Gặp chính mình nơi miền đất tuyết

1. Lời mời thần bí đến từ Tây Tạng



Ngày 19 tháng 12 năm 2007, tôi nhận được một phong thư đề tên “Thất Hỉ”.

Câu chữ trên thư có phần hư ảo, đại ý muốn nói là “Nếu muốn tìm thấy chính mình, hãy đến Tây Tạng”.

Điều này đối với tôi rất hấp dẫn, bởi lẽ tôi thường không tìm được chính mình.

Nhất là sau khi xem bảng thông báo về cuộc thi.

Huống hồ Tây Tạng gần như là nơi thuần khiết nhất, thiêng liêng nhất trên thế giới, bao nhiêu người tha thiết ước mong.

Song suy xét đến việc tôi phải đi dạy, vẫn chưa chuẩn bị tâm lý thu xếp kỳ nghỉ, đành phải coi phong thư này như một quảng cáo mê người.

Khi tôi định điều tra từ phong thư xem rốt cuộc “Thất Hỉ” là thần thánh phương nào, thì một tấm vé máy bay rơi ra.

Từ Đài Bắc bay đi Hong Kong, rồi lại từ Hong Kong bay đến Thượng Hải, hơn nữa cái tên ở mặt trên của vé máy bay lại là tên tôi!

Giữa thời đại bịp bợm hoành hành này, tôi không có cách nào hồn nhiên ngây thơ mà tin đây là sự thật.

Nhưng hình như tấm vé máy bay này không phải là đồ giả, tôi bèn gọi điện thoại đến hỏi hãng hàng không, phát hiện ra có người đã giúp tôi đặt ổn thỏa chỗ trên máy bay đi Thượng Hải vào ba ngày sau.

Vé máy bay là đồ thật, chỗ trên máy bay cũng đã đặt, toàn bộ sự việc bắt đầu trở nên kỳ lạ.

Nhiều lần cân nhắc, kềm không nổi kích động, bấm số điện thoại trên thư.

Điện thoại vừa mới nối, đang chuẩn bị hỏi vì sao giúp tôi mua vé máy bay với đặt chỗ, thế mà bên kia đã mở miệng trước.

“Sàng cát xong chưa?” Nàng hỏi.

“Hả?” Tôi rất bối rối, “cô nói gì?”

“Anh nghễnh ngãng à?” Nàng nói, “tôi hỏi lại một lần nữa, đã sàng cát xong chưa?”

“Tại sao lại hỏi thế?”

“Nếu anh không trả lời được, trong vòng ba mươi giây vé máy bay trong tay anh sẽ tự động nổ tung.”

Hiện tại là thế nào đấy? Đang đóng phim “Nhiệm vụ bất khả thi” ư?

“Sau ba lần sàng, cuối cùng đã sàng xong hết rồi.” Tôi thuận miệng nói.

“Anh trả lời đúng rồi.” Nàng nói, “cho tôi biết số giấy thông hành [1] của anh.”

“Tại sao?”

“Đồng bào Đài Loan đến Tây Tạng phải xin phê chuẩn. Tôi có thể xin giúp anh.”

“Cô không phải đám bịp bợm chứ?” Tôi hỏi.

“Nếu tôi là đám bịp bợm, tôi sẽ thừa nhận ư?”

“Tất nhiên là không rồi.”

“Thế mà anh còn hỏi.”

Tôi do dự một chút, đứng dậy lấy giấy thông hành ra, đọc dãy số cho nàng.

“Tối ngày 22 tháng 12, tôi đã đặt phòng trong khách sạn Vạn Bảo ở Thượng Hải giúp anh.” Nàng nói.

“Đến phòng cũng đã đặt rồi!” Tôi không nén nổi khẽ thốt lên.

“Đúng vậy.” Nàng nói, “tiền cũng đã thanh toán.”

“Hả? “ Tôi bắt đầu lắp bắp, “chuyện này…”

“Còn vấn đề gì không?”

“Khách sạn có kèm bữa sáng không? “

“Hỏi chuyện có ý nghĩa chút đi!” Nàng bất chợt lớn tiếng.

“Được.” Tôi nói, “nếu tôi không đi thì sao? “

“Nếu anh không tới, trong vòng ba mươi giây vé máy bay trong tay anh sẽ tự động nổ tanh bành.”

“Cô vẫn xài câu cũ rích này!”

“Tóm lại,” nàng đi đến kết luận, “ba ngày sau gặp nhau ở Thượng Hải.”

Sau đó ngắt điện thoại.

Tuy cả sự việc có vẻ cổ quái, cũng lo đây là mánh khóe mới của mấy tay bịp bợm, nhưng thật sự không nghĩ ra tôi có thể bị lừa đi cái gì?

Chẳng lẽ bây giờ đám bịp bợm đã không thịnh hành trò lừa gạt tiền tài nữa, đổi sang con đường lường gạt tình cảm?

Sau một ngày cân nhắc, tôi quyết định nhận lời mời, đi viếng thăm quốc gia của chư Phật —— Tây Tạng.

Tôi hướng về phía nhà trường xin nghỉ bốn ngày, về nguyên nhân xin phép viết:

“Đến Thượng Hải để trao đổi văn hóa học thuật hai bờ eo biển Đài Loan, ra sức dốc lòng rút ngắn khoảng cách.”

“Thầy Thái.” Hiệu trưởng nói, “hoạt động này rất có ý nghĩa, bốn ngày không đủ.”

“A?”

“Tôi cho cậu thêm hai ngày nữa.” Hiệu trưởng cười, “hãy truyền bá trường ta thật hoành tráng vào nhé!”

“Vâng.” Tôi hơi cúi đầu, chột dạ.

Xin được sáu ngày nghỉ, tính cả mấy ngày thứ bảy chủ nhật, tổng cộng tôi có mười ngày nghỉ.

Mùa đông ở Tây Tạng chẳng phải chuyện đùa, tôi phải chuẩn bị thật ổn thỏa quần áo chống rét.

Đi nhà sách lục lục lọi lọi sách giới thiệu về Tây Tạng, cũng tiện thể mua một quyển sách về du lịch Tây Tạng.

Thiên nhiên Tây Tạng đẹp khỏi phải nói, tất cả những tranh vẽ hoặc ảnh chụp đều khiến Tây Tạng thoạt nhìn như thể chốn bồng lai.

Nhưng những người từng đi đều chọn ba mùa xuân, hạ, thu, chẳng có ai đi vào mùa đông.

Trong lòng tôi có chút thấp thỏm bất an.

Trước khi đi một ngày, tôi báo cho học trò biết tin sắp đi Tây Tạng.

“Thầy ơi, đừng lo lắng.” Học trò nói: “Bồ Tát nhất định sẽ phù hộ thầy.”

“Vì sao?” Tôi hỏi.

“Bởi vì thầy chưa bao giờ vượt trội hơn người, chắc hẳn đã tích rất nhiều âm đức.”

“Hy vọng là thế.”

“Nhớ phải quay về nhé thầy, tín chỉ học kỳ này của chúng em sẽ đợi thầy về cho đó.”

“Cố gắng hết mình.” Tôi nói.

“Trên đường cẩn thận nhé!”

“Phải bình an quay về nhé!”

“Phải khỏe mạnh và nguyên vẹn quay về nhé!”

Tiếng học trò rơi rớt trong gió lạnh cuối tháng 12, càng ngày càng nhỏ, càng ngày càng xa.

Than ôi, quá thê lương.

Kéo hành lý, ngồi trên máy bay đến Hong Kong, sau đó lại chuyển máy bay đến sân bay Phố Đông Thượng Hải.

Hỏi tuyến đường phương tiện giao thông công cộng ở quầy sân bay, ngồi trên xe bus đi vào nội thành Thượng Hải.

Xuống xe bus, đón taxi đến khách sạn Vạn Bảo.

Vào phòng, dỡ hành lý xuống, vừa mới vào phòng tắm rửa mặt, chuông cửa liền vang lên.

Tôi mở cửa phòng ra, một cô gái tóc ngắn trên dưới 30 tuổi đứng ở cửa.

“Cô chính là Thất Hỉ?” Tôi nói.

“Tôi không họ Thất.” Nàng nói, “tôi họ Nhiêu, tên là Nhiêu Tuyết Mạn. Là hướng dẫn viên du lịch.”

“Xin chào Nhiêu tiểu thư.”

Tôi dè dặt đọc từng chữ, để tránh đọc “Nhiêu” thành “Lão”.[2]

Tôi mời nàng vào phòng, nàng vừa mới đi vào phòng hai bước, đã hỏi:

“Cái tên Thất Hỉ này, khiến anh nghĩ đến điều gì?”

“Ờ…” Tôi nghĩ một chút, “một nhãn hiệu đồ uống. Tiếng Anh gọi là 7-UP.”

“Thế 7-UP đại diện cho cái gì?” Nàng lại hỏi.

“Công chúa Bạch Tuyết thoát y nhảy múa.”

“Hả?” Nàng trợn mắt.

“Chẳng phải ở bên công chúa Bạch Tuyết có bảy chú lùn sao?” Tôi nói, “họ đều là nam giới, cho nên khi công chúa Bạch Tuyết thoát y nhảy múa, họ sẽ có phản ứng sinh lý, thế là UP thôi.” [3]

“Anh…” Mặt nàng đỏ lên, cơ hồ nói không nên lời. Sau khi hít sâu một hơi, nói:

“Đây là đáp án của anh?”

“Ừ.” Tôi gật gật đầu, “vậy là tôi trả lời đúng rồi?”

“Vấn đề này không quan tâm đến đúng hay sai, chỉ là trắc nghiệm duyên phận của anh và Thất Hỉ mà thôi.”

“Vậy duyên phận của tôi và Thất Hỉ nhất định rất sâu, cho nên câu trả lời mới hay ho như thế.”

“Câu trả lời này quá dung tục!” Tiếng nàng bất chợt lại lớn lên.

Sau khi cố gắng để bản thân bình tĩnh, nàng cho tôi vé máy bay từ Thượng Hải bay đi Thành Đô, rồi từ Thành Đô bay đến Lhasa, thời gian là sáng ngày mai.

(Lhasa: Thủ phủ của Tây Tạng)

Còn có một tấm “Thư phê chuẩn đồng bào Đài Loan vào Tây Tạng”.

“Quả nhiên là ‘Tiễn Phật tiễn đến tận Tây Thiên’ á.” Tôi trêu.

(Ý là: đã giúp người thì giúp cho tới cùng).

“Đã mang theo thuốc chưa?” Nàng hỏi.

“Thuốc?” Tôi ngơ ngác, “thuốc gì?”

“Anh chưa nghe về ‘Phản ứng cao nguyên’ bao giờ à?” Nàng rất kinh ngạc.[4]

“Đã từng nghe.” Tôi nói, “nhưng chắc sẽ ổn thôi.”

“Mùa hè có lẽ cũng ổn, nhưng cao nguyên Tây Tạng vào đông vừa lạnh, lượng dưỡng khí có trong không khí lại chỉ có 60% so với trên đất bằng, có một số nơi thậm chí không đến 50%. Triệu chứng phản ứng cao nguyên sẽ càng kịch liệt hơn.”

“Tôi chẳng mang thuốc nào theo, làm thế nào bây giờ?”

“Chẳng thế nào cả.” Nàng nói, “dù sao đó cũng là nhân quả của anh.”

“Này.”

“Anh chỉ cần nhớ, lúc vừa mới tiến vào Tây Tạng, nhẹ nhàng thả lỏng động tác, làm chậm lại bước chân, thực hiện động tác nào cũng phải chậm rãi, chậm rãi bước đến. Sau này thích ứng rồi thì không thành vấn đề.”

“Ờ.”

“Còn một điểm quan trọng nhất, ba ngày trước khi tiến vào Tây Tạng, ngàn vạn không được tắm rửa.”

“Tại sao?”

“Nếu bị cảm mạo là nguy rồi. Vẫn chưa thích ứng được với khí hậu Tây Tạng, tắm rửa rất dễ bị cảm mạo.”

“Thật sự không thể tắm rửa?”

“Tôi giống nói chơi lắm à?” Nàng đanh mặt, “tôi đảm bảo sau khi tắm xong anh sẽ vào bệnh viện.”

“Ha ha ha…” Tôi phá lên cười.

“Cười cái gì?”

Thuở nhỏ trong nhà không có bình đun nước nóng, mùa đông khi muốn tắm bao giờ mẹ cũng đun một nồi nước sôi đưa vào buồng tắm.

Nhưng một nồi nước nóng nào có đủ? Vì thế thường phải run rẩy chờ nước nóng trong buồng tắm.

Bởi thế việc mà tôi ghét nhất khi còn bé, chính là tắm rửa vào mùa đông.

Không ngờ trên thế giới này còn có nơi mùa đông tuyệt đối không được tắm rửa, nơi ấy quả là thiên đường đấy nhỉ.

“Tôi nhất định sẽ tìm được chính mình ở Tây Tạng.” Tôi cười trông rất hạnh phúc.

“Có lẽ Thất Hỉ chọn sai người rồi.” Nàng tỉ mỉ quan sát tôi một hồi, sau đó nói:

“Anh phải qua một bài sát hạch nữa.”

“Sát hạch cái gì?”

Nàng lấy một quyển sách từ trong túi ra đưa cho tôi, nói: “Cẩn thận xem hết từng trang, từng chữ.”

Tôi mở trang đầu tiên ra, phát hiện ra chữ bên trong hoàn toàn không phải là chữ Hán.

“Không phải đánh giá nữa đâu, tôi hoàn toàn không thể qua.”

“Anh không cần đọc hiểu, anh chỉ cần xem là đủ rồi.”

“Chỉ cần xem?” Tôi nhíu mày, “xem không hiểu chữ, xem có ích gì?”

“Xem là được rồi!” Nàng nâng cao âm lượng.

Tôi không dám tranh luận nữa, cúi đầu, cấp tốc lướt qua từng chữ một, sau khi lướt hết lại lật trang.

Quyển sách này rất mỏng, chỉ có hơn 20 trang, nhưng chất giấy khá dai, màu vàng vàng, hơn nữa những đường vân trên giấy không hề có quy tắc, thậm chí còn có thứ gì đó giống như cây cỏ dính ở trên.

“Xem xong rồi.” Tôi trả lại sách cho nàng.

Sau khi đón nhận, nàng lại lấy từ trong túi ra hai món trông như bánh. Duỗi tay đưa qua, nói:

“Đây là món chính của người dân Tậy Tạng —— Tảm ba [5]. Anh ăn thử xem.”

“Cảm ơn.” Tôi không nhận lấy, “tôi rửa tay trước đã.”

“Rửa tay trước làm gì?”

“Ơ?” Tôi rất nghi hoặc, “rửa tay trước khi ăn rất là bình thường mà.”

“Không phải rửa đâu.” Nàng thu tảm ba vào trong túi, “anh đã qua sát hạch.”

“Hả?”

“Giấy của quyển sách này là giấy Tây Tạng, nguyên liệu chính của giấy Tây Tạng là một loại cỏ dại có độc gọi là Lang độc thảo [6], vì thế giấy Tây Tạng không sợ chuột côn trùng mối mọt cắn, cũng sẽ không mục nát. Dùng giấy Tây Tạng sản xuất kinh thư, cho dù qua ngàn năm vẫn vẹn toàn không tổn hao gì.” Nàng ngừng một chút, tiếp tục nói:

“Lang độc thảo đến cả sói cũng sợ, huống hồ là người. Anh vừa mới dùng ngón tay lật sách, nếu không rửa tay đã ăn luôn, e rằng…”

“E thế nào?”

“Chết thì không chết được, nhưng có lẽ sẽ bị tiêu chảy đấy.” Cuối cùng nàng nhoẻn cười, “tóm lại, chúc mừng anh. Anh đã qua sát hạch.”

“Cái này có phải là sát hạch gì đâu?” Tôi lớn tiếng kháng nghị, “đây chỉ là chỉnh người mà thôi!”

Nàng lờ tôi đi, thu dọn đồ đạc, nói:

“Tôi còn phải dẫn một đoàn du lịch, xuất phát chậm hơn anh một ngày. Có điều tôi đã bố trí người đến sân bay Lhasa đón anh.” Nàng nói, “anh thử tìm kiếm bản thân ở Tây Tạng, nếu vẫn không tìm thấy, có thể đến thôn trang dưới núi Chomolungma [7], có khả năng nhận được lời giải đáp.”

Sau khi nói xong, nàng để lại số điện thoại di động, rồi đi ngay.

Tôi đầy bụng nghi hoặc, ngồi bên giường trầm tư.

Đang lúc ngẩn ngơ, luồn ngón tay vào trong miệng khẽ cắn, đây là thói quen của tôi.

Sau đó trong đầu chợt lóe lên một tia sáng.

Ọe!

Lang độc thảo á!

*Chú thích:

[1] Nguyên văn là: 台胞证 (Đài bào chứng). Đây là tên viết tắt của một loại giấy thông hành cho phép cư dân Đài Loan qua lại Trung Quốc đại lục để tham quan, buôn bán…, do chính phủ nước Công hòa nhân dân Trung Hoa cấp phát.↑

[2] Nhiêu: 饶 – [rao]; Lão: 老 – [lao]. Dễ đọc nhầm, Lão là ‘Già” đấy.↑

[3] Tên tiếng Trung của 7-UP là Thất Hỉ (七喜) có nghĩa là 7 niềm vui. ↑

Truyện cười nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn cùng sự ra đời của 7-UP:

(Truyện cổ tích thế nào thì ai cũng biết rồi)

…. Và thế là nàng Bạch Tuyết ở lại trong rừng cùng với 7 chú lùn. Hàng ngày, 7 chú lùn đi vào hầm mỏ trong rừng sâu đào quặng. Bạch Tuyết ở nhà nấu nướng giặt giữ… thấm thoát đã được vài tháng.

Một hôm, Bạch Tuyết nổi hứng lên đòi đi theo các chú lùn chơi, gọi là “thay đổi không khí”. Các chú lùn vốn chiều nàng Bạch Tuyết, đồng ý ngay. Tất cả xếp thành một hàng dài hành quân vào rừng, vừa đi vừa hát “Hey ho…hey ho… to take the trouble go….” theo đúng như trong phim.

Đang đi, bỗng đâu có một khe suối hiện ra, nước trong veo, mát lạnh. Bạch Tuyết thích quá đòi xuống tắm. Bảy chú lùn không yên tâm để Bạch Tuyết ở lại một mình. Nàng đành bảo: “Thế bây giờ các chú quay mặt đi vậy, bao giờ ta tắm xong sẽ ném một hòn đá xuống suối “tủm” một phát”

Các chú lùn vốn thật thà, ngay lập tức xếp thàng hàng quay lưng lại phía suối, chú nọ trông chú kia. Bạch Tuyết được một mẻ tắm suối đê xê mê (giống như hồi còn ở hoàng cung được tắm bồn mà).

Vừa hay nàng tắm xong, đi lên bờ định mặc quần áo thì có một con ếch thấy động nhảy xuống suối “tủm” một cái!!! 7 chú lùn quay lại….

Thế là hãng nước ngọt 7 UP ra đời!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.