cùng rối loạn, lại càng thêm sức nặng cho các chứng cứ, và em sợ rằng không thể ngờ gì chuyện đó nữa. Nhưng hôm nay họ xử cô ta đấy, và anh sẽ được nghe tất cả.”

Ernest kể rằng, sáng hôm phát hiện William đáng thương bị giết, Justine kêu ốm, nằm liệt giường mất nhiều ngày. Trong thời gian ấy, một cô ở gái cờ tìm thấy trong túi chiếc áo cô mặc hôm xảy ra tội ác, bức ảnh nhỏ của mẹ tôi mà em William đeo ở cổ, vốn dĩ được coi là vật hấp dẫn kẻ giết người gây án. Cô ở gái lập tức đem cho một cô khác xem, và cô này không nói gì với gia đình mà đến gặp ngay thẩm phán; và theo lời khai của họ, Justine bị bắt. Khi nghe chất vấn về chuyện đó, cô gái đáng thương càng khẳng định thêm sự nghi ngờ bởi thái độ xử sự vô cùng hỗn loạn.

Thật là một câu chuyện kỳ quặc, nhưng nó không làm lay chuyển lòng tin của tôi chút nào, tôi hăm hở nói ngay:

“Tất cả nhầm hết rồi. Anh biết kẻ sát nhân là ai. Justine tội nghiệp, cô bé tốt bụng, cô vô tội.”

Đúng lúc này cha tôi vào. Tôi thấy nỗi bất hạnh đã để lại dấu ấn hằn sâu trên mặt ông, nhưng ông cố tỏ ra mừng rỡ đón tôi; và sau khi chào hỏi nhau đầy sầu não, ông đã định chuyển sang đề tài khác ngoài tai họa của chúng tôi nếu Ernest không kêu lên:

“Cha này, trời ơi! Anh Victor bảo là anh ấy biết kẻ giết bé William đấy!”

“Chúng ta đều biết cả, bất hạnh thay,” cha tôi đáp, “vì thà cha không bao giờ biết còn hơn thấy một người cha đánh giá cao như thế lại hóa ra vô ơn sa đọa như thế.”

“Cha thân yêu ơi, cha nhầm rồi, Justine vô tội.”

“Nếu vô tội, Chúa sẽ không bắt cô ta phải chịu đau đớn vì bị coi là phạm tội. Hôm nay xử cô ta đấy, cha hy vọng, thành thật hy vọng cô ta sẽ được tha.”

Lời cha tôi khiến tôi yên lòng. Tôi thực sự tin chắc trong tâm khảm là Justine, hay đúng hơn là bất kể kẻ nào thuộc giống người, đều không phạm tội trong trường hợp này. Vì thế tôi không hề nghĩ người ta có thể tìm thấy bất cứ chứng cớ nào đủ mạnh để kết án cô. Câu chuyện của tôi thì không thể nào kể công khai ra được; tính khủng khiếp đáng ngạc nhiên của nó sẽ bị đám người thô thiển coi là chuyện điên rồ. Ngoài tôi, kẻ đã sáng tạo ra hắn, liệu có ai trên đời này tin được rằng – trừ phi được chính những giác quan của anh ta khẳng định – quả thực đang tồn tại cái tượng đài sống tôn vinh sự kiêu căng và ngu si liều lĩnh mà chính tay tôi đã thả chạy rông?

Ngay sau đó thì Elizabeth vào gặp chúng tôi. Thời gian làm nàng thay đổi nhiều kể từ lần sau cùng tôi nhìn thấy nàng, nàng đáng yêu hơn gấp bao nhiêu lần so với sắc đẹp thời niên thiếu. Vẫn vẻ cởi mở, ngây thơ ấy nhưng kèm theo là nét nhạy cảm và thông minh hơn nhiều. Nàng đón chào tôi nhất mực âu yếm. “Anh họ ơi, anh về làm em tràn đầy hy vọng. Có lẽ anh sẽ tìm được cách biện minh cho sự vô tội của cô bé Justine. Hỡi ơi! Justine mà bị kết tội thì trên thế giới này còn ai được an toàn nữa? Em tin ở sự vô tội của cô như tin ở sự vô tội của chính mình vậy. Nỗi đau buồn của chúng ta đã bị nhân đôi lên, đã mất cậu bé cưng, rồi đến cô gái tội nghiệp mà em thực sự mến yêu này cũng sắp bị tước đi bởi một vận mạng còn rủi ro hơn nữa. Cô mà bị kết án thì trên đời này em sẽ không bao giờ còn vui lên nữa. Nhưng cô sẽ được tha, em tin chắc thế, lúc ấy em sẽ trở lại vui vẻ thôi, ngay cả sau cái chết đau buồn của em William bé bỏng.”

“Cô ta vô tội, Elizabeth thân yêu,” tôi nói, “và điều đó sẽ được chứng tỏ; đừng sợ gì hết, em cứ vui lên, cứ tin thế nào cô ta cũng được tha.”

“Anh tử tế bao dung làm sao! Ai cũng tin cô bé phạm tội làm em khốn khổ quá chừng, bởi em biết đó là điều không thể xảy ra được; và thấy ai cũng định kiến đến mức chết người như thế khiến em tuyệt vọng đến nản lòng,” và thế là nàng khóc.

“Cháu gái yêu quý,” cha tôi nói, “thôi đừng khóc nữa. Nếu quả cô ta vô tội như cháu tin tưởng, thì cháu hãy cứ yên tâm về phần luật pháp của ta, và về những điều bác sẽ làm để ngăn chặn bất kỳ một chút xíu bất công nào.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.