Gặp chính mình nơi miền đất tuyết

7. Gặp gỡ chính mình



Bởi vì kinh ngạc, tôi mãi nói không nên lời.

“Thố Tông Tự xây dựng vào những năm cuối đời Đường, đã có hơn một ngàn năm lịch sử.” Lạt Ma nói, “anh rất ngạc nhiên vì Thố Tông Tự lại có nhiều năm lịch sử như vậy ư?”

“Không ạ, con không thấy ngạc nhiên về lịch sử của Thố Tông Tự.” Tôi lấy lại tinh thần, nói: “Mà bởi vì Ba Tùng Thố Trung Thố.”

“Ba Tùng Thố Trung Thố?”

Tôi không nghĩ ngợi nhiều, trực tiếp kể cho thầy nghe nguyên do tôi nhận được thông điệp Ba Tùng Thố Trung Thố này.

Thậm chí còn kể chuyện Lam Thiên Thứ Bạch Mâu, Khô Liễu Phi Kim Y, hai câu đã khiến tôi cảm nhận được ý nghĩa đặc biệt của việc làm kỹ sư công trình thuỷ lợi trong cuộc đời này.

“Anh chấp tướng rồi.” Lạt Ma sau khi nghe xong, nói.            

“Chấp tướng?” Tôi rất hoang mang.

“Phải.” Thầy gật đầu, “chấp tướng chính là ma, ly tướng mới là Phật.”

“Dạ?”

“Có thể cho tôi xem ảnh chụp không?” Thầy hỏi.

Tôi lập tức đưa cho thầy tấm ảnh chụp bích hoạ tượng Phật ở cung Potala kẹp trong giấy thông hành.

“Vòng tròn ánh sáng ở đây, có hai cái.” Tôi dùng ngón tay chỉ vào vị trí cằm tượng Phật, “Lạt Ma đền Jokhang nói, mỗi một vòng tròn ánh sáng đại diện cho một pho tượng Phật.”

“Vòng tròn ánh sáng ở đâu vậy?” Thầy nói, “tôi không nhìn thấy.”

“Rõ ràng ở ngay đây mà.” Tôi lại chỉ lần nữa.

“Vẫn không nhìn thấy.” Thầy nói.

Tôi quá đỗi kinh ngạc, sững sờ tại chỗ không biết phải làm sao. 

“Tâm tại Bồ Tát, tức thành Bồ Tát. Tâm tại Phật, tựu thành Phật.” Thầy mỉm cười, “Phật và Bồ Tát chỉ ở trong tâm, sao có thể ở trong ảnh chụp chứ?”

Môi tôi hé mở, dường như đã hiểu điều gì, lại giống như còn mông lung điều gì.

“Phật và Bồ Tát đều từ bi, nếu Phật và Bồ tát hữu duyên với mình, sẽ sinh lòng yêu thích, chứ không sinh tâm cố chấp và lòng vọng tưởng. Người nhà Phật hướng tới sự thanh tịnh bình đẳng, đã có sự phân biệt thì sẽ không bình đẳng, đã sinh chấp niệm hoặc vọng tưởng, thì sẽ không thanh tịnh.”

“Dạ.” Tôi chắp hai tay trước ngực, “Con đã hiểu.”

“Trong Tâm kinh có nhắc tới Ngũ uẩn giai không, coi tất cả đều là “không”, nhưng lại không câu nệ cái “không”. Đến cuối cùng ngay cả “không” cũng bỏ đi.” Thầy mỉm cười, nói tiếp:

“Đây cũng chính là điều được nhắc tới trong “Kim Cương kinh”: Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm*.”

Tôi như vừa tỉnh cơn mê, không nén nổi thốt ra:            

 “Sư phụ, con đã hiểu.”

* Đừng để tâm mình vướng vào bất cứ đâu.

“Quan niệm về sinh tử của người Tây Tạng rất phóng khoáng, sống và chết cũng giống như bên trong và bên ngoài của một căn phòng, mặc dù không gian khác biệt, nhưng lại thuộc cùng một thế giới. Cái gọi là sinh tử thực ra chính là đi từ trong phòng ra ngoài phòng, hoặc từ ngoài phòng đi vào trong phòng mà thôi, không cần phải chuyện bé xé ra to.”

“Dạ.” Tôi gật đầu, tỏ ý đã hiểu.

“Trong quá trình luân hồi, có lẽ ở một thời đại nào đó, một gian chùa nào đó, chúng ta đã từng cùng nhau tụng kinh, cùng nhau lễ Phật, hơn nữa anh còn là sư huynh dẫn dắt tôi.” Thầy khẽ mỉm cười, tiếp tục nói:

“Cho nên, ‘sư phụ’ cũng là ‘không’.”

Lạt Ma sau khi nói xong, gật đầu rồi bước đi.

“Trát Tây Đức Lặc.” Thầy đi vài bước, xoay người, ý tứ sâu xa nói:

“Sư huynh, đã lâu không gặp.”

Tôi bỗng nhiên có chút xúc động, viền mắt hơi nóng lên, không nói ra được lời nào.

Thầy chăm chú nhìn tôi một lúc, cười cười rồi lại xoay người rời đi.

“Vị Lạt Ma này lạ quá.” Thạch Khang đến gần bên tôi.

“Hả?” Tôi lấy lại tinh thần.

“Phật pháp ngài ấy giảng hình như là Hiển Tông, không giống Mật Tông Hồng giáo.”

“Cái gì là Hiển Tông? Mà cái gì là Mật Tông?” Tôi cười cười, nói tiếp:

“Anh Thạch, anh không chỉ chấp nhất, mà còn nảy sinh tư tưởng phân biệt đấy nhé.”

Thạch Khang cười ha hả, vỗ vỗ vai tôi.

Bí ẩn đã được giải đáp, mà quay về Lhasa còn một đoạn đường lớn, chúng tôi liền rời Ba Tùng Thố.

Trên đường về, tâm trạng tôi và Thạch Khang đều rất nhẹ nhõm, có cảm giác chiếc xe cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.

Thạch Khang mở cuốn CD, bên trong có bài “Cô nương! Khúc Cát Trác Mã”.

Cô nương Khúc Cát Trác Mã

Cô nương Khúc Cát Trác Mã

Em thuần khiết như đóa hoa sen

Em thiện lương như Độ Mẫu

Em vì yêu mà tới thế giới này

Em chưa từng đến bên tôi

Trời đã tối hẳn, trên bầu trời đêm ánh sao lấp lánh, còn cách Lhasa một tiếng đồng hồ xe chạy nữa.

Thạch Khang kêu đói bụng, trên xe còn dư một ít tảm ba cùng thịt bò khô có thể ăn tạm, liền dừng xe lại.

“Bình thuỷ này rất tốt.” Thạch Khang cười nói, “trà bơ vẫn còn nóng .”

Chúng tôi ngồi bên đường, ăn bữa tối dưới trời sao lấp lánh.

“Quay về Đài Loan rồi, anh sẽ không được thấy bầu trời sao tuyệt đẹp như thế này nữa.” Thạch Khang nói.

“Đúng vậy.” Tôi thở dài.

“Anh chấp nhất rồi.”

“Đúng vậy.” Tôi cười ha hả.                    

Khoảng mười giờ tối về đến Lhasa, Thạch Khang đưa tôi về khách sạn.

“Anh may thật đấy, vừa mới có điện xong.” Cô nương người Tạng ở quầy cười nói:

“Anh không cần phải nói Án Ma Ni Bát Mê Hồng nữa.”

“Vậy đêm nay không phải chịu rét rồi.” Tôi cười cười.

Tôi và vị cô nương người Tạng này đơn giản trò chuyện vài câu, nàng nói nàng tên là Trác Mã.

“Thật là khéo, tôi vừa mới nghe một bài hát có tên là “Cô nương! Khúc Cát Trác Mã”.” Tôi cười nói:

“Nhân vật chính trong bài hát ấy là cô sao?”

 “Anh thử đứng trên phố hét to một tiếng: Trác Mã mà xem!” Nàng cười rất vui vẻ, “nhất định sẽ có rất nhiều cô nương người Tạng quay đầu lại.”

“Ô?”

Nàng giải thích, “Trác Mã” trong tiếng Tạng có nghĩa là “Độ Mẫu”.

Trong Phật giáo Tạng truyền có rất nhiều hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, Độ Mẫu là bậc bản tôn cứu khổ cứu nạn do Bồ Tát hóa thân.

Độ Mẫu có cả thảy hai mươi mốt Pháp Tướng, tức hai mươi mốt Độ Mẫu, thường gặp nhất là Lục Độ Mẫu và Bạch Độ Mẫu.

Độ Mẫu được dân chúng khắp đất Tây Tạng kính ngưỡng, cũng là nữ Bồ Tát gần gũi với tín đồ nhất trong tâm tưởng người Tạng.

“Cho nên cô nương tộc Tạng thường lấy tên là ‘Trác Mã’.”       

“Thì ra là thế.” Tôi nói, “vậy thì các cô gái Đài Loan thường lấy tên là A Hoa.”

“A Hoa?”

“Người Đài Loan thường dùng hoa tươi cúng Phật và Bồ Tát, thực ra hoa tươi này không phải để Phật và Bồ Tát ngắm, mà dùng để nhắc nhở chính mình. Bởi vì có câu ‘đơm hoa kết quả’, cho nên ‘hoa’ nhắc nhở bản thân về sự tồn tại của nhân quả, phải gieo thiện nhân, mới có được thiện quả. Vì thế con gái Đài Loan thường có tên là A Hoa.”

“Anh nghiêm túc? Hay là giỡn chơi?”                         

“Cô chấp nhất rồi.” Tôi nói.

“Ngày mai rời Tây Tạng?” Trác Mã hỏi.

“Ừ.” Tôi gật đầu.

“Mai là ngày 31 tháng 12, anh trở về phải đáp ba chuyến bay, về đến Đài Loan hẳn là rạng sáng Nguyên Đán.”

Trác Mã nói, “vừa khéo là một khởi đầu mới.”

“Ừ nhỉ.” Tôi cười cười, “thật là khéo.”

Tôi nói câu chúc ngủ ngon, định bụng quay về phòng. Trác Mã ở phía sau lại nói:

“Hành trình đến Tây Tạng lần này, anh sẽ cho rằng bản thân đã mơ một giấc mộng, hơn nữa còn ở trong giấc mộng tìm thấy chân ngã, từ nay được hồi sinh.”

Tôi xoay người nhìn nét mặt của Trác Mã, thật tường hòa, giống như Bồ Tát đang lim dim đôi mắt.

“Cô không phải là cô nương Trác Mã.” Tôi chắp tay trước ngực, “cô là Độ Mẫu Trác Mã.”

Về đến phòng, tôi gọi điện thoại cho Nhiêu Tuyết Mạn, nói ngày mai tôi muốn rời Tây Tạng.

Nhiêu Tuyết Mạn nói đoàn du lịch của nàng ngày mai cũng rời đi, nàng có thể tiện đường đưa tôi đến sân bay.

Tôi nhờ nàng giúp tôi giải quyết vấn đề chỗ ngồi trên máy bay, nàng nói không thành vấn đề.

Cúp điện thoại, tôi bắt đầu thu dọn hành lý.

Thu dọn xong nằm trên giường, cẩn thận thưởng thức từng chút việc đã xảy ra trong tám ngày qua nơi cao nguyên Tuyết Vực.

Sáng sớm hôm sau, kéo hành lý đợi ở đại sảnh khách sạn.

Thạch Khang tới trước, mang đến tặng tôi hai hộp hương trầm Tây Tạng Nyêmo.

“Đây là đồ hảo hạng.” Thạch Khang cười.

“Anh còn phải đến Everest, hi vọng kim cương kết có thể bảo vệ anh dọc đường bình an.”

Tôi đưa chiếc khăn ha-đa vẫn luôn đeo trên người cho Thạch Khang.

Xe đã tới, Trác Mã hướng về phía tôi vẫy vẫy tay, lại còn nói: “Án Ma Ni Bát Mê Hồng.”

“Đây là Lục Tự Chân Ngôn đó.”

“Anh chấp nhất rồi.” Trác Mã nở nụ cười.

Tôi cũng cười, vẫy vẫy tay chào tạm biệt nàng.

Thạch Khang khăng khăng đòi lên xe tiễn tôi một đoạn đường cuối cùng.

“Đừng cố chấp nữa.” Tôi nói.

“Anh cũng đừng cố chấp không muốn tôi đi tiễn.” Thạch Khang nói.

“Anh mà lên xe là phải thu tiền.” Nhiêu Tuyết Mạn bảo Thạch Khang.

“Tôi tỉnh ngộ rồi.” Thạch Khang cười cười, vỗ vỗ vai tôi, “lên đường bình an, hẹn gặp lại.”

Sau khi xe chạy, Nhiêu Tuyết Mạn ngồi bên cạnh tôi.

“Anh khẳng định anh không cần đi Everest?” Nàng hỏi.

“Ừ.” Tôi rất quả quyết, “tôi muốn về Đài Loan, không đi Everest nữa.”

“Tại sao không đi?” Dường như nàng rất ngờ vực.

“Tại sao phải đi?” Tôi ngược lại cười cười.

“Anh tìm được chính mình rồi?” Nàng lại hỏi.

“Cứ cho là vậy đi.” Tôi nói, “với lại từ nay trở đi tôi sẽ không lạc lối, cho nên không cần phải tìm kiếm.”

“Thật vậy chăng?”

“Cô chấp nhất rồi.” Tôi cười cười.

“Chúc mừng anh.” Nhiêu Tuyết Mạn nói, “anh quả thực không cần phải đến Everest nữa.”

“Nhưng tôi vẫn không biết Thất Hỉ là ai?”

“Đừng chấp nhất.” Nàng nói, “anh biết bản thân là ai là đủ rồi.”

“Tôi có thể chấp nhất một lần cuối cùng không?”

“Sao?”

“Bảo Thất Hỉ giúp tôi chi tiền vé máy bay về Đài Loan đi.”

“Đây không phải là chấp nhất!” Nàng lớn tiếng nói: “Đây là được voi đòi tiên!”

“Đùa thôi mà.” Tôi cười cười.

Đến sân bay Lhasa Gonggar, Nhiêu Tuyết Mạn lấy một tờ giấy ra muốn đưa cho tôi.

Tôi nói chờ một chút, sau đó đeo găng tay vào trước khi nhận lấy.

Tôi đoán không lầm, quả nhiên là giấy Tây Tạng.                        

Trên giấy viết:

Một ngày kia, tôi nhắm mắt giữa khói hương nơi đền điện, chợt nghe thấy, câu chân ngôn trong lời tụng của người.

Một tháng ấy, tôi quay tất cả bánh xe cầu nguyện, đâu vì siêu độ, chỉ để chạm vào đầu ngón tay người.

Một năm kia, tôi phủ phục dập đầu bái lạy trên đường núi, đâu vì hướng Phật, chỉ để kề bên hơi ấm của người.

Một đời đó, tôi qua núi qua sông qua tháp Phật, đâu vì luân hồi, chỉ vì giữa đường cùng người gặp gỡ.

—— Thương Ương Gia Thố

~ End ~


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.