Gặp chính mình nơi miền đất tuyết

5. Lam Thiên Thích Bạch Mâu



Chuông báo động khẩn trong thang máy dường như đã mất đi tác dụng, nhấn mấy lần cũng không có hồi âm.

Cố gắng hét lên trong thang máy: “Có ai không! Cứu mạng với!”

Phía ngoài cũng không đáp lại.

Mở di động ra, một chút ánh sáng hiện lên, hơn nữa trong di động cũng còn tín hiệu.

Suy nghĩ một chút, chỉ có thể gọi điện thoại cho Nhiêu Tuyết Mạn.

“Tôi bị nhốt trong thang máy rồi.” Tôi nói.

“Đó là nhân quả của anh.” Nàng trả lời tỉnh bơ.

“Này!”

Nhiêu Tuyết Mạn gọi điện thoại đến quầy khách sạn, quầy cử người đến cửa thang máy.

“Bên trong có ai không?” Người ở phía ngoài nhè nhẹ đập lên cửa thang máy.

“Bây giờ có.” Tôi nói, “nhưng chẳng bao lâu nữa đâu, có thể sẽ biến thành quỷ.”

“Ngài nhẫn nại một chút nữa, chúng tôi đang khẩn cấp phát điện.”

20 phút sau, cửa thang máy mở.

Tôi bước ra ngoài thang máy, cô nương người Tạng ở quầy cho tôi một nụ cười áy náy.

Lạt Ma nhắc nhở tôi phải giữ thiện niệm ở trong tâm bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, bởi vậy tôi cũng không oán giận.

Tôi chỉ nói: “Úm Ma Ni Bát Mễ Hồng.”

Lại gọi điện thoại cho Nhiêu Tuyết Mạn, cảm tạ sự giúp đỡ của nàng.

“Ngày mai chúng tôi sẽ tới Nyingchi.” Nàng nói, “trên xe còn chỗ trống, cùng đi chứ.”

Tôi trả lời là được, sau đó ra ngoài ăn chút gì đấy lấp đầy bụng.

Ăn xong bữa tối quay lại khách sạn, không dám đi thang máy nữa, đành phải leo thang bộ trở về phòng.

Sáng sớm hôm sau, kéo hành lý ra cửa khách sạn đợi xe bus du lịch của đoàn Tuyết Mạn tới đón tôi.

“Buổi sáng tốt lành.” Cô nương người Tạng ở quầy trên mặt mang theo nụ cười.

“Úm Ma Ni Bát Mễ Hồng.” Tôi nói.

“Đó là Lục Tự Chân Ngôn, không phải là lời chào hỏi.” Nàng nói.

“Cô chấp nhất rồi.” Tôi cười cười.

“Định đi đâu chơi?” Nàng hỏi.

“Nyingchi.” Tôi nói.

“Đó là nơi có khí hậu tốt nhất Tây Tạng.”

“Ở đó sẽ không mất điện chứ?”

Nàng cười cười, nét mặt có chút ngượng ngùng.

“Tôi đùa đấy.” Tôi cũng cười cười.

“Đó là Kim Cương kết sao?” Nàng đột nhiên chỉ vào trước ngực tôi hỏi.

“Ừ.” Tôi nói, “do Lạt Ma đền Jokhang thắt.”

“Vậy thì nhất định anh có thể trông thấy núi Namcha Barwa.” Nàng nói.

Đang định hỏi núi Namcha Barwa là gì, thì đúng lúc xe tới.

Tây Tạng mùa đông, sau khi vào đêm nhiệt độ nhanh chóng rơi xuống dưới 0, sau khi mặt trời lên vẫn rất lạnh.

Đến tận sau hai giờ chiều, mới cảm thấy hơi hơi ấm áp.

Vừa lên xe tôi liền phát hiện ra một phần ba số nước khoáng để trên xe đã đóng băng hoàn toàn.

Mà dọc đường có thể thấy hố băng ở khắp nơi cũng như chứng kiến cái lạnh ban đêm.

Từ Lhasa đến Nyingchi ước chừng 400 cây số, phong cảnh khi di chuyển rất đẹp, nhưng tình hình giao thông trên quốc lộ Tứ Xuyên – Tây Tạng lại rất nguy hiểm.

Dọc đường có đi qua tỉnh Dagzê, nơi ở cũ của Songtsen Gampo —— đi qua tỉnh Maizhokunggar, tỉnh Gongbo’gyamda…

Cuối cùng xe chạy quanh giữa những rặng núi, mặt ngoài núi cũng không giống nhau, có khi giống lão già tóc trắng;

Có khi giống người hành hương mặc áo dài kiểu Tạng màu ngọc bích; có lúc lại như hiệp khách khí thế ngông nghênh.

Xe dừng lại nghỉ ngơi ở đèo Mira ở độ cao hơn năm ngàn mét so với mặt biển.

Bầu trời xanh vẫn thăm thẳm và trong trẻo, trên đỉnh núi lân cận ngập tràn tuyết đọng.

Cả ngọn đèo được che phủ bởi những phướn cờ cầu nguyện nhiều màu sắc vàng, lục, hồng, trắng, lam, một miền rừng cờ biển cờ.

Những phướn cờ cầu nguyện đón gió tung bay, nghe nói mỗi một lần tung bay mang ý nghĩa là một lần tụng kinh.

Tại đèo Mira gió thổi mãnh liệt này, tôi có thể đã nghe tiếng tụng kinh trên vạn lần.

Xe lặn lội đường xa, để giảm bớt rủi ro chết máy, bên trong xe vẫn không mở điều hòa.

Bởi vậy cho dù là ngồi trong xe, trên người vẫn võ trang đầy đủ, khăn quàng cổ, găng tay cũng không tháo xuống.

Giữa trưa lúc xuống xe ăn cơm trưa, vẫn đeo găng tay cầm đũa, cảm thấy có chút vụng về, giống dáng vẻ người nước ngoài mới bắt đầu học cách cầm đũa dùng cơm.

Đi mười mấy tiếng đồng hồ mới tới trấn Bayi —— thủ phủ của địa khu Nyingchi, qua đêm ở chỗ này.

Đây là một thị trấn mới hiện đại hoá, bộ mặt thị trấn cùng với Lhasa khác biệt rõ ràng, khí hậu cũng ấm áp hơn nhiều.

Sau khi ăn xong bữa tối tôi dạo bước trên phố một lúc, dần dần cảm thấy sự mệt mỏi của chuyến đi đường vất vả, bèn quay về khách sạn chui vào chăn đi ngủ.

Hôm sau dậy sớm, sau khi ăn sáng xong ra khỏi khách sạn, trên những ngọn núi chung quanh bồng bềnh chút mây trắng.

Đây là ngày thứ năm tôi tiến vào Tây Tạng, lần đầu tiên thấy mây trắng trên bầu trời xanh.

Nyingchi quả xứng đáng với danh hiệu “Giang Nam của Tây Tạng”, khí hậu ẩm ướt hơn nhiều, độ cao trung bình so với mực nước biển cũng “chỉ có” ba ngàn mét.

Bên ngoài khách sạn đậu một chiếc xe việt dã Jeep, một chàng trai trẻ tuổi đứng bên cạnh xe.

Tôi nghe thấy anh ta thở dài một hơi, miệng lẩm bẩm nói: “Âm một độ à.”

“‘Âm một độ’ là một quyển sách hay.” Tôi nói.

Anh ta hơi ngẩn người, sau đó cười cười, nói: “Đúng vậy.”

Tôi cùng anh ta hàn huyên bên xe, anh ta thoạt nhìn chỉ hơn 20 tuổi, trẻ tuổi và đẹp trai.

Anh ta nói anh ta là Hàn Hàn, là một tay đua xe, từ Thành Đô men theo tuyến quốc lộ Tứ Xuyên – Tây Tạng chạy đến đây.

Đợi ở Nyingchi đã ba ngày, vẫn không thấy rõ hình dáng núi Namcha Barwa.

“Núi Namcha Barwa?” Đây là lần thứ hai tôi nghe cái tên này.

Namcha Barwa là ngọn núi cao thứ mười lăm trên thế giới, cao 7782 mét so với mặt nước biển.

Năm 2005, đã được tạp chí “Địa lý quốc gia Trung Quốc” bình chọn là một trong mười ngọn núi nổi tiếng đẹp nhất Trung Quốc.

Sở dĩ lại có kết quả bình chọn như vậy, nguyên nhân chủ yếu là bởi tính khó gặp của nó.

Độ ẩm không khí ở núi Namcha Barwa lớn, khiến cho tầng mây sà xuống thấp, bởi thế tầm nhìn rất thấp.

Mọi người thường nói núi Everest một năm chỉ có 29 ngày tiếp nhận sự chiêm ngưỡng của thế nhân, nhưng số ngày có thể nhìn rõ ràng toàn cảnh núi Namcha Barwa, còn ít hơn cả núi Everest.

“Hai ngày trước tôi chỉ nhìn thấy bóng dáng mờ mờ của Namcha Barwa.” Hàn Hàn thở dài nói, “vừa nghe nói nhiệt độ trên núi Shergyla (Sắc Quý Lạp) là âm một độ, bầu không khí lại ẩm ướt, chỉ sợ sẽ có tuyết. Nếu vậy càng khó thấy núi Namcha Barwa.”

Tôi nhớ tới lời vị cô nương người Tạng kia khi rời Lhasa ngày hôm qua, bèn nói:

“Đừng lo. Hôm nay nhất định có thể nhìn thấy núi Namcha Barwa.”

“Vì sao?” Hàn Hàn rất nghi ngờ.

Tôi chỉ vào Kim Cương kết trước ngực, kể cho anh ta nghe chuyện bái kiến Lạt Ma đền Jokhang.

“Anh có thể cùng tôi đi ngắm núi Namcha Barwa không?” Hàn Hàn hỏi.

“Có gì không thể.” Tôi nói.

Hàn Hàn mừng lắm, mời tôi lên xe, chúng tôi liền xuất phát.

Xe bắt đầu leo lên núi Shergyla, trên đường vượt qua núi Shergyla có thể trông về núi Namcha Barwa ở phía xa.

Mới đầu trên núi vẫn còn mây mù vấn vít, đi một hồi tầng mây dường như tản đi đôi chút.

Chúng tôi vừa thưởng thức cảnh đẹp xung quanh vừa tán gẫu, tâm tình thật vui sướng.

Bỗng đột nhiên, Hàn Hàn hét lên một tiếng, sau đó đậu xe ở bên đường, mở cửa xe chạy ra ngoài.

Tôi cũng rời xe theo, chỉ thấy một ngọn núi tuyết trắng đột nhiên sừng sững trước mắt.

Đó chính là núi Namcha Barwa.

Núi Namcha Barwa cùng với nơi tôi đứng, chênh lệch thẳng đứng hơn bốn ngàn mét.

Đối với người ngửa mặt quan sát mà nói, loại rung động thị giác này là vô cùng mãnh liệt, bởi vậy càng có thể cảm thụ cái gọi là độ cao và sự hùng vĩ của ngọn núi.

Lúc này là khoảng 11 giờ sáng, bầu trời chỉ là một màu xanh đơn thuần, không có chút mây trắng nào, không khí thanh tịnh.

Toàn cảnh núi Namcha Barwa nhìn không bỏ sót gì, không hề che giấu.

 “Bõ công! Bõ công quá!” Hàn Hàn rất phấn khởi, “có quẳng xe đi cũng đáng.”

Hàn Hàn vừa reo vừa nhảy, lấy chân giá từ trên xe xuống, ra sức chụp ảnh.

Tôi lẳng lặng lĩnh hội loại rung động thị giác này, một phần nào đó trong cơ thể như đã bay về phía núi Namcha Barwa.

Tôi chợt nhớ tới câu “Lam thiên thích bạch mâu” này.

Cách đó không xa có một người hành hương đang tam bộ nhất bái, phủ phục cả thân người sát đất dọc đường, từ trên núi đi xuống.

Loại phương thức dập đầu bái lạy dọc đường vòng quanh thần sơn trong tâm này, hẳn là cái gọi là “Chuyển sơn”.

Khi anh ta qua trước mặt tôi, tôi thoáng nhìn qua, bề ngoài anh ta trông giống người Hán.

Không biết lần thứ mấy ngàn hay mấy vạn phủ phục trên mặt đất rồi lại bò dậy, anh ta bỗng nhiên ngừng động tác.

“Đó là Kim Cương kết sao?” Mặt anh ta hướng về phía tôi.

Tôi gật đầu.

Dường như Hàn Hàn cũng hiếu kỳ về người hành hương này, bèn đi tới hỏi thăm.

Người hành hương này tên là Lộ Kim Ba, là nhà xuất bản nội địa.

Một năm trước đến Tây Tạng, sau đó bị những người Tạng dập đầu bái lạy làm cảm động sâu sắc, cũng bắt đầu dập đầu bái lạy.

Một năm nay vòng quanh thần sơn chuyển sơn, vòng quanh thánh hồ chuyển thủy, để cầu phúc cho ruộng nương cùng thế giới.

Lộ Kim Ba rất hứng thú với Kim Cương kết, tôi cũng nói qua cho anh ta lời Lạt Ma đền Jokhang.

“Các anh có biết ý nghĩa của Namcha Barwa trong tiếng Tạng không?” Lộ Kim Ba hỏi.

“Không biết.” Tôi và Hàn Hàn cùng nhau lắc đầu.

“Ý nghĩa của Namcha Barwa, chính là cây giáo đâm thẳng lên trời xanh.”

“A?” Tôi rất đỗi kinh ngạc, không khỏi quay đầu lại nhìn thoáng qua núi Namcha Barwa.

Tôi bỗng hiểu ra, đây chính là “Lam thiên thích bạch mâu”.

“Vậy thì khô liễu phi kim y đâu?” Tôi hỏi.

“Tôi cũng không biết.” Lộ Kim Ba lắc đầu, lại nói: “nhưng mà nửa năm trước tại chùa Tashilumpo (chùaTrát Thập Luân Bố) ởShigatse, tôi lại có ấn tượng sâu sắc với cây liễu cao nguyên phía ngoài chùa.”

Tôi ghi nhớ cái tên Tashilumpo này, dự định sẽ đến.

“Có thể mời anh chúc phúc cho tôi không?” Lộ Kim Ba nói.

“Trát Tây Đức Lặc.” Tôi chắp hai tay lại.

“Cảm ơn.”

Lộ Kim Ba gật đầu, sau đó xoay người tiếp tục tam bộ nhất bái, hướng xuống phía dưới núi dập đầu bái lạy.

“Nhớ phải trả tiền nhuận bút cho tác giả đúng hạn đấy!” Hàn Hàn hướng về phía bóng lưng anh ta hét to.

Hàn Hàn đã hoàn thành tâm nguyện thưởng thức núi Namcha Barwa, muốn đi về phía Tây đến Lhasa, mời tôi đồng hành.

Tôi nghĩ hội Nhiêu Tuyết Mạn sẽ nán lại Nyingchi chơi ba ngày, liền quyết định cùng Hàn Hàn quay về Lhasa.

Dọc đường thỉnh thoảng lại gặp dân Tạng dập đầu bái lạy dọc theo quốc lộ, giữa sơn đạo chạy dài, bóng dáng họ nhìn như cô đơn, nhưng trong mắt tôi lại rất vĩ đại.

Tôi và Hàn Hàn đều cảm thấy, đây là cảnh tượng khiến người ta cảm động nhất mà chúng tôi chứng kiến ở Tây Tạng.

Hàn Hàn dù sao cũng là tay đua xe, đường về Lhasa nhanh hơn nhiều.

Khi tôi nhắm mắt nghỉ ngơi, cảnh tượng núi Namcha Barwa liền hiện lên trong óc.

Xe bất chợt xóc nảy dữ dội, tôi liền mở mắt ra.

“Ở đây đang sửa đường.” Hàn Hàn nói.

Quan sát xung quanh, phát hiện ra là công trình của cục tài nguyên nước, xem chừng là khởi công xây dựng nhà máy điện.

Vốn không để tâm, lại nhắm mắt lại, nhưng cây giáo trắng trong đầu bất chợt đâm thủng trời xanh.

Tôi hiểu rồi.

Lượng nước ở thượng du sông ngòi Tây Tạng thường có từ tuyết tan, mùa đông thời tiết lạnh, lượng tuyết tan ít.

Hơn nữa mùa đông Tây Tạng lượng mưa so với mùa hè ít hơn nhiều, bởi vậy mực nước sông ngòi mùa đông rất thấp.

Tây Tạng chủ yếu dựa vào phát điện bằng sức nước, mùa đông mực nước thấp, lượng nước ít, lượng điện phát ra đương nhiên càng nhỏ;

Nhưng vì mùa đông phải thường xuyên mở thiết bị sưởi, lượng điện cần lớn hơn so với mùa hè.

Điều này nói lên rằng lượng điện phát ra của Tây Tạng vào mùa đông phát hoàn toàn không đủ, vì thế phải nhanh chóng xây dựng nhà máy điện, cũng giải thích vì sao lần này tôi ở Lhasa hàng ngày đều gặp phải cảnh mất điện.

Dường như tôi đã hiểu ra điều gì, nhưng hình như cũng đã bắt đầu lo lắng điều gì đó.

Có điều là điện phát bằng sức nước là năng lượng sạch, sẽ không gây ra ô nhiễm môi trường, hẳn là có thể yên tâm.

Nhưng trong lòng vẫn mơ hồ cảm thấy bất an.

8 giờ rưỡi tối trở lại Lhasa, cảnh đêm ở cung điện Potala vô cùng rực rỡ.

Chúng tôi tìm một quán món cay Tứ Xuyên (thực ra đồ ăn ở nội địa Tây Tạng hầu như đều là món cay Tứ Xuyên) ăn lẩu cay.

Khi ăn no đến tám phần, nhân viên phục vụ đi tới nói:

“Sau mười phút nữa sẽ mất điện, có thể mời các anh trả tiền trước không?”

Hàn Hàn cảm thấy rất khoa trương, nhưng tôi đã không còn thấy ngạc nhiên khi gặp chuyện quái dị nữa rồi.

Hàn Hàn trẻ tuổi, thân thủ khá là nhanh nhẹn, tốc độ móc ví nhanh hơn tôi nhiều.

Bởi lẽ anh ta rất biết kiếm tiền, người lại đẹp trai, nếu không để cho anh ta mời khách, anh ta sẽ tổn thọ.

Lạt Ma nhắc nhở tôi, phải giữ được thiện niệm trong tâm, bởi thế tôi ôm ấp tấm lòng từ bi nhường cho anh ta mời khách.

Tôi đề nghị Hàn Hàn đến đầu bên kia của Lhasa tìm khách sạn.

“Vì sao?” Anh ta hỏi.

“Nếu tôi đoán không lầm, Lhasa sẽ áp dụng chính sách luân phiên cắt điện.” Tôi nói.

Chúng tôi quả nhiên tìm được một khách sạn ở khu vực không mất điện, sau khi chúc nhau ngủ ngon, liền vào phòng nghỉ ngơi.

Dù có thể bật thiết bị sưởi khi ngủ, nhưng tôi lại có chút trằn chọc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.